Về đề nghị xử lý MC Trác Thuý Miêu

Lê Học Lãnh Vân

Tôi chưa kết bạn với Facebooker Phương Vu, chưa đọc stt của cô “có đăng tải nội dung liên quan đến việc các sinh viên, cán bộ Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương vào TP.HCM chi viện cho công tác phòng chống dịch COVID-19” mà Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do yêu cầu xem xét, xử lý vì cho rằng “có dấu hiệu gây mâu thuẫn” (Tuổi Trẻ online, ngày 10/7/2021, bài “Đề nghị xử lý MC Trác Thúy Miêu đăng bài trên Facebook có dấu hiệu gây mâu thuẫn, kích động”). Sự việc khiến tôi biết Phuong Vu chính là Trác Thuý Miêu, một MC có tiếng.

1) Bài báo trên trích đoạn viết của Trác Thuý Miêu: “Mấy em tình nguyện viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương ơi, đoàn mấy trăm người chắc chắn có người này kẻ khác nhưng giờ nói gộp luôn cho lẹ.

Sinh viên Y dược Sài Gòn, kể cả tình nguyện viên từ thanh niên, nghệ sĩ, y bác sĩ, khỏi có ở đâu rần rần máu chiến như Sài Gòn. Tụi em nhắm học hỏi, cảm thụ được thì làm, còn cà chớn như cách tụi em đã làm ở Gò Vấp thì ở chơi thêm mấy bữa cho biết rồi về, Sài Gòn đang bận dữ lắm…

Những dòng trích trên nói lên cách quan sát và nhận xét của Trác Thuý Miêu, một người tại chỗ, đối với đoàn sinh viên, cán bộ Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Đọc những dòng trên tôi cảm nhận người viết không có cảm tình với đoàn người kia tới từ đất Bắc cách ngàn rưỡi cây số, nhưng không thấy bài viết gây mâu thuẫn hay kích động gì cả. Gây mâu thuẫn là khi bài viết chỉ ra những khác biệt không thể dung hợp nhau giữa hai miền, gây kích động là khi kêu gọi hai miền thù ghét, hay xúi giục đánh giết nhau. Những dòng viết của Trác Thuý Miêu chỉ nói về cách tổ chức, cách làm việc của một đội công tác, không hề động tới vấn đề vùng miền!

2) Bên trên là cảm nhận của tôi đối với những dòng viết của Trác Thuý Miêu. Người khác có thể cảm nhận khác. Nói về cảm nhận cá nhân thì không có đúng hay sai, chỉ có cảm nhận đó phù hợp ít hay nhiều với số đông trong cộng đồng. Về cảm nhận, người ta có thể trao đổi nhau, lắng nghe nhau, nhưng không thể lấy cảm nhận của mình để nói cảm nhận người khác là đúng hay sai.

Chính vì vậy, không thể dựa trên cảm nhận của bất kỳ ai để xử phạt. Tôi chắc chắn rằng phần rất đông các quốc gia trên thế giới không cho phép xử phạt như thế.

Tôi cũng chắc chắn rằng tại nhiều nước trên thế giới, trước khi ra một quyết định, hệ thống công quyền tìm hiểu ý muốn người dân, sau khi quyết định được ban hành họ lại tìm hiểu nhận xét, phê phán của người dân. Châm ngôn của họ là: không có phê phán nào là ngu dốt, không có nhận định nào là ngu dốt. Phê phán, nhận định nào cũng có ích cho cộng đồng.

Các quyết định được đưa ra phải phù hợp với ý muốn của người dân, các điều chỉnh cần thiết phải được tiến hành phù hợp với nhận xét của người dân.

Không có nhân viên công quyền nào dám công khai làm ngược với nguyên tắc này!

3) Như phân tích trên, về lý đương nhiên (common sense) không thể phạt Trác Thuý Miêu. Nhiệm vụ của Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin Truyền thông là bảo vệ và xiển dương trong dân chúng tình đồng bào, lòng yêu thương và tôn trọng nhau giữa vùng miền trong khi vẫn giữ tính đa dạng. Khi văn hoá tốt đẹp đó được lan truyền trong dân chúng, luận điệu phân chia, thù địch sẽ bị quay lưng và phê phán, phê phán trong tinh thần xây dựng, trong thái độ thảo luận tôn trọng con người. Phong hoá tốt đẹp của một xã hội chỉ có thể được giữ gìn bởi nội lực văn hoá của người dân, chứ không thể bởi các lệnh cấm đầy cảm tính một cách bắt cóc bỏ dĩa! Gần nửa thế kỷ cầm quyền toàn diện, các bộ không thể chối từ trách nhiệm kiến tạo một xã hội với văn hoá lành mạnh phù hợp đà tiến bộ nhân loại.

Nay, một tút như của Trác Thuý Miêu mà phải xử phạt thì xã hội người Việt có không tính miễn dịch văn hoá để bảo vệ tình đồng bào? Một xã hội như thế phải chăng là rệu rã, bởi vì dân trí không đủ tầm để bảo vệ và xiển dương những giá trị đạo đức cao đẹp trong môi trường tự do, dân chủ? Cho nên lúc nào cũng cần các biện pháp xử lý, phạt. Xã hội đó có giống không lớp mẫu giáo với đám trẻ lên ba sợ hãi nhìn cây roi? Một xã hội như vậy e rằng sự ổn định chỉ là tạm thời bởi chất keo liên kết các thành phần không đủ bền chắc khi biến cố lớn xảy ra.

Xã hội đó đã thoát khỏi chưa nỗi đau và nỗi lo của Tản Đà gần trăm năm trước: “nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”?

Ngày 10 tháng 7 năm 2021

Comments are closed.