Thư ngỏ gửi các ông: Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang

Kính gửi:

– Ông Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang

– Ông Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

– Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hữu quan tỉnh Bắc Giang

 

Tôi là Ngô Văn Giá (bút danh: Văn Giá), quê quán: thôn Liên Bộ, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; hiện là Phó giáo sư – Tiến sĩ, nhà văn, nhà báo; Chủ nhiệm khoa Viết văn – Báo chí thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội.

Tôi vừa mới đọc trang Cổng thông tin điện tử Bắc Giang (http://www.bacgiang.gov.vn/ves-portal/30743/Phe-duyet-D%C3%B4-an-Quy-hoach-phan-khu-Khu-du-lich-tam-linh-%E2%80%93-sinh-thai-Tay-Yen-Tu.html) hay tin UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể phân khu Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử, trong đó có hạng mục cáp treo và các công trình hạ tầng khác.

Là người con quê hương đang sống và làm việc tại Hà Nội, khi nghe tin này, tôi không khỏi lo lắng. Tôi xin mạo muội trao đổi mấy ý như sau:

1. Hiện nay trên đất nước chúng ta, từ Bắc chí Nam, hễ nơi nào có non cao núi thiêng đều bị các cấp chính quyền cho phép những nhà đầu tư (trong nước hoặc nước ngoài) đè ngửa ra làm cáp treo hết lượt. Vũng Tàu, Bà Nà, Yên Tử, Tây Thiên, núi Bà Đen…,và gần đây nhất là đỉnh núi Phanxipan – danh thắng được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”.

Mỗi khi có dự án làm cáp treo đây đó, lại gây ra cơn bão dư luận từ phía các nhà trí thức và cộng đồng. Phía phản đối cho rằng nó phá vỡ cảnh quan, tàn phá môi trường, mất đi chỗ hành hương thả bộ để suy tư về cõi Phật, thưởng ngoạn thiên nhiên, hoặc buông xả hành Thiền, rèn tập thân thể, đám trẻ thì mất cơ hội được thỏa niềm vui chinh phục đỉnh cao… Cánh ủng hộ lại bảo: không có cáp treo thì các ông già bà cả, khách du lịch làm sao có sức khỏe, thời giờ để leo lên các đỉnh cao nguy hiểm như vậy.

Mỗi phe đều có cái lý riêng.

Nhưng thật bình tâm nghĩ lại: Liệu có nhất thiết chỗ nào cũng phải làm cáp treo không? Tại sao cứ phải cáp treo mới được cho là văn minh, là hiện đại? Chả lẽ cứ giữ nguyên sinh thái, giữ nguyên đường mòn, lối sỏi, rừng cây, khe suối… để mà chung sống với nó, nương tựa vào nó, bạn bè với nó lại không được coi là văn minh ư? Lại bị cho là lạc hậu ư?

Tôi cho rằng, hiện nay phía bờ Tây núi thiêng Yên Tử thuộc đất Bắc Giang (nơi quần thể Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm với trên 130 di tích lớn nhỏ, được bắt đầu và nối tiếp liên tục từ Thăng Long, qua hệ thống chùa chiền thuộc Bắc Ninh, nối vào hệ thống chùa thuộc đất Bắc Giang: Bổ Đà, Vĩnh Nghiêm, rồi bắt dần vào hệ thống chùa chiền phía bờ Tây Yên Tử), là địa danh còn sót lại gần như duy nhất trên đất nước ta may mà chưa kịp làm cáp treo và hệ thống hạ tầng dịch vụ theo mô hình phổ biến như ta đang thấy.

2. Mô hình du lịch cáp treo hiện nay đã trở nên quá quen thuộc, nhan nhản ở khắp nơi, na ná giống nhau về kiểu dáng, về cung cách vận hành và dịch vụ, đã đến lúc nhàm chán, đơn điệu, mất dần sức sống và sức hấp dẫn. Rất nhiều khách du lịch trong nước, nhất là khách du lịch quốc tế đã tẩy chay không đi theo cách cáp treo nữa, mà họ chọn cách đi bộ truyền thống. Đi theo cách này, họ đạt được mấy điều sau:

Thứ nhất, họ thỏa mãn được đức tính phiêu lưu, thích khám phá, thích chinh phục (những đức tính này đã làm nên những phát kiến vĩ đại ở người phương Tây trong suốt hành trình lịch sử).

Thứ hai, họ muốn nhân cơ hội được leo núi, rèn tập sức khỏe, tăng cường sức dẻo dai, lắng nghe cơ thể của mình, thử sức mình.

Thứ ba, điều này là quan trọng nhất: họ được hòa mình vào thiên nhiên, nhìn ngắm và thưởng ngoạn thiên nhiên, được leo núi tu tập, hành Thiền, để được sống với cái nhịp sống vô cùng vĩ đại mà tinh tế, thẳm sâu của đất trời, non nước, cỏ cây, sông suối; để lặng ngắm và tìm hiểu sâu về lịch sử – văn hóa của vùng đất… Những điều này, nếu đi cáp treo tuyệt đối không cảm nhận được.

3. Theo quan sát của tôi, hiện nay tình hình cáp treo đang có nguy cơ bành trướng, dần dần sẽ ngoạm nốt tất cả những gì còn lại của bà mẹ thiên nhiên vĩ đại trên nước Việt. Chúng đang đẩy cảnh quan mọi miền đất nước sa vào tình trạng biến mọi nơi thành những chỗ na ná nhau, lặp lại, tẻ nhạt, nhàm chán, đánh mất bản sắc văn hóa vùng. Chúng sặc mùi sự trịch thượng và tự mãn bởi đồng tiền, sa lầy vào cơn lốc của tình trạng thương mại hóa, thực dụng.

Để giải thích nguy cơ cáp treo tràn lan này, lý do thì rất nhiều, nhưng có hai lý do mà nhiều người nghĩ tới: 1, các cấp lãnh đạo không có tầm; 2, lợi ích cá nhân và nhóm chi phối.

4. Theo tôi nghĩ, Bắc Giang phải coi việc tiến hành quy hoạch chậm, đi sau trong việc xây dựng quần thể tâm linh bờ Tây Yên Tử là một điều may mắn, bởi qua đó, sẽ học tập được nhiều kinh nghiệm, kể cả những bài học thất bại, tránh giẫm vào lối mòn những cáp treo và hệ thống dịch vụ khoác màu hiện đại mà hầu hết là tẻ nhạt, thiếu cá tính, mất bản sắc, sặc mùi thế tục trên khắp đất nước này.

Nếu Bắc Giang muốn khu du lịch của mình trở nên độc đáo, riêng biệt, mang đặc sắc văn hóa vùng, thì không nên và không cần bắt chước phải xây dựng hệ thống cáp treo cùng hệ thống dịch vụ quen thuộc và phổ biến như trên kia đã đề cập. Tỉnh chúng ta có cách đi riêng: xây dựng một khu du lịch sinh thái tâm linh nguyên gốc, truyền thống, nghĩa là con người được hòa mình, chung sống thân thiện với thiên nhiên, cảm nhận và thưởng ngoạn thiên nhiên, biết ơn thiên nhiên; thả bộ hành Thiền, tu tập, luyện rèn tâm đức; khám phá các tầng vỉa lịch sử – văn hóa của cha ông…

Nơi đây, các dịch vụ với chất lượng cao vẫn được duy trì trong những ngôi nhà khiêm nhường, kiến trúc hài hòa với cảnh quan, môi trường được gìn giữ trong sạch, thiên nhiên phong cảnh được bảo vệ và chăm chút; các ngọn núi, đồng bãi, suối khe… cần được bảo vệ nguyên trạng (tránh xẻ núi, đào hồ, bê tông hóa một cách vô lối, cần nương theo tự nhiên có sẵn mà quy hoạch…); con người được giáo dục kỹ năng làm du lịch lành mạnh, chuyên nghiệp, khoa học, nhân văn.

5. Hãy cứu lấy toàn bộ bờ Tây Yên Tử – một nơi chốn tâm linh và sinh thái còn lại duy nhất của đất nước chưa bị con người tàn phá, nơi đang là báu vật vô giá mà Tạo hóa và Lịch sử dân tộc trao tặng cho nhân dân tỉnh Bắc Giang chúng ta.

Hãy cứu lấy bờ Tây Yên Tử để người dân bốn phương đời đời mỗi khi tìm đến còn có cơ hội được bước trên nền đất Mẹ một cách khoan thai, an lành, cảm nhận và giao hòa với thiên nhiên, đất trời; lắng nghe và hướng vọng về những điều thiện điều phúc của cõi Phật, tự hào được đặt chân đến nơi non thiêng cẩm tú và thêm yêu nước Việt.

Tôi rất mong ý kiến này được thảo luận và để rồi có quyết sách hợp lý, thuận lòng dân, thuận lòng Trời.

Kính chúc các đồng chí mạnh khỏe, bản lĩnh, sáng suốt đưa quê hương Bắc Giang ngày càng phát triển mọi mặt, sánh vai các tỉnh bạn, trở thành địa chỉ hấp dẫn của người dân nước Việt và khách quốc tế.

Kính thư!

PGS.TS. Nhà văn, nhà báo Văn Giá

Comments are closed.