VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975 (17): Hà Nội, một ánh lửa đã tắt

Mai Thảo

Thời kỳ tản cư ra khỏi thủ đô Hà Nội, bấy giờ là 46, toàn quốc kháng chiến, trôi dạt suốt ba bốn năm liền ở mấy tỉnh phụ cận với năm cửa ô và ba mươi sáu phố phường là Sơn Tây, Hà Đông, Phủ Lý, tối nào với tôi cũng có một khoảng thời gian nhỏ dành cho nhìn về Hà Nội. Đứng dưới một gốc cây, tôi trèo lên cành. Ở giữa một cánh đồng, tôi lên mặt đê. Một bụi tre làm cho khuất lấp? Tôi lần ra khỏi ngõ. Và như thế, đứng cái thế đứng chênh vênh trên một ụ đất, một gò đống, tôi mê mải ném tầm mắt vào một khoảng trống trải rộng, nhìn về cái phía có một vùng ánh sáng lung linh hư ảo bốc lên. Trời của chiến thời mới khởi dấy hồi đó, đêm nào cũng tối đặc như trời ba mươi tết. Tiêu thổ lướt qua như một bóng rợp khổng lồ, tất cả những thị trấn đã san thành bình địa. Duy Hà Nội còn đứng vững với những kiến trúc tiền chiến và tiền khởi nghĩa. Duy Hà Nội còn ánh sáng, còn mái ngói, còn cửa sổ, hàng hiên và những ngọn điện đường. Cho nên, giữa một địa hình làng xóm tối đen hoa mắt, bên này một vòng đai trắng, mà đứng ở đâu, tôi cũng quy định phương hướng Hà Nội thật dễ dàng, bằng vùng hào quang của Hà Nội ở xa xa, vùng hào quang chập chờn, nghi ngút, như dấy bốc lên từ một miệng lò vĩ đại. Màu hồng của lửa ném lên khoảng không mịt mùng ở một góc trời, đó là cái ấn tượng, cái hình ảnh cuối cùng Hà Nội còn gửi đến cho tôi, tôi đã ở xa rồi, đêm tối vây quanh, nhưng tôi còn nhìn thấy lửa của Hà Nội, và lửa ấy đã cháy sáng trong hồn tôi thành một tình yêu lớn. Kẻ thức với đêm dài đến chán ngấy, đợi chờ một ánh nắng bình minh, thấy cái đĩa mặt trời đỏ lửa hiển hiện, niềm vui có lẽ cũng chỉ ngang bằng với niềm vui mừng đầy xúc động của tôi, khi nhìn thấy vùng lửa xa của Hà Nội trong đêm. Suốt mấy năm đầu của một lưu động trường kỳ, tôi không rời được mấy khu vực kế cận với Hà Nội, tôi quẩn quanh với những làng xóm Hồng Hà, tôi lưu luyến với những bãi bờ sông Đáy, nguyên nhân tình cảm sâu nặng kín thầm là ở đó, nơi tôi không rời xa được một ánh lửa đêm, ánh lửa tạo cho tôi cái ảo giác Hà Nội còn gần, và phía lửa Hà Nội còn kia, tôi còn có thể một ngày trở về Hà Nội. Lửa của trời Hà Nội. Lửa hồng bên trên, Hà Nội dưới lửa. Lửa cháy thành năm ngọn, mỗi ngọn một cửa ô. Lửa đỏ ba mươi sáu tầng. Mỗi tầng một phường cũ. Nhìn thấy lửa Hà Nội xa xa chập chờn dấy bốc với tưởng tượng dẫn đường và hình dung phóng lớn, kết tụ từ một tổng hợp của ánh sáng muôn nghìn, thành một vùng lửa lớn, tôi đã thấy được Hà Nội, qua từng khu phố, từng con đường. Lửa kia là của những ánh điện thấp thoáng tơ liễu buông rủ bên bờ Hoàn Kiếm, phản chiếu lên từ mặt nước Hồ Gươm. Chỗ sáng rỡ nhất của hào quang ném thẳng lên trời kia, không thể khác hơn là khu trung tâm đông chật của Hà Nội, lửa nhiều như vậy là lửa của Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Đào. Những đường viền mờ nhạt hơn, lúc có, lúc không, lúc ngời, lúc tắt kia là lửa ngoại ô, với những ngọn đèn cao trên đê Yên Phụ, những chụp bóng thấp lối vào Cổ Ngư, và cái hàng dài như một cánh tay, lan xa thành một mũi tên vàng trong bóng tối kia, là dẫn lửa hai hàng lấp lánh chạy từ phố Huế chạy tới Bạch Mai, giữa leng keng tàu điện Kim Liên trong chuyến cuối cùng về Ô Đống Mác. Lửa Hà Nội nhìn xa như thế, mê đắm nghìn lần hơn khi Hà Nội nhìn gần. Trời cứ tối đặc ở ba phương. Riêng lửa một phương Hà Nội sáng.

Nhiều đêm, tôi không nhìn thấy vùng lửa ấy của Hà Nội. Đó là những buổi tối có sương mù, có mưa dăng, và trời hậu phương những đêm đó, đã không còn một quê hương nào cho tầm mắt nữa.

Rời xa Hà Nội thêm, thêm những cây số đường vào miền trong, thêm những cây số đường lên miền ngược, lửa Hà Nội bỏ lại bên kia những triền núi, và những cánh rừng, tôi không còn nhìn thấy. Nhưng đi xa thuở đó, tôi đã mang lửa Hà Nội lên đường trong, mắt đã nhạt nhòa, mà đêm đêm nhớ về Hà Nội, lửa ba mươi sáu phố phường vẫn cháy sáng, rực rỡ, một vùng trời trí tưởng. Hội lửa trong tôi về Hà Nội những năm đó chưa tắt. Còn bập bùng. Còn sáng rỡ. Những đêm đứng ở một đầu núi Thanh Hóa, những buổi tối đứng ở một lưng đèo Phú Thọ, xa cách với Hà Nội đã bằng một xa cách với nghìn trùng, mà tầm mắt lữ thứ của tôi vẫn còn như sáng mãi vùng lửa ấy của địa hình Hà Nội trên trời Việt Nam đêm. Nói một cách khác, có thể là hết thấy, nhưng tôi vẫn nhìn về, nên Hà Nội vẫn sáng. Nói cho đúng hơn, lửa của Hà Nội đã có thể chỉ còn là thuần túy một ánh sáng tưởng tượng, nhưng tình yêu cũng lửa đỏ mà, tôi còn yêu, tôi còn lưu luyến, tôi còn gắn bó, nên giữa tối đen nào, Hà Nội vẫn sáng ngời, vẫn lấp lánh trong tôi. Rồi tôi trở về Hà Nội. Rồi tôi vào Nam. Và một đêm, lửa Hà Nội không còn cháy nữa. Bấy giờ là vào khoảng bốn giờ sáng. Bốn giờ sáng của một ngày tháng bảy của năm Việt Nam mang tên là rời đứt hai miền. Chiếc máy bay bốn động cơ vừa cất cánh từ phi trường Gia Lâm. Nửa đêm về sáng của khởi hành kín đặc sương mù. Phi cơ vừa rời khỏi phi đạo, lũ cỏ bãi nơi phi trường đã nhạt nhòa thành một biển sương đặc quánh. Chiếc phi cơ lượn vượt qua Hồng Hà, nghiêng cánh từ bên này Gia Lâm hướng về bên kia Ga Nứa, lượn một vòng trên Hà Nội. Trên máy bay ngó xuống, chưa từng bao giờ tôi thấy được lửa Hà Nội dầy đặc, trập trùng, muôn vàn như vậy.

Chưa từng bay trên Hà Nội ban đêm bao giờ dưới biển sao tháng bẩy hằng hà lấp lánh, chưa từng bao giờ cái hội đèn hội lửa của Hà Nội lại hiện ra trước mắt tôi lung linh trập trùng như vậy. Mỗi ánh đèn của Hà Nội đêm đó là một điểm lân tinh. Muôn vàn lân tinh của Hà Nội đã hoá thân thành biển. Có điều là, cùng với cháy sáng đồng loạt của lửa, mà từ trên cái đường kính của một nghiêng cánh vĩnh biệt, tôi đã đồng thời nhìn thấy trong cái cõi ba mươi sáu phố phường lấp lánh động ảnh phía dưới, từng ánh lân tinh của Hà Nội tàn dần. Đêm lên đường, cái hệ thống đèn lửa lổ đổ của Hà Nội đang dần dần khép mắt. Từng ngọn một. Từ Yên Phụ tới Kim Liên. Từ Quan Chưởng tới Cầu Rền. Từ Mã Mây tới Bẩy Mẫu. Bay lên khỏi địa hình Hà Nội, mỗi đời lửa Hà Nội, trong tâm tưởng đã rời đứt vĩnh viễn với đô cũ ở nơi tôi, là một ánh tinh thể xuất thoát khỏi một tử thi đã lâm chung, đã ngừng thở. Khi người nữ chiêu đãi viên bảo tôi là máy bay đã lên cao, đã bay vào một đường thẳng, đang hướng về những vì sao phương Nam, tôi nhắm mắt lại. Đầu óc tôi phút đó tối đen. Với tôi, đêm đó lửa Hà Nội đã tắt. Tắt tới cái điểm le lói cuối cùng của lửa.

 

Vấn Đề, số 30-31, tháng 1-2/1970

(trang 1-4)

 

Bản digital do nhà nghiên cứu Thụy Khuê cung cấp

Comments are closed.