“Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 91)

Tương Lai

Đó là câu thơ của cô cháu yêu của tôi1 và cũng là học trò tôi viết khóc cha mình – giáo sư liệt sĩ Đặng Văn Ngữ – khi ông nằm xuống trên chiến trường Trị Thiên năm 1967. Trong những ngày đầy ắp những hoài niệm sâu lắng và cháy bỏng về những bước đi bi tráng của lịch sử đất nước mình, tôi xúc động lấy câu thơ ấy làm đề từ cho bài viết.

Đang lặng lẽ đắm mình vào những miên man suy ngẫm giữa những ngày “cách ly trốn dịch” thì Lê Công Giàu gọi điện: “Anh Huỳnh Kim Báu gọi cho tôi muốn chúng ta gặp nhau tại nhà anh, không thể chờ thêm được nữa, anh phá lệ cách ly nhé. Mà cũng đã có tuyên bố “đã thành công ngăn chăn dịch”, tivi đưa rồi đó. Vả lại chị nhà chắc đã khoẻ hơn nên đã gọi điện mừng sinh nhật tôi mà! Vậy 11g ngày mai nhé”.

Anh Báu hẹn nhưng lại đến chậm vì kẹt chuyện kiểm tra định kỳ ở bệnh viện. Anh Giàu, như thường lệ đến sớm đề dự phòng cho quãng thời gian được những anh “bạn dân” mẫn cán theo lệnh cấp trên hỏi han nơi đi nơi đến, để được “tận tình chăm sóc” có thể lỡ hẹn. Chưa kịp pha ấm trà thì Huỳnh Tấn Mẫm tươi cười mở cửa bước vào đúng lúc tôi hỏi Lê Công Giàu “Không hiểu anh Mẫm có phanh lại chuyện tuyên bố phá sản vào đầu tháng 5 do không sao trang trải nổi lương giáo viên và cán bộ, công nhân viên, cộng thêm cả trăm triệu tiền thuê trụ sở cho Trường học sinh Tự kỷ mà anh đang phải gánh vác”.

clip_image002Nhìn nét vui trên gương mặt gầy rộc đi của anh, tôi cười “Chắc đã được nhà nước trợ cấp nên không phải tuyên bố phá sản nữa chứ”. Mẫm cũng cười, nhưng nụ cười méo xệch: “Có đâu, có lẽ khó chèo chống được, vì người ta chỉ trợ cấp cho một số rất nhỏ giáo viên, còn lại phải tự xoay xở, tôi vẫn đang phải chạy ngược chạy xuôi. Mà không biết ngày nào mới cho học sinh tự kỷ của mình đến trường. Học sinh chưa đi học thì lấy đâu tiền trả lương cho cô giáo. Họ phải bỏ đi, thì rồi đây khi có lệnh mới làm sao đào tạo bồi dưỡng đội ngũ có chuyên môn nghiệp vụ dạy trẻ tự kỷ cho kịp. Họ đâu có biết việc đào tạo ấy là gay go như thế nào kìa!”.

Rồi anh nói tiếp: “Chạy ngược chạy xuôi vậy mà vẫn có mấy anh bạn canh chừng hỏi chú đi đâu, ngay hôm nay người ta vẫn theo đấy, xem ra họ sẽ ngại hơn nếu biết tôi đến nhà GS”.

Tôi dàn hoà, “Việc họ, họ làm, việc mình, mình làm, bận tâm làm gì. Có chuyện gì hay hay ta chuyển đề tài đi, mấy ngày rồi, các anh có theo dõi BBC không? Có mấy bài về 30 tháng Tư rất đáng xem, tôi đã chép lại trong “Điểm tin Đáng đọc” số 91 để gửi cho anh vì biết đang phải chạy bạc mặt thì ông Mẫm của tôi đâu có thì giờ mà mở “phây”, lên mạng”. Mẫm dịu giọng: “Đúng vậy, chuyện gì hay anh nói ngay vài câu trong khi đợi Huỳnh Kim Báu đi”.

Tôi mở đầu với cái tít đậm của bản tin BBC “30/04/1975: Tổng thống Dương Văn Minh nói “Theo Tây, Mỹ mãi chưa đủ sao giờ lại theo Tàu? và tiếp đó là bài của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Bộ trưởng Kế hoạch trong chính phủ Nguyễn Văn Thiệu về những ngày cuối cùng của VNCH cũng trên BBC: “30.4 Tổng thống Minh và văn thư yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt Nam”. Tôi nhìn vào Mẫm: “Anh đã có 6 tháng trốn trong nhà ông Dương Văn Minh, anh nghĩ sao về câu nói của ông ấy mà BBC đã dẫn ra: Những gì chúng ta đã biết sau này là tướng Minh mất tại Mỹ ngày 6/1.2001. Nhưng ít ai ở Việt Nam ngày nay nhắc đến chuyện ông từ chối kế hoạch của tướng Pháp Paul Vanuxem rút thủ đô về Cần Thơ và gọi Trung Quốc vào cứu viện: ‘Theo Tây, theo Mỹ mãi chưa đủ sao mà bây giờ lại theo Tàu?’

Như nối được mạch liên tưởng về một thời kỳ chiến đấu giữa Sài Gòn, nhân vật từng mang tính biểu tượng và là sức hút của tuổi trẻ Sài Gòn yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm và bộ máy chính quyền do Pháp rồi Mỹ dựng lên, đã rầm rập xuống đường, rồi những ngày “Tôi hát cho đồng bào tôi nghe…”, Huỳnh Tấn Mẫm cười hiền hoà: “Thì đấy là giải pháp tình thế GS à. Chúng vây bắt mình dữ quá, trong một lần bị cảnh sát của Nguyễn Văn Thiệu rượt đuổi mình phải nhào vô nhà ông Dương Văn Minh, người mình đã nhiều lần gặp và biết ông ấy có cảm tình với bọn mình, những sinh viên yêu nước chống xâm lược và chính quyền Thiệu. Cả sáu tháng trời đấy GS à. Ổng cho mình ở một phòng riêng đủ tiện nghi, hàng ngày có một thiếu tá đưa cơm nước đến”. Anh Giàu cười đệm vô: “Cũng vì thế mà dạo ấy Mẫm gặp rắc rối đấy. Người ta đặt nghi vấntại sao lại ở nhà tướng Minh lâu như vậy”, tôi từng phải trả lời:Nếu các anh lâm vào hoàn cảnh chúng tôi lúc bị truy ép riết róng mà cơ sở thì bị bung bét cả rồi thì sẽ hiểu tại sao’”.

Mẫm cười nói tiếp, “Rồi sau đó đâu có ở mãi được, khi tôi bị chúng tóm đẩy vào Nha cảnh sát, gặp anh Giàu ở đó. Phải nói nhìn anh Giàu lúc ấy tôi cũng hoảng, choáng váng tinh thần đó. Cũng lạ, sao mà anh vẫn còn sống để hôm nay ngồi đây, mà sức khoẻ xem bộ còn ngon hơn tôi và Huỳnh Kim Báu đấy! Vì hôm ấy, trước mắt tôi là một thân hình nát bét, đen thui từ mặt đến chân với độc chiếc quần xà lỏn rách nát thấm máu đen kịt. Nó đánh kiểu gì mà máu bầm đen thui vậy, tôi nhận ra Giàu chỉ còn ở đôi mắt cố dướn lên nhìn tôi. Tôi cũng bị chúng nện rất dữ, nhưng chắc cũng có kiêng dè vì tôi hoạt động công khai, được nhiều người biết đến. Vì thế sau này tổ chức còn định tôi sẽ thuộc lực lượng thứ ba’.

Đang ngon trớn trong hồi ức, Mẫm thủng thẳng kể: “Có lần mình gợi ý với ông Minh về chuyện “lực lượng thứ ba” thì ông ấy trả lời: Trong chính trị thì người ta phải tính đến chuyện đó, nhưng với qua thì qua chỉ có thể là “lực lượng thứ hai” thôi. Có vậy mới hợp với tình thế của qua, có tính kiểu gì thì qua cũng phải là “lực lượng thứ hai” thì làm gì mới làm được”.

Anh Giàu lại chen vào: “Phải trong cuộc thì mới thấy có những chuyện cũng lạ, như việc ông Mẫm còn được như hôm nay là nhờ ông Kỳ cứu đấy!”. Quay sang Mẫm, tôi hỏi: “Ly kỳ đấy, anh được cứu như thế nào”. Vẫn nụ cười hiền hậu, Mẫm nhỏ nhẹ “Bị một thằng to con túm chặt sau khi nện cho một cú trời giáng, nhưng tôi cũng liều cắn vào cánh tay hắn, rồi vụt chạy vòng vèo để rồi chui tọt vào chùa… Chúng gọi thêm người lùng sục, mình nhỏ con nên co người nấp kín, đợi. Anh em mình trong chùa đã kịp báo cho anh Hồ Ngọc Nhuận, anh ấy gọi cho ông Nguyễn Cao Kỳ, lúc ấy là Phó Tổng thống. Ông ta cho hai xe Jeep với hai trung tá của ông ấy phóng đến chùa, anh Nhuận ngồi xe trước. Xe vào được đến sân thì tôi nhào ra nhảy lên xe thứ hai ngồi sau lưng viên trung tá. Cả hai xe vọt đi, chạy vòng vèo trên đường phố vừa lên đèn, xe cảnh sát của ông Thiệu rượt đuổi theo sau”.

Mẫm cười khoái chí: “Nghe đâu hôm sau báo Sài Gòn giật tít “đuổi nhau trên đường phố như trong phim hành động”. Khi xe chở tôi đã lách lên vượt xa một quãng thì xe thứ nhất dứng lại. Anh Nhuận xuống xe, phì phèo thuốc lá. Chúng biết là tôi không có trong xe đó nên bỏ đi. Xe tôi chạy thẳng vào toà nhà của ông Kỳ”. Lê Công Giàu vừa cười vừa nói: “Chuyện thật mà cứ như chuyện trong cinema, nhưng ông Kỳ là vậy đó”.

Huỳnh Tấn Mẫm vẫn thủng thẳng kể: “Có lần tướng Kỳ hỏi bọn tôi: Chúng nó bảo với tao chúng mày là Việt Cộng có đúng không? Tôi nhanh mồm hỏi lại “Thế theo Phó Tổng thống, chúng tôi có phải là Việt Cộng không?”. Ông ta trả lời liền: “Nếu thế thì tao đã bắn bỏ ngay. Tao thương chúng mày là sinh viên biết yêu nước như tao thôi, chứ bộ chúng mày thì Việt cộng cái nỗi gì”. Ổng Kỳ không chỉ cho xe giải cứu tôi, mà khi biết anh Ngô Công Đức bị chúng nó vây bắt ở Cà Mâu, ông ta điều trực thăng bay đến, thả dây xuống cho Ngô Công Đức bám vào rồi kéo lên. Có lần bọn tôi nói “Chúng tôi chỉ hội thảo trong khuôn viên đại học mà ông Thiệu vẫn cho cảnh sát hăm doạ, bắt bớ, giải tán. Như thế đâu có được. Phó Tổng thống có cách nào can thiệp giúp chúng tôi chớ”. Ông Kỳ nghĩ một lúc, rồi lắc đầu: “Kẹt lắm. Không can thiệp được đâu… Nhưng thôi, chúng mày vào trong Phủ Phó Tổng thống của tao mà hội thảo đi. Tao cho phép, và cũng chỉ có thể làm được như vậy thôi!”.

Lê Công Giàu điềm đạm nói tiếp: “Tướng Cao Kỳ hành động kiểu ấy cũng là chuyện khó giải thích, nhưng đúng ông ta là như vậy. Dân Sài Gòn khoái chuyện “tướng râu kẽm” gọi mấy tay đầu nậu người Hoa Chợ lớn đầu cơ nâng giá gạo đến và nói thẳng: “Tôi là Thủ tướng điều hành đất nước, nhưng các anh thì điều hành giá gạo. Tôi cho các anh hai ngày để giá gạo phải hạ xuống như cũ. Sau hai ngày, nếu giá gạo không hạ thì mời các anh lại đến đây. Để cho công bằng, tôi cho các anh bốc thăm, tôi sẽ lần lượt bắn bỏ từng người theo thứ tự. Hai hôm sau giá gạo tụt xuống liền!”.

Tôi chen vào: “Cũng là chuyện ngẫu nhiên tình cờ mà cả ba chúng ta hôm nay ngồi đây đều có chuyện để nói về Nguyễn Cao Ký. Hai anh thì diện kiến với ông ta trong máu lửa của cuộc đấu tranh sinh tử, vào tù ra tội, chết đi sống lại với đòn thù dã man giữa Sài Gòn trước 75, trong lúc tôi thì yên bình ngồi nghiên cứu ở Hà Nội, ri cắp cặp đi nước ngoài hội thảo… để rồi nhờ duyên hội ngộ mà được gặp, rồi được các anh xem là bạn chiến đấu trong cuộc đấu tranh cam go hiện nay chống Trung Quốc xâm lược. Điều đó là một niềm vui lớn mà tôi nghĩ là một vinh dự để cố giữ gìn, vun bón. Và nhân ngồi với nhau ôn lại kỷ niệm 30.4 cũng muốn nhắc một kỷ niệm nhỏ vui vui khi tôi cũng có dịp gặp “ông tướng râu kẽm” tại Hà Nội năm 2008”.

Đó là dịp kỷ niệm 100 trường Bưởi (sau này là trưởng Chu Văn An). Dạo ấy tôi nhận được giấy mời dự kỷ niệm của anh Đinh Sĩ Đại – hiệu trưởng trường Chu Văn An, người học trò cũ của tôi – khi tôi từ Việt Bắc trong đoàn quân về “tiếp quản Hà Nội” rồi được phân công về dạy học tại Chu Văn An. Hình như tiến sĩ Đinh Sĩ Đại học tôi vào quãng những niên khoá 1954-1955 hay sau đó một hai niên khoá tôi không nhớ rõ, nhưng thật may là anh vẫn nhớ tôi và gửi giấy mời, kèm theo mấy dòng vắn rất xúc động và ấm lòng với nỗi niềm người học trò trong thư kèm theo.

Đinh Sĩ Đại tay bắt mặt mừng: “May quá, có thầy đây rồi, mời thầy cùng tiếp ông Nguyễn Cao Kỳ với em vì em đang lúng túng chưa biết tiếp sao đây, nói gì đây, thầy giúp em với”. Tôi lắc đầu quầy quậy: “Không, không được đâu, tôi cũng là khách mời của em. Tôi không thể ngồi với em tiếp ông khách đặc biệt ấy đâu, tôi cũng không muốn gặp vì chẳng biết nói gì với ông tướng không quân Sài Gòn từng ký tên vào quả bom Mỹ ném vào Hà Nội của chúng ta đâu, cho dù rất hoan nghênh ông đến nhân kỷ niệm này của chúng ta”. Nhưng Đại vẫn khẩn khoản níu tay tôi nhiệt tình mời ngồi khi tôi định đi ra.

clip_image004Đúng lúc ông Kỳ vào. Tôi lịch sự bắt tay ông, rồi sau mấy câu chào đón của Hiệu trưởng Đại, trong không khí vui vẻ, tôi nói: “Chắc chắn ông không biết tôi song tôi thì từng được biết vì đã nghe nói về ông rất nhiều”. Ông Kỳ cười to, rất thoải mái: “Chắc ông biết tôi là tướng bại trận chứ gì hả. Mà đúng vậy đấy. Thua là thua, nói vòng vo gì thì cũng là thua! Tôi đến dự kỷ niệm 100 năm ngôi trường tôi đã học và lấy ‘bắc 1” tại đây [tức là Tú tài bán phần Pháp -Part I-] với tư cách là người đã thua các cựu học sinh trường Bưởi như Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Hoàng Xuân Hãn…và ông ta cười thú vị. Hình như ông ta là học sinh trường Bưởi niên khoá 1949-1950 thì phải. Để tránh những chuyện khó nói, tôi nhìn hiệu trưởng Đinh Sĩ Đại, tế nhị đề nghị: “Tôi chắc là ông đây sẽ rất vui nếu anh mời ông đi thăm trường, gặp các em học sinh, thăm ngôi nhà “bát giác”, quay sang ông Kỳ, “là Biệt thự Schneider [La villa Schneider] chắc ông nhớ chứ”. Ông Kỳ cười không trả lời nhưng tỏ ra thích thú và đứng dậy. Tôi cũng thấy được giải toả tình thế bất đắc dĩ, siết chặt tay ông rồi nhẹ nhàng rút lui để Hiệu trưởng Đại mời ông Kỳ đi thăm trường, giúp ông nhớ lại những kỷ niệm đẹp thời trẻ ở Hà Nội.

Nói là “tình thế bất đắc dĩ” vì trong tôi chưa nguôi ngoai được nỗi đau về hai người thân mà ngẫu nhiên lại dẫn dắt liên tưởng với chuyện năm 1967 – năm ông Nguyễn Cao Kỳ đắc cử Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên – anh chúng tôi, giáo sư Đặng Văn Ngữ hy sinh năm 1967 vì bom Mỹ tại chiến trường Trị Thiên. Người trí thức lớn ấy vào tận nơi để tìm hiểu và đưa ra cách giải quyết vấn đề sốt rét đang là nỗi ám ảnh khủng khiếp của bộ đội ta trên chiến trường. Loạt bom Mỹ giết anh tôi đó không biết có dính dáng gì tới viên Tư lệnh Không quân Nguyễn Cao Kỳ, người từng ký tên vào quả bom Mỹ sẽ ném ra miền Bắc không!

Cũng năm ấy mặt trận Mặt trận Đường 9 Bắc Quảng Trị với chiến dịch quyết liệt nhất là ở Khe Sanh, hy sinh gian khổ nhất cũng là ở Khe Sanh *mà anh chúng tôi – Cao Văn Khánh – là Phó tư lệnh, rồi Tư lệnh Mặt trận. Chính nơi đây hơn 100.000 tấn bom đã ném xuống. Chính Westmoreland nói là y đặt tên cho chiến dịch là Niagara để gợi lên hình ảnh về những thác tầng bom đạn. Đọc kỹ hồ sơ lưu trữ, tôi tìm thấy con số: trong 6680 quân địch ở Khe Sanh có tiểu đoàn 37 biệt động quân Sài Gòn. Quân của ông Kỳ hay ông Minh đây?

Nghe tôi giải bày tâm trạng đó, anh Giàu trầm ngâm một lúc: “Tôi hiểu tâm trạng đó của GS, tôi cũng nhiều lần như vậy”, nhưng chuyện anh Mẫm vừa kể thì “Đúng với tính cách của ông “tướng râu kẽm” đó anh. Kể cả câu ông ta thoải mái nói với anh chuyện “thua là thua” cũng vậy. Tôi hiểu được điều ấy, vì qua Google, biết ông ấy người Sơn Tây, được Pháp đào tạo thành sĩ quan trong khóa đầu tiên và cũng là khóa duy nhất sĩ quan trừ bị được mở vào đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Ra trường, ông Kỳ được tuyển vào quân chủng Không quân của chế độ cộng hoà do Pháp thực dân dựng lên và tuần tự thăng tiến đến Tư lệnh Quân chủng này cho đến ngày ông trở thành Thủ tướng rối Phó Tổng thống của chính quyền Sài Gòn. Điều này cho thấy ông ta cung cúc tận tuỵ phục vụ cho Pháp và rồi cho Mỹ thế nào rồi.

Ấy vậy mà chính ông kể lại rằng ông đã từng lấy trộm súng lục của người anh rể, người đang đi lính cho Nhật chiếm đóng Hà Nội và nhiều tỉnh phía băc – để định trốn lên chiến khu. “Cơn sốt bất thình lình đã khiến tôi ngất đi, và bị bắt trở lại nhà. Và cuộc đời tôi đã rẽ qua ngã khác”, ông kể. Cái ngã rẽ của cuộc đời ấy dẫn dắt ông hăng hái lái chiếc AD-6, số hiệu 95-255 ném bom huỷ diệt thị trấn Hồ Xá, Quảng Trị nhưng bị dân quân bắn gãy cánh. Bị thương nặng ông phải nhảy dù thoát thân bên bờ Nam sông Bến Hải!

Ông thoải mái khi đanh thép tuyên bố sẽ tử thủ Sài Gòn cho đến giọt máu cuối cùng, những kẻ chạy theo Mỹ là hèn nhát, phải biến Sài Gòn thành một “Stalingrad thứ hai” nhưng rồi sáng ngày 29.4 ông lại “vô tư và thoải mái” lái chiếc trực thăng UH.1, bay ra chiến hạm Midway để di tản sau khi đã cho vợ con đi trước! Nhưng những lời ông thẳng thắn nói ra với tôi ở trên, liền mạch với những lời được báo chí đăng tải, thì tôi tin rằng đó là ý nghĩ thật của ông: “Những người anh em bên kia đã làm được thì mình phải chấp nhận đó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Chứ còn cứ nói mãi “Phục quốc! Phục quốc” cái gì? Nước Việt Nam có mất cho Tây cho Tàu đâu mà phục quốc?! Chưa kể là 3 triệu người hải ngoại không thể nhân danh tổ quốc Việt Nam được, mà nói chuyện đất nước Việt Nam! Với những chuyện phi lý như vậy, tôi đã bảo họ là nếu thật sự họ yêu nước thì họ phải biết ngồi im và biết suy nghĩ chứ đừng có hành động đi theo một lũ côn đồ, hám danh hám lợi, lừa gạt mọi người! Cứ nhân danh chính nghĩa quốc gia, nhân danh chống cộng, nhân danh tự do dân chủ mà đi lừa gạt người ta…”.

Tôi trân trọng và cám ơn thái độ tôn trọng sự thật mà siết chặt tay ông. Ở đây, hình như ông ấy có sự đồng cảm và tôn trọng thái độ dứt khoát thể hiện trong câu nói có sức nặng của một dấu ấn lịch sử của tướng Dương Văn Minh khi ông từ chối kế hoạch của tướng Pháp Paul Vanuxem rút thủ đô về Cần Thơ và gọi Trung Quốc vào cứu viện. “Theo Tây, theo Mỹ mãi chưa đủ sao mà bây giờ lại theo Tàu?”.

Nghĩ về hai người Việt Nam từng được Pháp và Mỹ đào tạo và đặt vào những vị thế quyền lực của những chế độ do họ dựng lên và khi cần thì vứt bỏ, tôi càng thấm thía với một ý tưởng từng đọng rất sâu trong tôi “Nhân tố giàu sinh lực nhất là thời gian. Nó là người sáng tạo đích thực duy nhất, và là kẻ phả huỷ vĩ đại duy nhất… Thời gian làm cho mọi niềm tin nảy sinh, lớn lên, chết đi, chính nhờ thời gian mà những niềm tin đạt được sức mạnh, và cũng qua nó, những niềm tin mất đi sức mạnh… Những chiếc rễ của tư tưởng đều cắm sâu vào một quá khứ dài lâu. Khi chúng đơm hoa, thời gian đã chuẩn bị sẵn cho mùa nở, và bao giờ cũng phải đi ngược về quá khứ để hiểu được sự ra đời của chúng2.

Đúng vậy, những chiếc rễ của tư tưởng đều cắm sâu vào một quá khứ dài lâu. Chìm sâu trong ý tưởng ấy, tôi suy ngẫm về hai người Việt Nam gần gũi hơn, gắn bó máu thịt, hai thành viên trong gia đình chúng tôi mà một là nhà khoa học đã nhắc ở trên và một là một vị tướng từng có mặt tại những chiến trường mà máy bay của tướng Kỳ và “quân lực cộng hoà” của đại tướng Dương Văn Minh được người Pháp rồi đến người Mỹ dội bom, bắn phá, tướng Cao Văn Khánh.

clip_image006Nối tiếp những dòng viết về giáo sư Đặng Văn Ngữ ở trên, tôi muốn dẫn ra đây mấy dòng trong lá thư ông gửi con gái Đặng Nguyệt Quý (1/2/1967, khi đó cháu tôi đang học ở Liên Xô): “Ba rất phấn khởi vì công việc rất cần thiết và cấp bách. Sau khi con đi, Ba vào Vĩnh Linh nghiên cứu trong 4 tháng và thấy có thể sản xuất được thuốc để tiêm phòng sốt rét, Ba sẽ đi B để sản xuất thuốc ấy trên một quy mô lớn hơn. Triển vọng rất nhiều nhưng khó khăn cũng rất nhiều. Ba sẽ cố gắng”. Đã có lần, ông tâm sự với con, rằng khi nào tiêu diệt hết sốt rét ở cả hai miền Bắc – Nam, ông có chết cũng không ân hận. Sau này tôi được biết là anh chúng tôi đã ấp ủ và nghiên cứu một loại vaccine từ thoa trùng muỗi (là một thế hệ mới của ký sinh trùng sốt rét) để phòng sốt rét, muốn ứng dụng ngay tại chiến trường. Đó chính là “ý tưởng sớm nhất thế giới”.

Cha tôi đã chia sẻ đến tận cùng số phận của đất nước, của nhân dân mình cho đến khi ông ngã xuống trên rừng Trường Sơn trong một trận bom B-52 như bất cứ một người lính nào đã ngã xuống trên suốt dải đất này vì sự nghiệp cao cả và thiêng liêng của Tổ quốc”. Đó là nỗi niềm của con trai ông – nghệ sĩ nhân dân, nhà đạo diễn tài hoa Đặng Nhật Minh – đã tâm sự.

Tôi muốn viết ra đây một chi tiết nhỏ nói lên tầm vóc lớn của một trí thức yêu nước. Trong hai năm 1947-1948, tại Quân Y viện 406 của Mỹ ở Nhật, ông đã tìm ra giống nấm sản xuất penicillin, có lẽ đó là một trong những giống nấm penicillin đầu tiên tìm thấy ở Nhật. Trong thời gian đó, người Pháp, người Nhật, người Mỹ đều muốn sử dụng tài năng của ông, nhưng ông từ chối và lặng lẽ tìm đường qua Thái Lan rồi về Việt Nam, lập phòng nghiên cứu và sản xuất thuốc kháng sinh – nước lọc penicillin tại Việt Bắc, chế từ giống nấm ông đem từ Nhật về.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng ngậm ngùi: “Biết bao vinh quang và khổ ải trên con đường đi theo lý tưởng của một người trí thức yêu nước. Đôi khi tôi tự hỏi không biết những người như cha mẹ tôi đã phải tự kiểm điểm những gì trong những cuộc chỉnh huấn trên Việt Bắc vào năm 1953? Không biết họ có phải ân hận về xuất thân thành phần giai cấp của mình và điều đó có nhọc nhằn lắm đối với cha mẹ tôi không? Tôi chỉ được nghe kể rằng cha tôi chỉ im lặng, ít nói. Không lâu sau khi tham dự lớp chỉnh huấn đợt một thì mẹ tôi đột ngột qua đời...”. Tôi thường tự vấn vì sao anh tôi “chỉ im lặng, ít nói”. Và dần dần tôi vỡ ra được một sự thật, người trí thức ấy hiểu khá rõ về sự “cảnh giác” mà người ta không thể không dành cho ông.

Về sau này, nghe đâu người được tổ chức cho theo sát ông từ dạo ông ở Việt Bắc, về lại Hà Nội rồi lên đường vào mặt trận Trị Thiên cho đến lúc hy sinh, đã xúc động bùi ngùi kể lại những day dứt và giằng xé của mình trong quá trình kề cận không rời nhà khoa học đã đem lại sự kính trọng sâu sắc cho chính mình. Cho dù biết được “sự cảnh giác” người ta đã dành cho mình – người được Pháp, Nhật rồi Mỹ ưu ái và trọng đãi lại thầm lặng tự tìm đường mà không qua một liên hệ dẫn dắt nào để trở về nước – Đặng Văn Ngữ vẫn không ngần ngại trả lời báo Nhân văn, một tờ báo đang bị quy kết nặng nề và cuối cùng bị đình bản.

Tìm đọc bài trả lời phỏng vấn của anh tôi trên tờ “Nhân Văn” số 3, tháng 10.1955 còn lưu trong Hồ sơ Tư liệu nghiên cứu, tôi càng hiểu thế nào là bản lĩnh và khí phách của một nhân cách trí thức: “Một dân tộc càng bị áp bức thì càng thiết tha ham muốn tự do dân chủ… Vì tự do dân chủ mà trong lịch sử Việt Nam đã có bao nhiêu cuộc khởi nghĩa để lật đổ những chính quyền áp bức bất công, vì tự do dân chủ mà toàn thể nhân dân ta đã hy sinh anh dũng trong 8, 9 năm để đánh lui đế quốc và phong kiến trên một nửa đất nước chúng ta. Vì tự do dân chủ mà nhân dân ta còn quyết tâm đánh lui mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để chế độ dân chủ lan khắp toàn lãnh thổ ta... Là những người rất thiết tha với tự do dân chủ, chúng ta đã hy sinh rất nhiều để được tự do dân chủ nhưng đến khi có tự do dân chủ thì ta lại không biết sử dụng sự tự do dân chủ ấy. Điều này cũng không có gì lạ cả. Hàng ngàn năm nay nhân dân Việt Nam đã biết tự do dân chủ là gì đâu! Mà tự do dân chủ có phải là những vật dễ sử dụng đâu... Dưới một chế độ độc tài không ai dám chỉ trích Chính phủ thì còn đâu mà thấy khuyết điểm về tự do và dân chủ?3. Người trí thức chân chính ấy hiểu rõ sứ mệnh “đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta” mà Albert Camus, nhà văn Pháp, Nobel Văn chương đã tuyên bố.

imageVới bản lĩnh và khí phách ấy, Đặng Văn Ngữ gạt bỏ mọi lời can ngăn, kể cả của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, để khoác chiếc ba lô nặng như đồng đội, tập đi bộ đúng như mọi người chuẩn bị vào chiến trường. Ông viết trong bức thư gửi con trai: “Thời gian bồi dưỡng ở tập trung Ba luôn luôn mạnh khỏe. Mang ba lô leo dốc như mọi người... Các con chuyển lời chào và chúc Tết của Ba Chú ý: Ngày đi của Ba phải giữ bí mật trong thời gian 2 tháng.

Trong tôi vẫn lưu lại hình ảnh về lễ truy điệu người trí thức yêu nước ấy tại giảng đường Đại học Y Hà Nội, Phạm Văn Đồng ôm chặt cháu tôi, Đặng Nguyệt Ánh với câu nói cảm động “Bác sẽ thay Ba cháu chăm sóc cháu”. Có một lần, sau buổi làm việc định kỳ hàng tuần vào sáng thứ Sáu, cụ Đồng ngồi lại, trầm ngâm nói: “Tôi được Việt Phương cho biết, anh là em vợ của giáo sư Đặng Văn Ngữ, người mà lòng tôi nặng trĩu thương nhớ, khâm phục và luyến tiếc. Anh ấy hy sinh lúc mới 57 tuổi, cái tuổi sung sức đối với người nghiên cứu khoa học tràn đầy nhiệt huyết vì một chí hướng cao đẹp. Vì vậy mà niềm đau thương không nguôi được trong tôi”. Anh Nguyễn Tiến Năng bấm tôi đứng dậy, đừng kéo dài hơn nữa nỗi đau ấy của ông.

Tuy vẫn đứng lên chìa tay ra bắt để chào ông ra về nhưng tôi vẫn nghĩ, dù có dừng lại thì rồi kéo dài nỗi đau ấy vẫn cần, rất cần để những người gánh trọng trách như cụ Đồng hiểu sâu hơn nỗi đau của người trí thức dấn thân vì nghĩa cả, một trong những khuyết tật “bẩm sinh” của thể chế chuyên chính vô sản kỳ thị trí thức – Người phê phán không xót thương tất cả những gì hiện hữu. Không xót thương theo nghĩa là sự phê phán đó sẽ không lùi bước trước những kết luận của chính nó, và theo nghĩa là, cũng không sợ đụng chạm với bất cứ thứ quyền lực hiện tồn nào như chính Karl Marx, chứ không ai khác, đưa ra mệnh đề mang tính khái quát sâu sắc ấy!

clip_image012Tôi nhớ đến lá thư từ Khe Sanh của tướng Cao Văn Khánh, Phó Tư lệnh đang đảm trách gánh nặng Tư lệnh Mặt trận đường 9 Bắc Quảng Trị, gửi về cho vợ: “Nếu vắcxin chống sốt rét của anh Ngữ thành công thì là một thành tựu khoa học rất lớn và phục vụ trực tiếp cho công cuộc kháng chiến của miền Nam. Em cố an ủi mẹ đừng buồn nhiều. Anh Ngữ hy sinh là niềm tự hào của gia đình ta”* Chính giáo sư Đặng Văn Ngữ là người gạt nỗi đau vì chị Cung tôi vừa mất trên tay anh, để đứng ra thu xếp đám cưới cho cô em vợ mình và tướng Khánh, người bạn cũ của ông. Cháu tôi, Cao Bảo Vân, tác giả của cuốn sách “Tướng Cao Văn Khánh. Hồi ức lịch sử” viết: “Chính cậu Ngữ lại đứng ra an ủi mọi người. Cậu nhận sẽ thông báo tin mừng cho bà ngoại tôi, xin bà cho phép tổ chức một bữa cơm gia đình giới thiệu cặp vợ chồng mới cưới là cũng để bà tôi nguôi ngoai”*

Thế là gia đình tôi có hai người có mặt tại chiến trường ác liệt nhất trong cuộc đọ sức lịch sử giữa ta và địch, Westmoreland phải ký giấy cam đoan không để mất Khe Sanh, một việc chưa có tiền lệ, “vì đó là danh dự của nước Mỹ” *. Một người đã nằm lại trên mảnh đất quê hương. Một người tiếp tục gánh trọng trách của một “vị tướng chiến lược của quân đội nhân dân Việt Nam”. Một nhà khoa học, một nhà quân sự. Cả hai cùng là những trí thức, cùng có những thân phận riêng trong dòng chảy oái oăm của lịch sử. Hình như thân phận họ bị chi phối bởi điều mà Hegel từng giải thích: “Giữa sức ép của những sự kiện lớn, nguyên tắc bình thường không có tác dụng”. Các ông anh chúng tôi nằm giữa vòng xoáy của lịch sử mà ở đó, cũng là Hegel từng đưa ra một luận điểm sâu sắc: “Trong một bi kịch thực sự, cả hai bên đều có cái lý của mình”.

Đặng Văn Ngữ, dù biết rằng mình đang được “cảnh giác chặt chẽ” vẫn không chút ngần ngại nói rõ: “Trí thức ở một cương vị thuận lợi và có đủ nhận thức để nhận thấy lãnh đạo có sai lầm, và thực tế là trí thức của ta đã nhận thấy từ lâu một số sai lầm của lãnh đạo. Nhưng trí thức của ta đã thiếu tự do tư tưởng, thiếu dũng cảm nên không dám phê bình xây dựng. Một số đông trong hàng ngũ trí thức chúng ta không phê bình vì sợ bị hiểu nhầm, sợ bị nghi là lập trường không vững vàng. Một số khác có phê bình một vài lần những chưa thấy sửa chữa thì sinh ra tiêu cực, không tiếp tục phê bình nữa. Cả hai thái độ đó đều sai…”3. Chắc chắn Đặng Văn Ngữ biết rõ ông đang đổ thêm dầu vào ngọn lửa nghi ngờ và cảnh giác, song không lẩn tránh sứ mệnh cao cả của người trí thức như khuyến cáo của Albert Camus, nhà văn nhận giải Nobel văn chương 1955 đã dẫn ở trên.

Cái gọi là “sứ mệnh cao cả” ấy ẩn chứa trong một tâm hồn bình dị, khoan hoà, thoải mái. Xin ghi tiếp thư ông gửi con trai: “Sau Tết, hôm nào rỗi các con đến Viện, hỏi chìa khóa đ/c Hùng để vào phòng Ba sắp xếp lại quần áo cho gọn. Có mấy chiếc tất chưa giặt, con giặt hộ. Trong phòng vẫn để đồ như lúc Ba ở nhà (giải tấm khăn trùm giường lên giường. Để khăn bàn, bộ đồ trà như thường lệ). Có vấn đề gì cần giải quyết trong lúc Ba đi vắng: Phiếu gạo, sổ mậu dịch., v.v. con liên hệ với bác Thái ở phòng hành chính quản trị và anh Hùng”. Ông đi vào chiến trường ác liệt nhất với một tư thế khoan hoà thoải mái, không mảy may vướng bận những nhiễu nhương ông từng gặp phải. Tuy nhiên ông lại rất nhớ đến những cái tưởng như nhỏ nhặt nhưng làm ấm lòng người. Tôi không cầm được nước mắt khi đọc tiếp dòng chữ trong thư “Ba đem theo thừa một số tiền Ba mua một cái đồng hồ tay gửi về biếu Nhật Minh”.

clip_image014Nhà khoa học đã thế, nhà quân sự càng như thế. Cũng không chút vướng víu về nỗi day dứt của đồng đội vào sinh ra tử với mình “Tại sao một người như vậy mà ở vị trí nào cũng chỉ là Phó thôi?”*, và một nhà nghiên cứu ở Huế thì: “Tôi chịu chết không hiểu vì sao lý lịch thế này mà ông cụ nhà chị lên được chức Phó Tổng Tham mưu trưởng”*. Cao Văn Khánh viết thư về cho vợ: “Lên đường về. Mọi việc đều xong, lòng nhẹ thênh thang…”.

Con gái ông thì viết: “Trong quyển sổ nhỏ bằng nửa bàn tay chỉ còn lại vài trang, ba tôi ghi: “4/7: Nhận được điện của anh Song Hào gọi về tổng kết và nhận nhiệm vụ mới. Thế là trọn vẹn một chiến dịch lớn do mình phụ trách. Về nguyện vọng riêng, sẽ được gặp em và con. Không biêt em đã biết tin này chưa. Ngày về chưa định, vì còn muốn ở lại cho đến khi địch hoàn toàn rút khỏi Khe Sanh, hoàn thành một chiến dịch lớn có nhiều kinh nghiệm mới… Chỉ thị cho đơn vị xong, ra võng nằm nghỉ, nhớ đến em. Hôm nay bớt sốt, người nhẹ. Tối nay trăng rất đẹp… trong năm nay, anh đã có hai lần phấn khởi: Một lần chiến thắng Đăk Tô, một lần chiến thắng Khe Sanh. Anh đã cùng miền Nam trưởng thành trong khói lửa”.

“Hồi ức lịch sử” có đoạn: “Khe Sanh, chiến trường từng được báo giới quốc tế gọi là Điện Biên Phủ thứ hai của nước Mỹ, là địa danh mẹ nhắc hằng ngày khi chúng tôi mới 5-7 tuổi, từ khi ba tôi chiến đấu ở mặt trận này”.* Chính trong những ngày ấy chị tôi choáng váng với một cú điện thoại của cô bạn thân có chồng làm ở Cục 2: “Ông B nhà tao cấm tiết lộ, nhưng tao không thể không báo cho mày tin này. Anh Khánh có tên trong “danh sách đen”, mày nói anh Khánh cẩn thận”. Cao Bảo Vân viết trong “Hồi ức lịch sử”: “Tôi hỏi “Mẹ có nói tin này cho ba biết không?”. Bà lắc đầu: “Lúc đó ba vào chiến trường rồi” * .

clip_image016Chiến trường đó là Khe Sanh. Vâng, đó là nơi mà ông Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã nói rõ: “Chiến dịch quyết liệt nhất là ở Khe Sanh, hy sinh gian khổ nhất cũng là ở Khe Sanh”*. Và rồi cũng vào thời điểm đó, vừa có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 về “Chống Chủ nghĩa xét lại hiện đại”. Khi mẹ hỏi ba nghĩ gì về việc này, ba không bình luận chỉ nói ngắn gọn: “Những người có trình độ nên ở lại giúp bộ đội. Nếu ai không đồng ý cũng bỏ đi thì chỉ khổ chiến sĩ, sẽ thương vong nhiều hơn”.*

Dòng chữ này chắc sẽ chìm đi giữa vô vàn những sự kiện lớn lao khác mà người đọc dễ dàng bỏ qua để không cảm nhận được sức nặng tiềm ẩn trong câu nói hàm chứa nỗi niềm của một nhân cách trí thức trong những bước đi oái oăm của lịch sử. Khi đã nằm trong vòng xoáy đó, thì mọi nguyên tắc bình thường bị gạt bỏ! Trong suy ngẫm của tôi thì đó chính là lửa thử vàng của một phẩm tính nhân văn. Mà phẩm tính nhân văn ấy lại là nền tảng vững chắc của một nhân cách dám vượt lên bi kịch của thân phận để tỉnh táo và đàng hoàng đi theo tiếng gọi từ trái tim mình, một trái tim biết gắn nhịp đập với sự tỉnh táo của bộ óc dám suy nghĩ và biết cách suy nghĩ để nâng tầm tư duy ngang với những thành tựu của nền văn minh trí tuệ luôn phát triển và biến đổi không ngừng.

Nghĩ vậy bởi vì, là người nghiên cứu văn hoá và xã hội – do bị “méo mó nghề nghiệp” mà hay liên tưởng đến những điểm nhấn đã trầm tích trong tiềm thức về những gì đọc được – tôi đặc biệt lưu ý mấy dòng trong “Hồi ức Lịch sử” của Cao Bảo Vân: “Khi viết tổng kết cho Cục tác chiến Quảng Trị, đại tá Giang Hà nhận xét:Tôi nhớ câu đồng chí Cao Văn Khánh nói với đồng chí Lê Trọng Tấn:Phàm ở đời, việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc”. Và đồng chí Lê Trọng Tấn cũng triết lý thêm: Đúng đấy, tướng chiến thuật là tướng dũng cảm, tướng chiến dịch là tướng mưu trí, còn tướng chiến lược là tướng quyết đoán và nhân nghĩa””.* Trong óc tôi bật dậy một câu mình đã viết trong “Cảm nhận và Suy tư” về “Một nhân cách trí thức”: “Nhân chi pháp tại ái nhân, nghĩa chi pháp tại chính kỷ” (Phép tắc của nhân là yêu người, phép tắc của nghĩa là chính mình).

Khi một người đã tự tin vào chính mình, ứng xử trước mọi tình huống với bản lĩnh của một nhân cách đã định hình trên một nền tảng vững chắc như vừa nói, thì luôn có được sự ung dung tự tại, điềm tĩnh đón nhận mọi nhiễu nhương mà can trường vượt qua, không để cho những rác rưởi bụi bặm – vốn không thiếu trong cuộc sống này – làm vấy bẩn nhân cách của mình. Với nhận thức đó tôi ngộ ra được câu mà Cao Văn Khánh nói với vợ về chuyện những cán bộ quân đội bị xử lý hoặc phải bỏ đi trong vụ “chống xét lại” của một thời đoạn đen tối đáng buồn.

Vậy thì “ai không đồng ý cũng bỏ đi” là sao. Ai là ai đây. Đi là đi đâu đây.

clip_image018Từ câu hỏi về “đi” ấy, tôi đã dẫn câu thơ “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” của Đặng Nguyệt Quý khi được tin cha mình, giáo sư Đặng Văn Ngữ hy sinh tại chiến trường Trị Thiên.

Cháu tôi viết:

Hoa thắm đỏ như máu Ba đã đổ

Con muốn là bông hoa nho nhỏ

Ven mộ Ba ngày tháng bên Ba

Nối tiếp bước đi, hát tiếp bài ca…”.

Những thế hệ nối bước cha anh sẽ đi theo ánh lửa từ trái tim mình. Trái tim đập theo nhịp của thời đại mới sẽ có những biến động bất ngờ mới, thách đố mới và rồi sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử bi hùng của dân tộc ta, trong đó có cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Văn Ngữ, Cao Văn Khánh. Tôi càng hiểu thêm về những người đã thuộc về lịch sử.

Người trí thức ấy “đi” trong tư thế dấn thân vì một nghĩa cả. Vì thế mà ung dung tự tại bước trên mọi chông gai, không thèm vướng bận ai đang cảnh giác dõi theo mình cũng như coi rất nhẹ những “tiêu chuẩn” về nhà cửa, lương bổng của một nhà khoa học với những công trình mang tầm vóc quốc tế đang đảm nhiệm một Viện Nghiên cứu nằm trong Bộ Y Tế . Cũng như nhà quân sự tài ba được gọi là “tướng chiến lược” không màng đến chuyện trên cầu vai mình mang quân hàm gì, trên ngực mình có bao nhiêu huân chương. Chị tôi cho biết sau khi anh Khánh mất, có hôm chị lẩn thẩn soạn lại cái ngăn kéo ở đáy chiếc tủ, lôi ra được một cái gói vải dù bọc kín những huân chương mà chị không hề biết vì anh không hề đeo.

Lật từng trang sách trong “Hồi ức lịch sử”, tôi chú ý một lặp lại thú vị: trong những bức ảnh chụp chung những người đang “góp phần làm nên thắng lợi”, Cao Văn Khánh thường đứng lùi vào hàng phía sau. Xin gợi lên một chi tiết tế nhị cháu tôi viết qua lời kể của Trưởng Binh trạm 27 về chuyến thị sát chiến trường Quảng Trị năm 1973 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “…sau khi nói chuyện với anh em thì anh Văn bảo ra chụp ảnh. Tôi thấy mọi người đều tranh nhau trong lúc anh Khánh vẫn đứng nói chuyện. Anh Văn gọi: “Khánh ơi, Khánh vào chỗ này…””.*

Tôi nghĩ rằng, Cao Văn Khánh không thể không biết rằng tên ông thường không xuất hiện trong những trang báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân để từ đó mọi tờ báo chính thống khác cũng theo sự chỉ đạo ấy mà dập theo. Thay vì tên của ông “tướng chiến lược” ấy, người ta đưa tên các chính uỷ hoặc vị chỉ huy trên danh nghĩa nhưng đang phải lui về trị bệnh từ lâu trước khi chiến dịch kết thúc. Ấy vậy mà trong gia đình tôi không một ai tìm thấy ở ông một thoáng bận tâm đến chuyện đó, mặc dù ông biết ông đã làm gì với sứ mệnh của một nhân cách trí thức.

clip_image020 “Hồi ức lịch sử” viết tiếp: “Cờ giải phóng đã bay trên dinh Độc lập, chiến tranh đã kết thúc… Anh tôi len lỏi qua dòng người từ trường đạp xe lao như bay về nhà thì gặp ba cũng vừa tới cửa. Ba có vẻ rất mệt, chỉ nói đúng một câu: “Bây giờ thì để cho người khác đánh giặc” rồi thiếp ngay trên ghế xích đu. Trong giấc ngủ trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 đó, có lẽ ông vẫn mơ về hoà bình. Vì khó có thể tin rằng cuộc chiến ba mươi năm của đời mình đã vừa kết thúc. Chiều đó, mẹ tôi mới đi làm về. Ba ôm lấy mẹ, nói: “Thôi từ nay hai anh em không phải xa nhau nữa. Mắt ba ngấn nước trên khuôn mặt phờ phạc sau những đêm thức trắng ở Tổng hành dinh”.*

Nhưng rồi với sứ mệnh của một nhân cách trí thức đúng nghĩa, Cao Văn Khánh không thể “để cho người khác đánh giặc”. Trong thư gửi con trai ông viết: “Ba dạo này đi công tác biên giới luôn vì tình hình ngày càng căng thẳng… Tình hình giằng co giữa ta và bọn Trung Quốc còn kéo dài hàng chục năm, dân ta còn khổ, quân ta còn phải chuẩn bị thường xuyên sẵn sàng chiến đấu, phải tăng cường sức mạnh về mọi mặt…”. Một nhà báo nước ngoài đã ghi lại câu trả lời phỏng vấn của tướng Cao Văn Khánh tại Câu lạc bộ Quốc tế ngày 17.2.1979 do Bộ Tổng Tham mưu chủ trì: “Đối với Nhân dân Việt Nam, mỗi tấc đất của Tổ quốc là thiêng liêng. Kẻ thù sẽ không bao giờ cướp được dù một tấc đất của chúng tôi. Chúng tôi luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng đánh trả bọn xâm lược nếu như chúng không từ bỏ âm mưu bành trướng”.4

Trong bối cảnh hiện nay thì đó lời cảnh báo có giá trị xuyên thời gian như một chân lý lịch sử. Và đó cũng là lời nguyền của dân tộc ta. Một dân tộc đang buộc phải sống cạnh kề với thế lực bành trướng “thiên triều” trong hàng nghìn năm lịch sử. Thế lực “thiên triều” ấy nay đang đội lốt ý thức hệ để trở thành một siêu cường hung đồ với tham vọng làm bá chủ thế giới. Việt Nam lại đang là một lực cản khó vượt qua của tham vọng tràn xuống Đông Nam Á, độc chiếm Biển Đông nên cũng đang là mục tiêu trực tiếp của Tập Cận Bình và bè lũ, nhất là khi chúng toan tính thực hiện chiêu thức cổ truyền khuấy động bên ngoài để giảm áp lực bên trong. Trung Quốc đang diễu võ giương oai trên Biển Đông chính là là đang thực thi chiêu cổ truyền mà các vương triều của chúng trong suốt hai nghìn năm lịch sử đã làm và cha ông ta thì thấu tỏ đều ấy để tìm cách ứng xử.

Đã là người Việt Nam, nhất là người trí thức, thì việc nhận thức rõ chân lý lịch sửlời nguyền ấy phải đặt ra một cách thật dứt khoát, thật tường minh: phải thoát ra khỏi nanh vuốt của hung đồ Tập Cận Bình. Vấn đề bức thiết nhất hiện nay là không để vuột mất thời cơ để đưa đất nước bứt lên trên chặng đường mới mà thời đại đang tạo ra. Đây là lúc Trung Quốc đang dần bị cả thế giới xa lánh và nghi ngờ do những toan tính ngông cuồng và hành động bẩn thỉu mà họ đang tạo ra. Chỉ dẫn ra đây một chuyện đơn giản và cụ thế mà Thomas Friedman viết trên The New York Times: “Bắc Kinh sẽ không gánh nổi hậu quả từ việc Mỹ và các nước khác chuyển dịch hoạt động sản xuất của họ sang chuỗi cung ứng “ABC”, tức Anywhere-But-China (Bất kỳ đâu, trừ Trung Quốc). Đây là cách chúng ta đã đi đến tình thế này”.

Đúng, bất kỳ từ đâu, trừ Trung Quốc. Vấn đề “thoát Trung” đang đối diện với một bước ngoặt mới mà cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch gây ra khiến mọi nghi ngờ đều chĩa thẳng vào Trung Quốc. Mọi tranh cãi chung quanh chuyện ý thức hệ và những tồn đọng của lịch sử dù quan trọng đến đâu cũng không quan trọng và bức thiết bằng đòi hỏi dồn lực cho việc thoát Trung, cho dù điều này dính khá chặt với cái chiêu bài ý thức hệ. Phải “thoát Trung” vì đó là tiền đề của chiến lược vừa cấp bách vừa lâu dài nhằm xây dựng một nội lực về kinh tế đủ mạnh, với một cơ cấu hợp lý, tạo nền tảng cho những chuyển đổi khác. Trong những chuyển đổi đó thì cải cách thể chế – trước hết là thể chế chính trị – vừa là nhân vừa là quả của nền tảng kinh tế. Thật ra, thì đó cũng là vấn đề nhận thức thật rành mạch và sâu sắc về những tác động quá khủng khiếp cho cả thế giới của đại dịch Covid 19, mà đúng ra nên gọi là virus Vũ Hán!

clip_image022Hiểu thật rõ đất nước ta đang đứng ở đâu trong sự biến động toàn cầu hiện nay để chọn cho được một chiến lược đúng, từ đó mà tìm ra những giải pháp đúng, quy tụ được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, trước hết là bộ phận tinh hoa đúng nghĩa của dân tộc. Phải chăng đây là vấn đề đặt ra không chỉ cho riêng ai. Đang đắn đo chưa biết phải kết thúc ra sao dòng suy tư tản mạn nhân những ngày cuối tháng tư đầu tháng năm với nhiều nghịch lý và tìm cách thoát ra khỏi cái mệnh đề triết lý của Hegel cứ lởn vởn trong đầu “Những bi kịch thực sự trên thế giới này không phải là xung đột. giữa đúng và sai. Chúng là xung đột giữa hai điều đúng” thì có tiếng gõ cửa. Sực nhớ lời hẹn, vội tắt máy tính để trân trọng đón Giám mục Nguyễn Thái Hợp đến thăm.

Duyên kỳ ngộ đến đúng lúc, tôi đang muốn hỏi ngài Giám mục về một chiều cạnh tế nhị vừa cao siêu vừa gần gũi mà tôi loay hoay mãi vẫn chưa sáng ra được điều mà trong bài “Mênh mông thế sự số 90” đã cố vỡ vạc ra chưa đâu vào đâu: tiếp cận đại dịch Covid từ chiều cạnh tâm linh. Vị giáo sư thần học uyên bác trao đổi với tôi những điều rất giản dị và dễ hiểu. Song điều đọng lại sâu đậm trong tôi là hai từ: “Lộc Trời”. Theo ngài Giám mục, người bạn đáng kính của tôi – một người nghiên cứu văn hoá, xã hội – thì con virus nhỏ nhoi kia đang làm thay đổi cả thế giới, mở ra một khoảng trời bao la mà chúng ta chưa hề tính đến và hiểu hết được những gì sẽ đến. Vị giáo sư thần học ấy gọi đó là Lộc Trời đã ban cho chúng ta, ta phải biết trân trọng đón lấy để tự chiêm nghiệm, suy nghĩ và hành động.

clip_image024Thế rồi, khi tôi viết dòng cuối cùng của bài viết tản mạn này, ngước nhìn ra cửa sổ thấy vầng trăng thật sáng và tròn, mới nhớ ra hôm nay quả đất của chúng ta đang chứng kiến hiện tượng siêu trăng (Supermoon), đúng ngày Rằm, ngày đức Phật đản sinh mà nghĩ đến dòng kết luận của TS Nguyễn Tường Bách trong “Thông điệp Corona”. Bèn chép ra đây: “Trong cơn khủng hoảng cao độ, lác đác đã có những quan sát và nhận thức, cho rằng có thể sau cơn đại dịch này, thế giới sẽ tốt đẹp hơn. Rõ ràng là bên cạnh những đau thương mất mát, đại dịch Corona mang lại cho ta một thông điệp lớn, một thông điệp không lời về tính vô thường của vạn sự. Phải chăng Corona là một bài kinh vô tự vĩ đại?”.

Xét đến cùng, tự biết mình để trở thành chính mình vẫn là vấn đề hàng đầu của nhận thức luận.

T. L.

Ngày 7.5.2020

Chú thích:

· Những câu có dấu * từ trang đầu đến trang cuối là trích dẫn từ tác phẩm “Tướng Cao Văn Khánh. Hồi ức lịch sử” của Cao Bảo Vân theo số trang xếp theo thứ tự trước sau: 452, 450, 468, 53, 46, 453, 454, 631, 719, 479, 454, 656.

1. Câu thơ này trùng khớp với một câu trong bài hát Trên đỉnh Trường Sơn của Vũ Trọng Hối.

2. Gustave Le Bon. “Tâm lý học đám đông”, tr.127.

3. Báo Nhân Văn, số 3.1955.

4. Tương Lai. “Mênh mông Thế sự – Để gió cuốn đi” 2019, tr. 65.

Chú thích ảnh từ trên xuống

1. Huỳnh Kim Báu, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Tương Lai (từ phải sang).

2. Kỷ niệm 100 năm Trường Bưởi, thăm lại mái nhà xưa đã ở từ 1954-1960, nơi tướng Nguyễn Cao Kỳ muốn đến để nhớ lại thời đi học năm 1950.

3. GS Đặng Văn Ngữ tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Phòng thí nghiệm ở Hà Nội.

4. Hai người phụ nữ của nhà khoa học Đặng Văn Ngữ và nhà quân sự Cao Văn Khánh (từ trái sang).

5. Tại Chiêm Hoá, Tuyên Quang, GS Đặng Văn Ngữ chủ trì buổi lễ ra mắt Mẹ và các em của Cao Văn Khánh và Ngọc Toản vừa mới tổ chức lễ cưới tại Điện Biên Phủ (anh Ngữ đứng mép trái, anh Khánh đứng cạnh vợ ở mép phải, Mẹ chúng tôi đứng giữa).

6. Tướng Khánh với vợ và hai con Cao Bảo Vân, Cao Quý Anh.

7. Phó Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Khánh báo cáo cục diện chiến trường với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị ngày 30.12.1967.

8. Đặng Nguyệt Quý và Đặng Nguyệt Quý, hai con gái của GS Đặng Văn Ngữ.

9. Cao Văn Khánh với gia đình khi từ chiến trường trở về.

10. Giám mục Nguyễn Thái Hợp đến thăm.

11. Siêu trăng đúng ngày đức Phật Đản sinh.

Comments are closed.