Sự Sống, Con Người và Thiên Nhiên

Nguyễn Đức Tiến

Sự sống của con người nằm bên trong sự sống của thiên nhiên. Con người là thành phần của thiên nhiên, thiên nhiên là thành phần của con người. Thiên nhiên chuyển động qua từng hơi thở của con người, luân lưu trong từng mạch máu của con người. Thiên nhiên tạo ra sức sống cho con người, hiện ra qua từng tư duy của con người, tạo ra tri thức và xúc cảm cho con người. Ngược đãi thiên nhiên là ngược đãi chính mình, tàn phá thiên nhiên là tàn phá con người của chính mình qua từng mạch máu, từng hơi thở, từng tư duy và từng xúc cảm của chính mình. Con người không phải là một cái gì đó khác hơn với thiên nhiên, và ngược lại. Nhìn thiên nhiên qua một sự hiểu biết nhị nguyên là một góc nhìn phiến diện, là nguyên nhân đưa đến mọi hình thức xung đột và khổ đau. HP Nguyễn Đức Tiến.

clip_image002

Anh Võ Tá Hân mến,

Cám ơn Anh chuyển bài viết của ông Ngô Thế Vinh về sông Cửu Long. Tôi cũng chẳng biết phải nói gì hơn. Như đã nói với Anh trước đây, tôi đã trông thấy các hậu quả này từ nhiều chục năm về trước. Những gì mà ông Ngô Thế Vinh nêu lên trong bài viết rất cao siêu, có thể là những người lãnh đạo cũng không hiểu, bởi vì họ không được đào tạo để hiểu. Phần lớn người dân chất phác cũng không hiểu bởi vì họ bị cấm, không được phép hiểu. Trên thực tế thì mọi chuyện đã muộn lắm rồi, không có thuốc chữa. Khi Thiên nhiên ra tay thì dù kỹ thuật có mạnh và tân tiến đến đâu, tiền bạc có nhiều đến đâu cũng không chống lại được Thiên nhiên. Qua một góc nhìn rộng lớn hơn thì chúng ta sẽ thấy rằng Thiên nhiên luôn chuyển động. Động đất là một sự chuyển động bất thần và rất nhanh, thế nhưng nếu nhìn vào lịch sử địa chất của địa cầu (Geological Time Scale) thì đấy cũng chỉ là hậu quả âm ỉ và lâu dài của phát sinh từ sự trôi dạt của những mảng lục địa. ĐBSCL không phải là xứ Thổ Nhĩ Kỳ, mà là nơi môi sinh sụp đổ một cách kinh hoàng. Sự sụp đổ đó, ông Ngô Thế Vinh đã trông thấy qua bài viết của ông ấy.

Tôi sinh ra trong vùng đầm lầy của ĐBSCL khi Đại chiến thứ Hai bùng nổ ở Âu Châu, tôi chạy giặc Việt Minh, chạy giặc Miên (cáp duồn), chạy giặc Nhật, chạy giặc Tây, chạy giặc VC… Cha mẹ tôi, cùng anh em tôi trốn trong những khu rừng nguyên sinh của ĐBSCL cách nay 3/4 thế kỷ. Các khu rừng đó chưa hề có vết chân người. Các khu rừng đó thỉnh thoảng vẫn hiện lên với tôi trong những giấc mơ.

Mười tuổi tôi đi học lại, biết đủ 24 chữ cái và tập đánh vần. 25 tuổi đứng trên bục giảng của đại học Sài Gòn, và sau đó là các đại học Cần Thơ, Đà Lạt, Oslo, Paris, vừa học, vừa khảo cứu, vừa thuyết trình. Có một lần tôi thuyết trình về đề tài Paleoecology / Cổ môi sinh học (thời đại Permian) cách nay hơn 300 triệu năm, liên quan đến một ngọn đồi đá vôi trong ĐBSCL gọi là Núi Còm (gần Hà Tiên). Nay ngọn đồi này và các ngọn đồi đá vôi hiếm hoi trong vùng ĐBSCL đã bị san bằng để lấy đá lót đường và làm xi măng. Điều đó cũng tương tự như đập các chiếc lọ cổ để lót sân.

Tôi hiểu về tầm quan trọng của môi trường cách nay đã hơn nửa thế kỷ. Với tư cách là địa chất gia và kỹ sư tầm khảo tôi đã từng làm việc nơi hầu hết các sa mạc, rừng rậm, biển cả trên địa cầu (kể cả trên vòng đai bắc cực), tôi chỉ xin kể lại một chuyện nhỏ như sau: Có một lần tôi đến một công trường trong một vùng sa mạc, tôi trông thấy quá nhiều rác. Tôi bảo với công nhân là nếu tôi trông thấy ai vứt rác thì tôi sẽ đề nghị công ty thuê mướn sa thải người này. Công nhân rất thật thà, họ nói với tôi rằng: đất nước này đâu phải là quê hương tôi mà tại sao tôi lại làm như vậy? Điều đó khiến tôi ý thức được là mọi sự phải bắt đầu từ con người. Nói một cách khác thì đó là chữ Tâm trong phần kết luận của bài viết của ông Ngô Thế Vinh.

Qua một góc nhìn thu hẹp hơn thì người dân trong ĐBSCL và những người lãnh đạo phải học để hiểu được những gì mà ông Ngô Thế Vinh muốn nói. Thế nhưng chuyện đó đã trở thành không tưởng.

Ngày nay tôi vẫn học, có hôm thức từ 2 hay 3 giờ sáng. Tôi cũng thường nghĩ đến các sinh viên của tôi mà một số đã bước vào tuổi 70 hay 80. Học hỏi theo tôi không phải chỉ là sự hiểu biết mà còn là là sự khai mở của con tim (Tâm). Yêu thương con người, thiên nhiên và sự sống là bước đầu tiên góp phần giúp cho sự tồn vong của địa cầu nhỏ bé này. Bắt người dân phải ngoan ngoãn, không có quyền hiểu biết, không được phép yêu thương, là cách giết chết một dân tộc, tàn phá một quê hương.

Paris, Feb 9, 2023 

Comments are closed.