Về sự trưởng thành ý thức của con người

Thái Kế Toại
Nhân câu chuyện cậu bé Chu Ngọc Quang Vinh, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 14 năm 2024 có phát ngôn trên Fb đang gây tranh cãi tôi nghĩ đó là hiện tượng trưởng thành của ý thức con người. Điều quan trọng là em đã dám nói lên sự trưởng thành ý thức của mình. Khoan hãy nói đến cái gọi là lòng yêu nước, sự vô ơn với đất nước hay không khi đặt em bên cạnh hàng trăm, hàng ngàn học sinh đã đoạt giải Olympia, đi học nước ngoài rồi không về nước. Sự trưởng thành của ý thức con người về mặt triết học là không nhỏ. Rất nhiều tác phẩm triết học, văn học, điện ảnh đã tìm cách giải đáp và diễn đạt nó.Tôi có hai ví dụ.
Ví dụ thứ nhất: Tiểu thuyết và phim truyện Balzac và cô thợ may Trung Hoa.
Tác giả của nó là Đới Tư Kiệt (chữ Hán: 戴思杰, Dai Sijie; sinh ngày 2 tháng 3 năm 1954 tại Thành Đô, Tứ Xuyên, TrungQuốc, một nhà văn và nhà làm phim người Pháp gốc Hoa.
Vì xuất thân từ một gia đình trí thức, Đới Tư Kiệt phải đi lao động cải tạo tại vùng nông thôn Tứ Xuyên từ năm 1971 tới năm 1974 trong Cách mạng Văn hóa. Sau khi trở về, ông hoàn thành chương trình phổ thông và học tiếp đại học chuyên ngành Lịch sử nghệ thuật.
Năm 1984, ông tới Pháp học theo chương trình học bổng và trở thành một nhà làm phim. Đới Tư Kiệt đã làm ba bộ phim truyện dài Chine, ma douleur, Le mangeur de lune và Tang, le onzième và nhận được nhiều lời khen. Ông cũng là đạo diễn cho bộ phim Balzac và cô thợ may Trung Hoa dựa theo chính tiểu thuyết của ông.
Hiện nay, Đới Tư Kiệt đang sống tại Paris.
Năm 1997 Đới Tư Kiệt đã vào Việt Nam làm đạo diễn cho bộ phim hợp tác giữa Điện ảnh Công An và Hãng Paris New York Production. Bộ phim làm trên kịch bản của ông có tên là Le onzième, lấy tên Việt Nam là Người thừa. Phim không được quay ở Trung Quốc vì nó là một thông điệp về bản tính cực đoan, hoang tưởng, gàn dở của người Trung Quốc. Bộ phim này có những cảnh quay rất đẹp ở Tam Cốc, Tràng An, Xuân Mai, Bản Muốn và Sa Pa. Những nhà sản xuất phim đã gửi phim tham dự và chiếu vòng ngoài tại Liên hoan phim Venise năm 1999.
Cuốn sách đầu tiên của Đới Tư Kiệt, Balzac và cô thợ may Trung Hoa xuất bản năm 2000 và sau đó dựng thành phim. Cuốn sách đã được dịch sang 25 thứ tiếng trên thế giới, nhưng bị cấm hoàn toàn tại Trung Quốc.
Cuốn sách thứ hai của ông Le Complexe de Di đã giành giải Femina năm 2003. Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa (tiếng Pháp: Balzac et la petite tailleuse chinoise) được dịch giả Lê Hồng Sâm chuyển sang tiếng Việt năm 2004, Nhà xuất bản Văn học ấn hành.
Cuốn truyện kể về hai chàng thanh niên thành thị bị đưa về nông thôn cải tạo năm 1971 trong Cách mạng Văn hoá.
Nhân vật chính, “tôi” – người kể chuyện – và Lạc, bạn anh ta, được chuyển về một ngôi làng ở vùng xa xôi hẻo lánh của những sơn dân núi Thiên Phụng, một huyện lỵ nào đó gần sông Nhã Giang, ở Tứ Xuyên. Họ phải chở những xe phân lên lên xuống xuống trên những con đường núi lộng gió. Niềm an ủi duy nhất của họ là một cây vĩ cầm và về sau là cô con gái xinh đẹp của một người thợ may.
Cô gái mù chữ nhưng khao khát kiến thức và các chàng trai thề sẽ giúp cô thay đổi, lên kế hoạch đánh cắp chiếc vali chứa đầy tiểu thuyết phương Tây dịch bị cấm của Tứ Nhãn (Vương Hoành Vĩ), một anh chàng khác đang được cải tạo trong làng. Lạc bắt đầu đọc cho cô thợ may nghe mỗi ngày, bao gồm cả sách của Stendhal, Kipling và Dostoyevsky. Nhưng tác giả mà cô yêu thích nhất lại là Balzac.
Cô thợ may sớm phải lòng Lạc. Một ngày nọ, khi Lạc lên thành phố trong kỳ nghỉ phép hai tháng để thăm người cha ốm yếu, cô nói với anh rằng cô có một vấn đề nhưng không nói rõ hơn. Sau đó, cô tâm sự với Mã rằng cô đang mang thai, nhưng luật hạn chế dân số cấm kết hôn trước 25 tuổi và phá thai là bất hợp pháp nếu không có giấy đăng ký kết hôn. Mã đi đến thành phố để tìm một bác sĩ phụ khoa quen biết cha anh và cầu xin sự giúp đỡ của người này. Bác sĩ phụ khoa cảm động và đồng ý đến làng để thực hiện một ca phá thai bí mật. Khi Lạc trở về, cuộc sống lại tiếp tục như trước.
Tuy nhiên, một ngày nọ, cô thợ may, giờ đã hoàn toàn thay đổi bởi những tư tưởng mới mà Lạc và Mã đã giới thiệu cho cô, đột ngột quyết định rời làng để tìm kiếm “một cuộc sống mới”, bất chấp lời cầu xin từ ông nội cô và Lạc. Sau đó, vào năm 1974, Lạc và Mã đều trở lại thành phố. Lạc sau đó trở thành giáo sư tại một viện nha khoa ở Thượng Hải, trong khi Mã chuyển đến Pháp và trở thành một nghệ sĩ violin chuyên nghiệp. Vào cuối những năm 1990, khi biết tin việc xây dựng đập Tam Hiệp sẽ sớm làm ngập lụt ngôi làng mà anh đã ở đó ba năm, Mã quay trở lại với hy vọng tìm được cô thợ may một lần nữa. Tuy nhiên, những nỗ lực của anh đều vô ích và anh chỉ mang về một đoạn video ghi lại cảnh làng và người dân, trong đó có cả vị trưởng làng hiện đã già.
Phim Balzac và cô thợ may Trung Hoa đã được lựa chọn tham dự Liên hoan phim Cannes 2002 và được đề cử Giải Quả cầu vàng cho phim hay nhất 2003.
Vì có quen biết Đới Tư Kiệt nên tôi có lý giải tại sao giới văn học và điện ảnh Pháp hiện nay quan tâm đến những ý tưởng của ông. Balzac và cô thợ may Trung Hoa thể hiện rõ nhất sức lan tỏa của văn hóa Tây phương và sự trưởng thành của ý thức con người ở những xã hội mà trước đây người ta gọi là thế giới thứ ba, ví dụ như Trung Quốc hoặc Việt Nam chẳng hạn.
Ví dụ thứ hai: phim Thu Cúc đi kiện.
Thu Cúc đi kiện (giản thể: 秋菊打官司; pinyin: Qiū Jú dǎ guān sī; Hán-Việt: Thu Cúc đả quan ty) là một bộ phim của Trung Quốc phát hành năm 1992. Phim được đạo diễn bởi Trương Nghệ Mưu và diễn viên chính là Củng Lợi. Nội dung phim dựa trên tiểu thuyết ngắn Vạn gia tố tụng (萬家訴訟) của Trần Nguyên Bân.
Thu Cúc là một phụ nữ tá điền sống tại vùng nông thôn Trung Quốc cùng chồng là Khánh Lai. Cô đang ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Một ngày nọ, chồng cô cùng trưởng thôn Vương Thiện Đường xảy ra mâu thuẫn do hiểu lầm, khiến cho trưởng thôn đá mạnh vào hạ bộ của chồng cô. Cú đá mạnh tới nỗi Khánh Lai phải nghỉ việc vài ngày để gặp bác sĩ.
Thu Cúc tới sở cảnh sát địa phương để tố tụng, và sau đó trưởng thôn bị phạt phải trả 200 tệ cho Thu Cúc. Trưởng thôn ném tờ 200 tệ xuống đất và không chịu xin lỗi. Sau đó Thu Cúc cùng với em gái của chồng lên thành phố và gặp công an huyện, người hứa rằng vụ án sẽ sớm được xem xét. Tiền phạt của trưởng thôn tăng lên 250 tệ, nhưng trưởng thôn vẫn nhất quyết không nhận lỗi. Thu Cúc bèn quay lại thành phố và tìm luật sư.
Vụ án được xem xét lại, nhưng mức phạt vẫn là 250 tệ. Thu Cúc bất mãn với kết quả vụ kiện và quyết định lại gặp những người có chức quyền cao hơn để kiện tụng. Sau đó, một số viên chức cấp cao tới làng của Thu Cúc và đưa chồng của cô lên bệnh viện địa phương để chụp phim.
Thời gian thấm thoát trôi qua và mùa đông tới. Nhờ sự giúp đỡ của trưởng thôn, Thu Cúc hạ sinh một bé trai khỏe mạnh và sau một tháng, cô tổ chức tiệc mừng đầy tháng cho con trai. Thu Cúc mời cả trưởng thôn tới, nhưng ông không đến và cảnh sát địa phương thông báo rằng trưởng thôn đã bị bắt sau khi họ xem xét phim chụp của chồng cô có một chiếc xương sườn bị gãy. Đến cuối phim, Thu Cúc cố đuổi theo xe cảnh sát để ngăn chặn, nhưng đã quá muộn.
Bộ phim được quay tại tỉnh Thiểm Tây, lấy bối cảnh là một Trung Quốc hiện đại (năm 1992) và nhiều cảnh quay khá giống với một bộ phim tài liệu về một Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình.
Bộ phim được giới phê bình đánh giá cao và đã giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim khác nhau, bao gồm Giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venezia của Ý.
Bộ phim có khía cạnh khá lý thú là Trương Nghệ Mưu đã trình bày sự trưởng thành ý thức pháp luật về quyền sống và quyền được bảo vệ ở một người đàn bà thân phận nhỏ bé trong xã hội Trung Quốc. Tất nhiên là phim là sự dự báo về sự vận động của xã hội Trung Quốc sau này.
Chỉ xin nêu hai ví dụ đơn giản để các bạn bình tĩnh đối chứng với sự việc đã nêu ở đầu bài. Nhưng để hiểu nó sinh động hơn các bạn hãy tìm xem phim trên mạng, dễ tìm thôi.
Tháng 9-2024

Sách Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa

Kịch bản phim Người thừa ở Điện ảnh Công an

Tác giả và Đạo diễn Đới Tư Kiệt

Comments are closed.