Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh — hai kiểu nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX

Văn Việt: Bài viết sau đây của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn có thể sẽ được bàn cãi về phương diện tiêu chí đánh giá nhân vật lịch sử, nhưng vấn đề từ đó được ông đặt ra mang tính thời sự thiết yếu: tầng lớp gọi là “tinh hoa” của dân tộc hãy suy nghĩ thấu đáo về con đường mà dân tộc đã đi, đang đi và sẽ phải tỉnh táo lựa chọn trong tương lai để có thể thực sự thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu ngàn năm mà đến nay vẫn… chưa nhìn thấy triển vọng thoát được nếu cứ mãi say sưa với “chiến tích cách mạng” mà không quyết “khai dân trí” học theo các nước văn minh!

Vương Trí Nhàn

Đầu Pháp chính phủ thư tức Thư gửi toàn quyền Beau, Đông Dương chính trị luận, Thư thất điều … Lâu nay, nói tới Phan Châu Trinh, người ta thường chỉ được biết các luận văn ấy. Song, có một tài liệu theo tôi đáng gọi là chìa khóa để đi vào hiện tượng Phan Châu Trinh, đó là bài viết Pháp Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam (tạm dịch Nước Việt Nam mới sẽ như thế nào sau khi Pháp — Việt liên hiệp, dưới đây tôi gọi tắt là Liên hiệp hậu). Bài này vốn có trong Phan Châu Trinh tuyển tập của Nguyễn Văn Dương, in ra ở NXB Đà Nẵng 1995; sau được Vĩnh Sính giới thiệu kỹ hơn trong một bài in trong cuốn sách Từ Đông sang Tây H.2005 và trên mạng Diễn đàn 2007. Theo các nhà nghiên cứu trên, Liên hiệp hậu là một bản thảo được khởi thảo vào khoảng 1910. Nội dung tác phẩm hết sức phong phú, như có đoạn nói về lịch sử giao thiệp VN với Trung Quốc, lịch sử giao thiệp giữa nước Nam với nước Pháp; nhưng nhiều phần — mà là những phần chính có liên quan tới nội dung chính nêu trong tiêu đề — chưa hoàn thành. Nhưng ngay ở dạng như hiện nay thì Liên hiệp hậu vẫn là một văn bản quý, giúp hậu thế hiểu chính cương đường lối hoạt động của cụ Tây Hồ. Ngoài ra Liên hiệp hậu cũng có những phần được viết đọc rất thú vị, là phần ông nói về mình, trong sự phân biệt với Phan Bội Châu.

Khi miêu tả các nhà hoạt động xã hội, các nhà cách mạng được nhiều người biết tiếng –, các tài liệu ở ta thường chỉ đi vào khuynh hướng chính trị của người ấy. Phần cá tính bị lảng tránh. Khi nói cá tính,ý chúng tôi muốn nói tới từ sự xuất thân, quê hương gia đình, cho tới học vấn cách biểu lộ tình cảm, cách hiểu về ý nghĩa đời sống, quan niệm về hành động về hạnh phúc của một con người. Miễn là biết cách phân tích, người ta sẽ thấy cái phần gọi là cá tính này thực ra mang rất nhiều yếu tố xã hội. Và đó là phương hướng chi phối cụ Tây Hồ khi viết về cụ Sào Nam.

Phan Châu Trinh viết Liên hiệp hậu sau khi ở tù ra. Ở tù sau mấy cuộc binh biến và dân biến thất bại. Ông lấy bản thân và các đồng chí ra để phân tích. Với ông, cắt nghĩa các biến động đó, cũng là một cách xác định lại đường hướng tư tưởng của mình. Người đọc cảm thấy tác giả có một sự thôi thúc muốn “gọi sự vật bằng cái tên của nó”, tức phải viết ra bằng được điều mình đã tâm niệm, để trình với lịch sử.

MỘT ĐIỂN HÌNH CỦA NGƯỜI CÁCH MẠNG ĐẦU THẾ KỶ XX

Sự sáng suốt và chừng mực của Phan Châu Trinh là ở chỗ bao giờ viết về Phan Bội Châu ông cũng theo lối đề cao chỗ mạnh chỗ khả thủ, để rồi liền sau đó mới đi vào đào cùng tát cạn nói bằng hết những nhược điểm nó là chỗ không thể chấp nhận được của đối tượng.

Phan Bội Châu là người rất có chí khí có nghị lực, nhẫn nhục dám làm; có điều tin vào thì không chịu bỏ, dẫu có sấm sét cũng không đổi. Nay sĩ phu khắp nước chưa ai có thể ví với ông ấy. Tiếc thay học thuật không rành, thời thế không rõ, thích dùng quyền thuật (ý nói mánh lới mưu mẹo — VTN chú), tự dối mình dối người, ngoan cố không đổi. Lớn lời không ai bì, hãm quốc dân vào đất chết cam chịu tiếng ác mà không tự biết (Nguyễn Văn Dương Phan Châu Trinh tuyển tập, sách đã dẫn ở trên, tr 530).

Ở một đọan dưới: “Ông ấy là người khẳng khái dám làm, không kể thân mình, sức tự tin rất sâu, hễ cho là phải thì sống chết không đổi… Nhưng ông ấy cậy sức làm bậy, sẵn lòng giết người cố chấp theo ý mình, xem người đều không bằng ta (tlđd, tr 542).

Có mấy điều Phan Châu Trinh hẳn đã tự lưu ý khi viết những đoạn này.

Thứ nhất luôn luôn nhấn mạnh rằng ông rất thân, rất quyến luyến Phan Bội Châu.

Thứ hai theo Phan Châu Trinh, những đức tính trên, cả hay lẫn dở, cũng như mọi đức tính khác của Phan Bội Châu đều là tiêu biểu cho dân VN.
Đã có một sự giải phóng về tư tưởng. Tác giả vượt lên những thói thường của những người cùng hoạt động giữ ý với nhau, cốt “dĩ hòa vi quý“ xuê xoa che giấu cho nhau.

Chẳng những thế, ông còn biết mang lại cho nhận thức của mình một ý nghĩa có liên quan tới cả xã hội. Khi đã hiểu “có nói gì về Phan Bội Châu cũng là vì cái chung”, ông càng tự tin trên đường tìm tới bản chất của hiện tượng.

Ông gọi Phan Bội Châu là ngông cuồng.

Ông nói thẳng Phan Bội Châu không hiểu gì về thời thế, “không có phương châm gì“, hành động thì “chạy bậy ra nước ngoài”, phát ngôn thì “bậy bạ” (tr. 514). Ông đưa ra một sự thực — Phan Bội Châu đọc sách rất ít, nhất là những sách mới. Khi miêu tả rằng có nhiều việc Phan Bội Châu biết rằng thất bại vẫn làm, ông phanh phui động cơ hành động của Phan Bội Châu là “lợi dụng chỗ kém của quốc dân để làm rõ cái hay của mình”. Phi Phan Châu Trinh thì không ai dám nói rằng trong việc xúi người khác xông lên, đẩy người khác vào nơi chết chóc, Phan Bội Châu đã hiện ra như một người tàn ác “đến giết hết cả giống nòi mà chưa thôi” (tr 532). Đây là một điều Phan Sào Nam thật không ngờ, vì không bao giờ đương sự có khả năng tự tách ra, đứng ngoài khách quan mà xét đoán mình, luận tội mình.

KHÁC BIỆT ĐẾN ĐỐI LẬP

Nghiên cứu lịch sử VN thế kỷ XX cũng như cả các thế kỷ trước, người ta dễ nhận thấy một sự thực. Người Việt ta thích làm hơn thích nghĩ. Xã hội ta được thúc đẩy không phải bởi các nhà tư tưởng mà bởi các nhà hành động. Dù có thất bại — Phan Bội Châu là một ví dụ — thì loại người hành động này cũng vẫn được ca tụng. Và các nhà làm sử hôm nay cũng đã viết sử theo hướng đó.

Nhưng với tư cách những con người của cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, các thế hệ trẻ hơn phải có cái nhìn khác. Trong khi trở lại với các nhân vật lịch sử, chúng ta không thể chỉ biết chăm chăm nói theo người xưa, mà phải có cách đánh giá của mình. Với những con người hành động xốc nổi, thực tế là hành động không cần suy nghĩ, hay chỉ biết suy nghĩ theo kiểu cũ, phải chỉ ra được thất bại là đương nhiên. Với những thành công, phải phân biệt đó chỉ là những thành công tạm thời hay là những thành công có ý nghĩa lâu dài. Tiếp theo thành công tạm thời là những tai họa. Chỉ những thành công theo đúng những quy luật của lịch sử hiện đại mới có khả năng mở ra một giai đoạn mới trong quá trình phát triển của dân tộc.

May mắn thay là Phan Châu Trinh đã bắt đầu suy nghĩ theo lối này. Cả trong cách nhìn người lẫn cách quan niệm về hướng đi tới của đất nước, ông đều đạt tới tầm tư duy hiện đại. Ông từng so sánh mình và nhân vật song đôi của mình – mà ông gọi là hai người thuộc hai đảng — , ở từng việc một.

Bội Châu không xét thời thế, không kể lợi hại mà chủ trương bài Pháp thì thủ đoạn không thể không do bạo động mà ra. Bạo động ắt thất bại và ắt chết. Dân biết cái thế ắt thất bại ắt chết thì ắt không theo. Cho nên [phải tính chuyện — VTN thêm cho lọn nghĩa] lợi dụng cái ngu của dân, lợi dụng dân không có đường sống [mà rủ rê lôi kéo họ]. Đã lợi dụng dân ngu không có đường sống, cho nên không nói khai trí trị sinh; cho nên hội học hội diễn thuyết hội buôn không cần lập, sợ rằng dân khôn, dân không có đường sống thì ắt không nghe lời ông ấy. Đã chủ trương bạo động thì cái thế lợi dụng phải mờ ám, cho nên sự vận động của đảng ấy đều là làm giấu, là rủ rê các kẻ ngu trong dân để lấy tiền mà người và việc đều không xuất hiện cho nên xét nó khó. Vả lại đảng ấy đã lợi dụng cái ngu của dân mà thủ đoạn lợi dụng mờ ám cho nên kẻ theo phần nhiều đều là bọn du đãng, thấy lợi quên chết. Còn trung lưu trong xã hội thì không có [có lẽ là không quá – VTN chú] một vài người, mà đều là người ngoan cố, vô học, mờ ám vì thời cuộc, không đáng đếm xỉa đến.

Còn về phần mình: Tôi đã chủ trương cậy Pháp, thì thủ đoạn không thể không do tự trị mà ra… Tự trị cũng chẳng là việc dễ lắm đâu, việc hỏng ắt cũng chết. Nếu không phải là kẻ chí sĩ yêu nước không kể sống chết lại hiểu rõ thời thế thì không dám làm theo. Cho nên lợi cho trí dân, lợi cho dân có đường sống. Đã lợi trí, lợi có đường sống cho nên không thể không nói khai trí trị sinh; cho nên cái thế là không thể không lập nhiều hội học, hội diễn thuyết, hội buôn. Bởi vì trông dân có trí, dân có đường sống, sau đó tôi có nói ra, họ mới nghe theo. Cho nên cái chủ nghĩa kia đã chủ trương tự trị thì thế lợi dụng phải rõ ràng, cho nên sự vận động của đảng tôi toàn là tụ tập dân chúng, đường đường chính chính diễn thuyết, họp chí sĩ, khảo cứu chính trị thời thế, ăn to nói lớn, người và việc ai nấy đều thấy, cho nên xét nó rất dễ. Chủ nghĩa của tôi đã lợi dụng dân trí, thủ đoạn lợi dụng rõ ràng cho nên những kẻ nghe theo đều là người đọc sách biết lẽ, vì nước quên mình…” (tlđd, tr. 544-545)

Một bên thì duy ý chí, cốt làm lấy được điều muốn làm, “lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện”, đi tới nhiều chỗ mờ ám, và chỉ khai thác được cái phần kém cỏi trong cộng đồng cũng như trong mỗi người. Bên kia thì đàng hoàng minh bạch, hướng về trí tuệ về ánh sáng, đặt ra yêu cầu cao với những người dân , khi họ chưa hiểu quyết không manh động.

TẠI SAO CỤ SÀO NAM ĐƯỢC CÁC NHÀ SỬ HỌC HIỆN THỜI CA TỤNG TRONG KHI CỤ TÂY HỒ BỊ PHÊ PHÁN?

Giả sử bây giờ tôi kê ra những đặc tính để làm nên tính cách một nhà hoạt động xã hội ở ta:

Yêu nước thương nòi, có chí khí có nghị lực, dám hành động nhưng lười đọc sách, không chịu suy nghĩ về các vấn đề lớn của xã hội, chỉ nghĩ về những hiệu quả trước mắt.

— Không phải là giỏi lý thuyết mà chỉ tài về phương diện sách động, tức dùng khẩu thuật để mê hoặc lòng người

— Sẵn sàng xô đẩy đám đông vào chỗ chết, cốt đạt đến mục đích của mình. Nếu người ta có chết thì lại xụt xịt thương khóc, gọi người ta là anh hùng, lấy đó làm tấm gương cho người khác noi theo

và bảo rằng đó chính là chân dung cách mạng đầu thế kỷ XX, chắc nhiều người sẽ cho là tôi chỉ có cách nhìn phiến diện. Song sự thực – như trên các bạn vừa đọc — đó là những nét chủ yếu làm nên chân dung một người chúng ta hết sức yêu kính là Phan Bội Châu qua cách cảm nhận của một người chúng ta cũng hết sức yêu kính là Phan Châu Trinh.

Trong con mắt của các sử gia Hà Nội, Phan Bội Châu lâu nay được đặc biệt ca ngợi, còn Phan Châu Trinh thì bị phê phán rất nhiều. Phê là cải lương, là ngây thơ quá tin tưởng ở thực dân Pháp. Từ ngòi bút của những sử gia có nghiên cứu hơn một chút, thì di sản của Phan Châu Trinh không dùng được vì cải lương thỏa hiệp, đặt nặng việc nâng cao dân trí… ngược với chủ trương của cách mạng về sau là bạo lực.

Nay tôi mới hiểu thêm cái chính là các nhà cách mạng về sau, rất gần với con người Phan Bội Châu mà trên đây Phan Châu Trinh đã miêu tả. Còn Phan Châu Trinh thì hoàn toàn là một típ người khác. Nhưng để chứng minh được nhận xét trên một cách thuyết phục, còn phải nghiên cứu nhiều.

MỘT BÀI THƠ MINH HỌA

Trong đoạn văn miêu tả Phan Bội Châu của Phan Châu Trinh nói trên, có một khía cạnh cần dừng lại kỹ. Đó là phát hiện của cụ Tây Hồ về cái cách của cụ Sào Nam “lợi dụng chỗ kém của quốc dân để làm rõ cái hay của mình”, cụ thể là xúi người khác xông lên, đẩy người khác vào nơi chết chóc. Do đó, khách quan mà xét, có thể bảo Phan Bội Châu là một người tàn ác dám nhân danh mục đích cao cả làm những việc hao người tốn của tai hại tới mức “đến giết hết cả giống nòi mà chưa thôi”. Có thể gọi cái chất mà cụ Tây Hồ nhìn thấy ở cụ Sào Nam là tài sách động của nhà cách mạng khi đi vào thực tế để vận động quần chúng. Điều này nhiều người đã biết, nhưng chỉ Phan Châu Trinh mới nói, mới coi là quan trọng cần phải nói. Đương thời, Phan Bội Châu nổi tiếng với khả năng dùng tình cảm để lôi cuốn người khác hoạt động theo ý đồ của mình. Khi họ chết, ông sẵn sàng viết ra những bài ca tụng công lao của họ và lấy đó làm đủ, vừa xong người này,lại lao vào những cuộc vận động lôi cuốn người khác.

Không phải tới thời hiện đại, người ta mới đặt vấn đề này.
Trong Luận ngữ ở chương XIII ( mang tên Tử Lộ) có đoạn 30. “Tử viết : Dĩ bất giáo dân chiến, thị vị khí chi.” Nguyễn Hiến Lê đã dịch là Khổng tử bảo: Đưa dân không được dạy dỗ ra đánh giặc tức là bỏ dân (Luận ngữ bản của nhà Văn học, 1995, tr 227. Hoàng Văn Thư (Tứ thư, nxb Văn hóa thông tin, 2003, tr 109), dịch hơi khác đi một chút nhưng theo tôi là rõ hơn: “Thầy nói không dạy dân mà bắt dân đi đánh giặc là đưa họ đến chỗ chết mà thôi.”

Cũng không phải chỉ ở Việt Nam người ta mới thấy có hiện tượng này.

Trên báo Văn nghệ khoảng 1967-68, Xuân Diệu đã dịch và cho in bài thơ sau đây — tôi không nhớ chính xác số báo,không tra cứu được, chỉ chép lại từ sổ tay. Có lẽ vì nội dung của nó hơi lạc lõng so với tinh thần thời đại mà Xuân Diệu về sau không lấy lại để đưa vào sách nào cả. Nhưng tôi thấy nên giới thiệu lại với bạn đọc. Bài thơ như là tiếng nói của những người trong chiến tranh đã lao vào chỗ chết mà không được chuẩn bị tương xứng, chẳng qua họ chỉ hành động theo lời khuyến nghị của những nhà chỉ huy giỏi sách động. Bảo họ là nạn nhân của những người chỉ huy ấy cũng không sai.

Người anh hùng nói

Felik Pollak nhà thơ Mỹ- 1909-1987

Tôi đã không chịu đi

Chúng bắt tôi vào quân dịch

Tôi đã không muốn chết

Chúng gọi tôi là nhát hèn

Tôi đã tìm cách trốn

Chúng mang tôi ra tòa án binh

Tôi đã không nổ súng

Chúng bảo tôi là không có thớ

Chúng mở cuộc xuất kích

Một viên đạn ngấu nát ruột tôi

Tôi đau quá khóc lên

Chúng đưa tôi vào hầm trú ẩn

Trong hầm tôi đã chết

Chúng lặng lẽ chào tôi

Chúng đã gạch tên tôi

Và chôn tôi dưới một cây thánh giá

Chúng đọc điếu văn trong thành phố tôi sinh

Tôi không thể kêu lên là chúng nói dối

Chúng nói tôi đã cống hiến đời mình

Tôi thì cố mà giữ lại

Chúng nói chúng tự hào về tôi

Tôi thì đã xấu xa đi vì chúng

Tôi đã muốn sống còn

Chúng gọi tôi hèn nhát

Tôi đã chết hèn nhát

Chúng gọi tôi anh hùng

(Nguyên là bài “Cụ Sào Nam trong cái nhìn cụ Tây Hồ, một chìa khóa để đi vào hiện tượng Phan Châu Trinh” đã in trên blog này 06-04-2011, mới bổ sung hai đoạn cuối)

http://vuongtrinhan.blogspot.com/2014/11/phan-boi-chau-va-phan-chau-trinh-hai.html

Comments are closed.