Trao tự do cho tri thức

Maria Świetlik (Ba Lan)

Một ý kiến có thể khiến ta sực tỉnh và mở đầu quá trình giải phóng những tri thức đang bị giam hãm bởi quyền tác giả, thứ hiện nay chỉ phục vụ không nhiều người.

Mỗi năm có vài triệu bệnh nhân thiệt mạng, mặc dù thuốc chữa cho họ đã được sáng chế, hàng triệu người khác không được nhận giáo dục đủ cho phép họ phát triển tương xứng với tiềm năng của mình, mặc dù chúng ta đã có những thư viện đầy sách. Chúng ta có nhiều công nghệ sản xuất những đồ ăn thức uống, vật liệu xây dựng, công cụ để lao động trong điều kiện nặng nhọc… vừa rẻ tiền vừa bổ ích, song phần lớn nhân loại đang phải sống trong những hoàn cảnh mà chúng ta không muốn thấy. Đụng phải những cảnh sống như thế, chúng ta hoặc là ngồi trên ghế đệm xốp tiện nghi đưa mắt lảng tránh vấn đề, hoặc là – hẳn nhiên – giải quyết chúng. Nếu quyết định đấu tranh, chúng ta thường phải hành động theo hai hướng: hoặc ủng hộ bằng tài chính, bằng công sức thiện nguyện cho những tổ chức đang giúp đỡ những người túng thiếu, hoặc cùng nhau tác động để thay đổi hệ thống hiện đang bất công trong tiếp cận các tri thức, công nghệ, nguồn dự trữ.  

Quyền tác giả là… tiền

Khởi nguồn của sự bất công căn bản ấy đã có nguyên nhân của nó: chủ nghĩa thực dân kéo dài năm thế kỷ với sự đốc thúc của chủ nghĩa tư bản. Mở đầu cuộc bành trướng đó là kỷ nguyên của những khám phá địa lý vĩ đại. Nói về những khám phá địa lý là nói về những cái mới liên quan đến cơ hội liên thông với những góc xa khuất trên thế giới. Chủ nghĩa tư bản thực dân cần sự liên thông hai chiều: từ trung tâm đến ngoại biên, để ban ra những quy chế nhằm phục vụ sự cai trị có hiệu quả, và đối lại – kéo về những tài nguyên ăn cắp được.

Chủ nghĩa tư bản hiện đại của các tập đoàn xuyên quốc gia cũng cần có những cơ chế hữu hiệu để mang chở và chuyển tải thông tin, mà kinh tế thì ngày càng dựa nhiều vào chính sự trao đổi các loại dữ liệu đa dạng, nghĩa là những phúc lợi phi vật thể – có thể là ghi chép trên các bảng biểu kế toán của các quỹ đầu tư, các bằng sáng chế hay sản phẩm văn hóa – và biến chúng thành hàng hóa. Ảnh hưởng đang lớn mạnh của cái gọi là quyền sở hữu trí tuệ đối với kinh tế và hệ thống xã hội khiến cho hệ thống công trình hạ tầng xã hội vốn được tạo ra để chuyển tải thông tin có khi bị biến thành phương tiện chuyển tải các sản phẩm phi vật thể và thù lao nhận được từ đó. Những bằng sáng chế, những nhãn mác hàng hóa, những quyền tác giả, những chương trình máy tính hay những files mp3 chẳng cần vận chuyển bằng máy bay tàu biển, chỉ cần phiên bản kỹ thuật số là đủ, và món tiền công tương ứng liền xuất hiện bằng thật trong tài khoản ngân hàng. Thông tin từng là quan trọng ngay từ khởi nguyên của chủ nghĩa tư bản và toàn cầu hóa, nay trở thành cốt yếu, và phải tiếp cận với nó bằng những công cụ họ đang sử dụng. Việc sử dụng những tình thế đó cho một mục đích đối nghịch liệu có khả thi? Hệ thống công trình hạ tầng xã hội từng mở đường cho thuộc địa hóa kinh tế và văn hóa liệu có mang lại tự do và công bằng? Chúng ta liệu có thể làm gì để sửa chữa hệ thống đó? 

Về tiềm năng giải phóng của mạng, tuy vẫn không tránh khỏi hoài nghi, nhưng tôi vẫn muốn tin rằng chính internet đang có mặt khắp nơi sẽ trao cho chúng ta cơ hội thay đổi hệ thống toàn cầu theo hướng đại công bằng. Mạng không nuôi nổi người đói, không đào được giếng, không mở rộng được quyền lao động của những thợ may Bangladesh, song, nó có thể mang lại cho họ tri thức về công nghệ, vạch ra chiến lược, giúp họ nhận được ủng hộ và hình thành nên cái chung. Cái chung sẽ cho ta khả năng xã hội hóa những tri thức trước đây chỉ ít người được tiếp cận, những tri thức được giữ khư khư hàng thế kỷ bởi chúng cho phép duy trì quyền lực, những tri thức bắt đầu được giải thoát đúng vào thời chiếm lĩnh thuộc địa nhờ thu được những công nghệ truyền thông khác rẻ tiền hơn – công nghệ in. Cũng như trường hợp cuộc cách mạng công nghệ lần trước, lần này internet cần đến hàng chục năm để hiện thực hóa cho hết tiềm năng của mình.

Quá trình đó bị ngáng trở bởi một số yếu tố, nhưng ẩn chứa sau nó vẫn là một nguyên cớ: khát vọng của một vài trăm thành viên hùng mạnh nhất trên thị trường muốn bảo tồn vị trí ưu tiên của mình. Trong việc tiếp cận tri thức, có ý nghĩa đặc biệt là những nỗ lực xiết chặt pháp lý động đến sự độc quyền trí tuệ và các hình phạt do vi phạm. Đây muốn nói đến những hiệp định do Mỹ đề xuất, dạng ASTA (Hiệp định thương mại Chống hàng giả) hay thỏa thuận về thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu với Mỹ (Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương).

Trẻ em phải được an toàn khi vào mạng 

Để cho lợi ích kinh tế của một phần nhỏ cư dân ở những khu vực giàu nhất thế giới phá vỡ cơ hội độc nhất vô nhị mà mạng đang trao cho chúng ta ư? – Không được phép! Chúng ta phải áp dụng những điều luật mới, phải sửa những khiếm khuyết của các luật hiện hành, các chính trị gia phải trung thực với 99% dân số chứ không phải với các tập đoàn. Vai trò đảm bảo công bằng xã hội và thực hiện bổn phận đạo lý với những ai đã chịu ách thực dân châu Âu suốt 500 năm qua, lịch sử đã trao cho chúng ta, các đại biểu nam nữ của chúng ta phải thực thi. Chúng ta phải thuyết phục họ rằng xóa bỏ hạn chế khi tiếp cận tri thức và giáo dục sẽ có lợi trực tiếp cho chính người dân châu Âu, bởi vì nó cho phép chúng ta đưa văn hóa của mình vào guồng của toàn cầu, đồng thời nâng cao thẩm quyền của chúng ta – các thành viên tham gia thị trường lao động, các công dân đang muốn hiểu nhanh nhạy động thái của hiện thực đang thay đổi để thực hiện sự lựa chọn có ý thức, các bậc cha mẹ đang phấn đấu đảm bảo cho con cái một tương lai tốt đẹp hơn. Do đó phải cho phép đưa mọi cách sử dụng sản phẩm của lao động trí óc vào các mục đích giáo dục và phải có quy định riêng cho những chủ thể kinh doanh phải chia sẻ lợi nhuận với người sáng tạo. Các viện nghiên cứu danh chính ngôn thuận phải ủng hộ tất cả các hình thức giáo dục trực tuyến như một phương pháp rẻ tiền, hiệu quả và dễ dàng để hiện thực hóa các nhiệm vụ xã hội của mình.

Việc thay đổi hệ thống luật pháp hoặc kinh tế là cần thiết, nó có thể tốn nhiều năm hoặc có thể bất thành (điều mà tôi có thể ngây thơ nhưng quyết không chịu tin). Trước khi cải cách được hệ thống quyền tác giả, chúng ta có thể cải thiện được đáng kể những khung, những khuôn khổ hiện hành. Phong trào đòi tự do cho giáo dục đang lên cao và nêu ra một giải pháp: trước hết phải “tự do trao phép sử dụng”. Nghĩa là người sáng tạo (nam hoặc nữ) những sản phẩm giáo dục vẫn không từ bỏ quyền tác giả của mình (vẫn giữ cương vị người tạo ra một sản phẩm cụ thể) nhưng đã thoát ra khỏi hệ thống quyền tác giả về mặt tài sản.

Trong những thế kỷ đầu tiên tồn tại, độc quyền tác giả chỉ phổ biến ở mức đăng ký tác phẩm và có hiệu lực tương đối ngắn (14 năm ở Anh hồi thế kỷ XVIII, 28 năm ở Mỹ cho đến trước năm 1976). Hiện nay, tại thời điểm tạo ra tác phẩm, tác giả nhận được độc quyền đối với nó, nếu thiếu sự cho phép của tác giả, không ai được phép sao chép, chỉnh lý hoặc phổ biến tác phẩm đó trong thời hạn tác giả đang sống và 70 năm sau khi tác giả qua đời. Trong quyền tác giả ở Ba Lan có một điều khoản về sử dụng theo mục đích cá nhân, cho phép phổ biến tác phẩm của người khác trong phạm vi gia đình hoặc nhóm người thân thích mà không động đến lĩnh vực giáo dục. Các cơ quan giáo dục cũng có một số quyền trong vấn đề đó, nhưng phạm vi của họ rất hẹp và mong manh, cái chính là không bao gồm internet.

Các tác giả tạo ra những vật chất giáo dục thường chuyển quyền sở hữu chúng cho nhà xuất bản của mình. Đó chỉ là thông lệ chứ không phải tiêu chuẩn pháp lý. Nhiều tác giả mong muốn mọi người đều được tự do tiếp cận cũng như chỉnh lý tác phẩm của họ, rồi phổ biến phiên bản đã chỉnh lý ấy, họ có thể vận dụng một phương án nào đó của giải pháp “tự do trao phép sử dụng” – tự do, bởi vì nó bảo đảm tự do cho người sử dụng là nam hoặc nữ trong tương lai. 

Để thay đổi hệ thống đang có, chúng ta cần đến những bộ óc tài năng của cả thế giới. Chúng ta phải trao cho họ cơ hội làm việc cùng nhau, sử dụng những nhãn quan và nền tảng văn hóa khác nhau. Để liên kết các tri thức đang có và tiếp tục chia sẻ những thứ được tạo ra, để tự do luận bàn các ý tưởng của mình, họ cần được hưởng một văn hóa tự do, những tri thức tự do và internet tự do.

ĐĂNG BẨY
Theo Krytyka Polityczna

Comments are closed.