Lê Học Lãnh Vân – dân thường nước Việt
Dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ, trang Facebook của Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội đăng Vài lời thật lòng với người Việt Nam của Tổng Biên tập Thời Báo Hoàn Cầu Trung Quốc, ông Hồ Tích Tiến. Các chữ viết nghiêng và để trong ngoặc kép dưới đây được trích từ đó.
Chủ đề của “vài lời thật lòng đó” là
1) nhắc Việt Nam nhớ Hoa Kỳ từng “ném hàng nghìn hàng vạn tấn bom xuống miền Bắc Việt Nam”. Khuyên Việt Nam chớ làm “con cờ”, “khẩu súng” của Mỹ, đừng để Mỹ “lợi dụng” để “chèn ép Trung Quốc”.
2) nhắc “quan hệ Việt – Trung là căn bản hơn cho Việt Nam”, “thể chế chính trị của Việt Nam rất khó trường tồn lâu dài” nếu không dựa vào sự “nâng đỡ chiến lược” của Trung Quốc.
Tôi, một dân thường Việt Nam, xin có vài suy nghĩ
Việt Nam biết tự nhận xét quốc gia nào tốt với mình, có quyền lợi song hành với quyền lợi mình. Nhận xét rằng Mỹ có “thật lòng mong tốt cho Việt Nam” không là việc riêng của Việt Nam, nhưng Việt Nam biết chắc chắn Mỹ không có tham vọng chiếm của Việt Nam một tác đấc, một hòn đảo, một vùng biển nào.
Về lâu dài chắc chắn Việt Nam biết cách để không quốc gia nào “lợi dụng Việt Nam” được, và để Việt Nam không “trở thành khẩu súng” của bất kỳ ai.
Việt Nam tự biết “quan hệ Trung – Việt có ý nghĩa căn bản” như thế nào đối với Việt Nam. Lịch sử ngàn năm, lịch sử cận đại và hiện đại đã cho Việt Nam những bài học đủ sâu sắc về chính sách “láng giềng hữu nghị lâu dài của Trung Quốc” với Việt Nam, được sơn phết bốn tốt mười sáu chữ vàng, là như thế nào!
Người dân Việt biết quyền lợi lâu dài của quốc gia, dân tộc mình nằm ở đâu. Thể chế chính trị chỉ là phương tiện, dân Việt sẽ biết cách chọn và dùng thể chế chính trị nào, đó là việc của người Việt, không phải của người Hán. Nếu việc chọn và bảo vệ thể chế chính trị xuất phát từ sự “nâng đỡ chiến lược” của Trung Quốc thì đó không phải là lợi ích của quốc gia Việt Nam. Truyền thống dân tộc cho thấy chế độ Việt Nam nào dựa vào sự “nâng đỡ” của Trung Quốc, nhất là khi Trung Quốc đang tranh chấp hay chiếm đóng một phần lãnh thổ với Việt Nam, chế đó mất tính chính danh và chính đáng.
Thế giới đều biết Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa. Cho dù có cùng thể chế chính trị với Trung Quốc, chính quyền Việt Nam về lâu dài chắc chắn không chọn dựa vào sự “nâng đỡ chiến lược” của Trung Quốc mà sẽ dựa vào lòng của trăm triệu dân Việt. Việt Nam đang tiến dần về hướng đó trong sự hợp tác giữa chính quyền và dân chúng.
Việt Nam sẽ tìm được phương cách tập hợp lòng dân, hòa dịu các khuynh hướng chính trị khác nhau, giảm chống đối và tăng hợp tác trong lòng quốc gia. Chắc chắn Hà Nội rất cảnh giác với chính sách độc chiếm Biển Đông, tranh cướp biển đảo cùng các âm mưu can thiệp lâu dài vào Việt Nam.
Không biết ý muốn thực sự của bức thư như thế nào, nhưng câu “so sánh với việc hai nước duy trì hoà bình, hữu nghị và tăng cường hợp tác lớn, việc nào nặng việc nào nhẹ là điều hết sức rõ ràng” có thể khiến người đọc cảm nhận một sự đe dọa và trịch thượng. Thời văn minh hiện nay đã cách rất xa thời phong kiến, đâu còn chỗ cho não trạng của quan hệ ngoại giao bất đối xứng?
Những thăm dò bởi các cơ quan học thuật uy tín cho biết gần 80% dân Việt Nam ủng hộ phát triển ngoại giao tin cậy với Hoa Kỳ. và cũng con số phần trăm tương đương không tin vào Trung Quốc. Hai dân tộc Việt Trung vốn gần gũi nhau, phải chăng không tin là không tin những người có quan điểm như của ông Hồ Tích Tiến?
Tôi nghĩ người nghiêm túc và tự biết giới hạn mình không nên có lời nói vào việc không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Ông Hồ Tích Tiến không nên “Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam” về đề tài này và bằng giọng điệu như thế.
Ngoại giao cần mềm mỏng, cần thuyết phục người bằng lòng chân thành tôn trọng người. Tôi thực sự ngạc nhiên về bức thư và càng ngạc nhiên hơn về nơi xuất hiện của nó. Có lẽ nên cám ơn ông Hồ Tích Tiến đã “đại diện cho suy nghĩ của nhiều người Trung Quốc” viết thư này và tôi mong nó được truyền bá rộng rãi để người Việt nhìn rõ hơn tinh thần, thái độ của những “người Trung Quốc” như ông Hồ Tích Tiến đối với người Việt, nước Việt là như thế nào!
Ngày 13 tháng 7 năm 2020