Từ Việt Khang đến Thái Bá Tân: cổ động nhân quyền bằng thơ ca, tại sao không?

Ánh Liên (VNTB) Sự lan truyền của bài hát, câu thơ trong giới đấu tranh lẫn người dân quan tâm đến tình hình chính trị – xã hội xuất phát từ chính tính thời sự và ngôn từ giản đơn, dễ hấp thụ của nó.

Từ hát vang ‘Trả lại cho dân’

Hai cuộc chiến kéo dài gần 1 thế kỷ, và một cuộc chiến Biên giới với Trung Quốc thành công của những người cộng sản xuất phát từ sự khếch trương tinh thần dân tộc, chủ nghĩa cộng sản. Và trong trào lưu đó, thơ ca phục vụ đấu tranh đã góp phần không nhỏ trong tiền đề thành công đó.

Từ năm 2000 cho đến nay, trong giai đoạn kế tiếp của sự phấn đấu xây dựng một quốc gia dân chủ vững mạnh, phong trào dân quyền hay đòi hỏi những giá trị con người phổ quát tại Việt nam dường như có phần bỏ rơi yếu tố ‘văn nghệ đấu tranh’. Mãi đến năm 2011, khi nhạc sĩ kiêm ca sĩ Việt Khang và người bạn Trần Vũ Anh Bình bị bắt vì liên quan đến hai bài hát: Anh là ai, Việt Nam tôi đâu (phản ánh sự trấn áp thô bạo cuộc biểu tình của thanh niên học sinh chống sự xâm lấn chủ quyền quốc gia của Trung Quốc) thì lúc này ‘thơ ca’ cổ vũ đấu tranh nhân quyền mới thực sự được chú ý đến.

Đến tháng 06.2018, lần đầu tiên tại ngã tư TP. HCM, bài hát Trả lại cho dân vang lên đồng thanh bởi đám đông người biểu tình, một cách hào hùng.

Rõ ràng, sự lan truyền của bài hát, câu thơ trong giới đấu tranh lẫn người dân quan tâm đến tình hình chính trị – xã hội xuất phát từ chính tính thời sự và ngôn từ giản đơn, dễ hấp thụ của nó. Và điều này là hoàn toàn cần thiết để cổ động trong mọi cuộc chiến.

Đến thơ châm ngôn của Thái Bá Tân

Trong lĩnh vực thơ, có thể đề cập đến nhà thơ Thái Bá Tân, một người làm việc năng suất trong việc ra thơ liên tục với ngôn từ bình dị, dễ hiểu, dễ đọc và bám sát tính thời sự.

Ví như Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ‘không khởi tố Phạm Công Trung vì lý do nhân đạo’, dù rằng người này cùng với Phạm Công Danh đã làm thất thoát 17.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước, ông Thái Bá Tân đã phẫn nộ thét lên ‘Khốn nạn thế là cùng’. Nhưng ai khốn nạn? Đó chính là hệ thống tư pháp không độc lập và thiếu sự nhân danh công lý.

‘Tòa tha, không xét xử/Vớ vẩn thế là cùng/ Cái hệ thống tư pháp/ Khốn nạn thế là cùng.’

Nhà thơ Thái Bá Tân

Khi nhà thơ bị con cái ngăn cản, khuyến nghị không nên đi biểu tình để tránh rắc rối, nhà thơ vừa mắng yêu con, vừa bày tỏ quan điểm về quyền con người và những hệ quả nếu như ai cũng muốn ‘tránh rắc rối’ ấy, với ý nghĩ đầy sự mộc mạc nhưng chứa đựng lòng yêu tổ quốc vô bờ.

Mày láo, dám khuyên bố/ Mai không đi biểu tình/ Chuyện ấy có nhà nước,/Không liên quan đến mình./ Mày nói y như đảng./ Không liên quan thế nào?/ Nước là của tất cả,/ Của mày và của tao.

Đối với vấn đề đất đai thông qua sự kiện Đặng Văn Hiến, nhà thơ Thái Bá Tân cũng không đứng ngoài cuộc, ông nêu rõ tính chất của thể chế hiện nay sinh ra từ súng, nhưng nếu trong thời bình tiếp tục duy trì bằng họng súng (nhất là trong lĩnh vực đất đai) thì sớm có ngày, chính quyền cũng sẽ ra đi vì súng.

‘Nhà nước nào dùng súng/ Để cướp đất của dân/ Nhà nước ấy chắc chắn/Chết vì súng của dân.’

Không dừng lại phản ánh sự kiện, thơ của Thái Bá Tân còn tâm sự thẳng với lãnh đạo cấp cao, mà cụ thể là ông Nguyễn Phú Trọng, người liên tục phủi tay bác bỏ nguyên tắc tam quyền phân lập, xã hội dân sự tại Việt nam. Bài thơ tâm sự này không chỉ nói hiện tình của việc thiếu tam quyền phân lập sinh ra tham nhũng, mà còn là sự đổ vấy tham nhũng lên dân, và hình thành những con người hèn hạ.

‘Xin phép được nói thẳng/ Về hiện tình nước nhà:/ Thiếu Tam Quyền Phân Lập/ Ta vẫn mãi là ta. […] Tức mãi mãi tham nhũng,/ Cả dưới và cả trên./ Đơn giản vì đất nước/ Chỉ một đảng cầm quyền.’

Và như thế, những câu thơ của Thái Bá Tân chứa đựng nhiều sắc thái, vừa căm phẫn, vừa hàm súc, nhưng lại vừa đau đáu một nỗi đau con người khi bao vây là những bất công, phi lý, và thậm chí là giằng co cực đại của nhóm lợi ích với đại thể người dân yếu thế. Thơ Thái Bá Tân vì thế được xếp nhưng một thể thơ phản ánh hiện thực xã hội bi đát, nhưng sau sự phản ánh lại là sự nhắc lại giá trị cần thiết của tự do – dân chủ thực sự, và cổ vũ phong trào đấu tranh nhân quyền tại Việt nam.

Đấu tranh bằng thơ ca, tại sao không?

Khi bất công và và sự cướp bóc hiện diện trong đời sống, thì thơ ca ra đời nhưng một sự phản ảnh nỗi niềm người dân và làm động lực để xóa bỏ bất công, phi lý ấy.

Trong cuộc đấu tranh dân chủ – nhân quyền hiện nay, cần nhiều những Thái Bá Tân và Việt Khang, cần phải thoát ly ra khỏi những bài hát ảo não, những câu thơ bi thảm để đi vào sự phấn khởi, niềm tin và hy vọng. Ở nơi đó, bài ca là đòi hỏi, câu thơ là sự phấn đấu, để cùng nhau tạo thành một hệ thống giáo dục nhân quyền – dân chủ theo thể thức truyền miệng đến người dân Việt Nam nói chung và nhân dân lao động nói riêng, với mục đích cuối cùng là giúp người dân tự nhận thức về quyền làm chủ, quyền làm người của mình.

Hình thành những bài hát cổ động nhân quyền, những bài thơ khuyến khích tham gia tích cực và quan tâm chuyên sâu về chính trị chính là cách thúc đẩy một Việt nam trở nên dân chủ, vững mạnh hơn. Qua đó, cần có sự kết hợp qua lại, phổ thơ đấu tranh thành nhạc để nó trở thành một thông điệp gần gũi, bình dị, len lỏi vào đời sống người dân như bài hát ‘Việt nam tôi đâu’ hay ‘Trả lại cho dân’ vẫn đang từng ngày tác động.

Người nghệ sĩ nhạy cảm đối với hiện thực đời sống, và trong thời khắc biến động của tình hình chính trị – xã hội hiện nay. Sự  tham gia của họ trong cuộc đấu tranh nhân quyền, giữ gìn giống nòi Việt là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Comments are closed.