Sự từ chối liên tục với mọi tư tưởng phương Tây

Vương Trí Nhàn

Trong vụ GS Chu Hảo, nhiều người thắc mắc tại sao cấp trên lại phê phán ông về hoạt động của nhà xuất bản Tri Thức.
Là một người đã làm công tác xuất bản và ít nhiều có hoạt động trong lĩnh vực sách vở khoa học xã hội, tôi không lấy làm lạ. Câu chuyện từ chối các tài liệu nghiên cứu từ phương tây vốn có từ lâu lắm.
Sinh thời nhà thơ Tố Hữu từng cho rằng về khoa học tự nhiên ta có thể kém chứ khoa học xã hội thì ta không chịu một ai. Thậm chí theo cách nói của Tố Hữu ta còn có thể đi dạy cho các nước khác nữa.

Trong giới khoa học xã hội nhiều người lứa tuổi tôi hẳn biết nhà dân tộc học Từ Chi từng mang vạ vì ở nơi sơ tán mà để hết tâm trí ngồi đọc Nhiệt Đới Buồn của Claude Lévi-Strauss.. Có lần một phó ban tuyên giáo hình như là ông Hà Huy Giáp đến thăm nơi sơ tán của cơ quan phát hiện ra việc này của Từ Chi. Sau đó ông liền bị chi bộ quần cho một trận. Kinh nghiệm của Từ Chi là không nên làm việc ở cơ quan mình có chuyên môn mà nên làm ở một nơi chung chung khác, sẽ dễ ẩn mình để tự do nghiên cứu hơn.
Trước đó thời Liên Xô theo chúng ta là sa vào chủ nghĩa xét lại, sách vở khoa học xã hội cũng bị cấm đoán như vậy. Cũng may là các sinh viên Việt Nam sang Liên Xô học thường cũng không biết rộng ra ngoài phạm vi nhà trường dạy mình, mà chỉ tiếp thu cái phần bảo thủ trong các tài liệu của Xô Viết, nên ở đây không xảy ra những bi kịch đáng kể lắm. Chỉ có một lần nhà nghiên cứu điện ảnh Mai Luân nhắc lại một luận điểm của ông thầy Nga về khả năng ‘phá vỡ logic cuộc sống’ thì lập tức bị nhà mác-xít cổ điển Trường Chinh phê phán cho một trận, thế là cạch hẳn.
PGS Đặng Anh Đào tôi quen vốn làm công việc nghiên cứu văn học phương Tây, nhưng rất am hiểu văn học Việt Nam từ những năm tám mươi có chuyển sang viết về văn học đương thời, sau đã trở thành một thành viên Hội nhà văn. Chị Đào có lần nhận xét về ông Hữu Thỉnh phụ trách Hội nhà văn chúng tôi, sao ông này có quan điểm rất lạ, người Pháp người ta cho sách thì chỉ nhận sách cổ điển, còn sách hiện đại thế kỷ XX thì nhất định không nhận. Tôi phải nói ngay với chị Đào rằng cái lối này đã có từ thời của nhà văn kiêm nhà trí thức số một của giới văn nghệ thời ta là ông Nguyễn Đình Thi. Hồi chống Mỹ, Pháp họ vẫn cho Hội nhà văn sách rất đều. Ông Thi nhận nhưng giao cho bà Huệ giữ thư viện – cũng tức là vợ nhà văn Bùi Hiển – cất kín trên gác, chỉ khi có lệnh của ông Thi bà Huệ mới được phép cho mượn. Nói tóm lại, cái xu hướng tự cách ly hẳn với thiên hạ, cái đó vốn là chủ trương của những người phụ trách mãi bên trên, và đã kéo dài lâu quá, gây nên bao nhiêu tật bệnh.

Từ sau 1986, sự tiếp nhận tư tưởng khoa học xã hội phương Tây được sự tiếp nhận kinh tế hỗ trợ nên khộng khỏi tạo áp lực khiến cấp trên có phần bắt buộc phải có cái nhìn cởi mở hơn. Nhiều quyển sách quan trọng của khoa học xã hội Mỹ Anh Pháp Đức… được giới thiệu để dịch ở ngay cơ quan xuất bản chính thức của nhà nước. Bộ phận quản lý không dễ từ chối, nhưng vẫn tìm ra cách đối phó riêng. Chỉ cho in ra những gì ta đã phần nào kiểm soát được. Thông thường chỉ cho in với số lượng rất ít và có khi in xong không giới thiệu rộng rãi cất ngay vào kho để hạn chế phổ biến. Các tác phẩm động chạm đến các vấn đề cụ thể của Việt Nam càng được soi xét kĩ lưỡng, có nhiều quyển, những đoạn quan trọng thì bị đục bỏ hoặc bị giải thích lại theo ý muốn chủ quan của cơ quan xuất bản Việt Nam.
Mặc dầu vậy, ở các cơ sở xuất bản của các ngành nghề và các địa phương, những người làm công việc giới thiệu các tài liệu khoa học xã hội nước ngoài vào Việt Nam vẫn tìm cách len lỏi để có thể đưa được những tác phẩm mà họ thấy là cần thiết cho đất nước trên con đường gia nhập vào thế giới hiện đại. Việc này hết sức khó khăn và dễ gây ra tai vạ, phải mưu mẹo lắm mới có thể đưa ra được những gì mình muốn.
Trong tình hình ấy, việc nhà xuất bản Tri Thức in ra được hàng loạt sách khoa học xã hội có giá trị cổ điển, hoặc cập nhật những tài liệu mới nhất gây ra tranh cãi ở nước ngoài, nhất là cho dịch được những tác phẩm sát sao với tình hình Việt Nam, với nhu cầu đổi mới của Việt Nam – phải nói là một hiện tượng hiếm hoi.
Chúng ta cần ghi nhận ở đây, những cởi mở và quả quyết của GS Chu Hảo được sự đồng tình ủng hộ của tri thức trong và ngoài nước, nên mới đạt nhiều thành tựu như vậy.
Cái tinh thần sáng tạo của nhà xuất bản Tri Thức sẽ được bộ phận tinh hoa trong trí thức cả nước tiếp tục, và dù bất cứ hoàn cảnh nào thì nó cũng không thể bị đảo ngược.

Nguồn: FB Vương Trí Nhàn

Comments are closed.