Thời của tư bản man rợ

Nguyễn Trung Bảo

 

Sẽ là một “thảm hoạ phòng vé” nếu CGV nhập và chiếu một bộ phim nghệ thuật của Iran thay cho một bộ phim siêu anh hùng của Hollywood. Tôi không chối cãi rằng mình thích được xem một siêu phẩm cháy nổ, tóc vàng ngực to, anh hùng cái thế… hơn là những bộ phim chậm rãi, buồn bã với nhiều tầng ý nghĩa về cuộc sống.

Dù vậy, những bộ phim nghệ thuật “khó hiểu” vẫn có khán giả của nó và ở chừng mực nào đó, nhóm khán giả này thể hiện cho một tầng cao thưởng thức văn hoá. Dĩ nhiên, ở bất kỳ xã hội nào nhóm người có thể hiểu và yêu thích những tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu cũng đều là thiểu số. Cái thiểu số đó lại càng là thiểu số trong mặt bằng xã hội Việt Nam, có thể nói mà không ngại ngần.

Cuộc tranh luận về sự tồn tại của Hanoi Cinematheque 22A Hai Bà Trưng không đơn giản chỉ là bảo vệ một công trình duyên dáng vốn là nơi trình chiếu các tác phẩm kinh điển đậm chất nghệ thuật, mà còn là nỗi băn khoăn đối với quyền bình đẳng của các nhóm trong xã hội. Tuyệt đối, không thể vì nhóm người thích xem phim “bom tấn” nhiều hơn số người thích xem các bộ phim “khó hiểu” mà đi đến quyết định, hoặc ủng hộ cho quyết định phá đi những nơi như Hanoi Cinematheque để thay vào đó bằng một trung tâm thương mại bóng loáng nhôm kính.

Cần phải nhìn thấy rằng, một xã hội mà nhóm người có khả năng thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật có tính mỹ học cao hơn tính giải trí chỉ ở dạng thiểu số quá ít ỏi, thì đó hẳn là chuyện đáng buồn. Một xã hội được coi là phát triển phải lệ thuộc vào số nhà hát, công viên, tác phẩm nghệ thuật nơi công cộng… chứ không thể đo bằng số trung tâm mua sắm hay những khu nghỉ mát sang trọng.

Nếu nhìn bằng nhãn quan kinh tế thông thường, cái gì không sinh lợi ắt bị cái sinh lợi nuốt chửng. Không ai nói rằng suy nghĩ này sai nhưng suy nghĩ này hẹp hòi. Nhãn quan của một nhà quản lý mong muốn xã hội phát triển theo hướng nhân văn lại phải tìm cách để cho những “đốm sáng văn hoá” hiếm hoi trong xã hội có thể tiếp tục sáng đèn, điều này đòi hỏi người quản lý xã hội cũng phải có tầm văn hoá nhất định. Điều đó không chỉ tạo nên những không gian cho các nhóm nhỏ yêu thích nghệ thuật, mà còn giữ gìn và khuyến khích con người hướng đến cái Chân – Thiện – Mỹ chứ không chỉ là kiếm tiền và hưởng thụ.

Viện bảo tàng Getty rất nổi tiếng tại Los Angeles, bao gồm hai công trình là Getty Center và Getty Villa, vốn là nơi trưng bày những bộ sưu tập cổ vật và nghệ thuật của tỷ phú J. Paul Getty. Sau khi ông qua đời, theo di nguyện, tất những cả bộ sưu tập trị giá đến 6,4 tỷ USD, được xem là bảo tàng đắt giá nhất thế giới, được trưng bày miễn phí cho công chúng. Nhờ đó mà tôi mới có cơ hội tận mắt ngắm bức tranh nổi tiếng Hoa Diên Vĩ của danh hoạ Van Goth, hoặc các tác phẩm nghệ thuật từ thời Hy Lạp cổ đại. Các bạn sẽ cười tôi và tôi cũng cười chính mình nếu lỡ dại có mong muốn các “đại gia” ở Việt Nam bảo trợ cho những đốm sáng văn hoá đang rất leo lét trong xã hội này. Hẵng đợi họ khoe xong căn biệt thự, con xe, cái đồng hồ hay cô bồ xinh xẻo đã.

Sài Gòn đã mất Eden, Girval, và Xuân Thu. Đà Nẵng đã mất Bà Nà, và có thể mất Sơn Chà. Hà Nội sắp mất thêm Hanoi Cinematheque. Sự tham lam của các ông chủ Vin Group hay Sun Group là không có giới hạn. Dùng tiền để chiếm mọi lợi thế trong làm ăn, bịt miệng dư luận, sẵn sàng dày xéo thiên nhiên hay phá tan mọi không gian văn hoá để chiếm phần lợi. Suy cho cùng, họ chỉ làm theo đúng bản chất của vị trí mà họ đang có trong xã hội hiện tại – giai cấp tư bản. Nhưng, lối hành xử của họ với thiên nhiên và với văn hoá thì phải gắn thêm cho họ hai chữ “man rợ”.

Nguồn: FB Nguyễn Trung Bảo

Comments are closed.