Thụy My
Saigon với những thăng trầm lịch sử lại càng ghi dấu ấn trong thơ nhạc, nhiếp ảnh, hội họa… Trong những tấm bưu thiếp gởi cho người phương xa, đó là hình ảnh chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm, Nhà hát thành phố… những hàng me cao ngất với những tà áo dài tung bay.
Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi gần đây, ngỡ ngàng trước việc hàng cây cổ thụ ở ngã tư Lê Lợi – Nguyễn Huệ, đoạn trước Nhà hát thành phố bị chặt bỏ để khởi công nhà ga xe điện ngầm đầu tiên, nhiều người Saigon đã vội vàng đến chụp hình kỷ niệm. Người ta lại càng hoang mang hơn trước thông tin tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn, và bức tượng bán thân người thiếu nữ Quách Thị Trang sẽ bị di dời đi nơi khác cho công trình này. Trên mạng xã hội cũng như trên báo chí, có rất nhiều bài viết bày tỏ tâm trạng tiếc nuối khi những biểu trưng của thành phố Saigon tiếp tục mai một.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh trong bài viết mang tựa đề “Saigon run rẩy trong tiếng máy cưa” đăng trên blog của mình đã đặt câu hỏi: “Vì sao phải thương nhớ một hàng cây, thương nhớ một hình dáng cũ?”. Anh viết: “Thành phố hơn 300 năm tuổi… đã đột ngột biến dạng trong mắt nhiều người. Nhìn những chiếc cưa máy gầm rú vật ngã từng cái cây đã đứng đó, lá cây rơi vãi như những trang nhật ký của đời người, từng ghi lại bao thăng trầm của thành phố này mà lòng khó tả”.
Trả lời RFI Việt ngữ, nhạc sĩ Tuấn Khanh thổ lộ:
Tất cả những tin tức ngày hôm nay về chuyện những hàng cây sẽ bị hạ xuống, một phần Saigon sẽ thay đổi, không đơn giản là câu chuyện về sự phát triển, mà tôi chứng kiến rất nhiều người Saigon – những người già và những người trẻ – họ đến chia tay một cách im lặng. Những hình ảnh đó của Saigon nằm trong niềm tự hào của người Saigon – không phải ở đây, hôm nay – mà rất nhiều người đã ra đi khỏi Việt Nam từ nhiều năm, người ta vẫn nhớ về. Đó là một phần của lịch sử, của ký ức, từ thời Đệ nhất, Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa cho tới Việt Nam ở một thể chế chính trị khác nhiều năm nay.
Việc thay đổi một hình ảnh, hạ một hàng cây không phải là điều lớn để đánh đổi cho một sự phát triển tốt đẹp hơn; ai cũng biết điều đó. Nhưng mà nhiều người Saigon hiện nay chỉ biết rằng, họ phải đánh đổi những thứ rất thân quen để đi đến một cái mới. Nhưng cái mới đó cho tới giờ phút này, người ta cũng không thấy một bản vẽ, không được mô tả nó sẽ như thế nào. Được thay đổi như một mệnh lệnh đầy độc đoán mà người dân chỉ biết chịu đựng, đó là một tâm trạng hết sức nuối tiếc.
Nhưng ở thời điểm này, tâm trạng đó đang bị phân hóa. Có nhiều người không gắn bó với thành phố này, nói rằng đó là một tâm trạng không đúng. Cũng có những người Saigon lại đặt vấn đề rằng người ta cũng cần được hỏi, được phát biểu về những việc đang xảy ra với nơi họ cư trú, với thành phố mà họ đã gắn liền với nó trong suốt bao nhiêu năm.
Trước những ý kiến cho rằng muốn hiện đại hóa thì phải chấp nhận những mất mát, và thái độ dửng dưng thậm chí chế giễu những ai “hoài cổ” của một số người, nhạc sĩ Tuấn Khanh đặt vấn đề: Vì sao sức khỏe và môi trường sống của “cụ rùa hồ Gươm” ở Hà Nội được quan tâm, mà những biểu tượng của Saigon lại bị thờ ơ?
Đúng là trong người Việt Nam hiện nay đang có một sự phân hóa như vậy, giữa những người không gắn liền đời sống tinh thần của họ với Saigon, và những người đã sống gắn bó với nó rất nhiều năm, thì đơn giản như thế này.
Đã nhiều lần, rất nhiều bài báo và trong suốt nhiều năm người ta bàn tán về một con rùa ở Hồ Gươm. Tại sao hôm nay mắt nó đỏ hơn, tại sao nước Hồ Gươm đục như thế, có thể ảnh hưởng đến rùa. Thậm chí người ta tìm ra tất cả những bài báo cáo khoa học: làm sao thay đổi nước hồ cho tốt hơn, để con rùa có thể sống được lâu hơn. Bởi vì họ tin rằng đó là linh vật, là niềm tin của một thành phố – thành phố Hà Nội.
Nhưng để thay đổi một hàng cây như vậy – những di vật, những chứng nhân của lịch sử thành phố, là niềm tin của rất nhiều con người yêu quê hương, yêu thành phố của mình, cũng như là lá phổi của hàng triệu người đang sống trong vùng – lại chẳng được ai hỏi tới.
Sự so sánh này cho thấy rằng có điều gì đó rất bất thường giữa một con rùa với một hàng cây, chứng tỏ chúng ta đang ở một thời điểm mà việc thay đổi là một mệnh lệnh mà không cần quan tâm tới hàng triệu người. Vì sao? Đó là một câu hỏi dành cho mọi người, mà chúng ta phải tự đặt ra.
Người Saigon nói riêng hay người Việt Nam nói chung sẵn sàng hy sinh rất nhiều thứ, để đi tới những cái mới tốt đẹp hơn. Nhưng cái mới đó, cái tốt đẹp đó cần được nói rõ cho mọi người hiểu giá trị của nó như thế nào.
Được biết tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7 km, gồm 11 nhà ga trên mặt đất và tại khu vực trung tâm thành phố có 3 nhà ga ngầm là Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son, trong đó ga Bến Thành là nhà ga chính.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, thì việc chặt cây là khó tránh khỏi khi xây dựng đường ngầm ở trung tâm thành phố để tránh tắc nghẽn giao thông trong giờ cao điểm, và có thể xây thêm bãi đậu xe ngầm. Tuy nhiên anh cho rằng, khi trạm xe điện ngầm xây xong thì nên trồng lại cây xanh.
Trước hết về việc chặt cây, tôi cũng có xem phương án métro từ Bến Thành cho đến trạm ở Nhà hát, thì ở dưới là đường métro và ở trên có tuyến đi bộ ngầm từ trạm này qua trạm kia. Tôi cho rằng điều đó rất tốt, vì trong tương lai khi các tuyến métro được đưa vào sử dụng, và những công trình chung quanh xây cao tầng lên, thì lượng người đi và đến trạm métro này rất cao. Số lượng có lẽ không thua kém những trạm trung tâm ở Time Square (New York) hay ở Champs Elysée của Paris đâu, vì mật độ dân số ở Thành phố Hồ Chí Minh khá cao.
Và khi thực hiện những đường ngầm đó, trên đường Lê Lợi một số cây chúng ta đành phải chặt đi. Có lẽ nhà thiết kế cũng có ý thức về chuyện giữ cây lại – một số cây không giữ được cũng đáng tiếc, nhưng đường ngầm cũng cần thiết. Nếu không có đường ngầm này, khi người ta đến trạm métro và trở lên mặt đường, họ sẽ đi đến những công trình lân cận thì sẽ gây tắc nghẽn giao thông nhất là trong giờ cao điểm.
Những cây cổ thụ hiện nay có rễ đâm khá sâu, vả lại có một số cây cũng đã đến tuổi rồi như một số cây me. Dù là cổ thụ nhưng tới một tuổi nào đó thì bắt đầu nhánh cây bị gãy thường xuyên, cũng nguy hiểm. Thành ra tôi nghĩ việc chặt cây, vì tầng ngầm dành cho người đi bộ ăn sâu vào hai bên lề đường, thì có một số điểm – chứ không phải tất cả, phải chặt cây. Nhưng sau khi thi công xong, tôi nghĩ cũng nên trồng lại cây. Những cây này cũng lên khá cao, có lẽ không bằng những cây cũ nhưng cũng tạo được bóng mát và mảng xanh cho tuyến Lê Lợi.
Còn riêng tuyến Nguyễn Huệ và đường Hàm Nghi, tôi chưa tham khảo phương án nên không biết họ định làm thế nào. Nhưng tôi nghĩ rằng tuyến đường ngầm ở hai tuyến Lê Lợi và Hàm Nghi cũng rất cần thiết. Không những cho tuyến đi bộ, mà cho cả bãi đậu xe nữa, vì một số lớn công trình ở hai tuyến này không có đủ chỗ để đậu xe.
Trong tương lai, khu vực được xác định bởi ba trục tuyến Nguyễn Huệ – Hàm Nghi – Lê Lợi sẽ là khu trung tâm cao tầng của phía bờ tây Thành phố Hồ Chí Minh. Thành ra không những kết nối giao thông phía trên, mà giao thông ngầm phía dưới cũng cần phải tốt. Nhưng tuyến Nguyễn Huệ và Hàm Nghi, theo tôi nên cố gắng giữ lại tất cả các cây mà chúng ta hoàn toàn có thể giữ được. Chỉ riêng tuyến métro giữa chợ Bến Thành và khu vực Nhà hát, tôi nghĩ có lẽ những nhà thiết kế đã cố gắng nhưng khó thể giữ được toàn bộ.
Thưa anh, còn các tượng đài ở trước chợ Bến Thành – tượng Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang – đã trở thành quen thuộc với mọi người từ lâu rồi, di dời tượng như thế này thì có nên không, theo anh?
Theo quan điểm chủ quan của tôi thì tượng Trần Nguyên Hãn, với vị trí này cũng có ý nghĩa tương đối. Tượng Quách Thị Trang tôi cho rằng có thể tạm dời, sau khi xây xong nên trả lại chỗ cũ vì đó là một vị trí lịch sử. Còn tượng Trần Nguyên Hãn, tôi nghĩ cũng có hướng mở – hoặc trả lại vị trí cũ, hoặc sau khi tổ chức lại tuyến métro ngầm ở chợ Bến Thành và không gian quy hoạch kiến trúc chung quanh, thì có lẽ quy mô tượng hơi quá bé nhỏ so với tầm vóc của trung tâm quan trọng này.
Lúc đó cần có nghiên cứu quy hoạch kiến trúc cảnh quan, để xác định một vị trí công trình vừa cây xanh vừa điêu khắc tương xứng với tầm vóc. Chúng ta có thể xem xét những phương án: có thể giữ lại tượng Trần Nguyên Hãn và bổ sung thêm một số tượng, hoặc dời đi và có một cụm tượng đài kết hợp với cây xanh tương xứng hơn.
Là một người sinh sống ở Saigon từ nhỏ, nhạc sĩ Tuấn Khanh tuy không phản đối những thay đổi cho phù hợp với một thành phố đông đảo cư dân, với mật độ dân số cao hơn gấp nhiều lần so với trước đây. Nhưng cũng như nhiều người dân Saigon khác, anh muốn nói lên những băn khoăn, khi không mấy người được biết bộ mặt tương lai của thành phố sẽ ra sao. Đặc biệt là trong bối cảnh đã có không ít công trình tầm cỡ quốc gia bị thi công gian dối. Và phải chăng việc gấp rút xây dựng vì mục đích chính trị là chính?
Có một người bạn gởi cho mình một hình ảnh rất đẹp về vấn đề này. Anh nhắc lại chuyện một người đàn ông Trung Quốc bán đi một trái thận để lấy tiền mua một cái iPad, để sống cuộc đời hiện đại. Thì việc thay đổi một thành phố, mà sự đánh đổi ấy quá cập rập, quá đau đớn như vậy cho cái gọi là hiện đại, cũng tương tự như người ta đã đánh mất một phần nào đó ẩn giấu trong cuộc đời mình để đổi lấy cái mới. Mà cái mới đó rất nhiều nỗi lo về sự bất cập của nó.
Hiện nay ở Saigon có rất nhiều tin tức cho biết, rồi sẽ tới chợ Bến Thành phải thay đổi, thương xá Tax sẽ thay đổi, những con đường, vòng xoay nước cũng sẽ đổi khác… Mọi thứ của Saigon cũ sẽ không còn, cho một tuyến métro.
Mà đây là tuyến métro thứ hai, tức là hạng mục công trình chưa cần gấp lắm. Đáng lẽ phải xây tuyến métro số 1 trước, nhưng tuyến số 2 lại được làm trước. Tất cả cho một mục tiêu chính trị, là để 30 tháng Tư năm 2015 sắp tới, kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam. Và để dựng tượng đài Hồ Chí Minh, lãnh tụ đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại Saigon, kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông ấy.
Tất cả những gấp rút ấy, tất cả những chuyện làm mà không cần biết cảm giác của người dân – người ta sẽ nói như thế nào, suy nghĩ gì, thương tiếc ra sao, cho một mục đích chính trị, đôi khi cũng làm mình chạnh lòng. Bởi vì mình đã sống nơi đó, tình cảm mình dành cho thành phố không phải là một động thái chính trị nào cả. Vậy thì đôi khi người ta cũng phải suy nghĩ đến điều đó. Tại sao phải vội vã như vậy, và thậm chí cái được đánh đổi cũng không biết sẽ như thế nào.
Tuy rằng về mặt lý thuyết thì những thay đổi trong quy hoạch đô thị đã được Hội đồng Nhân dân thông qua, nhưng phải chăng đây là những đại diện thực sự của người dân Saigon, và họ đã thực tâm “do dân, vì dân” hay chưa? Nhạc sĩ Tuấn Khanh thắc mắc, vì sao công trình này lại không lấy ý kiến rộng rãi từ người dân.
Việc thay đổi một hình ảnh của thành phố lúc này, các lý do mạnh mẽ nhất mà báo chí trong nước cũng như những người phát ngôn của nhà nước có thể nói, là đã được biểu quyết qua Hội đồng Nhân dân thành phố.
Nhưng Tuấn Khanh cũng như rất nhiều người dân trên đất nước này, sống tại thành phố này, phải nói thật rằng mình không biết Hội đồng Nhân dân thành phố gồm những ai, và họ có thực sự là đại diện cho tiếng nói và trái tim của những người dân thành phố Saigon này hay không. Mà mới đây chỉ mấy ngày thôi có những bài báo nhắc đi nhắc lại rằng thái độ làm việc và tư cách của những người trong Hội đồng Nhân dân thành phố – đến chỉ để bấm nút biểu quyết “có” và “không”, rồi chơi game, vân vân. Rõ ràng là người ta đã không sát sườn với đời sống của người dân thành phố này.
Bên cạnh đó, có bao nhiêu người dân thành phố đã được hỏi ý kiến để biết, để góp ý cho sự thay đổi? Một nhà ga được xây ở Matxcơva, ở Paris, Luân Đôn… mà lấn chiếm một vị trí, chắc chắn người dân thành phố đó phải được hỏi ý kiến. Họ sẽ phải được tham khảo, họ sẽ bỏ phiếu để chọn những dự án tốt nhất, để giữ lại những điều đã đi cùng nhiều thế hệ lớn lên ở thành phố đó, rồi sẽ đi tìm những cái mới nhất cho sự phát triển của thành phố. Chứ không phải họ chỉ là những người để ngồi ngắm những mệnh lệnh từ trên đưa xuống, và chỉ biết chịu đựng mà thôi.
Một con rùa già vô danh ở Hồ Gươm được coi là một hiện tượng khoa học, tâm linh… và được bàn tán rất nhiều. Trong khi đó ở Saigon, người ta không nuối tiếc, không có sự thương tiếc cho mọi thay đổi. Ở đây không phải là trân trọng những gì phong kiến, chế độ cũ đã dựng lên, nhưng những thứ được dựng lên rồi thực sự chắc chắn, đẹp đẽ trong rất nhiều năm, xứng đáng được gọi là Hòn ngọc Viễn Đông. Đó là những đại lộ, những hình ảnh đẹp đẽ nhất của miền Nam Việt Nam…
Và đã có rất nhiều ví dụ cho thấy có những công trình được ca ngợi, đổ hàng ngàn tỉ vào đó. Nhưng chỉ vài tháng sau, một năm sau là bị nứt nẻ, lộ ra tham nhũng mục ruỗng. Những con đường đầy xi-măng trộn cốt tre, những chiếc cầu vội vã xây lên rồi sập vài tháng sau khi khai trương… Thì dĩ nhiên người thành phố này có quyền cảm thấy lo sợ họ đang đánh đổi những điều đẹp nhất, nhưng liệu rồi sẽ có những thay đổi tốt đẹp, hay lại rơi vào những bất cập đã từng chứng kiến liên tục trong nhiều năm ở đất nước này.
RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn và nhạc sĩ Tuấn Khanh ở Saigon đã vui lòng tham gia tạp chí xã hội hôm nay của chúng tôi.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140730-saigon-hang-me-tuong-dai-va-metro