Trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn về kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông

Thái Hạo

Ngày 21.9, báo Vietnamnet.vn dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn: “Tôi biết rằng, có nhiều ý kiến nói “Không cần thiết phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT khi tỉ lệ trượt chỉ chiếm 2 – 3%”. Nhưng thực tế, nếu không tổ chức kỳ thi này, tôi tin con số ấy không chỉ có 2 – 3%. Điều chúng ta mong chờ là 100% em đỗ tốt nghiệp chứ không phải 97 – 98% như hiện tại.

Việc này cũng tương tự như việc chúng ta nói, nếu chỉ có 1 người vượt đèn đỏ trong số 100 người, vậy cần phải có đèn đỏ hay cảnh sát giao thông để làm gì?”, ông Sơn lý giải.

Quan điểm trên này của Thứ trưởng cho chúng tôi nhìn thấy mấy điểm rất đáng trao đổi sau đây.

Thứ nhất là tư duy thi cử. Thứ trưởng nhận định: có nhiều ý kiến nói: "không cần thiết phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT khi tỉ lệ trượt chỉ chiếm 2 – 3%”. Nhưng nếu không tổ chức kỳ thi này, tỉ lệ trượt không chỉ có 2 – 3%. Chúng tôi không rõ, nếu không tổ chức kỳ thi thì căn cứ vào đâu để Thứ trưởng đưa ra con số chắc nịch rằng tỉ lệ trượt không chỉ có 2 – 3%? Ở đây, có lẽ chỉ có thể giải thích được khi vai trò của kỳ thi trong nhìn nhận của ông là khiến (giúp/ bắt) học sinh học tốt hơn. Nghĩa là kỳ thi đóng vai trò là một động lực, một “hàng rào”, một thách thức, một sức ép để học sinh phải lo mà học. Điều này có thể đúng, nhưng là đúng một cách tiêu cực. Khi giáo dục mà không thi thì người ta không hoặc ít học hơn thì cần phải xem lại toàn bộ quá trình cũng như cách thiết kế nền giáo dục ấy. Thử tham khảo thêm xem tại sao Nhật, Anh, Mỹ, Thụỵ Điển, Singapore, v.v. lại không có kỳ thi tốt nghiệp, và nhất là tại sao chất lượng giáo dục phổ thông của họ lại tuyệt vời? Không phủ nhận tác động của một kỳ thi đối với tinh thần và kết quả học tập của học sinh, nhưng nếu vấn đề không được xem xét một cách toàn diện, hệ thống, và đặc biệt là nếu không được xem xét xem xét từ góc độ quan niệm thì có thể điều đang mong muốn và kỳ vọng sẽ chỉ nhận được những trái đắng.

Thứ hai, khi Thứ trưởng đánh đồng việc tỉ lệ đậu/ rớt tốt nghiệp với số người vượt đèn đỏ để nói lên sự cần thiết phải có một kỳ thi như kỳ thi tốt nghiệp THPT thì ở đây chúng tôi thấy có sự nhầm lẫn. Vượt vượt đèn đỏ thuộc về một quy tắc ứng xử xã hội, mà cụ thể là luật pháp; nó chỉ có hai giá trị là đúng sai, không có giá trị thứ ba. Trong khi đó, chất lượng hay kết quả của một quá trình giáo dục thì hoàn toàn không phải thể. Có hàng ngàn, thậm chí hàng triệu giá trị tương ứng với từng cá thể trong việc thủ đắc tri thức và phát triển bản thân chứ không phải chỉ có đúng sai như một đường vạch thẳng băng trước cột đèn để định giá hành vi của con người. Đó là chưa nói, đối với tín hiệu giao thông thì người dừng lại trước vạch kẻ đường là người đúng còn người vượt lên nó là sai; nó hoàn toàn ngược lại với hành trình học vấn cũng như sự thăng tiến trong học hành của một con người. Không ai nói rằng việc vượt qua các kỳ thi là phạm luật cả!

Lấy sự có mặt của đèn giao thông để biện hộ cho việc cần thiết của một kỳ thi là không logic, một bên là để ngăn chặn con người làm sai và bên kia là để khuyến khích con người làm tốt. Khi quan niệm như Thứ trưởng thì kỳ thi trở thành một sự trừng phạt chứ không phải là một biện pháp kỹ thuật mang tính giáo dục.Viết đến đây chúng tôi lại nhớ tới quan điểm của giáo sư Lê Quân khi ông phát biểu “dùng học phí để làm rào cản ngăn học sinh lao vào để học để rồi trở thành học đại”. Không thể quan niệm cả học phí lẫn thi cử như thế được.

Thứ ba, chúng tôi muốn thảo luận về một vấn đề sâu hơn: trách nhiệm giáo dục và nghĩa vụ học tập. Một khi ngành giáo dục muốn dùng kỳ thi tốt nghiệp để tạo áp lực buộc người học phải học tốt hơn thì vô hình trung Bộ đã đẩy trách nhiệm lên vai học sinh.

Giáo dục phổ thông thuộc về trách nhiệm của toàn xã hội đối với những con người chưa đến tuổi trưởng thành, và trách nhiệm ấy được giao một cách có tính pháp lý cho Bộ Giáo dục. Học phổ thông, đúng như cái tên gọi của nó là để đắp vững những phẩm chất, năng lực tối thiểu và căn bản để làm người. Nghĩa là gì? Là dù anh ta sau khi học hết phổ thông mà không tiếp tục học lên nữa thì ít nhất cũng đã được trang bị để sống tốt trong một cộng đồng xã hội. Không ai thi để làm người cả; người ta chỉ thi để làm nghề mà thôi. Và chính ở đây mà các kỳ thi vào đại học được tiến hành, vì đại học là học để làm nghề – cái nghề mà anh ta phải chịu trách nhiệm về nó trước xã hội.

Không có cha mẹ nào đòi hỏi con cái phải thi để làm con, cũng không có ông bà nào bắt cháu chắt phải thi để làm cháu chắt; không ai thi để làm vợ, làm chồng, làm bạn bè cả. Và cũng như thế, Bộ Giáo dục có nên lấy một kỳ thị để xác định tư cách công dân?

Nếu một đứa trẻ (dưới 18 tuổi ở Việt Nam) mà không tốt thì cha mẹ chúng phải coi lại cách giáo dục của mình; cũng thế, ngành giáo dục phải gánh lấy trách nhiệm vì sự dạy dỗ này. Không thể lấy đi cơ hội của một đứa trẻ vì kết quả của một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông được! Cho đến khi học xong phổ thông, toàn bộ xã hội, mà đại diện là ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm về đứa trẻ đó.

Về phương diện tổ chức và những quy định có tính liên đới hữu cơ, chúng ta đưa đứa trẻ đến trường suốt 12 năm, học mười mấy môn mà chúng ta quy định, phải làm đủ tất cả những gì mà chúng ta yêu cầu, sau đó thì lại kêu nó phải chịu trách nhiệm về toàn bộ quãng đời đó bằng một kỳ thi. Như thế có phải là chưa thỏa đáng không? Đành rằng, kết quả của một quá trình giáo dục không chỉ phụ thuộc vào người học, nhưng ở đây, đối với lứa tuổi học trò thì trách nhiệm chính yếu, một lần nữa xin được nhắc lại, phải thuộc về “người lớn”.

Chúng tôi hoàn toàn không có ý nói rằng hãy để mặc chúng với cuộc đời mình, mà chúng tôi nhấn mạnh điều này: chúng ta (Bộ Giáo dục và toàn xã hội) phải chịu trách nhiệm. Cái trách nhiệm đối với một đứa trẻ ở đây là mặc nhiên, là bắt buộc, là không thể đặt lên vai bất kỳ ai. Nghĩa là, Bộ Giáo dục không có bất kỳ một lựa chọn nào khác hơn là phải dạy dỗ cho những đứa trẻ nên người.

Bộ Giáo dục quan niệm thế nào về những đứa trẻ thuộc 2 – 3% rớt tốt nghiệp kia? Là chúng chưa đủ tư cách làm người hay là chưa đủ điều kiện vào đại học? Nếu là trường hợp thứ nhất thì không ổn trong đánh giá về tư cách con người; cả không ổn về trách nhiệm của bộ chủ quản. Nếu là trường hợp thứ hai thì là lẫn lộn, lẫn lộn giữa giáo dục phổ thông và đào tạo nghề nghiệp. Hãy để cái điều kiện vào đại học ấy cho các trường đại học, họ sẽ quyết định một người như thế nào là “đủ điều kiện” để theo đuổi một cái nghề mà họ đang đào tạo – sau khi Bộ Giáo dục đã hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với việc giáo dục người đó ở bậc phổ thông.

Nên chăng, cần phân biệt hai giai đoạn trong giáo dục: giáo dục phổ thông và đào tạo đại học (trở lên); Bộ Giáo dục chủ yếu gánh lấy phổ thông, và các trường đại học đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ – dưới sự quản lý về trách nhiệm giải trình cùng chất lượng đào tạo của Bộ Giáo dục?

Chính ở đây, bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp chưa phải là vấn đề hệ trọng nhất cần bàn, mà là việc xác định trách nhiệm. Chính trách nhiệm này sẽ quy định toàn bộ “ứng xử” của Bộ Giáo dục. Rồi từ đó mà quyết định học để làm gì, học cái gì, và học như thế nào, rồi thi cử ra sao, có nên hay không nên thi v.v và v.v. Và, nhất là thi xong (phổ thông) thì sao? Ai chịu trách nhiệm về những học sinh thi rớt, rồi sẽ làm gì với chúng, có “dạy lại” hay không, hay là để mặc chúng bước chân ra đời với một sự “chưa hoàn thiện” của bản thân như cách mà kỳ thi đang ngầm quan niệm?

Tư duy giáo dục một lần nữa cần được chúng ta bàn thảo một cách nghiêm túc và sâu sắc. Vì chính ở đây mà nền giáo dục sẽ quyết định hướng đi cùng tất cả những cách thức và lối tổ chức của nó. Cũng chính ở đây mà dù đôi lúc trong khi làm giáo dục chúng ta có thể phạm phải những sai lầm nhưng dứt khoát sẽ không phải đi lạc vào một khu rừng rậm âm u; ngược lại, dù có làm đúng nhiều thứ nhưng sự rối rắm và mâu thuẫn vẫn cứ phát sinh mà không cách gì giải quyết được.

Comments are closed.