Phát triển toàn diện nông thôn Việt Nam vì một miền quê đáng sống

TS Vũ Trọng Khải

Phát triển nông thôn toàn diện là một tiến trình không có điểm kết thúc với những mục tiêu được định trước bằng các chỉ tiêu kinh tế – xã hội. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển nông thôn toàn diện trở thành nội dung căn bản nhất, quyết định sự thành bại của sự nghiệp chấn hưng đất nước ta.

Mục tiêu tổng quát của phát triển nông thôn toàn diện là tạo nên những miền quê đáng sống của người dân Việt Nam, xét trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, văn hoá và môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải xây dựng kế hoạch với những mục tiêu, giải pháp ngắn hạn cho từng bước đi của mỗi địa phương cụ thể, tuỳ theo trình độ phát triển, điều kiện kinh tế, tự nhiên, lịch sử, văn hoá và bối cảnh quốc tế. Vì thế, không thể phát triển nông thôn toàn diện bằng chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí cho tất cả các địa phương. 19 tiêu chí này là các mục tiêu cần đạt được của mỗi xã, huyện, tỉnh, đã xoá nhoà ranh giới giữa mục tiêu và giải pháp phát triển, “cào bằng” giữa các địa phương có trình độ phát triển và đặc điểm kinh tế – xã hội, tự nhiên khác nhau. Ví dụ, tiêu chí phải có tổ chức kinh tế hợp tác (tổ hợp tác và hợp tác xã) ở mỗi xã không phải là mục tiêu phát triển, hơn nữa kinh tế hợp tác không có ranh giới hành chính. Một xã có thể không có hợp tác xã hay tổ hợp tác, nhưng người dân ở đó vẫn có thể là thành viên của hợp tác xã, tổ hợp tác có trụ sở ở địa phương khác. 19 tiêu chí nông thôn mới có xu hướng trở thành mục tiêu phấn đấu vì thành tích của các cấp lãnh đạo từ xã đến huyện, tỉnh. Được công nhận là địa phương (xã, huyện, tỉnh) đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, nhưng ở nhiều địa phương chất lượng cuộc sống của người dân vẫn còn thấp do chưa tạo được sinh kế bền vững. Nhiều chợ và nhà văn hoá được xây dựng khá tốn kém nhưng không hoạt động; công trình nước sạch trở thành nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm …

Vì vậy, cần xác định lại quan điểm và nội dung, giải pháp của chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới như là một kế hoạch 5 năm và hàng năm của chương trình phát triển nông thôn toàn diện vì một miền quê đáng sống.

1- Mục tiêu tổng quát của chương trình phát triển nông thôn toàn diện là tạo ra những miền quê đáng sống, thể hiện bằng chất lượng sống của người dân, xét trên tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội, văn hoá và môi trường sinh thái.

2- Nếu cho đến nay, sau 10 năm thực hiện chương trình nông thôn mới đã đạt được một số kết quả có thể được coi là xây dựng “phần cốt”, thì nay phải chuyển sang giai đoạn cần chú trọng xây dựng phần hồn văn hóa. Đó là sự nối kết tinh thần bền chặt trong nông thôn Việt, là triết lý căn bản để hình thành miền quê đáng sống và trong lịch sử đó là văn hóa làng LÀNG ở đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ, ẤP ở Nam bộ, BẢN, PHUM, SÓC nơi cư ngụ của các sắc tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Sau đây gọi chung là LÀNG, làng là đơn vị quần cư được hình thành từ thời Hùng Vương đến nay. Nước ta nhiều lần mất nước, với hàng ngàn năm Bắc thuộc, hay gần 100 năm Pháp thuộc, nhưng chưa bao giờ mất làng. Vì làng có tính tự quản rất cao, đến mức “phép vua thua lệ làng”; vì làng được hình thành bên vững bởi sự cố kết huyết tộc của một vài dòng họ, có truyền thống lịch sử, văn hoá, điểu kiện tự nhiên riêng có của mỗi ngôi làng cụ thể và được thể chế hoá thành hương ước, vì làng là một cấu trúc phi nhà nước. Các đơn vị hành chính, xã, huyện, phủ, châu, tỉnh có nhiều biến thiên trong lịch sử dân tộc, nhưng làng vẫn tồn tại như nó vốn có. Làng trở thành cái nôi của văn minh, văn hoá của dân tộc Việt, với sự đa dạng phong phú của các vùng miền và các sắc tộc khác nhau. Làng Việt trước hết là làng của văn minh lúa nước, của xã hội thuần nông. Do đó, để hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, làng cũng phải biến đổi sâu sắc, toàn diện, nhưng vẫn giữ được hồn cốt văn hoá của mỗi vùng miền, mỗi sắc tộc đã tạo nên dân tộc Việt. Bảo tồn và phát triển làng Việt đã trở thành mục tiêu và nội dung của tiến trình phát triển nông thôn nước ta.

Cần bảo tồn những giá trị nhân văn, truyền thống lịch sử của mỗi làng, như “tình làng nghĩa xóm”, “lá lành đùm lá rách”, bảo tồn những di tích lịch sử, như đình, chùa, miếu, nhà thờ, nét văn hoá truyền thống, như các lễ hội, của mỗi làng cụ thể. Hương ước của mỗi làng là bản “hiến pháp làng”, đã cố kết dân làng thành một khối thống nhất, đoàn kết bảo vệ sự tồn tại của làng trước sự hưng vong của đất nước qua các triều đại, từ thời Hùng Vương đến nay. Để phát triển, cần khắc phục những tập quán, quy ước, cách ứng xử, tầm nhìn tiểu nông, không vượt qua luỹ tre làng. Do sự kết cấu huyết tộc, nên dân làng thường ứng xử “dĩ hoà vi quý”, “chín bỏ làm mười”, duy tình hơn duy lý, thậm chí hương ước còn quy định hôn nhân “trong làng, ngoài họ”. Tư duy hẹp hòi, đố kị giữa các làng và dòng họ, thằng mõ làng lớn bắt nạt thằng mõ làng bé, đã làm suy yếu sức mạnh của dân tộc. Điều này chỉ tạm mất đi khi quốc gia bị ngoại bang xâm lược. Trong nền kinh tế thị trường và đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hoá, mỗi làng phải trở thành một mắt xích, một khâu kết nối với xã hội rộng mở, tiếp nhận những giá trị mới về kinh tế, văn hóa ở tầm quốc gia và quốc tế, làm phong phú thêm bản sắc tốt đẹp của văn hoá làng, đồng thời khắc phục những hạn chế, lạc hậu của nếp nghĩ tiểu nông “không vượt khỏi lũy tre làng” và các giá trị văn hoá lỗi thời khác. Đồng thời, đề cao giá trị thượng tôn pháp luật và chữ “Tín” trong mọi cam kết với đối tác trên phạm vi quốc gia và quốc tế

Vì tất cả những lý do nêu trên, cần lấy làng (bản, ấp, phum, sóc) làm đơn vị cơ bản, điểm xuất phát về mặt văn hóa và tinh thần của tiến trình xây dựng các miền quê đáng sống, là viên gạch cơ bản cho bất cứ độ lớn về mặt hành chính nào như xã, huyện, tỉnh nông thôn mới.

3- Những nội dung cơ bản của tiến trình phát triển nông thôn toàn diện:

3-1 Công nghiệp hoá hiện đại hoá kinh tế nông thôn nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng trong thời đại kinh tế số, toàn cầu hoá. “Canh nông vi bản, nhưng phi công bất phú, phi thương bất hoạt”. Lời dạy của cổ nhân vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

a/ Kinh tế nông nghiệp hiện đại, trước hết, phải cung cấp đủ nông phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và phải truy xuất được nguồn gốc, cho toàn dân và xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng cao sang các thi trường quốc tế khó tính, nhờ tận dụng được ưu thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Kinh tế nông nghiệp phải đảm bảo an ninh dinh dưỡng cho toàn dân (không chỉ là an ninh lương thực). Điều đó có nghĩa là mọi lúc, mọi nơi, dù trong hoàn cảnh khó khắn nào, người dân Việt Nam cũng đều có khả năng mua lương thực, thực phẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của mình. Không thể gọi là bảo đảm an ninh dinh dưỡng chỉ xét trên cân đối cung – cầu quốc gia, trong khi có nhiều người dân không có tiền để mua đủ nông phẩm hoặc không nhận được nông phẩm cứu trợ khi gặp thiên tai, khủng hoảng kinh tế. Hơn nữa, nông phẩm được làm ra không chỉ đảm bảo nhu cầu về số lượng mà còn cả chất lượng, ngon và bổ dưỡng. Một nền nông nghiệp hiện đại phải được phát triển trên cơ sở tận dụng lợi thế so sánh của mỗi vùng, tiểu vùng kinh tế sinh thái của đất nước, không phải theo đơn vị hành chính, tỉnh, huyện, xã như hiện nay. Phải tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị của từng ngành hàng nông sản ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái, kết nối sản xuất với thi trường ở cả đầu vào và đầu ra, với trụ cột là các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư, tiền vốn và công nghệ hiện đại cho nông nghiệp, là các trang trại gia đình (kinh tế nông hộ) sản xuất hàng hoá quy mô lớn, do các nông dân chuyên nghiệp quản lý bằng kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ cao, số hoá, trong việc thực hiện các khẩu sản xuất mang tính sinh học trên đồng ruộng, vườn cây, ao nuôi trồng thuỷ sản, chuồng trại chăn nuôi, rừng cây. Một nền nông nghiệp hiện đại phải coi rừng tự nhiên là một yếu tố thiết yếu nhất của kết cấu hạ tầng sinh thái quốc gia.

b/ Kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn bao gồm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá của mỗi làng, mỗi vùng miền, các ngành dịch vụ cho đời sống của cư dân và cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp, như logistic, vận tải, thương mại và đặc biệt là du lịch nông thôn, nông nghiệp, cũng như các ngành sản xuất công nghiệp mới du nhập vào nông thôn như dệt may, da giày, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông thuỷ sản, xây dựng kết cấu hạ tầng…

Do mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp nhận đầu tư nước ngoài trên quy mô lớn, nên ở những đô thị đã hình thành và phát triển những ngành công nghiệp và dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những khu công nghiệp tập trung quy mô lớn và các siêu đô thị, tuy văn minh nhưng cũng làm nảy sinh nhiều vấn nạn về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong khi đó, kinh tế nông thôn vẫn còn lạc hậu. Điều đó đã tạo ra nền kinh tế nhị nguyên, mất bình đẳng sâu sắc giữa đô thị và nông thôn. Hàng triệu thanh niên nông thôn ồ ạt ra các khu đô thị làm những công việc nặng nhọc, sử dụng cơ bắp là chính, không cần trải qua đào tạo dài ngày, nên chấp nhận bán sức lao động với giá rẻ và sống ở các khu nhà trọ chật chội, thiếu thốn mọi tiện nghi tối thiểu.

Để khắc phục tình trạng kinh tế nhị nguyên, nhất thiết phải hiện đại hoá và đa dạng hoá kinh tế nông thôn, trước hết phải kể đến các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống mà hiện nay vẫn còn thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Từ xưa, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đều được cha truyền con nối, sản xuất tại nơi cư ngụ. Vì thế, khi quy mô sản xuất mở rộng, phải thuê thêm nhiều nhân công ngoài gia đình, cần thiết hình thành nên các loại hình doanh nghiệp khác nhau theo luật doanh nghiệp hiện hành. Tiêu biểu như làng nghề chế biến gỗ Đồng Kị (Bắc Ninh), nghề gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội) được sản xuất trong làng, ngay tại mỗi hộ gia đình với không gian chật hẹp, đã gây ô nhiễm môi trường nặng nề cả về chất thải rắn, lỏng, không khí và tiếng ồn. Do vậy, cần quy hoạch và xây dựng các cụm sản xuất tập trung. Làng chỉ còn là nơi cư ngụ của người dân với những hoạt động dịch vụ đời sống thường ngày. Mặt khác việc đào tạo nguồn nhân lực lành nghề cũng phải được chuyên nghiệp hoá, không chỉ dựa vào việc “cha truyền con nối”, bằng việc thiết lập các trường nghề ở cả khu vực tư và công, với những chính sách ưu đãi của chính phủ về tài chính, đất đai…

Đối với các ngành công nghiệp mới lại càng phải quy hoạch và xây dựng các khu sản xuất tập trung ở những vùng đất sản xuất nông nghiệp không thuận lợi và không phá vỡ tính hệ thống của các công trình hạ tầng thuỷ lợi, giao thông của vùng đất sản xuất nông nghiệp. Ở các khu công nghiệp này, nhất thiết phải xây dựng các cơ sở xử lý chất thải, bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải ưu tiên sử dụng người lao động địa phương, để họ chỉ ly nông mà không ly hương, vẫn sống trong các làng quê của mình. Tuyệt đối không sử dụng sức lao động phổ thông của người nước ngoài. Đồng thời, nhất thiết phải xây dựng các khu dân sinh có nhà ở xã hôị, có đầy đủ các tiện ích công cộng và dịch vụ của đô thị văn minh cho những người lao động nhập cư. Khu công nghiệp và dân sinh sẽ tạo nên những đô thi nhỏ, phân tán ở vùng nông thôn, làm giảm tải cho các siêu đô thị.

Khi ở những miền quê, làng chỉ còn là nơi cư ngụ với đầy đủ tiện ích công cộng và dịch vụ như thành phố và bảo tồn được các di tích lịch sử văn hoá vật thể và phi vật thể, thì nó có thể trở thành nơi du lịch đối với cư dân thành phố và các miền quê khác, thậm chí cả cho du khách nước ngoài. Du khách có điều kiện trải nghiệm lối sống, phương cách sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống, thưởng thức ẩm thực bản địa, thưởng ngoạn các giá trị văn hoá, lịch sử mang đậm nét giá trị của mỗi ngôi làng. Cư dân làng sẽ đầu tư nâng cấp nhà ở để đón du khách “homestay”, cùng với cách chế biến ẩm thực riêng của mỗi làng. Những ngôi nhà cổ cần được bảo tồn nét kiến trúc riêng có, nhưng nội thất cần được cải tạo, nâng cấp theo tiêu chuẩn sống hiện đại, trước hết cho chính cư dân của làng và sau nữa là du khách.

Như vậy, kinh tế nông thôn không còn thuần nông mà có cả các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và du lịch trải nghiệm. Ưu thế của nông thôn so với đô thị chính là không gian sống rộng, thoáng đãng và môi trường trong lành. Có thể thu nhập của họ không cao hơn dân đô thị nhưng chắc chắn môi trường sống của họ luôn trong lành hơn và đặc biệt là quan hệ con người ấm cúng trong một thiết chế xã hội nêu bật được tính nhân văn, đó là tình người. Lúc đó, chúng ta sẽ có những miền quê đáng sống.

3-2 Đô thị hoá nông thôn

Xây dựng các cơ sở hạ tầng như điện, nước, mạng viễn thông, nhà mẫu giáo, trường học, bệnh viện và các dịch vụ đời sống khác, không kém tiêu chuẩn ở thành phố, tức là đã “đưa phố về làng” mà không phá bỏ kiến trúc văn hoá làng.

Xây dựng các khu đô thị nhỏ, bao gồm khu sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và khu dân sinh với đầy đủ tiện nghi như đô thị sẽ tạo ra hệ sinh thái mới, văn minh và phân tán ở khắp các vùng quê. Làm như vậy, người nông dân mới có thể trở thành thị dân một cách bền vững. Khi đó và chỉ khi đó, những nông dân ly nông mới thật sự không muốn giữ lại mảnh ruộng nhỏ bé của mình như là tài sản “tiết kiệm” hay “vật bảo hiểm” để dự phòng khi kinh tế khủng hoảng, mất việc làm thì lại trở về làm nông dân, như chúng ta đang thấy trong đại dịch COVID-19 hiện nay. Do đó, họ sẵn sàng bán hay cho thuê dài hạn những mảnh ruộng nhỏ bé của mình, giúp cho việc thực hiện tích tụ ruộng đất vào những nông gia giỏi, phát triển các trang trại gia đình quy mô lớn, đủ năng lực chủ động sáng lập và quản lý có hiệu quả các hợp tác xã đích thực của mình, đồng thời tham gia chủ động có hiệu quả vào chuỗi giá trị nông sản trên quy mô quốc gia và quốc tế.

3-3 Bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn

Trước hết, cần xác định rừng tự nhiên là một bộ phận cấu thành quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra thường xuyên với quy mô lớn trong những năm qua là hệ luỵ của việc phá rừng tự nhiên. Cần lưu ý là rừng trồng không thể thay thế rừng tự nhiên trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, cần có chiến lược quốc gia khôi phục và bảo vệ rừng tự nhiên, như là yếu tố sống còn. Giao rừng tự nhiên cho các cộng đồng dân cư quản lý bằng các chính sách tài chính thoả đáng và họ được phép khai thác lâm sản ngoài gỗ và thú rừng, khuyến khích trồng và khai thác cây dược liệu dưới tán rừng, cho phép kinh doanh du lịch có điều kiện, để đạt được mức sống cao hơn phá rừng.

Việc phát triển các cụm, khu tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp, xây dựng các trang trại quy mô lớn, đưa phố về làng, đểu phải gắn liền với việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, nhằm xử lý triệt để các chất thải rắn, lỏng, không khí, tiếng ồn, bằng công nghệ cao, do các hoạt động công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp gây ra. Cần phát triển kinh tế tuần hoàn, trước hết là trong hoạt động chế biến nông, thuỷ sản, chăn nuôi quy mô lớn, phổ cập rộng rãi việc sản xuất biogas ở mọi miền quê. Ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, phải lắp đặt các máy phát điện bằng biogas…

Các giá trị văn hoá mang đậm màu sắc vùng miền và sắc tộc ở mỗi làng quê phải được bảo tồn như di sản vật thể và phi vật thể. Đó là một bộ phận quý giá của môi trường sinh thái nhân văn, góp phần phát triển du lịch nông thôn. Mặt khác, cần khôi phục chữ viết đã có và tạo chữ viết mới cho các sắc tộc thiểu số để lưu giữ văn hoá của họ.

3-4 Quản lý dân số cả về chất lẫn lượng và số lượng

Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phải được phát triển để nâng cao thể chất con người. Cần triển khai giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho toàn dân ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Từng bước khắc phục nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết của các sắc tộc ít người, bằng biện pháp truyền thông giáo dục là chính, kết hợp với biện pháp pháp luật. Thực hiện chính sách giáo dục miễn phí từ bậc mẫu giáo đến phổ thông cơ sở. Trên cơ sở đó, phát triển rộng rãi các trường dạy nghề phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường nông thôn, tạo ra một đôi ngũ “thanh nông tri điền”, những nông dân chuyên nghiệp và đội ngũ lao động lành nghề cho các ngành phi nông nghiệp ở nông thôn. Cần có kế hoạch tổ chức di dân từ vùng này sang vùng khác, nhất là từ nông thôn ra đô thị, phù hợp với kế hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hoá nông thôn. Từng bước xóa bỏ tình trạng di dân tự phát, biến rừng tự nhiên thành đất nông, lâm nghiệp như đã từng diễn ra. Phải tuyên truyền giáo dục sinh sản cho thanh niên để có thể kiểm soát quá trình già hoá dân số.

4. Tổ chức thực hiện

Trên đây là những phương hướng và nội dung của tiến trình phát triển nông thôn toàn diện. Mỗi địa phương căn cứ vào trình độ phát triển, điều kiện kinh tế, xã hội và tự nhiên của mình để xác định các mục tiêu theo thứ tự ưu tiên phù hợp với nhu cầu thiết thực và các giải pháp thực hiện bằng các nguồn lực của người dân, tài trợ của nhà nước và các tổ chức, nhất là các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản phẩm theo chủ trương mỗi làng, xã một sản phẩm để tạo ra được sinh kế cho các nông hộ đồng thời tạo ra được vùng nguyên liệu bền vững cho mình.

Nhà nước cần có chính sách tài trợ cho hệ thống các trường dạy nghề cho con em nông dân để họ trở thành những nhà nông chuyên nghiệp hay những người lao động có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng của kinh tế nông thôn.

Sau mỗi kế hoạch hàng năm và 5 năm, cần đánh giá toàn diện việc thực hiện các mục tiêu phát triển, rút kinh nghiệm cho việc lập và thực hiện các kế hoạch phát triển tiếp theo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có vai trò trọng yếu trong việc tổ chức chương trình quốc gia về phát triển nông thôn toàn diện.

17 /09/2021

Comments are closed.