Văn học miền Nam (226): Nhật Tiến (19)

Người kéo màn: Tiểu thuyết kịch (kỳ 7)

TRONG PHÒNG XÉP

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Còn hơn mười phút nữa. Mình có thể ngồi  đây nói chuyện mà chẳng ai quấy rầy.

Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Em yêu anh.

Họ quấn lấy nhau. Một lát:

– Xen đầu em bị đứng trái chỗ thành ra khó diễn tả điệu bộ quá. Đáng lẽ em phải tiến lại gần cái bàn thì hợp hơn. Nhưng cái lão đạo diễn này…

– Ồ! Với cái thứ đạo diễn này thì em kêu ca là  thừa. Hắn ngu như bò!

– Em cũng cho là hắn ngu. Nhưng sao hắn hách xì xằng thế?

– Những kẻ rỗng tuếch ở bên trong thì thường vẫn phải phô trương ra bên ngoài cái cung cách lố bịch như thế đấy!

– Em diễn xuất “được” không?

– Ồ ! Còn phải nói. Hôm nay em “xuất thần” như một nữ diễn viên có hạng.

– Em nghĩ nếu em được thủ vai Nga thì còn thi thố được nhiều hơn.

– Còn phải nói!

– Cô ấy diễn xuất thật buồn cười. Những chỗ cần phải chơi giọng thì lại lí nha lí nhí.

– Anh cũng không chịu được cái kiểu phát âm tầm phào đến như thế. Chẳng diễn tả được cái gì hết!

– Thế thì chúng mình quả là cùng biết nhận xét.

– Cưng ơi!…

– Coi chừng nhoè hết phấn của em.

– Mặc kệ!…

Ở phía bên ngoài, nhà đạo diễn nhổ toẹt một bãi nước bọt lên cái phông vải rồi hậm hực bỏ đi…

Ở CHỖ KÉO MÀN

Thằng bé: Ông ơi! Cháu nhặt được cái  này.

Lão kéo màn: Cái gì thế?

Thằng bé: Đố ông biết!

Lão kéo màn: Một ổ bánh mì!

Thằng bé: Sai!

Lão kéo màn: Một gói kẹo!

Thằng bé: Sai nốt!

Lão kéo màn: Thế thì một cái mùi xoa…

Thằng bé:  Không! Một cái bóp phơi.

Lão kéo màn: (trợn mắt) Mày nhặt được ở đâu ra thế?

Thằng bé: Của cái ông sắm vai nhân tình cái cô đẹp đẹp

Lão kéo màn: Ông Nghĩa! Nhưng sao mày biết là của ông Nghĩa?

Thằng bé: Cháu thấy ở trong có ảnh.

Lão kéo màn: Có tiền không?

Thằng bé: Có đúng một trăm rưởi.

Lão kéo màn: Đồ nói láo! Đưa cạp quần cho tao xem.

Thằng bé: Cháu mà nói dối thì giời đánh thánh vật.

Lão kéo màn: Thì cứ lại đây tao coi. (lão moi ở trong cạp quần thằng bé ra một tờ giấy bạc) A! Thế năm chục nào đây? Bộ nó ở trên trời chui vô bụng mày hả? Thôi, mang trả hết cho người ta.

Thằng bé: Ý! Ông nói dễ nghe thế. Năm chục  ấy  là do công của cháu tìm ra.

Lão kéo màn: Mày tìm ra ở đâu?

Thằng bé: Ở trong gậm ghế phòng hóa trang.

Lão kéo màn: Vậy càng không được! Người ta thuê rạp thì phòng ấy cũng là phòng của người ta. Mày đâu có quyền vào đấy mà dám nói là nhặt được.

Thằng bé: Mặc kệ, đã thế thì cháu cho chuộc!

Lão kéo màn: Hừ! Đừng có tưởng ngon ăn, nghe con! Mày cứ thử nói ra coi. Chỉ sợ vừa mở mồm ra là người ta đã gô cổ mày vào tù rồi. Mày có biết về tội gì không? Họ cho là mày ăn cắp!

Thằng bé: Ý! Ông lại còn chơi thế nữa!

Lão kéo màn: Ai thèm chơi với mày. Mày nói là nhặt được ai tin?

Thằng bé: Thôi thế cháu cho ông năm chục này. Còn bao nhiêu cháu quẳng trả lại chỗ cũ.

Lão kéo màn: Tao không lấy!

Thằng bé: Vậy cháu lấy nhé.

Lão kéo màn: Cái đó mặc kệ mày. Nhưng coi chừng họ bắt được thì ốm đòn đấy con ạ.

Thằng bé toét miệng ra cười. Nó chạy vụt đi. Một lát, nó lẻn vào phòng hóa trang quăng cái bóp vào gậm ghế.

                        PHÍA CÁNH GÀ BÊN PHẢI

Nhà đạo diễn: Xong chưa? Xong chưa? Quá mười lăm phút rồi.

Chuyên viên sân khấu: Khổ quá! Còn thiếu đứa bé. Đáng lẽ giờ này thì người đem cho thuê phải bế nó đến rồi.

Nhà đạo diễn: Ồ! Bò thật! Thế thì bò thật!

Nhà Mạnh Thường Quân: Tôi nghĩ rằng cái đó là tại ông!

Nhà đạo diễn: Ô hay! Sao lại tại tôi được nhỉ?

Nhà Mạnh Thường Quân: Đáng lẽ ông phải dự phòng trước một con búp bê thay cho nó, tại sao ông không nghĩ tới từ trước. Ông ỷ y quá.

Nhà đạo diễn: Trời ơi! Thực là nhục nhã cho giới kịch nghệ nói chung khi mà có một thứ  ý kiến dự phòng ấu trĩ như thế được đem ra bàn cãi.

Nhà Mạnh Thường Quân: Thì đấy, bây giờ đứng mà nhìn nhau. Ông là người không biết lo xa gì hết cả. Ở đó mà nói chuyện kịch nghệ.

Nhà đạo diễn: Thế này thì tức thật. Nhiệm vụ của tôi chỉ là phải để tâm đến những việc lớn lao, tại sao ông lại bắt tôi đi vào những tiểu tiết ấy nhỉ.

Nhà Mạnh Thường Quân: Chính những cái tiểu tiết ấy mới là quan trọng đấy ông ạ. Ông đã từng “dạy” tôi như thế mà!

Nhà đạo diễn: A! Ra ông cũng thù dai gớm nhỉ. Nhưng tôi xin nói cho ông biết, quan trọng hay không là ở những người dưới quyền của đạo diễn với nhiệm vụ mà họ đã được giao phó. Họ không làm xong thì là tại họ chứ  tại sao ông lại chỉ đổ lên đầu có một mình tôi! Ông phải biết, đối với những nhà đạo diễn ngoại quốc thì một lệnh là một lệnh! Ra lệnh rồi là kể như xong. Còn người ngợm của ông giao cho tôi… ( giơ hai tay lên trời)  Ố.. là… là…

Nhà Mạnh Thường Quân: Hừ ngoại quốc! Ngoại quốc! Lúc nào ông cũng đem cái ngoại quốc của ông ra hù dọa tôi. Ông phải biết là ông đang ở đâu chứ. Ngày nào cũng húp nước mắm mà cứ tơ tưởng đang uống sâm banh ở Paris.

Nhà đạo diễn: Ê! Này! Tôi nghĩ rằng ông đã đi quá phạm vi của ông rồi đấy nhé. Ông đã dám dẫm chân lên lãnh vực nhận thức của tôi là không có được. Nếu ở địa vị ông thì tôi chỉ biết nhắm mắt bỏ tiền ra và thu tiền vào. Như thế sẽ dễ chịu cho ông hơn.

Nhà Mạnh Thường Quân: Vậy ra ý ông muốn ám chỉ rằng tôi không am hiểu gì về văn nghệ hết phải không. Thật tôi chưa hề gặp một ai kiêu căng và thiển cận  đến như ông cả.

Nhà đạo diễn chưa kịp sửng cồ lên thì một chuyên viên sân khấu đã chạy ào vào, giọng hớt hải.

Chuyên viên sân khấu: Thôi, thôi, thưa các ngài, bây giờ tôi xin các ngài giải quyết cho vấn đề đứa bé. Không có đứa bé thì tôi biết làm sao đây? Hay là… hay là… ta bỏ qua có được không?

Nhà đạo diễn dẫy nẩy lên như vừa dẫm phải một con rắn sau khi nghe cái lời đề nghị bá láp ấy. Lập tức cơn giận nhà Mạnh Thưòng Quân còn đang lùng bùng trong đầu, liền được ông ta trút ngay xuống đầu anh chuyên viên.

Nhà đạo diễn:  Cái gì? Ông vừa mở mồm ra nói cái gì? Ông định bỏ cái gì? Bỏ thằng bé ấy hả? Ông có định xỉ nhục tác giả hay không đấy?

Chuyên viên sân khấu: Chết nỗi. Sao ông lại gán cho tôi cái ý nghĩ ấy!

Nhà đạo diễn: Hừ! Tôi không ngờ ở trên đời này lại có kẻ liều lĩnh đến như ông được.

Chuyên viên sân khấu: Vậy thì tôi xin lỗi. Tôi xin lỗi!

Nhà đạo diễn: (to giọng, quả quyết) Nhân danh đạo diễn, tôi tuyên bố chưa có đứa bé thì chưa được mở màn!

Nhà Mạnh Thường Quân: (càu nhàu) Hừ, sáng tác cái chó gì mà lôi cả trẻ con lên sân khấu. Nào nó có tội tình gì!

Nhà đạo diễn: (Cười rất nhạt)

Nhà Mạnh Thường Quân: Mà cái ông tác giả ấy đã đến cho chưa?

Chuyên viên sân khấu: Từ chập tối chẳng ai  thấy mặt ông ấy đâu cả!

Nhà Mạnh Thường Quân: Con khẹc!

Chuyên viên sân khấu: Chao ôi, nếu ông ấy chịu khó ghé lại một tí thì có phải nhẹ nhõm cho chúng tôi biết bao nhiêu không.

Nhà đạo diễn: Vậy ra tôi không đủ thẩm quyền thay mặt cho ông ấy ở đây hay sao?

Chuyên viên sân khấu: Tôi xin lỗi! Tôi  không có ý định nói như thế.

Nhà đạo diễn: Tôi tin rằng dù có mặt ở đây thì ông ta cũng không bao giờ chịu thay đổi cái gì đâu.

Nhà Mạnh Thường Quân: Thôi, tôi van các ông, xin các ông lo hộ cho xong cái vụ này đi đã. Không lẽ các ông để cho khán giả ngồi chờ các ông đến sáng hay sao?

Người lao công: Tôi thấy ở phía nhà sau có tiếng trẻ con khóc. Hay là các ông đi mượn thử coi sao!

Nhà Mạnh Thường Quân: Con khẹc! Có thế mà từ nãy không nói ra.

Người lao công: Thưa cụ, việc ấy đâu phải việc của tôi. Tự dưng tôi chen vào thì lại hóa mắc cái tội nói leo.

Nhà Mạnh Thường Quân: À ra thế!

TRONG CĂN PHÒNG NHÀ DƯỚI

Nhà Mạnh Thường Quân: Trời ơi! Đúng  rồi! Tốt rồi!

Người vợ: Cái gì thế, các ông?

Nhà đạo diễn: Xin phiền bác làm ơn cho tôi mượn đứa bé trong mười lăm phút.

Nhà Mạnh Thường Quân: Thuê! Tôi thuê đứa bé trong mười lăm phút!

Người vợ: Ông nói cái gì nghe mà lạ tai thế? Ai đời lại có chuyện mang con đi cho thuê.

Nhà Mạnh Thường Quân: Thì nào có ai ăn thịt nó đâu mà sợ. Chỉ cần nó có mặt trên sân khấu trong ít phút thôi.

Người vợ: Cũng không được! Con tôi mới được có ba tháng.

Đạo diễn: (suýt soa) Úi! Ba tháng thì lại càng tốt nữa. Vai trò của nó phải như thế mới đúng.

Người vợ: Thôi đi, vác nó lên sân khấu để các ông vần nó đến phát sài lên rồi tôi bắt đền ai?

Nhà Mạnh Thường Quân: Thì thế người ta mới phải đi thuê.

Người vợ: Thuê với mượn nào có khác gì nhau. Tôi đã bảo không là không.

Người chồng: (tung chăn nhỏm dậy) Sao lại không! Cái con mẹ này lắm nhời! Các ông cho bao nhiêu?

Nh àMạnh Thường Quân: Thôi, năm chục đây này, rắc rối mãi!

Người vợ: (mắt long lên) Tôi cấm các ông mó vào thằng bé này.

Người chồng: Xin các ông cứ bế đi. Nó dở hơi, mặc mẹ nó. Năm chục đâu?

Nhà Mạnh Thường Quân: Đây! Tôi trả tiền trước rồi đấy nhé. Không có giấy biên nhận nhưng các ông làm chứng giùm. (dúi tờ giấy bạc vào tay người vợ)

Người vợ: (hất ra) Tôi không thèm lấy! Tôi cũng không cho ai mó vào con tôi!

Người chồng: (quát) Này, có im mẹ nó cái mồm đi không. Bộ tưởng các ông ấy đem ăn thịt mất con à. Bằng ngần ấy mà ngu như con chó. (xông lại giật tờ giấy bạc trên tay nhà Mạnh Thường Quân).

Đạo diễn: Để tôi bế nó lên. Này ông chuyên viên, xin ông tìm cho một cái lót sạch.

Chuyên viên sân khấu: Trên ấy làm gì có tã lót.

Đạo diễn: Ồ! Sao mà lại bò như thế. Kiếm  mảnh vải nào mà chẳng được. Nhớ là phải mầu trắng ấy nhớ! Tã mà lị!

Chuyên viên sân khấu: Vâng ạ! Vâng ạ! Vải trắng thì sẽ có ngay. Xé tấm biểu ngữ ra, thiếu gì!

Mọi người xúm xít quanh thằng bé. Anh lao công đi trước dẹp đường. Nhà đạo diễn bồng thằng bé trịnh trọng đi giữa. Nhà Mạnh Thường Quân vẻ mặt hớn hở đi kèm một bên. Sau hết là vị Trưởng Ban điều khiển sân khấu. Cả bọn, chẳng có ai thèm bận tâm đến ở phía sau lưng họ hai vợ chồng nhà kia bắt đầu nổi lên tiếng cãi cọ, xô xát. Rồi thì đến những cú đấm đá nhau, nghe huỳnh huỵch.

Đạo diễn: (hớn hở) Đấy, các ông xem, nếu tôi không “đuya” một chút thì làm gì có thằng bé này, vở kịch làm gì có sự  linh động tuyệt vời, cứ y như là chuyện thực trên sân khấu ấy.

Thấy không ai hưởng ứng, gã cúi xuống  hôn chùn chụt lên má đứa bé. Thằng bé vụt  òa lên khóc.

Nhà Mạnh Thường Quân (quát) Ông làm cái gì thế ! Bịt ngay mồm nó lại. Chưa lên sân khấu mà đã khóc toe ra  thì còn kịch cọt cái con mẹ gì nữa!

Bàn tay sần sùi của nhà đạo diễn vội đặt lên mồm thằng bé. Tiếng khóc im bặt!

      (còn tiếp)

Nguồn: https://nhavannhattien.wordpress.com/

Comments are closed.