Tàu giúp ta đánh Mỹ

Lê Học Lãnh Vân

Trang FB Bao Nguyen Quang, cùng những trang FB khác, đăng lại bài nhà báo Minh Hồng phỏng vấn ông Trần Đăng Khoa trước việc Trung Quốc đang hung hăng lấn chiếm vùng biển Tư Chính của Việt Nam.

Bài viết toát lên tinh thần chống Tàu Tập đã cướp đất và đang lấn chiếm thêm những vùng lãnh thổ khác của Việt Nam. Tôi trân trọng quan điểm đó của ông Trần Đăng Khoa và cũng xin thảo luận thêm một điểm trong phần trả lời của ông.

“Họ [Tàu] giúp ta đánh Mỹ thực chất là ta cũng đánh cho họ”

“Họ [Tàu] giúp nhưng có muốn ta thắng Mỹ đâu”

Cũng rất đồng ý với ông về hai câu trên.

Chỉ xin thêm ý là Tàu giúp ta đánh Mỹ không phải giúp ta giành độc lập, mà giúp ta đánh siêu cường quốc lớn nhất trên thế giới, siêu cường giáu mạnh dẫn đầu thế giới Tự Do, Dân Chủ. Suy nghĩ rằng đánh Mỹ để giành độc lập là suy nghĩ của Việt Nam, không phải của Tàu. Việt Nam lao vào đánh siêu cường quốc đó trên lãnh thổ Việt Nam khiến sinh lực dân tộc kiệt quệ, cơ hội phát triển dân tộc bị mất đi, và hận thù trong lòng dân tộc bị khơi sâu khó bề hàn gắn, bởi vì gọi là đánh Mỹ nhưng trên thực tế là người Việt đánh người Việt. Số lính Mỹ chết chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với người Việt chết. Trong khi Tàu giúp Việt Nam lao vào đánh Mỹ và Việt Nam kiệt quệ thì Tàu kết thân với Mỹ và phát triển, và sau đó tấn công Việt Nam. Sau khi trải nghiệm những gì xảy ra trên thế giới và tại Việt Nam 44 năm sau cuộc chiến, có bao nhiêu người Việt thực lòng nghĩ rằng nếu năm xưa hai Miền nước Việt không đánh nhau thì Mỹ sẽ chiếm biển đảo hay đất liền của Việt Nam? Trong khi hiện nay Tàu (Cộng Sản) đã chiếm biển đảo Việt Nam và đang lấn chiếm hơn nữa.

Trong khi rất tôn trọng và thương khóc những người Việt đã ngã xuống trong cuộc chiến vừa qua, nhiều người trong đó thực lòng tin rằng mình đang hy sinh, tôi nghĩ những người Việt còn sống cần minh bạch với nhau điểm này để các bước đi kế tiếp không ngập ngừng! Ngay cả khi tạm gác lại các thảo luận về quá khứ thì chúng ta cũng nên cần minh bạch nhận định về tương lai: Mỹ không chiếm đất Việt Nam, quyền lợi quốc gia của Mỹ song hành với một nước Việt Nam no ấm, giàu mạnh, văn minh. Tàu thì ngược lại với Mỹ trên cả hai khía cạnh đó: Tàu đã chiếm đảo Việt Nam, đã tấn công sâu vào lãnh thổ Việt, và đang lấn chiếm thêm nữa.

Sự kiện bãi Tư Chính hôm nay đánh động cả đất nước. Mong rằng nhân dân, cả dân chúng và chính quyền cộng tác nhau, coi nhau là đồng bào chứ không là thù địch để đối phó với thế lực hung hăng rất nguy hiểm đang uy hiếp toàn bộ dân tộc, đó là Tàu (Cộng Sản). Trong khi công nhận những đối phó cứng rắn hơn của Việt Nam với Trung Quốc, trong khi khi hoan nghênh các động thái tiến gần hơn với phương Tây như ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), hiệp định EVFTA, như Thỏa Thuận Quốc Phòng với châu Âu, tôi nghĩ chính quyền cần có lộ trình dân chủ hóa đất nước. Trong hoàn cảnh hiện nay, chỉ có nước Việt Nam dân chủ hóa mới đủ sức cùng lúc đoàn kết và phát triển dân tộc, bảo vệ quyền tự chủ, bảo vệ hòa bình lâu dài. Chỉ có nước Việt Nam dân chủ hóa mới đủ tư thế hợp tác quốc tế rộng rãi một cách thực chất để tự vệ và phát triển.

Việt Nam không theo ai cả, Việt Nam chỉ liên kết chiến lược với các nước văn minh, hùng mạnh và có quyền lợi quốc gia cùng hướng với Việt Nam.

Xin đừng ai cho rằng ý kiến trên đây kích động hận thù hai dân tộc Việt Hoa. Thực sự nó chỉ nêu lên vấn đề bảo vệ chủ quyền dân tộc. Hận thù dân tộc chỉ nảy sinh khi hai quốc gia có quan hệ bất bình đẳng, có quan hệ xâm chiếm và lệ thuộc. Tôi tin rằng khi tái lập sự bình đẳng, tôn trọng nhau trong quan hệ quốc gia giữa Trung Quốc và Việt Nam, và giữ tình hòa hiếu đó lâu dài, hai dân tộc Việt – Hoa sẽ thực sự là hai dân tộc đậm tình anh em trên nhiều mặt kinh tế, văn hóa… Nếu điều đó xảy ra, người Việt sẽ có nên văn hóa cao đẹp, phối hợp những thành tố văn minh của nền văn hóa Tàu và nền văn hóa phương Tây, đứng chân trên nền văn hóa gia đình, làng xã đặc trưng của nước Việt.

Cũng xin đừng ai nghĩ rằng ý kiến này là một sự phủ nhận sạch trơn quá khứ. Quá khứ làm sao phủ nhận được? Đây chỉ là nhận xét về quá khứ để rút kinh nghiệm cho tương lai. Cũng có thể coi là một sự tiếp nối quá khứ!

Nếu chọn mục tiêu là phát triển dân tộc, những nhận xét trên đây của một công dân có sai trái không, có thiếu thực tế không? Tôi thực lòng cầu thị, xin được nghe các chỉ dạy / góp ý.

Ngày 04 tháng 8 năm 2019

Comments are closed.