Một Giáo Viên Giấu Tên
Khi viết những dòng này, chúng tôi (những giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy môn Ngữ văn lớp 12) đều ngậm ngùi hiểu rằng, việc đổi mới Đề thi Tốt nghiệp môn Văn THPT đã được quyết định, thầy trò cứ thế và cứ thế…
Nhưng tôi mạn phép được bày tỏ đôi lời, cũng là để vợi bớt chút nỗi niềm, ngày mai thầy trò chúng tôi sẽ phải hớt hải chạy theo những chuyển đổi gấp gáp và nôn nóng của Bộ GD&ĐT.
Việc đổi mới Dạy và Học môn Ngữ văn đã được khởi xướng từ rất lâu. Lâu đến nỗi, chạm vào hai chữ “đổi mới” lập tức trong đầu chúng tôi hiện lên câu cửa miệng của cụ cố Hồng: “Biết rồi, khổ lắm nói mãi!”.
Nhưng Đổi không? Có đổi! ; Mới không? Có mới. Bằng chứng là Bộ SGK mới ra đời và rất nhiều chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn… Nhưng thực tế, chương trình thì vẫn quá dài và nặng nề.
Kiến thức để đáp ứng yêu cầu của đề thi thì than ôi, ngay cả chúng tôi cũng có lúc thầm nghĩ, học sinh quả thực có trí tuệ siêu việt, nếu chúng nạp được bằng đó nội dung để đi thi…
Dài dòng như thế để Bộ trưởng hiểu chúng tôi mong chờ cái công đoạn kết thúc (Thi) của quá trình Đổi mới Dạy và Học như thế nào. Và chờ mãi, “cây đa” thì vẫn cũ, “con đò” vẫn “xưa”. Có chăng chỉ nhúc nhích, hồi hộp ở câu hỏi 2 điểm (câu một).
Cứ ngỡ, thôi thì đành vậy, đoàn tàu phải chạy theo đường ray thôi, không muốn tới ga thì nhào xuống ruộng. Cố lên. Và cố mãi.
Năm học 2013 – 2014 cũng có vểnh tai nghe thanh tiếng có gì lạ. Tuyệt nhiên trời lặng, sóng yên. Cho đến trước 10/4/2014 vài ngày, thần dân xôn xao vì những thông tin không chính thức trên các kênh truyền thông: Năm nay, Bộ quyết đổi mới cấu trúc Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn.
Thiên hạ (ban giám hiệu, giáo viên, học sinh) nháo nhào cập nhật (cả lập cập), tham khảo đề thi do các chuyên viên đề xuất. Người bình tĩnh trầm ngâm: “Chờ xem, chưa chắc”; kẻ yếu bóng vía thì hử, hả ầm ĩ; học sinh nhìn thầy cô đầy ai oán lẫn cầu cứu…
Thưa ông Bộ trưởng,
Theo suy nghĩ thông thường, có thay đổi lớn phải qua công đoạn thí điểm trên diện hẹp, rồi tổng kết, rút kinh nghiệm, sau đó mới áp dụng đại trà.
Lần này, Bộ chẳng cần “9 tháng 10 ngày” mà làm cái “rụp”. Tất nhiên Bộ có lí lẽ của Bộ. Nhưng lí sự, lập luận nào mà để thầy trò hoang mang, dư luận té sấp té ngửa thì e rằng khó phục.
Đọc vài tư liệu tham khảo, giáo viên chúng tôi vô cùng ủng hộ cách ra đề mới. Có lúc quên mất cái sự lo lắng bất an, vỗ đùi cười như Tào Tháo mà hả hê rằng: “Có thế chứ!”.
Nhưng cái sự hoan hỉ vừa loé lên lại vụt tắt khi thời gian còn hơn một tháng nữa là Thi Tốt nghiệp. Không biết Bộ ấp ủ việc đổi mới này từ khi nào mà đến thời điểm này mới gióng trống báo làng?
Đành rằng thay đổi là cần thiết (vô cùng cần thiết) nhưng phải có lộ trình hợp lí hoặc chí ít cũng định hướng từ đầu năm học để những “công bộc” (thầy) và những “công cụ” (trò) chủ động tiếp nhận chủ trương. Từ đó Dạy, Học và Đi cho đúng Đường…
Cuộc đua đang vào giai đoạn nước rút, thầy trò chúng tôi đang chỉ còn vài bước chân là về đích, Bộ làm thế này có khác nào đứng chắn giữa lối và quát: “Nhầm đường! Quay lại!”. Thầy ngơ ngác, trò hoảng hốt, biết xoay mình, trở chân sao cho kịp???
Đành thì thào với đồng nghiệp rằng: Bộ đã quyết một cách nóng vội thế, chắc cũng có phương án cho cái “hậu” để đảm bảo chỉ tiêu % đỗ đạt cả nước thôi. Nghĩ thế, vắt tay lên trán, mơ thấy lớp lớp học trò rạng rỡ Vinh Quy Bái Tổ, thầy cô cũng mũ áo thênh thang!
Vài dòng bao biện kính gửi ông Bộ trưởng (cứ nhận trước vì thế nào cũng bị chỉ trích thế); vài lời giãi bày với đồng nghiệp và các trò tuổi Chuột (chắc cũng nhận được vô vàn sự đồng cảm)…
Ngõ hầu cũng chỉ là chút hỉ xả để lấy hơi ngày mai lại cắm cúi chạy tiếp. Đường thì chẳng bao xa mà lòng nhọc nhằn quá đỗi!!!