Vụ ném đá “Sách tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”: Dư hoạ của sự độc quyền sách giáo khoa thời toàn trị (kỳ 3)

Hoàng Hưng

TẤT CẢ TỘI LÀ Ở BỌN ĐỘC QUYỀN!

Thưa các bạn đã ưu ái theo dõi bài viết của tôi (dù ủng hộ hay phản đối, thậm chí chửi bới)!

Vấn đề sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục không phải là chuyện lớn trong tình hình nước sôi lửa bỏng của đất nước trước nguy cơ mất chủ quyền vào tay Tàu Cộng (mới nhất là nguy cơ “Nhân dân tệ hoá” nền kinh tế mà chúng tôi sắp lên tiếng), nên xin phép kết thúc nhanh chuyện này.

TẠM KẾT LUẬN VỀ ĐÁNH GIÁ SÁCH TIẾNG VIỆT LỚP 1 CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC:

– Sách có tham vọng đưa một phương pháp dạy tiếng Việt khác với sách giáo khoa chính thống của Bộ Giáo dục, không chỉ là chuyện học đọc, viết đúng, mà còn luyện cho học sinh tư duy phân tích khoa học (ngôn ngữ), để tự mình xây dựng kiến thức. Tham vọng ấy đúng hay sai, có thực hiện được không, tạm thời không bàn tới.

– Sách có những sai sót đáng tiếc đã được cộng đồng mạng phát hiện (có thể còn chưa hết), phải được chỉnh sửa.

– Riêng chi tiết về  cách “đánh vần” (c/k/q đều phát âm là “cờ” theo âm vị [k],…) còn có sự tranh cãi, nhưng không phải chuyện quá quan trọng, càng không liên quan gì đến việc thay đổi chữ viết của ông họ Bùi!!!

– Sách đã qua thử thách hàng mấy chục năm, cũng đã được Hội đồng chuyên môn Bộ Giáo dục xét duyệt, nếu không tốt hơn sách Bộ Giáo dục thì cũng không tác hại đến mức phải huỷ bỏ.

VẤN ĐỀ ĐỐI XỬ VỚI SÁCH TIẾNG VIỆT LỚP 1 CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC MỚI LÀ “VẤN ĐỀ”!

Ở các nước văn minh dân chủ, soạn và xuất bản sách giáo khoa là quyền TỰ DO, nằm trong quyền thiêng liêng TỰ DO NGÔN LUẬN, TỰ DO HỌC THUẬT. Nhà nước chỉ thống nhất các CHUẨN MỰC mà học sinh phải đạt được (như Hoa Kỳ), và có thể thống nhất một CHƯƠNG TRÌNH chung (như Pháp, Anh…). Chỉ có các nước cộng sản với hệ thống độc quyền toàn trị, mới coi sách giáo khoa là “pháp lệnh”, chỉ cho một bộ sách giáo khoa độc nhất do Bộ Giáo dục soạn và từ đó có một NXB duy nhất (NXB Giáo dục).

Ở chế độ dân chủ, thì GS Hồ Ngọc Đại, thầy giáo Phạm Toàn cứ việc soạn sách giáo khoa theo ý mình, trường nào thích, giáo viên nào thích thì cho học sih học theo. Thật đơn giản!

Nhưng ở Việt Nam, muốn được phổ biến, buộc phải DỰA DẪM vào quyền lực của ai đó, như 40 năm xưa sách tiếng Việt Thực nghiệm đã phải dựa. Khi “quyền lực” ấy mất, thì sách cũng toi! Nay lại lặp lại, mấy năm trước, sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục đã được ông Bộ trưởng tiền nhiệm ủng hộ, chính ông đã tìm cách “lách luật” (luật qui định chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất) để sách lại được đưa vào “thử nghiệm”. Nay đến Bộ trưởng mới, thì…???

Đã có sự tố cáo rằng: sự ủng hộ của Bộ trưởng tiền nhiệm đã dẫn đến tình trạng: một số quan chức Bộ bèn lợi dụng, móc nối với Trung tâm Công nghệ Giáo dục để “đầu tư” vào sách, bèn cho sách được thử nghiệm rộng rãi.

Người viết bài này cho rằng, chính màu sắc “lợi ích nhóm” này đã làm mất giá những nỗ lực về khoa học của các thầy giáo đáng kính, tuy trong thực tế Việt Nam, rất đau buồn là các nhà khoa học muốn công trình của mình được phổ biến lắm khi cũng… đành chấp nhận một kiểu “liên minh ma quỷ”.

DỰ KIẾN ĐÁNG SUY NGHĨ

Một số bạn “thạo tin” trong ngành giáo dục cho biết: Bộ Giáo dục sắp cho ra sách tiếng Việt chính thức của Bộ. Không vô cớ mà từ hơn một năm nay, bắt đầu xuất hiện những bài phê phán nặng lời sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục trên hệ thống truyền thông chính thống. Từ đó loang ra mạng xã hội.

Có thể chỉ là thuyết “âm mưu”, nhưng không thể không liên tưởng đến Bộ Giáo dục tổ chức “hội thảo khoa học” vào đầu những năm 2000, nhằm xoá bỏ 20 năm “thực nghiệm” của sách giáo khoa Hồ Ngọc Đại do Bộ trưởng cũ ủng hộ.

Cái đáng lo nhất không phải là bản thân vụ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục, mà qua đó, là câu hỏi: VỚI CƠ CHẾ VÀ TRUYỀN THỐNG ĐỘC QUYỀN, TỚI ĐÂY, SẼ CÓ MẤY BỘ SÁCH GIÁO KHOA CẠNH TRANH NỔI VỚI SÁCH GIÁO KHOA DO BỘ SOẠN, ĐỂ ĐƯỢC CHẤP NHẬN DẠY TRONG NHÀ TRƯỜNG?

KẾT LUẬN CHUNG: NHANH CHÓNG XOÁ BỎ ĐỘC QUYỀN SÁCH GIÁO KHOA, CŨNG NHƯ ĐỘC QUYỀN MỌI LĨNH VỰC – VĂN HOÁ, KINH TẾ, CHÍNH TRỊ – LÀ LỐI THOÁT DUY NHẤT CỦA ĐẤT NƯỚC! 

Comments are closed.