Vẫn có phương án không cần chặt cây xanh đường Tôn Đức Thắng

 

Cho rằng thiết kế cầu Thủ Thiêm 2 hiện nay không phù hợp với tính chất vị trí quan trọng khu vực này so với trung tâm đô thị, trao đổi với Người Đô Thị, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: vẫn có phương án khác để tránh phải đốn hạ, di dời hơn 284 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, liên quan đến dự án này.

Vừa qua, TP.HCM cho biết sẽ đốn hạ, di dời hơn 300 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, nhằm phục vụ cho việc xây dựng nhà ga Metro và xây cầu Thủ Thiêm 2. Theo đó, thành phố sẽ bứng dưỡng 16 cây sọ khỉ trên đường Tôn Đức Thắng dời đi nơi khác để kịp thi công Metro. Riêng liên quan tới dự án xây cầu Thủ Thiêm 2, dẫn tới việc phải đốn bỏ, di dời khoảng 284 cây xanh trên con đường này, hiện UBND TP.HCM chưa có quyết định cuối cùng. Người Đô Thị trao đổi với KTS Ngô Viết Nam Sơn về vấn đề còn bị bỏ ngỏ  này. 

14594122982016-03-31

KTS Ngô Viết Nam Sơn – ảnh: TL

Thưa ông, dược biết theo quy hoạch trước đây, cầu Thủ Thiêm 2 được xây ở vị trí khác với hiện nay… Vậy giá trị của cầu Thủ Thiêm 2 hiện nay là gì, phục vụ cho mục đích gì? 

Theo quy hoạch Thủ Thiêm năm 1972 (của Mỹ), Thủ Thiêm được nối với quận 1 thông qua kéo dài đại lộ Hàm Nghi và đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tôi cho rằng việc làm cầu theo trục Nguyễn Bỉnh Khiêm này là đã có ý không muốn gây ảnh hướng đến hàng cây xanh giá trị trên đường Tôn Đức Thắng. Và quan điểm của Mỹ lúc đó, có lẽ cây cầu này chiều rộng không nhiều, chỉ cần kết nối với Thủ Thiêm thôi chứ không làm một trục lộ giao thông lớn có thể tắc nghẽn giao thông ngay chân cầu.

Còn hiện nay, cầu Thủ Thiêm 2 dài gần 1,5 km, quy mô 6 làn xe, có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng – Lê Duẩn (quận 1) chạy dọc theo đường Tôn Đức Thắng vượt sông Sài Gòn và kết nối với Đại lộ Vòng cung (Tuyến R1) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Về vị trí cầu, tôi thấy rằng hiện nay Thủ Thiêm không phát triển được vì Thủ Thiêm chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 350m bờ sông thôi, nhưng để đi qua Thủ Thiêm thì phải đi một độ dài gấp 3-4 lần, phải đi vòng. Vì vậy, nếu như không có cây cầu Thủ Thiêm 2 thì Thủ Thiêm sẽ bị ảnh hưởng lớn trong sự thu hút đầu tư và phát triển, vì giá trị của Thủ Thiêm là nằm gần trung tâm thành phố mà hiện nay mình đi qua không được tiện lợi.

Như vậy, theo ông, vị trí quy hoạch cầu Thủ Thiêm 2 đi qua trục Tôn Đức Thắng như hiện nay có phù hợp không? Có nhất định phải chặt, di dời gần 300 cây xanh ở đường Tôn Đức Thắng, hay còn có giải pháp nào khác?

Hiện nay thành phố đã dời Tân Cảng và xưởng Ba Son rồi, thì độ thông thủy dưới cầu Thủ Thiêm 2 không cần nhiều lắm. Vì làm cầu khá rộng, cao và độ dốc kéo dài xuống như hiện nay nên mới phải chặt cây nhiều như vậy.

Tôi cho rằng, nếu đưa tiêu chí không chặt cây xanh vào thiết kế – điều mà người ta đã không làm từ đầu – thì mình còn nhiều giải pháp khác để chọn lựa, mà không phải chặt nhiều cây, trong đó xem lại thiết kế từ cầu, tuyến đường, cho đến trạm metro. Ở Sài Gòn không dễ tìm đâu ra một nơi có gần 300 cây cổ thụ như vậy, thành ra đó là nơi nên giữ.

Không biết bây giờ có muộn không, nhưng nếu được, chúng ta vẫn có thể tạm ngưng làm cầu Thủ Thiêm 2 và chọn phương án không chặt cây xanh, như vậy thì tôi nghĩ vẫn có thể tìm được phương án. Quan trọng là người quản lý có sẵn lòng làm như vậy hay không!

Đường Tôn Đức Thắng với hàng cây có tuổi thọ gần 100 năm là một trong những con đường rộng nhất, xưa nhất và xanh nhất của TP.HCM. Ảnh: Zing

Thưa ông, theo quy hoạch, Thủ Thiêm sẽ được kết nối với trung tâm kinh tế TP.HCM bởi 5 cây cầu và 1 đường hầm, trong đó hiện đã có cầu Thủ Thiêm 1 (Thủ Thiêm – Bình Thạnh) và đường hầm Thủ Thiêm (sông Sài Gòn)…

Quy hoạch Thủ Thiêm có 5 cây cầu, nhưng nó đều nằm xa lỏi trung tâm, mà giá trị của Thủ Thiêm là nằm gần lỏi  trung tâm hiện hữu nên cần có cầu bắc qua trung tâm hiện hữu. Trong 5 cây cầu quy hoạch này thì chỉ có cầu Thủ Thiêm 2 là giá trị nhất thôi.

Tuy nhiên tôi cho rằng, thiết kế cầu Thủ Thiêm 2 hiện nay không phù hợp với tính chất vị trí quan trọng này so với trung tâm đô thị. Chúng ta nên lấy thiết kế quy mô tỷ lệ tương tự như cầu bắc qua sông Seine (Pháp), như vậy phù hợp hơn, vừa không tốn nhiều kinh phí vừa có sự liên kết giữa hai bên trung tâm đô thị.

Theo tôi, nếu chúng ta giữ tinh thần quy hoạch giao thông trước đây của Mỹ cho Thủ Thiêm, thì có thể chọn xây cầu qua trục Tôn Đức Thắng 4 làn xe, nhỏ hơn hiện nay và tĩnh không không quá cao để ít phải chặt cây, và xây thêm cầu tại trục Hàm Nghi, cũng là đi trực tiếp từ lõi trung tâm Thủ Thiêm sang trung tâm hiện hữu, chiều dài tương tự cầu qua trục Tôn Đức Thắng, thì bài toán giao thông xử lý còn tốt hơn.

Thậm chí, khi xử lý giao thông ở đầu cầu Thủ Thiêm 2 nối theo trục Nguyễn Bỉnh Khiêm – Tôn Đức Thắng – Lê Thánh Tôn và bến Bạch Đằng tốt, kết hợp với giao thông qua cầu Hàm Nghi, thì chúng ta sẽ không cần xây đường ngầm Tôn Đức Thắng (theo quy hoạch, đường Tôn Đức Thắng sẽ được xây dựng thành đường ngầm, dành mặt đường bên trên để mở rộng không gian công cộng và công viên, mảng xanh dọc bờ sông – PV), mà mình vẫn giữ được hầu hết cây xanh.

Giải pháp khác thứ hai, tôi mong mỏi thành phố trưng cầu ý kiến của các kiến trúc sư, thậm chí là tổ chức cuộc thi thiết kế những cây cầu băng qua khu vực Thủ Thiêm 2, để chọn ra phương án giữ lại hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng. Và cho dù nếu sau đó không tìm được phương án nào khác phù hợp hơn, vẫn phải chặt cây, thì thành phố vẫn có được sự đồng thuận của người dân hơn.

Cám ơn ông!

Lê Quỳnh (thực hiện)

Nguồn: http://nguoidothi.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/tin-tuc-thoi-su-noi-bat/10163/van-co-phuong-an-khong-can-chat-cay-xanh-duong-ton-duc-thang.ndt

Comments are closed.