VHMN 54-75 (87): Những Khoảng Đường Chung Với Doãn Quốc Sỹ

Thế Uyên

Tôi biết đến Doãn Quốc Sỹ khá sớm, khi còn học năm chót Trung học. Hai đứa em gái học Trưng Vương một buổi chiều đến mang về cuốn Dòng Sông Định Mệnh, vừa đọc vừa khen hay nức nở. Tôi tò mò đọc theo và bị lôi cuốn bởi truyện tình giản dị và thơ mộng này. Bút pháp của Doãn Quốc Sỹ quá giản dị trong sáng, tâm lý tâm trạng của các nhân vật cứ như trong truyện thần tiên, rất hợp với lứa tuổi mới lớn. Vài năm về sau, tôi đã trưởng thành hơn, đọc những cuốn sau của Doãn Quốc Sỹ, tôi không còn tìm thấy những sự quyến rũ đầu tiên nữa. Và phải nhiều năm, rất nhiều năm về sau, mới có một cuốn khác của tác giả này làm tôi đọc một cách thích thú, đó là cuốn Vào Thiền. Dĩ nhiên, đã có rất nhiều biến đổi, nhiều nước chảy qua chân cầu giữa hai cuốn với hai lần đọc này.

Trong khoảng thời gian này, đã có rất nhiều điều xảy ra. Trước hết, sau hai năm dạy Lý Hóa vạn vật ở trường Nguyễn Đình Chiểu ở Đại học Mỹ Tho và trường Trung học Kiến Hòa (Bến Tre), tôi đã trở lại với Đại học thành phố Sài Gòn, nhưng theo học ngành văn. Trở thành giáo sư Văn sau đó, tôi đã quen với Doãn Quốc Sỹ với tư cách đồng nghiệp trẻ, gặp gỡ nhau khá nhiều trong các kỳ thi hàng năm. Và tôi cũng bắt đầu viết văn, do đó có thêm thân thiết với Doãn Quốc Sỹ. Sau cuộc đảo chánh bất thành của binh chủng dù năm 1960, bị công an lùng bắt vì tội có tham gia cuộc binh biến này, tôi đã xuống Hà Tiên sống mấy ngày với mục đích vượt biên sang Cao Miên rồi từ đó qua Pháp học tiếp với sự trợ giúp của linh mục Cras, thầy dạy thân thiết với tôi ở Đại học Văn Khoa. Lúc đó tôi biết đến Doãn Quốc Sỹ đang làm hiệu trưởng trường trung học nơi này, nhưng tôi không muốn tới thăm, vì sự liên lụy tới anh. Trong thời gian vài ngày tại quê hương của người hùng văn võ kiêm toàn Mạc Thiên Tứ, và nhà thơ nghiêm túc cổ kính Đông Hồ, tôi đang lang thang cùng bạn bè thăm các thắng cảnh quá êm đềm, xinh nhỏ và hòa bình ở đây. Rồi một buổi tối, ngồi một mình với ly cà phê trong một quán nhìn ra hồ phẳng lặng dưới ánh trăng mờ nhạt, tôi đã suy nghĩ lại rồi quyết định không đi Cao Miên. Con đường khoa cử với giấc mơ đỗ tiến sĩ không còn hấp dẫn tôi nữa. Với tuổi trẻ lý tưởng hồi đó, toi cho rằng tôi ở lại trong nước phục vụ dân tộc mình coi bộ hữu ích hơn. Vả lại, những gì đã viết ra, tôi tin tôi có thể trở thành một nhà văn như anh Duy Lam tôi, như các bác, các chú Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam trước đây.

Quyết định như vậy rồi, tôi đến bên cửa hàng bán đồi mồi gần đó, lựa mua một chiếc nhẫn đồi mồi để mang về tặng Thi làm nhẫn đính hôn. Tình yêu của hai đứa đã đến chân tường, lửa nóng cháy hun hai đứa tối đa. Nếu tôi trở lại Sài Gòn thì hai đứa chắc chỉ còn cách nhảy qua bức tường ấy – để trở thành vợ chồng mà thôi. Từ khi gặp Thi và yêu Thi, tôi đã ý thức rõ ràng đó là người con gái duy nhất trên cõi đời này tôi muốn lấy làm vợ. Và hơn thế nữa, tôi ý thức tôi và Thi sinh ra là để lấy nhau, yêu nhau từ cuối bãi đầu ghềnh cho đến sơn cùng thủy tận, từ tuổi trẻ đến tuổi già, từ vinh quang và quyền lực đến đọa đầy và lao tù nghèo khó. Lúc đó tôi mới 25 tuổi, quá trẻ với nhiều lý tưởng, chưa muốn lập gia đình. Nhưng mọi sự xảy ra sau đó đẩy đưa tôi như một định mệnh. Lệnh động viên đã ban hành và căn cứ vào hạng tuổi, tôi biết chắc chắn sẽ thuộc khóa 14 hay 15 của trường Võ Bị Thủ Đức. Dĩ nhiên tôi không thể tưởng tượng được làm thanh niên trong một nước mà lại trốn lính… Chiến tranh chờ đợi không xa, một thời để yêu và một thời cho cuộc chiến.

Hai đứa tôi thành vợ chồng khi tôi đang học ở Buôn Mê Thuột và Thi đang theo học ở viện Đai học Đà Lạt. Hai đứa sinh kịp con trai đầu trước khi cuộc chiến 30 năm chụp lên tất cả. Thi là con gái đầu lòng của giáo sư Nguyễn Huy Dương, dòng dõi của Nguyễn Huy Tự viết Hoa Tiên ngày xưa. Một buổi sáng tôi dậy trễ vì nghỉ phép, đang nằm dài thỏa mái trên chiếc giường nhỏ kiểu con gái của Thi – sau khi nhập ngũ, tôi mang con và Thi về gởi bên vợ – tôi bỗng dưng thấy tiếng Thi vui vẻ chào hỏi “chú Sỹ” ngoài sân. Tôi đi ra, thấy ông già vợ và Thi đang nói chuyện vui vẻ với Doãn Quốc Sỹ. Sỹ quay lại thấy tôi, ngạc nhiên hỏi: “Anh làm gì ở đây vậy?”. Tôi cười trả lời, giơ tay chỉ giáo sư Dương và Thi: “Tôi làm rể ông này và làm chồng cái cô bé này ở đây!”

Trước 1954 ông già vợ tôi là hiệu trưởng trường học thành phố Nam Định, và Doãn Quốc Sỹ đã dạy nơi này với tư cách một giáo sư lớp trẻ. Anh đã đến nhà Thi nhiều lần, và dĩ nhiên Thi vẫn kêu anh là chú xưng cháu. Di cư vào nam, hai bên vẫn cứ giữ quan hệ thân hữu. Dĩ nhiên Doãn Quốc Sỹ đã biết cô cháu gái xinh xắn năm xưa đã từng bế trên tay nay đã lớn và đã lấy chồng. Và với tư cách bạn văn của tôi, anh biết tôi cũng đã lấy vợ và sinh con. Nhưng mãi tới buổi sáng hôm đó anh mới biết là tôi đã lấy cô cháu gái Thi của anh… Anh ân cần mời vợ chồng tôi lại chơi nhà anh ở đường Thành Thái. Bọn tôi đã nhận và nhiều lần tới căn nhà trong hẻm này. Nhưng bây giờ Thi leo thang, không gọi DQS là chú nữa, mà kêu theo tôi là anh Sỹ, theo luật bất thành văn trong giới cầm bút là luật bạn vong niên, không tính tới tuổi tác xưng hô bao giờ. Nhưng dù có thế, tôi để ý mỗi khi gặp Thi, dù Doãn Quốc Sỹ có kêu bằng chị Uyên, nhưng giọng nói cũng như thái độ bao giờ cũng có vẻ che chở ân cần, y hệt một cô cháu mình.

Trong một lần gặp gỡ, tôi có nhắc tới thời kỳ tôi sống ở Hà Tiên dự tính vượt biên. Anh tỏ ý hối tiếc vì biết tin quá trễ, không kịp kiếm ra tôi để hai đứa lang thang các thắng cảnh vùng này. Khi nghe tôi giải thích đã không kiếm anh vì sợ làm phiền nhau, thì anh cười cho biết cùng lắm anh bay chức hiệu trưởng. Và đối với anh, cái chức hiệu trưởng hay một chức nào to hơn cũng chẳng nhằm nhò gì, có mất vì giúp bạn cũng chẳng sao. Lúc đó tôi đã khá thân với anh để hiểu rằng anh nói thât. Anh có một tâm hồn rất kẻ sĩ Đông phương, trọng nghĩa kinh tài. Đối với anh chữ nghĩa khí và tình bằng hữu là hoàn toàn có thật… Anh mang những sách đã xuất bản ra tặng tôi, nhưng tôi chỉ coi qua và bày trang trọng trong ngăn tủ. Văn anh bây giờ đã trở thành chất phác, quá giản dị để lôi cuốn tôi. Ngay cả bộ trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau cũng vậy, tôi chỉ đọc kỹ có mỗi phần nói về chế độ học tập cải tảo tư tưởng của Cộng sản Việt Nam mà thôi. Và rất nhiều năm về sau, khi lâm vào cảnh cải tạo trên rừng, những kiến thức tôi thu thập được từ Khu Rừng Lau đã giúp ích cho tôi khá nhiều trong việc đối phó với cuộc tấn công tư tưởng của các quản giáo đại diện cho Đảng trong trại.

Tình bạn của tôi với DQS cứ thế tồn tại với năm tháng. Không quá thân thiết và cũng không lơi là, trong khi trên thực tế, đường lối của nhóm Sáng Tạo và của nhóm Thái Độ mỗi ngày một dị biệt. Bởi thế với các thành viên khác của Sáng Tạo, tôi ít quen ai. Thí dụ như một Thanh Tâm Tuyền, mặc dù bị động viên cùng khóa 14 Thủ Đức, cũng chẳng ai muốn nói chuyện với ai. Chỉ sau này, đời sống quân đội và cuộc chiến khốc liệt mới làm tôi và TTT thân thiết hơn, gặp nhau vui vẻ nói chuyện. Cùng là nhà văn cùng thế hệ, cùng chia sẻ thân phận làm lính, và sau 1975, cùng chia sẻ thân phận cải tạo dài dặc trên cõi xứ rừng núi xám. Có thân thiết nhau hơn cũng là tự nhiên. Đối với Mai Thảo cũng vậy, gặp nhau khá thường như chỉ bắt tay, vài câu chuyện loanh quanh rồi thôi.

Có một lần nhà in đòi tôi lấy cuốn sách mới in về vì thiếu chỗ tồn kho, tôi đang lúng túng kiếm xe thì gặp DQS. Anh đề nghị để anh chở giùm vì đi tu nghiệp ở Mỹ về anh có mua được một chiếc Daihatsu khá tốt. Thế là hai đứa, DQS và tôi khênh sách lên xe, từng bịch từng bịch một đưa đến nhà phát hành cũng như đưa về nhà. Gần mười hai giờ trưa mới xong, cả hai đứa đều mệt và đói. Tôi đề nghị ghé vào một quán càri Ấn Độ khá nổi tiếng đường Nguyễn Trãi. Dĩ nhiên đó là một bữa ăn rất vui. Ăn xong, chia tay trong thoải mái. Doãn Quốc Sỹ là một người như thế đấy: tốt, chân thật, chí tình với bạn bè. Tôi chơi khá thân với anh chỉ vì con người anh là như vậy.

Từ khi đi Mỹ về, anh biên khảo nhiều hơn, thiên về cổ tích và văn học dân gian. Những truyện có tính chất thần thoại của anh phải kể vào hàng xuất sắc. Cái giản dị chất phác mà mộng mơ của anh đã không giúp anh thành công trong thể loại truyện sáng tác – truyện Sầu Mây chẳng hạn – thì lại rất hợp với loại dành cho thanh thiếu niên này. Lúc đó, cả hai chúng tôi không ngờ rằng một thần thoại anh viết về con cáo chín đuôi, con hồ ly chín đuôi hại dân hại nước, đã làm đảng CSVN thù hận anh kinh khủng. Họ cho rằng anh đả kích bản thân Hồ Chí Minh, người mà Đảng đã thần thánh hóa trở thành một đấng tối cao, cao hơn cả Thích Ca, chúa Ki Tô lẫn giáo chủ Mahomed. Anh về sau đột nhiên viết một cuốn là tôi chú ý và đọc một cách thích thú là cuốn Vào Thiền, ghi chép lại một số công án của thiền sư Nhật Bản Muju. Nhờ cuốn sách này, tôi mới biết càng cao tuổi, anh càng thiên về Phật giáo, xa dần những ảnh hưởng văn hóa Âu châu mà anh thu nhập thời tuổi trẻ.

Những năm chót trước năm 1975, một phần tôi quá bận bịu – vừa làm lính vừa dạy học vừa viết vừa lo xuất bản, chưa kể vài nổ lực đấu tranh khác – một phần vì Thi cho rằng DQS không cảm tình với nàng cho lắm, tôi ít ghé lại chơi tại nhà anh hơn kỳ trước. Và anh chị cũng không hề giữ bọn tôi lại ăn cơm gia đình lần nào. Rút cuộc, hai đứa tôi bạn bè với nhau đã gần mười năm rồi, rút cuộc tình bạn vẫn cứ lãng đãng thế thôi.

Sau 30 tháng 4 năm 1975 vài ngày, tôi có biết anh đã ở lại Việt Nam cũng gia đình. Tôi cũng chẳng hề ngạc nhiên về chuyện đó vì đa số các nhà văn nhà thơ của miền nam đã chọn ở lại với dân tộc, với quê hương mình. Số di tản 1975 chỉ là thiểu số. Tôi không ngạc nhiên về sự kiện này bởi vì đã hiểu từ lâu một con người có thể trở thành nhà thơ nhà văn thường là con người có tình cảm liên đới với đồng loại với dân tộc với quê hương hơn những người trung bình khác. Hơn nữa làm nhà văn nhà thơ mà rời quê hương thì giống như cái cây bị bứng rễ. Đã lưu vong thì một là hết sáng tác, hai là có tiếp tục được thì khó khăn vô cùng. (Nhưng đó là nói về thời 75. Bây giờ, sau 12 năm, đa số các nhà văn thơ miền Nam lại ở hải ngoại thì là do đi về sau này, kể cả tôi).

Năm 1976, tôi đang ở trại cải tạo Ka Tum thì được Thi lên thăm nuôi lần đầu tiên. Lợi dụng khoảng khắc làm thủ tục nhập trại tiếp tân, chỉ có hai đứa gần nhau ngoài sân, Thi cho biết ĐCS đã mở một chiến dịch bắt hầu hết nhà văn nhà báo và tri thức đại học nào chưa bị bắt đi cải tạo tháng 6, 1975. Thi cũng cho biết thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng bị bắt, và sau một thời gian giam giữ, đã suy kiệt. Cũng tương tự như trường hợp nhà văn Tuấn Trình Nguyễn Tấn Phát (đi cải tạo với tư cách cựu đại tá), Đảng muốn tránh tiếng sát hại nhà văn, phút chót công an tha cho cả hai người trở về chết trong gia đình vài hôm sau. Tin tức này làm tôi buồn và ngậm ngùi. Vũ Hoàng Chương đã từng là thầy dạy văn của tôi năm lớp 11. Khi đã thành nhà văn, thỉnh thoảng có gặp ông và chỉ gọi là anh theo cách xưng hô vong niên của giới cầm bút. Tôi quý ông và biết ơn ông vì những vần thơ của ông đã tạo biết bao nhiêu cảm xúc, hào hứng cho lớp trẻ hậu sinh như tôi. Tôi buồn không phải chỉ về cái chết buồn của ông mà còn vì hầu hết bạn bè của tôi như vậy đi tù hết. Tôi còn nhớ mãi cái ngày 30 tháng 4, 75. Hội văn nghệ Giải phóng mời tất cả giới cầm bút miền Nam đến dự buổi họp do chính quyền mới tổ chức tại tòa Đại sứ Đại Hàn cũ gần dinh Độc Lập. Tôi gặp khá nhiều bạn bè ngoài khuôn viên, nên vào phòng khách khá trễ. Không còn một chỗ ngồi, ngoại trừ một chiếc ghế bành nhô ra phía trước. Không lẽ đứng suốt buổi họp không biết kéo dài bao lâu, tôi đã len lỏi ngồi đại vào chiếc ghế đó. Ngồi an vị, mới thấy người ngồi đối diện tôi bên kia chiếc bàn nhỏ là nhà thơ Cung Trầm Tưởng, tóc bạc trắng xóa. Hai đứa bắt tay nhau hoàn toàn không thể ngờ đó là lần, tôi không muốn gọi là lần chót vì nhà thơ này chưa chết, mà sau đó không biết bao giờ mới gặp lại nhau trong cuộc đời này. Tôi rút bao thuốc ra châm hút thì có tiếng gọi ngay gần. Đó là Ninh Chữ, nhà thơ kiêm thợ may Can nổi tiếng đường Tự Do. Sau khi châm thuốc cho anh bạn vui tính này, tôi lại nghe một câu nói nhỏ nhẹ: “anh Uyên cho em một điếu…” Tôi đưa bao thuốc lại phía đó trước khi nhận ra người ấy là Trần Dạ Từ. Buổi họp khai mạc với người giới thiệu là nhà báo Thế Nguyên của tạp chí Trình Bày.

Sau đó các cán bộ thay nhau lên tiếng, nói những điều ngọt ngào nhưng mơ hồ về tương lai. Sau đó họ mời một vài người lên phát biểu. Nhà văn Nguyễn Thị Vinh được mời đầu tiên. Đứng trước máy vi âm, mặt chị buồn hiu. Sau cùng chị lên tiếng, cũng thật khôn khéo trình bày rằng Cách Mạng vào đột ngột quá làm chị bàng hoàng không biết nói gì. Rồi chị đi xuống. Kịch gia Trần Lê Nguyễn bị gọi lên, đã đi một đường rất kịch tính. Anh chắp hai tay lại phía trước như bị trói, rồi nhỏ nhẹ: “Này bạn bè ngoài khu về, nói thật nhau đi. Bao nhiêu năm, bao nhiêu năm…” Tất cả mợi người ngồi dưới đều hiểu anh muốn nói là bao nhiêu năm tù. Không khí căng thẳng hẳn lên. May mắn thay một tài tử kiêm ca sĩ nổi tiếng của giới cải lương phóng lên oang oang ngâm một bài thơ mới sáng tác để ca tụng “Bác Hồ”. Quả thật giới cầm bút lúc đó nói chung chưa hề muốn đụng độ với chế độ mới, ai cũng chờ xem chính sách của Đảng CS ra sao rồi mới tính.

Nhưng bây giờ, trên bãi cỏ hoang ven suối bìa rừng Ka Tum, tôi hiểu mọi sự thế là hết. Chính sách của Đảng dứt khoát là theo cả đường lối của cả Stalin lẫn Mao Trạch Đông. Với chính sách này, tất cả người cầm bút của chế độ cũ đều bị coi là kẻ thù của chế độ, ít hay nhiều, nặng hay nhẹ mà thôi. Thi cũng mang lên cho tôi tờ Văn Nghệ, cơ quan chính thức của hội Văn nghệ Trung ương hồi đó, trong có bài của Chế Lan Viên mang đích danh bốn nhà văn ra kể tội: Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sỹ, Phan Nhật Nam và tôi. Trong phần kết tội Doãn Quốc Sỹ, Chế Lan Viên còn trách DQS cái tội bất hiếu với bố mẹ anh (nhà thơ Tú Mỡ) chết mà không thèm tới đưa đám. Nhiều năm về sau khi gặp nhau ở Sài Gòn, tôi mới hỏi DQS về chuyện này thì anh cho biết Chế Lan Viên đã mạt sát anh một cách tiểu nhân vì lúc Tú Mỡ chết thì công an đã bắt nhốt anh rồi. Làm sao mà đưa đám cho được.

Bài này của Chế Lan Viên làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Trong bốn người bị kể tội đích danh, đã chết mất một. Hai đi cải tạo với tư cách sĩ quan từ 75 là Phan Nhật Nam với tôi. Còn có mỗi DQS bị bắt nốt. Tôi hiểu ngay rằng nếu tôi không khéo léo giữ gìn mồm miệng, không biết đường nhịn thở qua sông, không biết đi một đường Hàn Tình Câu Tiễn Phạm Lãi, thì chắc tôi sẽ vùi thây làm mồi cho mối nơi gốc rừng hoang nào đó của đất nước này. Hơn nữa, tôi vừa thấy gương hiện đại của Pasternak, của Solezenitsin… Chế độ Stalin ghê rợn như thế mà còn chẳng triệt được, nữa là…

Sau khi được tha về Sài Gòn, tôi duyệt lại một vòng bạn bè trong giới cầm bút, thấy chẳng còn được bao nhiêu đứa chưa đi tù. Hầu hết bị nhốt vào trại cải tạo K.1 gần Pleiku. Còn được tự do (hiểu theo nghĩa tương đối) bên ngoài chỉ có vài ba người: Nguyễn Thị Vinh, vợ chồng Nhật Tiến – Đỗ Phương Khanh, Minh Quân, Lệ Hằng, Nguyễn Mộng Giác, Huỳnh Phan Anh,.. Cũng cần ghi thêm lúc đó Nguyễn Mộng Giác, Dương Nghiễm Mậu cũng đều mới được thả ra tù chưa được bao lâu. Còn Lệ Hằng, con người nổi danh với truyện tình Thung Lũng Tình Yêu, về sau chị cũng bị bắt với tội mưu toan vượt biên. Tôi theo bè bạn đến câu lạc bộ của Hội Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, lúc đó Vũ Hạnh còn giữ được chức Tổng thư ký. La cà cà phê thuốc lá nơi này. Sơn Nam là người được cử thay mặt Hội nói chuyện tào lao với anh em, và chưa chi ông nhà văn của khai hoang, của miệt vườn đã phê bình chính sách của Đảng một cách ngay thẳng. Tôi chẳng dại về hùa với anh vì dù sao Sơn Nam còn có cả MTDTGPMN ủng hộ, coi như gà nhà, đâu sợ công an chính trị Bắc – kỳ – quốc, của miệt Đàng Ngoài. Còn tôi, thân phận cải tạo được tha về đâu có khác thân phận paria. Intouchable bên Ấn Độ. Hở sườn một chút, là lãnh cái cán búa ngay. Ngay Nguyễn Mộng Giác, vốn người Bình Định kín đáo và thàng hậu (xin dùng đỡ từ của Võ Phiến) tiến thoái thận trong, đôi khi còn biết cả vài đường lăng ba vi bộ nữa, vậy mà cũng đi tù lần thứ hai vì vài lời phát ngôn trât khớp lệch chìa trong một buổi họp văn nghệ ở vùng cư xá Thanh Đa năm 1980 do báo Tia sáng tổ chức. Dĩ nhiên lý do chính thức công an đưa ra không nhắc tới lý do chính. Cũng cần nói thêm ông bạn cố tri này của tôi còn chịu khó đi tù một lần nữa cho đủ quá tam ba bận trước khi vượt thoát được ra nước ngoài. Ngay cả vợ chồng Nhật Tiến anh em ruột thịt ngoài Bắc hơi đông, nhưng nếu không cùng Dương Phục, Vũ Thanh Thủy phóng chạy ra nước ngoài, thì trước sau gì cũng bị bắt mà thôi. Phe giáo điều trong Đảng CSVN đã chủ trương bắt hết, bắt gọn, bắt sạch, bắt không sót một ai trong giới văn học báo chí miền Nam để trấn áp, để diệt cho bằng được. Rút cục ai cũng đi cải tạo hay đi tù ít nhất một lần, mới được coi là “đạt chỉ tiêu”.

Đi từ thì đi. Ai cũng đi thì ta cũng đi. Từ trại mít mùng miền U Minh đến chân núi Hoàng Liên Sơn ngoài Bắc. Nhưng nếu Đảng CS có thể nhốt được bản thân người cầm bút, họ lại thất bại trong việc bẻ gãy ngòi viết, câu thúc tâm hồn con người của văn học. Nhà văn nhà thơ nhà báo đi tù bao giờ cũng đông đảo bạn bè, và ai sao ta vậy, ngày tháng cứ trôi qua, rồi cũng đến lúc được tha về dù là sau 12 năm như Duy Lam, hay chẳng biết bao giờ như Phan Nhật Nam. Nhưng đi lâu hay chóng, không ai làm điều gì đáng chê trách, cứ tà tà một người như mọi người. Nhưng cũng có vài ba người đi một đường sĩ khí đầy trời, khí tiết kiểu sĩ phu Cần Vương hay Đông Kinh Nghĩa Thục, như Duy Lam, Phan Nhật Nam hay Doãn Quốc Sỹ.

Tin tức từ giới truyền thông cộng sản lộ ra ngoài cho biết công an phụ trách hỏi cung đã rất bực dọc với thái độ “ngoan cố” của DQS, nhưng đồng thời cũng than phục thái độ ngay thẳng chính trực của nhà văn này. Khi biết những chuyện đó, cũng như biết tới thái độ của Duy Lam và Phan Nhật Nam, tôi chỉ biết thở dài. Tôi không đồng ý với các nhà văn ấy về thái độ “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”, rồi muốn – tới – đâu – thì – tới. Đảng CS đã để cho công an kẹp nát hai mắt cá chân của Duy Lam ở trại cải tạo Phú Khánh. Nếu các con gái không dựa vào nguồn thuốc men tiếp tế của thân nhân nước ngoài, chắc chắn nhà văn này đã chết vì nhiễm trùng nơi vùng núi khô cằn của phần rừng núi miền Trung. Còn Phan Nhật Nam thì bị áp tải từ trại cải tạo về Sài Gòn, đưa ra trước Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lãnh cái án khổ sai chung thân. Nhưng nếu tôi không cho cái thái độ cứ nhất định làm “cây thông” là khôn ngoan – theo tôi, phải là cây tre tốt hơn, nhưng thán phục thì vẫn cứ thán phục. Thời nào, lúc nào cũng cần có vài ba người như thế làm biểu tượng cho sĩ khí truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Sau khi được tha về, tôi và Thi hay lui tới nhà Doãn Quốc Sỹ hơn xưa. Vài ba bốn năm cuộc đời không dài gì, nhưng dư đủ cho một bé gái mới ngày nào còn nhảy lò cò vừa hát véo von trước hiên nhà biến thành một thiếu nữ xinh tươi. Đó là trường hợp con gái lớn Doãn Quốc Sỹ. Cháu Ngọc Thanh bây giờ đã thành một thiếu nữ xinh tươi, vươn lên, nở bung ra như một cánh hoa. Chị Doãn Quốc Sỹ ngày càng ít nói với bao nhiêu gánh nặng chồng chất, nên càng tới chơi, Thi và tôi càng thân với cháu Thanh. Chẳng mấy lúc, tôi thấy tôi có thái độ ân cần trìu mến đối với Thanh, y hệt thái độ của Doãn Quốc Sỹ đối với Thi bao nhiêu năm về trước. Hơn nữa, Thanh thông minh, chịu khó đọc nên chú cháu gặp nhau không thiếu điều để nói. Tôi rất thích những lần Thanh lại chơi, không biết những lúc khác có ăn mặc như thế không, nhưng mỗi lần lại nhà tôi chơi trong cư xá Chí Hòa, Thanh ăn mặc y phục Tây Phương. Khi thì áo T – shirt với một quần Jean, khi thì thỏa mái trong mini – robe với túi xách tay rất hippy.

Khi tôi nộp đơn xin từ chức giáo sư Đệ Nhứt cấp ở trường Phú Lâm vì lí do đã xin xuất ngoại để đoàn tụ gia đình. Khẩu phần gạo đã bị cúp ngay lập tức. Không biết làm gì hơn, hai vợ chồng tôi tính mở một quán café tại nhà để sinh nhai. Vốn không có môt đồng, Thi lại đau bệnh, chưa biết ngày mai lấy đâu ra gạo nấu cơm thì cứu tinh xuất hiện ngay ngoài cổng. Anh họ lớn tuổi nhất, cũng là nhà văn Tường Hùng, đã xin phép từ Pháp về thăm nhà. Trong họ tôi, anh nổi tiếng tốt và hào phóng, và cũng rất là văn nghệ nên cũng chẳng giàu. Nhưng khi anh ra đi cũng để lại cho một khoản đủ mua bàn ghế ly tách tối thiểu để bọn tôi có thể mở quán Cây Bông Giấy – quán được gọi như vậy vì bàn ghế bày ngay dưới cành lá um tùm của cây bông giấy cành đan kết như mãng xà trườn trên núi đá. Nghe tin này, dì Lan gửi về cho một coffee – maker mà bà con quê nhà gọi tắt là cái phin điện. Nhờ trợ giúp căn bản này, quán Cây Bông Giấy khởi sắc, giúp bọn tôi sống qua ngày tháng.

Phía gia đình Doãn Quốc Sỹ cũng không khá gì hơn. Một hôm nghe tin cháu Thanh đã mở một chỗ bán rau má xay ở vỉa hè gần Ngã Bảy, hai vợ chồng tôi ghé đến. Thanh vẫn linh hoạt, vui vẻ, pha cho hai ly nước rau má. Dĩ nhiên lần này cô gái chỉ mặc một đồ bộ giản dị cho thích hợp với vai trò cô hàng sinh tố vỉa hè. Thanh kể cho bọn tôi nghe là nàng đã có người yêu – chuyện tất nhiên thôi. Những thiếu nữ xinh xắn và duyên dáng, theo kinh nghiệm của riêng tôi, thường đắt chồng hơn là giai nhân. Thanh cũng kể là DQS bây giờ hay tọa thiền trên trại cải tạo K.1. Tin tức này làm tôi băn khoăn. Thời kỳ tôi ở trại cải tạo Trảng Lớn, tôi đã chứng kiến một sĩ quan ngày nào cũng tọa thiền ngoài sân nắng. Trên danh nghĩa là anh ta đang tu Phật đấy. Nhưng nhìn thân hình trần trụi bóng nhầy mồ hôi, dù mắt nhắm nghiền, nhưng các bắp thịt cứ nổi gồng lên, tôi có cảm tưởng như anh đang đi một đường vận khí để đối phó tới nơi tới chốn với cán bộ. Không hiểu sao tôi e ngại DQS cũng đang tọa thiền như thế. Và như thế thì dám ở lại quét trại cải tạo đến lúc tuổi già xế bóng mất. Tôi dặn Thanh là chuyến đi thăm nuôi sắp tới, hãy nói với bố là thiền không phải ở tọa mà là ở trong lòng. Dĩ nhiên anh không nghe tôi rồi, như những gì xảy ra sau này sẽ chứng tỏ.

Một hôm ghé thăm phía nhà DQS, sau khi thưởng thức một lối cắm hoa mới trên bàn – gia đình này, dù bao nhiêu năm khó khăn, cũng giữ được truyền thống bao giờ cũng có một bình hoa cắm theo ảnh hưởng của Nhật Bản – tôi được cô cháu gái tâm sự rằng sắp theo chồng chưa cưới làm một chuyến vượt biên. Tôi không ngạc nhiên về chuyện đó vì hầu hết mọi gia đình miền Nam đều rán hết sức đầu tư số vốn cuối cùng, và những thùng quà thân nhân nước ngoài gởi về, để gửi cho được một đứa con ra hải ngoại. Đứa con này có nhiệm vụ mở đường, và nhất là gửi tiền, quà về cứu nguy toàn thể gia đình. Tôi chúc Thanh thượng lộ bình an. Vợ chồng tôi theo dõi kết quả, và biết chuyến đi xuôn sẻ, tốt đẹp, Thanh đã cũng người chồng chưa cưới lập nghiệp bên xứ Úc tít mù Nam bán cầu. Dĩ nhiên đôi trẻ lấy nhau thôi, và cô cháu Thanh đã sinh con với tốc độ khá nhanh, một đứa rồi hai đứa, đúng như lời cụ xưa đã nói: Những người thắt đáy lưng ong, Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con. Và dĩ nhiên coi hình gởi về, cô Thanh mảnh mai đã biến thành một thiếu phụ trẻ phát triển đầy đặn hơn xưa nhiều.

Doãn Quốc Sỹ được tha về khá sớm. Sớm đây là so với các bạn vẫn bị bắt cùng thời kỳ mà thôi, chứ khó có thể bảo gần 6 năm cải tạo là ít ỏi được. Vợ chồng tôi đến thăm anh ở đường Thành Thái, vẫn căn nhà nhỏ khiên tốn tít trong hẻm. Hai đứa trao đổi ít kinh nghiệm trong cõi “quần đảo Goutag”, nhắc tới vài người bạn chung. Có hai người được nhắc tới với đôi chút ngắn ngủi là Nguyễn Sĩ Tế và Thế Viên. Trong các nhà văn của nhóm Sáng Tạo, Nguyễn Sĩ Tế là người hiền lành, viết cũng hiền lành, vậy mà Đảng lại chụp cho anh những cái tội nặng nhất. Tôi có thể khẳng định được tính hiền lành của anh vì khi còn nhỏ, tôi đã là học trò môn Văn của anh khi học lớp 8 Chu Văn An Hà Nội. Anh hiền đến độ học trò học trò trong giờ anh ai muốn nghe thì nghe, ai muốn nói chuyện cứ việc nói. Chẳng bù với Vũ Khắc Khoan (tôi học văn ông lớp 10) thì đố có học trò nào dám giỡn mặt. Người thứ hai được nhắc đến là nhà thơ Thế Viên. Khi tôi bắt đầu văn nghiệp thì anh ngưng sáng tác, chẳng hiểu tại sao vì anh lớn tuổi hơn, lại ít thân với tôi. Anh bị bắt chỉ vì hôm công an xông vào nhà bắt Doãn Quốc Sỹ, anh đang ngồi uống cà phê cùng chủ nhà. Doãn Quốc Sỹ kể Thế Viên cũng bị giam ở K.1, cùng phòng gian và vẫn vui vẻ, không hề oán hận gì về chuyện bị bắt oan ức như thế.

Trong lúc hàn huyên, khi bàn về chủ nghĩa Mác – Lênin và các chính sách, Doãn Quốc Sỹ có nói một điều làm tôi chú ý: “Những người cộng sản đã vận dụng tận cùng chủ nghĩa và đẩy mọi lý luận đến ranh giới cuối cùng. Sau đó chẳng còn là gì hết…” Sau đó một thời gian, Doãn Quốc Sỹ đến thăm quán Cây Bông Giấy của vợ chồng tôi. Anh chọn bàn ngoài cùng sát lộ, nên khi tôi tiến ra ngoài đón bạn, ánh nắng buổi sáng chiếu sáng toàn thể nửa trên thân hình, làm khuôn mặt anh hiện ra rõ rệt trong khoảnh khắc. Bây giờ mỗi khi nhớ lại anh, tôi vẫn còn nhớ rõ khuôn mặt dưới nắng này hơn mọi hình ảnh khác. Sau khi cùng cạn ly cà phê, bằng những lời lẽ thận trọng để những thực khách chung quanh có nghe cũng không hiểu được, Doãn Quốc Sỹ và tôi tôi đồng ý rằng cả hai đứa đều là con vật đen của chế độ, luôn luôn bị canh để đề phòng mọi kết hợp. Sự thận trọng này có thể là khó hiểu đối với những người Việt di tản 75 và những người ngoại quốc khác, còn đối với những người đã đi tù, đi cải tạo hay đã sống nhiều năm với chế độ cộng sản, thì biện pháp này chỉ là một sự phòng thủ thụ động tối thiểu. Nếu có đấu tranh, chống đối thực sự rồi thất bại mà đi tù, thì cũng được đi. Chúng tôi không hề muốn chỉ vì một báo cáo xuyên tạc của một công an hạng bét, chỉ vì dăm câu nói sơ ý trong lúc ngà ngà hơi men, mà đi tù chuyến nữa. Nhất là một trong các chiến thuật sở trường để củng cố nền chuyên chính của Đảng mà công an chính trị hay dùng là tạo ra Phục Quốc giả, Kháng Chiến giả. Họ tung ra một nhóm cò mồi đóng vai chống đối, ai ghét Đảng sẽ sáp lại gần như ruồi thấy mật… Khi nào thấy đủ một mẻ lưới thì công an tóm gọn trong một đêm, cho đi cải tạo từ năm đến bảy năm. Đảng CSVN dùng thủ đoạn này khá nhiều nên bà con cũng biết. Đến độ một câu chuyện do một sĩ quan cảnh sát cải tạo kể đã được biến thành một giai thoại khá phổ biến trong giới sĩ quan công chức chế độ cũ.

Tại ngã ba Nguyễn Thiện Thuật và Phan Đình Phùng, một sĩ quan học tập cải tạo về đang ngồi uống cà phê thì một màn kịch diễn ra. Hồi 1: Truyền đơn Phục Quốc tung ra như bươm bướm, sĩ quan cải tạo ngồi một chỗ, tiếp tục uống cà phê. Hồi 2: bà con túa ra nhặt truyền đơn, sĩ quan cải tạo vẫn tiếp tục uống cà phê. Hồi 3: Ông già Tàu bán bánh mỳ nhặt hai tờ truyền đơn, giấu dưới xấp giấy gói một tờ, đưa tờ kia cho cải tạo, bảo: “Chú đọc đi, của Phục Quốc đấy”. Cải tạo lắc đầu, tiếp tục uống cà phê. Hồi 4: Một hiệu lệnh được ban ra, công an đủ loại mai phục từ lâu chung quanh túa ra bắt những người đã nhặt truyền đơn. Một công an chĩa súng vào ông bán bánh mỳ, quát: “Đưa tờ truyền đơn giấu diếm ra đây!”. Ông già hết cãi, bị còng tay liền. Hồi 5: Một lệnh mới, các công an áp tải những người phạm tội nhặt truyền đơn, đi ngay lập tức. Ngã ba trở lại yên tĩnh và sĩ quan cải tạo về vẫn tiếp tục ngồi uống cà phê.

Dù không khí ngột ngạt như thế, DQS và tôi vẫn gặp nhau ít nhất hai lần trong Tết Nguyên Đán và lễ Vu Lan tháng bảy ở một phần đất khá trung lập là chùa Giác Minh. Một phần vì sư trụ trì Thích Đức Nhuận đã từ lâu là bạn bè khá thân – tương quan giữa thầy và tôi giống như tương quan giữa nho sĩ và thiền sư thời trước – một phần chùa này từ lâu đã được coi là chùa của gia đình cũng như dòng họ. Mộ Nhất Linh, cũng như mộ của bà Hoàng Đạo, Thạch Lam và nhiều người thân cũng đều để ở nghĩa trang Giác Minh thuộc chùa này. Những lần gặp gỡ ấy rất thỏa mái, cả hai đứa tôi đều mang theo vài ba đứa con để chúng cùng khua đũa ăn cơm chùa (hiểu theo nghĩa đen nghĩa bóng đều đúng) một bữa. Nhưng rồi sóng gió lại nổi lên cho văn giới miền Nam một lần nữa. Vụ án Hồ Con Cua bỗng dưng bùng nổ.

Vụ án này phát sinh do hai nguyên nhân. Một nguyên nhân từ văn giới, một nguyên nhân khác do chính sách củng cố chuyên chính vô sản kiểu Stalin/ Mao của Đảng CSVN. Nguyên nhân phía nhà văn: Một khoảng thời gian trước, Tổng thư ký của Bút Văn Việt Nam hải ngoại là Trần Tam Tiệp có nhắn về là Hội có quyên góp được một ngân khoản của bà con nước ngoài, có thể dùng khoản này để giúp các nhà văn nào đang đói rách ở quê nhà mỗi người một chút. Sau khi được một bạn văn cho địa chỉ, tôi viết thư cho Trần Tam Tiệp xin được giúp đỡ. Trước 75, Tiệp và tôi chưa gặp mặt nhau nhưng khá biết nhau. Thời kỳ nên Không Quân cho ra đời tập san Lý Tưởng, Trần Tam Tiệp có phụ trách tòa soạn và chính Cung Trầm Tưởng đã đến mời tôi hợp tác. Tôi chỉ gửi đăng có một bài và được trả nhuận bút khá cao… Trần Tam Tiệp trả lời vui vẻ, nhận lại bạn bè và dĩ nhiên tôi bắt đầu nhận được những gói thuốc nhỏ, khoảng chừng 2 lbs. Ngoài tôi, khoảng 20 nhà văn nhà thơ khác cũng được tương trợ như vậy, trung bình mỗi người 2 gói. Riêng tôi, vì tôi và Tiệp trở thành bạn bè qua thư từ trao đổi nên về sau, khi ngân khoản của Hội đã cạn, anh đã lấy tiền riêng gởi cho tôi hai lần nữa và hai lần này là những gói nặng ký hơn.

Chuyện Văn Bút hải ngoại tương trợ văn hữu quê nhà này, không một ai nghĩ rằng sau này sẽ bị coi như tội phản quốc và gián điệp cho ngoại bang cả. Bởi thế không ai che giấu gì nội vụ. Phía công an cộng sản dĩ nhiên phải biết từ lâu vì gia đình nào muốn lãnh quà và tiền của thân nhân nước ngoài, đều phải xin chính quyền hai cuốn sổ lãnh tiền, lãnh quà, trong đó thường khai rõ những người ở nước ngoài thường gởi cho mình. Chỉ nhận tiền gởi chui, gửi đen mới bị coi là phạm pháp thôi. Nhưng Đảng lúc đó lại đặt vấn đề khác hẳn. Và thời gian này, các sĩ quan và công chức chế độ cũ được tha về khá đông đảo, trong đó có nhiều nhà văn nhà thơ. Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh, Thế Viên, Dương Hùng Cường, Duy Trác và nhiều người khác nữa. Đó là một mối lo cho Đảng. Mặt khác, một số sĩ quan được tha về đông đảo lại tạo một mối lo to lớn hơn. Mặc dù mọi biện pháp khắc khe nhằm triệt hạ uy tín cũng như bao vây kinh tế đưa thành phần này xuống đất đen của chế độ, Đảng CSVN vẫn không thành công. Mà hậu quả còn ngược lại. Đảng càng gây khó khăn cho các cái tạo trở về, dân càng thương. Trong mấy năm đầu, dân còn oán trách các sĩ quan VNCH về tội đánh nhau quá dở, để sập tiệm chế độ, để cộng sản tràn vào làm khổ dân. Nhưng với thời gian, chế độ CS càng tệ hại, cán bộ càng tham nhũng thì thì dân lại càng thương các sĩ quan công chức cũ của mình. Rút cục, lúc xảy ra vụ án Hồ Con Cua, thì cải tạo trở về được bà con tiếp đón niềm nở. Đến độ một sĩ quan được tha tít mù ngoài Quy Nhơn, chỉ cần xưng mình là sĩ quan cải tạo được tha về, thì được bà con nuôi ăn, xe đò chở không lấy tiền vé, cho tới khi về tận cửa nhà – dù nhà có ở tít mù tận Long Xuyên. Cải tạo trở về sống trong dân như cá sống trong nước, được dân thương yêu và che chở, trong khi cán bộ đảng viên ngày càng trở thành giống các quan lại tham ô thời Pháp thuộc, đi đến đâu dân cũng ghét.

Trung ương Đảng rất sợ các nhà văn sẽ kết hợp với giới sĩ quan cải tạo về, mặc dù sự quản chế những người này rất kỹ, Đảng vẫn lâu lâu ngụy tạo ra các vụ án phản động tiêu biểu để dằn mặt mọi thành phần chống đối. Dĩ nhiên chẳng cải tạo nào muốn biến thành con dê chịu tội trong loại vụ án ấy. Họ thủ rất kỹ. Thành thử công an phải vơ bèo gạt tép để tạo ra những vụ án dằn mặt, thí dụ như một vụ xử ở Sài Gòn năm 1985. Theo bản án đăng tải trên tạp chí, một hạ sĩ nhất bị truy tố về tội làm Chủ tịch phong trào Phục Quốc với phó chủ tịch là một trung tá mới được tha về. Tin ngoài hành lang cho biết chẳng qua ông hạ sĩ này vốn là đệ tử cũ của ông trung tá. Hạ sĩ thì chế độ không chấp, dễ kiếm sống nên ông này cũng kiếm ra tiền. Gặp ông thầy cũ mới được tha về đói rách, bèn kéo đi nhậu một bữa với bạn bè. Rượu say thì coi trời cũng bằng vung, nữa là Đảng! Ông hạ sĩ tự phong mình là Chủ tịch phong trào Phục Quốc, phong ông trung tá là Phó chủ tịch. Thế là thầy trò cứ ngất ngưởng mà soạn ra cương lĩnh và thông điệp. Mặc dù ông hạ sĩ khóc ròng trước tòa, khai vì quá chén nên làm vậy thôi, Tòa vẫn xử tử hình. Còn ông trung tá lãnh 15 năm tù. Tuổi đã gần 60, lãnh án 15 năm coi như không thấy đường về.

Đối với các nhà văn thì không thể đạo diễn thô sơ như vậy được. Đảng dư biết vô cớ bắt nhốt nhà văn sẽ gặp phản ứng bất lợi trong nước cũng như ngoài nước. Một số sĩ quan cao cấp của bộ Nội Vụ liền đưa ra ý kiến xài lại bài bản Vụ án Hồ Con Cua 1976 (vụ án ngụy tạo này đã đưa hầu hết các người cầm bút và trí thức khoa bảng miền Nam vào tù). Dĩ nhiên lần này đạo diễn công phu hơn. Trần Tam Tiệp được tấn phong làm một nhân vật cấp cao của CIA, được cấp cho những ngân khoản khổng lồ để mua chuộc các nhà văn miền Nam viết bài chống cộng đăng ở nước ngoài. Những gói thuốc gởi về chính là tiền nhuận bút, là tiền mua chuộc. Để tạo thêm về xác thực, công an đưa ra nhân vật Nguyễn Thị Nhạn, nhân viên bưu điện Sài Gòn, kẻ được coi là tay sai của CIA Trần Tam Tiệp ở Việt Nam. Ở đây cần nói thêm là các nhân vật như Nguyễn Thị Nhạn đã có hơi nhiều và từ lâu. Lý do tại chương trình ODP. Muốn xin đoàn tụ với thân nhân trong nước, thân nhân hải ngoại phải nộp giấy từ chứng minh quan hệ ruột thịt họ hàng, và với INS của Hoa Kỳ, thì đòi hỏi rất kỹ, đòi đến cả hình 4×6 của những người được bảo lãnh để đề phòng sự đánh tráo người (cũng đã từng xảy ra). Thân nhân ở Việt Nam phải sao gởi khai sinh, gía thú, sổ gia đình cũ,… một hồ sơ khá dày nếu gia đình đông người. Nhưng khi gửi qua bưu điện thì mười hồ sơ này bị công an bưu điện vứt vào sọt rác hết chín. Bà con phải xoay sở gửi bằng những cách khác (thí dụ như gia đình người viết bài này đã phải gởi bất cứ giấy tờ gì, hình ảnh nào của gia đình mình ít nhất là 3 lần, gửi thẳng tới Mỹ, gửi qua Pháp, gửi qua Đức,… để may ra có một lần tới tay người nhận). Và cách hay nhất vẫn là chi tiền cho nhân viên bưu điện để những người này dùng thủ thuật chia chác sao cho các thư dày cộp giấy tờ đó khỏi bị vứt vào sọt rác. Nguyễn Thị Nhạn chỉ là một cô gái trẻ mới được đi làm bưu điện chưa lâu, nhưng thuộc loại nhận tiền bà con để miễn vứt thư vào thùng rác này. Có vậy thôi, nhưng bây giờ do nhu cầu đạo diễn, Nguyễn Thị Nhạn bị bắt và được gán cho một vai trò tối ư quan trọng trong hệ thống “gián điệp quốc tế” này (Trần Tam Tiệp ở Pháp).

Công an căng một màn lưới tỉ mỉ và rất kiên nhẫn theo dõi để lập một danh sách những người cần phải bắt. Dĩ nhiên những nhà văn thơ miền Nam không đề phòng gì cả. Ngay cả tôi và Doãn Quốc Sỹ cũng vậy. Cả hai đứa đều đi cải tạo vài ba niên trở lên cả, biết khá rõ những gì cộng sản có thể làm được, nhưng không thể nghĩ nổi là Đảng CSVN đã thoái hóa suy sụp yếu đuối đến độ lợi dụng đến cả việc tương trợ giữa bạn bè thân hữu lúc đói thiếu ăn, ốm thiếu thuốc men để tạo dựng một vụ án chính trị như vậy. Trước 1980, Đảng CSVN “hùng” hơn, có tư cách hơn nhiều. Theo tôi được biết, việc Doãn Quốc Sỹ, (đã được cấp giấy xuất cảnh cùng vợ đi Úc đoàn tụ gia đình với cháu Thanh), được gọi đi phỏng vấn và khám sức khỏe, đã bật đèn xanh cho vụ án mà bà con hay gọi là vụ án Hồ Con Cua. Ngành công an đã hao tổn công phu cỡ hai năm rồi, nếu để Doãn Quốc Sỹ đi thoát, thì uổng công quá. Phần tôi, không hề biết đèn xanh đã bật, nên khi nghe tin anh chị Doãn Quốc Sỹ đi khám sức khỏe để ra đi, đã rủ Thi đến thăm để liệu đường giã từ nhau. Bọn tôi đến vào một buổi chiều, căn nhà nhỏ trong hẻm Thành Thái đông văn giới. Đủ cả Thanh Tâm Tuyền, Dương Hùng Cường, Thế Viên, và một số người nữa. Tôi hỏi thăm Thế Viên về vụ bị nhốt trên sáu năm chỉ vì đã đến đây uống một ly cà phê với chủ nhà, thì anh cười rất hào sảng trả lời anh chỉ tiếc một điều là chưa được uống ly cà phê cháu Thanh pha mang ra. Phin chưa chảy hết thì công an đã ập vào. Thế Viên buông một câu: “Giá được uống cạn ly cà phê đó rồi mới bị còng thì cuộc đời còn không gì để hối tiếc!”. Tất cả những người có mặt đều cười vui vẻ vì câu nói đó… Khi tiếng cười đã dịu xuống, con trai lớn của Doãn Quốc Sỹ buông ra một câu nhận xét: “Hôm nay các chú tới đông vui quá! Chẳng khác gì họp Bút Việt…”

Thi vốn là người có một trực giác tinh tế. Nhiều lần nhờ thứ trực giác này, nàng đã gỡ tôi ra khỏi những hoàn cảnh khó khăn mà lý trí của tôi không thể tính ra được. Nàng hích tôi: “Về lẹ đi anh. Em thấy bất an”. Bọn tôi cáo biệt bạn bè, bắt tay vui vẻ từng người một. Dương Hùng Cường tiễn bọn tôi ra cửa, nói nhỏ: “Tôi đang lo lắm. Nói riêng với anh chị thôi là tôi sợ phút chót họ không cho cụ Sỹ lên máy bay đâu”. Tôi không hỏi thêm tại sao, chỉ bắt tay từ giã. Đó là lần cuối cùng tôi gặp những người bạn ấy. Hai đứa dắt xe đi bộ ra ngoài hẻm thì gặp anh chị Doãn Quốc Sỹ đi khám bác sĩ trở về. Anh chị cho biết thủ tục đã xong, mặc dù phải chụp tới lui hai lần. Anh hẹn tôi chiều hôm sau trở lại nói chuyện nhiều. Tôi y hẹn. Nhà anh khá đông người thuộc lớp trẻ, hoa lá tưng bừng và hai cậu đang dượt lại dương cầm và Tây Ban cầm ồn không thể chịu nỗi. Doãn Quốc Sỹ bèn rủ tôi đi uống cà phê. Hai đứa đi không xa, ngồi ngay quán vỉa hè đường Thành Thái. Buổi chiều đã tắt nắng, con lộ trước mặt cũng thưa xe. Hai đứa bàn về tương lai và Doãn Quốc Sỹ bày tỏ một sự hăng hái như thời thanh niên, làm tôi hơi khựng lại. Tôi nhẹ nhàng góp ý kiến là khi mới tới Úc, thế nào báo chí cũng phỏng vấn, đề nghị anh nên dè dặt trong những lời tuyên bố để khỏi kẹt cho anh em còn lại. Tôi không tiện nói với anh là trong túi tôi cũng đã có một giấy xuất cảnh đi Mỹ – từ những năm tháng dài trên rừng trước đây, tôi đã học được nhiều điều để tồn tại trong chế độ cộng sản, trong đó điều quan trọng nhất là kín đáo về mình. Doãn Quốc Sỹ ngẫm nghĩ một chút rồi trả lời: “ Anh nói đúng. Vả lại tôi cũng phải lo cho các cháu còn ở lại.” (cháu Thanh chỉ đủ điều kiện bảo lãnh cho cha mẹ già thôi)…

Hai đứa tiếp tục ngồi nói chuyện lặt vặt khác nữa, trong thân hữu và thỏa mái vô cùng. Chơi với bạn già, bạn cố tri có cái thú như thế. Tôi chỉ đứng dậy từ giã khi phố đã lên đèn. Hai đứa đồng ý đây là lần gặp nhau lần chót trước khi Doãn Quốc Sỹ lên máy bay. Tôi rất ngại đưa tiễn không phải vì lúc tiễn đưa, mà vì lúc máy bay cất cánh rồi, khi mình trở về, mới thực là ngao ngán – tôi đã kinh nghiệm một lần kiểu tiễn đưa này nên tự hứa chẳng bao giờ tiễn ai ra nước ngoài thế nữa. Tôi bắt tay anh thật thân hữu và nhẹ nhàng như bao lần rồi dắt xe xuống lòng đường. Khi tôi châm điếu thuốc lá cuối cùng Doãn Quốc Sỹ mua cho, thì anh đã xoay người bắt đầu đi vào ngõ hẻm.

Ngay đêm đó vụ án Hồ Con Cua nổ bùng. Bởi thế đó là lần cuối cùng tôi gặp Doãn Quốc Sỹ. Những gì diễn ra sau đó thật gay cấn và toát mồ hôi lạnh. Và vào những lúc khủng khiếp nhất, tự do cuối cùng của tôi mong manh như sợi tóc, tôi vẫn hay mỉm cười nói với Thi: “Dù thế nào chăng nữa anh cũng sẽ hơn được anh Thế Viên ở điểm anh đã được uống cạn ly cà phê của Doãn Quốc Sỹ!”

Tháng 6.88

Comments are closed.