Yêu nước

Nguyễn Quang Thạch

clip_image002

Các loại tổn thương tâm lý trong xã hội Việt Nam cứ kéo dài và xảy ra triền miên không dứt. Các nhóm tổn thương trong Cải cách ruộng đất không thể hồi sức thì đến nhóm bị giết, bị oan… trong chiến tranh hai miền. Rồi vô số gia đình có người thân bỏ mạng khi vượt biên sau 1975.

Xã hội phát triển nóng, hệ quy chiếu cho thành công là tiền bạc và quan vị, lại gây ra bao nhiêu là loại tổn thương.

Khi bị tổn thương tâm lý, người ta trở nên sợ hãi, người ta trở nên thực dụng, người ta mất niềm tin và cuộc sống và con người… Số người vượt qua các chấn thương tâm lý, thực tế không nhiều. Chỉ những người có tri thức hoặc trải nghiệm đủ lớn mới có sức mạnh bước tiếp trong đời sống với sự lương thiện và lòng kiêu hãnh. Số người bị tổn thương đủ sức mạnh để vượt qua chấn thương của mình và có lòng tốt để yêu cuộc đời này hơn cũng như dang rộng bàn tay giúp đỡ người khác là của hiếm nhưng lại là cảm hứng cho vô số con người.

Trong cái giá lạnh của Miền Bắc đêm nay, tôi hồi tưởng những câu chuyện được kể từ khi 4 tuổi về sự khốn cùng mà những người thân của tôi bị đày đọa trong Cải cách ruộng đất. Hình ảnh mẹ tôi, một cô gái 12 tuổi phải đằm mình trong sông Ngàn Phố giữa đêm giá rét để bắt tôm cá kiếm gạo cách đây 62 năm quả thật là kinh khủng. Hôm trước, tôi đi qua chợ Gôi của xã Sơn Hòa, hình ảnh bà huyện Hoàng nhặt xương lợn gặm ngay tại chợ và hai con của bà tự tử trong Cải cách ruộng đất cứ hiện về trong tôi đầy ám ảnh.

Trong hành trình đi bộ Hà Nội – Sài Gòn, tôi gặp vô số con người là nạn nhân của chiến tranh, những câu chuyện họ kể và các tổn thương tâm lý vẫn hiển hiện trên khuôn mặt họ, trong ngôn ngữ của họ… đã nhiều lần làm ngực tôi như thắt lại.

Phỏng vấn những đứa trẻ từng bị bạo lực gia đình, những cô gái bị lừa tình rồi đẻ con một mình, những cậu bé 13-16 tuổi bị bóc lột thậm tệ ở Sài Gòn, rồi những cô gái bị chồng phản bội… đều thấy sự tổn thương tâm lý hằn sâu trong đời sống của họ.

Ở tuổi 21, trăn trở trước hiện tình xã hội, tôi đặt mục tiêu trở thành thủ tướng để dẫn dắt đất nước, nhưng 22 tuổi tôi đặt mục tiêu cho sách hóa nông thôn. Cũng từ tuổi 21, tôi luôn đặt câu hỏi là yêu nước thì yêu những cái gì và làm gì?

Theo sự dịch chuyển của thời gian, cứ mỗi năm câu trả lời cho lòng yêu nước lại tăng thêm. Khi trẻ, tôi nhận thấy rằng yêu nước là giúp cho những người khốn cùng tôi gặp miếng ăn và cái áo. Khi xác định bản thân phải có trách nhiệm góp phần nâng cao dân trí để nước mạnh lên thì tôi luôn nghĩ về nó để biến ý tưởng thành hiện thực.

Đã nhiều khi tôi nghĩ rằng yêu nước là phải chống tham nhũng, chống ngoại bang bòn rút tiền bạc của dân mình. Năm 2007, khi dự án Cái Mép vượt thầu 3.000 tỷ, tôi bắt xe ra Hà Nội trong đêm để đưa thông tin cho một đại biểu Quốc hội nhưng chẳng đạt kết quả gì.

Khi giặc Tàu giết 9 ngư dân Thanh Hóa, tôi cam giận lắm. Rồi giặc Tàu cắt cáp tàu Việt, tôi đã xuống đường.

Khi ngồi bên quán cà phê ở thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, nghe tiếng máy Đông Phong của Tàu nổ phành phạch, tôi đã nghĩ rằng thế kỷ 18 nước Anh đã có động cơ hơi nước chinh phục đại dương. Đã thế kỷ 21 người Việt phải dùng động cơ của Tàu, tôi tức tốc gọi điện về Hà Nội và thực hiện cuộc phỏng vấn đối tác 7 tiếng đồng hồ để rồi sau đó các câu lạc bộ khoa học được thiết lập.

Ở dưới tuổi 30, yêu nước là thấy mình có trách nhiệm và hành động thể hiện trách nhiệm đó, biết nhục khi nước nghèo… Ở tuổi 41, tôi thấy rằng yêu nước không chỉ là trách nhiệm và hành động, mà còn sẻ chia nhiều hơn với những tổn thương mà bao con người phải chịu… yêu cả những vết thương trên mảnh đất chữ S đầy xương khô, máu và nước mắt.

Yêu nước là tìm cách ngăn chặn người Việt tàn hại nhau trong tương lai.

Thời gian gần đây, tôi nghĩ rằng yêu nước là ra nước ngoài thiết lập hệ thống thư viện dân sự để trẻ em các nước nghèo được đọc sách như những nơi mà Sách hóa nông thôn đã có mặt.

Em ơi em, đất nước là máu xương của mình

Hãy biết gắn bó và san sẻ

Hãy biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên đất nước muôn đời

Nguồn: FB Nguyễn Quang Thạch

Comments are closed.