Vì thành tích, nhiều trường tìm cách ngăn cản học sinh thi vào lớp 10?

Thái Hạo

1.

Một phụ huynh mới chuyển cho tôi cuộc nói chuyện của một nhóm cha mẹ có con đang học ở Hà Nội, với nội dung không thể tin vào mắt mình: nhà trường yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 nhưng được cho là có học lực không tốt phải chuyển trường (về các trường tư) hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10!

278855003_379991404007885_7396512444303245015_n

 

Thú thật là tôi vẫn không thể tin, dù trong nhóm đó có có tới 67 người, có cả giáo viên đang làm phụ huynh nữa, và nhiều người đã xác nhận tình trạng này ở các trường khác nhau. Vì nó quá phi lý và ngang ngược, hoàn toàn phản giáo dục và vi phạm pháp luật một cách thô bạo. Nhưng cũng như chính các phụ huynh trong group này chia sẻ thì vẫn là bệnh cũ, bệnh thành tích. Chỉ có điều bệnh mà đã đến mức này thì phải gọi là biến chứng sang giai đoạn cuối, trở thành một thứ quái dị rồi.

Quyền được học tập là quyền hiến định của trẻ em, được luật pháp VN và Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên hiệp quốc ghi nhận và bảo vệ. Không lẽ lại có cái chuyện tày đình vô pháp này diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật ngay giữa lòng Hà Nội?! Đó là chưa nói tới việc, giáo dục là sứ mạng duy nhất của các trường học, nếu cứ học sinh nào học yếu thì tìm cách đuổi đi để giữ thành tích mà báo cáo cho đẹp thì những nhà trường ấy đến mặt đất này để làm gì?

Giữa thủ đô, một trung tâm văn hóa, chính trị, giáo dục của cả nước chứ có phải trong rừng sâu núi thẳm đâu mà có thể công khai diễn ra những việc phản nhân văn, phản giáo dục và vi phạm pháp luật một cách trắng trợn như vậy được?

Tôi hỏi vị phụ huynh ấy rằng, có ai phản ứng hay đấu tranh gì với nhà trường chưa, thì vị bảo không ai dám nói gì cả. Ban giám hiệu kêu từng phụ huynh tới, dặn mang cả con theo để “họp”, có những lớp đến nửa sĩ số bị gọi đi “họp” để đưa ra yêu cầu này. Tôi thầm nghĩ, nếu có những cha mẹ như thế thì không gì bất hạnh hơn cho những đứa trẻ.

Thực hư thế nào thì chưa thể kết luận ngay được, vì nó quá khó tin. Nhưng với một thời gian đi dạy và sống trong môi trường giáo dục đủ dài, nay lại có con đang đi học, tôi hiểu rằng những chuyện như thế này không phải là cái gì không thể xảy ra ở ta.

Ngành giáo dục Hà Nội, bộ Giáo dục phải lập tức xác minh và xử lý nếu có tình trạng quái gở này. Thậm chí công an cần vào cuộc vì đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nếu có, cần cách ly những người chủ trương (ban giám hiệu), lẫn người tiếp tay (giáo viên) khỏi môi trường giáo dục.

Song song với đó, chính sở Giáo dục Hà Nội, bộ Giáo dục cần chịu trách nhiệm chính trong việc đã để xảy ra căn bệnh thành tích trầm kha này bằng cách chấm dứt mọi cuộc chạy đua vô bổ và đầy tai họa này.

278851995_380022757338083_346696765266925594_n

 

2.

Chỉ vài giờ sau khi khi tôi nhận được thông tin trên [1] thì một thầy giáo cũng đang dạy THCS ở Hà Nội đã gửi cho tôi bức thư dưới đây, xác nhận rằng có sự việc trên và nói rõ nội tình. Vì lý do bảo mật thông tin cho tác giả bức thư, tôi không ghi tên ở đây.

Chào anh Thái Hạo!

Em là một giáo viên dạy THCS. Em xin chia sẻ hiện tượng mà anh phản ánh như sau. Hàng năm, cứ vào dịp này là các trường THCS của Hà Nội lại cấp tập làm công tác hướng nghiệp. Gọi là hướng nghiệp cho lịch sự chứ họ làm công tác “chặn đường” thi, cấm học sinh (HS) lớp 9 thi vào 10 THPT.

Lẽ ra họ không cần làm động tác đó. Bởi chỉ tiêu công lập chỉ có 70%, thì đằng nào chả có 30% các em sẽ phải đi học các trường nghề và các trung tâm Giáo dục thường xuyên. Hà cớ gì các trường phải làm công tác hướng nghiệp và phân luồng cho mệt? Cách làm của họ là gì? Họ sàng lọc những em có lực học trung bình trở xuống, gọi phụ huynh đến và nói : “Con anh/ chị ý thức chưa tốt, học rất yếu, không có khả năng thi vào 10 THPT. Nếu anh/chị làm đơn tự nguyện xin không thi vào 10 thì nhà trường tạo điều kiện cho con anh/chị tốt ngiệp, như vậy con anh chị vẫn được đi học trường nghề, vừa học nghề vừa học văn hóa, sau ba năm vẫn có bằng 12, lại có bằng nghề, muốn học đại học vẫn được. Còn các anh/ chị vẫn cố tình đăng kí thi vào 10 thì sẽ không được tốt nghiệp”! [Vì THCS không thi tốt nghiệp mà chỉ xét, xét tốt nghiệp lại do trường chủ trì – Thái Hạo chú thích].

Nghe thế ai chả sợ con mình không được tốt nghiệp THCS??? Thế là tự nguyện làm “Đơn xin tự nguyện không thi vào 10”! Vậy là phụ huynh tự nguyện nhé.

Sau này có nhiều phụ huynh phát hiện bị lừa cũng không thể làm gì được họ. Việc này có từ rất nhiều năm nay rồi! Vì sao họ phải làm vậy? Đó là do cách tính điểm thi đua của ngành giáo dục. Ngành giáo dục lấy kết quả thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua các trường, các trường lấy điểm thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua đối với giáo viên (GV) dạy. Hơn nữa dạy lớp 9 còn là một nguồn thu nhập khổng lồ đối với giáo viên thông qua việc dạy ôn luyện thi. Năm sau có được bố trí dạy lớp 9 hay không là phụ thuộc vào kết quả điểm số thi vào 10 của HS lớp mình dạy.

Vậy điểm đó được tính như thế nào? Thay vì tính điểm bình quân bằng cách chia đều cho tổng số HS lớp 9 tốt nghiệp THCS của cả trường thì Sở Giáo dục lại tính điểm bình quân bằng cách chia cho tổng số HS lớp 9 của trường đó dự thi vào 10 THPT. Ví dụ : trường A có tổng số 500 HS lớp 9 tốt ngiệp THCS . Nếu để cả 500 em này đi thi vào 10 THPT, và tổng số điểm thi vào 10 THPT các em đạt được là 3200 điểm, thì tổng điểm của thi vào 10 THPT của trường A sẽ phải chia bình quân cho 500, được 6.4 điểm bình quân . Nhưng nếu trường đó loại được 100 em học trung bình, yếu, kém (bằng cách lừa như trên), số HS còn lại là 400 em, tổng số điểm là 3000 điểm, trường đó chia trung bình cho 400 em, điểm bình quân là 7.5. Trường B,cũng có tổng số 500 HS lớp 9 tốt ngiệp THCS nhưng họ loại được 130 em. Vậy điểm trung bình của họ sẽ cao hơn trường A. Nghiễm nhiên trường B được đánh giá dạy tốt hơn trường A. Tương tự, cô Y (dạy lớp 9A2) mà loại được nhiều HS đi thi hơn cô B (dạy lớp 9A1) thì điểm của cố Y sẽ cao hơn điểm của cô B, nghiễm nhiên cô Y được tiếng là dạy tốt hơn cố B. Năm sau cô B sẽ không được phân dạy lớp 9 hoặc chỉ được phân dạy 1 lớp.

Bản thân em, vì không chịu làm theo cách đó mà 10 năm nay không được dạy lớp 9, dù chuyên môn chẳng kém ai ở tổ, nhiều năm liền đạt chiến sỹ thi đua, hàng chục SKKN đạt B,C cấp sở. Vì thế, trường nào cùng dùng những trò bẩn để loại không cho HS lớp 9 có lực học trung bình yếu đi thi vào 10 THPT. Trường em đã có hiện tượng, có năm, có trường hợp 1 HS bị nhà trường xếp vào loại không được đi thi. Do gia đình kiên quyết không đồng ý, cuối cùng em ấy lại đỗ vào 1 trường công lập. (Hết thư)

Một lần nữa, trước sự nguy hại khôn lường của việc làm trên trong các nhà trường (nếu có), dư luận đòi hỏi các ngành chức năng cần xác minh, trả lời trước công luận, và lập lại tôn nghiêm cũng như sự trong sạch cho môi trường giáo dục, để nuôi dưỡng thế hệ trẻ – chứ không thể tiếp tục hủy hoại bằng những cách thi đua phản giáo dục như thế này.

Thái Hạo

Comments are closed.