Vai trò của trí thức

Tiêu Dao Bảo Cự

Các bạn thân mến,

Ngày xưa Khổng Tử nói: “Tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh”. Ngày nay ở các lứa tuổi đó ta vẫn còn hoài nghi và chưa hiểu được thiên mệnh, thậm chí còn chưa hiểu được nhân mệnh. Hay lại ở thời đại này ta phải suốt đời tìm kiếm? Không phải một đời, một thế hệ mà các thể hệ đều liên tục tìm kiếm vì lịch sử chuyển biến không ngừng và luôn luôn đặt ra những tình huống để giải quyết.

Thuở 20, chúng ta đã lên án và phủ nhận thế hệ đàn anh. Bây giờ, chúng ta lại đương đầu với tình thế đó. Chúng ta tự hào với tuổi trẻ của mình, đã sống trong sáng, trung thực và dấn thân cho lý tưởng, nhưng chúng ta đã làm được gì, đã có thể bình yên, thỏa mãn ở lứa tuổi tứ thập, ngũ thập này chưa? Có thể ai đó tự hài lòng nhưng còn bao người luôn khắc khoải vì vận nước, nghĩa đời và tâm hồn không thôi nhức nhối.

Chúng ta nhiều tham vọng, ảo vọng quá chăng trong giấc mộng lấp bể vá trời? Cá nhân nhỏ bé vô cùng trong trường kỳ lịch sử. Nhưng không có cá nhân làm sao có lịch sử, dân tộc, đất nước? Chúng ta đã tự gắn mình với số phận của lịch sử, đất nước và trách nhiệm đó thật nặng nề.

Có người nói người nghệ sĩ – trí thức đứng trong trời đất, giữa thiên thu, giữa giấc-mơ-khát-vọng-chân-thiện-mỹ muôn đời của nhân loại, sá gì phải chống chế độ này, chế độ khác. Đúng không? Các chế độ chính trị thường chắn ngang đường và chi phối đến cả bản thân cuộc sống của người nghệ sĩ – trí thức, đã làm hủy hoại nhân cách, tài năng, làm tha hóa và thậm chí tiêu diệt bao nhiêu người nghệ sĩ – trí thức. Vậy thì người nghệ sĩ – trí thức làm thế nào có thể đứng ngoài, đứng lên chính trị được? Vấn đề này đã cũ xưa lắm rồi nhưng mỗi thời đại lại được đặt ra hoàn toàn mới mẻ, vô cùng nóng bỏng trước lương tâm của người nghệ sĩ – trí thức. Đừng ai lên mặt kiêu ngạo đã hiểu và giải quyết nó rồi.

Anh, hãy trả lời đi. Anh chọn cái thiện hay cái ác? Anh dám chống lại nhà cầm quyền vô đạo không? Anh dám sống trung thực với chính mình không? Anh nhận cây gậy hay củ cà-rốt? Anh dám nói thẳng nói thực không? Anh chọn bình yên cho bản thân, gia đình hay gian nan trả giá? Anh có đắp tai ngoảnh mặt? Anh có ngụy tín? Tiếng nói lương tri, giá trị cao nhất của người nghệ sĩ – trí thức ở đâu? Miếng mồi danh lợi cám dỗ anh đến mức nào?… Anh đã làm được gì trước những vấn nạn mà chính lương tri và đất nước anh đang đặt ra?

Có người nói dân tộc này giờ đây hèn lắm, chịu nô lệ, tủi nhục, mất quyền làm người cùng đáng thôi. Nhận xét đó có cực đoan không? Trong lịch sử quá khứ, dân tộc này đã không hèn, ai cùng biết và tự hào về điều đó. Nhưng hiện nay có bao nhiêu nghệ sĩ – trí thức đã không hèn?

Hữu Loan suốt đời làm “cây gỗ vuông chành chạnh” không cho ai lăn lóc. Nguyễn Minh Châu đọc “ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ”. Dương Thu Hương chỉ ra “thiên đường mù”. Trần Mạnh Hảo công khai tuyên bố “ly thân”. Bùi Minh Quốc “hỏi tội những thằng thẻ đỏ tim đen”. Xuân Sách thực tả “chân dung nhà văn” của một chế độ. Trần Huy Quang qua “Linh nghiệm” nhận định lại sự nghiệp lãnh tụ… Hoàng Minh Chính, Nguyễn Khắc Viện, Phan Đình Diệu, Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Đan Quế, Đoàn Viết Hoạt, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan… vạch trần những sai lầm của chế độ. Đủ chưa? Một dân tộc có 4.000 năm lịch sử đấu tranh mà hiện nay những người dám nói lên tiếng nói của lương tri như thế vẫn còn quá ít? Và phải chăng nói lên được như thế là đã hoàn thành sứ mệnh? Còn bao kẻ chỉ biết ăn bánh vẽ như Chế Lan Viên mà vẫn ráng ngồi dự tiệc cho đến cuối đời vì sợ mất phần? Bao nhiêu văn nghệ sĩ – trí thức chỉ biết hát bài tụng ca chế độ dù trong lòng có thể nghĩ khác? Và những Nguyên Ngọc, Xuân Cang, Ma Văn Kháng… có đứng vững được trước nỗi sợ và cám dỗ?

Dĩ nhiên mọi người có thể suy nghĩ và đánh giá về chế độ khác nhau. Nhưng đâu là chân lý khi tiếng nói công khai chỉ có một chiều và những lời trái ngược bị quy là phản động, bị ngăn cấm, bưng bít? Không thể có chuyện độc quyền yêu nước, độc quyền chân lý. Có người đã nói đến mối quan hệ giữa độc đảng với độc quyền, độc tài, độc ác. Lịch sử tất cả các dân tộc trên thế giới đã chứng minh điều đó. Không ai có thể biện minh cho sự độc tài. Đó chỉ là lý của kẻ mạnh. Và phải chăng lý của kẻ mạnh bao giờ cũng đúng?

Trong những hoàn cảnh bị áp bức, sức mạnh tinh thần của một dân tộc ở đâu? Ở sự quật cường của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân và thường khởi đầu bằng sự thức tỉnh của một bộ phận tiên tiến nhất trong đó có người nghệ sĩ – trí thức. Tiếng nói lương tri phải được cất lên, ngọn lửa trí tuệ phải được thắp sáng để hướng dẫn, soi đường trong đêm đen. Nếu bộ phận này không làm tròn vai trò của họ thì số phận dân tộc cũng khó đổi thay.

Phần lớn nghệ sĩ – trí thức không phải là những người làm chính trị chuyên nghiệp nhưng họ đã dự báo những đổi thay và những cuộc cách mạng. Cần có sự kết hợp giữa những người làm chính trị chuyên nghiệp với những người nghệ sĩ – trí thức cùng nhận thức và lý tưởng. Họ ở đâu và kết hợp như thế nào? Phải chăng trả lời câu hỏi này chính là lời giải đáp cho một giai đoạn lịch sử?

Có người nói những người nghệ sĩ – trí thức chân chính thường không có tiền, không có quyền, không có thế lực nên họ sẽ chẳng làm được gì và trong chế độ nào họ cũng là những kẻ thua cuộc. Có người nói nghệ sĩ – trí thức là những kẻ yếu so với những người cầm quyền nhưng họ sẽ đặt tư tưởng, tác phẩm của mình vào trong lòng chế độ vô đạo như những quả mìn không có cách gỡ. Quả mìn đó đến một lúc sẽ làm nổ tung chế độ. Có người nói trong giai đoạn này những người nghệ sĩ – trí thức chân chính đã thua đậm, thua cay không còn gì cứu vãn. Những người kiên cường nhất may ra chỉ còn giữ được chút nhân cách.

Những nhận định trên đều có chứa đựng sự thật và đều đặt nghệ sĩ – trí thức vào trong thế yếu. Tại sao bộ phận tiên tiến nhất của một dân tộc lại tự mình đứng trong thế yếu?

Phải chăng họ thiếu dũng khí để làm một khởi đầu, khởi đầu cho mọi biến động mà nếu không có nó các biến động không thể diễn ra? Có dũng khí nghĩa là có can đảm chấp nhận trả giá và hy sinh. Điều đó không dễ dàng chút nào, đối với bất cứ ai.

Hiện nay chúng ta đang sống như thế nào?

Phần lớn ai cũng phải làm một cái gì đó để kiếm sống, kể cả bằng nghề cầm bút. Cuộc mưu sinh thật gay go, nhất là đối với những nghệ sĩ – trí thức chân chính. Có lẽ phần đông đều có tâm trạng như Cao Bá Quát:

Trói chân kỳ, ký tra vào rọ

Rút ruột tang bồng trả nợ cơm

Chúng ta thấm thía biết bao tâm trạng này của người xưa và tình cảnh đó là bi kịch hàng ngàn đời của bao thế hệ trí thức. Nhưng mấy ai đã dám công nhiên tuyên bố và hành động như Cao Bá Quát:

Bình Dương, Bồ Bản võ Nghiêu, Thuấn

Mục Dã, Minh Điền hữu Võ, Thang

dù phải chấp nhận rơi đầu trên pháp trường?

Có lẽ phần đông chúng ta ai cùng tự nghĩ phải cố giữ lấy lương lâm, sống với một tấm lòng nhưng điều đó thật không dễ. Vì ta phải đối mặt hằng ngày với bao điều ngang trái và sự ngụy tín, thỏa hiệp đến lúc nào không biết, hay biết mà vẫn chấp nhận. Hình thức trang trí dân chủ bao giờ cũng cần thiết cho một chế độ độc tài khôn ngoan trong thời đại ngày nay. Và nhiều người vẫn ảo tưởng dù sao mình cũng đã làm một cái gì.

Có người không chấp nhận “ăn thóc nhà Chu”, nhưng không ai nhịn đói đến chết như Bá Di, Thúc Tề. Dĩ nhiên Bá Di, Thúc Tề quá cực đoan và nhận thức không tới vì thóc nào phải của nhà Chu? Dù sao, đứng ra bên ngoài, hoàn toàn bất hợp tác cũng là một thái độ tích cực vì nó dứt khoát và rõ ràng.

Có người muốn dùng tác phẩm đề đóng đinh cái ác vào văn học, nghệ thuật, lưu lại cho ngàn đời sau, coi đó là sứ mệnh và việc duy nhất có thể làm, đáng làm của người nghệ sĩ. Tác phẩm có thể được công bố hoặc chưa công bố nhưng sáng tác với ý hướng trên chính là lý do tồn tại của người nghệ sĩ. Đó phải chăng cũng là một thái độ tích cực?

Các bạn thân mến,

Tôi đã cố gắng hoàn tất tác phẩm này để lý giải một phần về sự phản bội, một vấn đề lớn và vĩnh cửu của con người. Ai đã phản bội và thế nào là phản bội? Tôi vẫn tin có những người cộng sản chân chính là những người tốt, đã một thời là những người tốt và hiện nay vẫn còn những người tốt, nhưng quyền lực đã làm người ta tha hóa và có thể trở thành những kẻ phản bội. Những người nghệ sĩ – trí thức chân chính là những người tốt nhưng sự sợ hãi và cám dỗ danh lợi cũng có lúc làm người ta phản bội. Phản bội còn đến trong tình yêu, tình bạn và trong các mối quan hệ khác giữa con người và con người. Có lẽ phải nhiều tác phẩm mới phác thảo được căn bệnh bất trị này của con người qua mọi thời đại

Nhiều người muốn đi tìm một giải pháp. Những người cầm quyền dĩ nhiên có giải pháp của họ. Nhưng đâu là giải pháp đúng? Qua tình hình thế giới gần đây, mọi người đều sợ những biến động đưa đến nội chiến, hận thù, đổ vỡ, suy thoái, phân ly… nhưng có phải vì thế mà những người cầm quyền có quyền độc tài độc đoán, đứng trên nhân dân để bắt mọi người phải khuất phục? Họ là ai và họ có quyền đó không? Họ có thể thay đổi không?

Lịch sử đất nước và thế giới đã qua nhiều trang. Bao nhiêu khái niệm cần phải được xét lại. Ngụy và cách mạng? Tay sai đế quốc và yêu nước chân chính. Chiến tranh giải phóng và chiến tranh hủy diệt? Anh hùng và gian hùng? Cộng sản và tư bản? Chân chính và phản bội? Dân chủ và độc tài? Đa nguyên và độc quyền lãnh đạo?… Không có gì được coi là cấm kỵ đối với tư tưởng và sự tìm kiếm chân lý của con người.

Gác qua một bên mọi định kiến, hòa giải hoà hợp dân tộc phải chăng là một con đường tuy khó khăn nhưng là con đường duy nhất đúng trong hoàn cảnh hiện nay?

Các bạn thân mến,

Chúng ta đã chia sẻ biết bao điều trong một thời kỳ lịch sử đầy biến động và bão táp. Các bạn có bình yên không? Tôi tin rằng những ai thực sự có lòng, dù đang sống theo một cách nào đó bề ngoài vẫn không sao có thể bình yên được, dù ít hay nhiều, dù thoáng qua hay không thôi khắc khoải.

Tôi vẫn chưa ra được cơn khủng hoảng và khát vọng tìm kiếm một con đường. Xin các bạn hãy cho tôi những lời tâm sự và những lời khuyên. Điều đó chắc chắn sẽ mang lại cho tôi ngọn lửa, ánh sáng và tình thân, những cái cần thiết vô cùng cho tôi, cho chúng ta, trong lúc này.

Tôi gởi tác phẩm này, lá thư này đến các bạn thân, những người tâm huyết, nhưng cũng để gởi đến cho mọi người, kể cả những người đã và sẽ coi tôi như một kẻ phá hoại. Phải chăng lắng nghe và đối thoại sẽ là cánh cửa mở ra một con đường?

(Thành phố Sương Mù, viết ngắt quãng 1988-1992)

(Trích Đoạn kết “Trầm tư từ thung lũng” rút từ tác phẩm “Nửa đời nhìn lại” của Tiêu Dao Bảo Cự, Nhà Xuất Bản Thế Kỷ, Hoa Kỳ, 1994. Tựa đề do tác giả mới đặt khi trích đăng)

Comments are closed.