Quan sát Hồng Kông và nghĩ về Việt Nam

Lê Học Lãnh Vân

1)

Sáu tháng qua là những ngày đầy cảm xúc cho những người quan tâm thời sự quốc tế, tình hình Hồng Kông. Có những cao trào kịch tính, cao trào cảm xúc. Tới hôm nay, có thể thấy cuộc phản kháng Bắc Kinh do giới trẻ Hồng Kông phát động và tiến hành, ít nhất là thấy vậy khi nhìn từ bên ngoài, đã thất bại, thất bại theo nghĩa phong trào không đạt được các yêu cầu của nó. Từ một góc nhìn khác có thể nói nó đã thành công, thành công theo nghĩa nó đã đánh thức được ý thức chính trị và sự cảnh giác của dân chúng để tham gia tích cực hơn vào cuộc bầu cử bảo vệ nền dân chủ. Kết quả bầu cử là thắng lợi lớn của phe ủng hộ dân chủ Hồng Kông và thất bại của phe ủng hộ Bắc Kinh.

Chấp nhận đối đầu với Bắc Kinh là chấp nhận bị đàn áp triệt để. Cho dù còn nằm dưới mái nhà “một quốc gia, hai chế độ”, sự đàn áp thông qua lớp áo cảnh sát Hồng Kông cho thấy trong những ngày qua người biểu tình Hồng Kông hứng chịu sự đàn áp khốc liệt như thế nào!

Tại Việt Nam, báo chính thống loan tin dè dặt và ít ỏi so với độ lớn của sự kiện chấn động thế giới này. Trên các trang mạng có tiếng phê phán những người gây bạo loạn, tuy nhiên tiếng khóc xót xa và lòng khâm phục tuổi trẻ Hồng Kông bởi sự dấn thân gan dạ chống lại cường quyền thì nhiều hơn rất nhiều. Và tiếng reo mừng sau bầu cử đã cất lên!

Diễn biến của phong trào khi dậy khúc hùng ca, khi khúc bi tráng chen lẫn bi thương, và hôm nay cất lên nhạc mừng cho dù con đường tới mục tiêu còn rất nhiều gian khó. Trước máu và sinh mạng của tuổi trẻ, người viết xin nghiêng mình xót thương và kính trọng. Họ, cả chục, trăm ngàn người, sẵn sàng chịu mất tính mạng ở lứa tuổi đẹp nhất, hẳn phải có lý do rất cao cả và phương pháp được cân nhắc. Kẻ đứng ngoài là tôi chưa dám có ý kiến về những thanh niên đó cùng phong trào phản kháng của họ.

Bài viết này cố gắng đứng ngoài cảm xúc để tiếp tục quan sát và suy nghĩ liên hệ với Việt Nam, một đất nước có không ít điều giống với Trung Quốc, nhất là cách tổ chức xã hội, bộ máy và ý thức hệ cầm quyền.

2)

Những đòi hỏi của phong trào phản kháng được giới trẻ Hồng Kông nêu lên rõ rệt: một nền dân chủ đích thực được bảo vệ khỏi các ý đồ muốn biến dạng nó. Với đà tiến về công nghệ và tri thức của nhân loại, nhu cầu về dân chủ của người dân ngày càng cao.

Nhu cầu về dân chủ tăng cao dẫn tới mâu thuẫn giữa dân chúng và chính quyền tăng cao. Làm sao để điều tiết được mâu thuẫn này theo hướng phát triển xã hội, tránh bạo lực gây đổ vỡ xã hội? Làm sao dùng năng lượng của mâu thuẫn để thúc đẩy tăng trưởng đất nước? Người Việt nên nhớ nước Việt chỉ có một con đường là phát triển ấm no và giàu mạnh nhanh. Sự đứt gãy xã hội một khi xảy ra thì hậu quả vô cùng khủng khiếp, càng khủng khiếp hơn nếu kế bên Việt Nam là một cường quốc luôn muốn khống chế hay sáp nhập lãnh thổ. Kết quả thắng lợi của phe ủng hộ dân chủ Hồng Kông trong cuộc bầu cử mới được công bố hôm qua minh họa cho việc có thể tham gia bảo vệ sự lành mạnh của xã hội mà không cần bạo lực. Bản thân cuộc bầu cử trung thực là một tấm đệm dung hòa các thế lực cực đoan.

Đưa đất nước cách xa bạo lực trong khi phát triển nhanh là trách nhiệm của toàn xã hội. Do xã hội Việt Nam không có các hội đoàn dân sự, không có các định chế độc lập, tất cả gánh rất nặng trách nhiệm này đặt lên vai chính quyền!

3)

Để cho Hồng Kông lâm vào cảnh phải chịu một số đứt gãy có phải là hậu quả của chính sách mỗi đại cường “Đưa Nước Mình Vĩ Đại Trở Lại”? Một sự kiện rúng động lương tâm, xâm phạm quá mạnh giá trị cốt lõi của Phương Tây, mà phản ứng trên thế giới như vậy là yếu ớt, không xứng tầm sự việc.

Thế giới đã trở nên ích kỷ hơn? Thế giới đã đánh mất ý chí của mình?

Tôi nghĩ, mối liên minh một thời vững chắc như kim cương, nay đã rạn vỡ. Khi Hoa Kỳ và Châu Âu không còn là đồng minh chí cốt dựa trên những giá trị cao đẹp cùng chia sẻ, mà chỉ nương tựa nhau trên lợi lộc kinh tế, và sẵn sàng xung đột, trừng phạt nhau vì lợi ích kinh tế, các giá trị cốt lõi của Phương Tây không còn được bảo vệ như xưa. Chỉ Hoa Kỳ hay chỉ Châu Âu, dù vẫn còn “trên cơ” một Trung Quốc hung hăng, không đủ sức kiềm chế chính quyền nước này trước những sự việc như đàn áp khát vọng dân chủ của sinh viên Hồng Kông vừa qua.

Tổng thống Trump có là người góp phần lớn làm rạn nứt mối liên minh Hoa Kỳ – Châu Âu? Trước đây Hoa Kỳ và Châu Âu từng có những bất đồng, thí dụ giữa Tổng thống Pháp Chirac với Tổng thống Hoa Kỳ Bush vì cuộc chiến Iraq. Bất đồng lúc đó có thể lớn, nhưng do diễn dịch khác nhau về một giá trị mà hai bên cùng tôn trọng. Những bất đồng hiện nay lại khác, đó là các kèn cựa về thuế khóa, và cả về một số cách ứng xử (normal practices), thậm chí đã có biểu hiện về sự phân ly một số giá trị… Ngoài ra, nhiều phát ngôn và phản ứng của Tổng thống Trump cũng gây bất ngờ, khó đoán.

Tất cả những điều này đang tạo lợi thế cho một nước Trung Hoa cộng sản và bành trướng của ông Tập Cận Bình.

Tôi thông cảm với sự dè dặt của chính quyền Việt Nam trong bước đi kết liên minh sâu sắc hơn với Hoa Kỳ. Mối lo về một sự “đổi chác” quyền lợi toàn cầu của các siêu cường, cùng với những đòn, chiêu khó lường của Tổng thống Trump có thể ám ảnh những toan tính… mà những người có trách nhiệm lớn không thể khinh suất.

4)

Trong khi thông cảm với sự dè dặt của chính quyền, tôi không có ý phủ nhận rằng một liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ rất có lợi cho Việt Nam. Liên minh này cần được tạo dựng từ chí khí cùng nỗ lực của Việt Nam hướng tới giàu mạnh và tự chủ. Với chí khí và nỗ lực đó, Việt Nam cho thế giới thấy mình là một thế lực có thể tin cậy được và có ích lợi cho thế giới vì góp phần lớn bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, bảo vệ giá trị không công nhận quan điểm “kẻ mạnh là kẻ đúng” trong quan hệ quốc tế. Không cần gây chiến với ai, chỉ cần khiêm tốn, cần cù phát triển kinh tế và tiềm lực quốc phòng vững chắc trong hòa bình là Việt Nam có đóng góp lớn cho thế giới. Thế giới cũng chỉ cần những điều đó ở Việt Nam.

Tôi nghĩ có thể chính quyền Việt Nam không có cách nào khác ngoài dân chủ hóa đất nước một cách thực chất. Đây là biện pháp căn bản có khả năng lớn nhất hóa giải mối nguy cơ. Các biện pháp khác đều có tính vá víu, đối phó, có thể kéo dài thời gian nhưng tích tụ nguy cơ và do đó khi biến cố xảy ra sẽ không kiểm soát được với hậu quả vô cùng khủng khiếp.

Lộ trình dân chủ hóa thích hợp, một khi được vạch ra công khai, minh bạch và thực thi với sự đồng ý của đa số, sẽ đem lại nhiều lợi ích thúc đẩy và cộng hưởng nhau. Trước hết là dân chúng hài lòng, dân tộc sẽ tự nhiên hòa giải, cộng tác. Khi đó, đất nước có thể huy động năng lực của từng người, của toàn dân ở mức cao nhất. Một nước Việt như vậy sẽ tăng trưởng nhanh chóng, sẽ có sức mạnh vô địch bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ cuộc sống ấm no của người dân.

Cục diện Hồng Kông, và cả Đài Loan, chưa biết sẽ diễn biến theo hướng nào. Lúc này có thể coi là thời cơ mà Việt Nam không nên để mất thời giờ nữa?

Ngày 25 tháng 11 năm 2019

Comments are closed.