VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975 (30): Mù khơi (1)

Thanh Tâm Tuyền

 

1.
Người đàn ông ấy đã chết. Tôi lặp lại với mình, lặp lại như thế hồi lâu và nhận ra ngấm ngầm tôi vẫn mong ước cái chết ấy xảy đến. Bây giờ người đàn ông ấy đã chết. Thế là xong. Từ bây giờ (không phải nói từ hơn tuần nay) tôi sẽ không còn bận trí về sự hiện diện của ông ta trên đời này, tôi được giải phóng thoát khỏi lòng thù hận đầu độc tôi trong bao nhiêu năm nay. Nhiều lúc tôi tưởng tôi phải chết. Vậy mà tôi vẫn sống, trong địa ngục, tôi sống nhăn, sống kỳ cục và tôi khinh miệt tôi. Nhưng nay thì chính ông chết, và tôi còn sống. Tôi cho thế mới công bằng, ông ta trả lại tự do cho tôi sau khi đã cướp đoạt mấy mươi năm liền.
Tôi đọc lần nữa dòng tin buồn trên báo. Tờ báo cũ hơn tuần rồi. May mắn sao tình cờ tôi lại lẩn thẩn đọc tờ báo cũ này để gặp những dòng ai tín quan trọng đối với tôi. Nếu không, tôi có thể chẳng hề hay biết và có thể bóng dáng của người đàn ông ấy sẽ mãi ám ảnh tôi. Tôi cười bật một tiếng ngắn.
Tiếng cười dội vào trong tôi. Tôi không cười thành tiếng nữa như chuỗi cười dứt tung âm trong đầu. Tôi cười một mình âm thầm dữ dội như vẫn cười trong cơn ác mộng. Xung quanh tôi lặng lờ không một tiếng động. Niềm hân hoan mọi rợ khiến tôi co rút người, nôn nao như say, bắp thịt trên má, trên ngực giựt động liên hồi. Tôi mệt dốc tưởng xỉu ngay tại chỗ. Những bông hoa đỏ lóe cắm trong cốc đặt trên bàn chập chờn nhảy. Tôi phải nhắm mắt, cố dằn cơn xúc động huyên náo nhấp nhô như sóng. Rồi những giọt nước mắt tự nhiên ứa ra không sao kìm giữ. Tôi khóc đấy sao? Không đời nào, những dòng nước mắt cứ tuôn trào, cùng chuỗi cười vang vọng đâu xa, làm lắng dịu những thôi thúc trong thân tôi. Sau rốt tôi cũng bình tĩnh được.
Nhưng đàn ông ấy đã chết. Người đàn ông ấy. Tôi không biết gọi cách nào khác. Hiểu giản dị, người đàn ông ấy là bố tôi, giản dị thì như thế. Nhưng giữa người đàn ông mà tôi có thể phải gọi bằng bố và tôi, mối quan hệ không bình thường giản dị chút nào. Về mặt pháp lý, chúng tôi không còn chút liên hệ nào với nhau. Ông chết dưới một tên khác, không phải cái tên tôi được biết ngày nhỏ, ông đã thay đổi căn cước cùng với cuộc đời ông. Và chính tôi nữa, trên giấy tờ, tôi cũng không phải là con ông, cái tên một thời ông đã khoác rồi vứt bỏ, tôi cũng vứt bỏ luôn khỏi tờ khai sinh của tôi. Về mặt xã hội, chúng tôi không hề sống chung với nhau dù một ngày dưới một mái nhà. Không một ai hay biết ông là bố tôi hay có một vài người biết thì những người ấy cũng làm lơ như không biết. Chứng tích quan trọng về giây liên hệ giữa hai chúng tôi là người đàn bà sinh ra tôi. Nhưng chứng tích ấy cũng đã biến mất từ lâu. Người đàn bà ấy còn sống, đã có cuộc đời khác, không dòm ngó đến chúng tôi nữa.
Hoá ra chỉ còn hai chúng tôi, hai người đàn ông chẳng liên lạc gì với nhau nhưng lại trót biết rằng mình có liên hệ. Đôi khi tôi tự hỏi không hiểu người đàn bà kia có lầm lộn chăng, hay nham hiểm trước khi thay đổi dứt khoát đã đẩy tôi ra trước mặt người đàn ông ấy như một hành động trả thù tai quái. Dù thế nào rõ ràng là người đàn ông ấy muốn quên là có tôi trên đời này cũng như tôi muốn quên ông ta. Ông chưa một lần gọi tôi bằng con và tôi chưa một lần gọi ông bằng bố. Chúng tôi không bao giờ tìm gặp nhau nhưng chúng tôi vẫn biết quanh đâu đó có đôi mắt lạnh lùng theo dõi mình. Và riêng tôi, tôi thù hận người đàn ông ấy.
Tôi biết, tôi dư sức biết, mối tình cảm của tôi có thể được giải thích bằng cái lý thuyết gọi là Phân tâm của Freud. Ôi, cái mặc cảm gọi là Oedip kia lồ lộ trong cái khuynh hướng sát phụ. Mọi người muốn hiểu thế cũng được. Riêng tôi, tôi không muốn…
Phải, mối tình cảm của tôi đối với người đàn ông ấy không giản dị là của đứa con chống lại với bố nó. Không giản dị thế đâu. Còn cái gì hơn nữa kia, cái gì mạnh mẽ buộc chặt tôi vào người đàn ông ấy khiến tôi nổi điên vùng vẫy. Cái gì buộc chặt tôi? Và bây giờ cái chết cởi thoát cho tôi, với sự tự do vừa tìm thấy, tôi sẽ… phải, tôi sẽ sung sướng hơn.
Trong quán ăn hẻo lánh, tôi đang ngồi, tôi nhớ tôi đang chờ. Không còn ai khác ngoài tôi. Các cửa kính đóng ngăn gió bên ngoài. Tôi nhớ tôi đang ở thật xa Sài Gòn, thật xa cái ngày người đàn ông ấy nằm xuống. Người ta đã chôn cất ông và khi tôi trở về dưới ấy, tôi không còn sợ bất ngờ phải đụng mặt ông nữa. Tôi nhớ lúc này là buổi chiều trên miền cao. Qua cửa sổ trời mây xám ngoét, những mảnh vườn rau xanh tốt và những ngôi nhà lụp xụp dưới thấp đã le lói ánh đèn. Tôi nhớ tôi đang chờ Hằng, tôi đang chờ một cuộc hẹn đã biết trước khi đến là bất hạnh. Nhưng bây giờ tôi tin tôi sẽ biến đổi được cục diện.
Tôi xốn xang nghe như chuông Giáng sinh đổ hồi khua động trong lồng ngực. Bầu không khí rét ngọt, nhưng hai bàn tay tôi vã mồ hôi. Tôi mong Hằng đến, đến thật mau để cho niềm hạnh phúc mới mẻ chất chứa trong tôi bùng nổ, bao phủ lấy nàng. Nàng sẽ thất thần, sẽ lao đao, sẽ khiếp hãi nhưng sung sướng. Chúng tôi sẽ uống rượu, sẽ ăn bữa cơm như ngày nào mới gặp nhau và sau đó chúng tôi sẽ cùng đi với nhau ra ngoài. Tôi sẽ đuổi nàng chạy trên những con dốc, trên những khoảng đồi, gió thổi ào ào khắp các rừng cây. Thành phố như đang bay và tôi cũng bay theo. Hằng, Hằng ơi, chúng ta được tự do và em sẽ sung sướng. Đêm thật khuya, rét mướt khi chúng tôi không chạy nữa, tôi sẽ dìu nàng chầm chậm quanh hồ, chúng tôi có thể lột bỏ quần áo xuống hồ bơi lội. Tại sao không nhỉ? Chúng tôi sẽ là những thỏi băng. Tại sao nước hồ bên dưới không thể ấm áp nhỉ?
Những tiếng động trên sàn gỗ khiến tôi bốc giận. Người nữ tu của một dòng truyền giáo kiểu mới trông nom quán ăn xuất hiện nơi khung cửa.
“Ông vẫn còn phải đợi?”
Tôi cầm tấm bìa thực đơn che mặt.
“Tôi còn đợi, thưa dì phước, tôi không thể không đợi. Dì hiểu chứ?”
Người nữ tu mỉm cười, tiến vào phòng bật điện.
“Ông bật ngọn đèn trên bàn của ông đi. Ông uống thức gì trong khi chờ đợi?”
“Dì cho tôi một cốc nước lạnh. Và dì sửa soạn cho tôi và một cô bạn của tôi sẽ đến ăn.”
Cốc nước lạnh uống một hơi hạ bớt cơn nóng vô lối. Tôi tự nhủ phải thay đổi, bắt đầu từ giờ phút này tôi phải thay đổi. Bắt đầu thay đổi từ sự dịu dàng khi nghĩ về người đàn ông ấy. Lòng thù hận phải tiêu tan đi, tôi phải thoát khỏi căn ngục đen tối chật chội. Ông ta đã chết rồi. Lần cuối cùng tôi gặp ông vào một bữa trưa nắng, trong rạp chiếu bóng ở Sài Gòn. Ông vào đó kiếm chỗ ngủ, ông đi ngang mặt tôi, cúi lom khom, người gầy guộc, chui tuốt vào chiếc ghế trong kẹt góc. Ông đã đánh rớt xấp báo ôm trong tay, lúng túng xin lỗi và mò mẫm trong bóng tối lượm nhặt giấy tờ vương vãi một mình. Ông không hay tôi ngồi đó, tuột hết giầy vớ, gác hai chân lên lưng ghế hàng trước. Trong phòng tối vắng vẻ, tôi nghe rõ từng tiếng động nhỏ, ông ho khan, ông chép miệng tóp tép, hình như ông bóc một bao kẹo hay một gói giấy bóng bọc sái thuốc phiện, ông ngáy khò khè như bị đàm vướng cổ. Những buổi trưa như thế, ông vừa từ một quán cơm bình dân bước ra lủi thủi một mình trong bóng nắng và trốn vào rạp chiếu bóng. Lúc đèn bật sáng tôi thấy ông nằm bật ngửa, đầu nghẹo một bên, thở thoi thóp yếu đuối, mặt mũi bình thản một cách lạ lùng. Đó là một ông già cô đơn đáng thương, nếu không phải là ông. Vẻ bình thản của ông đâm xốc vào mắt tôi, ông không có quyền bình thản như thế. Cái tấm thân xơ xác thảm hại trong bộ quần áo lôi thôi xập xệ giống như một cái xác.
Có lẽ khi ông chết mặt ông cũng vậy. Có lẽ còn điểm thêm nụ cười khinh bạc. Ông thật có cái quyền cười như thế ư? Tôi không thể không giận. Đáng lý tôi phải thương hại ông mới phải. Có phải không? Tôi đã không thể thương hại. Làm sao tôi thương hại được một cái xác. Nhưng lúc này tôi muốn, thương ông, tôi phải tập thương ông mới được. Cái xác ấy đã chôn vùi rồi, chôn đâu tôi không hay biết…
Người nữ tu trở lại. Bầy hai chiếc khăn ăn, dao nĩa trên bàn. Cô dừng tay, ngó chầm chậm:
“Ông đã khoẻ chưa?”
“Ai? Tôi ư? Tôi đau sao, dì?”
Người nữ tu bỏ sang bàn khác, sửa lại mấy cốc hoa. Vẳng lên trong buổi tối tĩnh mịch, tiếng nhạc đĩa kín ẩn, thấp thoáng. Những âm sắc bén đã che dấu đã dồn dập bay lượn, khúc nhạc căng thẳng, sợi dây cung phóng vút những mũi tên nhọn. Ngực tôi phơi trống trải. Tôi muốn la gọi cho im tắt những thanh âm đang xô đuổi nhau ầm ĩ dửng dưng, nhưng rồi tôi kìm được.
Bên ngoài trời đã tối xập. Những hạt mưa thưa quật vào cửa kính. Tôi nghĩ Hằng không đến, nàng cũng sợ cuộc hẹn hôm nay. Càng tốt. Tôi có đủ thì giờ để biến đổi mình, tập dượt làm quen với tình thế mới. Tôi có những ngày vắng lặng, tận hưởng sự tự do và khi tìm gặp nàng tôi đã lột xác. Nàng sẽ ngạc nhiên mừng rỡ đón nhận. Anh không còn quái gở nữa, anh bình thường như mọi người, trước kia anh bị đầy đoạ… anh bị đầy đoạ, anh bất bình thường… Toàn thân tôi phát ớn lạnh, lẩy bẩy. Trên mặt kính cửa sổ, ngọn đèn chụp trên bàn lờ mờ chiếu hình của tôi. Tôi đưa tay phải vuốt tóc, nghe mặt mũi lởm chởm bẩn thỉu mấy ngày không cạo rửa. Mấy ngày? Tôi không nhớ rõ. Tôi đã nằm lỳ trong phòng, đợt Hằng đến như mọi khi, Hằng đến khóc lóc vuốt ve, an ủi tôi sau mỗi lần gây gổ, tôi xua đuổi nàng, tôi lồng lộn, xua đuổi nàng, bằng nàng phải ôm ghì lấy lấy tôi cắn xé, khóc than cho đến lúc tôi không còn hơi sức hành hạ người đàn bà nữa mới thôi, tôi đợi Hằng và Hằng không đến, cuối cùng tôi phải nhắn Hằng hãy gặp nhau lần chót. Hằng hẹn ở đây và cũng sẽ không tới. Nhưng không thể là lần chót được. Tôi không thể mất Hằng… Không thể…
Trên đầu dốc dẫn xuống quán, tiếng xe hơi đậu lại và tắt máy. Những bước chân chạy mau trên lối lổn nhổn sạn đá. Tiếng giầy đàn bà bước nhanh qua sân gạch lên cây cầu gỗ tiến vào phòng.
Tôi biết Hằng đến, tôi muốn đứng lên đón nàng xong vẫn ngồi yên. Hằng đứng lại ngoài hành lang, nàng đang phủi bọt nước bám trên áo, tôi nhắm mắt tưởng tượng. Tiếng người nữ tu chào hỏi, một người khác, có lẽ là người da đen, tôi đã trông bóng thấp thoáng dưới bếp lúc vào. Giọng Hằng thanh tao. Tôi không nghe gì nữa một hồi lâu, ngoài khúc nhạc mới vẳng lên. Một khúc nhạc thật rối, thật đầy.
Tôi mở mắt. Hằng đứng gần bàn đang quan sát tôi, bên cạnh một người đàn ông lạ mặt. Nàng không trang điểm, vẫn khoác chiếc áo dạ tối.
“Mưa quá. Em phải nhờ anh Phong có xe đưa em đến. Đây anh Phong… còn đây anh…”
Hằng cố lấy giọng tự nhiên nhưng tôi nghe rõ sự giả trá. Nàng không muốn gặp tôi một mình, nàng muốn tỏ sự dứt khoát. Có sao đâu? Mặt tôi bừng bừng. Tiếng kêu phát nổ ngay.
“Việc gì em phải làm như thế, trò trẻ con em biết không? Em cứ bảo thẳng là em không thích gặp anh nữa. Đừng bắt anh đóng mấy cái trò khỉ này… anh làm sao chịu nổi… Em… Em xoàng lắm… việc gì… em phải…”
Người nữ tu đứng sau lưng khách sững sờ nghe tôi to tiếng. Hằng nhíu mày nhưng vẫn tự chủ, gượng cười.
“Kỳ quá anh. Anh mời em ngồi xuống đi. Rồi anh muốn nói gì hãy nói. Em nghe mà”.
Tôi nắm chặt thành bàn, cố dằn cơn hung bạo thô lỗ. Đầu óc lao đao, lập lờ, cổ họng nghẹt ứ. Tôi ráng như phải dịu dàng.
“Hằng em ngồi xuống đi. Xin lỗi anh. Anh gì nhỉ?”
“Hằng xin lỗi anh Phong. Tính anh ấy vẫn thế. Mời anh”.
Người nữ tu đỡ Hằng, một tay nhấc chiếc ghế cho Phong. Hằng ngồi xuống sau, đối diện với tôi, nói vừa đủ tôi nghe:
“Anh gọi món ăn chưa? Em gọi cho anh nhé. Anh nhớ là chính anh muốn mình gặp nhau hôm nay. Tiện có xe của anh ấy em mới đến, nếu không em đã không đến”.
Tôi rút thuốc châm hút, mấy ngón tay run như đuôi thằn lằn đứt. Đêm sóng sánh trong trận mưa đáp nặng. Tôi muốn câm như giải đất bên lối dốc ngoài kia, giải đất chen chúc những cỏ thừa thãi xum xuê dưới lớp mưa phủ. Hư hết rồi Hằng… phải… giá em đừng đến… Tôi yếu ớt hết sức, tôi biết tôi khó lòng kháng cự cơn cuồng lốc vồ vập.
“Anh xin lỗi em. Xin lỗi anh Phong. Cám ơn anh đã đưa Hằng đến. Xin lỗi dì… Tôi mất dạy quá phải không dì? Tôi xin lỗi hết thảy. Em gọi dùm anh đi. Dì cho tôi xin một chai rượu chát. Bữa nay mình sẽ khao linh đình”.
Người nữ tu đưa mắt hỏi ý Hằng, nàng lặng lẽ gật đầu.
“Một lần nữa, anh xin lỗi em. Em thấy không? Chưa bao giờ anh biết xin lỗi em cả. Hôm nay xin lỗi em, anh xin lỗi hết. Anh sẽ xin lỗi mãi nếu em muốn. Cám ơn em. Em tin đi từ phút này anh sẽ không làm điều gì bậy nữa… Anh biết từ trước đến nay anh đối với em bậy lắm. Anh tệ mạt. Anh không chối nhưng anh tin là anh thay đổi từ hôm nay, từ phút này, anh thay đổi…, anh thay đổi thật… anh tin là em hiểu anh phải không Hằng? Nếu em không hiểu được anh… thì chẳng còn ai hiểu anh nữa… Em đã hiểu anh, em hãy cố hiểu anh thêm… Hằng. Hằng em có nghe anh nói không? Em có muốn nghe anh không?… Em còn có tin dù thế nào có một điều thật nhất, điều em không quên là anh yêu em… Anh quái gở nhưng anh yêu em. Anh yêu em quái gở nhưng yêu em. Bây giờ anh sẽ hết quái gở em biết không. Em hãy nhìn anh thay đổi. Anh thay đổi mà… em hãy nhường anh một lần này nữa… một lần này… nữa thôi. Hằng… Hằng…”
Tôi nói mê man, nói không muốn nghỉ. Tôi không thể rời xuống vực trống, tôi nói như thể khúc nhạc hoà tấu dâng tràn gian phòng, như thể trận mưa ào ạt trong đêm mỗi lúc một đầy. Tôi nói, tôi nói hoài, xoá nhoà quang cảnh quanh tôi, Hằng, Hằng hãy để cho anh nói… cho anh nói hết… Nói hết một lần. Một lần như không bao giờ. Không bao giờ anh có thể nói được nữa. Hãy để cho anh nói, anh có buông tung hết thảy những gì ẩn giấu, ngầm chứa… Có thể được không?
2.
Như mạch đã mở, máu chảy xối cho đến lúc kiệt, không sao cầm. Tôi nhìn Hằng ngồi đó, trước mặt, mím chặt môi, tránh tia nhìn, lúc lắc đầu, thỉnh thoảng lắp bắp muốn ngắt lời. Tôi cao giọng, hối hả tranh chạy trước những ý nghĩ vụt sáng vụt tắt. Tôi không cần biết mình nói những gì. Tôi chỉ biết nếu tôi ngừng lời, tôi sẽ chẳng thể há miệng trở lại, tôi sẽ câm như hến và Hằng sẽ bỏ đi. Dường như trong phòng có thêm một số khách, nhiều tiếng xầm xì khó chịu, tôi bất chấp. Một lúc Hằng nắm giữ bàn tay tôi đặt trên bàn, nàng muốn đánh thức tôi. Tôi mở to mắt, giữ chặt tay nàng và cười hực trong cảm giác tê tái điếng hồn: Anh vẫn còn tỉnh mà, anh tỉnh hơn lúc nào hết, để cho anh nói, anh cần phải nói, anh cần phanh phui một lần nỗi lòng anh rồi em muốn quyết định thế nào anh cũng đành… em phải hiểu anh… em phải hiểu người đàn ông… em phải hiểu đời sống này, đời sống này, đời sống u uẩn, đời sống thực của mỗi người, đời sống không nói được, đời sống mù mịt như con đường hầm, em phải hiểu như thế, có thể anh thay đổi, có thể anh chẳng thay đổi gì… như anh hứa… nhưng anh… trừ phi em không muốn hiểu anh nữa… trừ phi…
Dường như mọi người đều chú mục vào tôi, thây kệ. Tôi biết mình lố bịch, rồ dại nhưng tôi sợ sự nín lặng ngập ngụa sẽ chụp xuống và tôi có thể càn rỡ hơn nữa. Nhưng tôi cũng biết tôi chẳng sao lấp đầy nổi cái miệng vực há ngoác đang đón. Và tôi biết tôi đang nhấp nháp hương vị của sự tuyệt vọng. Tôi không thay đổi được cục diện, trái lại.
Rồi tôi im bặt.
Mặt Hằng nghiêm lặng nhợt nhạt như pho tượng đá, đôi mắt bất động câm tuyệt xúc động, cánh môi trên hằn vết răng cắn. Nàng rút tay lại, tôi không còn sức níu giữ.
“Em hiểu anh, không hiểu anh, em đã cắt đứt liên lạc với anh từ lâu. Không phải đến bây giờ. Nhưng mong anh cũng hiểu cho em. Anh… dù sao anh nhớ em vẫn chỉ là đàn bà. Người đàn bà không bao giờ vượt nổi một số giới hạn… dù ngông cuồng cách mấy. Em hiểu anh nhưng em cũng hiểu em. Em không thể làm gì hơn…”
Giọng Hằng trầm ấm, nhẹ nhàng không một nét hờn giận. Tôi nghe thảnh thơi lắng dịu như đám mưa bay đều ngoài trời. Hằng thật quyết tâm, mắt nàng đỏ hoe, đỏ thật thà khiến tôi muốn khóc. Trong phòng tiếng động rời rã như làm nền cho sự tĩnh lặng rất đầy, sự tĩnh lặng tôi đã sợ, mơn man êm ái. Tôi đứng lên rót hết rượu vào các cốc.
Anh chàng tên Phong suốt từ lúc vào giữ thái độ nhẫn nại tội nghiệp và lúc ấy anh ta trông thẳng vào mắt tôi, muốn cho tôi hiểu tôi chỉ là thứ quái vật anh mới gặp đầu tiên trong đời. Tôi ngồi xuống ghế, nâng ly, tỏ dấu mời hai người lần thứ nhất trong buổi tối. Tôi mỉm cười, mơ hồ chợt nhớ đến vẻ bình thản trên gương mặt người đã chết.
“Anh là người sống với những bóng ma nào đó, những bóng ma nào đó, những bóng ma em không làm sao biết được. Có phải thế không anh? Ngay cả em, em cũng là một cái bóng. Em nghĩ như thế không biết có đúng không. Em nghĩ thật lâu lắm rồi, chín lắm rồi… chúng mình chỉ có thể là bạn. Em cảm ơn anh những gì anh đã dành cho em, em cũng xin lỗi anh về tất cả… Anh luôn bảo với em phải sống thật, sống đến hết, đừng nửa chừng, có phải không anh? Anh hãy để cho em được sống thật. Yêu anh lúc nào em cũng có cảm tưởng em sống ở cõi nào khác, không phải trong cõi này. Em có thể hiểu anh, nhưng hiểu là một chuyện…”
Buổi tối đã tàn lụi thừa thãi. Chẳng còn gì lưu luyến. Thần trí tôi lênh đênh quanh quẩn như hơi gió khuất. LOOKING… AT… THE WINDOW… SMO… KING… MY SAID… CIGARETTE… Giọng hát rạn vỡ đắng chát u sầu như điếu thuốc tôi ngậm trên môi. Tôi cầm chiếc dao ăn, gõ nhẹ vào thành cốc theo nhịp lời. Những âm không trống trải nếm được trên đầu lưỡi. SMO… KING… MY… SAID… CIGARETTE. Hằng vẫn nói đều giọng những lời dỗ dành từ biệt. Nàng trở về với nàng, về với đời sống thực mà không thực, không thực mà thực, đời sống giản dị những chằng chịu được chấp nhận, nàng trở về với người con gái trước khi gặp tôi, nhưng đó là một người con gái đã khiếp hãi mọi mộng tưởng… Phải, cõi tục đó, cõi hoang tịch đó, nàng cũng vẫn chỉ có một mình, nhưng gần tôi nàng nghe như ở trong địa ngục. Những lời của Hằng tôi nghe ra như những tiếng động ru hờ một giấc ngủ sẽ tới, những lời tôi đã nói với nàng cũng thế. Tôi không muốn tưởng tới gì ngoài những vang động trống không bởi vượt khỏi những vang động kia tôi sẽ cười hộc lên. Sặc mùi văn chương màu mè vậy mà cảm động. Cớ sao tôi không thể nói những lời như nàng? Những lời mơn trớn như liều thuốc an thần mọi người đều cần. Tôi còn kịp để giữ Hằng, tôi chỉ việc hoà theo nàng không nhiều, một vài lời đệm hợp với điệu du dương đang bao phủ. Biết thế cớ sao tôi không làm nổi? Nàng sẽ khóc tức tưởi và tôi sẽ cười sặc hoặc sẽ cáu kỉnh thô lỗ.
Người nữ tu đến bên bàn, nhấc lấy chai rượu.
“Ông nên dùng gì đi chứ. Ông chưa ăn chút gì cả. Lúc nãy ông nói mê say. Ông làm chúng tôi sợ”.
“Xin lỗi dì một lần nữa. Dì cũng hiểu hai kẻ yêu nhau…”
Người nữ tu ra cửa tiễn khách. Phòng ăn giờ chỉ còn bàn chúng tôi. Tôi nghĩ đã đến phút phải chia tay và nhìn sang Hằng. Nàng quay mặt về phía cửa sổ. Ở ngoài mưa đã ngớt hạt. Dưới hũng tối, đèn đóm hiu hắt. Phong ngó quanh các bức tường trong phòng.
Chỗ lò sưởi xây bằng gạch còn giữ cảnh bài trí tích Chúa Giáng sinh. Trong lò sưởi, các gốc củi được xếp chụm như sắp đốt vẫn quấn nguyên những dây giấy màu xanh đỏ. Cảnh vật rút vào trong sự thầm thì thừa mứa những ý nghĩa, ngay cả những cử động, di chuyển của hai người nữ tu đang dọn dẹp bàn ăn cũng là một phần của cảnh.
Tôi tự hỏi: tại sao tôi vẫn còn ngồi nán ở đây? Tôi còn chờ đợi điều gì xảy tới? Hằng sẽ nói tiếp, Hằng sẽ bật khóc, bỏ chạy, Phong theo hộ vệ nàng, còn tôi ngồi trơ trơ như đoạn kết một cuốn phim, khuôn mặt tôi bơ phờ, lạc lõng hiện lên trong một gros plan chụp qua ống kính là đôi mắt của người nữ tu từ phương xa đó. Đôi mắt mà đầu tưởng tượng, tưởng tượng như sản phẩm của tất cả những gì đã thâu nhận, phóng lớn hình ảnh của tôi với những nỗi niềm phơi trải. Nhưng thật sự tôi đang bình yên. Mọi sự đã xong, không xong cũng phải xong.
“Mai em về Sài Gòn. Anh đừng tìm em mất công. Anh sẽ không thể nào gặp em đâu”.
“Hằng về Sài Gòn ngày mai đấy à?”
Phong hỏi, ngạc nhiên, đó là câu nói đầu tiên của anh chàng này tôi nghe thấy. Tôi không nói gì cả. Đáng lẽ tôi phải nói một câu gì mới đúng phép nhưng lời lẽ trốn biệt đâu cả. Tôi chỉ đang nghe tiếng gió hú thổi trên đồi cao và sự vắng vẻ thênh thang của mặt đường dốc ngoài kia. Hằng gật đầu, liếc tôi có ý chờ xem phản ứng.
“Vâng, mai Hằng về sớm”.
Tôi mường tượng đến bầu trời mù sương đục sáng mai, bóng dáng Hằng đứng ở bến xe buổi sớm, quang cảnh những con đèo xanh ngút mắt, xe lao xuống, con đường cuốn gió bị hút dưới bụng xe những cây cầu ì ầm chấn động lẫn trong tiếng nước chảy ào ạt trên các ghềnh đá, ánh nắng non tươi lấp loáng trên kính xe cùng những con bướm bay đập tơi tả trước mũi xe trong một đoạn đường chen giữa rừng, cái quán nghỉ dọc đường gần những tảng đá chồng, con đường đã xuống thấp phơi trong ánh nắng già có những quãng tối mát của rừng cao su và những thị trấn buồn tẻ những con sống rộng liền… Tôi tưởng tượng đến Sài Gòn ở đó Hằng sẽ mất hút. Nhưng cái dáng mảnh mai của nàng vẫn sẽ lẩn khuất như cái dáng khẳng khiu của người đàn ông đã chết. Phải như thế không?
Bây giờ tôi không còn thể ngồi thêm phút nào nữa. Người nữ tu da đen đã đưa giấy tính tiền với lời xin lỗi lịch sự quán ăn đã đến giờ nghỉ. Chúng tôi phải đứng lên. Phong kéo ghế lấy chỗ rộng cho Hằng rời bàn. Hai người đã ở khoảng trống gần cửa ra. Trong một phút, hai cẳng chân tôi như tê dại không nhấc nổi, tôi cố gắng đứng dậy và tưởng chừng sắp khuỵu. Tôi đã ngồi chôn chặt trên ghế từ lúc trời chưa tối. Hằng đi bên cạnh Phong phía trước, tôi như kẻ đưa tiễn hai người. Gặp người nữ tu lúc sắp bước lên cây cầu gỗ ra sân, tôi đưa tay bắt, ngỏ lời xin lỗi lần cuối.
“Rất hân hạnh lại được tiếp ông lần khác”.
“Thật không, thưa dì? Nhưng lần sau dì sẽ thấy tôi đứng đắn, tôi khác”.
Trận mưa đã tạnh. Những giọt mưa đọng trên cành lá rớt lộp độp thưa thớt. Leo hết con dốc nhỏ lên đến mặt đường, tôi thấy Hằng còn đứng bên cửa xe. Phong rồ máy bật đèn nhấp nháy, ngó đầu ra ngoài, gọi với một cách thân thiết cố tình: “Anh về đâu, tôi đưa anh về”. Tôi cũng bắt chước là: “Cám ơn anh, anh đưa Hằng về dùm tôi”. Tiếng la vang đem cho tôi sự thoải mái dễ chịu. Tôi đứng im trên đầu dốc, giơ tay cao chào Hằng và tiếp tục la lớn: “Bonne chance cho tất cả mọi người. Kể cả tôi”.
Chiếc xe hơi quay đầu vòng trở lại, đèn pha quét rọi vào chỗ tôi đứng. Ánh đèn chói loà cả mắt, tôi che tay cười rỡn: đâm vào tôi đi coi nào, đâm vào tôi đi… Trên xe không ai nghe tiếng cười đùa vô duyên ấy. Rốt cuộc tôi nghe một mình. Tôi nghe chuỗi cười cố rướn rộ lên giữa quãng đường vắng trong cơn gió nổi rào rào lan xa trên đồi âm u, làm chóng mặt rồi trùng dần đứt quãng và im tắt trong khoảng trời đem như đang đông lạnh.
Giờ tôi mới thật còn một mình. Một mình tôi bước đi…
3.
Không một tiếng gì khác ngoài tiếng gió thổi ù buốt tai. Cây cối rậm rịt trên cao, dưới thấp lay động những hồi dài không ngớt. Thỉnh thoảng tôi nghe vọng tiếng chân tôi bước trên mặt đường, một vài chiếc lá cuốn chạy gần quanh trong đám cỏ tối. Mặt mũi bị ướp giá, căng thẳng. Thật buồn bã, tôi không biết phải làm gì lúc này. Tôi cứ đi theo con đường mở trước mặt, mở vào vùng bóng đen mông lung nhốn nháo.
Người đàn ông ấy đã chết. Và tôi sung sướng được giải thoát, Hằng bỏ đi quyết liệt và đau khổ. Và tôi… dường như cũng sung sướng. Thôi cũng xong… phải không? Cũng xong hết. Giờ mới thật là lúc khởi đầu mọi sự. Khởi đầu mọi sự không chút vướng víu, khởi sự… khởi từ đâu? Từ chỗ nào đây? Từ phút này, chỗ này. Phút này, chỗ này, ta khởi sự… khởi sự bằng cách dừng chân, đốt một điếu thuốc, đứng trong lồng gió nhốt, gió lung lay ngọn lửa trên tay, điếu thuốc trên môi, dán sát chiếc áo choàng vào người và cười. Nụ cười cho mình, cho người đã bỏ đi, cho người đã chết, một nụ cười dịu dàng… phải không? Hết sức dịu dàng như chưa bao giờ dịu dàng đến thế… tôi sung sướng thật chăng? Có thật tôi cũng muốn Hằng bỏ đi cho rồi?… Có thật? Có thật tôi đang vui, đang buồn, đang sướng? Phút này này, phải, cái tôi gọi là phút này. Có phải… tôi sống chậm quá và mau quá, không khi nào ngay lúc… Vì nghĩ tới Hằng bây giờ tôi muốn khóc. Quả tôi có làm khổ nàng vì cái đầu trục trặc khật khùng. Quả tôi có bị ám ảnh bởi những bóng ma như Hằng nói. Tôi đã không yêu nàng như nàng cần và tôi hối hận.
Hằng bỏ tôi là phải, như người đàn ông ấy chết là phải. Tôi có thể khởi sự bằng cách tìm đến nơi nàng trú ngụ, ngay bây giờ, nếu không sẽ chẳng còn bao giờ nữa, gõ cửa gặp mặt nàng. Tôi sẽ nói cho nàng hiểu về những bóng ma nàng đã đoán biết. Tôi sẽ nói về người đàn ông ấy, người đàn ông đã chết cách đây một tuần lễ. Người đàn ông đã biến vào hư vô rồi. Tại sao tôi đã không nói với nàng về người ấy? Tại sao?
Hằng có thể không chịu, nàng không ra mặt hay nàng đóng sập cửa vào giữa mặt tôi. Anh chỉ là một thằng điên làm khổ tôi. Đừng làm khổ tôi nữa. Tôi sẽ đứng ngoài đường ngồi trước thềm nhà suốt đêm và tôi sẽ kể lể ngọn nguồn, kể lể hết về đời tôi… Kể lể hết những điều tôi đã sống, tôi đã tưởng sống. Những điều nào? Những điều vụt đến vụt bay như những tiếng kêu thảng thốt biến hút vào đêm như cánh chim hốt hoảng. Mai sớm chúng ta sẽ trở về miền dưới, anh sẽ cùng trở về với em, rồi anh sẽ sống lại… Sống lại nhưng mọi sự có chắc chắn sẽ không bao giờ tái diễn nữa không? Hay rồi tôi lại làm khổ Hằng.
Tôi lại gặp những phút tràn ứ, những phút này bỗng rạn nứt tan hoang. Người đàn ông ấy đã chết, nhưng dường như ông đã bắt đầu sống một đời khác nơi tôi.
Tôi chợt hình dung rõ rệt dáng người đàn ông cách nay ngoài hai mươi năm. Lần thứ nhất tôi nhìn thấy ông. Mẹ tôi, người đàn bà lúc ấy còn là mẹ tôi, dắt tôi đi lẫn lúc dưới mái hiên hàng phố trong buổi tối mùa đông, gõ cửa một ngôi nhà, len lách giữa những đồ mộc bừa bãi ngang dọc không thành hàng lối (đó là một gian hàng bán đồ gỗ) len lên cây cầu thang dốc ọp ẹp run rẩy chui vào một gian gác hẹp không nhìn rõ mặt người. Mẹ tôi đẩy lưng đứa trẻ tám chín tuổi, chỉ người đàn ông đang đứng nép bên cửa sổ tấm bảng hiệu dựng chắn ngang tầm mắt: “Bố con đấy”. Người đàn ông nghe động quay lại hỏi: “Ai thế?”
Người đàn bà đáp: “Em và con đến thăm mình”. Tôi nghe người đàn ông gắt: “Ai bảo đến đây, lại con mang con nữa”. Rồi người đàn ông quay lưng không thèm nhìn người đàn bà và đứa trẻ. Người đàn bà vẫn thúc vào lưng đứa trẻ nhất định cưỡng lại: “Mình nhìn con một tý, nó hỏi mình luôn, con ngoan lắm, bố con đấy, bố con đi từ ngày con mới hai tuổi…”
Người đàn ông vẫn không ngó lại, ông gắt nữa: “Mình về đi, tôi sắp có khách, hôm nào tôi sẽ về nhà thăm mình, thăm con”. Người đàn bà nấc thút thít, nắm tay con dỗ: “Con lại ôm bố, chào bố rồi mình về, nói bố hôm nào về chơi với con”. Đứa trẻ lắc đầu, phải, tôi đã đắc đầu, người đàn ông đứng trong gian gác ấy không phải là bố tôi, không bao giờ là bố tôi cả. Người đàn ông ấy là cái bóng đen bất động trên nền cửa sổ mờ nhạt, khi tôi quay nhìn lại, cái dáng xương xẩu lạnh lùng khô héo đứng sững trong tiếng gió bấc rít chạy trên những dây điện giăng ngoài đường, tiếng lá khô lăn trên mái thiếc dưới cửa sổ.
Phút này, cái phút này, không là khởi điểm của gì ráo. Nó quay lộn tới lui và biệt tích như gió bủa vây hoài. Tôi đã dừng chân lưng chừng một đường dốc, bên một ngọn đồi bị chém vạt, người chập choạng lao đao trong khi men rượu đã rã bay theo gió lạnh. Tại sao tôi đứng đây? Tôi ở đây? Tôi trực nhớ, tôi cứ trực nhớ như thế này mãi sao, một tuần lễ đã qua. Hằng lên đây nghỉ, còn tôi đuổi theo Hằng. Tôi tưởng chúng tôi sẽ có những ngày hạnh phúc thần tiên ở một nơi không sợ ai dòm ngó. Vậy mà hư hết, tôi làm hư hết, làm hư luôn cuộc tình của chúng tôi. Phút này, trong đời tôi biết bao nhiêu phút này, tưởng như khởi điểm rốt cuộc nhìn cho kỹ là lỗ trống hoác cố lấp đầy… Hằng bỏ đi là phải, trừ phi chính nàng tự nhiên lại tìm về… Chính nàng, Hằng. Có thể như thế chăng?
Tôi lầm bầm trong miệng: “Xong, xong hết”. Tiếng âm lùng bùng lỗ tai. Buồn thật, làm gì bây giờ. Gió thốc mạnh đằng sau lưng như đẩy tôi xuống, con dốc nghiêng hút kéo bước chân mau thêm. Một vài giọt nước lớn bay quất rát má. Trời sắp đổ mưa trở lại. Tôi ngứa mặt hít thở, thấy mình dừng dưới chân dốc, trên vệ đường.
Bên kia bãi đất trống có mấy xác xe cũ. Qua khỏi bãi đất là con đường vòng bọc dưới một chân đồi um tùm rậm rịt. Những ánh điện lượn từng lớp cao mãi, đột ngột xuất hiện chấp chới giữa khoảng tối bưng, mặt sau của những dãy nhà trên lưng đồi phô vẻ huyền hoặc. Phố tuốt trên cao ấy, xa vời, tôi như kiệt lực không thể leo tới.
Lúc ấy mưa rây bụi trắng quanh các bóng đèn vàng lủi thủi bên đường. Tôi không biết làm gì hơn là tiếp tục đi, băng qua cây cầu xi măng trắng bắc ngang một vũng cạn, leo ngược những con đường dốc bọc chân đồi theo dấu tủa ánh sáng và tiếng động, mặt mũi đầu tóc ướt mèm.
Tôi đẩy cánh cửa một phòng khiêu vũ bước vào. Gió khuất tắt sau lưng bầu không khí ấm trong tiếng nhạc phà vào mặt như một hơi thở quen dễ chịu. Đám vũ nữ ngồi gần quầy trông bóng tưởng khách quen, tíu tít kêu gọi. Tôi ngồi vào trong xó khuất núp mình như con mèo ướt, nhắm mắt cho đầu óc yên nghỉ. Nhạc tắt, sự trống trải của bàn ghế trong phòng nổi rõ. Tôi chợt thiếp một lúc không rõ bao lâu. Và choàng thức vì tiếng kèn đồng trỗi ré. Tôi thấy người ngồi trong bàn tôi. Một người đàn bà, hình như một vũ nữ ở đây. Tôi toan nhắm mắt ngủ nữa, tỏ ý không bằng lòng về sự xuất hiện bất ngờ không nhằm chỗ của người vũ nữ. Anh bồi đến, tôi gọi rượu và hỏi:
“Ai đưa cô này đến đây?”
Anh bồi đưa mắt hỏi cô gái. Cô ta không tỏ một dấu hiệu nào, ngồi im đối diện tôi một cách tự nhiên. Anh bồi đành quay lưng, đi ra quầy. Tôi chồm người, nhìn sát tận mặt cô gái một cách sỗ sàng.
“Em nhìn kỹ lại xem, kẻo lầm, anh không quen em đâu”.
Cô gái không nhúc nhích, mỉm cười ngoan ngoãn. Tôi không thể nhìn ra mặt mũi cô gái, chỉ ngửi mùi nước hoa thân mật thường dùng của vũ nữ. Tôi dí trán mình đụng trán cô gái, ngó sâu trong mắt nàng, ngó thật sâu để chỉ còn bóng tối đen thấp thoáng chòng chành như trong thần trí nhoài mệt. Tôi buông mình xuống ghế duỗi dài hai cẳng, đầu nghẹo trong hốc ghế da không thiết gì nữa. Anh bồi mang rượu lại bàn.
“Thôi được. Em thích ngồi cứ ngồi. Bảo để cô ấy ngồi đây cũng được”.
Tôi bưng cốc rượu uống một hớp, tay vụng về làm đổ ướt một bên ngực áo. Người vũ nữ với qua mặt bàn chìa chiếc khăn tay của nàng cho tôi phủi áo, nhưng vẫn không nói một lời nào. Tôi nắm bàn tay mềm mại của người đàn bà như bốc một nắm đất dẻo nhão. Nàng kêu thảng thốt, tiếng kêu cố kìm giữ vụt bay lẫn trong tiếng trống chiêng hỗn loạn ngoài sàn nhảy. Sàn nhảy trống trơn.
“Tại sao em không sang ngồi bên này?”
Người vũ nữ đứng lên, bóng mảnh mai di động nhẹ nhàng. Tôi bật cười dài một mình.
“Em đẹp như tranh vẽ ấy. Em là con búp bê. Em có câm không?”
Tôi nốc ực mấy hớp rượu liền, rồi cười sặc phun phì phì như con rắn hổ. Cười xong tôi thót trong bụng như vừa bước hụt. Người đàn bà lặng thinh không hưởng ứng một cách đáng giận.
Tôi cố ngồi thẳng người dậy và tôi nghĩ tôi sắp sửa xô hắn té sấp xuống sàng. Đầu óc tôi lập lờ chao động như nước trong bồn thả cá mà mấy con cá bỗng dưng hốt hoảng quẫy lộn.
“Anh Trường. Anh không nhớ em?”
Anh Trường. Tên tôi đó ư? Anh Trường. Anh Trường. Cái âm ấy lặp đi lặp lại mãi trong trí tù mù.
“Anh đang cố nhớ em đây”.
Anh Trường. Tôi bỗng như bị một nhát búa đập mạnh trên ngực. Anh Trường. Gần mười năm nay không ai gọi tôi bằng cái tên ấy cả. Tôi chụp vội mặt người đàn bà, bắt ngửa lên soi nhìn.
Đó là gương mặt lạ hoắc chưa hề thấy, trên đó nụ cười hé nở buồn bã như một con bướm đen bay lạc khuấy rối ký ức.
“Cô biết tôi?”
Người vũ nữ gật đầu, gỡ tay tôi, lúc lắc mái tóc cắt ngắn và cười khẽ:
“Thật anh không nhớ em… Anh không nhớ em cũng phải, chỉ em là nhớ anh rõ thôi. Anh còn nhớ anh Hoạt không?
Hoạt… Hoạt… tên nghe quen nhưng không gợi được một hình dung nào. Giữa những lớp sóng chông chênh của men rượu, thần trí dật dờ lặn ngụp không thể níu bắt… Hoạt… âm trỗi lên như một tiếng động vu vơ thu gọn một buổi chiều đã sống, như một ánh đèn hiu hắt của một buổi tối đã đi qua không sao nhớ, như một câu nhạc tách lìa rên rỉ bên tai bị phủ lấp bởi những chuỗi âm kết tiếp dồn dập.
“Hoạt, Hoạt à. Anh đang nhớ…”
“Anh Hoạt, anh Hoạt ngày còn ở Hà Nội ấy. Anh nhớ chưa?”
“Cái áo anh đang mặc đây là từ thời Hà Nội đấy… Hà Nội, Hà Nội là cái quái gì. Anh ghét nhắc đến… Em hãy nói về Hoạt đi… Và cũng khỏi cần… Em nói về em hay hơn”.
“Em là Châu, em của anh Hoạt…”
Tôi ngã người tựa vào lưng ghế. Hoạt… Đầu tôi quay như trái cầu ngoài sàn nhảy, tung ra những giọt sáng lấp lánh bay lượn. Tôi nhắm mắt, những giọt sáng lao nhanh hơn trộn một màn đen. Người tôi bồng bềnh. Tôi dò dẫm tìm nắm bàn tay của Châu.
Em gái Hoạt. Người vũ nữ ngồi đây là em gái của một đứa bạn ngày nào, đứa bạn đã chìm mất tích không để lại một dấu vết nhỏ nào trong trí nhớ. Châu, cả cái tên này nữa cũng chỉ là một âm của buổi nay.
“… Ở đây em tên là Xuân Hồng”.
“Em cũng có nhiều tên thế kia à… Xuân Hồng. Anh thích gọi em bằng Xuân Hồng. Tên này hay hơn chứ. Em chọn hay ai chọn cho em tên này. Xuân Hồng… Hỡi Xuân Hồng, anh muốn cắn vào em…”
Tôi cười ngả nghiêng hết sức khả ố. Ngụm rượu uống tiếp đã loãng, nhạt thếch. Tôi biết tôi phải uống thêm đến bất tỉnh. Mọi sự phải ngập ngụa, tan biến vào cơn say mèm sắp tới.
“Em muốn anh gọi em bằng cái tên cũ… Em là Châu, với anh em là Châu không phải là Xuân Hồng”.
Tôi búng tay chóc chóc gọi bồi: “Rượu, rượu”.
“Châu hay Xuân Hồng cũng thế thôi… Em sợ anh cắn em thật hay sao? Đừng sợ. Anh hiền, anh cắn không đau đâu mà sợ… Châu hả, không ăn thua gì cả… Em phải biết như thế chứ. Rốt cuộc không có cái gì là quan trọng đâu em… Em không phải là Châu nữa cũng như anh, đâu còn là Trường nữa. Anh không còn là Trường đến cả mười năm nay rồi. Anh không thích ai gọi anh là Trường… Gọi anh bằng gì hả? Chẳng bằng gì cả… Bằng anh, bằng ông, bằng thằng, bằng nó, bằng mầy… Thích gì gọi nấy… Mà anh ngồi đây này, em nói là em nói với anh chứ với ai mà còn tên với tuổi… Em không khác gì đâu. Tại em muốn khác thì nó khác… Xuân Hồng.
Tại sao anh lại không được gọi em bằng Xuân Hồng? Em không thích… cũng được. Thì anh gọi bằng Châu. Cũng được, có khó gì… Châu thì Châu, nhưng em chớ gọi là Châu mà anh cắn, anh vẫn cắn… Chớ như thế.
Đừng tưởng anh sợ Châu… em dại lắm. Anh không còn là Trường nữa đâu. Em thích anh là Trường thì cứ tưởng. Anh nói thật nhé… anh không nhớ một thứ gì về cái tên Trường cả. Nếu em cứ muốn kiếm tên Trường là em dại vô tả. Nó mất rồi… thật mà… nó mất lâu quá rồi. Anh nói thật anh chẳng nhớ tí gì về Hoạt… Em cũng chẳng kiếm thấy gì ở anh đâu… Ờ, ờ rốt cuộc chỉ trơ có anh với em… và đêm nay thôi… Cả anh với em nữa… ờ… rốt cuộc cũng chẳng là cái gì ráo trọi… thật mà… em tin đi… mình cũng là thứ gì thuộc về cái đêm nay… Mình cũng là thứ đêm mò mẫn thế thôi. Ừ, anh thuộc về cơn say, đúng. Không sao cả. Còn em, thế em biết em thuộc cái gì không nào? Em thuộc về một cái tên Hoạt, một cái tên Trường nào đó… em thấy không?… Thuộc về cái tên Châu… Châu… Châu, Trường là cái quái gì đâu… Em nên quên hết đi, em sẽ sướng… Đừng làm khổ mình, dại… Kinh nghiệm bản thân mà… anh không nói dấu đâu, thật mà… thật mà… Mai, mốt em quên nốt em… thế là xong.
Xong hết… Mình chôn vùi hết em chịu không? Chôn vùi hết mọi bóng ma… Hết, hết không để sót món nào, em chịu không?… Chôn luôn anh, chôn luôn em… chôn tuốt luốt… Mình mà không chôn mình thì mình chẳng chôn ai ráo… Anh đang chôn anh đây, em sợ không? Nếu em sợ em nên tránh… để anh chôn một mình… nói thật đấy em ở gần là em bị chôn luôn… thật mà… chôn luôn. Cái huyệt bên cạnh toà án Hà Nội ấy… Đẩy xuống một lượt… a lê… pằng… pằng… pằng… cho tiện.
Em chịu không nào? Tại sao em tin?… Em ngán rồi hả?… Em rút lui còn kịp… Cũng không chịu rút lui? Vậy thì mình ra nhảy vậy, chịu không Châu?… Em bằng lòng chưa, Châu? Thấy chưa? Thấy chưa, anh gọi Châu. Châu, mình nhảy rồi em đưa anh về… em bằng lòng không? Ừ, anh đưa em về rồi mình tiếp tục bàn chuyện chôn cất hả… Đồng ý? Em đứng lên đi…”
4.
Tôi không nhớ đã uống đến cốc rượu thứ bao nhiêu nữa. Châu bảo tôi uống như hũ chìm, không còn vẻ nghiêm trang đạo mạo ngày xưa. Tôi nói ngày xửa… ngày xưa… là cách bắt đầu của cổ tích, cổ tích để kể cho trẻ con, người lớn không ai nghe nổi cổ tích cả. Tôi đi lại giữa sàn nhảy, loáng thoáng màu ánh sáng đục, và cái hốc tối rộn tiếng thì thào, len lỏi giữa những bàn ghế và lưng người. Tôi ôm trong tay một tấm thân ấm áp, sẵn sàng chiều chuộng. Tôi gục đầu trên tóc trên cổ, trên vai của Châu bỏ mặc nàng điều khiển bước đi lui tới quanh co. Tôi hát nghêu ngao như tên lính Lê Dương nhớ nhà. Chốc chốc Châu bấm vào lưng tôi ra hiệu dừng, tránh xô vào người khác hoặc xô nhẹ giữ một quãng cách khi tôi quá sàm sỡ. Nhưng có lúc Châu ghì chặt lấy tôi đứng im một chỗ, vuốt ve đầu tóc tôi, thân như ngọn lửa đong đưa theo nhịp. Tôi không có gì phải tội nghiệp nhau, chẳng có gì đáng phải tội nghiệp. Phải chăng có gì đến phải tội nghiệp. Em không hiểu tình cảm là thứ triệt huỷ, đó là đầu mối của mọi sự biến dạng kỳ quặc, tình cảm sẽ biến người ta thành quái vật khủng khiếp. Em mà tội nghiệp anh là em biến anh thành quái vật nữa. Thử xem… Tôi ôm hôn Châu ngay giữa sàn nhảy, hôn được một lần tôi làm tới mãi. Có lúc tôi tưởng như Châu tan chảy trong tay và tôi ngấu nghiến muốn nuốt chửng người đàn bà.
Đến một lúc tôi ngã sóng soài xuống sàn, mắt mở trợn trừng nghẹt thở. Tôi nhìn rõ mặt ván trơn, ngọn đèn giấu dưới mặt kính dầy, những ống cẳng, những chân ghế và nghe những tiếng ồn ào xung quanh sau tiếng rơi đổ của ly tách. Nhạc trỗi huyên náo. Khi cử động được, tôi áp má xuống sàn vẫn nằm im. Tôi muốn nghỉ, tôi muốn ngủ, tôi muốn khóc.
Châu cúi xuống vực tôi đứng lên, tôi loạng choạng bước thấp bước cao, xô nàng chạy chúi nhủi nhưng nàng cố gượng và chúng tôi ngã được vào một chiếc ghế. Tôi hỏi: “Ai đánh tôi? Ai đánh tôi đâu?” Châu lắc đầu: “Không có ai cả, anh say quá rồi, thôi mình đi về”. Châu đẩy tôi đứng lên, xin lỗi xung quanh, dìu tôi đi. Tôi vẫn lải nhải: “Ai đã đánh tôi, ai đã đánh tôi…”
Qua quầy rượu, Châu bảo tôi đứng tựa đợi, nàng vòng vào trong lấy mấy món đồ. Tôi gục đầu trên mặt quầy, ngực bóp thắt, hai chân mềm nhũn không vững. Tôi tụt dần xuống, hết tự chủ, muốn nằm lăn dưới chân quầy, ngủ một giấc là yên.
“Anh Trường”.
Châu vòng tay ôm xốc ngang lưng, chiếc sắc tay của nàng rớt xuống gạch. Tôi cúi xuống định nhặt chiếc sắc, bị Châu giữ chặt không cựa nổi. Một người khác nhặt chiếc sắc trao cho Châu.
“Buông tôi ra. Tôi đi được mà…”
“Anh Trường. Mình về”.
Tôi gạt tay chân, cố sức bước một mình, vài bước lại dựa vào tường nghỉ. Châu đi sát bên. Tôi xua tay đuổi Châu ở lại, em ở lại, anh còn đi nữa… em không thể theo anh hết đêm nay. Không thể theo anh suốt đời mà… cứ mặc anh. Châu lẳng lặng, đẩy mở cửa phòng. Gió rét ùa đập vào mặt. Những vết thương trên mặt bấy giờ mới tê rát đau đớn. Tôi sờ mó các vết trầy trụa hai bên má và biết một mắt sưng hít như hết mở nổi.
“Tôi làm sao thế? Anh đánh tôi có phải không?”
Tôi không nhớ tôi đã ngã vì rượu hay đã làm gì càn rỡ bị người ta đánh. Tôi không làm sao nhớ nổi. Châu lắc đầu, nàng đã mặc thêm chiếc áo khoác che kín cổ, đứng sát tôi sẵn sàng đề phòng mọi bất trắc.
Gần đấy một đứa nhỏ co ro trên chiếc ghế đẩu giữ cửa, đội chùm hụp chiếc kết đỏ, ngước mắt tò mò. Tôi nhếch mép, cười giễu mình với thằng bé. Châu mỉm cười theo nhưng thằng bé lại ngoảnh mặt vào trong cửa kính. Có lẽ cái bản mặt của tôi trông không còn ra hồn. Tôi lục túi, móc thuốc châm hút.
“Bây giờ anh về đâu?”
“Chưa biết”.
“Anh ở đâu? Anh lên trên này chơi hả?”
“Anh lên trên này hưởng tuần trăng mật… nhưng vợ anh đi mất biệt… Em tin không?”
Đèn hiệu xanh đỏ nhấp nháy trên đầu. Ngọn điện vàng treo trên lối vào chỉ soi sáng mấy bực thềm, bên dưới bóng tối phủ đặc. Ngang tầm mắt con phố cao với cây đèn sừng sững xào xạc. Dưới xa cây cầu trắng xoá và mặt hồ ẩn hiện giữa các thân cây như bốc khói lạnh. Tôi ném điều thuốc dở dang, đóm lửa đỏ bị gió thổi lăn chạy. Tôi đã tỉnh chỉ còn phải mang cái đầu nặng nề chuếch choáng và cái mặt nhức nhối. Trong người chắc cũng bị xây xát, tôi nghe ê ẩm đau xót cùng mình.
“Anh tỉnh rồi hả? Sao anh tỉnh được nhanh thế?”
“Rốt cuộc trước sau cũng phải tỉnh. Anh vẫn thế. Đêm còn nhiều quá, phải tỉnh để còn say nữa chứ”.
“Anh khác trước quá đi”.
“Em không thích anh khác trước hay sao? Anh thấy cũng thế…”
Tôi bước xuống thềm, chân rời rã mỏi mệt chưa vững hẳn. Tôi chỉ thèm chỗ nghỉ lưng và những cốc nước lạnh. Cổ họng tôi khô cháy, tôi há miệng hớp hớp những ngọn gió đêm lùa và càng nghe miệng giá cứng. Tiếng giầy cao gót gõ nhịp. Châu khoác cánh tay, níu tôi dựa vào người như muốn truyền cho tôi chút hơi ấm.
Xuống hết mấy bực thềm, cơn mệt dội đập thình lình giữa ngực khiến tôi loạng choạng. Châu đẩy tôi đứng dựa gục vào một chiếc cột thấp. Một luồng gió buốt luồn trong thân, tôi run rẩy ớn lạnh, mặt mũi tối sầm không còn hơi sức. Tôi cố níu ôm chiếc cột, nhưng người vẫn rũ đổ xuống như cái cây trốc gốc. Tôi nghe tiếng kêu rú hãi hùng của Châu văng vẳng. Tôi muốn bảo: Đừng sợ, không sao đâu, anh vẫn thường như thế… Qua hết… cái gì rồi cũng qua hết.
Một người nào phụ lực với Châu đẩy tôi vào trong chiếc xe hơi kín gió. Tôi nôn thốc tháo, nôn đến quặn thắt ruột gan, nước mắt nước mũi đầm đìa. Tôi nôn tới độ không còn gì để trút, có lẽ hộc cả mật xanh mật vàng miệng đắng chát. Sau đó tôi mệt lả, nằm ươn như cái xác hấp hối trên nệm xe chạy rầm rì. Gió động ào ào ở ngoài và một lúc hình như trận mưa trở lại đổ rào rạt trên mui xe. Tôi chợp thiếp nhẹ nhõm, bông bềnh tưởng như mình chỉ còn là chút hơi hoi hóp nhất trong lồng kính. Chút hơi đó lúc nào cũng sắp sửa tuột bay mất. Một lúc tôi xoay trở được, nhận ra mình gối đầu trên đùi Châu. Chiếc xe đã ngừng, máy vẫn nổ đều lẫn trong tiếng mưa trút dữ dội vật vã.
“Xe đỗ hả?”
“Về đến nhà rồi”.
“Nhà ai?”
“Nhà của em chứ nhà của ai?”
“Sao không vào?”
“Mưa thế này anh định đội mưa vào để chết à? Hay em đưa anh về nhà anh nhé. Chỗ anh ở đâu, xe ghé sát vào được không?”
“Anh chẳng nhớ anh ở đâu nữa”.
Lúc này thật tình tôi chẳng muốn nhớ tưởng bất cứ điều gì. Người đàn ông đã chết. Hằng đã bỏ đi cũng như cơn say khốn nạn đã qua rồi. Người tài xế hỏi bây giờ tính cách nào, không lẽ cứ ngồi hoài. Châu bối rối không nghĩ ra cách giải quyết. Tôi chống tay vịn vào lưng ghế trước, nhìn đám mưa trắng xoá bên ngoài.
“Chú cứ cho xe chạy. Chừng nào tạnh mưa chúng tôi xuống”.
“Đi đâu? Tôi cũng còn phải về ngủ chứ, ông ơi”.
Nhưng rồi người tài xế vẫn cho xe chạy. Chiếc xe bây giờ lăn chậm trên những con đường dốc mù mịt không thể thấy xa. Gió hú thổi lồng lộn, nước đập trên kính, bắn xoá dưới bánh xe lăn. Dưới sàn xe nước đổ nhầy nhợt bốc mùi hôi nồng bay thoát. Châu mở sắc tay, tìm chai dầu Nhị Thiên Đường xoa thêm cho tôi hai bên thái dương, dọc theo cần cổ và trong ngực. Bàn tay người đàn bà mơn man êm ái.
Trong bóng mờ của khoang xe trôi lập lờ, tôi lặng ngắm gương mặt người đàn bà lạnh lùng. Nàng mệt nhọc, ngả đầu trong hốc. Gương mặt buông thả mơ màng. Tôi bắt đầu thấy mình lạc lõng bên cạnh những giấc mộng người đàn bà ủ ấp. Tôi đánh thức nàng: Châu, Châu. Tiếng dạ nhỏ thoáng.
“Bây giờ em nói đi”.
“Em nói gì? Anh không thích nói gì?”
Hình như xe đã quay trở lại trung tâm thành phố, đang chạy bên bờ hồ. Mưa đổ chạy lan trên một vùng xa rộng, hoang tịch như trong tâm trí tôi. Những ngọn điện bên đường tù mù nhoà nhạt sau lớp mưa dầy. Tôi cúi xuống hôn Châu, môi nàng lạnh ngắt nhưng hơi thở ấm ngọt.
“Thật sự anh không nhớ em, không nhớ em, không nhớ anh Hoạt tí nào?”
“Thật, quả thật… Anh không thích nói dối”.
“Anh không nhớ anh còn nợ em? Nợ tiền hẳn hoi kìa… Em nhớ hôm ấy các anh rủ nhau đi chơi thiếu tiền. Anh Hoạt không dám vay em, đùn anh vào vay. Anh nhớ không? Em đã cho anh mượn hết cả món tiền mừng tuổi em vẫn dấu cất để dành… Toàn tiền mới. Món tiền em đã nhất định không cho ai mượn thế mà em đã đưa cho anh. Em không nhớ cả thảy là bao nhiêu nữa. Nhưng em nhớ rằng đó là món tiền mừng tuổi cuối cùng trong đời em. Em không quên… Có lẽ anh đã quên ngay, nhưng em thì không bao giờ quên được. Ít tháng sau anh biệt luôn không đến chơi. Em có hỏi anh Hoạt anh đi đâu? Anh Hoạt cũng không biết. Mười mấy năm em vẫn còn nhớ mặt anh như in… không nhớ sao được… cái mặt con nợ của mình. Anh không nhớ chủ nợ là phải. Hồi ấy… em là cái con bé Châu còn cúp tóc ngắn nhảy quẫng hai chân mỗi bận chạy mua thuốc lá cho các anh…”
Một cô bé tóc Nhật Bản. Tôi cố mường tượng nhưng chỉ nghe rền một điệu mưa đã dịu nhưng dai dẳng lây nhây như không thể dứt. Cô bé tóc Nhật Bản đã trở thành người đàn bà ngồi bên. Tôi có một nón nợ kỳ cục. Tôi có thể bị nhận lầm chăng? Trường, Trường. Đó là tên tôi, đó đã chắc là tôi ư?”
“Dạo ấy anh bỏ đi đâu?”
Tôi đi đâu? Tôi đã đi những đâu? Dạo ấy… ôi thật là mơ hồ, mơ hồ như chính lúc này vậy. Tôi bỏ đi từ chỗ này đến chỗ khác, từ tỉnh này đến tỉnh khác, từ miền này đến miền khác… Tôi rời chỗ hoài bất cứ lúc nào chợt thấy không thể ngồi yên, tôi bị xô đẩy vào sự xê dịch bởi chỗ nào tôi ngồi cũng không thấy yên. Làm sao tôi nhớ dạo ấy tôi đã đi đâu? Chỗ nào cũng giống chỗ nào. Như bây giờ, tôi có thể mở cửa xe, đi thục vào cơn mưa, mặc Châu ở lại ôm lấy những kỷ niệm riêng mình… Tôi có biết tôi đi đến chỗ nào đâu, tôi cũng không biết Châu sẽ dẫn tôi đến chỗ nào.
Châu với tay âu yếm đặt lên má tôi, móng tay nhọn sắc vô tình đụng đến vết thương. Tôi kêu lên một tiếng đau đớn.
“Em làm đau hả? Anh còn đau nhiều không? Mấy lúc anh ngã, em sợ không thể tưởng được. Anh vẫn ngã như thế đấy à? Thế nào cũng có bữa…”
Châu vẫn ngã đầu, hé mắt nhìn lên, tay duỗi như muốn nắm níu tôi xuống gần. Tôi ngả lưng vào ghế. Giấc ngủ trống đang ùa tới làm rũ liệt dần mặt mũi. Chân tay như mưng lên nhức nhối cùng cơn buồn ngủ. Tiếng mưa đổ xa gần. Người tài xế càu nhàu. Người tôi nghe khô héo với những vết dơ dáy nổi hiện rõ và bốc lên mùi tanh tưởi khắm thối như một tử thi bắt đầu bị trùng đục khoét.
“…Mới lớn, em đã có lúc điên… đi tìm anh đòi nợ… nhắc anh món nợ… biết anh ở đâu… Anh Hoạt không chịu về nữa… chắc cũng chẳng còn nhớ đến anh… Các anh đàn ông vô tình ghê đi… (Anh Hoạt làm sao?)… không ngờ… hôm nay em lại bắt gặp được anh… bắt gặp được anh (bắt được cái xe xình thúi…)… thay đổi hẳn… không thể lầm… Em không còn cắt tóc ngắn… mai, mai… em cắt tóc ngắn… Trường…”
Tiếng mưa bắt cùng tiếng nói. Hơi thở thổi nhột nhạt trong tai. Tôi bật choàng người đụng trán vào thành ghế trước. Mưa tạnh chỉ còn tiếng nước chảy róc rách trong đường mương dốc ẩn dưới cỏ.
“Anh ngủ có lâu không?”
Châu chỉ mỉm cười, không đáp. Nàng đóng chiếc sắc thay, tiếng khoá tách gọn, vuốt những sợi tóc loà xoà trên trán mở lấy cửa xe. Nàng đứng ngoài, khom người, chìa tay vào cho tôi.
“Xuống chứ. Liệu anh đi nổi không?”
Tôi nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn tê cóng, xích người ra gần cửa thò chân đặt xuống đường xong mới đứng. Châu đề phòng ôm giữ hai vai tôi bắt tôi đứng một chỗ. Gió lộng bủa xung quanh giá buốt. Những khoảng đồi trọc hiện mập mờ dưới nền trời nhếch nhác. Dưới các hũng, nhà cửa vườn tược nép im. Châu cúi đầu dòm vào xe cám ơn người tài xế. Xe chạy thẳng lên đầu dốc, ánh đèn đỏ mờ dần.
Tôi nhấc tay Châu ra khỏi vai, hít hà trong miệng lấy hơi sức. Tôi hơi chóng mặt vì gió mạnh.
“Mấy giờ rồi? Anh ngủ một giấc tốt quá”.
“Hai giờ”.
Tôi bước loạng choạng và Châu kẹp giữ một cánh tay tôi.
“Anh đi đâu đây?”
“Vào nhà”.
“Nhà em ở phía đằng này cơ mà”.
Châu cười thành tiếng, tiếng cười kề sát bên má tôi. Tóc nàng gió thổi bay phất cả lên mặt tôi. Xoa gợi các vết trầy trợt đã tê rần. Tôi đưa tay rờ mó chỗ sưng trên mắt. Chúng tôi chậm dò từng bước, men theo bờ cỏ tìm lối sáng mương. Đám cỏ ướt sũng.
“Anh cẩn thận, không thì…”
Tôi bước thụt xuống rãnh đầy nước. Tôi giẫm chân, ngửa cổ cười sặc như con đười ươi. Châu hốt hoảng.
“Anh… sao không? Có việc gì không?”
Nàng kéo tôi lên nhưng tự nhiên tôi trì tay khiến nàng nghiêng ngả hụt bước. Cuối cùng tôi lên được bờ, một ống quần ướt sũng, vẫn cười dài.
“Suỵt. Khẽ, khẽ chứ…”
Chúng tôi bước lên bờ thềm xi măng hẹp chạy quanh một ngôi nhà gạch. Tôi dứt cười, miệng khô chát vì hớp vào quá nhiều gió. Châu dựa lưng tường nghỉ thở, một tay đè trên ngực. Tóc nàng xổ tung, bâu quanh mặt. Tôi đến gần, áp người lên nàng và tôi cũng nghỉ.
Xong tôi hôn lên trán nàng như hôn lên đứa em gái. Châu nhắm mắt rúc vào ngực tôi. Tôi ôm lấy nàng, hôn nàng như hôn một người đàn bà. Châu ghì chặt vì tôi hôn nàng say sưa tuyệt vời, chân nàng khuỵu dần như sắp ngã.
“Coi chừng em không được ngã”.
Tôi nói thì thào. Và tôi lại hôn nàng như chưa bao giờ được hôn ai trong đời.

 

5.
Tôi gục đầu xuống vai Châu, muốn ngủ luôn như thế. Sau một cánh cửa, ánh đèn bật và tiếng chân người lệt xệt.
“Xuân Hồng. Mày về đấy à?”
“Ừ. Mở cửa hộ tao với…”
Cửa mở hé, đầu đàn bà rối bù ló ra, rồi thụt vào ngay. Tôi gọi bỡn: “Xuân Hồng… này”. Châu suỵt, bước vào buồng. Gian buồng phơi lộ liễu dưới ánh đèn sáng, chật hẹp tồi tàn. Hai chiếc giường lớn kê lệch sát nhau, hở một lối đi chỉ vừa một người lách qua, buông hai chiếc mùng trắng mầu nước dưa, đã choán gần hết gian buồng.
Châu vẫy tôi còn đứng ngẩn ngơ dưới bực thềm:
“Ông anh tao. Ông ấy say rượu bị du đãng đánh”.
Người đàn bà ở chung buồng đứng giữa kẹt hai chiếc giường mặt mũi lem luốc vì giấc ngủ dở dang. Châu cũng đứng ở đầu cái kẹt ấy. Tôi đứng giữa khoảng trống giữa chiếc giường ngoài và cửa vào.
Khoảng giữa chiếc giường trong và bức tường ngoài, một chiếc tủ gương và một bàn nước với hai cái ghế nệm cũ. Trên lưng ghế cả sợi dây kẽm mắc dọc giữa hai chiếc giường quần áo treo vắt bừa bãi. Tôi lúng túng ngây ngô, ngó vào chiếc tủ gương. Mặt mũi sưng húp thảm hại, râu tóc tua tủa đến kinh tởm. Châu đóng cửa buồng, không khí ngột ngạt bưng bít.
“Thôi mày đi ngủ đi. Nhìn cái chó gì mà nhìn”.
Người đàn bà chưa quen lẳng lặng vén mùng chiếc giường trong chui vào. Châu đẩy lưng tôi lách vào kẹt. Người đàn bà trong mùng nằm quay lưng co quắp ôm chiếc gối dài. Từ chân giường ngoài vào đến tường còn một khoảng hẹp, chỗ kín đáo nhất, dùng để rửa mặt, thay quần áo. Châu tắt ngọn điện chung, mở bóng điện nhợt gắn trên đầu giường nàng. Ánh mờ làm cho gian buồng như nới rộng thêm một chút. Tôi đứng dưới chân giường Châu, không biết phải làm gì. Châu thay quần áo ngoài bàn nước. Tôi ghé ngồi xuống trông, thấy lờ mờ sau màn giường bên nửa chiếc cẳng duỗi của người đàn bà. Trong giường Châu, tấm mền lớn tung mở xô lệch như có người nằm ngủ.
“Anh Trường”.
Tôi bật lửa đốt thuốc thay câu đáp. Người đàn bà ở chung cựa mình lên tiếng:
“Đừng hút thuốc, ông anh ơi”.
“Nga, mày nói cái gì vậy?”
“Tao sợ mùi thuốc lá thì tao nói. Mày cho tao nói một câu không được sao?”
“Không được, mày ngủ đi”.
“Thì tao ngủ”.
Tôi dụi tắt thuốc. Giọng người đàn bà nhõng nhẽo tức cười. Cô ta lăn tuốt vào trong, kéo chăn phủ trùm. Châu chịu vào giường bạn lật chăn, vỗ vỗ vào người đàn bà bảo khẽ:
“Cho tao gửi…”
“Tao không cho gửi… Để nó bên ấy…”
“Chóng ngoan. Ông ấy cần ngủ…”
“Tao cho nằm nhờ giường tao”.
“Bậy nào… Tao không đùa đâu. Nga… Giúp tao…”
Tôi không nín cười nổi nữa. Đột nhiên tiếng khóc ré của một đứa trẻ ngay sau lưng tôi làm tắt tiếng cười của tôi. Châu trở sang giường mình, nhoài người trên chăn, dỗ đứa trẻ nằm ở trong. Nàng ôm đứa trẻ vào người, nựng nịu âu yếm. Đứa trẻ nín ngay ngủ tiếp. Nàng chuyển đứa trẻ sang giường bạn. Người đàn bà đặt đứa trẻ nằm sát trong tường. Châu kéo tấm màn hoa dầy ngăn che hai giường rồi vào với tôi.
“Anh rửa mặt đi. Để em lấy quần áo anh thay”.
Nàng chỉ cho tôi trong chiếc lavabô trong bóng tối, xoay người trở ra ngoài mở tủ lách cách. Tôi như bị nhốt trong gian buồng chật, chân tay bị trói chặt, thụ động hoàn toàn. Tôi tới đứng gần lavabô, ngây ngất chóng mặt.
“Anh thay quần áo đi anh”.
Tôi muốn hôn Châu nhưng nàng ngăn giữ, lắc đầu, lần mở cởi cho tôi chiếc áo choàng ngoài và cái quần ướt bẩn. Nàng ném vào tay tôi bộ đồ ngủ đàn bà, mở vòi nước chảy mạnh. Nước lạnh giá vỗ lên mặt làm trầy các vết thương, lạnh toát toàn thân. Tôi rên rỉ đau đớn. Tôi run lập cập, nghe chừng cơn sốt có thể chụp xuống đầu thình lình trong những phút sẽ tới. Châu vực tôi vào giường kéo chăn đắp. Tôi yếu nhược quá thể, nước mắt ràn rụa tự nhiên, tôi tưởng mình rồi tan thành vũng nước mắt. Châu ôm quặp tôi. Tôi mặc người đàn bà ấp ủ vuốt ve.
“Anh Trường, anh đau lắm phải không? Anh ngủ đi. Anh khổ lắm phải không? Em cũng khổ như anh… Em khổ lắm, anh hiểu không?… Không ai hiểu em cả, em không thể nói với ai. Em còn có ai đâu… Em không ngờ em lại gặp được anh. Em không buồn vì anh không nhìn ra em… Em đâu có quyền buồn anh phải không?
Mười mấy năm rồi… Mười mấy năm rồi… Anh ngủ đi. Đêm nay em làm sao ngủ được. Em sẽ thức… em không ngủ, em chỉ muốn nhìn thấy anh. Em sợ nhỡ anh biến đi mất… Em biết nếu anh không say, không đời nào em giữ nổi anh, đúng không nào? Mai anh tỉnh… mai anh khoẻ… anh lại biến đi chắc chẳng bao giờ em còn hy vọng gặp lại anh.
Chẳng bao giờ có phải không anh? Lúc nãy đó, em đã tưởng anh bỏ đi rồi. Em hiểu lúc nãy nếu anh không vào, em sẽ như thế nào… Em đâu có thể theo anh suốt đời… em biết chứ… nhưng đêm nay, anh là của em… anh ngủ đi…”
Người đàn bà khóc, nước mắt rỏ ấm. Cơn sốt hầm hập kéo đến muộn dìm tôi vào hôn mê. Tôi không còn hơi sức chống cưỡng. Tồi đòi uống nước. Châu phải trở dậy, lịch kịch. Cốc nước lạnh tanh. Người tôi như bãi cát bỏng hút nước hoài không ngớt. Châu nhúng khăn ướt đắp lên trán tôi. Dường như đến một lúc, Châu mất bình tĩnh mở đèn sáng cầu cứu người bạn ở chung. Tôi chìm trong cơn mê muội thảng thốt, miệng ú ớ rên la… Dường như cửa buồng bị mở, gió lạnh thổi hút vào đầu giường muốn cuốn bay mùng ngủ. Tiếng Châu quát gọi bạn đóng cửa. Thoáng lúc tỉnh, tôi nghĩ mình sắp chết, không sao qua khỏi, tôi sắp chết… Gương mặt đàn bà nào nhìn thấy như nỗi chết lượn lờ.
Tôi bị vùi trong cơn sốt nóng rẫy không biết bao lâu. Tỉnh lại, tôi thấy mình nằm dưới mấy lớp chăn dầy ngộp. Châu còn thức, nằm bên quay mặt nhìn tôi. Nàng mở mắt nhưng có lẽ đầu óc thiếp mệt. Gian buồng lạnh tanh, ngọn điện trên trần bật sáng. Cơn gió lạnh của khí hậu len luồn cùng hơi ấm của thân đàn bà sát cận. Cơn sốt đã lui, thân thể tôi khô héo nghe rõi đến xương xẩu. Các vết thương ẩn khuất ngầm giấu. Sự đau đớn như được ủ đậy.
“Anh. Anh bớt chưa? Em sợ quá…”
Tôi cười nhếch nhác ra dấu tắt ngọn điện chói. Gian buồng chìm hẳn vào bóng tối đặc. Đêm như vẫn còn dài trong tiếng gió thăm thẳm ngoài trời.
“Mấy giờ rồi em?”
“Hơn bốn giờ. Anh ngủ đi”.
Hơn bốn giờ, Hằng có lẽ đã thức, thu xếp hành lý, sửa soạn ra bến xe đón chuyến xe đầu tiên. Có thể Hằng cũng trải qua một đêm không ngủ. Châu nằm gọn trong tay tôi và như đang nghe ngóng hơi thở của tôi.
“Anh. Anh thấy trong mình thế nào? Lúc nãy em lo quá. Nói dại anh mà chết… thì thật…”
“Chết thì chôn”.
“Mới lúc nãy thế, bây giờ đã thế rồi…”
Trong bóng tối, Châu xoa đầu tôi. Giường bên, người đàn bà mê ngủ lăn trở. Chiếc màn dầy ngăn che hai giường không lay động, những chiếc vòng treo rung chạm vào sợi dây kẽm.
“Anh ngủ đi. Mai mình nói chuyện…”
“Lỡ mai anh hết nói được thì sao?”
“Anh chỉ được cái đùa nhảm”.
“Không nhảm đâu… Lúc nãy anh cũng tưởng chết ngắc rồi. Tại sao… chốc nữa anh lại không thể chết nhỉ? Làm sao em biết được”.
Tôi biết theo thói quen sau mỗi cơn say điên đảo tâm thần, sẽ là sự tỉnh thức tráo trân. Như lúc này. Cơn sốt bốc cháy một hồi qua thiêu luôn giấc ngủ. Tôi chỉ thiếp mệt từng lúc, và từng lúc mở banh mắt lơ láo bần thần.
Trong bóng đêm còn vây bọc tôi còn thể nằm yên một chỗ, nhoà lẫn kỷ niệm của người đàn bà, rã rời buông thả không còn là tôi. Một cơn say khác, một cơn say ngấm qua ngày tháng và một lúc nào thật xa bất ngờ dấy men trong ký ức. Tôi ôm Châu hững hờ như chính nàng là kỷ niệm và nhớ Hằng. Hằng đã thật là một kỷ niệm xa hút như những ngày trôi mất.
“Nói đùa. Thật đấy. Anh cũng không ngủ được đâu. Em nói lại cho anh nghe những gì em đã nói hồi tối… Em buồn ngủ không? Hồi tối anh say quá. Em đã nói những gì nào?”
Châu không muốn tôi ôm nàng hững hờ, nàng xích gần mò mẫm trên mặt tôi. Người đàn bà lắng nghe sự lạnh nhạt thờ ơ trong hơi thở hâm hấp ngưng điều hoà của tôi. Nàng khẽ kêu rít trong răng và tôi tưởng nàng bóp nát tôi như một cục đất khô. Một cục đất khô ran, bời rã ném tung thành bụi trong không khí cơn dục tình dần dà điện loạn của người đàn bà khiến thân tôi lao đao, lưng tưởng chừng nhấc bổng khỏi mặt nệm, mặt mưng nặng vồ vập những trào máu dồn sắp thoát bùng qua các vết rách. Tôi chỉ còn là một cái mặt đáng thương, cái mặt bị đóng nẹp cứng trong những ghì siết không dám kêu. Cổ họng tôi tức nghẹn. Tôi thương người đàn bà đang phải vùng vẫy. Một người trong cơn cô đơn tuyệt đối trước mắt người khác. Tôi vùi mặt trong đám tóc vương vãi, vểnh tai đón hết những tiếng động trong buồng. Tôi nghe cả tiếng mút tay chùn chụt của đứa nhỏ ở trong giường bên, như nằm sát nữa một bên tôi: ngủ đi con… má mầy… Tôi tự mắng mình ngu đần đã không nín thinh, đã đánh thức cơn tình của người đàn bà. Cơn tình hốt hoảng tuôn từ nguồn dốc chập chùng của những đỉnh mù quá khứ. Tôi cũng đang là một kỷ niệm, một kỷ niệm đang phôi pha mòn mỏi hay đang dồn đẩy huyền hoặc… Sau rốt sự lịm tắt cũng phải tới. Từ cực điểm của căng thẳng đứt thở, mê sảng và rối rít những tiếng thốt kêu không hồn vía, rớt xuống vùng sâu uất nghẹn dẫy dụa từng chập và trải ra trong bằng phẳng bẽ bàng.
Châu xa vắng như những ngọn đồi trọc ngoài kia trên đó gió sớm đã bắt đầu vi vu. Nàng không dám buông rời tôi, nàng không thể buông rời tôi. Chúng tôi đang cùng ủ chung với nhau nỗi trống trải hoang tịch trong một buổi mai mờ mịt đang lên ở chốn nào. Tôi bắt buộc phải hôn Châu từng chút nhỏ như đám sương bụi rơi trên cỏ. Mắt trĩu nạng, tôi tả tơi như tấm liếp sau trận bão cuồng:
“Em. Nói lại cho anh nghe. Anh Hoạt ra sao? Bây giờ là lúc anh có thể nhớ hết. Anh muốn nhớ là anh nhớ, anh muốn quên là anh quên. Óc anh nó buồn cười là thế đấy. Em đừng buồn. Anh không muốn em buồn, em nghe chưa. Một mình anh buồn là đủ. Một mình…. Xuân Hồng này. Em nghe anh nói không?”
“Dạ”.
“Đừng giận anh. Anh vô tâm như thế. Anh bắt buộc phải vô tâm như thế. Rồi đến một ngày nào em sẽ thấy em cũng vô tâm như thế. Không thế em chỉ còn cách tự vẫn. Em không thể tự vẫn được vậy, thì em phải vô tâm. Không còn cách nào khác. Em không vô tâm được thì em cũng phải đóng trò vô tâm. Em phải quên em là Châu đi, em là Xuân Hồng. Mai mốt em có thể không là Xuân Hồng. Như anh là Trường. Từ mười năm nay anh là Phúc, người ta gọi anh là Phúc và em cũng nên gọi cho thân, nếu thân hơn nữa thì Phúc khùng, Phúc điên, Phúc “xi ních’. Phúc, mai mốt anh sẽ không còn là Phúc. Anh chẳng là cái gì… thật tình…”
“Em không dám giận anh. Em biết cái số của em… nhưng em chỉ xin anh lúc nào em cũng được coi anh là anh Trường để em được là Châu…”
“Em không còn là Châu… nếu em còn là Châu làm sao anh gặp được em đêm nay. Em đã là Châu, anh đã củng đầu em rồi ngay lúc mới gặp. Em có chịu như thế không?”
“Anh không thể củng em được. Em lớn rồi”.
“Anh không củng được em thì anh sẽ… anh sẽ…”
Tôi bỏ rơi câu nói, không kiếm ra điều nghĩ. Tôi cũng đang tự hỏi tôi sẽ làm gì. Châu áp tai vào ngực tôi, hơi thở của nàng dầy chìm như vẫn còn bị nén. Tôi mơn man cái cổ chất chứa những tiếng nấc đang rình rập.
“Ờ, anh sẽ… đố em biết anh sẽ làm gì?… Em không thể tưởng tượng nổi. Anh sẽ giết em chết, em biết không? Anh bóp cổ em chết ngắc ngay lập tức… Anh đủ sức… nếu anh không vô tâm”.
“Anh có thể bóp cổ em chết bao giờ cũng được… Em mong thế, em sung sướng”.
“Anh đâu còn đủ sức. Anh không thể làm vậy được. Anh đâu còn là Trường, em đâu còn là Châu”.
“Không. Anh vẫn là anh Trường. Em chỉ biết anh là Trường từ bao nhiêu năm nay”.
Những tiếng nấc vuột thoát khỏi cổ, ngực Châu giật động càng lúc càng mạnh. Rồi nàng khóc một cách ngon lành, nước mắt thấm ướt vai áo tôi. Vừa mệt vừa giận, tôi chỉ biết buông tay nằm thở. Tiếng khóc của đàn bà bao giờ cũng khiến tôi tức bực. Đó là lối thống trách vô lý khó chịu. Tôi muốn rút lại cánh tay kê dưới đầu người đàn bà nhưng bị giữ chặt. Mấy móng nhọn bấm vào cánh tay đã tê cứng. Tôi sắp sửa muốn la cho im tiếng khóc đang làm nổi gai ốc cùng mình, sau đó trỗi dậy bỏ đi thẳng một mạch.
“Anh… Em làm anh bực mình lắm phải không? Em xin lỗi anh… Anh biết em không có quyền gì với anh. May mắn gặp anh, em mừng. Em chỉ muốn được nói hết với anh. Em không có ý gì khác đâu. Em khóc vô lý quá phải không anh? Em nghĩ tủi thân thế thôi… Em vẫn thường hay khóc một mình. Anh đừng để ý… khóc đấy rồi cười đấy… chẳng ra cái thứ gì cả…”
Châu cười, tiếng cười hư nguỵ kéo quá dài. Cơn giận đang ngấm ngầm của tôi bị khuấy ngầu thêm khó mà lắng. Cơn giận khớp chặt miệng và tôi cứ phải nuốt những hơi thừa dồn ứ. Tôi tự hỏi: Cớ sao tôi không đùa được đến cùng. Cớ sao cứ bỏ cuộc vào phút chót? Nào có gì quan trọng đâu những tiếng cười khóc ấy của người đàn bà dày dạn, tôi biết thế chứ. Sự nghiêm trọng cũng chỉ là một hồi cần thiết của trò đùa cho thêm đậm đà màu sắc. Cớ sao không dưng tôi tự tránh ra phá thối cuộc chơi vào lúc hấp dẫn nhất.
Có phải là dưng là không hay… Dưng không như thế chăng? Tội nghiệp Châu. Tội nghiệp người đàn bà muốn đóng một vai tuồng vẫn mơ ước. Tôi là diễn viên dở ẹc đã làm nàng thất vọng đã làm hư hết. Tôi xẹp dí xuống như chiếc bóng thủng xì hơi, não nề và chán chường quá đỗi.
“Anh còn ở trên này lâu không?”
“Cũng chưa biết nữa”.
“Em cần gặp lại được anh không?”
“Em muốn, tại sao em lại không muốn? Còn anh…”
Bây giờ Châu ngửa mặt trông lên đỉnh màn. Bóng tối đen trong buồng hình như loãng hơn. Ý nghĩ của tôi cũng loãng trong giấc chập chờn. Tôi phải khổ nhọc để trồi khỏi cơn buồn ngủ ngày càng quánh mắt. Tôi không thể ngủ được, bởi trời sắp sáng và tôi cần rời khỏi gian buồng này. Với những vết thương của đêm qua, tôi cần ngủ vùi ở chỗ nào biệt tịch trong quên lãng của hết thảy mọi người, không muốn ai dòm ngó tới. Tôi nghiêng trở mình, bỏ chân ra ngoài chăn ấm để mặc cho khí lạnh ướp giá hai bàn chân. Bất ngờ tôi nghe rõ tiếng nói của người đàn bà ở giường bên, tiếng nói như kề sát bên lỗ tai.
“Xuân Hồng… Ông anh mày bớt chưa?”
Tôi quay nhìn Châu đã ngủ không nghe thấy. Người đàn bà lồm cồm ngồi lên, vén tấm màn dầy ngăn che, ló đầu sang.
“Để cho Xuân Hồng ngủ”.
“Anh thức sớm nhỉ? Anh bớt chưa?”
“Cám ơn cô… Đêm qua tôi làm phiền các cô”.
Ngoài đường đã bắt đầu hiện rõ sự im lặng quen thuộc của buổi sáng miền cao. Tôi rút tay khỏi đầu Châu, và cũng ngồi dậy trong giường. Người tôi bập bồng giống như con lật đật. Người đàn bà buông hai chân xuống đất quơ tìm đôi dép.
“Anh chứ nằm nghỉ. Không có gì phiền cả đâu. Em với Xuân Hồng như một vậy… Hôm qua em cũng sợ cuống cả lên. Thấy anh khoẻ lại em cũng mừng.
Anh nên thương nó, nó đáng thương lắm. Lúc nào em cũng chỉ cầu mong nó gặp được người yêu thương nó thật sự. Nó tội lắm. Em chắc nếu anh bỏ đi, không thương nó chắc nó khó sống. Em nói thật đấy. Em hiểu nó. Trông thế, nó hay làm tàng bắt nạt em nhưng nó yếu xịu à. Dễ trị lắm. Tại em thương nó nên mặc nó…
Anh đừng sợ, anh cứ thẳng cánh với nó và em cam đoan nó sẽ ngoan ngoãn. Đừng bỏ nó, tội nghiệp…”
Người đàn bà bật ngọn đèn nhỏ, lò mò ra bàn rề sô đun nước. Ánh điện mờ cũng làm tôi choáng váng xây xẩm. Khuôn mặt Châu xanh mét, nhăn nhó trong giấc ngủ.
“Anh nằm xuống cho khoẻ. Em pha cà phê cho anh uống nhé? Anh cứ coi em như là Xuân Hồng. Anh đừng ngại. Em là Nga”.
Tôi đành nằm xuống bên Châu, nhắm mắt đờ đẫn. Người đàn bà xê dịch loay hoay trong khoảng hẹp. Tôi có cảm tưởng như lúc nào nàng cũng đứng sát trên đầu tôi, rình rập những cử động của tôi. Nàng hát nho nhỏ một khúc hát phổ thông tại vũ trường. Đường về đêm đêm… mưa rơi ướt bước… chân em…
“Anh uống cà phê nhé”.
“Cũng được”.
“Anh cứ ở trong ấy. Em mang vào cho”.
Người đàn bà chui vào giường, đưa cho tôi cốc cà phê, rồi ngồi luôn dưới chân. Nàng bó gối kéo chân phủ ngang ngực, nhìn tôi chăm chăm. Đôi mắt hiện vẻ tinh quái, nhưng nét mặt lại khờ khạo một cách kỳ quặc. Trông người đàn bà như một chú hề giả gái.
“Anh cho em ngồi đây nha”.
“Cô đã ngồi rồi mà”.
Tiếng cười của người đàn bà đượm vẻ khác thường nửa như giễu cợt nửa như ngây ngô. Châu cựa mình, chép miệng, co người. Tiếng cười nín ngay.
“Anh trông nó có thương không?”
“Cô không đáng thương sao?”
“Em ấy à?… Em không đáng kể chi… Em là đồ bỏ mà…”
Người đàn bà bụm tay cười khục khục. Ngụm cà phê đắng chát, nóng ran trong ngực.
“Anh cứ duỗi thẳng chân cho thoải mái. Hôm qua lúc anh lên cơn lạnh, em với con Xuân Hồng mỗi đứa nằm một bên ôm lấy anh. Anh có biết không? Nó không ghen với em đâu mà anh sợ. Mà em với anh làm sao có thể có gì… với nhau được. Không khi nào em làm khổ nó, em mong cho nó sung sướng”.
Tôi trợn tròn mắt ngắm người đàn bà và không thể tưởng tượng cái cảnh đã qua. Thân người đàn bà gầy như que củi. Và tôi bật cười.
“Tại sao cô cứ gán chuyện nhảm nhí hả? Tôi là anh của Xuân Hồng”.
“Ông anh quý ơi, ông đừng bịt mắt em. Suốt đêm qua anh chị du dương thế nào, em nằm nghe hết… Đừng xạo nghe cha”.
“Cô tầm bậy… như thế không được”.
“Sao lại không được? Bộ anh không thương Xuân Hồng sao? Anh không tin là nó thương anh sao? Anh tưởng mặt mũi anh đẹp trai lắm hả? Anh thử soi gương lại coi…”
Người đàn bà vênh váo khiêu khích. Sau mỗi câu, chân lại đạp vào chân tôi. Tôi nhột nhạt cùng mình, trao cho nàng tách cà phê bắt phải cầm.
“Chuyện đó không ăn thua gì… tới cô…”
“Sao không ăn thua? Ăn thua lắm chứ. Anh Trường, anh không thể hiểu nó yêu anh đến chừng nào. Bữa nay em mới gặp mặt anh nhưng thực ra em đã được nghe nó nói về anh mỗi lúc nó khóc. Anh Trường, chỉ có anh Trường mới cứu vớt được tao. Tao chỉ còn một hy vọng là gặp lại anh ấy. Nó nói như thế đấy. Nếu không nó đã không còn sống đến hôm nay. Anh thử vạch cổ tay trái của nó lên xem. Anh đếm coi có mấy vết sẹo trắng là mấy lần nó chết hụt rồi đấy. Anh nhìn kỹ xem… Một lần nó tính giết luôn cả thằng nhỏ kia. Anh coi nó kinh không…”
“Thế lúc Xuân Hồng nói về tôi, cô tưởng tượng thấy tôi thế nào? Bây giờ cô gặp tôi, có thấy có đúng không? Tôi đâu phải là Trường như Xuân Hồng vẫn kể với cô…”
“Em đã nói em không đáng kể mà… Xuân Hồng nó bảo anh là Trường thì đúng anh là Trường rồi”.
Đứa nhỏ thức dậy đòi sữa. Người đàn bà tụt nhanh khỏi giường, ra bàn pha sữa. Thằng bé khóc ngất. Tiếng khóc đánh thức Châu.
“Sao anh ngồi đấy anh? Nga ơi… mày cho nó bú hộ tao với…”
“Mày ngủ đi. Tao đang pha cho nó đây”.
Người đàn bà lách mình qua chỗ tôi, ghé thì thầm vào tai tôi, trước khi vào với đứa nhỏ:
“Anh đừng cho nó biết…”
Châu không mở nổi mắt, với tay kéo tôi bắt nằm.
“Anh ngủ đi. Tại sao anh không chịu ngủ?”
Trời đã sáng tỏ. Bên ngoài vẫn vắng ngắt hiu quạnh. Người đàn bà vừa cho đứa nhỏ bú vừa hát ru. Vẫn chỉ một bài hát quay đi quay lại.
“Ngủ chưa anh? Em mệt quá…”
6.
Người đàn ông ấy tự vẫn. Ông ta chết chẳng tự nhiên chút nào. Ông ta xếp đặt, sửa soạn kỹ lưỡng cái chết của ông trước mắt người khác. Trong những người ông nhắm tới không có tôi, nhưng tôi vẫn phải nhìn. Và lúc này tôi chỉ cười thầm, tôi đang nắm ông qua một người khác. Tôi nghĩ đó là đứa con của ông, chính ông ta đã sinh ra hắn, không phải tôi.
Hắn là hiện thân của ông. Cái tác điệu cao kỳ tới cùng, ngay trong lúc khốn nạn nhất của đời người cái dáng vẻ bí mật, phủ lên mọi cử động một ý nghĩa bí nhiệm dành riêng cho một số kẻ được ngầm lựa chọn để gửi gấm, cái giọng nói như giấu giếm những xúc động thường tình, nhưng tuôn như bị cuốn hút bởi một sức lực mạnh mẽ nuốt chửng cả tâm trí, bởi những ý tưởng chế ngự một đời mình. Hắn chính là ông, chính là người đàn ông ấy đang sống trong cái chết ngoạn mục và bắt tôi sống cùng theo những bước chân của ông trong những ngày chót của một đời người. Một đời người khác thường với một vẻ tầm thường, như trong cổ tích ông bụt hiện xuống trong bộ áo ăn mày và chỉ chịu lộ chân tướng sau khi đã thử lòng người. Tôi không thể nào chịu nổi một sự ức hiếp kiểu ấy. Chẳng khi nào ông loà mắt nổi tôi.
“Đó là những buổi chiều ngút nắng cuối tháng Tư, các anh biết chứ cái không khí chính trị sau cái ngày… đáng chán nản tuyệt vọng biết nhường nào… Anh Khả, anh nhớ chứ, anh xuống gặp tôi, anh hỏi: Phải làm cái gì chứ? QUE FAIRE?… Phải làm cái gì chứ? Tôi gặp ông ở vườn hoa bên bờ sông, gần chỗ người ta đánh cù. Tôi đã đứng với ông suốt cả buổi chiều chẳng còn chuyện gì để nói với nhau. Có lẽ lúc ấy ông đã có ý định chọn cái chết… mà tôi không hay. Lúc bắt tay từ giã, ông nói với tôi một câu mà đến bây giờ tôi mới hiểu là lời trối trăng: Hy vọng là ở lớp các chú… chỉ còn các chú.
Hắn ngửa cổ, phà thuốc lá. Hắn đợi câu nói ngấm vào người nghe. Không ai nhìn hắn cả, trừ tôi. Nhưng mọi người chắc chắn đều thấy lởn vởn trước mắt hình bóng của ông già ngoài năm mươi tuổi, sự hiện diện của hắn qua hình bóng ấy vì hắn là kẻ thừa kế của ông. Còn tôi, tôi trông chính hắn là ông già kia. Hắn là ông đồng cho mượn xác và tôi định lên tiếng. Người đàn ông ấy không để cho tôi kịp lên tiếng.
“Ông biến mất cả tuần lễ. Ông vẫn như thế nên không ai chú ý. Người ta nghĩ là ông đã ẩn trú ở một nơi kín nào đấy không muốn liên lạc với bất cứ ai… Người ta đang mượn cơ hội đó làm một mẻ lưới lớn, xét hết những ai không chịu thần phục. Ông không thể ra mắt”.
Đến lúc biết thì không còn nhìn ra nổi xác của ông trương sình nằm trong nhà xác công cộng. Đời mà đến thế thì thôi… Ông chết không nhắm mắt. Nghĩ đến ông tôi cũng không sao nhắm mắt nổi…
Hắn lại ngửa cổ thổi phà liên tiếp khói thuốc xanh um. Không ai chen được lời nào. Hắn đang bầy cái xác chưa nhập quan của một nhân vật cao vời và mọi người bắt buộc phải cúi đầu tưởng niệm. Chỉ riêng hắn nằm cùng với xác ấy, hắn không phải tưởng niệm ai hết hay hắn chỉ tưởng niệm chính hắn. Thật buồn cười và cũng thật đáng giận. Tôi không sao có thể là con đẻ của người đàn ông ấy, bởi lẽ chẳng bao giờ tôi đóng nổi vai tuồng đang được trình diễn.
“Có lẽ ông đã nhảy xuống sông chỗ chiếc phi cơ rớt… chỗ anh chàng phi công bị bắt ấy… Xác ông lúc nổi lên tấp vào bờ gần đáy, ông vận quần áo mới nhất, bộ quần áo của một người vừa tặng ông… Trước khi tự tử, ông đã đi hết thảy những chỗ quen, ngồi trò chuyện rất lâu. Ông không gặp tôi. Đó là điều tôi ân hận hết sức. Ông có nhắn tôi đến chỗ ông ở. Mãi sau khi chôn ông xong, tôi mới đến gian buồng của ông. Tôi đã đọc hết các giấy tờ ông để lại cho tôi.
Đọc xong, tôi càng thương ông hơn, càng thấy mình thật có lỗi. Tôi còn giữ hết cái di sản ấy. Tôi sẽ cho đánh máy, gửi mỗi anh có mặt ở đây một bản, giữ hộ. Đó là những tài liệu lịch sử không thể nào để tiêu huỷ. Tôi phải nhờ các anh giữ cho sau này. Một mình tôi giữ e không chắc chắn… Rồi đến một ngày, mọi sự đều phải phơi ra dưới ánh sáng. Không ai bưng bít nổi sự thật hết.
Hắn ném tẩu thuốc lá xuống sân và lần này im lặng thật lâu. Ngoài trời mảnh trăng non toả ánh biếc trên những đồi xa như một bức phong cảnh vẽ trên sân khấu.
Không khí bỗng dưng huyền hoặc thêm. Trong hành lang dài rộng của ngôi nhà gỗ những người hiện diện biến thành những bóng bờ bị trói chặt vào chỗ ngồi của mình. Tôi nghe rõ mình đang bị đẩy loại ra ngoài vòng thân mật. Tôi không quen biết một ai ngoài Khả. Khả ngồi sát bên tôi, duỗi dài trên chiếc xích đu. Chiếc ghế đong đưa nghiến khẽ trên mặt gỗ bào nhẵn.
“Các anh đọc, rồi các anh sẽ thấy như tôi… Ông quả thật là người sáng suốt… sáng suốt nên tuyệt vọng… Không tuyệt vọng sao được… Nếu ông còn chút mờ tối, tôi nghĩ thế… phải chi ông còn chút mờ tồi, một chút thôi… người ta sống với một chút mờ tối nào đó, tôi nghĩ thế…”
Tôi càng lúc càng bực bội. Tôi nghe mình cất tiếng hỏi:
“Tôi tự hỏi người ta có thể nào lấy cái chết của chính mình để dối gạt kể khác hay không?”
Câu hỏi của tôi vang lên như một viên đá nắm lăn lách cách trên một mái ngói. Tôi ném tiếp không thể để tiếng động rơi không trơ trẽn.
“Cái chết như sự tự do độc nhất trong đời người được sử dụng để vẽ cuộc đời theo một ảnh tượng nào đó. Vẽ mình và vẽ người. Tại sao không nhỉ?”
Tôi cười. Tiếng cười của tôi đáp thẳng vào mặt hiện thân của người đàn ông ngồi cách tôi một người. Tôi muốn lôi cổ hắn dậy.
“Anh có bao giờ nghĩ như thế hay không?”
Sự xấc láo của tôi khiến mọi người ngơ ngác. Sự khó chịu lan rõ, nhưng vẫn không ai phản ứng gì.
“Ông bạn quá hoài nghi…”
“Cứ cho là như thế. Thế anh không bao giờ hoài nghi hay sao? Anh vừa nói đến cái chút gì mờ tối ấy và người ta lấy cái chết của mình để làm như rằng không có sự mờ tối nào cả?”
“Nhưng ông bạn có biết người đã chết không cái đã?”
“Tôi không biết. Nếu tôi biết thì…”
“Ông bạn đã phỏng đoán cả một đời người dễ dàng quá… nếu không muốn bảo là độc đoán. Tôi hy vọng tôi sẽ gửi anh một bản những giấy tờ của ông ấy để lại và anh sẽ thay đổi ý kiến”.
“Tôi cho là vô ích. Có lẽ tôi sẽ hiểu được một người nếu người ấy còn sống. Tôi không tính vào những gì được viết ra. Văn chương là thứ mặt nạ, không tiết lộ điều gì ráo…”
Tôi cao giọng lúc nào không hay. Tôi tưởng như tôi đang gây gổ với chính ông. Ông muốn nói gì, muốn làm gì cũng không thể bịp tôi. Ông chỉ có thể bịp những tên cao ngạo một cách ngu muội. Một người nào đó can thiệp:
“Tôi chắc ở đây không có chuyện văn chương chỉ có cuộc đời kinh nghiệm và những ý nghĩ được ghi chép… Tôi chắc thế phải không anh Bảo? Ông là một người hành động mà… Tôi đã được gặp ông một lần. Lâu lắm rồi… nhưng tôi, tôi không thể nào quên ông”.
“Anh nói đúng. Các anh đọc và các anh sẽ thấy. Anh gặp ông hồi nào?”
Rõ ràng người ta đang dùng chiến thuật gạt tôi ra ngoài câu chuyện. Người ta muốn chôn vùi những câu hỏi của tôi. Tôi không thể chịu. Tôi thấy rõ nụ cười khinh bạc nửa miệng của ông ngày nào, nụ cười như được khắc trên đá thay cho mọi câu trả lời. Ông lẩn tránh đôi mắt tôi, dáng điệu hèn mọn, nhưng nụ cười của ông thầm bảo: Con không hiểu gì hết thảy, con sẽ không bao giờ hiểu nổi bố… Trong khi tôi hiểu ông, tôi hiểu ông đóng vai người bố bị đứa con không hiểu mình. Tôi làm sao chịu để cho ông đóng vai bố tôi. Không bao giờ. Người ta lại tiếp tục câu chuyện về ông không có tôi. Tôi quay hỏi Khả:
“Ai đấy?”
Khả bóc gói thuốc mới trao cho tôi, đáp: “Bảo”, rồi không nói thêm gì nữa. Tôi đốt thuốc hút, buông mình trong ghế nhìn thẳng trước mặt.
Những chiếc cọc gỗ trắng đóng dấu khoảng sân lờ mờ trên nền xầm tối của rừng cây thấp. Con đường hiện dưới ánh trăng như một dòng sông cạn. Trong rừng cây vẳng tiếng hót khoan nhặt đơn độc của loài chim không rõ tên. Người ta vẫn tung hứng những câu nói liên hồi, những tiếng động tạp nhạp phô bầy lòng kiêu ngạo, sự giả nguỵ phô trương của sự trống rỗng say sưa theo hấp lực của bóng ông già đã chết thối rữa dưới lòng đất… Mấy người phụ nữ bị đẩy lùi vào vị trí trang hoàng cho khung cảnh. Một anh người làm từ sau nhà bưng khay cà phê ra. Trước dãy chỗ ngồi bày sẵn những chiếc bàn nhỏ, ánh trăng soi nửa mặt bà. Một phụ nữ đề nghị: “Chủ nhân cho nghe nhạc”. Hắn gạt ngang ý kiến. Vẫn hắn, vẫn cái giọng trống không chắc nịch trong những câu ngăn. Rồi đó sự im lặng dồn né. Sự im lặng vẩn đục hư nguỵ và hèn nhát, tôi phải đập vỡ.
“Anh Bảo này. Anh là Bảo phải không? Tôi muốn hỏi trước anh một câu: Trong những trang ghi chép của… cái ông gì đó anh đã đọc, có trang nào ông ta viết về cái chuyện… hỏng nhất trong đời không?”
“Có chứ, ông thú nhận đời này là thất bại. Ông bạn có hiểu được tâm sự của kẻ bằng lòng thất bại không? Bằng lòng thất bại để…”
“Tôi hiểu… tại cái câu không thành công thì thành nhân… tôi hiểu… Xin lỗi anh, tôi muốn hỏi đúng ra là… ông ta có viết trang nào về một sự bẩn thỉu… xấu xa nhất trong đời ông… Vâng, bẩn thỉu nhất…”
“Tôi không hiểu rõ ý ông bạn…”
“Tôi muốn nói bẩn thỉu… chẳng hạn như… xin lỗi các bà có mặt ở đây… bẩn thỉu hèn hạ đại khái như trong một truyện của Dostoievsky, một phụ nữ bị xã hội coi là không đứng đắn đã yêu cầu các vị khách của mình mỗi người phải kể chuyện ấy ra trước mặt mọi người. Kể ra… có người chết ngất… chắc quý vị ở đây đều đã đọc truyện ấy”.
“Nếu thế thì không có… không phải ông viết tiểu sử của ông… Vả lại… tôi không hiểu tại sao ông bạn đặt câu hỏi kỳ vậy? Ông có ý gì thế… Với người đã chết?”
“Tôi thành thật xin lỗi… Tôi chẳng có ý gì với người chết… Có lẽ với người sống, may ra có. Tôi nói may ra có… Anh không nghĩ có nhiều lối viết tiểu sử lắm sao? Lối hay nhất là bắt người khác phải viết… Thí dụ như tôi phải viết về ông ta…”
“Ông là một nhà văn? Một người đàn bà xen lời. Thế mà anh Khả chẳng chịu giới thiệu…”
“Không, không phải thế. Nếu tôi là nhà văn, tôi viết tiểu sử của tôi chứ ai lại mất công viết tiểu sử người khác, nhất là người khác đây chẳng có dây mơ rễ má gì với mình. Anh Khả đây mới là nhà văn này…”
“Chắc tôi là nhà văn raté…”
Vợ Khả cười khanh khách vui tươi hết sức tự nhiên. Đó là một người đàn bà trưởng giả lịch thiệp thừa tinh khôn khéo léo phá tan bầu không khí gay go do tôi tạo nên. Tôi nghe một giọng nói dịu dàng tiếp theo tiếng cười của vợ Khả:
“Anh Phúc đang nói dối đấy nhé…”
Tôi quay đầu bắt gặp đôi mắt sáng như mắt mèo của Hồng chiếu thẳng về phía tôi. Đã lâu tôi không gặp Hồng. Tôi đã nhận ra Hồng ngay lúc mới đặt chân đến đồn điền này nhưng tôi chưa nói chuyện với nàng. Suốt buổi chiều, tôi ngủ hoài trong phòng riêng và trong bữa cơm đông người, tôi lại ngồi cách xa nàng mỗi người một bàn. Tôi không hiểu ý Hồng, tuy nhiên tôi vẫn cười to.
“Tôi nói dối. Đúng tôi đang nói dối. Chị có biết là tôi đang bắt chước muốn bày trò chơi yêu cầu mọi người ở đây kể câu chuyện… nhảm nhí nhất đời mình cho vui. Không, tôi không dám đề nghị chuyện bẩn thỉu… chỉ cần nhảm nhí thôi…”
Tiếng một người đàn bà gióng lên vẻ giận dữ: “Ông là ông gì mà ăn nói kỳ lạ thế nhỉ? Trò đùa của ông… hơi vô ý thức đấy”. Tôi hướng về phía người ấy cười to: “Cám ơn bà, bà đã quá lễ phép với tôi… tôi mất dạy mới đúng. Thưa quý bà, tôi mất dạy, đúng quá phải không quý bà”. Hồng can thiệp, giọng nhỏ nhưng rạch ròi từng tiếng:
“Anh Phúc… anh nhảm nhí quá”.
“Chị Hồng… thì tôi nhảm nhí mà… Chị biết tôi quá sao chị còn mắng tôi”.
Cơn phát khùng làm tôi lố bịch. Những phút này tôi không thể không làm trò hề, trò phá thối cuộc họp mặt trưởng giả đáng ghét. Khả kéo tay tôi đứng lên, xuống đây xem cái máy điện đi, tôi cúi gập đôi người chào: “Thưa quý bà, kẻ đê tiện nhất xin được phép lui…”
Chúng tôi bước xuống sàn. Sau lưng tôi người ta đang nói lớn phủ lấp sự sửng sốt tôi nén lại.
“Xin lỗi nhé… Bậy quá”.
“Cậu làm sao thế?”
“Cái đầu mình không hiểu sao cứ trục trặc mãi…”
“Cậu cứ thích làm cho nó trục trặc”.
“Cũng là một lẽ”.
Khoảng sân rộng còn vẻ hoang vu. Tôi ngửng nhìn mảnh trăng treo trên cao trên đỉnh đồi mờ biếc, đầu óc dịu trong gió trống mặc dù những nhịp máu còn bốc trào lên mặt.
“Vợ tôi nó thích mấy cái trò này. Tôi phải chiều. Tôi không ngờ cậu lại lên trúng vào giữa đám này. Hỏng hết cả dự tính của tôi. Tôi định cho cậu sự yên tĩnh hoàn toàn để nghỉ ngơi… mà không xong. Đàn bà có những ý muốn chịu không thấu… Cậu như thế là sướng…”
Tôi đứng lại ngoài sân trăng. Khả bước vào trong nhà chứa máy điện một mình, nhà chỉ có máy không có vách. Tôi nhìn bóng Khả lúi húi quanh chiếc máy điện như thấy một người chưa từng quen biết. Khả thay đổi nhiều, mập mạp nặng nề hơn, đầu tóc húi ngắn cố giữ vẻ mạnh mẽ gân guốc của một người hoạt động. Từ trên hành lang vẳng bay tiếng cười vui của đàn bà. Trong khu rừng cây đã sát gần, tiếng chim lại khoan nhặt rành rọt như hót cho mình tôi nghe dưới các khóm bụi xào xạc tiếng lá động do các con vật nhỏ rút nhanh.
Khả giựt máy nổ chạy inh tai. Tôi bị choáng váng bất ngờ, tự động sắp giựt chạy như con ngựa chứng. Tiếng lịch xịch ngừng ném trả sự bàng hoàng xa vắng. Tiếng ồ oà của đám người trên nhà lúc điện bật tắt như một thứ nhịp quái dị.
Khả bước ra sân xoa tay khoan khoái, ngửa mặt hít thở. Trên nhà ánh vàng đục nhấp nháy thấp lẻ loi. Nền rừng phía sau đen nghịt to sững đẩy cao đỉnh trời. Tôi rời xa tiếng máy động.
“Bảo… Anh chưa gặp nó bao giờ cả. Tên ấy khó chịu thật. Đâu nó cũng đã từng sang Tầu. Hồi xưa nó là…”
Khả chậc chật trong miệng, bỏ dở chừng câu nói:
“Đêm nay thật tuyệt phải không? Mình bỗng dưng thèm lãng mạn như hồi trẻ…”
Trên hành lang, vợ Khả gọi chồng. Tiếng gọi lảnh lót vang ngân. Khả làm như không nghe, tiếp tục bước cạnh tôi. Có cái gì ngập ngừng không thốt được ở Khả.
“Nghĩ buồn cười phải không?… Bảo nó là người yêu cũ của “en”. Đàn bà nó dễ xáo động lắm, không làm cách gì nói cho hiểu. “En” tưởng tôi không biết. Tôi biết rõ cả… Nhưng cậu bảo tôi phải làm thế nào… Không lẽ mỗi lúc mình cứ phải dứt khoát chỉ vì một thứ caprice như thế mệt quá… “En” nhìn tôi là thứ raté… mà có lẽ mình thế thật… lắm lúc tôi cũng muốn đập phá tan hoang, muốn ra sao thì ra nhưng tôi lại thấy để làm gì mới được… Rồi mình trở thành “hiền giả” không hay…”
Khả cười, tiếng cười chua chát đứt rời lẫn trong tiếng gọi còn ngân. Khả… Anh… Khả… Khả…
“Có thật không nói gì hết không?”
“…Đời tịch mịch lặng lẽ… Mỗi người một cách sống, thế thôi. Một ngày nào, “en” sẽ bỏ đi, chắc chắn như thế rồi… Tôi chẳng làm gì cả… Như nước trôi xuôi… Vô vị mà. Mình tự hỏi mình hết cả tham vọng rồi chăng? Rồi mình lại tự hỏi cớ sao mình cứ tự hỏi mình?… Tôi nhất định không muốn cái đầu mình trục trặc… Trục trặc mất công quá chừng…”
Khả lại cười, lần này tự nhiên ròn rã, tiếng cười cởi bỏ những phiền luỵ, mở ra một nền thăm thẳm dưới chân trời hút mắt giữa lũng đồi. Tôi không chịu nổi sự bay bổng thoát tục ấy. Có thể Khả đang quên lãng mình một cách hiền giả như thế thật. Nhưng tôi không sao chịu nổi.
Tôi quay nhìn bờ rừng để khỏi trông thấy Khả. Tiếng gọi của vợ Khả lại vọng tới.
“Thôi cậu tiếp khách đi”.
“Ừ, phải về thật… “En” đang trói tôi đây, “en” tưởng như thế mà… Mình cứ giả đò như chẳng có sự gì cả… mà thật ra cũng chẳng có sự gì… nhảm nhí hết phải không?… Tôi lên trên kia nhá. Cậu coi chừng có thể có rắn…”
Tôi nghe rõ tiếng chân Khả rời xa. Trong nhà người ta mở nhạc, khúc mở dồn đầy những nhịp mạnh vỡ nghe xa vẫn hắt hiu như ảo giác. Như ảo giác cả. Tôi đang còn trong tầm mắt của những người trên hành lang. Trong rừng đêm, tôi nhìn thấy ánh trăng rớt rải loang lổ trên mặt đất rối mắt, gây hoang mang như tiếng gọi thấp thoáng: Anh Phúc… Anh Phúc…
7.
“Anh Phúc. Anh mơ mộng thế…”
Hồng đứng cách vài bước. Người bạn gái gầy gò mỏng manh như một tờ giấy, mặc chiếc áo hồng nhạt. Màu hồng như tiêu tan giữa khoảng không. Phía sau khoảng không vẫn sự rung ngân mơ hồ biêng biếc. Tôi vừa tỉnh giấc, vẫn ngồi trên đầu chiếc cọc gỗ.
“Xin lỗi chị nhé”.
Hồng bước quanh mấy cục đất lớn, tiến đến một cây cọc khác ở gần. Nàng đứng tựa đấy, khoanh tay như ủ lấy mình, hướng mặt về phía tôi. Giữa khung cảnh chập chờn những huyền hoặc, Hồng vẫn khô cứng tách rời như đôi mắt to sáng nổi bật trên khuôn mặt nhiều nét thẳng cạnh. Đôi mắt long lanh như đôi mắt cú mèo.
“Ngồi đây dễ chịu thật… ở trên kia nhức đầu quá, chịu không thấu. Tôi chúa ghét âm nhạc”.
“Chị vẫn khó tính. Thế mà chị còn mắng tôi nhảm nhí…”
“Anh nhảm nhí đáng mắng quá, còn kêu oan cái gì… Còn tôi khó tính nên cứ ế chồng, anh thấy tôi có kêu ca như anh đâu”.
Lối nói chuyện của Hồng từ ngày nào tôi vẫn thích. Tôi cười giễu cợt người bạn gái một cách thật thú vị. Chúng tôi tìm lại được ngay không khí thân mật ngày còn sinh viên hoạt động chung với nhau.
“Tôi không gặp chị mấy nay rồi nhỉ?”
“Năm sáu năm gì đấy… Anh mà cũng để ý đến thời gian à? Tưởng chỉ loại gái gà như tôi mới lo đến năm đến tháng thôi chứ…”
“Chị chưa già mà… yên chí, tôi vẫn nhìn thấy chị như ngày trước… Lâu không gặp, tôi tưởng chị rông luôn rồi. Một dạo nghe nói chị xuất dương kia mà. Rồi cũng có nghe chị gặp được tình yêu lớn, đồn tình yêu vĩ đại lắm… đúng không?”
“Đi thì bây giờ mới sắp đi… Phải đi chứ. Ở đây không ai chịu lấy mình thì phải sang Tây sang Mỹ may ra bắt được một anh chàng ngỗng đực nào đó mà sống chứ. Đàn ông Việt Nam khôn tổ mẹ”.
“Tôi có khôn không?”
“Anh cũng khôn lắm. Nhưng chắc là tôi khôn hơn anh… Dạo ấy mà tôi chụp anh thì có lẽ được phải không nào? Nhưng tính tôi lại cứ thích người khôn hơn mình nên tôi cứ thấy anh nhảm nhí… Bây giờ tôi nghĩ lại… tôi sẽ bắt mấy anh chàng ngu…”
“Nghĩa là tôi lại có thể bị chụp…”
“Anh sợ không?”
Tôi rời chỗ ngửa cổ cười thành tiếng khoan khoái, bông lơn: “Tôi sợ lắm, lúc nào tôi chẳng sợ chị”.
Trên hành lang hình như không còn ai, người ta kéo vào trong phòng khách. Trời bắt đầu khuya lặng, nhạc nghe rõ thêm, không hiểu sao tôi có thể nhớ ngay chẳng chút khó nhọc khúc nhạc ấy, khúc lãng mạn kỳ quặc của Wagner.
“Chị chưa trả lời câu thứ hai của tôi. Cái tình yêu vĩ đại của chị ra sao?”
“Anh có tin không? Anh có tin là có người yêu tôi không?”
“Sao lại không nhỉ?”
Hồng sửa điệu bộ đứng, một bàn tay chống đỡ cằm, đầu nghiêng quan sát tôi, môi dưới trề ra một vẻ giễu cợt. Nàng luôn luôn sợ thua ngay trong những chuyện lặt vặt không đâu trước đàn ông. Nàng tự vệ bằng sự kiêu hãnh thừa thãi. Trong tình thế này, tôi phải tỏ ra nghiêm trang.
“Anh có hiểu tại sao lúc nãy tôi bảo anh nói dối không?”
“Quên, tôi cũng định hỏi chị…”
“Anh thật tình không biết hay làm bộ không biết?”
Không khí đột nhiên nghiêm trọng. Hồng mất hẳn vẻ bông đùa, nét mặt bất động cứng cỏi.
“Tôi gặp ông Nguyễn”.
Hồng buông câu nói và chờ phản ứng. Sự im lặng vây quanh. Con chim rừng không còn thấy hót. Sự im lặng nhẹ thênh lạ lùng đẩy xa thêm các khung cửa sáng trên nhà sàn.
“Ông Nguyễn là ông…”
Tôi gật đầu như không. Nhưng tôi vẫn im, chỉ tủm tỉm cười. Tôi không hiểu do đâu Hồng rõ được mối quan hệ giữa người đàn ông ấy và tôi.
“Anh thấy không, tôi hiểu khá nhiều về anh. Cả ông Nguyễn nữa…”
Tôi bắt buộc phải đối diện với Hồng, nhìn thẳng vào mắt nàng. Đôi mắt lúc ấy sâu tối như khoảng đất rộng ngả thẫm màu. Con trăng gầy yếu đang bị mây che. Tôi không nhìn thấy gì cả.
“Anh ngạc nhiên lắm phải không?… Đó là tình yêu vĩ đại của tôi đó”.
Hồng xoay lưng bước, dẫn dụ. Chúng tôi đi theo những cây cọc sát theo bìa rừng. Và tôi chờ đợi Hồng tiếp lời. Nhưng Hồng thôi không nói nữa. Nàng tiếp tục bước chậm, ngó thẳng trước, thỉnh thoảng quay sang nhìn tôi. Trên môi nàng thoáng nở nụ cười hóm hỉnh.
Tôi không hiểu ý định người bạn gái. Chúng tôi đã tiến đến góc sân và Hồng vượt qua giới hạn các cây cọc. Cánh rừng dứt ở đây, chúng tôi bước lên đường dẫn vào đồn điền. Con đường bụi đỏ uốn lượn dưới ánh trăng đã sáng trở lại, chạy về phía ngọn đồi thấp.
“Anh không có ý kiến gì hết cả à?”
“Ý kiến gì chị?”
“Về mối tình vĩ đại của tôi… mà anh nói…”
“Tôi không hiểu…”
Hồng đứng khựng ngó tôi chằm chằm. Nhìn mặt người đàn bà, tôi không thể đoán nàng đang giận hay đang buồn. Thật tình tôi không mảy may xúc động. Tôi đang lâng lâng hít mùi hoa dại nồng nàn bên đường. Tôi đã ở thật xa cái khung cảnh tụ tập của bọn trưởng giả mới từ Sài Gòn lên. Chắc chắn ngày mai tôi rời chỗ này, nơi tôi định nằm nghỉ ngơi đến hết mùa hè, để khỏi gây rắc rối phiền phức cho Khả.
“Anh không hiểu? Như tôi không hiểu vậy. Tôi không ngờ gặp anh ở đây. Anh đâu có thích cái không khí này. Chẳng lẽ mai anh cũng đi săn với bọn họ. Hay ngồi nhà tán gẫu với bọn đàn bà?”
“Khả với tôi là chỗ thân tình. Tôi ghé chơi, không ở được thì mình đi. Có gì là khó khăn…”
“Anh sống thật sung sướng”.
“Cám ơn chị… Tôi không lo nghĩ…”
Hồng ghé vào vệ đường ngắt một cánh hoa trong bụi, cầm xoay xoay trước mũi. Chúng tôi đã đến gần ngọn đồi trọc, con đường đắp nghiêng leo một độ dốc thoải. Tôi bật cười nhưng không khiến Hồng sửng sốt. Chúng tôi vẫn bước song song, giữ khoảng cách khá xa.
“Tại sao anh lại cười?”
Tôi không sao trả lời câu hỏi của Hồng. Tại sao tôi cười? Ừ, tại sao tôi lại cười? Tôi sung sướng. Buồn cười thật. Sung sướng cũng là thứ quái quỷ cần triệt hạ. Tôi không sao giải thích cho người bạn gái cô đơn này hiểu sự sung sướng, cái ý niệm hạnh phúc như mầm độc tác hại, đã bị loại trừ đối với tôi. Hạnh phúc nào cũng là cảnh đầy đoạ. Sống không phải là cuộc kiếm tìm hạnh phúc miệt mài như mang án khổ sai. Không bao giờ tôi dại dột như mang án khổ sai. Không bao giờ tôi dại dột muốn hỏi tôi: Mày sướng hay mày khổ? Không bao giờ. Không nói ra, ban nãy Khả có vẻ thương hại tôi; cái đầu trục trặc của tôi làm tôi khổ, bây giờ Hồng nhìn thấy tôi sung sướng. Và tôi không sao nín cười.
“Tôi hỏi tại sao anh cười?”
“Thôi. Nếu chị không thích tôi cười, thì thôi. Tôi chợt nghĩ đến câu chuyện buồn cười”.
“Chuyện gì thế?”
“Khó nói lắm…”
“Anh mà cũng có chuyện khó nói cơ à? Tôi tưởng anh còn kể vô số chuyện gì với chuyện gì nữa”.
“Ấy là chị tưởng thế…”
Tôi quay nhìn lại phía sau. Chúng tôi đã qua khỏi khúc quanh. Lớp nhà ở của đồn điền không còn thấy. Nhưng tiếng nhạc vẫn vẳng tới. Cơn thịnh nộ dữ dội của hành âm nghe xa vô nghĩa, chỉ là một thứ tiếng vang mất hút trong cảnh rộng.
“Chị vẫn chưa nói rõ…”
Hồng dừng bước. Chúng tôi đã đứng dưới chân đồi. Con đường dốc thẳng chạy khuất vào giữa hai cánh rừng dầy.
“Hình như anh không thích nghe bất cứ chuyện gì liên quan đến ông Nguyễn… Tôi có cảm tưởng như thế… Anh thù ông Nguyễn lắm? Anh có biết là ông ấy nhắc đến anh với tôi luôn…”
“Cám ơn. Cám ơn chị. Nhưng đó không phải là điều tôi muốn biết. Nếu ông ấy còn… tôi cũng đã nhờ chị chuyển đến ông rằng tôi cũng thường nhắc đến ông luôn… Nhưng ông ấy không còn nữa và như thế là tôi…”
“Anh vẫn không thể bỏ giọng ấy đi sao?”
“Nếu chị không thích… Chị cũng đứng về phe ông ấy. Ai cũng đứng về phe ông ấy cả. Tôi một mình một phe…”
“Từ ngày xưa anh vẫn thế. Anh thích làm trái ngược với đa số mà… Phải không?”
Chúng tôi tiến lên đồi, theo một con đường mòn mờ hiện giữa những bụi cỏ khô. Con trăng bây giờ chếch trên đỉnh đầu chúng tôi nghiêng hai chiếc bóng. Tôi theo sau gót Hồng.
“Có cái gì đâu mà nói rõ… Tôi đã yêu ông Nguyễn và ông Nguyễn dường như cũng biết. Dạo ấy, tôi tìm đến thăm ông luôn. Tôi săn sóc ông, lo lắng cho ông. Ông cho phép tôi… Chỉ có thế thôi. Rồi một ngày tôi không đến nữa thì tôi biết là… tôi không thể đóng trọn đời vai trò của người điều dưỡng… Giản dị là như thế. Nhưng bè bạn thì đồn um sùm là một mối tình vĩ đại…”
“Chị không thấy nó vĩ đại ư? Một nhà cách mạng lão thành… và…”
“Và cái gì?”
“Và một… nữ luật sư… thành tích tranh đấu từ ngày sinh viên, đâu phải thường…”
Hồng vẫn đều bước, không chú ý đến lời lẽ của tôi. Chúng tôi lên đến đỉnh đồi, khu đồn điền hiện dưới thấp. Từ những khung ánh sáng nhỏ thoát toả điệu nhạc khiêu vũ. Bao giờ người ta mở cuộc dạ vũ thân mật.
“Kể cũng vui… Dưới Sài Gòn bây giờ làm sao được tự do như thế kia”.
“Chị cũng bớt khó tính đấy…”
“Có lẽ tại mình đứng đây… Nếu ở trong chắc là cũng thấy bực”.
“Việc gì mà bực?”
“Anh sẽ phải nghe mấy câu chuyện tầm phào, nghe mãi… Quanh quẩn về cái gia đình họ Ngô, về vụ Luật gia đình, về Nguyễn Hữu Châu, vụ bà cố bị thương vì bom…, nhất là cái nhan sắc của bà Nhu. Tôi lúc nãy đã nghe chán rồi”.
“Chị nghĩ là những chuyện mình nói với nhau nãy giờ không tầm phào hay sao?”
“Anh đùa nhảm thật… Tối thiểu anh phải giữ… chút gì với người quá cố chứ”.
“Chút gì? Chị không thấy… tôi vẫn là… chút gì đấy à. Nếu tôi rũ bỏ hoàn toàn…”
Dường như cảnh trên đồi cao làm tôi nghiêm chỉnh hơn. Sự nghiêm chỉnh lúc nào cũng khiến tôi ngập trong cảm giác bải hoải váng vất. Buổi trưa, gió ào ào ngoài trời nắng thổi tung cả giấc ngủ đáng lẽ phải tới sau cuộc hành trình bằng xe đò nhọc nhằn. Bây giờ tôi mới cảm thấy sự thiếu thốn nôn nao. Mặt mũi ủ ê bứt rứt như có đàn kiến bò nhột.
“Tôi hỏi chị một câu nhé… Giả thiết như bây giờ tôi ôm hôn chị… ừ, giả thử… tôi hôn chị… chị có nghĩ mình “loạn luân” không?”
Hồng há hốc miệng, đôi mày chau nhíu. Mặt nàng xanh mét như trúng gió, môi dưới run run mất tự chủ. Tôi trông rõ người bạn gái đang uất nghẹn trong cổ. Trong trông rõ… Tà áo của Hồng bị gió thổi bay phất lên mặt nàng, tôi tưởng như nhìn thấy người đàn bà có tang chế trùng mặt khóc ngất. Hồng gỡ tà áo xuống, tay buông xuôi nắm giữ hai bên mép. Nàng ngó quanh quẩn rồi ngồi xuống trên đám cỏ.
“Anh “xì níc” quá thể”.
“Đó không phải là câu trả lời… Chị nhớ đây chỉ là một câu hỏi, một trò…”
“Anh không thể nào đứng đắn? Anh định cứ như thế…”
“Tôi không định. Tôi không định gì cả. Tôi chỉ muốn hỏi chị một câu… Chị sợ tôi làm ẩu à? Đùa đấy thôi… Tôi hiểu chị nặng tình với ông Nguyễn thật… Chị không đùa… như thế là vĩ đại đấy thôi”.
Hồng cúi đầu như thừa nhận. Tôi ngồi xuống bên Hồng, nghe rõ hơi thở bất thường của người bạn gái. Tôi phát giác Hồng cũng thay đổi, nàng chẳng còn mấy tự do như tôi tưởng. Người đàn ông ấy có biệt tài làm cho mọi sự chung quanh mình trở thành thiêng liêng. Sự thiêng liêng giá buốt vô cùng.
Tôi đành im. Sự im lặng dồn như một sức mạnh thật khó cưỡng, tôi bị đẩy trôi vào trong quên lãng ngây ngất. Chúng tôi ngồi im không rõ bao lâu. Sương đêm xuống lạnh. Một lúc Hồng nắm lấy bàn tay tôi thân ái. Bàn tay người bạn gái thật khô.
“Anh Phúc. Tôi xin lỗi anh. Tôi hiểu anh”.
“Cám ơn chị… chị lại đang tưởng…”
“Thì anh cứ để cho tôi tưởng có được không nào? Tại sao anh cứ thích phá những cái tưởng của người khác thế?”
Tôi không đáp. Không thể có lời giải thích nào. Mỗi lời nói chỉ càng gia tăng sự ngộ nhận mà tôi muốn đánh tan. Bây giờ thì Hồng đang nghĩ trái ngược tôi là kẻ đau khổ, đáng thương. Tôi cũng không thể cười. Tiếng cười vang của tôi sẽ đào cái lỗ huyệt trống trải mà trí tưởng tượng của Hồng sẽ mang đặt tôi nằm trong đó. Tôi bị gói kín trong sự riêng lẻ đáng lẽ không có. Nếu Hồng đừng căn vặn. Nếu như thời trước Hồng đã nói: “Không đời nào tôi để anh hôn tôi đâu hay anh thử hôn tôi xem nào. Có gì đâu, chuyện tầm phào…” Hồng không còn ưa chuyện tầm phào. Giữa chúng tôi chẳng còn chuyện gì nữa.
Tôi đứng lên trước. Hồng vẫn ngồi im và tôi ngó mông lung. Đáng lý tôi có thể nói bao nhiêu điều nữa với người bạn gái lâu ngày không gặp nhưng sao bỗng không được, người đàn bà nào đến một lúc cũng khớp mỏ tôi lại. Người đàn bà nào cũng xô tôi vào chốn riêng rẽ mù mịt.
“Anh Phúc… Suốt đời anh cứ trốn chạy… anh không mệt à?”
“Tôi trốn chạy cái gì?”
“Tôi làm sao biết được…”
“Giả thiết là chị nghĩ đúng đi. Ừ thì tôi trốn chạy… nhưng trốn chạy hay không trốn chạy thì khác nhau chỗ nào… Tôi đoán không lầm thì chắc trong thời gian đó, ông Nguyễn và chị hay lấy tôi làm đề tài cho câu chuyện giữa hai người”.
Hồng khoanh tay bó gối, mặt ngước nhìn áng mây trên đỉnh đầu. Nàng nghỉ lâu. Mặt Hồng nhìn nghiêng phơi dưới ánh đêm trông thanh thoát. Tôi đang muốn nhìn người bạn gái khác hơn cái ảnh tượng nàng đã cố tạo từ buổi tối.
“Anh không biết là ông ấy hiểu anh rất nhiều… ông ấy thương anh… Tôi bảo đảm với anh điều ấy…”
Ông ta thương tôi cũng như tôi có lúc thương hại ông. Lòng thương hại là thứ tình cảm lem nhem mập mờ nhất. Nó bôi xoá mọi chân tướng. Mối quan hệ giữa đàn ông làm sao có thể chỉ kết bằng cách hư nguỵ ấy.
“Tôi lại phải cám ơn chị nữa”.
“Anh không tin… Tôi tin là ông ấy thương tôi như tôi cũng biết thương ông ấy chứ. Nhưng cái đó… không phải là chuyện đáng nói giữa chúng tôi…”
Dưới khu đồn điền, một bóng người từ hành lang xuống sân. Cái bóng bé nhỏ quay nhìn, có lẽ tìm kiếm chúng tôi. Những cử động rõ rệt, khoan thai. Tôi nhận ra Khả. Khả hướng mặt về phía đồi nơi tôi đứng, dáng điệu trông ngẩn ngơ.
“Thôi mình về… Người ta đang kiếm mình dưới kia”.
Chúng tôi bước xuống đồi, trở về. Con đường ngược chiều bầy cảnh lạ lẫm. Lúc ấy trăng lu, chúng tôi đi, độ dốc kéo nhanh bước và tưởng bị dẫn vào cánh rừng rậm rịt bên dưới. Tiếng chim rừng quanh quẩn vài nốt đều đặn đã quen thuộc.
Hồng đi hai tay quấn giữ mép tà áo trước vai hơi co. Dáng điệu của nàng là dáng điệu của người con gái học trò đi trên một hè phố mùa đông mưa phùn rả rích. Tôi thấy cần nói với Hồng một lời nào đó, lời nó chỉ có nghĩa lấp đầy nỗi trống vắng ngăn cách chúng tôi. Lời nói như sự vuốt ve một nỗi cô đơn chung. Nhưng tôi ngại… Hồng không giấu vẻ chán nản vì thái độ của tôi.
Trông thấy bóng Khả còn ngoài sân, tôi chậm bước đợi Hồng lên ngang hàng.
“Chị hãy tưởng tượng xem người đứng kia nếu không phải là Khả nhìn mình đi về thế này sẽ nghĩ gì?… Và cả Khả nữa, chị tưởng tượng xem hắn ta nghĩ gì? Người ta nghĩ gì nào?”
Hồng lặng thinh không đáp. Tôi choàng tay làm bộ ôm vai người bạn gái nói khẽ. Mình hãy cố tạo cho người ta đầy đủ một khúc phim… Một khúc phim mà người ta muốn xem.
Hồng vẫn lặng thinh và tôi nắm giữ đầu khớp xương vai nhỏ của người bạn gái.

 

Nguồn: Mù khơi, tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền, Kẻ Sĩ xuất bản lần thứ nhất, giấy phép số 3727/BTT/PHNT, ngày 03-9-70. In tại ấn quán Cẩm Hoa, số 339, đường Bến Phú Lâm, Chợ Lớn. Ngoài những bản thường, có in thêm 50 bản đặc biệt trên giấy trắng dành riêng cho tác giả và nhà xuất bản. Bản điện tử do talawas thực hiện.

 

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10577&rb=08

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10584&rb=08

Comments are closed.