Quan sát ca dương tính thứ 17 từ góc nhìn văn hóa ứng xử

Lê Học Lãnh Vân

Sau vụ người dương tính thứ 17 với virút Corona được công bố ngày 6/3, ba ngày sau, hôm nay, con số người dương tính đã vượt quá 30. Tôi không ngạc nhiên với tin này, và còn e sợ sẽ vượt cao trong những ngày tới. Sợ sẽ vượt nhanh! Nhớ rằng trường hợp xảy ra chỉ vài ngày trước khi Việt Nam dự định tuyên bố hết dịch!

Bài viết này, tuy vậy, không thảo luận trực tiếp về tình hình dịch bệnh sẽ biến chuyển như thế nào. Nó quan tâm tới văn hóa ứng xử của đám dông trong các sự việc tiếp theo ca dương tính thứ 17.

1) Tấm hình Phó thủ tướng Vũ Đức Đam quá mỏi mệt trước tin ca dương tính mới xuất hiện được lan truyền nhanh trên mạng. Nhiều bình luận tỏ lòng khâm phục, tôn trọng ông, và cả những bài thơ bày tỏ tình yêu mến và mong ông vững tay để cả nước dựa vào! Các anh chị theo dõi Phây dễ dàng đọc những dòng như vậy. Tuy nhiên, không chỉ bày tỏ thông cảm với gánh nặng trách nhiệm của ông, còn có cả những những tâng bốc, tôn sùng…

Tôi đọc các tút (stt) về việc này, các còm như trích bên trên với rất nhiều LIKE mà tự hỏi phải chăng Việt Nam ta còn nhiều cảm tính trong nhận xét một quan chức?

Bất kỳ quan chức nào, dù cao cấp tới đâu, cũng chỉ là người được người dân thuê đảm nhiệm việc công. Người dân sẽ đánh giá, thẩm định thành quả của vị đó dựa trên mức độ đạt được mục tiêu. Việc phòng chống dịch có những mục tiêu như số người (hay phần trăm người) dương tính, phát bệnh, tử vong… Mục tiêu cũng có thể là con số tuyệt đối hay con số so sánh với các nước tương đồng (về trình độ phát triển, về điều kiện tự nhiên…). Thành quả của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ được đánh giá dựa trên ông đạt được bao nhiêu phần trăm hay vượt mục tiêu đề ra.

Không thể đánh giá thành quả một lãnh đạo dựa trên nét mặt khả ái, mái tóc bạc, thần thái âu lo, dáng điệu mệt mỏi vì tận tâm với công việc… Một nhà lãnh đạo có thể được dân thương, nhưng Quốc gia cần đạt được mục tiêu! Quốc gia không cần những nhà lãnh đạo không đạt mục tiêu!

Nếu đa số dân chúng có cái nhìn rõ ràng về một lãnh đạo và sự đánh giá năng lực một lãnh đạo, có phải xã hội có nhiều tính kỹ trị, kỹ thuật hơn, thực tế hơn không? Một xã hội như vậy sẽ là môi trường đào tạo nhà lãnh đạo tốt hơn, có năng lực hơn, có trách nhiệm hơn để phụng sự người dân?

2) Cô gái Việt, người có kết quả xét nghiệm dương tính thứ 17, nhận nhiều còm rất ác ý trên mạng. Tôi vẫn cho rằng việc không khai báo đã qua Ý của cô là đáng trách vì thiếu tinh thần cộng đồng. Đã vậy, cô cũng không giới hạn triệt để các tiếp xúc!

Tuy nhiên, cho dù đáng trách, chắc chắn cô không tệ như “ác quỷ”, không đáng bị “bắn chết” hay “bỏ vào lò thiêu” như một số còm kêu gọi… Đó là chưa kể những câu tục tĩu thảy về cô. Tôi cảm nhận ít nhất ba điều qua các còm trên mạng về cô gái:

a) Sự hung dữ và độc ác đang ngự trị một phần không nhỏ xã hội Việt Nam. Thay vì trao đổi bình tĩnh thuyết phục nhau, thông cảm nhau, người ta nhảy xổ vào nhau bằng lời lẽ hung hăng kết án và chửi bới!

b) Sự bất chấp các tổn hại có thể xảy ra với người bị bêu tên thóa mạ, bất chấp cả các tổn hại tới người không liên quan tới sự việc.

c) Các còm chửi bới này về mặt nào đó không khác các còm ngợi ca ông Vũ Đức Đam: rất dễ dãi, chỉ cần đọc một stt, một thông tin hợp ý hay nghịch ý là có thể ca tụng tận mây xanh hay chửi bới rất nặng nề. Không cần thẩm định thông tin, thậm chí không cần bỏ tí thời gian suy nghĩ cặn kẽ hơn về bản chất, căn nguyên của sự việc. Tôn sùng hay mạt sát một người vì phản ứng quá nhanh với những sự kiện hay thông tin đơn giản, sự tôn sùng và mạt sát đó chắc chắn không sâu sắc và có cùng mẫu số chung!

Xã hội chúng ta đang sống có mức độ chín chắn tới đâu? Chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft (DCI) cho thấy trình độ ứng xử trên mạng của người Việt nằm trong năm nước tệ nhất có phải là hệ quả?

3) Bỏ qua những tụng ca và chửi rủa trên mạng, trở lại việc phòng chống dịch cúm CoVi-19, Việt Nam thực đã có những thành quả đáng ngạc nhiên, được WHO và Trung Tâm Phòng Ngừa và Kiểm Soát Dịch Bệnh Hoa Kỳ đánh giá cao.

Hiện nay số người dương tính với corona đang tăng nhanh! Tôi nghĩ nếu sau trường hợp dương tính thứ 30 mà Việt Nam giữ được số ca dương tính tăng ở mức độ hợp lý rồi khống chế được là đã thành công, thí dụ giữ được con số dương tính dưới 500 hay dưới 1000. Việt Nam có đồng minh mạnh là thời tiết nóng. Câu chuyện bây giờ là cả xã hội, là từng cá nhân rất cẩn thận và tích cực cộng tác nhau, góp sức phòng chống mối đe dọa chung. Hy vọng trong trường hợp này, người Việt thực tập và rèn luyện những bài học có ích như tính cẩn thận, kiên quyết và kiên nhẫn, tinh thần kỷ luật, sự tận tâm, tinh thần hết lòng cộng tác trong khó khăn… Hy vọng chính phủ đề ra kế hoạch kịp thời thích hợp với diễn biến mới của dịch bệnh.

Nếu đạt được mục tiêu phòng chống dịch, chắc rằng tinh thần cộng đồng cao hơn, Việt Nam tự tin hơn trên con đường tư nhân hóa nền kinh tế và mạnh bước hơn về phía xã hội dân chủ. Lúc đó cả nước ăn mừng, hát khúc khải hoàn với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng không muộn!

Ngày 09 tháng 03 năm 2020

Comments are closed.