Văn đoàn độc lập Việt Nam: Sự kiện hay Cước chú?

Phùng Nguyễn

Các thành viên nhóm Văn đoàn Độc lập Việt Nam tại Sài Gòn.

Các thành viên nhóm Văn đoàn Độc lập Việt Nam tại Sài Gòn.

 

Sau biến cố “Luận văn Nhã Thuyên,” “Trường hợp Võ Phiến” của Thu Tứ trên báo Nhân Dân và những chi tiết chung quanh bản dịch The Spy Who Loved Us của Thomas Bass trên mạng Pro&Contra của Phạm Thị Hoài là những  sự kiện văn học đáng chú ý. Tuy nhiên, có thể nói một cách an toàn, những diễn biến gần đây nhất liên quan đến Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam (VĐĐLVN) có khả năng trở thành sự kiện văn học lớn nhất sau vụ “Luận văn Nhã Thuyên.” Lớn ở tầm ảnh hưởng cũng như ở những cơ hội mà sự kiện này có thể tạo ra.

Chỉ trong vòng ít hôm sau khi hai mươi nhà văn tuyên bố rút chân khỏi Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN), đã có một số ngòi bút tiếng tăm tham gia bình luận, phân tích cái được gọi là “Sự kiện Văn đoàn độc lập Việt Nam” này. Đa số các bài viết chỉ trích thái độ  “thiếu trưởng thành” của HNVVN khi các quan chức của hội đòi gạch bỏ những nhà văn, nhà thơ có tên trong Ban Vận động thành lập VĐĐLVN (BVĐ) ra khỏi danh sách đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc HNVVN lần thứ IX. Cách cư xử mang tính răn đe này đã vấp phải phản ứng mạnh của các nhà văn có tên trong “sổ bìa đen,” và kết quả là hàng chục người đã đồng loạt từ bỏ cái hội danh giá mà trong quá khứ họ đã phấn đấu hết mình để được thu nhận. Có thể nói đây là một cú đấm khá mãnh liệt vào uy tín của tổ chức này. Các quan chức của HNVVN, tuy vậy, có vẻ như đã không rút ra được bài học nào từ đó. Thay vì xem đây là một cơ hội tốt để rà xét lại cơ cấu tổ chức và những quy định lỗi thời của hội, họ tiếp tục sử dụng món vũ khí quen thuộc của những kẻ quen dựa hơi quyền lực. Theo báo Tuổi Trẻ Online, trong cuộc họp báo ngày 3 tháng 7 năm 2015 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch HNVVN Nguyễn Quang Thiều cho biết về những thay đổi điều lệ quan trọng với một phát biểu bí hiểm như sau:

“Thứ nhất, nội dung đủ tư cách vào hội vẫn giữ nguyên các điều kiện của điều lệ cũ nhưng bổ sung một điều: những người được kết nạp vào hội không được tham gia cùng một lúc hai tổ chức mà trong đó một tổ chức phạm pháp (tức là tổ chức chưa được Nhà nước, pháp luật công nhận). Đối với các hội viên đã là hội viên rồi mà tham gia vào tổ chức đó thì chỉ được quyền tham gia một trong hai tổ chức.”

Một cách liều lĩnh, người viết xin tạm “diễn nghĩa” theo cách hiểu thô thiển của mình như sau:

Nếu [muốn] là hội viên của HNVVN, không được tham gia VĐĐLVN bởi vì đây là một tổ chức phạm pháp.

Trước đó, trong đại hội HNVVN thuộc khối Công an Nhân dân được tiến hành ngày 21 tháng 5 năm 2015, các quan chức HNVVN cũng đã nhấn mạnh khía cạnh bất hợp pháp  của VĐĐLVN. Đáp lại cáo buộc của HNVVN, nhóm chủ trương của Ban Vận động thành lập VĐĐLVN đã lên tiếng phản đối trong bài “Hai câu hỏi gửi Ông Phó Chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam liên quan đến Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam” trên trang mạng Văn Việt (vanviet.info).

Trong hầu hết các bài viết liên quan đến VĐĐLVN, có một chi tiết quan trọng hình như đã né tránh được sự chú ý của các tác giả. Đó là “Lư sơn chân diện mục” của văn đoàn này. Trước hết, chưa hề có một tổ chức hợp pháp hay bất hợp pháp nào mang tên “Văn đoàn độc lập Việt Nam” đang chính thức hoạt động. Không có gì khó khăn để nhận ra cái khả năng VĐĐLVN được chính quyền CSVN cấp giấy phép gần với số 0 hơn bất cứ con số nào khác. Nhưng ngay cả khi không phải đếm xỉa đến khía cạnh pháp luật, BVĐ cũng có vẻ như không hề vội vã trong việc trình làng văn đoàn này để công khai hóa danh sách ban chấp hành và hội viên. Trong bài phỏng vấn gần đây nhất, khi được hỏi về những hoạt động sắp tới,  nhà văn Nguyên Ngọc có đề cập đến các giải thưởng văn học cũng như một số tiêu chuẩn khá lõng lẽo dành cho hội viên tương lai nhưng đã không hứa hẹn gì về chuyện khi nào sẽ chính thức ra mắt văn đoàn. Như vậy, hợp pháp hay bất hợp pháp, VĐĐLVN trên thực tế chỉ là một sản phẩm đang được thai nghén, và ngày khai hoa nở nhụy còn chưa được các bậc sinh thành xác nhận. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ là VĐĐLVN, trong khi chưa hề hiện hữu, đã có thể gây ra một số tác động quan trọng lên môi trường sinh hoạt của giới cầm bút trong, và, một cách hạn chế hơn, ngoài nước. Đây là một hiện tượng  thú vị, và những lý giải cho hiện tượng này có thể tìm thấy ở trang mạng Văn Việt.

Trong một chừng mực nào đó, BVĐ đã áp dụng một số kinh nghiệm học hỏi được từ các tổ chức tiên phong trong phong trào “xã hội dân sự” (như mạng Bauxite Việt Nam chẳng hạn) trong khi dọ dẫm, thử thách các ranh giới mù mờ của luật pháp hiện hành. Chỉ một thời gian rất ngắn sau khi tuyên bố sự ra đời của BVĐ, trang mạng Văn Việt được xây dựng và đưa ngay vào hoạt động. Bằng cách này, những người chủ trương đã biến VĐĐLVN từ một dự phóng cho một tương lai chưa rõ nét trở thành một thực thể sống động của thì hiện tại. Mạng Văn Việt đã mang đến cho bạn đọc trong ngoài nước nhận thức về sự có mặt của một tổ chức có tên gọi là VĐĐLVN cùng với phương châm hành động của nó.

Ngay từ lúc mới xuất hiện, mạng Văn Việt đã có những nỗ lực theo sát với đường hướng vạch ra trong tuyên bố của BVĐ  về một “nền văn học đích thực.” Chuyên đề “Văn Học Miền Nam 54-75” trong đó  việc giới thiệu các ngòi bút có tên trong danh sách “biệt kích văn nghệ” của miền Nam cũng như các bài viết nhằm phê phán chính sách hủy diệt văn học miền Nam của chính quyền CSVN trong những năm 70 và 80 thế kỷ trước đã giúp xóa đi phần nào những hoài nghi nếu có về mục đích của VĐĐLVN đối với một số độc giả. Đây là một thắng lợi đáng kể cho một tổ chức chưa chính thức chào đời! Tháng 3 năm 2015, mạng Văn Việt, được nhìn nhận như là tiếng nói chính thức của VĐĐLVN, đã cho xuất bản 2 tuyển tập văn xuôi trên hệ thống Amazon.com nhân kỷ niệm một năm ngày chào đời của BVĐ, hoàn toàn tảng lờ hệ thống kiểm duyệt của nhà cầm quyền Việt Nam trong chiều hướng nhằm khẳng định quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đề cập trong tuyên bố của BVĐ. Gần đây nhất (đầu tháng 6/2015) là việc BVĐ ra thông báo tổ chức giải Văn học thường niên dành cho các bộ môn Thơ, Văn xuôi, và Nghiên cứu Phê bình. Đây là một bước đi “chiến lược” nhằm, bên cạnh các mục tiêu khác, thử thách giá trị văn học của các giải thưởng của HNVVN và các hội nghệ thuật khác do nhà nước chỉ đạo và tài trợ. Thêm một điểm son cho nỗ lực hướng đến một nền văn học Việt Nam đích thực của BVĐ! Tuy nhiên, sự kiện đáng chú ý này, trong khi nhận được nhiều phản ứng thuận lợi, đã gợi ra một số câu hỏi về sự “hợp cách” của BVĐ trong việc đứng ra tổ chức các giải văn học thường niên. Có ý kiến cho rằng BVĐ đã vượt ra khỏi giới hạn chức năng chính yếu của mình bằng cách gánh vác những trách nhiệm lẽ ra nên thuộc về tổ chức mà BVĐ có trách nhiệm đưa vào hoạt động một cách chính thức, VĐĐLVN.

Không khó khăn lắm để giải thích việc BVĐ không hề gấp gáp trong việc cho ra mắt VĐĐLVN. Trong bài “Hai câu hỏi gửi ông Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam liên quan đến Ban Vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam” đề cập ở trên, câu hỏi “Ban Vận động Văn đoàn độc lập được lập ra nhằm chuẩn bị cho việc lập Văn đoàn tương lai, có phải là ‘tổ chức bất hợp pháp?”’ được dùng để thách thức cáo buộc của các quan chức HNVVN về khía cạnh “bất hợp pháp” của BVĐ cũng như tổ chức “tương lai” có tên VĐĐLVN. Xem ra ngay cả hệ thống pháp luật của nhà cầm quyền VN cũng không khỏi lúng túng trong việc  công khai từ chối hay công nhận quyền sinh hoạt của VĐĐLVN hoặc của một hội đoàn phi chính phủ tương tự. Bởi vì chính quyền chưa công khai xác định tư cách pháp lý (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) của nó,  BVĐ có thể hạn chế đến mức tối đa những va chạm trực tiếp với các thế lực trấn áp của nhà nước. Trong khi đã có một số chứng cớ về việc gây áp lực cũng như sách nhiễu áp đặt lên một vài thành viên BVĐ, chưa có ai trong số họ bị bắt giữ về tội tham gia một tổ chức bất hợp pháp. Trong thời gian này, với VĐĐLVN  vẫn chỉ là một hội đoàn “tương lai,” BVĐ có thể tiếp tục lèo lái con thuyền Văn Việt dọc cái biên giới mù mờ của pháp luật, vốn, một cách khá oái ăm, được thiết kế để phục vụ trước hết giới thống trị. Đây là một lợi thế không dễ từ bỏ, đặc biệt nếu phải tính đến những hiểm nghèo mà các thành viên BVĐ có thể phải đối diện. Nhưng liệu việc giữ VĐĐLVN trong dạng thai nhi có phải và có nên là giải pháp lâu dài cho BVĐ? Làm thế nào một nền văn học “đích thực” có thể thành hiện thực nếu một hay nhiều thi văn đoàn độc lập gồm những hội viên là những nhà văn, nhà thơ độc lập không bao giờ có cơ hội chào đời, bất kể được hay không được nhà nước ban phép lành?

Trong những ngày tháng sôi nổi nhất của sự kiện “Văn đoàn độc lập,” HNVVN, do tư thế “không độc lập” của nó, đã một cách dễ dàng trở thành mục tiêu “ném đá” của nhiều nhà bình luận và, ở nhiều khía cạnh, nó xứng đáng bị như thế. BVĐ, tuy vậy,  cũng không tránh khỏi bị phê phán về một số phương diện. Có thể nói, trong khi nghiêng cảm tình về phía VĐĐLVN, không ít những người  quan sát trong và ngoài nước muốn được nhìn thấy sự minh bạch và nhất quán giữa chủ trương và hành động của BVĐ. Tựa đề bài viết “Bạn muốn gì ở Hội Nhà văn Việt Nam?” của nhà văn Phạm Thị Hoài có thể dễ dàng đổi thành “Bạn muốn gì ở Ban Vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam?” mà không phương hại nhiều đến sự gắn bó của nó với nội dung của bài.

Ngày 14 tháng 8 năm 1980, một tổ chức độc lập, phi chính phủ có tên “Công đoàn Đoàn kết” chính thức chào đời ở bãi đóng tàu Gdansk mà không cần đến tấm giấy phép hoạt động của chính quyền CS Ba Lan. Một sự kiện lịch sử trọng đại đã bắt đầu như thế.
* Blog của nhà văn Phùng Nguyễn là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


Phùng Nguyễn

Nhà văn Phùng Nguyễn sống và làm việc trong ngành IT ở Hoa Kỳ. Tác giả của 2 tập truyện ngắn Tháp Ký ỨcĐêm Oakland và Những Truyện Khác. Đồng sáng lập tạp chí văn chương mạng Da Màu (damau.org) và tham gia biên tập tạp chí này từ năm 2006.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/van-doan-doc-lap-vietnam-su-kien-hay-cuoc-chu/2863226.html

Comments are closed.