Về nhạc Bolero

Chu Mộng Long

Nhạc Bolero, còn gọi là nhạc sến, phổ biến thời Việt Nam Cộng hòa, có khác gì Thơ Mới 1932 – 1945?

Việc cấm nhạc Bolero sau năm 1975 có khác gì người ta cũng từng cấm Thơ Mới cho đến sau đổi mới. Vẫn một lí do cấm: ủy mị, chán đời, tiêu cực, phản động của tầng lớp trí thức tiểu tư sản.

Thơ Mới dù ảnh hưởng thơ Tây, nhưng hình thức vẫn dựa vào điệu thơ cổ: từ thơ dân gian đến thơ Đường luật, cổ phong, hát nói…

Nhạc Bolero dù gốc Nam Mỹ nhưng được Tây Ban Nha hóa, Pháp hóa rồi Việt Nam hóa theo âm hưởng dân ca Nam Bộ.

Thơ Mới được đánh giá là hiện đại hóa thi ca Việt Nam, tại sao nhạc Bolero lại bị xem là thụt lùi trong sự vận động của âm nhạc Việt Nam?

Loại nhạc đỏ ngoài Bắc thực chất từ đâu mà ra? Là thể loại nhạc hành khúc, hoàn toàn ngoại lai, ngoại lai đến mất gốc, vì âm nhạc cổ truyền không có thể loại nào mang âm hưởng như thế. Điệu của nó hoàn toàn của Tây được du nhập qua con đường Liên Xô. Do có sự hỗ trợ chính trị, nó từng có sức mạnh đánh bạt luôn nhạc tiền chiến thời Đông Dương. Sau 1975, dòng nhạc này có tham vọng thống trị luôn cả miền Nam bằng các lệnh cấm, cũng giống như người ta từng cấm Thơ Mới để độc tôn thơ cách mạng. Đó là cũng là thời cải lương, hát xẩm, ca trù.. đều cùng chung một số phận.

Hiện nay, trào lưu quay lại nhạc Bolero, cũng như một thời người ta từng tái mê mẩn Thơ Mới, đã làm cho những kẻ mang máu độc tôn một thứ văn hóa nổi khùng.

Sự nổi khùng của giới văn nghệ đỏ càng chứng tỏ sự thất bại thảm hại của âm mưu xâm lược và độc tôn văn hóa của những kẻ độc tài. Không tôn vinh hành khúc nữa mà đem hát xẩm, ca trù cổ đại ngoài Bắc làm tiêu chuẩn để mạt sát dân ca và tân nhạc miền Nam càng thể hiện rõ sự vô lý của máu xâm lược và sự thống trị độc tài về văn hóa.

Âm nhạc cũng như nghệ thuật nói chung, các thể loại và phong cách tự nó đi tìm công chúng của nó, không thể áp đặt bằng ý chí quyền lực.

Tôi mê âm nhạc ở bất cứ thể loại nào. Âm nhạc chỉ có hay và dở chứ không phân biệt thể loại, vì các điệu khác nhau chỉ cho thấy sự đa dạng của tâm hồn, tính cách trong hình thức của nó.

Khi con người bị mất lòng tin, lý tưởng chỉ là thứ ngôn từ rổng rảng, con người không được chán đời, buồn đau, thậm chí buồn ỉa hay sao?

Văn hóa, như tôi đã từng viết trong nhiều bài, không bao giờ thuần nhất. Nó phải chấp nhận sự đa nguyên, tôn trọng những khác biệt. Trong cuộc tương tác đa nguyên đó, những gì dở ẹc hoặc không thuộc về tâm hồn, tính cách dân tộc tự nó bị đào thải không thể cứu vãn.

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/1831959123484989

Huỳnh Ngọc Chênh

Tui không thích Tùng Dương lắm, dù có thích một vài bài anh hát, tuy nhiên tui đồng tình với ý kiến của anh về nhạc Bolero.

Cả xã hội mà suốt ngày lên đồng với “đời tôi cô đơn yêu ai cũng cô đơn” thì đúng là xuống cấp về trình độ cảm thụ âm nhạc.

Cải lương ở miền Nam thời hoàng kim là thời của Út Trà Ôn, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài… tuy mùi mẫn nhưng vẫn đầy nam tính. Đến thời Minh Vương rồi Kim Tử Long… nhè nhè nhựa nhựa sến sựa cùng với môi chẻ cằm lẹm thì nó xuống cấp đến tệ hại như bây giờ. Cải lương đi vào đường cụt như vậy do một thời quá nuông chiều thị hiếu quần chúng, mà thị hiểu quần chúng không phải lúc nào cũng đúng.

Bolero không phải là dòng nhạc thấp, tuy nhiên vẫn có khuynh hướng Bolero rất sến sựa, từ ca từ đến cách thể hiện, mà trước đây đã không còn chỗ đứng ở miền Nam, bây giờ lại được phục hoạt để chiếm lĩnh các sân khấu ca nhạc và một số diễn đàn truyền thông vì chạy theo thị hiếu đám đông.

Loại ca hát nầy chiếm lĩnh sân khấu và cuốn hút quá nhiều người quả là điều đáng ngại.

Rất cần những tiếng nói phản biện hoặc cảnh tỉnh như Tùng Dương, Quốc Trung…

https://www.facebook.com/search/top/?q=huynh%20ngoc%20chenh\

Comments are closed.