Thay đổi sách giáo khoa, đề án đốt tiền thuế của dân

Huỳnh Ngọc Chênh

imagesNăm 2011 bộ GDĐT đưa ra “đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa” với kinh phí lên đến 70.000 tỉ đồng, làm dư luận xôn xao và lên án đó là một dự án cố đốt cho hết tiền thuế của dân. Thế rồi bẳng đi một thời gian, không biết đề án ấy được phê duyệt đến đâu, được phản biện như thế nào…rồi chìm vào quên lãng.

Rồi đùng một cái, mới hôm qua, bộ GDĐT lại trình ra thường vụ quốc hội “đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa” mới với kinh phí giảm xuống còn một nửa, 34.000 tỉ đồng mà không hề nghe nhắc đến đề án cũ cũng như nghe giải thích tại sao từ 70 ngàn tỉ đồng giảm xuống chỉ còn 34 ngàn tỉ đồng. Không biết đề án nầy bị bác, sang năm bộ GDĐT có trình ra dự án mới với kinh phí chỉ còn 17 ngàn tỉ đồng hay không?


Làm đề án quốc gia tiêu tốn hàng tỉ đô la, ảnh hưởng đến vận mệnh giáo dục của toàn dân mà cứ như hàng tôm hàng cá chợ trời, cứ nói thách lên thật cao rồi cò kè bớt dần xuống đến khi nào được thì thôi, mà mức nào cũng được. Sự nghiệp cải cách giáo dục ở giá nào cũng làm được hết !!!
Thế mà không thấy ông quan quốc hội nào chất vấn: Tại sao kinh phí đề án trước dựng lên đến 70 ngàn tỉ đồng? Tại sao từ kinh phí 70 ngàn tỉ đồng giảm xuống còn kinh phí 34 ngàn tỉ đồng? Dựạ trên cơ sở nào mà đưa ra các mức kinh phí ấy? Ai chịu trách nhiệm về đề án 70 ngàn tỉ đồng sai trái đó (vì bỏ đi để làm đề án mới)? Đã có ai bị kỷ luật vì đưa ra đề án sai trái để ngốn tiền như vậy? …

Trước 75, vào năm 1970, bộ giáo dục VNCH, đổi mới toàn diện chương trình giáo dục và sách giáo khoa chỉ trong vòng 3 tháng hè và chắc chắn là rất ít tốn kém. Các chuyên gia giáo dục ngồi lại soạn ra chương trình mới từ lớp 1 đến lớp 12 trong vòng vài tháng (chắc chắn là không quá 1 năm) rồi đưa lên bộ duyệt, sau đó thì ban hành. Còn sách giáo khoa thì hoàn toàn do tư nhân soạn và phát hành, chẳng tốn kém gì đến ngân sách nhà nước một đồng, ngược lại nhà nước còn thu được tiền thuế.

Thưa các ông bộ GDĐT thời nay, các ông chỉ tốn chút ít tiền trả cho các chuyên gia soạn ra chương trình (mà thật ra cũng chẳng tốn gì, vì các chuyên gia nầy đều là biên chế lãnh lương nhà nước để làm việc nầy, không soạn chương trình thì cũng lãnh lương vậy thôi), sách giáo khoa độc quyền in ra đâu có phát không cho học sinh, sách bán độc quyền nên lãi rất cao, lấy tiền đó trả nhuận bút cho người soạn thì thử hỏi các ông chi tiêu đến hàng tỉ đô la ngân sách vào đâu cho chuyện đổi mới chương trình và sách giáo khoa? Có phải các ông cố tình đốt tiền của dân hay không???
Theo blog Huỳnh Ngọc Chênh

Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả

Comments are closed.