ĐOẠN CUỐI CỦA CUỘC XẢ SÚNG GẠC MA
FB Đỗ Hùng
Cuộc giằng co và xả súng xảy ra vào buổi sáng 14 tháng 3, lúc bấy giờ trung sĩ Nguyễn Văn Thống, tiểu đội trưởng thuộc đơn vị công binh E83, đang ở trên boong tàu HQ 604. Từ chỗ đứng của mình, anh thấy rõ các đồng đội đang cầm cự với lính Trung Quốc, rồi đối phương cho thuyền nhỏ chạy vòng vòng xả súng lên tàu. Pháo lớn bắt đầu nã vào chiếc HQ 604. Lực lượng Việt Nam trên tàu liền dồn vào cabin rất đông, đạn địch vẫn không ngớt lia tới những con người hầu như không được vũ trang. Sau một vài loạt đạn, Thống gục xuống. Trong cơn mê man, anh vẫn cảm nhận được thân tàu chao đảo và chìm xuống rất nhanh, nhưng do mất máu nhiều, anh đã không đủ sức để thoát ra ngoài. Thế rồi, luồng nước mạnh tràn vào khoang tàu đã đẩy trung sĩ Thống cùng nhiều chiến sĩ khác, còn sống hoặc đã hy sinh, ra ngoài.
Khi hồi tỉnh trở lại vào buổi trưa, Thống thấy mình đang ôm một mảnh gỗ mặc cho nước cuốn đi. Bủa vây anh lúc này là những mảnh vỡ từ con tàu HQ 604 đã bị đánh chìm, thi thể các đồng đội hy sinh và màu nước biển vốn thẳm xanh giờ chuyển sang đỏ hồng vì máu. Một vài đồng đội bị thương đang gắng gượng bám vào vật trôi nổi. Nhiều người rên rỉ vì đau. Thống bị thương ở mặt, đạn phạt một phát ngay dưới mắt trái và một mảnh khác ở bàn tay phải. Máu chảy mỗi lúc một nhiều, nước biển thấm vào đau tận xương tủy, đến mức tê dại. Phía xa, tàu lớn Trung Quốc vẫn lởn vởn, trong khi xuồng nhỏ của đối phương vẫn chạy vòng vòng, đạn vẫn bắn càn xuống vùng biển có những con người chới với. Trên vùng bãi cạn chỗ nổi chỗ chìm, nhiều đồng đội của Thống bị thương nặng không bơi được, trở thành mục tiêu cho đạn chì.
Lênh đênh trên biển tới tầm giữa buổi chiều, trung sĩ Thống thầm nhủ mình cầm chắc hy sinh, điều lo lắng của anh lúc này là không biết làm thế nào để nhắn gửi về cho gia đình. Tấm gỗ trôi mãi, không biết sau bao lâu thì anh bắt gặp Lê Văn Đông, cùng quê Quảng Bình, đang bơi ngược chiều. Thống liền gọi lại, hỏi bạn có sao không, rồi anh nhắn tên mình, quê quán, người thân để lỡ mình có chết mà bạn sống sót thì về nói với gia đình mình. Nhắn xong như vậy anh thấy yên tâm phần nào, đã sẵn sàng đối mặt với cái chết. Rồi đây, thân xác anh sẽ hòa vào biển và mãi mãi ở lại nơi này. Quê hương có rất nhiều mộ gió từ những cuộc chiến trong quá khứ, giờ sẽ thêm những phần mộ gió của anh và đồng đội, sau cuộc đau thương giữa biển Trường Sa.
Bơi được khoảng hơn một tiếng nữa thì trung sĩ Thống thấy tàu Trung Quốc xuất hiện trước mặt, vứt dây câu xuống và kéo cả Thống lẫn Đông lên. Thống bị thương rất nặng, các cơn đau dồn dập quật anh tưởng như chết đi được. Đông cũng bị vài mảnh đạn cắm vào lưng, máu không ngừng túa ra.
Sau khi bị bắt lên tàu, Thống, Đông cùng nhiều anh em nữa bị trói, bịt mắt, bỏ đói trong hầm tàu. Nhiều anh em ngất đi vì đau đớn, đói khát, kiệt sức. Tàu chạy mãi miết, không biết qua bao nhiêu thời gian, theo ước tính của các anh là khoảng ba ngày hai đêm, thì cập cảng ở đảo Hải Nam, hình như là vậy, anh em chỉ đoán thôi. Sau đó các tù binh được đưa vào Quảng Đông giam giữ.
Những con người trẻ tuổi hôm nào ra đi không hề mảy may một dự cảm thiên tai, chợt nhiên thấy mình bị bủa vây bởi làn đạn thù, và rồi khi cuộc chiến kết thúc, họ bị đẩy vào ngục tù.
“Về tới Trung Quốc, chúng đòi cưa tay cưa chân tôi để cứu sống. Tôi quyết không chịu, tôi thà chết chứ không để cho chúng nó cưa tay cưa chân”, nhiều năm sau, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thống hồi tưởng.
————-
Đây là một đoạn trong các chương sách mà mình với Bùi Thư viết cho dự án sách Gạc Ma.
Cuốn sách đến nay vẫn chưa được phép ra đời. Mình trích một đoạn rất ngắn ở đây như một tưởng niệm.
Nhiều năm đã trôi qua kể từ ngày đau thương ấy, tiếng đạn thù và những ngày ngục tù đã lùi xa nhưng trong lòng những người lính năm xưa vẫn còn bao day dứt. Một ngày đầu năm 2016, cựu binh Nguyễn Văn Thống nhắn tin cho mình:
“Trời lại trở gió, các vết thương tôi lại đau, tôi ngóng nhìn ra biển cả lại càng nhớ thương những người bạn thân cùng vui buồn một thời quân ngũ giờ chỉ còn lại ký ức của những thương đau mà quân thù đã tàn sát vào sáng 14 tháng 3 năm 1988 vào tàu HQ 604 ở Gạc Ma. Tôi thật chán ghét chiến tranh, mong sao đất nước mãi bình yên tươi đẹp để vong linh của những người bạn và đồng đội nơi biển khơi được trở về đất mẹ. Đồng đội ơi, mình và Tổ quốc mãi nhớ đồng đội!”.
#Gacma
https://www.facebook.com/chauminhlinh/posts/10158307456890612
Khu thờ hương linh 64 liệt sĩ Gạc Ma trên đảo Sinh Tồn
FB Nguyễn Trường Uy
Trên đảo Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa có một ngôi chùa, trong đó có một khu thờ hương linh 64 liệt sỹ hy sinh ở Gạc Ma đúng 29 năm trước (14-3-1988) vì bị trung quốc thảm sát.
Đây có lẽ là nơi duy nhất ở Việt Nam đến nay có bàn thờ chính thức các anh. Đây cũng là đảo gần đảo Gạc Ma – hòn đảo nhỏ yêu thương đang bị trung quốc chiếm giữ bất hợp pháp. Bia thờ có khắc tên, tuổi, quê quán của từng anh, những người còn rất trẻ.
Tôi tìm đến thắp nén hương tưởng nhớ các anh vào tháng 4-2016, chuông chùa và hương khói phảng phất hy vọng phần nào làm ấm lòng các anh còn nằm lạnh lẽo đâu đó giữa biển.
Có một chuyện ít người biết: Khi các đoàn ra thăm Trường Sa, thả vòng hoa tưởng niệm xuống biển. Mọi người nói dù biển mênh mông, những vòng hoa ấy vẫn trôi về Gạc Ma, nơi các anh đang nằm.
Đã 29 năm từ ngày bi tráng ấy. Cứ mong sao có ngày, có cách nào các anh rời nơi biển lạnh ấy về nằm trong những nấm mộ xanh giữa lòng quê mẹ.
Thẳng đứng
FB Văn Công Hùng
Ngày này 27 năm trước, 64 chiến sĩ Hải Quân của chúng ta, tay không vũ khí, kết thành vòng tròn bất tử trên đảo Gạc Ma hứng đạn của hải quân Trung Quốc. Hồi ấy chưa ai dám nói. Rồi chính người Trung Quốc đưa cái clip ấy lên. Cảm xúc vỡ òa. Cả dân tộc nổ bùng sự thương cảm và nể phục.
Rồi cũng nhiều chuyện, khi thăng khi trầm, khi được nói khi cấm đoán. Khi tôi làm bài thơ này, tình hình vẫn chưa cởi mở là bao, vẫn có cái gì đấy gượng nhẹ và bí ẩn phía sau thân phận của những người lính Hải quân Việt Nam anh hùng và quả cảm. Khi tôi viết bài thơ này, trong các diễn văn nội bộ, vẫn chỉ nói là đối phương chứ không chỉ đúng tên những kẻ đã hạ sát các anh. Hôm nay, thấy báo chí nhắc nhiều, và hôm qua tổng liên đoàn lao động VN đã đặt đá xây khu tưởng niệm Gạc Ma. Lạy chúa, thế là các anh có một nơi chốn để đi về. Chứ nơi ấy, nước dẫu trong nhưng sâu và lạnh lẽo lắm. Tôi đã đi qua vùng biển ấy, đã tham gia thả hoa, và đã khóc…
một cú Gạc Ma sáu tư mạng người thẳng băng đáy biển
đến giờ những luênh loang xanh phẳng lặng nếu không người nhắc lại thì ai biết những oan hồn đang lang thang nơi đâu
những vòng hoa có thể dịu đi cơn mắt chiều tưởng chừng yên tĩnh
quê nhà xanh dâu
quê nhà mẹ đợi
nỗi đợi chờ phi thời gian
thẳng đứng
cú rướn mình phi cơ rời mặt đất
những cánh rừng từng xanh
những dòng sông từng chảy
những tệp tiền bỏng rẫy nụ cười
những cái xoa tay hể hả
lênh đênh
thẳng đứng
cái vỡ oà nước mắt
Trường sa ngày tôi thả hoa vào buốt nhói
có những chân trời mộng du
có những cơn mây tã tướp
và linh hồn cô độc
thăm thẳm nhường kia mù mịt nhường kia
không bao giờ bị lãng quên
dẫu có thể những sự thật không được phơi dưới mặt trời
sáu tư con người
hoà trong nước biển
vẫn điểm danh hàng ngày
những cái tên kiêu hãnh
của cha của mẹ
của đất của trời
và rưng rưng trong những trái tim
vẫn yêu tổ quốc này từng bờ tre gốc rạ
dẫu thua thiệt đủ bề
trong tim em vẫn còn anh
cái hôn ban mai dài dại xanh nồng mùi lúa
anh biết thế
giá ngày ấy hôn lâu thêm tí nữa
có khi đỡ lạnh hơn…
thẳng đứng
Gạc Ma hôm nay nước lặng
máu bây giờ vẫn chảy tuổi hai mươi…
Trên máy bay Sài Gòn – Pleiku 15/5/2013
http://www.vanconghung.com/2015/03/thang-ung.html#more
VĂN TẾ CHIẾN SĨ GẠC MA
Tác giả: Trang Hạnh
FB Chú Tễu
Than ôi!
Biển bốn hướng sóng dậy hờn căm,
Trời tám phương mây giăng u uất.
Chẳng sao ngăn niềm đau đớn tột cùng,
Khó xóa hết nỗi hờn căm chất ngất!
Nhớ linh xưa,
Lớn lên bằng củ sắn củ khoai;
Trưởng thành trong lời ca lời hát.
Thấm nhuần đạo đức, ươm ước mơ cố gắng tôi rèn,
Chẳng ngại gian truân, nuôi hoài bảo chuyên cần học tập.
Giữ gìn đất nước, biết quê hương từ tiếng mẹ ru,
Yêu mến non sông, thương tổ quốc từ câu cha hát.
Bóng trăng đáy nước, quan họ ơi tình nặng mạn thuyền,
Lưng ngựa câu hen, khăn Piêu vẫy rừng vang tiếng nhạc.
Đờn ca tài tử bồi hồi,
Câu hát xẩm xoan ngây ngất.
Rộn rã tiếng cồng chiêng Tây Nguyên,
Réo rắc điệu khèn môi Tây Bắc.
Ngẩn ngơ điệu múa chiếu chèo,
Bằng hoàng câu hò phường vải.
Thế mà,
Rung rinh đá đảo, tự dưng bị trận cuồng phong
Bình lặng dòng sâu, bỗng nhiên nổi cơn bão táp!
Quân bành trướng, ỷ binh nhiều tướng mạnh, ngang nhiên cướp đất bắt người,
Lũ ma vương, cậy súng lớn đạn to, vô cớ hiếp tàu cắt cáp.
Cậy quân đông lấy thịt đè người,
Ỷ thế mạnh xua quân chiếm đất.
Uốn miệng lưỡi, cứ ngỡ bạn hiền,
Nhe nanh vuốt dè đâu quỷ dữ!
Thò tay quỷ mà vẽ lưỡi bò,
Lòi mặt nạ té ra kẻ cướp!
Tàu cá khoang không tấc sắt, để chúng tự tiện cầm tù,
Ngư dân phơi tấm lưng trần, mặc chúng thẳng tay đánh đập.
Làm vợ khóc chồng ruột héo gan bầm,
Để con nhớ cha lòng đau dạ thắt.
Nhưng chúng đã lầm! bởi nhân dân ta:
Thừa dũng cảm, nữ nhi là Bà Triệu, Bà Trưng,
Đủ trí mưu, trai tráng là Quang Trung, Thường Kiệt.
Yêu hòa bình, nhưng gươm Lê Lợi lưỡi vẫn sáng ngời,
Chuộng tự do, nhưng cọc Bạch Đằng đầu luôn nhọn hoắt!
Bừng khí thế, trăm thiếu niên trương cờ sáu chữ: “… báo hoàng ân” *
Sục hờn căm, ngàn dũng sĩ thích tay một lời thề Sát Thát!
Gươm so gươm, gươm lóe ngợp trời,
Súng đọ súng, súng vang dậy đất!
Bạch Đằng xác địch nổi lênh bênh,
Đống Đa thây thù cao chất ngất!
Nay Chiến sĩ Gạc Ma,
Ăn chung mâm, ngủ chung chiếu, chuyện riêng tư cũng cùng kể nhau nghe,
Trùm chung chăn, mơ chung giấc, thư thầm kín đều chuyền tay nhau đọc!
Khác cha mẹ mà giống hệt ruột rà,
Không họ hàng mà y như máu thịt!
Khen thay!
Vì Nhân Dân, quản chi gối đất màn sương,
Vì Đất Nước nào sá gì mưa nam gió bắc.
Giống kiên cường, lại tiếp kiên cường,
Máu bất khuất, vẫn luôn bất khuất!
Hẹn với lòng một nhục một vinh,
Thề với giặc một còn một mất!
Thương ôi!
Cũng vì nước mạnh dân no,
Nào kể xương tan thịt nát!
Nguyễn Văn Lanh, bụng trúng lê tay vẫn giương thẳng tay cờ,
Trần Văn Phương, tay ôm ngực còn thét : “ Không cho mất đảo!” **
Máu ai loang cả mạn tàu!
Máu ai hòa theo nước biển!
Bởi dòng máu Đại Việt đỏ mãi ngàn năm,
Nên non nước Lạc Hồng nối liền một dải.
Dù giọt nước Biển Đông, con cháu cũng phải giữ gìn,
Dù hòn sỏi Gạc Ma, chiến sĩ quyết không để mất!
Xót thay!
Nam nhi hề, vai khoác chiến y,
Chiến sĩ hề, ai về đầu bạc?
Chuyện nhục vinh thì cứ luận bàn,
Đường sinh tử có ai không thác?
Luận anh hùng ai kể bại thành,
Xét chí khí nên coi cao thấp.
Hôm nay,
Thắp nén tâm hương ,
Tưởng người tiết liệt.
Gương hiếu trung mãi mãi chẳng phai mờ,
Máu hào kiệt ngàn đời không đổi sắc.
Hiếu với dân chẳng quản máu xương rơi,
Trung với nước đâu chờ bia đá tạc!
Ô hô! Có linh xin hưởng!
TRANG HẠNH
(Khoa Tim mạch, BV Đa Khoa Bắc Ninh)
_____________
Chú thích:
* Trần Quốc Toản thêu lên cờ 6 chữ “ Phá cường địch, báo hoàng ân”
** Trần Văn Phương trước khi hy sinh đã thét lớn: “ Thà hy sinh, không để mất đảo!”
https://www.facebook.com/nguyenxuan.dien.1/posts/925676204201988
THÔNG TIN VỀ LỄ TƯỞNG NIỆM GẠC MA TẠI HÀ NỘI VÀ SÀI GÒN
Sáng nay ngày 14-3-2017 tại Hà Nội và Sài Gòn, những người đi tưởng niệm đều bị bắt khi đến những nơi như tượng đài Lý Thái Tổ – Hà Nội và tượng đài Trần Hưng Đạo Sài Gòn. Hai nơi này dày đặc công an, an ninh và dân phòng. Tại hà Nội nhà báo Huynh Ngoc Chenh Nguyễn Thúy HạnhĐặng Bích Phượng Dung The Phung và một số người đã bị bắt
tại Sài Gòn, các thành viên CLB lê Hiếu Đằng đều bị an ninh đến canh giữ tại nhà. Như nhà báo Lê Phú Khải, Hạ Đình Nguyên, nhà văn Phạm Đình Trọng. Chị Khánh Trâm, Anh Hồ Hiếu, ông Võ Văn Thôn, chị Ánh Hồng…vv
Nhà thơ Phan Đắc Lữ nhắn cho tôi : Anh Ở ĐàLạt về đến SG lúc 4g sáng . 9g ra tượng đài THĐ, vắng hoe. Phân bón chúng nó chất đầy quanh chân tượng ,anh len lỏi lên thắp 1 cây nhang. Chao ôi ! đơn độc quá ! không có ai nhờ chụp một kiểu ảnh đưa lên FB .
Các nhà hoạt động khác ở HN và SG cũng đến canh giữ không cho khỏi nhà hoặc đến tận nhà hôm trước yêu cầu ở nhà không đi tưởng niệm.
Không biết nhà cầm quyền lo sợ điều gì với những lễ tri ân những người đã hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ , biển đảo quê hương này? Nếu như không phải là hành vi phản bội lại Nhân dân, phản bội lại Tổ Quốc, vô ơn với xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh vì Đất Nước thì là gì ???
FB Kim Hoa Ngo
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2058787024348088&set=a.1396967237196740.1073741828.100006504312070&type=3&theater