Văn học miền Nam (224): Nhật Tiến (17)

NGƯỜI KÉO MÀN: Tiểu thuyết kịch (kỳ 5)

  (tiếp theo)

Hắn cảm thấy sung sướng như một đứa trẻ. Hắn châm diêm đốt một điếu thuốc. Ánh lửa sáng lên soi rõ khuôn mặt phờ phạc của hắn rồi tắt ngấm ở hai bờ môi. Một người phu xích lô ghếch xe lại chỗ của hắn.

Người phu xe: “Đi” không cậu? Có chỗ này hay lắm!

Tác giả: Hay thật không?

Người phu xe: Ối! Còn phải nói! Tuyệt!

Tác giả: Đó! Tôi biết mà. Tác giả là tôi đấy!

Hắn có cảm tình ngay với người đứng trước mặt. Gã ta dìu hắn lên xe. Mắt hắn ríu lại. Mình hắn vật xuống, hai chân duỗi thật dài. Tiếng động văng vẳng hai bên đường phố bây giờ ru hắn vào một giấc mơ với những nhân vật đang bềnh bồng trên sân khấu…

TRÊN  SÂN KHẤU

Nghĩa: Em uống cạn ly này đi đã rồi anh cần trình bầy với em một sự thực.

Nga: Trời ơi! Trông cái vẻ mặt nghiêm trang của anh mà em phát sợ.

Nghĩa: Bình tĩnh đi nào…

Nga: Nhưng em không bình tĩnh được. Cứ đứng bên cạnh anh là em không bình tĩnh được.

Nghĩa: Như vậy nếu chẳng có anh thì sao?

Nga: Ồ! Em không nghĩ đến điều ấy. Không bao giờ em nghĩ đến điều ấy cả. Anh đã chẳng nói với em rằng chúng mình không bao giờ xa nhau là gì.

Nghĩa: Chúng mình sẽ không bao giờ quên được nhau!

Nga: Đấy! Như thế thì em còn phải lo lắng làm gì nữa cho thêm mệt. Em cứ mặc kệ anh…

Nghĩa: Hãy để cho anh nói hết đã. Anh chỉ nói rằng chúng mình sẽ không bao giờ quên được nhau thôi.

Nga: Thế là đủ rồi!

Nghĩa: Em không hiểu.

Nga: Có gì mà không hiểu! Em yêu anh, anh yêu em, thật là giản dị có gì mà rắc rối đâu?

Nghĩa: Nhưng không phải cứ yêu nhau là được gần nhau mãi mãi.

Nga: Anh nói cái gì mà lạ vậy? Ai cấm chúng mình? Ai có quyền cấm chúng mình?

Nghĩa. Đó là một sự  thực mà anh cần nói với em.

Nga: Trời ơi! Hai tay em run lên rồi đây này!

Nghĩa: Thì anh đã khuyên em hãy nên bình tĩnh. Bình tĩnh để đón nhận tất cả sự thực nó đến với mình!

Nga: Không có sự thực nào chia rẽ được hai chúng mình hết cả!

Nghĩa: Nhưng nó vẫn là sự thực và chúng ta mặc dầu yêu nhau thế nào cũng không thể thoát khỏi cái tai họa ấy.

Nga: Trời ơi! Anh đừng dọa em như thế.

Nghĩa: Sự khổ sở, buồn rầu của em không làm anh đau đớn hay sao mà em lại nói thế.

Nga: Vậy tốt hơn là anh đừng nói gì nữa.

Nghĩa: Anh không thể không nói được bởi vì…

Nga: Vì sao?

Nghĩ:. Sáng ngày mai anh xuống tầu đi xa  rồi…

Nga: Ôi chao ôi!

Nghĩa: Đó là nhiệm vụ bắt buộc của anh. Anh không thể làm khác hơn được.

Nga: Anh ơi!

Nghĩa: Bình tĩnh đi nào Nga! Bây giờ là lúc chúng mình phải sáng suốt. Phải quên đi những kỷ  niệm đã  qua.

TRONG HẬU TRƯỜNG

Nhà đạo diễn: (bật dậy) Ồ! Bò thật! Cái thằng thế thì bò thật! Đã dặn đi dặn lại đến như thế mà vẫn cứ  quên!

Nhà Mạnh Thường Quân: Chết! Quên ở chỗ nào?

Nhà đạo diễn: Bình tĩnh đi nào Nga. Bây giờ  là lúc chúng mình phải sáng suốt. Phải nghĩ đến tương lai mà quên đi những kỷ niệm đã qua…

Nhà Mạnh Thường Quân: Ồ! Quên có vài chữ tẹp nhẹp, ăn thua gì!

Nhà đạo diễn: Ô hay! Một tác phẩm văn nghệ xây dựng dầy công như thế mà ông cho là tẹp nhẹp không ăn thua gì! Ông có biết  rằng nhiều khi chỉ một con ốc long ra là sập luôn cả một cái cầu không? Với lại trong lãnh vực kịch nghệ, nhân danh là đạo diễn, tôi phải tôn trọng tác giả. Tôi không có quyền bóp méo vở kịch. Theo quan niệm của những nhà đạo diễn lừng danh ngoại quốc…

Nhà Mạnh Thường Quân: Ồ! Ông cứ khéo lo xa. Đã đành là không nên hụt, nhưng hụt có một câu như thế cũng chả chết ai. Tôi có cảm tưởng nếu như tác giả ở đây, chắc ông ta không đến nỗi xuýt xoa đau xót đến thế….

Nhà đạo diễn: Hừ! Ông thật là người thiếu kinh nghiệm sân khấu. Ông phải biết rằng với những khe hở như thế, nó sẽ kéo theo nhiều khe hở khác, có thể đưa đến chỗ làm sụp đổ cả một vở kịch giá trị…

Nhà Mạnh Thường Quân: Ờ, sụp đổ cả một vở kịch thì không có thể chấp nhận được, nhưng cái đó thuộc về phạm vi trách nhiệm của ông chứ!

Nhà đạo diễn: Ấy! Sao ông lại đổ trách nhiệm cho tôi được nhỉ, trong khi ông giao cho tôi toàn là những diễn viên “bò” như thế!

Nhà Mạnh Thường Quân: Sao? Nói vậy là ông có ý chê diễn viên của tôi ít tài?

Nhà đạo diễn: Bất tài thì đúng hơn.

Nhà Mạnh Thường Quân: Này! Chúng ta nên giữ thái độ lịch sự với nhau thì hơn.

Nhà đạo diễn: Ồ! Ở ngoại quốc, điều kiện căn bản của một nhà đạo diễn có tài là phải biết nói thẳng. Nói thẳng với bất cứ ai, nhất là với những nhà Mạnh Thường Quân bỏ tiền ra dựng kịch như ông.

Nhà Mạnh Thường Quân: Nhưng ông cho tôi là “khẹc” đến thế nào để đến nỗi dại dột vừa mất tiền vừa bị kẻ khác cười mũi vào mình?

Nhà đạo diễn: Vậy, đó là một kinh nghiệm cho ông. Tốt hơn hết, ông nên cất tiền trong tủ.

Nhà Mạnh Thường Quân: Ái chà! Cái đó mới thật là phi văn nghệ!

Nhà đạo diễn: Á! À!

Nhà Mạnh Thường Quân: Chứ sao! Tôi không phải là kẻ coi nặng vần đề tiền bạc. Tôi có thể vung tiền không tiếc tay đối với một tác phẩm gọi là… gọi là văn nghệ như thế này.

Nhà đạo diễn: Thật bất ngờ đấy nhé. Ra là ông chịu tốn kém vì nghệ thuật! Thế mà tôi cứ tưởng…

Nhà Mạnh Thường Quân: (trợn mắt) Ông tưởng gì? Ông cho là tôi vì cái con khẹc gì kia chứ?

Nhà đạo diễn: Ồ! Không! Không!… Bò thật! Tôi bò thật!

Ngay lúc ấy có tiếng đập phá ngoài sân khấu. Ly tách vỡ loảng xoảng, giọng Nghĩa vang lên thất thanh và có tiếng Nga nức nở khóc. Nhà Mạnh Thường Quân và nhà đạo diễn cùng rời chỗ đứng ghé mắt qua cánh gà nhìn ra sân khấu.

TRÊN SÂN KHẤU

Nga: Tôi hiểu rồi! Bây  giờ tôi mới thấy mặt trái khốn nạn của anh.

Tiếng người nhắc vở: Tôi dại!

Nga: Tôi dại!

Tiếng người nhắc vở: Tôi dại thật! Thực là một bài học đắt giá!

Nga: Tôi dại thật! Thực là một bài học đắt tiền!

                                Ở SAU CÁNH GÀ

Nhà đạo diễn: (giơ hai tay lên trời) Ôi trời đất ơi!!!

Gã ném mạnh điếu thuốc xuống chân và dẫm nát một cách hằn thù. Trong lúc ấy tiếng xô xát lại nổi lên dữ dội và vai Nga đầu tóc rã rượi chạy vào.

                TRONG HẬU TRƯỜNG

Nhà Mạnh Thường Quân: Ồ! Cô diễn xuất thật là tuyệt! Tuyệt! Cô làm tôi muốn khóc rồi đấy nhé.

Diễn viên sắm vai Nga: Trời ơi! Thật ư! Ông nói thật đấy  ư?

Nhà Mạnh Thường Quân: Còn hơn mức cô tưởng ấy nữa. Cô không biết rằng tôi đã say mê theo dõi từng cử chỉ, từng điệu bộ của cô hay sao? Ồ! Cô yên chí, thế nào cô cũng sẽ trở nên một ngôi sao sáng của ngành kịch nghệ trong tương lai.

Diễn viên sắm vai Nga: Ông làm tôi cảm động quá. Thật không ngờ. Thật chính tôi cũng không ngờ tôi lại được đến thế .

Nhà đạo diễn: (xen vào) Vâng! Chính tôi cũng không ngờ cô lại đến thế được!

Diễn viên sắm vai Nga: Ồ! Ồ! Tôi sung sướng quá! Tôi sung sướng quá đi mất!

Nhà đạo diễn bật lên cười. Nụ cười cục cằn thô lỗ phát ra thứ âm thanh ùng ục như muốn tắc lại trong cổ họng gã. Gã hít thật dài. Bầu không khí trong hậu trường cứ mỗi lúc một ngột ngạt thêm. Gã thong thả tiến lại phía cửa sổ và trèo lên ngồi vắt vẻo.

Đằng sau gã, nhà Mạnh Thường Quân đang trịnh trọng cầm tay nữ diễn viên sắm vai Nga và dìu đi như người ta dìu một minh tinh đã nổi tiếng thực thụ. Hai người đi khuất vào phòng hóa trang.

                             TRONG PHÒNG HÓATRANG

Nhà Mạnh Thường Quân: Mời cô ngồi xuống đây cho đỡ mệt. Cô uống nước cam nhé.

Diễn viên  sắm vai Nga: Vâng. Xin cám ơn ông. Thực là phiền ông quá!

Nhà Mạnh Thường Quân: Ô! Phải kể đó là một hân hạnh cho tôi chớ. Trước những thiên tài, bao giờ tôi cũng  thấy mình như nhỏ lại.

Diễn viên sắm vai Nga: Chết nỗi, ông cứ dạy quá lời. Tôi đâu dám mong được như thế..

Nhà Mạnh Thường Quân: không nên quá nhún nhường. Tôi tin rằng cô sẽ đạt được tới mức thiên tài thực thụ nếu cô còn cảm thấy say mê sân khấu.

Diễn viên  sắm vai Nga: Ồ! Với sân khấu thì tôi sẽ say mê, và say mê đến tột cùng. Tôi nghĩ rằng kể từ nay cuộc đời của tôi sẽ gắn liền vào với sân khấu và chỉ có sân khấu là ý nghĩa cuộc đời của tôi mà thôi.

Nhà Mạnh Thường Quân: Thế thì hay lắm. Tất cả mọi thiên tài trên thế giới đều khởi đầu bằng sự say mê. Say mê là số một, là chìa khóa mở mọi két sắt. Không say mê thì không làm nên cái trò trống gì hết sất cả.

Diễn viên sắm vai Nga: Đúng! Ông dạy đúng quá!

Nhà Mạnh Thường Quân: Thì thế! Mà vì thế tôi lại càng tin tưởng ở cô. Tôi sẽ tôi sẽ bỏ thật nhiều tiền để dựng kịch cho cô đóng, miễn là cô sẵn lòng hợp tác với tôi. .

Diễn viên sắm vai Nga: Trời ơi! Sao lại không được nhỉ! Đó cũng thật là một vinh dự lớn lao cho tôi.

Nhà Mạnh Thường Quân: Nào có cái gì đâu!  Cô muốn là trời muốn mà.  Hai chúng mình sẽ còn nhiều dịp gặp nhau để bàn tính …

Diễn viên  sắm vai Nga: Tôi hy vọng như thế.

Nhà Mạnh Thường Quân: Cô thật là thông minh và tế nhị. Gần cô tôi cảm thấy dễ chịu vô cùng. Tôi tin là chúngmình sẽ rất ăn ý với nhau (cầm lấy tay thiếu nữ).

Diễn viên  sắm vai Nga (rụt lại): Kìa người ta đang gọi tôi. Xin phép ông nhé!

Nhà Mạnh Thường Quân: Cái gì thế! Con khẹc! Đứa nào gọi cái gì thế?

Người nữ diễn viên đi vụt ra. Cánh cửa khép lại kêu cót két. Mùi nước hoa ngây ngất của nàng còn vương lại trong bốn bức tường hẹp. Cốc nước đá trơ trẽn trên bàn toát ra một dòng nước lạnh chẩy ngoằn ngoèo qua những hộp phấn. Nhà Mạnh Thường Quân cúi thấp xuống, vừa càu nhàu vừa soi lại bóng mình trong gương. Dưới ánh đèn, mái tóc của lão trở nên bóng nhẫy nhụa. Từng giọt mồ hôi lăn tăn chảy xuống vầng trán thấp và dô. Lão trịnh trọng sửa lại cái nơ hơi xô lệch trên cổ áo trắng muốt. Hơi thở phì phò của lão che mờ cả khuôn mặt phì nộn ở trong gương.                             

NGOẠI CẢNH

Người phu xe: Đến rồi!

Tác giả: (choàng dậy) Cái gì thế?

Người phu xe: Thưa cậu đến rồi!

Tác giả: Đến đâu?

Hắn ngồi thẳng người lên ngơ ngác nhìn ra chung quanh. Bốn bề vắng lặng. Đường phố gió heo hút. Trời về khuya. Hơi lạnh ngấm qua hai riềm mi làm hắn thấy bớt nặng.

Tác giả: Đây là đâu?

Người phu xe: Ngoại ô thành phố .

Tác giả: Ngoại ô thành phố? Tại sao lại thế nhỉ?

Gã phu ghếch cái xe vào sát vỉa hè rồi nhẩyxuống. Hai người đi vào một ngõ hẻm.

– Tối quá! Rạp hát tan từ lúc nào?

– Chưa! Mới gần mười một giờ thôi.

– Chết, còn vở kịch của tôi.

– Để tôi quay lại lấy.

– Ô hay! Lấy cái gì? Ở đâu?

– Thì vở kịch cậu vừa nói đấy. Chắc là  cậu đánh rớt trên xe.

– À, thôi! Tôi nhớ ra rồi. Tôi bỏ đi từ chập tối. Tôi uống rượu ở tiệm La Frégate.

– Tôi thì đã đón cậu ở cửa bar Thiên Nga.

– Thiên Nga? Tôi vào Thiên Nga từ bao giờ nhỉ?

– Cậu rẽ lối này!

– Anh dẫn tôi đi đâu thế? Khát nước quá!

– Ở đấy có đủ cả. Cậu muốn rượu cũng có.

– Vậy thì mau lên!

– Tới đây rồi!

Gã phu xe dừng lại trước một căn nhà khuất sau một lùm cây. Qua khung cửa, ánh sáng hắt ra một mầu xanh dịu. Gã đi vào sân đất với một vẻ sành sỏi, quen thuộc và gõ lên cánh cửa gỗ xộc xệch. Có tiếng khóa mở lách cách và một đầu người thò ra. Ánh sáng ùa theo làm tác giả chói mắt. Hắn nhắm nghiền lại và có cảm giác như mình đang đi trên một giải bèo mây. Mấy phút sau người ta đẩy hắn vào một căn phòng. Không khí nồng nực hẳn lại. Hắn mở choàng mắt ra nhìn và thấy tỉnh tảo hơn. Bà chủ nhà người cao lớn, da thịt ngồn ngộn, phốp pháp đứng ngay ở giữa phòng.

                                        (còn tiếp)

Comments are closed.