Thư Hội An

Nguyên Ngọc

 

LTS. Sau khi Diễn Đàn đăng bài viết của nhà văn Nguyễn Thanh Việt Bob Kerrey và ‘Thảm kịch Mỹ’ mang tên Việt Nam, một vài bạn ở Mỹ và Pháp đã trao đổi thư từ về nhà văn. Một người trong chúng tôi đã chuyển những lá thư này về nhà văn Nguyên Ngọc (mà chúng tôi đã giới thiệu bài Về trường hợp Bob Kerrey). Sáng nay, chúng tôi nhận được hồi âm của Nguyên Ngọc gửi từ Hội An. Thư riêng, chuyện chung. Diễn Đàn cảm ơn tác giả đã cho phép chúng tôi công bố lá thư này.

 

Hội An, 29-6-2016

Các anh chị thân quý,

Tôi xin cám ơn [các anh chị đã cho tôi đọc những dòng thư trao đổi] nói về Nguyễn Thanh Việt nhân chuyện Bob Kerrey và FUV. Trước hết tôi xin nói tôi rất quý Nguyễn Thanh Việt, tôi nghĩ anh là một nhà văn rất tài năng, và hẳn cũng là người rất độc lập và cởi mở. Trang Văn Việt của chúng tôi vẫn đang có hợp tác với trang Diacritics do Nguyễn Thanh Việt chủ trì.

Còn chuyện chiến tranh Việt Nam, thì tôi nghĩ hẳn là vẫn còn phải suy nghĩ và cố mà thấu hiểu dần, vì quả nó rất phức tạp. Tôi cũng rất muốn lắng nghe ý kiến của một nhà văn tầm cỡ Nguyễn Thanh Việt.

Nhân đây tôi xin phép được chia sẻ cùng các anh chị một một trải nghiệm nhỏ của riêng tôi. Hôm ở bên này bắt đầu xôn xao chuyện Bob Kerrey ở FUV, tôi đã (cố tình) rủ anh Chu Hảo đi cùng tôi về thăm một người phụ nữ tôi từng thân thiết trong chiến tranh. (Gần suốt thời gian chiến tranh, anh Chu Hảo đi học ở nước ngoài, không có điều kiện tham gia chiến tranh ở miền Nam). Nơi chúng tôi đến thăm là một xã thuộc huyện Điện Bàn, Quảng Nam, cách Hội An chừng hơn nửa tiếng đường ô tô. Hồi chiến tranh, đấy là nơi rất ác liệt, vì nằm ngay trên cái gọi là “ vành đai diệt Mỹ ” bao quanh thành phố Đà Nẵng, hồi bấy giờ là căn cứ hải lục không quân lớn của Mỹ. Người phụ nữ tôi tìm về thăm là chị Liễu, người đã cùng mẹ là bà Vịnh (nay đã mất) đào hầm bí mật nuôi giấu tôi, và chăm nom, bảo vệ tôi thời gian tôi hoạt động ở đó, có khi đến 2 năm, đặc biệt những năm 1969-70-71, sau Mậu Thân, thời ác liệt nhất. Hồi đó vùng này bị đánh trắng, cả xã chỉ còn có 7 người dân còn trụ lại được cùng chúng tôi. Hai mẹ con chị Liễu là ở trong số 7 người cuối cùng đó. Lúc địch đánh rát quá, chúng tôi nói : “ Chúng tôi có nhiệm vụ, chúng tôi phải bám lại đây, còn má và chị thì nên đi đi, hoặc chạy lên núi, hoặc lánh tạm vô thành phố, ở đây thì chết mất ”. Bà Vịnh mắng tôi coi thường mẹ con bà, bà bảo : “ Tao đi rồi, ai nuôi chúng mày, ai lo hầm hố, canh gác, bảo vệ cho chúng mày ! ”. Chị Liễu, và cả bà Vịnh, bị bắt xuống đồn, xuống quận không biết bao nhiêu lần, bị đánh đập, tra tấn, dọa giết. Chị Liễu bảo : Nó càng đánh càng nhớ anh em, không sợ chết, chỉ sợ không có mình ở nhà ai lo cho anh em… Chị bị thương, phải cưa mất một chân, nay đi chân gỗ. Chồng đã hy sinh. Có một đứa con gái, mới chết vì bệnh gan. Nay sống một mình… Chị nấu cơm cho anh Chu Hảo và tôi ăn. Ngồi ăn, chị nói một câu khiến anh Chu Hảo sửng sốt : “ Hồi chiến tranh, rứa mà vui, anh hỉ… Tình nghĩa… Không như bây giờ…”

vinhlieu
Bà Vịnh và chị Liễu, ảnh chụp cách đây 20 năm (tác giả cung cấp)

Hết chiến tranh, chị được cấp thẻ thương binh, mỗi tháng lĩnh đâu được vài trăm nghìn. Nhưng được vài năm, có cán bộ sở Lao động  -Thương binh – Xã hội tỉnh về kiểm tra, thu lại mất thẻ. Lý do : “ Bị thương trong lúc không ai giao nhiệm vụ ” ! Nghe chuyện đó, tôi đến làm ầm lên với ông Hoàng Minh Thắng, bấy giờ là chủ tịch tỉnh : “ Các anh bây giờ làm quan, các anh ăn ở bạc tình bạc nghĩa…” Anh Thắng sai cán bộ mang thẻ về trả ngay cho chị. Chị giận không thèm lấy. Anh Thắng phải nhờ tôi về dỗ mãi chị mới nghe…

Thật ra nghĩ cho đúng, quả là chị bị thương trong lúc có ai giao nhiệm vụ cho mẹ con chị trụ bám lại cùng chúng tôi đâu. Chị cũng có phải “ binh ” đâu mà “ thương ” ! Bấy giờ chị cũng không phải là du kích, không phải đảng viên. Chị là nhân dân. Chị là “ thường dân ”. “ Thường dân vô tội ”, như bây giờ người ta nói trong vụ Bob Kerrey.   

Tôi nghĩ có lẽ một trong những chỗ khó hiểu nhất của chiến tranh Việt Nam là ở chỗ này đây. Họ là ai vậy, “ nhân dân ”, trong cuộc chiến tranh đó ? Thời đó, (tôi gạch dưới) những người cộng sản đã đồng  nhất được mình với dân tộc (họ nói: “ nắm lấy mgọn cờ dân tộc ”), đồng nhất với nhân dân, với “ dân thường ”, đặc biệt ở nông thôn. Tôi rất chú ý câu Bob Kerrey trả lời phỏng vấn của Vietnamnet, ông nói : “ Chiến thuật của chúng tôi (của Mỹ) đã làm chết hàng triệu người ”. Chiến thuật đó cố tách người “ dân thường ” ra khỏi Việt cộng, để mà diệt Việt cộng, chỉ Việt cọng thôi. Trong khi “ dân thường ” (“ phụ nữ và trẻ em ”) lại chính là những chị Liễu và những bà Vịnh ! (Bob Kerrey nhận ra được nghịch lý chết người đó của chiến thuật Mỹ. Nhưng ông không lấy chỗ đó để bào chữa cho tội lỗi của mình. Tôi rất kính trọng ông vì điều đó).  

Cũng phải nói : Hồi đó, những lúc nguy cấp quá, chúng tôi cũng cố hết sức tránh chạy vào ngay nhà dân. Chúng tôi biết nếu bị giết trong nhà dân, thì rất có nguy cơ cả nhà cũng sẽ bị giết. Chúng tôi cũng cố bảo vệ dân …

… Nhưng có lẽ đấy cũng mới chỉ là một mặt của vấn đề. Còn một câu hỏi nữa : Những người cộng sản (thời ấy) đã tự đồng nhất được mình với nhân dân, tức là trong ý chí “ chống ngoại xâm ”. Nhưng còn nhân dân, “ dân thường ” ấy, họ có tự đồng nhất họ với ý thức hệ cộng sản của những người cộng sản không ?

Tôi nhớ cũng chính trong thời kỳ ấy, một lần ở cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu 5 của chúng tôi, chúng tôi có một cuộc thảo luận, tranh cãi : “ Cuộc chiến tranh này có tính chất nội chiến không, hay chỉ là chiến tranh chống ngoại xâm ? ”. Tranh cãi rất căng. Phần đông nói theo “ lập trường ” : chỉ tuyệt đối là chiến tranh chống xâm lược… Hôm ấy có ông Võ Chí Công, bấy giờ là bí thư Khu ủy, Chính ủy quân khu 5. Cuối cùng, kết luận, ông nói : Theo ông là có cả tính chất nội chiến. Cần bình tĩnh nhận ra, để xử lý đúng ngay cả những vấn đề thực tế trên chiến trường. Cuộc chiến tranh ấy còn có mặt là chiến tranh ý thức hệ, (“chiến tranh ủy nhiệm’’, như sau này anh Lê Xuân Khoa nói.) Ta chả từng nói ta đánh cho cả Trung Quốc, cả Liên xô là gì ! …

Vậy ở những chị Liễu, những bà Vịnh … cái là “ ý thức hệ ” ấy có không, đến đâu, trong động cơ hành động, hy sinh cùa họ ?

Tôi thấy hình như chị Liễu có trả lời với chúng tôi rồi. Chị nói : “ Chiến tranh, rứa mà vui, anh hỉ … Tình nghĩa … Không như bây giờ …”

Tôi thường nghĩ : Bây giờ là khi những người khởi nghĩa đã trở thành những người cầm quyền, những người cai trị. Sự đồng nhất đã làm nên sức mạnh kỳ lạ ngày xưa đã bị đánh mất …

Tôi xin lỗi các anh chị đã quá dông dài, xin các anh chị bỏ qua cho.

Khi nào có dịp về nước, nếu các anh chị muốn, tôi xin mời các anh chị cùng đi thăm chị Liễu’’của tôi’’. (Như lần ta đi thăm Bok Tơ trong rừng Kontum, chắc chị L. còn nhớ). Chỉ mong là chị Liễu còn sống. Chị ấy đã bị một lần tai biến mạch máu não, đã yếu nhiều.

Nguyên Ngọc

Nguồn: http://www.diendan.org/viet-nam/thu-hoi-an

Comments are closed.