Trí thức Việt Nam ký kiến nghị về Hồ Duy Hải ‘vì trách nhiệm công dân’

Other

Một bản kiến nghị gửi cho các lãnh đạo cơ quan nhà nước cao nhất ở Việt Nam đề nghị Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải”.

Ngoài ra, nhóm ký kiến nghị yêu cầu Quốc hội VN lập Ủy ban giám sát vụ án để đánh giá lại tính khách quan và chính xác của phiên giám đốc thẩm hơn một tuần trước.

Họ cũng đề nghị Quốc hội “nếu phát hiện sai sót nghiêm trọng, Quốc hội tiến hành bãi nhiệm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và các thành viên Hội đồng thẩm phán, bầu chánh án và phê chuẩn các thẩm phán mới”.

Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 18/05/2020, hơn một tuần sau khi Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối gồm 17 thành viên bác kháng nghị về vụ tử tù Hồ Duy Hải, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học ở Hà Nội, nói vì sao bà và bạn bè nêu kiến nghị lần này:

“Năm 2014, trước tin Hồ Duy Hải sắp bị tử hình, tấm ảnh mẹ và em gái Hải khóc ngất trước cửa tòa đã làm nhiều người xúc động sâu sắc. Sau đó, khi trò chuyện trên mạng, tôi và một số bạn bè đã rủ nhau làm một petition kêu oan cho Hải. Lúc đó, việc nêu kiến nghị – petition còn chưa phổ biến, người Việt Nam mới biết đến hình thức này sau khi có một vị đại sứ của Anh hướng dẫn.

“Một người bạn tôi cũng đã thảo một thư gửi đến các tổ chức QT như EU, Ân xá Quốc tế… Sau đó, Chủ tịch nước nhiệm kỳ đó đã ký hoãn án tử hình. Vì thế, lần này sau phiên phúc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, chúng tôi lại gặp nhau và rủ thêm một số bạn bè nữa cùng tham gia.”

“Chúng tôi hy vọng với cách lên tiếng ôn hòa này, các cấp có thẩm quyền có thể cứu xét lại trường hợp của Hải.”

ánh

Bà Nguyễn Hoàng Ánh: “Chúng tôi hy vọng với cách lên tiếng ôn hòa này, các cấp có thẩm quyền có thể cứu xét lại trường hợp của Hải”. FB NGUYEN HOANG ANH

Từ Hungary, nhà báo Nguyễn Hoàng Linh, chủ bút trang Nhịp Cầu Thế giới cho BBC biết vì sao ông ký kiến nghị:

“Trong vụ án Hồ Duy Hải, dư luận phản đối là vì bản án được đưa ra không thuyết phục, trên nền tảng nhũng thủ tục tố tụng bị vi phạm ở mức trầm trọng, từ giai đoạn điều tra tới xét xử ở các cấp. Quyền con người của bị cáo không được tôn trọng. Cá nhân tôi không đánh giá bị cáo có phải là thủ phạm trong thực tế hay không, nhưng tôi muốn bị cáo có một phiên xử đúng luật pháp.”

Trước câu hỏi ‘nếu dư luận tác động liên tục thì các thẩm phán, quan toà thì có tạo áp lực vào tính bất thiên vị của tư pháp hay không?’ nhìn vào kinh nghiệm các nước châu Âu, nhà báo hiện sống tại Budapest cũng nói:

“Các thẩm phán Việt Nam cần được độc lập trong phán quyết của mình, nhưng họ cũng phải làm đúng luật, và ý kiến của công luận phần nào có thể là áp lực để họ lưu ý hơn đến điều đó. Và họ cũng cần phải quen với việc, mọi quyết định của họ đều nằm dưới sự giám sát và phản biện của người dân, và hãy tập trung làm đúng việc và thể hiện mình qua công việc, chứ đừng “hơn thua” với dân.”

Trước câu hỏi những người ký mong muốn và hy vọng điều gì, bà Nguyễn Hoàng Ánh cho biết:

“Tất cả nhóm chúng tôi không ai quen biết Hồ Duy Hải hay gia đình Hải. Chúng tôi ký chỉ vì thấy bản án chưa thuyết phục. Vụ xử này đã được rất nhiều cơ quan truyền thông cả trong và ngoài nước quan tâm. Cá nhân tôi đã đọc các bài tường thuật phiên tòa của nhiều tờ báo, không thấy tòa án đưa ra được bằng chứng nào mới nhưng tòa vẫn kết án và bác mọi luận cứ của luật sư mà không giải thích gì. Việc cử ra một chánh án chính là người đã bác đơn kháng nghị của luật sư của Hải trước đó thật không thuyết phục.“

“Chúng tôi mong muốn bản án của Hải được xét lại và Hải có được một phiên tòa thuyết phục hơn,” bà Hoàng Ánh nói.

Cho đến trưa 18/05 giờ Việt Nam, trang “KIẾN NGHỊ ĐÒI CÔNG LÝ CHO TỬ TÙ HỒ DUY HẢI | PETITION TO DEMAND JUSTICE FOR HO DUY HAI” có 4.310 người ký tên.

Ngoài số trí thức, công dân ở Việt Nam còn một con số không nhỏ người Việt hoặc gốc Việt sống ở nước ngoài, từ Bỉ, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Czech, Ba Lan, Thụy Điển, Anh, Pháp, Ukraine, Nga đến Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, New Zealand, Philippines, Singapore và các nước khác.

Hồ Duy Hải trong một phiên tòa

Hồ Duy Hải trong một phiên tòa. NGUYEN THI LOAN

Tiến sỹ Đào Nguyên Thắng đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), hiện sống ở Berlin, nêu cái nhìn của người ký kiến nghị từ Đức, quốc gia nổi tiếng về hệ thống pháp quyền của châu Âu:

“Theo tôi, và tôi nghĩ nhiều người chia sẻ quan điểm này với tôi, hệ thống tư pháp của Việt Nam không có một vị trí đủ độc lập cần thiết bên cạnh việc thiếu một cơ chế giám sát đủ mạnh để đảm bảo các phán quyết của hệ thống tòa án là khách quan và khoa học.

“Ví dụ, rất khó để một ông thẩm phán ở một tóa án cấp tỉnh/thành triệu tập ông bí thư tỉnh/thành ủy đến tòa với tư cách đương sự của một vụ án nào đó nếu không có sự chỉ đạo từ cấp quản lý ông bí thư tỉnh ủy.

“Và trong những vụ án như vậy, sự mạnh yếu của đương sự có thể không còn phụ thuộc vào các lý lẽ pháp lý mà phụ thuộc vào địa vị xã hội của họ.”

Các trang mạng xã hội Việt Nam hiện đã có nhiều lời bàn, bình luận về bản kiến nghị này.

Nhiều ý kiến khác nhau đã xuất hiện, từ cách cho rằng ký kiến nghị ‘là cần thiết’, đến ‘không giải quyết được gì’, hoặc ‘ký vì tin tưởng vào hệ thống pháp luật Việt Nam’, hay ‘không ký vì đây là lỗi hệ thống, có tam quyền phân lập thì mới có kiến nghị hiệu quả’.

Ý kiến công dân để Việt Nam cải cách tư pháp

Những người kiến nghị nói họ không đặt vấn đề Hồ Duy Hải phạm tội hay không mà muốn qua đây, hệ thống tư pháp và bộ máy chính trị ở Việt Nam phải nhìn nhận nhu cầu cải cách.

Tiến sĩ Dương Tú, hiện làm việc tại bang Indiana, Hoa Kỳ, một người ký kiến nghị cho BBC biết ý kiến:

“Tôi không dám khẳng định Hồ Duy Hải vô tội hay có tội, nhưng anh ta có quyền được xét xử công bằng và xứng đáng được hưởng công lý.

“Công lý ở đây không phải chuyện đòi hỏi Hồ Duy Hải nhất quyết được xử vô tội mà cần hiểu là quá trình xét xử phải đảm bảo đúng pháp luật, khách quan, tôn trọng quyền được suy đoán vô tội của bị cáo.

“Các cơ quan bảo vệ pháp luật không thể thuyết phục được ai bằng cách tuyên tử hình một người khi những sai phạm tố tụng nghiêm trọng chưa được khắc phục, có thể dẫn đến một phán quyết oan sai không thể sửa chữa.“

“Tôi cho rằng vụ án Hồ Duy Hải đã gây quan ngại sâu sắc cho bất cứ ai có quan tâm đến công lý và số phận con người, nhất là số phận những người dân thường không tài sản, không quyền thế. Mối quan ngại này đặt trên nền tảng nhận thức rằng xã hội không phải chỉ là các cá nhân cộng lại như một đống gạch vụn rời rạc, mà là một tổng thể trong đó mỗi viên gạch đều kết dính với những viên gạch khác theo những nguyên tắc kiến trúc nhất định.” TS Ly Phạm, Wisconsin, Mỹ, Đăng trên Facebook cá nhân

Ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định việc ký kiến nghị là muốn bộ máy tư pháp phải dân chủ hóa hơn: “Cá nhân tôi nghĩ rằng ý kiến – và cả sự yêu cầu, chỉ trích, phê phán – của người dân với bộ máy tư pháp khi cảm thấy nó hoạt động không đúng với tiêu chí công bằng, minh bạch, vi phạm chính những định chế pháp luật trong nước như Hiến pháp hay Bộ luật Tố tụng Hình sự, là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực để dân chủ hóa và đổi mới hệ thống tư pháp.”

Ông Dương Tú nêu ra một vấn đề mà nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài đang quan tâm:

“Vụ án này không chỉ liên quan đến mạng sống của một con người mà còn là bộ mặt, danh dự của cả nền tư pháp. Việt Nam hiện không còn là một nước quá lạc hậu và kém phát triển mà đã có vị thế nhất định, là đối tác của nhiều nước trên thế giới.

“Nếu không xây dựng và duy trì được một nền tư pháp trong nước lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, sẽ rất khó khi Việt Nam phải đối mặt với những vụ kiện do tranh chấp chủ quyền hay kinh tế với các quốc gia khác. “

Từ Hungary, ông Nguyễn Hoàng Linh nêu ra một quan sát rằng viết, ký kiến nghị là chuyện rất bình thường trong một xã hội văn minh:

“Tại Hungary, bản án tử hình cuối cùng được thi hành vào tháng 7/1988, và từ 1990 trở đi nước này chính thức xóa bỏ hình thức trừng phạt này. Vì vậy, những hình thức kiến nghị, lấy chữ ký… thường lại xảy ra theo chiều hướng ngược lại, khi công luận cảm thấy một vụ trọng án, nhưng thủ phạm lại chỉ phải chịu bản án nhẹ hơn nhiều so với mức cao nhất mà pháp luật Hungary cho phép: án tù chung thân đến cuối đời, không được phóng thích trước hạn.

Hồ Duy Hải những năm tháng thanh xuân trước khi bị bắt

Hồ Duy Hải những năm tháng thanh xuân trước khi bị bắt. THU THUY

Dù theo hướng nọ hay hướng kia, tôi nghĩ đây cũng là một phần của quyền tự do biểu thị quan điểm của người dân trong một xã hội dân chủ.”

Kiến nghị vì không còn cách nào khác?

Từ Hà Nội, luật sư Ngô Ngọc Trai, người đã bào chữa cho tử tù Hàn Đức Long, người thoát khỏi án tử hình oan ở Việt Nam cho rằng trái với cách nghĩ rằng kiến nghị gây tác động không cần thiết vào tínhđộc lập của tư pháp trên thế giới, đây lại là cách duy nhất để cứu mạng người tại Việt Nam:

“Đây thực ra cũng không phải là biện pháp mới mẻ gì bởi các luật sư ở Việt Nam lâu nay vẫn thường nhờ đến báo chí như một kênh thông tin hỗ trợ cho những vụ việc bảo vệ khách hàng chống lại những lạm quyền tiêu cực.

“Trong vụ án của tử tù Hàn Đức Long mà tôi là luật sư bào chữa đã minh oan thành công, quá trình theo đuổi minh oan, đứng trước nguy cơ bị xử lý trách nhiệm, các cơ quan tư pháp địa phương đã không chấp nhận ý kiến của luật sư dù là đúng đắn nhất. Họ đã vi phạm cả quy định pháp luật để ngăn cản luật sư bào chữa, không cho sao chụp hồ sơ vụ án, không cho gặp riêng bị can để trao đổi.

“Minh oan cho tử tù phải là một cuộc đấu tranh pháp lý. Có nghĩa rằng sẽ phải thực hiện cả những hoạt động thúc đẩy nằm ngoài khuôn khổ thủ tục tố tụng thông thường. Ví như đăng tải công khai các đơn kêu cứu cùng những lý lẽ biện giải minh oan cho bị cáo.

“Luật sư như chúng tôi cũng kiến nghị về hàng loạt các vấn đề khác nhau của nền tư pháp, đề xuất việc lưu tâm sửa đổi, viện dẫn từ vụ án của tử tù đang kêu oan. Ngoài ra, luật sư cũng đã nhờ đến truyền thông báo chí và mạng xã hội để phản ánh tới công luận những sai trái vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án này.”

Về hiệu quả của các vụ việc đã có kiến nghị, bà Nguyễn Hoàng Ánh cho biết bà đã tham gia ký nhiều đơn kiến nghị, đến nỗi “nhiều quá, không nhớ hết”.

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, trong quá trình đi tìm công lý cho con trai

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, trong quá trình đi tìm công lý cho con trai. THU THUY

“Cũng có những kiến nghị có hồi âm tích cực như vụ Hồ Duy Hải lần trước – dù không được phản hồi trực tiếp nhưng chúng tôi tin là chữ ký của vài ngàn con người thời ấy đã góp phần vào việc Chủ tịch nước ký hoãn án tử cho Hải, còn đa phần không có kết quả ngay nhưng ít nhất đã đánh động được công chúng và tạo thói quen sống tích cực cho một số công dân.”

Ông Dương Tú đặt ra vấn đề một bối cảnh rộng hơn, mà theo ông là điều mọi người Việt Nam cần quan tâm:

“Tôi không có quan hệ cá nhân gì với Hồ Duy Hải. Tôi cũng không nghĩ sẽ có ngày mình rơi vào hoàn cảnh như anh ta. Nhưng tôi tin rằng thứ gắn kết những người không có quan hệ máu mủ lại với nhau trong một đất nước, thứ làm nên sức mạnh và sự thịnh vượng của một quốc gia không phải giới hạn lãnh thổ hay chủ nghĩa dân tộc mà là các giá trị văn minh phổ quát như công lý, pháp quyền, bình đẳng, dân chủ và tự do.”

Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, “Việt Nam đang trong quá trình cải cách, dù đã đạt được nhiều kết quả thuyết phục nhưng sai sót là không tránh khỏi”.

“Chúng tôi mong muốn đóng góp một cách ôn hòa góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách này.”

Bà cho biết kiến nghị này được gửi đến cho TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các cơ quan đại diện Liên Hiệp Quốc, EU và đại sứ nhiều nước ở Việt Nam.

“Vì thư mới được gửi cuối tuần trước nên cho tới nay, chúng tôi chưa nhận được hồi âm nào. Chúng tôi thật lòng mong những người có trách nhiệm trong cơ quan nhà nước và cả những cơ quan nước ngoài sẽ có câu trả lời tích cực cho chúng tôi để thể hiện sự lắng nghe và cầu thị với những công dân muốn thực hiện nghĩa vụ công dân của mình.”

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52705706

Comments are closed.