Vụ ném đá “Sách tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”: Dư hoạ của sự độc quyền sách giáo khoa thời toàn trị (kỳ 1)

Hoàng Hưng

VỤ NÉM ĐÁ KHÓ HIỂU?

Tôi thực sự sững sờ khi thấy vụ ném đá ít ngày nay quanh cuốn “Sách tiếnng Việt lớp 1 CNGD” trên mạng. Xoay quanh vài chi tiết, tập trung nhất là CÁCH ĐÁNH VẦN, đọc C,K, Q là “CỜ”, đọc D, GI, R là “DỜ”, mà có thể gây bão, lôi cuốn cả một số Facebooker bạn bè và những nhà phản biện, đấu tranh dân chủ mà tôi quý. Từ chuyện ĐÁNH VẦN rất chuyên môn hẹp của ngành ngôn ngữ và sư phạm, không mấy quan trọng với việc học tiếng Việt. Xưa nay đã qua bao nhiêu lối đánh vần, từ kiểu dập theo alphabet tiếng Pháp – cực kỳ vô lý với tiếng Việt nhưng vẫn sống nhăn từ thời Pháp sang thời Việt Nam Cộng hòa ở Nam và thời Dân chủ Cộng hòa ở Bắc: “en giê hát i nghi ê nghê ne giê -> nghiêng” – rồi lối “truyền bá quốc ngữ” những năm 1940 được phát triển sau 1945 do phong trào”xoá nạn mù chữ, bình dân học vụ” ở vùng kháng chiến và miền Bắc sau 1954: “i ê ngờ iêng, ngờ (kép) iêng – > nghiêng”; giờ đây thì pha trộn loạn xà ngầu: FPT = ep pê tê, nhưng FLC lại là = ép lờ xê!!! Vô lý thế mà chả ai lên tiếng! Vậy mà mấy vị CNGD muốn đổi cách đánh vần vài chỗ thì lại… gây bão???

Thử so sánh 1 chữ nhé:

QUỐC:
– Cách “Tây”: cu-u-ô-quô (âm “quô” này không phát được, nên thực tế phát thành “quơ”, đó chính là sai lầm từ gốc do ghi âm theo Tây (các cụ Đạo TK17) nhưng đã thành thói quen nên chịu)- xê- quốc – sắc- quốc.
– Cách “i, t”: u-ô-cờ-uốc- cu- uốc-quốc-sắc-quốc (lưu ý: ở đây chữ cái Q được đánh vần tách riêng, trong khi ở những chữ như QUA thì lại đánh vần: quờ-a-qua (tức là ghép Q với U thành “quờ”)
– Cách CNGD: cờ-uốc-cuốc (Q đọc là Cờ).

Cách nào ĐÚNG ngữ âm tiếng Việt hơn? Cách nào HAY hơn (hay có nghĩa là “vừa đúng” vừa “dễ học”). Câu trả lời xin mời các chuyên gia ngữ âm và sư phạm. Tôi là thầy giáo dạy ngữ văn nhiều năm, dạy “xoá mù chữ” dăm năm, nhưng cũng không dám tự tin để “ý kiến”, vì tôi tin rằng: BÀN VẤN ĐỀ KHOA HỌC PHẢI ĐỂ GIỚI KHOA HỌC, ta NGOẠI ĐẠO chỉ nêu thắc mắc, vấn đề. Nhưng ít ra, có thể thấy cách CNGD có lý của nó, nếu so với hai cách cũ cũng có lý và… vô lý!

Vậy thì chuyện KHÔNG LỚN ấy sao thành BÃO (bão trong ly nước)?

CŨNG HIỂU ĐƯỢC

Xét trong bối cảnh tinh thần “cảnh giác” cao độ dân ta trước bất cứ hiện tượng nào, nhỏ nhất, thấp thoáng âm mưu “Hán hoá” văn hoá, vì mưu mô ác hiểm của Tàu + và sự khăng khăng “4 tốt” của (không biết là bao nhiêu % lãnh đạo ta); và luôn săm soi bất cứ gì của “nhà nước” ban ra, vi quá mất tin tưởng rồi. Tưởng Nhà Nước nên qua đấy biết lòng dân mà xem lại mình.

Cho nên có thể hiểu cơ sở tâm lý xã hội của phản ứng dữ dội vụ “Sách tiếng Việt lớp 1”, mà tôi đã trao đổi ôn tồn với vài bạn mà mình quý trọng vì có tinh thần đấu tranh, nhưng thấy chưa ổn, nên giờ viết hẳn ra vậy.

Comments are closed.