Về bức xúc nghệ thuật và bức xúc chính trị

Trần Tiễn Cao Đăng

TTCDTrần Tiễn Cao Đăng sinh 1965. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Nga Đại học Tổng hợp TPHCM. Nhà văn, dịch giả.

Rushdie có nói “Don’t waste your talent to serve your nation” (“Đừng phí phạm tài năng của bạn để phụng sự quốc gia”). Pamuk cũng nói một câu với ý tương tự như vậy. Tôi hiểu điều họ muốn nói, từ trong máu. Đó là một lựa chọn. Và “Hãy dùng tài năng của mình để phụng sự quốc gia” là một lựa chọn khác. Không có lựa chọn nào trong hai cái này là tốt hơn cái kia MỘT CÁCH TỰ THÂN. Nó đúng với RIÊNG TỪNG CÁ NHÂN MỘT. (Ở đây ta chỉ nói đến cá nhân nghệ sĩ, người sáng tạo nghệ thuật, chứ không nói đến cá nhân theo nghĩa công dân chẳng hạn, đó là chuyện khác). Và cái tôi muốn chống lại là BẤT CỨ THỨ NÃO TRẠNG NÀO coi một trong hai cái đó, Ở TỰ THÂN NÓ, là tốt hơn cái kia, đúng hơn cái kia. Chỉ có vậy.

Và do vậy, sự lựa chọn giữa “văn dĩ tải đạo” và “văn chương thuần túy” không chỉ là vấn đề đóng khung trong khuôn khổ Việt Nam. Nó là một trong những vấn đề cốt tử mà người sáng tạo nghệ thuật ở bất cứ nước nào, thời nào, cũng đều có thể phải đối mặt. Và những lực cản đối với người nghệ sĩ chọn con đường “vị nghệ thuật” đâu phải chỉ đơn giản là các chế độ chính trị. Đó có thể là chính một số nghệ sĩ đồng nghiệp của anh (không phải chỉ loại nghệ sĩ làm quan như ở quê ta, nói rõ là vậy). Đó có thể là một bộ phận công chúng sẵn sàng lên tiếng một cách cứ như thể họ đại diện cho chân lý. Vân vân và vân vân. 

Và khi một nghệ sĩ bức xúc nghệ thuật trong khi phần lớn mọi người quanh anh ta bức xúc chính trị, đương nhiên anh ta sẽ cô độc, thậm chí bị cô lập. Nhưng chẳng phải nghệ sĩ, thứ nghệ sĩ luôn luôn bức xúc nghệ thuật đến mức cao độ, thì luôn luôn không nhiều thì ít là một kẻ cô độc, một thứ xa lạ, thậm chí là một con chiên ghẻ đối với bầy đàn, bất kể anh ta đang ở nước nào và thời nào hay sao? Nếu đó là lựa chọn của anh ta, anh ta chấp nhận cái hoàn cảnh ấy, đơn giản có vậy.

Điều lành mạnh là anh lựa chọn con đường phù hợp với bản chất sâu xa nhất của anh. Nếu bản chất sâu xa nhất của anh bảo anh hãy theo con đường phụng sự quốc gia, cụ thể là bằng cách dấn thân vào hành động chính trị, anh hãy làm theo nó, đi làm chính trị. Thế là lành mạnh, và đẹp. Và nếu bản chất sâu xa nhất của anh bảo anh rằng dù có chuyện gì xảy ra với anh đi chăng nữa, anh đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ sáng tạo của anh, anh hãy làm theo nó, kiên trì sáng tạo. Thế là lành mạnh, và đẹp. 

Sẽ không lành mạnh, sẽ xấu xí, khi anh đi theo một con đường nào đấy vì anh bị người ta bắt buộc làm thế, hoặc anh làm thế vì nghe theo những tiếng nói khác không sâu thẳm bằng tiếng nói từ trong nội thể anh.

Khi anh kiên trì theo con đường sáng tạo nghệ thuật, và khi anh va phải đủ thứ bức tường, trong đó có bức tường chế độ toàn trị (nhưng không phải chỉ có nó), anh chiến đấu chống lại nó theo cách của mình, để bảo toàn tự do của tư tưởng mình, đấy là anh đang hành động “chính trị”. Lịch sử văn chương/nghệ thuật thế giới đầy ắp những ví dụ về chuyện đó. 

Đương nhiên là không ai có thể sống ngoài/sống trên chính trị. Cũng như không ai có thể đứng ngoài thời gian. Nhưng đương đầu với nó có nhiều cách. Toàn bộ vấn đề là ở chỗ anh chọn cách nào phù hợp nhất với mình. Đơn giản có vậy.

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.