Ra mắt sách và tưởng niệm cố nhà văn Phùng Nguyễn

Trịnh Thanh Thủy

clip_image001

Phùng Nguyễn và Cá Voi – tranh Paulina Đàm Thuý Ngọc, 2015

Thấm thoát mà cũng 3 năm, nhà văn Phùng Nguyễn đã một đi không trở lại với các văn đàn và cõi nhân sinh đời đời. Những người bạn văn nghệ, gia đình anh và những bạn đọc yêu quý đã tụ hội cùng nhau một ngày cuối tuần để hàn huyên, nhắc nhở đến anh và ra mắt những tác phẩm văn học của anh viết vào những ngày còn tại thế. Vào Chủ Nhật, ngày 11 tháng 11, 2018, phòng hội nhật báo Người Việt là nơi chào đón người tham dự với một không khí thân tình vô cùng ấm áp. Đây là một ước vọng mà từ lâu ban biên tập Tạp chí Văn Chương Mạng Da Màu cùng người thân của anh mong mỏi được thực hiện nhân dịp tưởng niệm ngày anh mất (17 tháng 11, 2015). Ngoài ra, nhà văn Đặng Thơ Thơ, đại diện ban tổ chức và Da Màu, cho biết thêm mục đích buổi ra mắt sách hôm nay cũng để bày tỏ lòng quý trọng của họ đối với những đóng góp cho văn học và những di sản tinh thần của anh để lại. Phùng Nguyễn vốn là một trong ba sáng lập viên Da Màu, là webmaster, và đã đóng góp nhiều công sức cho trang mạng văn học này từ lúc khởi đầu cho đến khi mất. Sự ra đi đột ngột của anh khiến các hoài bão và nhiều dự định bị gián đoạn. Việc ra mắt hai cuốn sách Tháp Ký Ưc & Bùa Phép ở Đường Bourbon và cuốn Tiểu Luận (của/về) Phùng Nguyễn là do gia đình anh và ban biên tập (BBT) Da Màu cố gắng thực hiện phần nào ý nguyện của anh. Đây cũng là hai tác phẩm đầu tiên đánh dấu việc thành lập nhà xuất bản Da Màu.

clip_image002

Bạn bè, từ trái qua phải: Lê Đình Nhất Lang, Trịnh Cung, Văn Công Mỹ , Guest, Mây Lan, Nguyễn Tư Phương, Hồ Như, Huỳnh Minh Lệ, Cung Tích Biền, Đặng Thơ Thơ, Bùi Vĩnh Phúc.

clip_image003

Từ trái qua phải, hàng đầu: Phạm Vương Quỳnh Loan, Bùi Vĩnh Phúc, Trần Doãn Nho.

Ngoài các diễn giả và ban tổ chức, còn có sự hiện diện của các nhà văn/ nhà thơ Cung Tích Biền, Phạm Phú Minh, Bích Huyền, Thành Tôn, Trúc Chi, Nguyễn Tư Phương, Huy Văn, Huỳnh Minh Lệ, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Thân Trọng Mẫn, Nguyễn Hoàng Nam; các hoạ sĩ Trịnh Cung, Rừng, Nguyễn Đình Thuần, Ann Phong, Nguyễn Việt Hùng, Paulina Đàm Thúy Ngọc; và bạn bè trong giới văn nghệ sĩ như Hoà Bình, Y Sa, xướng ngôn viên Mây Lan, ca sĩ Thu Vàng, ca sĩ Vũ Thùy Hạnh; gia đình của nhà văn Phùng Nguyễn, và nhiều bạn hữu khác, v.v.

clip_image004Đặng Thơ Thơ

clip_image005

Đỗ Lê Anh Đào

Đặng Thơ Thơ và Đỗ Lê Anh Đào đã phát biểu và chia sẻ kỷ niệm đã có với Phùng Nguyễn. Anh Đào là một người viết trẻ tuy mới gia nhập làng văn nhưng đã cùng với “anh Phùng và chị Thơ Thơ” thành lập Da Màu với mục đích chung là tạo nên một diễn đàn đa dạng, có tiếng nói của những người trẻ nói và viết thông thạo hai ngôn ngữ Anh-Việt. “Anh bảo tôi, anh muốn làm nên một diễn đàn chưa có trên mạng, một điểm tụ cho những tiếng nói phong phú, kể cả bất đồng, cần những người trẻ, những người không ở trong bộ tộc, không cùng ca hát một điệp khúc. Anh dùng cái từ tiếng Anh groupthink, chống lại groupthink.” Đối với Anh Đào, anh Phùng của cô là một người dễ thân, giản dị, chân thành, cương trực và sống hết mình. Anh đã để lại những lời khuyên gây ấn tượng mạnh cho cô về cách đối đầu với những trở ngại trong cuộc sống. Bởi vì những người nỗ lực làm văn chương mạng cũng luôn phải đối đầu với sự bấp bênh và vô định của nó.

Nhà văn Hồ Như lên phát biểu với chủ đề “Chiếc bóng quá khứ trong các tác phẩm của Phùng Nguyễn”.

Hồ Như lược sơ các tác phẩm và dẫn chứng bài viết của mình với tâm lý của từng nhân vật và đã theo sát chủ đề. Cô kết luận “Quá khứ là một chiếc bóng không thể tách rời trong những sáng tác của anh”. Anh đã bắt đầu viết lách với những chiếc bóng quá khứ của chính mình trong mọi lúc của cuộc sống. Từ thời mới lớn cho đến khi vào đời, anh đã đi qua các chặng đường lịch sử của chiến tranh và chiến bại, trải qua các mất mát, rồi định cư ở Hoa Kỳ. Chiếc bóng quá khứ hiện diện trong quá trình xây dựng những nhân vật chính trong truyện. Họ tuy cố quay lưng và chống chọi để thoát ra nỗi ám ảnh của quá khứ để vươn ra hiện tại và tương lai, nhưng chúng vẫn đeo bám không rời.

clip_image006

Hồ Như

Nhà văn Trần Doãn Nho đến từ Dallas, Texas là diễn giả kế tiếp đã phân loại những tác phẩm của Phùng Nguyễn dưới hai hình thức,

– Truyện “Hư cấu truyền thống” như các tác phẩm “Tháp Ký Ức, “Đêm Oakland. Câu hỏi”, “Chim gáy sau vườn”, “Tuổi thơ”, “Bóng phượng”, “Rich”, “Bắt hến trên hồ Isabella”.

– Truyện “Hư cấu hậu hiện đại” hay “Siêu hư cấu” (metafiction) như “Giường và điểm tâm”, “Cabin”, “Văn sĩ ngại ngần”, “Dựng truyện”, “Bùa phép ở đường Bourbon”.

Ngoài ra là một số truyện pha trộn giữa hai hình thức nói trên, như “Nhà văn”, “Dựng truyện”, “Cựu chiến binh, nhà thơ”…

clip_image007

Trần Doãn Nho

Ông nhận xét “Truyện ngắn của Phùng Nguyễn, nói chung, có phong cách Tây phương, trẻ, mới. Có lẽ vì anh chịu ảnh hưởng của văn chương Hoa Kỳ mà anh tiếp thu khi sinh sống ở đây. Đây là điều khá lạ. Vì anh thuộc loại lớn tuổi, (chỉ thua tôi 5 tuổi), sàng sàng với thế hệ của tôi, lại viết muộn. Thế mà văn chương anh khác xa với thế hệ tôi. Cấu trúc mới, giọng văn mới và nhân vật cũng mới.

Còn trong các tiểu luận, chính luận Phùng Nguyễn xuất hiện bằng một khuôn mặt khác. Chuyên nghiệp, khách quan, từ nguồn tài liệu, nhận thức, suy luận… Anh vận dụng tất cả những tính cách của một nhà lý luận để bênh vực cho quan điểm của mình. Không dùng cảm tính. Các đề tài của anh hầu hết là đề tài “động”, không phải là “tĩnh”.”

Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc lại đưa ra một cách nhìn khác, ông đã phân tích các Truyện & Tiểu luận của Phùng Nguyễn qua cái nhìn Thi pháp học văn hoá thật tinh tế và sắc bén.

Trước hết ông đã nói đến sự dấn thân, đóng góp tài năng và thiện chí của Phùng Nguyễn vào văn học Việt hải ngoại. Những điều đó giúp cho sự mở rộng và phát triển của dòng văn học Việt ngoài nước trong thời đại digital. Điều này không những có tính cách toàn cầu hoá mà còn khiến cho dòng văn học ấy mạnh mẽ hơn. Qua vai trò của một người cầm bút, viết cả truyện và tiểu luận, đồng thời, qua vai trò là một người đồng xây dựng, quản lý và phát triển diễn đàn văn học Da Màu, Phùng Nguyễn và Da Màu đã giới thiệu được nhiều tài năng trong sinh hoạt văn học và văn hoá của người Việt nói chung, hải ngoại nói riêng.

clip_image008

Bùi Vĩnh Phúc

Bùi Vĩnh Phúc triển khai thêm. Đời sống là một văn bản, và các hiện tượng khác nhau của đời sống cũng là các văn bản. Tác phẩm của Phùng Nguyễn cũng là những văn bản phản chiếu đời sống. Những văn bản ấy có gắn bó mật thiết với những vấn đề của thời đại. Nó được sinh ra trong môi trường văn hoá của thời đại, nó được uốn nắn bởi chính cái văn hoá mà từ đó nó được sản sinh, và ngược lại, đến lượt nó, nó cũng uốn nắn, ảnh hưởng ngược trở lại chính cái văn hoá đó.

Đó là những tiểu luận, những trang hồi ức, truyện kể, đời sống, tư duy mang nhiều trăn trở, day dứt. Theo nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc, Phùng Nguyễn cũng đã có những nỗ lực đào sâu, tìm hiểu và khám phá bản chất và sự sống của ngôn ngữ. Điều ấy thể hiện rõ trong một số sáng tác sau này của anh. Anh đào xới, lật tung ngôn ngữ như những thửa cày văn chương. Để tìm kiếm ở đó những khả thể của sự sống mới, những mầm rễ mới.

Phần nói chuyện của nhà văn Đinh Từ Bích Thúy qua một vài tác phẩm hầu như cô tóm lược được những hoạt động văn học tiêu biểu của Phùng Nguyễn qua các giai đoạn với Da Màu. Cô kể đến ý tưởng anh hợp tác với các cây bút trẻ và chọn con đường đi cùng những người viết sinh sau anh một, hai, ba thập kỷ. Thời điểm Da Màu ra đời vào tháng 8 năm 2006 là thời điểm mà những tiến bộ về kỹ thuật và thông tin đã giúp họ có cơ hội thực hành những dự án có tính cách khảo sát và phục hồi quá khứ của miền Nam Việt Nam. Thời điểm đó cũng thích hợp để tạo ra những diễn đàn để thảo luận những vấn đề liên hệ đến lịch sử, chiến tranh, chính trị, sự kiểm duyệt và đàn áp của chính trị trên nghệ thuật, giới tính, văn hóa, tôn giáo và màu da.

clip_image009

Đinh Từ Bích Thuý

Bích Thúy nói về dự án quan trọng nhất của Phùng Nguyễn là kệ sách. Cô cũng không quên nhắc đến lương tâm và ý thức trách nhiệm nơi Phùng Nguyễn. Là một người cầm bút, anh khó khăn với chính anh, và ngay cả với những tiền bối của anh, bất kể là người viết văn trong nước hay ngoài nước, vì anh tôn trọng trách nhiệm độc lập và công bình của người viết, qua vai trò một nhân chứng sáng suốt. Trách nhiệm này chính là “đạo luật vàng” của một người viết xứng đáng được gọi là nhà văn. Đối với anh, điều mà mỗi một người viết – được coi là người trí thức – làm, hoặc không làm, không chỉ ảnh hưởng lên chính mỗi cá nhân của họ mà còn đến nhiều tập thể khác. Anh đã than rằng nhiều người viết đã coi nhẹ hoặc lạm dụng trách nhiệm văn học của họ, thay vì nghĩ đến vai trò có khả năng gây ảnh hưởng sâu rộng này.

Sau phần nói chuyện của các diễn giả là phần chia sẻ cảm nghĩ và kỷ niệm của các bạn hữu. Nhà văn Phạm Phú Minh chủ trương Diễn Đàn Thế Kỷ, Trịnh Thanh Thủy và Trúc Chi đã nói về những kỷ niệm đã có cùng anh trong quá khứ. Hai người bạn văn ở xa của Phùng Nguyễn cũng đã gửi bài viết về nhờ ban biên tập đọc: Đỗ Lê Anh Đào đọc một bài thơ của Nguyễn Đức Tùng và Đặng Thơ Thơ đọc một bài viết của Trần Mộng Tú. Sau đó Đặng Thơ Thơ mời một người “đã để lại dấu ấn sâu đậm lên đời sống và văn chương Phùng Nguyễn”, đó là Phạm Vương Quỳnh Loan, người bạn đời của anh, lên phát biểu. Để  kết thúc chương trình, năm thành viên trong ban biên tập Da Màu cùng lên cám ơn và chào tạm biệt các quan khách tham dự.

clip_image010

Đinh Từ Bích Thuý, Đỗ Lê Anh Đào, Đặng Thơ Thơ, Hồ Như, Lê Đình Nhất Lang

Cùng trong buổi ra mắt sách, có nhiếp ảnh của Lê Mộng Hà và tranh của Paulina Đàm Thúy Ngọc được trưng bày để quan khách thưởng lãm.

clip_image011

Hide and Seek/Cút Bắt– Tranh của Paulina Đàm Thúy Ngọc, 2018

Trịnh Thanh Thủy tường thuật

Nguồn: https://damau.org/archives/51395

Comments are closed.