Nguyễn Vũ – Nguyễn Vinh
Tàu hải giám Trung Quốc bắn súng nước vào tàu kiểm ngư của Việt Nam tại khu vực tranh chấp. Ảnh TL.
(TBKTSG Online) – Có thể phải một thời gian dài nữa mới khẳng định được đâu là nguyên nhân thật sự đằng sau cơn bùng phát của một số người mang danh công nhân ở các khu công nghiệp phía Nam dẫn tới việc phá hoại tài sản ở nhiều doanh nghiệp.
Điều có thể khẳng định, cơn bùng phát này dù vì lý do gì đi nữa sẽ nhanh chóng kết thúc vì chúng tôi tin đã là người Việt, không ai chịu nhận vài trăm ngàn đồng để làm điều gì tổn hại đến thanh danh đất nước. Họ có thể bị lừa một lần nhưng nếu thông tin đúng đắn đến được với họ, không một thế lực lạ hay quen nào có thể lừa được họ lâu dài.
Mọi sự vội vàng quy kết hiện nay đều không nên.
Bởi điều rõ nhất là giàn khoan Hải Dương 981 vẫn còn nằm chễm chệ ở đó, ngay trong vùng biển của đất nước ta. Bởi sự thật vẫn còn đó là ngư dân nước ta tiếp tục bị lực lượng kiểm ngư Trung Quốc đánh đập, phá hoại tài sản.
Điều cần nhất hiện nay là sự đoàn kết một lòng vì an nguy của tổ quốc.
Nếu nhìn theo hướng đó, chúng ta sẽ dễ dàng lý giải vì sao có sự bộc phát cho dù vì nguyên nhân sâu xa nào đi nữa. Đó là tâm lý đám đông dễ bị lôi kéo vào cơn lốc khó kiểm soát. Phải ở bên trong cái đám đông cuồng nộ đó mới hiểu được vì sao mọi vấn đề xã hội phải được quan tâm, giải quyết tận gốc rễ mới mong xây dựng được một tâm lý dân tộc vững vàng.
Hiện nay đất nước ta đang phải đối diện với nhiều thử thách. Trong khi đó Trung Quốc lại rất khôn khéo trong tuyên truyền đối ngoại. Vụ việc từ chỗ Trung Quốc đem giàn khoan xâm phạm vùng biển nước ta bị lái sang chuyện khác, làm cả thế giới chú ý đến vì liên quan đến lợi ích của họ. Nhưng cách lái dư luận ấy sẽ không bền lâu. Chúng tôi tin chắc, ngay sau khi Việt Nam chứng tỏ cho thế giới thấy, chỉ có một thiểu số bị tâm lý đám đông lôi cuốn và họ cũng đã nhanh chóng sực tỉnh để ý thức được trách nhiệm của mình trước vận mệnh quốc gia. Cái tâm lý dễ bị lôi cuốn ấy cũng một phần do bối cảnh thiếu thốn thông tin từ lâu và đã nhanh chóng biến đổi.
Sự chuyển biến đó có phần rất lớn của các tuyên bố rõ ràng từ các nhà lãnh đạo. Một khi người dân được cung cấp thông tin, được biết chuyện gì đang xảy ra, được biết định hướng giải quyết của nhà nước sẽ như thế nào, họ sẽ hành xử với tinh thần trách nhiệm hơn. Và chính họ sẽ giám sát để ngăn chận những biểu hiện quá khích do tâm lý đám đông nói trên.
Vài năm gần đây, cuộc khủng hoảng kinh tế đã đè nặng lên đời sống của người công nhân trong xã hội Việt Nam – một xã hội mà nền kinh tế chưa thâm nhập được vào chuỗi giá trị công nghiệp, tất cả còn dừng ở mức độ cung ứng tài nguyên nhân lực giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên cho các nhà đầu tư nước ngoài. Khi nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, tại các công ty xí nghiệp xảy ra tình trạng nợ lương, giảm lương, điều tiết lao động, sức ép về năng suất lao động ngày càng căng thẳng… Những điều này tác động trực tiếp đến đời sống người công nhân Việt Nam đang bám việc. Ngoài ra, lực lượng công nhân bị mất việc phải ở lại thành phố tìm cơ hội lao động mới ngày càng đông…
Tất cả đã tạo ra một sự dồn nén, sức ép vô thức rất lớn trong thành phần lao động này. Thực tế trên ngấm ngầm tạo ra một sự cộng hưởng tâm trạng lớn, chỉ chờ dịp để tất cả mọi dồn nén tâm lý thời cuộc được giải tỏa công khai.
Khi vô thức của đám đông lớn mạnh, cái ý thức ban đầu về mục tiêu chính yếu là chống hành vi bạo ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc, là sự bày tỏ lòng yêu nước, đã bị vượt qua, cộng với chút nhận thức lệch lạc về chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thứ bạo lực vô hướng, thiếu kiềm chế đã bùng phát.
Vì thế bước tiếp theo là giải quyết các vấn đề xã hội mà có thể lâu nay chúng ta bỏ qua một bên trong cơn hăng say phát triển kinh tế. Đó là siết lại quy định cho lao động phổ thông nhập cư vào đất nước chúng ta, chấm dứt hiện tượng lao động nước ngoài “chui” núp dưới hình thức du lịch. Đó là chăm lo đời sống tinh thần của công nhân ở các khu công nghiệp tập trung, ngăn chận tệ nạn xã hội, ngăn chận tình trạng bảo kê ở một số nhà máy. Tất cả phải được tiến hành với một ý hướng rõ ràng là vì đời sống của người lao động chứ không phải để chìu lòng bất kỳ ai, hay dưới áp lực của bất kỳ từ đâu.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.