Thư của chị Lê Thị Minh Hà, vợ blogger Anh Ba Sàm gửi các độc giả và quốc tế

h18Kính gửi:

Các độc giả của blog Anh Ba Sàm

Kính gửi:

– Ngài Barack Obama, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – Văn phòng Nhà Trắng

– Ngài John Kerry, Ngoại trưởng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

– Ngài Chris Smith, Thượng nghị sĩ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền trực thuộc Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Hoa Kỳ

– Ngài Frank R. Wolf, Thượng nghị sĩ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Đồng Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos

Đồng kính gửi:

– Ông Kenneth Roth, Giám đốc Điều hành tổ chức Giám sát Nhân quyền

– Tiến sĩ T. Kumar, Giám đốc tổ chức Ân xá Quốc tế

– Bà Sandra Mims Rowe, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Nhà báo

và các tổ chức nhân quyền quốc tế khác: Phóng viên Không Biên giới, Văn bút Quốc tế, Người Bảo vệ Quyền Dân sự…

Kính thưa quý vị,

Tôi là Lê Thị Minh Hà, vợ của ông Nguyễn Hữu Vinh tức blogger Anh Ba Sàm.

Chồng tôi được báo chí quốc tế đánh giá là một trong những nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng nhất Việt Nam. Đối với người dân trong nước, đặc biệt là cộng đồng những người sử dụng Internet ở Việt Nam, ông là một trong những blogger nổi tiếng nhất, người sáng lập và điều hành trang blog Anh Ba Sàm, tức Thông Tấn Xã Vỉa Hè, gắn bó với độc giả Việt Nam từ năm 2007 đến nay.

Chồng tôi và cộng tác viên, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, đã bị cơ quan an ninh điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam bắt giữ ngày 5/5/2014 và bị khởi tố theo Điều 258 Bộ luật Hình sự, “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Chồng tôi và cô Minh Thúy đã bị tạm giam kể từ đó và cho đến nay vẫn chưa được gặp thân nhân.

Là vợ của Anh Ba Sàm, vì hoàn cảnh sức khỏe không tốt, không chịu được điều kiện khí hậu-thời tiết miền Bắc, tôi không thường xuyên ở bên chồng tôi trong những năm qua; nhưng những gì tôi biết về ông lâu nay luôn thống nhất rằng: Ông là một người yêu nước bằng cả trái tim. Hơn thế nữa, ông là một trí thức, một blogger luôn ý thức được tầm quan trọng to lớn của mạng Internet đối với công cuộc dân chủ hóa và phát triển đất nước. Và ông đã luôn sử dụng Internet như một công cụ để thực hiện mong ước nhiệt thành của ông – “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Trang mạng Anh Ba Sàm (địa chỉ hiện nay: basam.info, anhbasam.wordpress.com, basamnews.info) được thành lập năm 2007 nhằm mục đích “giải phóng bạn đọc khỏi sự nô lệ về tinh thần”, mà chồng tôi gọi tắt là “phá vòng nô lệ” và lấy đó làm chủ trương của trang. Ông tin rằng, người dân Việt Nam chỉ có thể có được những quan điểm chính trị riêng nếu được thông tin đầy đủ.

Theo tinh thần ấy, mỗi ngày Anh Ba Sàm đều tổng hợp thông tin về những vấn đề chính trị từ nhiều nguồn khác nhau: từ các cơ quan truyền thông Nhà nước, các hãng tin nước ngoài, từ những nhà hoạt động, nhà báo, những blog cá nhân và cả những trang mạng bị chính phủ Việt Nam gọi là “phản động”, “thù địch với Nhà nước”.

Ngoài ra, Anh Ba Sàm còn cống hiến cho độc giả các danh sách đường dẫn (link) phong phú đến 50 trang blog hàng đầu của các cá nhân và tổ chức xã hội dân sự Việt Nam, 50 trang truyền thông độc lập và của nhà nước bằng tiếng Việt, 56 trang truyền thông nước ngoài cũng như 19 trang mạng hướng dẫn cách vượt kiểm duyệt Internet. Những kỹ thuật của blog đã tạo điều kiện cho độc giả viết các bình luận nóng hổi về những sự kiện thời sự.

Theo nhiều nguồn thống kê khác nhau thì từ năm 2009, chồng tôi và cộng sự đã đưa lên Internet hàng trăm nghìn bài báo, trong đó có rất nhiều tư liệu quý như lịch sử Việt Nam từ 1945 đến 1995, sách trắng về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, và nhiều bài viết của các cây viết nổi tiếng Việt Nam. Mỗi ngày, trang mạng Anh Ba Sàm có trung bình một trăm nghìn lượt truy cập.

Rất có thể là Nghị định số 72/2013/ND-CP của Chính phủ về “Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet” đã được ban hành chỉ để nhằm kiểm duyệt trang Anh Ba Sàm. Khoản 4 Điều 20 và Khoản 4 Điều 26 của Nghị định này (có hiệu lực từ ngày 1/9/2013) cấm các chủ blog và trang mạng ở Việt Nam thu thập thông tin từ những cơ quan truyền thông Nhà nước hoặc từ những trang mạng của các cơ quan công quyền. Ở thời điểm đó, Anh Ba Sàm là trang mạng duy nhất có thể tiếp cận ở Việt Nam mà có một khối lượng tư liệu và số người truy cập ở mức đáng kể như thế.

Theo danh sách xếp hạng của Alexa.com thì Anh Ba Sàm hiện vẫn thuộc số những trang mạng đuợc truy cập nhiều nhất ở Việt Nam.

Chồng tôi có phạm tội không?

Chính phủ Việt Nam đã huy động hacker tấn công trang mạng Anh Ba Sàm, vì nó không được Nhà nước cho phép, nghĩa là bị xem là bất hợp pháp. Ngay từ năm 2007, trang mạng này đã liên tục bị đánh phá và làm tê liệt bằng những cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). Từ năm 2010 đến năm 2013, nó bị tin tặc cướp ba lần và đã có lúc chủ nhân của nó bị mất quyền sở hữu. Trong thời gian này, 6 trang mạng và trang blog sao chép lại nội dung của Anh Ba Sàm cũng bị tin tặc cướp và xóa.

Bảy năm qua, trong quá trình điều hành trang mạng Anh Ba Sàm, chồng tôi cũng đã nhiều lần bị cơ quan an ninh nhắc nhở, đe dọa, ép buộc ông phải chấm dứt hoạt động làm blog, nhưng ông đều khéo léo và kiên quyết từ chối. Luôn chọn cách tiếp cận mềm dẻo, ôn hòa, ông chưa bao giờ tự coi mình là kẻ thù của chế độ, càng không chủ trương chống chính quyền bằng bạo lực – cho dù chỉ bằng ngôn từ. Tuy rất kiên trì trong mục đích cho người dân được tiếp cận rộng rãi với các nguồn thông tin khác nhau, nhưng ông không chọn cách đối đầu trực tiếp với các cơ quan chính quyền. Tôi tin rằng, những gì ông làm đã vừa góp phần “khai dân trí” như ông mong muốn, vừa giúp “khai quan trí” và giảm bớt mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân, điều hòa căng thẳng trong xã hội. Ông là người có thể góp phần rất lớn cho một sự chuyển đổi ôn hòa ở Việt Nam theo hướng dân chủ hóa.

Bản thân chồng tôi cho rằng trang mạng của mình đã thúc đẩy tự do báo chí. Trong một diễn đàn thảo luận, ông đã lấy thí dụ rằng cùng một bài đăng, trên trang mạng của một tờ báo nhà nước thì nó chỉ nhận được một phản hồi, trong khi trang mạng của ông đã nhận được những 600 lời bình luận đối với chính bài báo ấy. Như thế, ở Việt Nam, trong bối cảnh truyền thông-báo chí bị Nhà nước kiểm soát chặt, đã hình thành những diễn đàn cho phản biện xã hội, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng.

Chồng tôi mong ước: Một ngày nào đó báo chí tư nhân chuyên nghiệp sẽ được cho phép hoạt động ở Việt Nam. Và ông đã cố gắng hết sức để ngày đó sớm đến.

Từ những điều trên, với tình cảm của một người vợ đối với chồng mình và những hiểu biết về ông, tôi khẳng định: Chồng tôi – Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh – nếu có phạm tội gì, thì chỉ là tội yêu nước, yêu tự do, và mong muốn đất nước Việt Nam dân chủ hóa, người dân Việt Nam có quyền tự do.

Nguyễn Hữu Vinh là một người bảo vệ nhân quyền, đã nỗ lực tranh đấu ôn hòa cho quyền con người ở Việt Nam, đặc biệt là quyền tự do thông tin và báo chí. Việc bắt bớ ông là tùy tiện, vi hiến, trái pháp luật trong nước và vi phạm các tiêu chuẩn và điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.

Tôi xin kính đề nghị các độc giả của trang mạng Anh Ba Sàm, đề nghị các cơ quan Chính phủ và Quốc hội Mỹ, các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng và gây sức ép đòi hỏi chính quyền Việt Nam:

1, Trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho chồng tôi, nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Hữu Vinh tức blogger Anh Ba Sàm, và cộng sự của ông là Nguyễn Thị Minh Thúy;

2, Hủy bỏ Điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam về “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”;

3, Tôn trọng quyền tự do thông tin và báo chí của người dân Việt Nam. Hủy bỏ ngay lập tức Nghị định số 72/2013/ND-CP về “Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet” và các văn bản luật tương tự có mục đích hạn chế quyền tự do thông tin và báo chí ở Việt Nam.

Ngày 18 tháng 10 năm 2014

Lê Thị Minh Hà

http://badamxoevietnam2.wordpress.com/2014/11/12/thu-cua-chi-le-thi-minh-ha-vo-blogger-anh-ba-sam-gui-cac-doc-gia-va-quoc-te/

Ảnh: Vợ Anh Ba Sàm gặp Dân biểu Tom Koenigs tại quốc hội CHLB Đức

Comments are closed.