Hạnh Nguyên
Nhân chuyện Chu Ngọc Quang Vinh, và cũng nhân ngày khai giảng, tôi đưa lên bài viết này của tác giả Hạnh Nguyên để mọi người suy nghĩ về những người trẻ của chúng ta, để thấy trường hợp như Quang Vinh không phải là “cá biệt”, không phải bây giờ mới có. Hạnh Nguyên viết bài này năm 2012 khi đang là cô nữ sinh Hà Nội 17 tuổi, bằng tuổi nam sinh Yên Bái bây giờ. Bài viết đã được Hạnh Nguyên đưa vào tập sách đầu tay của mình Những thiếu thời lơ lửng (Quảng Văn & Nxb Văn Học, 2015). Hạnh Nguyên sau tốt nghiệp phổ thông đã ra nước ngoài học và hiện làm cho một công ty du học ở nước ngoài. Nếu mà đưa lên báo bài viết này thì tôi sẽ rút tít bằng câu cuối bài: “ĐÃ ĐẾN LÚC NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐƯỢC NÓI RỒI”. Và những tiếng nói của người trẻ như Hạnh Nguyên hồi trước, hay Quang Vinh lúc này, phải được người lớn lắng nghe thấu hiểu, chứ không phải vùi dập, trừng phạt.
Phạm Xuân Nguyên |
*
Cách đây rất nhiều năm, tôi được cho đi học. Bằng một lẽ nào đó, bố mẹ tôi thấy cần phải cho con mình đi học, để tuân theo những quy tắc thông thường trong đời sống xã hội, để làm một gia đình bình thường, có những đứa con bình thường được đến trường theo mong muốn của những bậc làm cha mẹ. Thế là tôi bắt đầu đi học, như rất nhiều đứa trẻ khác cùng trang lứa. Trường cấp một của tôi là ngôi trường danh giá nhất nhì trong thành phố lúc bấy giờ, không may, trường cấp hai và cấp ba của tôi cũng vậy. Kiểu như khi hàng xóm sang chơi nhà tôi vào ngày tết, sau khi lì xì chán chê họ hỏi, nào, thế cháu nhà đang học trường gì nhỉ và khi tôi nói cho họ nghe tên trường, một cách chậm chạp và ít khoa trương hết mức, họ sẽ ồ lên và, à, ra là trường đó, thế cháu hẳn phải học giỏi lắm. Suốt những năm đi học tôi đã đối mặt với điều này, chưa một lần tự hỏi vì sao chỉ nghe tên một sự vật sự việc gì đó mà người ta có thể quy chụp tính chất của nó và những người liên quan đến nó là một. Đó là một sự vội vàng đầy thiển cận. Tôi không phải một đứa trẻ học giỏi. Một lần cũng không và sẽ chẳng bao giờ là vậy.
Lên cấp hai, cuộc sống học tập của tôi bắt đầu xuất hiện những dấu vết trắc trở. Tôi phát hiện bản thân không thể nuốt nổi các môn tự nhiên và rằng chúng đang giết chết tôi từng ngày. Nhưng ngoài tôi ra, không ai biết điều đó. Tôi muốn nói là, cả thế giới đều biết tôi đầu hàng các môn tự nhiên nhưng không biết chúng đang giết chết tôi từng ngày. Điều đó rất quan trọng, không phải ai cũng biết. Lẽ thường tình, tôi lao vào học thêm. Tôi cũng lo lắng chứ, nhưng sao bằng bố mẹ tôi cho được. Tôi học, học và học như một cỗ máy có đầy rơm trong đầu và người ta nhồi nhét đủ thứ nào các món chất nổ các công thứ tính toán thời gian các con số có những kí hiệu khốn khổ trên đầu và vâng, những thứ đó đã trở thành một công cụ tuyệt vời cho cuộc sống của tôi biết mấy. Tức là chúng chẳng làm gì cả.
Không biết có bao nhiêu đứa trẻ được cho đi học thêm từ hồi lớp một ở xung quanh tôi. Lần đầu tiên nghe chuyện này tôi nói, im đi, làm gì có chuyện đó. Ấy là sự thật. Tôi không hiểu người ta có thể đưa thứ gì mang tầm cỡ khó hiểu vào đầu một đứa trẻ sáu tuổi, thôi nào, chúng hãy còn nhỏ đến thế cơ mà. Ở cái tuổi như vậy người ta cần làm những điều ngu ngốc như nghịch giun và lăn lê trên sàn nhà, nhổ hoa và đi tè lên nền đất trống, hay vui hơn một chút chúng có thể đánh những thằng bé cùng tuổi và túm tóc một vài đứa bé gái mà chúng thích. Đó mới là những công việc chính của một đứa sáu tuổi, không phải ngồi yên trên ghế trước mặt là tờ bài tập toán, hay tiếng Anh, hay tiếng Việt và chúng cầm bút trong tay chịu không hiểu thứ gì đang diễn ra trước mắt mình. Những con kiến nhỏ bò trên trang giấy, chúng không biến mất khi bọn trẻ nghiến nát bằng những ngón tay.
Nhưng thực sự thì, mọi thứ chỉ bắt đầu khi tôi lên cấp hai, sau đó là cấp ba. Tôi có thể nói trước điều này, tôi ít nhất trên dưới mười lần muốn đấm vào mặt một thầy cô giáo nào đó, ra khỏi lớp và đi làm ở trạm xăng. Xin mời, tôi là một tấm gương xấu cho bất kì ai muốn trở thành người tốt. Nhưng khoan, các vị có biết tôi không? Đấy, chưa gì đã lại chơi trò chơi theo một cách thiển cận rồi. Các vị cần phải tiếp xúc với gốc rễ của vấn đề, không thì cũng nên nghe cô ta trình bày về cuộc đời của cô ta theo trình tự, cho nó có lớp lang. Có cái này ở người lớn mà tôi thấy thật buồn cười, rằng tại sao các vị chẳng bao giờ nhận ra cần thay đổi. Các vị không bao giờ lắng nghe trọn vẹn con cái của mình. Ý tôi là, các vị nghe chúng nói, nhưng không bao giờ hiểu hết tất cả, các vị nghe đấy, nhưng không hiểu. Chúng đang nói gì đó và thậm chí chúng còn chưa kịp nói cho ngọn ngành là các vị đã bắt đầu phản bác lại trong đầu mình rồi, những ông bố bà mẹ tâm lí hơn một chút thì đợi con nói xong mới bắt đầu sắp xếp lại các lí luận phản bác. Các vị hầu như đều phản bác.
Quay lại với việc đi học của tôi. Cấp hai là một thiên đường của những điều phức tạp, nhưng nó hãy còn là một thiên đường. Tôi lên cấp ba sau khi kết thúc lớp chín. Từ trước khi thi bố mẹ tôi đã xác định được ngôi trường cần phải vào, làm gì để đạt được nó và tất nhiên là sự hợp tác từ tôi. Nhưng hình như mục đích của hai bên không giống nhau. Bố mẹ muốn tôi vào trường tốt, một phần tốt cho tôi, còn lại tốt cho họ. Đó là chuyện đương nhiên, bố mẹ nào chẳng muốn có gì đó để tự hào về con mình. Ai cũng thế, tất cả mọi người. Trong khi đó mục đích của tôi là vào cùng một trường với bạn bè mình, chưa kể đó là một trường tốt, được đánh giá cao và sau này tôi sẽ được trấn an bằng rất nhiều lời khen ngợi. Tôi đi học thêm trong tâm trạng phấn khởi, cứ vài bữa tôi cúp học một lần. Sau khi nhận kết quả đỗ, thực tình tôi không vui mừng cho lắm. Nó chỉ đến một cách hiển hiện và rõ ràng khi các cô dì chú bác họ hàng nội ngoại của tôi mừng tôi tiền, ít ra ngôi trường này đã được đóng một cái mác đặc biệt đến thế mà, cái mác của lòng dân. Đến đây tôi muốn nói, những đứa trẻ mười sáu tuổi chưa thể quyết định được cuộc đời của chúng đâu. Bố mẹ chúng đóng một vai trò cực kì quan trọng trong đời chúng, tác động vào chúng, ảnh hưởng lên chúng. Chúng đi đâu, làm gì, tuổi mười sáu không thể nào quyết định được. Chúng chưa đủ khôn ngoan, chưa đủ chín chắn, chúng để mặc mọi thứ và chúng không biết phải làm sao cho đúng. Khi đó, bố mẹ chúng dắt chúng đi. Bố mẹ tôi đã dắt tôi vào cấp ba, một thế giới mới nơi tôi ngày ngày tìm mọi cách trốn chạy.
Tôi ghét đi học. Tôi nhận ra điều này năm tôi học lớp mười một. Khi đó tôi đã sa sút hết mức và không thể tệ hơn được nữa. Mọi chuyện quay cuồng và chúng tôi quay cuồng theo. Tôi, gia đình tôi, mối quan hệ của tôi xuống dốc với mọi người, trường học đè lên tôi, đổ sập dưới chân tôi. Tôi biết được rằng tôi chưa bao giờ thích đi học. Có rất nhiều lựa chọn trong cuộc đời mỗi người. Đến một lúc nào đó các lựa chọn sẽ đến tay tôi. Khi đó tôi được quyền làm chủ cuộc đời mình. Có những lựa chọn sai lầm, có những lựa chọn đúng đắn, nhưng làm thế nào tôi biết được. Phải làm thử thôi, làm tất cả chúng, nghĩ ra là làm. Tôi không muốn uổng phí mọi giây phút trong đời mình kể từ khi tôi nhận ra phải trân trọng nó nhiều hơn. Cuộc đời chúng ta ngắn hơn chúng ta tưởng, đến một lúc nào đó không biết được, nó sẽ vụt khỏi tay và biến mất đi. Phí phạm từng ấy năm trong đời để làm những việc không thích, tôi coi đó là một tội ác, là một mối nguy hàng đầu cho xã hội bởi khi đó chúng ta không bao giờ biết được những kẻ đang chán nản và đầy tội lỗi ấy sẽ làm gì. Chúng sẽ làm gì ư? Đơn giản lắm, chúng sẽ phá bỏ mọi khuôn phép và vận hành thế giới nhỏ bé của chúng theo một cách riêng, những đứa trẻ hãy còn quá nhỏ và say mê những trò chơi dại. Có nhiều gia đình để con họ đi học, nhìn chúng học bài, làm bài tập, được điểm tốt, thế là sướng. Tôi không tán thành việc đó. Họ không ở bên con mình ngay từ khi mọi chuyện bắt đầu, khi con họ đột nhiên muốn buông xuôi và chúng mệt mỏi tới nỗi không muốn cố gắng nữa. Những đứa như vậy thường khép mình vào trong một cái vỏ kiên cố và vững vàng và chúng cố thủ trong đó không bao giờ ló ra. Tận sâu bên trong chúng tính toán những phương thức tàn bạo nhất cho cuộc sống của mình, có những đứa quyết định từ bỏ nó. Chúng chẳng làm gì cả, và từ bỏ nó.
Tôi chưa gặp những đứa trẻ cảm thấy chán nản với cuộc sống của mình. Tôi cần gì phải gặp. Bởi tôi là một minh chứng điển hình, đang hít thở và đang sống, tôi biết rõ cảm giác buồn chán bất lực đó như thế nào, tôi cũng biết những đứa trẻ như tôi đang phải đối mặt với mọi thứ ra sao. Tôi nghĩ mình biết. Có lẽ có rất nhiều những đứa trẻ như vậy, chúng không thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, khuôn khổ hiện tại và chúng muốn chạy thoát nhưng không thể. Khi chúng gây chuyện và bố mẹ chúng hỏi, tại sao con không tâm sự với chúng ta khi con bế tắc, trời ạ chúng phải trả lời thế nào đây? Bố mẹ, các vị đã không ở bên con các vị khi chúng cần, vậy thì đừng bao giờ đòi hỏi chúng phải kể cho các vị nghe hôm nay chúng thấy thế nào, chúng mệt ra sao và chúng muốn được nghỉ một buổi học ở trường. Chúng sẽ không bao giờ nói bởi ngay từ đầu chúng đã không được phép nói ra rồi. Con cái lớn lên bằng nỗi sợ. Nỗi sợ bị đánh, bị mắng, bị chửi rủa, có những đứa học cách sống chung với nó và ổn, có những đứa cũng học cách sống chung với nó và bị tổn thương. Những đứa ổn sẽ sống theo cách riêng của chúng và âm thầm không để ai biết, những đứa không ổn sẽ kiệt quệ từng ngày và kết quả chúng sẽ bỏ cuộc, rất sớm thôi. Số lượng trẻ vị thành niên tự sát không ít. Ta quy kết cho căn bệnh trầm cảm. Vậy nguyên nhân của căn bệnh trầm cảm là gì? Tôi nói, đó là những áp lực trong cuộc sống.
Thế giới này không tạo ra áp lực. Con người mới là kẻ làm điều đó. Tôi đã từng mơ đến một thế giới nơi chúng ta sống bình đẳng với nhau, được làm những điều chúng ta muốn, làm những thứ chúng ta thấy mình cần phải, nơi con người sống với nhau bằng lòng tốt và hòa bình, và những bậc người lớn hiểu con cái của họ hơn. Trong tôi có một phần luôn tin rằng tội ác của con người tất thảy đều bắt nguồn từ giáo dục. Những đứa trẻ sinh ra đều mang một lòng tốt nguyên thủy. Bố mẹ chúng là người điều chỉnh và định hình cho lòng tốt ấy. Giả sử có một đứa sinh ra với tố chất sát nhân trong đầu, bố mẹ chúng sẽ là người bật công tắc khởi động nó lên, hoặc họ sẽ tắt nó đi vĩnh viễn. Nhân cách mọt đứa trẻ không phụ thuộc vào những gì người ta dạy chúng ở trường, ở trường người ta không dạy chúng tình yêu. Người ta dạy chúng làm thế nào để nổi trội hơn đứa khác và công khai đứa nào dở hơn đứa nào hay hơn. Trường học tạo ra các tầng lớp, không đâu xa, chính là trường học. Không có tiền thì không được đến trường, không có kiến thức thì không được đến trường, không có nhân cách thì không được đến trường. Ai nói trường học là nơi đào tạo các chủ nhân tương lai của đất nước thì tôi sẽ cười vào mặt họ. Các chủ nhân tương lai của đất nước lúc này đang tán phét với nhau và làm bài tập trong nỗi hân hoan hơn người của chúng. Chúng không được dạy làm thế nào để đưa đất nước lên một tầm cao hơn, khiến người dân tự hào về nòi giống của mình hơn, chúng chỉ được dạy làm thế nào để kiếm được nhiều tiền nhất và xây được nhà to nhất. Chủ nhân tương lai của đất nước, tôi tin, là những đứa trẻ có những suy nghĩ nghiêm túc về việc này từ khi chúng nhận thức được mọi chuyện.
Khi tôi nói quan điểm của tôi với người khác, chúng tôi bắt đầu tranh cãi nhau. Họ: không đến trường thì làm sao có kiến thức? Tôi: nếu anh cần kiến thức tự anh sẽ tìm cách có được nó thôi. Họ: không đến trường thì làm sao vào làm cho các công ty lớn, làm sao có bằng đại học? Tôi: yên tâm đi, các công ty của anh sẽ cần đến anh nếu anh phù hợp, nếu anh yêu thích một công việc nào đó và dành nhiều thời gian cho nó, còn bằng đại học ư, anh cần nó để làm gì, để vào một công ty tư nhân lương bốn triệu một tháng và gặp được tình yêu của đời anh à? Họ: không có học vấn thì sẽ chẳng có gì hết. Tôi: anh có sức khỏe, anh có bộ não, cái cần nhất là liệu anh có khả năng học tập và không bị phụ thuộc hay không. Họ: vậy thì trước giờ đi học là một chuyện vô bổ chăng? Tôi: không, nó không vô bổ, nó chỉ mất thời gian và ngày càng sai hướng. Họ: vậy thì nói xem thế nào mới là đúng đây? Tôi: khi con anh nói với anh rằng nó thích đi học, và sáng nào nó cũng nói thế, khi đó trường học mới là nơi đúng đắn cho con anh. Đã bao giờ nó khẳng định với anh thế chưa, rằng nó thích đi học ấy? Họ: thật là thiếu suy nghĩ, không đi học thì cô sẽ sống bằng gì đây? Khả năng nói phét à? Tôi: sống bằng niềm đam mê của tôi. Tôi làm công việc mình thích, tôi làm chủ đời mình, còn anh, anh có hài lòng với cuộc sống hiện tại không, hay vì anh đang phải làm một công việc tẻ ngắt nên anh luôn muốn có rất nhiều thứ trong đời? Tôi nói anh nghe điều này, một tấm bằng không nói lên giá trị của anh, bởi ai cũng có bằng, hiểu không? Nếu anh bất tài, với một tấm bằng anh sẽ đủ nuôi sống mình theo cách tằn tiện nhất, nhưng anh có tài và không có cái bằng nào cả, anh sẽ sống bằng sự ngưỡng vọng của người khác và chính sức lực của mình. Tùy thuộc vào anh. Họ: vậy tôi phải làm gì đây? Tôi: nằm xuống, nghĩ xem tiếp theo anh muốn làm gì. Đừng hỏi tôi.
Có người sẽ nói, chạy theo ham muốn là con đường nhanh nhất để xuống dốc. Tôi trả lời, chạy theo những ham muốn của anh và duy trì nó, anh sẽ được lên thiên đường. Cái khó trong việc làm theo mong muốn của bản thân là không bao giờ tin vào những mong muốn ấy. Các vị luôn đắn đo và quá quan tâm đến suy nghĩ của người khác. Chính vì thế, các vị luôn thất bại theo ý họ.
Tôi không thích đi học. Bởi trường học không đem lại cho tôi cái gì, ít ra là những cái người khác tin là họ nhận được. Tôi không có niềm vui, không có đam mê, tất cả là nghĩa vụ, là một áp lực. Và tôi biết tôi không phải người duy nhất. Đã đến lúc những đứa trẻ được nói rồi.
22 tháng 11 năm 2012.
Nguồn: FB Phạm Xuân Nguyên