Hà Thủy Nguyên là nhà văn, biên kịch trẻ tuổi, đồng thời là founder&admin của Nhóm hỗ trợ học thuật và sáng tạo Book Hunter. Sớm bước vào con đường văn chương từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, những năm gần đây, chị lại xuất hiện với vai trò một nhà hoạt động xã hội. Tiếp tục chùm bài “Vai trò của trí thức, văn nghệ sĩ vài xã hội”, Phía Trước đã có bài phỏng vấn Hà Thủy Nguyên.
Phía Trước: Cuộc biểu tình đòi quyền phổ thông đầu phiếu ở Hong Kong đang trở thành một tâm điểm chú ý của dư luận. Báo giới trong nước và hải ngoại đang nhấn mạnh tầm quan trọng nổi bật của giới học sinh, sinh viên trong phong trào chính trị – xã hội Hong Kong, đồng thời liên hệ đến trường hợp Việt Nam, và cho rằng Việt Nam đáng ra phải có một phong trào như vậy. Là một trí thức trẻ thường xuyên hiện diện trong những sinh hoạt của xã hội dân sự Việt Nam, xin chị cho biết cảm nhận của mình?
Hà Thủy Nguyên: Trước hết, tôi xin phép được đính chính, đó là tôi không dám chắc về việc mình có phải là một trí thức hay không. Tôi bỏ học từ năm thứ 3 đại học, không có bằng Đại học, và mặc dù làm nhiều công việc liên quan đến lĩnh vực sáng tác và học thuật, nhưng điều đó không khẳng định chắc chắn về việc tôi là một trí thức. Cuộc đời học sinh, sinh viên của tôi là quãng thời gian tôi không liên quan lắm đến môi trường xung quanh. Dù cho ở trường có nhảm nhí đến đâu, tôi cũng lựa chọn cho mình một cách (có lẽ nhiều người sẽ đánh giá nó hơi ích kỷ) đó là tự mình học cho bản thân mình, và tự tìm những kiến thức trong nhà trường chắc chắn sẽ không bao giờ dạy. Tôi tiếp tục giữ thái độ này cho đến năm 2012. Bởi thế, nếu bạn hỏi tôi về cảm nhận, thì tôi không có nhiều sự hào hứng lắm với Joshua Wong và phong trào ở Hong Kong.
Tôi cho rằng cuộc biểu tình này, dù nó có thể gây chấn động khắp thế giới, nhưng không thật sự mang lại nhiều thay đổi. Người dân Hong Kong có thể đi bầu cử bằng số phiếu, chính quyền Trung Quốc có thể có vài nhân nhượng, nhưng người dân Hong Kong, người dân Trong Quốc sẽ vẫn tiếp tục bị kiểm soát bằng cách này hoặc cách khác. Chúng ta mải mê đấu tranh cho những quyền tự do, một chính phủ khôn ngoan có thể thừa nhận các quyền tự do đó, nhưng điều đó không có nghĩa rằng đó là dân chủ. Họ vẫn giám sát bạn, kiểm soát bạn và tìm mọi cách điều hướng bạn. Điều này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc hay Việt Nam, nó xảy ra ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, thậm chí cả những nước luôn nói chuyện nhân quyền và dân chủ như Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là, cho dù chúng ta đấu tranh đến đâu, thì những người cầm quyền cũng sẽ chỉ thay hình thức cai trị này bằng một hình thức cai trị khác tinh vi hơn. Không biết tôi đề cập đến vấn đề này có quá xa chủ đề không?
Phía Trước: Cũng không quá xa chủ đề lắm đâu! Chị có nhắc đến việc trước năm 2012, chị gần như không quan tâm lắm đến việc thay đổi xã hội. Vậy năm 2012, sự kiện gì đã xảy ra? Tại sao sau đó Book Hunter lại chính thức công khai?
Hà Thủy Nguyên: Tôi thật sự đã thay đổi suy nghĩ khi biết đến cái chết của một nhà hoạt động tự do thông tin trên Internet – Aaron Swartz. Bên cạnh những cuộc vận động xã hội nhằm bãi bỏ các điều luật vô lý của chính phủ Mỹ về việc kiểm duyệt bản quyền trên Internet, anh đã tạo dựng rất nhiều nền tảng để chia sẻ tự do những tài liệu quý giá đến với người dân khắp thế giới. Cuối năm 2012, Aaron Swartz đã hack vào hệ thống của JSTOR và download 4 triệu tài liệu nghiên cứu khoa học và chia sẻ chúng tự do trên Internet. Không lâu sau đó, tháng 1 năm 2013, anh đột ngột tự sát một cách bí hiểm ở căn hộ của mình và bạn gái. Aaron Swartz không giống Joshua Wong, anh rất biết mình phải làm gì, và biết cách giải quyết vấn đề thật sự. Anh hiểu rằng, không có tự do thông tin, sẽ không có tự do ngôn luận, không có các quyền tự do căn bản khác, không có dân chủ thực sự, khi các chính phủ, các tập đoàn vẫn tiếp tục bưng bít thông tin và tung ra những thông tin làm sai lệch định hướng xã hội. Cái chết của Aaron Swartz và câu chuyện về anh đã thúc đẩy bạn bè tôi và tôi cùng nhau làm một điều gì đó, và Book Hunter chính thức được ra mắt vào tháng 3 năm 2013. Tôi thích những anh hùng không bị lệ thuộc vào đám đông, họ có thể có người ủng hộ hoặc không ai bên cạnh, họ có thể chiến đấu đơn độc bằng trí tuệ và tài năng của mình để vá víu thế giới này, xã hội này, cuộc sống này.
Phía Trước: Được biết, mới đây, chị cùng nhiều facebooker có thành lập một group có tên là “Người tiêu dùng cần biết về GMO” (Thực phẩm biến đổi gen). Hoạt động hướng tới việc cản trở việc các sản phẩm biến đổi gen của Monsanto xâm lấn thị trường nông sản Việt Nam. Tôi không rõ mục đích của hoạt động này? Và hoạt động này hiên có phải là một trong các dự án của Book Hunter?
Hà Thủy Nguyên: GMO là một vấn đề rất phức tạp, cản trở cuộc xâm lược của Monsanto là điều vô cùng khó, không khác gì “châu chấu đá xe”. Tôi mong muốn rằng hoạt động này có thể trở thành một phong trào và tôi là một phần trong đó, Book Hunter là một trong các tổ chức cùng tham gia trong đó, tôi không muốn đây là một dự án của Book Hunter. Khi chúng tôi quyết định tham gia hoạt động này, chúng tôi hoàn toàn bị động vì gần như mờ mịt thông tin về sự việc một số loại thực phẩm Biến đổi gen chuẩn bị được cấp phép, mới đây là ngô, và trong năm 2015 sẽ đến lượt đậu nành. Mặc dù đài báo có đưa một vài thông tin trước khi cấp phép, nhưng đều là những tin vắn và không được quảng bá rộng rãi. Tôi thật sự cảm thấy shock khi biết rằng ngô và đậu nành GMO đã có mặt trên thị trường 5-6 năm nay rồi, nhưng không người tiêu dùng nào biết về chúng, và không thể phân biệt được chúng với các loại khác. Điều này khiến tôi vô cùng tức giận.
Trên thế giới, thực phẩm biến đổi gen đã bị cấm ở 26 nước trên thế giới, đa số là các nước Châu Âu. Loại thực phẩm này cho đến nay, không thể tiên đoán được chúng có gây hại cho bộ gen và sức khỏe của con người hay không. Bản thân những chuyên gia khoa học hàng đầu trên thế giới cũng không thể kiểm soát và dự đoán được tương lai của những người thường xuyên sử dụng thực phẩm biến đổi gen. Câu hỏi đặt ra là, có phải người dân là những vật thí nghiệm cho chiến lược kiểm soát lương thực toàn cầu của tập đoàn Monsanto? Họ đã thí nghiệm thất bại ở nhiều nơi, thất bại ở Ấn Độ, vậy có nên tiếp tục thử nghiệm chiến lược này ở Việt Nam. Và nếu đã bị lôi ra làm vật thí nghiệm, nên chăng các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến sự việc này, như Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, phải có trách nhiệm cho phép người dân có cơ hội lựa chọn mình có trở thành vật thí nghiệm hay không. Vì thế, cốt lõi ở chỗ, thông tin về thực phẩm biến đổi gen cần phải được ghi rõ ràng trên nhãn hàng các sản phẩm sử dụng nguyên liệu Biến đổi gen. Không chỉ có thế, các kênh truyền thông chính thống cần đưa thông tin trung thực về các nguy cơ cần phải đối mặt khi sử dụng cây trồng và thực phẩm Biến đổi gen. Nhưng những việc căn bản ấy vẫn không được thực thi. Tệ hại hơn thế, họ trắng trợn thừa nhận không đủ khả năng kiểm tra và thẩm định nên giao cho Monsanto giám sát và báo cáo về chính các sản phẩm của họ. Monsanto sẽ trình báo lên chính quyền các trường hợp bất ổn khi người dân sử dụng thực phẩm Biến đổi gen ư? Không đâu, họ sẽ chỉ quan tâm xem hạt giống của họ có bị vi phạm Sở hữu trí tuệ không và sẵn sang kiện nông dân để đòi mức phí rất cao chẳng qua về phấn ngô từ cánh đồng biến đổi gen bay sang cánh đồng trồng ngô giống địa phương, chẳng hạn vậy.
Tôi dông dài kể về thực trạng ấy, chẳng qua để nói trong vụ việc GMO được cấp phép ở Việt Nam, thông tin đã bị giấu nhẹm, bị đưa một chiều hoặc khôn ngoan hơn, đưa tin theo một cách người dân thường không thể đọc theo một cách dễ hiểu. Tôi không rõ nguyên nhân tại sao, hoặc là họ không biết cách tuyên truyền, hoặc chính họ cũng không muốn tuyên truyền. Tôi đã đi gặp nhiều nhà khoa học ở trong nước có liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp, công nghệ sinh học…, nhưng họ đều không lên tiếng một cách thật sự, mà chỉ nói nước đôi với các cộng đồng nhỏ ít sức ảnh hưởng. Càng như vậy, tôi càng thấy rằng, minh bạch thông tin là vấn đề cấp thiết hơn các cuộc tranh luận khoa học không có hồi kết về GMO.
Phía Trước: Chị nói chị không chắc chắn về việc mình có phải là trí thức hay không khiến tôi cảm thấy hoang mang khi dự định hỏi về vai trò của văn nghệ sĩ, trí thức trong xã hội. Tôi có thể tiếp tục đặt câu hỏi với chị được không?
Hà Thủy Nguyên: Thực ra tôi có phải là trí thức hay không, không quan trọng, bởi vì bất cứ người dân nào cũng có những mường tượng và kỳ vọng của mình về trí thức. Tôi cũng có những nhận định của riêng mình. Theo như tôi thấy, trí thức là những người có sự hiểu biết sâu rộng và quan trọng là phải biến những hiểu biết sâu rộng đó của mình thành tác phẩm hoặc công trình cụ thể. Công việc của trí thức có thể vì cộng đồng hoặc không, nhưng cách thức tư duy hay tư tưởng mà các trí thức lựa chọn để gửi gắm vào tác phẩm hoặc công trình của mình sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Và bởi vì thế, họ phải vô cùng cẩn trọng, họ phải giữ cái nhìn khách quan, thái độ ôn hòa và tư thế trung lập (nhưng không lập lờ).
Văn nghệ sĩ cũng vậy, nhưng khác với trí thức, họ không chỉ tác động lớn đến cách thức tư duy và tư tưởng mà còn đóng vai trò rất quan trọng đến tinh thần thời đại. Đa phần các các văn nghệ sĩ không nhận thức được điều này, bởi vì điều quan trọng với họ là khám phá thế giới tinh thần của mình rồi giãi bày chúng thành tác phẩm. Điều này dễ hiểu thôi, nếu họ có thể ý thức được tác dụng của các tác phẩm văn chương nghệ thuật do mình sáng tạo ra sẽ làm thay đổi xã hội ra sao, thì tố chất nghệ sĩ của họ cũng mất đi, thay vào đó là tố chất chính trị rồi. Bởi vậy, điều duy nhất, theo tôi một nghệ sĩ nên làm đó là: “Là chính mình”. Chỉ cần họ không biến nghệ thuật thành công cụ chính trị hay sản phẩm hàng hóa hay một món đồ trang sức thời thượng rẻ tiền thì đời sống tinh thần của xã hội đã tốt đẹp lên rất nhiều rồi. Như ở Việt Nam hiện nay, thật không dễ gì để đọc một tác phẩm văn chương nghệ thuật thật sự.
Phía Trước: Nếu nhìn vào các hoạt động khá sớm của chị từ khi mới học lớp 12 đến nay, tôi thấy dường như chị vừa là một nghệ sĩ lại vừa tham gia vào các hoạt động xã hội mang tính chính trị. Vậy thì tố chất nào đang ảnh hưởng đến chị nhiều nhất, nghệ sĩ hay chính trị?
Hà Thủy Nguyên: Tôi rất thích cụm từ “mang tính chính trị” mà anh sử dụng. Với tôi, tất cả những hành vi, hoạt động có mục đích tạo ra thay đổi cho cộng đồng đều “mang tính chính trị”, nhưng không có nghĩa đó là chính trị. Năm lớp 12 là năm cuốn tiểu thuyết dã sử đầu tiên của tôi được xuất bản, tôi đã mất 2 năm để viết cuốn sách này. Khi viết quyển sách, đồng thời tôi cũng là một Bí thư Đoàn trường, từ thời bé, tôi nuôi hi vọng rằng khi lớn lên mình sẽ trở thành một quan chức nào đó cao cấp trong chính phủ và thay đổi những gì tôi được chứng kiến. Nhưng tôi nhận ra rằng mỗi khi mình ngồi vào bàn và sáng tác thì những tham vọng đó trở thành phù phiếm. Đó là lý do khi bước vào Đại học, tôi đã hoàn toàn từ bỏ các ý định chính trị của mình, bởi vì sáng tác cho tôi được là chính mình. Dần dần, tôi đã học được cách, khi sáng tác nghệ thuật thì không có chính trị, và khi đã tham gia các hoạt động nhằm thay đổi xã hội như Book Hunter hay Người tiêu dùng cần biết về GMO, tôi không mang con người nghệ sĩ của tôi vào đó. Tuy nhiên, do các tham vọng từ thuở nhỏ, nên đâu đó trong tác phẩm của tôi vẫn có đôi chút “mang tính chính trị”, nhưng tôi không cố tình làm điều đó. Tôi rất thích một câu trong “Văn tâm điêu long” của Lưu Hiệp: “Than ôi, văn chương là tấc lòng gửi lại ngàn năm vậy”, với tôi văn chương không phải để tạo ra thay đổi xã hội, đó là quá trình tôi đi vào cõi tinh thần của chính mình và cứ thế ngôn từ cất lên.
Phía Trước: Vậy với tư cách là một người trẻ, chị thấy việc cần làm trước những bất công xã hội đang diễn ra trước mắt là gì, và nên có thái độ như thế nào?
Hà Thủy Nguyên: Albert Einstein có một câu nói rất hay: “Bạn không thể giải quyết một vấn đề nếu chỉ tư duy ở cùng một đẳng cấp với vấn đề đó”, nếu chúng ta cứ chạy theo giải quyết từng bất công thì ngay lập tức một trường hợp bất công khác lại nảy sinh. Đó là những lỗi hệ thống. Muốn sửa nó, trước hết, chúng ta phải hiểu một cách rõ ràng rằng hệ thống xã hội hiện nay đang vận hành như thế nào, đâu là lỗi cục bộ trong hệ thống xã hội Việt Nam từ trước đến giờ, đâu là lỗi của toàn hệ thống xã hội trên thế giới, và các lỗi đó đang chi phối chúng ta như thế nào. Nếu còn phụ thuộc vào các tư duy, những tư tưởng và trạng thái tinh thần mà hệ thống xã hội tạo ra, dù cực tả hay cực hữu, thì cũng sẽ chẳng có gì khác biệt thật sự xảy ra. Tôi tin tưởng vào việc có rất nhiều các cá nhân độc lập, hiểu biết rất sâu rộng, tinh thần hướng thượng, họ nhận ra rằng một thế giới mới cần được tạo dựng chứ không phải tiếp tục đi theo những cách thức của thế giới cũ. Nếu những con người này có đủ sức mạnh và liên kết với nhau, các bất công đó sẽ được giải quyết bằng trí tuệ chứ không phải bằng cái mồm và nắm đấm. Tương lai của chúng ta nằm trong tay chúng ta, tại sao giới trẻ phải cố lao đầu vào những giải pháp cũ kỹ và vô dụng? Tôi không có ý phủ nhận các giá trị cổ xưa, bởi chúng rất nền tảng, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta nên vận dụng các tri thức cổ xưa này bằng các cách thức mới, mà cụ thể là cách của chính bản thân mình lựa chọn, chứ không phải do chính phủ, nhà trường hay truyền thông dẫn lối, cho dù đó là chính phủ tài ba, nhà trường chất lượng cao hay truyền thông hấp dẫn.
Phía Trước: Xin cảm ơn chị, chúc các hoạt động của chị thực sự tạo ra thay đổi trong tương lai không xa!
Nguồn: http://phiatruoc.info/ha-thuy-nguyen-tuong-lai-cua-chung-ta-nam-trong-tay-chung-ta/