Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tôn vinh nhà văn hóa Phạm Quỳnh

Bài sau đây của Lê Học Lãnh Vân viết từ năm 2018 về việc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tôn vinh nhà văn hóa Phạm Quỳnh, mà tác giả xem như một hành động cho thấy tinh thần cởi mở được đẩy mạnh hơn. Nay Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh phải tuyên bố dừng hoạt động, cũng có nghĩa là hy vọng của tác giả rằng “các thảo luận bàn tròn, các giao lưu học thuật về mọi lĩnh vực không chịu bất kỳ cấm cản […] khai mở những đề tài tri thức vẫy gọi các thế hệ, tầng lớp dân chúng” hãy còn xa vời, ít nhất là trên các diễn đàn chính thống.

Văn Việt


Lê Học Lãnh Vân

Mỗi năm, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (viết tắt: Quỹ), một quỹ xã hội trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tôn vinh một nhà văn hóa đã mất là Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Năm 2017, Quỹ tôn vinh nhà văn hóa Phan Khôi. Những người bạn dự khán chúng tôi rất vui nhìn thấy trong sự kiện này dấu hiệu rõ ràng cho sự cởi mở hơn của xã hội Việt Nam. Lúc đó chúng tôi nói với nhau rằng nếu năm tới Phạm Quỳnh được tôn vinh thì điều đó cho thấy tinh thần cởi mở được thúc đẩy mạnh hơn nữa chứ không chỉ là nhất thời.

Năm 1918, Quỹ tôn vinh Phạm Quỳnh! Khi ông Nguyên Ngọc, Phó Chủ tịch Quỹ, đọc tuyên bố này, cả phòng họp tại khách sạn Rex nổi lên tràng pháo tay nồng nhiệt! Nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn thì, khi đọc quyết định vinh danh, giọng ông nghẹn ngào và phải gỡ cặp kính ra để lau nước mắt giữa cả khán phòng lặng yên!

Phạm Quỳnh sinh năm 1892, là một nhà văn hóa lớn, có vị trí và vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam trước năm 1945. Khi Cách Mạng Tháng 8 nổi lên, ông bị Việt Minh giết. Trong hơn nửa thế kỷ sau đó, ông được nhận định trong sách sử như là một người phản động, phản quốc, chống phá cách mạng, tay sai của thực dân Pháp…

Những người quan tâm lịch sử văn học và văn hóa nước nhà còn nhớ Phạm Quỳnh như một nhà cách tân, củng cố và hoàn thiện cách viết văn Việt bằng chữ Quốc Ngữ. Sau Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh, có thể nói văn quốc ngữ đã đạt mức độ như hiện nay, có thể diễn đạt một cách khúc chiết, uyển chuyển các khái niệm tư tưởng uyên bác, phức tạp, tinh tế nhất của khoa học, triết học, văn chương… Người Việt đã có thể đọc các tác phẩm khoa học, triết học, chính trị… nổi tiếng thế giới dịch qua tiếng Việt. Chính Phạm Quỳnh là người giới thiệu những tư tưởng đó của Tây Âu đến Việt Nam vào thời buổi rất sớm của thế kỷ hai mươi. Cho nên công lao rất lớn của ông là góp phần giành được và hoàn thiện văn viết bằng chữ quốc ngữ để cho người Việt từ đây có phương tiên truyền bá những kinh nghiệm và học thuật của nền văn minh tiến bộ thế giới cùng với truyền thống dân tộc lâu dài và sâu xa.

Nhưng, không chỉ trong lãnh vực văn học, học thuật, trong lĩnh vực chính trị Phạm Quỳnh có quan điểm và đường lối rõ rệt là đấu tranh giành độc lập bằng biện pháp hòa bình. Sự kiên quyết và linh động của ông trong đường lối đó được viên Khâm sứ Trung Kỳ Haelewyn báo cho toàn quyền Đông Dương Decoux và tướng Mordant, Chỉ huy quân đội Pháp trên toàn cõi Đông Dương như sau:

Phạm Quỳnh đòi chúng ta ban bố chế độ tự trị cho Trung Kỳ, Bắc Kỳ, bãi bỏ chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ và tạo dựng một quốc gia Việt Nam. Tôi xin lưu ý Ngài về điểm với bề ngoài lịch sự và chừng mực, ông này là một người quyết liệt tranh đấu cho Việt Nam độc lập và chúng ta không nên hy vọng làm dịu tinh thần ái quốc của ông ta, một tinh thần chân thành và không thể lay chuyển, bằng cách bổ nhiệm ông ta vào một chức vụ danh dự được hưởng nhiều bổng lộc. Cho đến nay, ông là một đối thủ hòa hoãn nhưng quyết liệt của nền thống trị Pháp”.

Ai cũng biết và đồng ý với nhau rằng Việt Minh muốn giành độc lập từ Pháp và Pháp muốn kéo dài sự thống trị Việt Nam. Trong khi cả hai bên đều đồng ý rằng Phạm Quỳnh là một con người xuất chúng, thì sự đánh giá của hai bên về ý đồ chính trị của ông lại khác nhau. Pháp lo sợ tinh thần “quyết liệt tranh đấu cho Việt Nam độc lập’ của nhà ái quốc không thể mua chuộc được Phạm Quỳnh, còn Việt Minh giết Phạm Quỳnh vì tôi làm tay cho Pháp! Hậu quả là Việt Nam mất đi một nhân tài xuất chúng mà tinh thần và hoạt động phụng sự dân tộc được chứng tỏ suốt mấy chục năm dài, và đang ở giai đoạn sung sức của sự nghiệp!

Trong việc giết chết Phạm Quỳnh có hai điểm:

1) Giết một người không xét xử. Điều này cho thấy việc xử tại chỗ, xử không cần tòa án, xử theo cảm tính… khá phổ biến tại Việt Nam

2) Giết một nhân vật lớn như vậy mà chỉ có mấy cán bộ tại chỗ, cấp thấp và tri thức thấp! Một người như Phạm Quỳnh có cuộc đời phức tạp ở tầm rất cao về tri thức và chính trị. Cần để giáp mặt những người cùng tầm cỡ, cần nghiên cứu rất nhiều mặt của vấn đề. Phải chi lúc đó ông Hồ Chí Minh hay ông Võ Nguyên Giáp gặp Phạm Quỳnh! Giết một nhân vật tầm vóc như vậy theo cách thức dễ dàng như vậy có cho thấy lòng căm thù giới trí thức của một số không nhỏ các người theo Việt Minh tại địa phương lúc đó không? Chú ý rằng thời cuộc lúc đó không chỉ có Phạm Quỳnh bị giết, mà còn những nhà trí thức khác nữa.

Bi kịch của Phạm Quỳnh có báo hiệu trước chăng những bi kịch tiếp theo của đất nước, bên cạnh những thắng lợi và chiến công?

Tại lễ trao giải ngày hôm qua, một nhà sử học nói với tôi về một thắc mắc lớn chưa tìm được câu trả lời. Việt Nam có nhiều nhân tài thông thái, đạo đức, yêu nước nhiệt thành và chủ trương giành độc lập bằng biện pháp hòa bình, bằng khai dân trí, chấn dân khí. Phan Châu Trinh, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Hoàng Xuân Hãn… là những cái tên tiêu biểu. Tại sao các vị thất bại và đa số những vị này đều chịu kết cục cuộc đời bi thảm hay buồn thảm?

Trong khi chờ đợi câu trả lời từ các nhà sử học, Việt Nam học… tôi cảm thấy an ủi và tạm an lòng rằng cũng sẽ tới lúc xã hội ta mở rộng với các thông tin và thảo luận đa chiều. Tôi tin rằng chỉ có các thảo luận bàn tròn, các giao lưu học thuật về mọi lĩnh vực không chịu bất kỳ cấm cản mới khai mở những đề tài tri thức vẫy gọi các thế hệ, tầng lớp dân chúng. Để trong chúng ta, ai muốn học hỏi là có cả bầu trời để ngó lên!

Ngày 25 tháng 3 năm 2018

Comments are closed.