VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (108): GIÃ TỪ (1)

VÕ PHIẾN

Gia_ tu__ - image (1)  – Ủa! rồi ông bạn chuyến này i thiệt sao?

“Ông bạn” được săn sóc hỏi han đó là tôi. Lần này tôi đi thật. Vì vậy mà không vội vàng trả lời, tôi thong thả thưởng thức sự quan trọng của mình.

Người hỏi tôi mặc bà ba đen, quấn khăn lông quanh đầu, đi chân trần không guốc không dép gì cả. Đó là một người dân chài đã ngoài bốn mươi lăm.

Đợi tôi xác nhận cái tin tôi sắp giã từ Qui Nhơn xong, người bạn dân chài sa sầm nét mặt, nói:

— Tụi tôi nghe tin, buồn hết xức vậy ó.

Tôi hiểu cái lòng chân thành của ông Sáu: có mực khô nướng mà không có chén rượu, ông ta “buồn hết xức”, có ruốc tươi mà không có miếng kẹo đậu phụng để giã vào nước nắm, cũng “buồn hết sức”… Tôi bèn thân mật vỗ lên vai ông ta, dỗ dành:

— Buồn vậy, nhưng có cá cơm ăn gỏi và có rượu nhắm thì ông Sáu cũng cố gắng vui một chút được chớ?

— Thôi i, giỡn hoài! Ờ! mà chiều nay, xẵn gặp nhau, tụi tôi mời ông bạn dự một bữa gỏi cá. Ược không?

— Chiều nay thì không.

— Xao vậy?

— Tôi định tìm chiếc ghe đi qua bên Phước Mai một lần chót. Để chào ông Tám giữ ngọn hải đăng ấy mà.

— Vậy thì hay lắm; tụi mình em ồ nhắm lên ghe, vừa i vừa dùng. Tôi rủ thằng Tư Tái theo, nó sẽ lặn gỡ một ít hàu ăn thêm cho vui.

Thế thì nhất định là vui, không còn nghi ngờ gì nữa. Bao giờ có cá tươi để ăn và có rượu nhắm thì người dân chài dễ dãi liền tin tưởng ngay rằng chốn cực lạc quyết không thể ở cách xa mép nước. Buổi đầu tiên tôi được quen ông Sáu cũng tại nơi bờ biển, khi ông ta xách cái cãu con, nheo mắt ngóng ra biển đợi chiếc ghe của mình về để xúc một cãu ruốc chạy về nhà ăn gỏi. Tôi tò mò hỏi qua về món ăn ấy, ông Sáu liền niềm nở rủ tôi dự tiệc.

Từ đó tới nay tôi đã dự với ông Sáu không biết bao nhiêu lần tiệc nhỏ tiệc lớn. Người dân chài không biết cách nấu nướng cầu kỳ, không dùng nhiều gia vị: gần hết các thứ tôm cá ở bể bắt lên, họ thích hoặc luộc, hoặc bóp dấm ăn ngay với rau thơm. Tính họ dễ dãi và hay mời mọc, nên những cuộc ăn uống như thế thường tụ tập đông bạn bè và tốn kém khá nhiều. Một đôi khi tôi toan góp ý kiến với ông bạn vong niên nghèo nàn về một cách sống tằn tiện hơn thì ông Sáu cười ngất, khỏa tay trả lời rằng của cải do nghề biển làm ra là của bọt nước: có đấy rồi tan đấy, làm sao mà để dành được? Những người bạn xúm xít quanh mâm rượu cũng vùng lên cười rộ về sự ngờ nghệch của tôi. “Của bọt nước: làm sao để dành được!” Tiếng cười vui vẻ cởi mở của họ vang lên ầm ĩ rồi tắt đi dễ dàng, như tiếng sóng đánh ào tới một cái rồi tan liền; họ lại vui ăn vui uống, lời khuyên can của tôi bị cuốn ào đi không để lại một dấu vết.

Lần lữa ngày tháng trôi qua, tôi kết bạn với ông Sáu được hai năm. “Quân tử chi giao đạm nhược thủy”, mối giao tình giữa hai chúng tôi không được giống thứ tình lạt lẽo của người quân tử: trên thứ giao tình chúng tôi cứ phảng phất luôn luôn một mùi men nồng. Bọt nước tan đấy rồi lại nhóm ngay đấy, ông Sáu không góp của cất nổi một cái nhà ngói, mua nổi máy thâu thanh, xe Vét – pa v.v… nhưng để tổ chức những cuộc ăn uống thì lúc nào ông cũng sẵn sàng. Hôm nay được tin tôi nhất định rời khỏi Qui Nhơn đi làm ăn xa, ông Sáu “buồn hết xức” lại muốn rủ nhau tiêu sầu bằng cá tươi. Tôi bằng lòng.

Tôi tỏ ý muốn biết cùng đi với chúng tôi ra hải đăng chiều nay có những ai. Ông Sáu liền trả lời ngoài tôi với ông chỉ thêm có ông Ba Thê và chú Tư Tái thôi. Tôi giật mình, không ngờ sự tình cờ lại ghép ông Ba Thê trong bữa ăn tiễn biệt tôi, lại cho tôi gặp ông Ba Thê một cách trịnh trọng như vậy trước khi rời bỏ Qui Nhơn. Bởi vì ông Ba Thê Đồng Thời là lịch sử một đoạn đời của tôi ở đất Qui Nhơn.

Ông Ba Thê Đồng Thời vào khoảng trên dưới năm mươi lăm tuổi, đầu tóc bạc từ hồi bốn mươi, là một người có phong thái đặc biệt khoan thai nhàn nhã. Ông ta có nhà cửa, có vợ và ba con, trai có, gái có, bạn hữu có, trà tàu uống sáng có, phở ăn khuya đôi khi cũng có. Chỉ có một điều ông Ba Thê chịu thiếu thốn đã lâu, ấy là nghề nghiệp. Ông ta thất nghiệp ít nhất cũng trên hai mươi lăm năm rồi. Và, căn cứ trên hiện tình sức khỏe cùng tâm lý của ông, chúng ta yên trí ông còn có thể tiếp tục thất nghiệp như thế vài mươi năm nữa.

Có ai thất nghiệp mà chịu vui công khai? Ông Ba Thê phàn nàn nhiều lắm về tình cảnh của mình, cho nên ông hóa luôn ra một người thất chí. Theo lời ông ta phân trần thì ông luôn luôn vùng vẫy để thoát ra khỏi tình trạng nhục nhã. Nhưng mà bây giờ ông ta chỉ còn chừng vài mươi năm nữa để sống trên đời: làm sao kịp tìm thấy một nghề nghiệp cho ra hồn? Gấp quá rồi! Chỉ còn có mỗi một hy vọng là tìm ra nghề nghiệp ngoài cõi thế gian thôi.

Hồi xuân xanh ông Ba Thê đẹp trai, vui vẻ, lanh lợi, khiến ai thoáng trông qua cũng phải chú ý. Cho nên ông không cần khó khăn gì cả mà tự nhiên đi đến đâu có bạn bè, có nhân tình nhân ngãi đến đó, rồi không cần tìm kiếm mà tự nhiên cơ hội đến: ông ta được vào lính khố xanh dễ dàng, được thăng lên cai, lên đội lúc nào, tựa hồ như không kịp để ý tới. Sự đời thường là như thế: những dịp may mắn chúng cứ như là ham vui mà dắt nhau tới trong một thời gian nào đó, rồi tặc một cái, xảy ra chuyện trắc trở, thế là những cơ hội tốt đội khăn tang lũ lượt kéo nhau đi, gọi kêu mấy cũng không chịu trở lại; cuộc đời cứ vắng tanh vắng teo hằng mười năm, mười lăm năm, rồi mãi mãi.

Có thể nói quyết là trong trường hợp ông Ba Thê sự thành công không hề do cố gắng, vì vậy thất bại cũng không do biếng nhác. Có cố gắng gì đâu trong cái thời từ hai mươi tới ba mươi tuổi của ông Ba Thê? Vừa lớn lên, có chút ít chữ nghĩa, có một ít tài sản vốn liếng, Ba Thê còn đang ham chơi bời, còn tính vào tận Nam Kỳ cho rộng chân rộng cẳng bay nhảy, ông ta đã tính đâu tới chuyện vô lính! Vậy mà không ai gởi gắm giới thiệu, ông ta vẫn được thu dụng vào hàng ngũ khố xanh. Hoàn cảnh mới có thú vui mới, Ba Thê kết giao với rất nhiều bạn đồng ngũ, tập tành thêm nhiều thú chơi bời, được rất nhiều cấp trên vừa lòng, ngợi khen và giúp đỡ, và cất nhắc, được nhiều con gái lưu luyến. Những thứ đó xúm lại làm ra một sự nhộn nhịp, rộn ràng vô số kể. Ba Thê thực tình bị bận rộn đến nỗi không kịp để ý và sau này không thể nhớ lại mình đã làm cái gì để được yêu mến và thăng thưởng mãi.

Ông Ba Thê và nhiều bạn của ông ta chỉ còn nhớ lại một đôi mảnh sinh hoạt không thể có chút giá trị kinh nghiệm gì. Chẳng hạn hồi ông mới cưới vợ, một hôm có nhóm thân sĩ ở quận Bình Khê rủ nhau tổ chức hát bội, tất cả ban hát chỉ có hai cô đào là con hát chuyên nghiệp, còn bao nhiêu kép đều là mấy ông thân sĩ mộ điệu tự đóng lấy để thưởng thức với nhau. Ý kiến được ông tri huyện địa phương cho là ngộ nghĩnh, nên ông tri huyện có tham dự đêm hát Lã Bố hí Điêu Thuyền ấy. Thủ vai Lã Bố là Ba Thê mà cô đào đóng vai Điêu Thuyện thì quá trẻ và quá lẳng lơ. Cô vợ mới cưới của ông đội Ba Thê ngồi ở hàng ghế quan khách cứ đỏ mặt lên dần dần, đỏ như có ai xoa mạnh tay lên hai bên mang tai; rồi cuối cùng bà đội bật lên khóc hu hu trên hàng ghế quan khách. Điêu Thuyền ngoảnh xuống chợt hiểu sự cơ liền tái mặt, thất sắc. Lã Bố ngỡ ngàng, lúng túng trong hia giáp rộng thênh thang. Ông tri huyện giơ chiếc dùi chầu lơ lửng quên đập xuống mặt trống.

Người ta cũng còn nhớ mãi cái hội gọi là của Những – Người – Ăn – Bê – Thui. Hội viên hết thảy là những tay cờ bạc, điều kiện nhập hội ấy không bao giờ công bố nhưng hóa ra là điều kiện thiết yếu nhất. Khi nào sòng bạc tổ chức tại nhà một hội viên thì tiền xâu hôm đó đều được trích ra một đồng bỏ vào quĩ “hội”. Như thế cho đến cuối tháng, kiểm điểm lại, nếu còn thiếu thì các hội viên chia nhau góp cho đủ tiền mua một con bê non, ăn thui vào một ngày chủ nhật. Nếu số tiền xâu nhập lại mà đủ thanh toán tiền thui bê thì các hội viên cố nhiên hỉ hả tọa hưởng cái ích lợi do sự cờ bạc đem đến mà khỏi đóng góp thêm. Đến dự tiệc, một số hội viên đem theo ống đu đủ, chờ khi vừa cắt cổ con bê ra là thọc ngay cái ống vào mạch máu để hút. Các hội viên khác thì hứng huyết trong những cái bát có sẵn gừng giã và rượu trắng, khuấy đều rồi uống ừng ực. Tất cả đều tin rằng huyết bê uống tươi có tài cải lão hoàn đồng. Sự tin tưởng đó làm nền tảng lý tưởng cho việc thành lập ra hội Những Người Ăn Bê Thui. Lẽ dĩ nhiên rất có thể phê bình rằng tín ngưỡng ấy không có gì thâm thúy, tuy nhiên nó cũng đủ để cố kết mười bốn hội viên hoạt động trong hai năm tròn không mệt mỏi. Một hội viên già lạc quan khoe rằng râu của mình trước kia vàng hoe và khô, từ ngày ông nhập hội đã lần hồi trở lại đen và mướt, rất xinh.

Riêng về phía Ba Thê, ông ta thường có chuyến ngồi đánh bạc, suốt bốn mươi tám tiếng đồng hồ liên tiếp, sau đó được lệnh ông Một, ông Lãnh hay một cấp trên nào gọi, ông đội Ba Thê vẫn có thể gấp gấp đến trình diện mà không thiếu vẻ tỉnh táo. Có những đêm mới bắt đầu ngồi vào chiếu được vài giờ, ông Ba Thê thua hết cả món tiền đem theo, như thế mà ông ta vẫn không chịu rời sòng bạc đứng dậy, cứ ngồi mãi đó xem người khác đánh, nói xen vào chuyện của họ, cười góp với họ suốt đêm tới sáng. Được như thế một phần là vì lòng đam mê, một phần khác cũng là vì huyết tươi của bê thui.

Chuyện Ba Thê hí Điêu Thuyền cũng như chuyện Những Người Ăn Bê Thui, về sau này, khi đã thất nghiệp, được hồi tưởng lại thiệt tình chúng không giúp ích được chút kinh nghiệm gì cho ông Ba Thê để ông ta có thể xoay xở thoát cảnh nhục nhã.

Điều đó thật đã minh bạch rõ ràng. Vậy mà những kỷ niệm ấy ông Ba Thê cứ nhớ mãi, bạn bè ông ta cứ nhớ mãi. Đặc tính cố hữu của những giai thoại lưu truyền chung quanh tiểu sử các danh nhân, ấy là tính cách vô ích và cái tuổi thọ dai dẳng của chúng.

Ông Ba Thê cầm súng ban ngày, đánh bạc ban đêm. Cũng có khi ban đêm ông ta phải vác súng tuần hành, thì trái lại có lắm khi ban ngày ông ta vụng trộm đánh bạc. Cái sinh hoạt nhịp nhàng đó ai cũng rõ. Vả lại trước sau ông Ba Thê chỉ cầm súng non mười năm, nhưng đến khi đóng lon đội khố xanh thì ít ra ông ta đánh bạc cũng được mười ba năm rồi. Như vậy nếu gặp hồi phải nhường nhịn nhau thì đáng lẽ phía sinh hoạt cầm súng nên nhường cho phía sinh hoạt huynh trưởng kia mới phải. Thế mà việc đời đã xảy ra không thèm hợp với lẽ phải. Số là ông án sát với ông lãnh binh có điều bất bình với nhau, một đêm nọ thầy đội Ba Thê đang đánh bạc ở nhà ông lãnh thì bị vây bắt thình lình.

Từ trước tới giờ ai còn lạ gì nhà ông lãnh có chứa bạc, ai còn lạ gì những mặt mũi đêm đêm hội họp xung quanh chiếu bạc đó? Có lạ lùng chăng là cái sáng kiến bắt bạc bất tử ấy.

Một chuyện táo bạo như thế phải là do cụ án xếp đặt. Nhưng mà sau đó ông lãnh vẫn cứ thoát tội được, chỉ có mấy bác cai và thầy đội bị lột lon cho về làm dân.

Trong khi thiếu chuẩn bị mà bị bắt buộc phải làm dân bất ngờ như vậy, người ta làm dân một cách rất vụng về.

Đó là nguyên do đã gây nên cảnh dang dở trong cuộc đời ông Ba Thê Đồng Thời.

Từ khi thiếu nghề, về sống quanh quẩn dưới mái gia đình, càng ngày ông Ba Thê mới lại càng biết thưởng thức cái nết na của vợ mình.

Bà đội Ba Thê không phải là lá ngọc cành vàng, nhưng trong xã hội thỉnh thoảng người ta bắt gặp một đôi gia đình tầm thường mà giáo dục con cái nghiêm như là ở chỗ quyền quí vậy. Ông thân sinh ra bà đội Ba Thê xưa kia chỉ là một thầy câu, giúp việc ở một huyện đường nho nhỏ. Thầy câu đó còn ít tuổi mà trông sáng sủa lanh lợi, được quan huyện thương mến. Quan huyện có cô cháu họ mặt mũi dễ thương hết sức, nhưng mà đôi chân hơi yếu, dáng đi ưỡn ẹo một chút. Quan huyện đề nghị, thầy câu đỏ mặt nhận lời, và cô cháu gái quan huyện về sau thành bà nhạc mẫu ông đội Ba Thê.

Sau bốn lần mang nặng đẻ đau, sức khỏe suy giảm, bà câu phát bệnh rồi đôi chân sẵn yếu bị co rút hẳn, không đi lại được nữa. Quan huyện cũ đổi đi, thầy câu buồn cảnh gia đình, không có người khuyên can đủ uy tín, nên thỉnh thoảng có ý muốn đi tìm thú vui ngoài tổ ấm. Bà câu biết vậy, nhưng bà bất lực, cả ngày chỉ ngồi nguyên một chỗ, không làm sao theo dõi, ngăn ngừa được chồng. Trong tâm hồn thấm thía cay đắng, nhưng người đàn bà ấy vẫn giữ một bề ngoài trang trọng, điềm đạm. Rồi càng ngày người ta để ý thấy bà câu chăm sóc dạy dỗ con cái càng nghiêm thêm lên. Buồn về chồng, bà câu lại giữ vững khuôn phép gia đình đối với con cái. Tuồng như để vớt lại sự tàn phế tật nguyền, bà muốn làm bật nổi cái nguồn gốc quyền quí của mình, muốn phô trương với chồng và nhắc cho mình cái uy thế tinh thần ấy. Sự kiêu hãnh có lẫn lộn chua chát. Thực là một cách trả thù kỳ quặc. Tuy vậy nó có kết quả hay. Sau mỗi lần sa đà ở một chỗ chơi bời, lúc quay về, bước qua khỏi cửa, ngồi vào nhà, thầy câu trông thấy thái độ kính cẩn của đứa con mang đôi guốc tới cho mình, pha trà cho mình, nghe những lời thưa gởi nhỏ nhẹ trọng vọng, bất giác thầy câu cũng cảm thấy rụt rè trong sự ham mê tội lỗi. Bà câu kín đáo liếc nhìn chồng thăm dò, và đo lường được mức tác động.

Cứ như vậy, trên hai mươi năm sống trong cảnh túng thiếu bà câu dùng tất cả cái thì giờ của người đàn bà bị bệnh tật buộc lại một chỗ để bắt mấy cô con gái ra công tập làm những món mứt, tỉa những đóa hoa rất công phu, tập nhuộm những cánh hoa tỉa bằng đu đủ rất đẹp, tập thêu những mẫu mặt gối hết sức khó khăn rắc rối, tập giữ kín từng lời nói, bước đi, cái nhìn, giữ một sự khép nép tột bực…

Ông đội Ba Thê cảm bà đội chỉ vì nét mặt khả ái. Ông ta có ý tìm đâu tới chỗ thế gia vọng tộc. Vả lại theo ông rõ thì bà câu xưa kia chẳng qua là cháu họ xa xa của quan huyện, vì nhà nghèo nên mới theo ở giúp việc cho quan. Như vậy người giàu tưởng tượng nhất cũng không hy vọng bắt gặp trong huyết quản bà đội một giọt máu quan quyền. Khi ông đội Ba Thê cưới vợ thì ông câu già đã về hưu, sinh nhai bằng nghề buôn bán lặt vặt trong một ngôi quán nhỏ ở chỗ phố huyện. Ông đội Ba Thê có ngờ đâu từ ngôi quán xiêu vẹo ấy ông ta rước về một tiểu thư nghìn vàng.

Còn người thiếu nữ về sau trở thành bà đội thiệt đã khéo lựa chọn khi gởi thân vào một kẻ quân nhân. Bởi vì đức tính căn bản của bà đội Ba Thê là khép nép sợ hãi. Từ thuở còn con gái cho đến già, lúc nào người đàn bà ấy cũng cần một sự che chở. Ông đội Ba Thê đã làm đầy đủ nhiệm vụ đối với vợ, và ngược lại ông được báo đền bằng sự trung thành tuyệt đối của vợ. Hồi còn xuân xanh, bà đội liệt vào hàng đầu danh sách những thứ đáng sợ là đàn ông. Về sau, khi chiến tranh xảy ra, tiếng động cơ của máy bay oanh tạc chiếm mất chỗ xếp hạng của đàn ông.

Bà đội không bao giờ dám nằm ngủ một mình trong bóng tối. Bên giường phải có một ngọn đèn nhỏ và bên mình phải có một người. Người đó, nếu không phải là ông đội Ba Thê thì là một đứa ở giúp việc, hay có thể là một đứa bé con. Giấc ngủ của bà đội như thế, trong đời bà không có chỗ ám muội nào về phương diện ái tình. Nhưng quí hóa hơn cả là cái cách phản ứng rất hiền lành của bà trước những hoạt động ái tình đáng ngờ của ông Ba Thê: trông thấy tận mắt ông đội hí Điêu Thuyền mà bà chỉ có khóc lên hu hu.

Sau này, trong những năm chiến tranh, lúc nào có máy bay lượn trên đầu là bà đội nằm rạp xuống đất rên ư ử, ôm đầu mà rên cho đến khi nào máy bay bay mất mới thôi. Và hết rên rồi thì bà đội còn ngồi thở hổn hển, mặt mày tái ngắt, hai tay ôm ngực, ngồi yên một vài giờ cho lại hồn vía. Thật là một phương thức phòng không thụ động hết sức hao tốn thì giờ và sức khỏe.

Một linh tính rất nhạy báo cho bà đội Ba Thê tất cả những thứ đáng sợ trên đời, từ một con sâu cho đến một người nham hiểm. Một hôm đang ngồi chơi nhà tôi, thoáng trông thấy bà Ní – Nà1 đi ngang qua, bà đội hạ giọng nói nhỏ: “Người đâu mà trông thấy hãi quá”. Bà lấy làm hãi lắm. Những người có tướng như thế dẫu có nợ bà cũng không dám đòi, dẫu có tình với chồng bà, bà cũng không dám gây chuyện.

Từ ngày ông đội Ba Thê thiếu nghề, cái tính sợ hãi của bà vợ thành ra một món xa xỉ càng ngày càng nổi bật lên, ông đội không làm sao không chú ý đến được. Thoạt tiên ông còn nuôi một chút ảo tưởng vu vơ: ông nghĩ rằng khi còn ở trong quân ngũ ông đã nuôi vợ, biết đâu khi ông mất chức bà vợ lại chẳng tính chuyện nuôi ông trong cơn anh hùng thất thế. Ở đời thiếu gì người đàn bà biết trổ tài khi tình thế đòi hỏi đến. Nhưng ảo tưởng của ông đội Ba Thê không thọ: chưa tròn một năm thì nó chết hoàn toàn. Thất nghiệp mặc kệ thất nghiệp, bà đội chịu, không sao dám xông pha ra đời, giành giật với đời để về nuôi sống gia đình.

Bà đội Ba Thê trước sau chỉ nhất định giữ nguyên một vai nội tướng. Nói cho đúng, lần lần bà hóa ra một cố vấn nội tướng hơn là một nội tướng thực sự, bởi vì tài sản và công việc nhà ông Ba Thê cũng chẳng còn gì nữa để cho bà quản trị, điều khiển. Bà nấu nướng có khéo thực, nhưng đã lâu không có được bao nhiêu nguyên liệu để nấu nướng, nên bà đội Ba Thê chỉ hay bàn suông và chỉ vẽ nhiều hơn là làm việc. Bà đội biết tìm hứng thú trong sự hướng dẫn bà con láng giềng cách thức làm thế nào cho mứt gừng được trắng, cho rim chanh được xanh vỏ, giữ lửa thế nào cho mứt bí khỏi nhăn tóp, dùng rau gì và chùi rau làm cá thế nào cho gỏi khỏi tanh v.v… Chỉ có cái hứng thú ấy gọi là chút bổng lộc tinh thần dành cho bà đội Ba Thê, bởi vì người đời đối với các vị cố vấn và quân sư thực là bạc bẽo đáng trách.

Ông Ba Thê thiếu nghề, bà Ba Thê cũng không hành nghề được, vậy thì lấy gì cung dưỡng cho sự sinh sống của hai vợ chồng và ba đứa con? Đó chắc chắn là một vần đề nan giải lắm. Những chỗ bạn bè cũ của ông đội thỉnh thoảng có nghĩ tới chỗ đó và ngậm ngùi ái ngại. Bạn bè thì ông đội Ba Thê có quá nhiều, mỗi người chỉ cần nghĩ tới một chút rồi bàn tán qua một câu cũng đủ gây thành dư luận. Nhưng những người bạn nghĩ chán rồi đành làm ngơ, bỏ qua vấn đề. Vào đúng lúc ấy, hoặc buổi trưa hoặc buổi tối, họ ở sở về, vừa lơ đễnh nhấc một cốc bia đưa lên môi toan giải khát vừa nghĩ tới chương trình giải khuây sắp tới, bỗng họ nghe một tiếng chân khua rụt rè trước cửa, một tiếng gõ cửa rất khiêm tốn. Họ ngẩng đầu lên và bắt gặp ngay một đứa con ông Ba Thê. Họ ngạc nhiên, hỏi xem có sự gì bất ngờ đã xảy đến cho ông Ba Thê chăng, thì đứa nhỏ tiến đến, đưa cho họ một chiếc phong bì nhỏ xíu, rồi kín đáo lui ra chờ đợi.

Trong phong bì có một tấm danh thiếp, trên đó ông Ba Thê viết:

“Qui Nhơn le…

Cher ami,”

Nội dung mấy dòng chữ tiếp theo đó đặt ra hai vấn đề: nạn thất nghiệp và tình bằng hữu. Để rốt cuộc yêu cầu người đọc thư giải quyết vấn đề bằng một món tiền.

Mỗi chuyến thư đi như thế đều đem về cho ông đội Ba Thê một món tiền hoặc lớn hoặc nhỏ để ông cân nhắc về tính tình, độ lượng của từng người bạn và suy nghiệm về nhân tình thế thái. Những dòng chữ hữu ích thảo trên danh thiếp như thế chỉ khi nào gửi đến một độc giả “kém văn hóa” thì ông đội mới phải viết bằng quốc văn. Ngoài ra ông ta thích dùng Pháp ngữ, bởi vì ông đội Ba Thê ưa chuộng sự thanh nhã, mà một nội dung như trên diễn tả bằng ngoại ngữ vẫn được nhã hơn bằng tiếng nước nhà. Nói thế để hiểu rằng không phải tự dưng mà ông Ba Thê sính phô trương tiếng Pháp, vì kỳ thực ông sử dụng thứ chữ đó rất khó khăn và sai lầm nhiều lắm.

Mỗi lần trong nhà thiếu thốn có vẻ khẩn cấp, bà đội Ba Thê báo động một cách nhỏ nhẹ cho ông biết. Ông đội ngẫm nghĩ trầm ngâm, lục soát trí nhớ. Trong phút giây chờ đợi ấy, bà đội hoặc tiếp tục bửa những cọng rau muống, hoặc tiếp tục xếp cái quần cái áo, hoặc tiếp tục lấy khăn lau mặt bàn…, giữ một sự xa cách khiêm tốn, không dám hỏi han và dò xét quấy rầy đến sự suy tính cao xa của chồng.

Rồi lần nào cũng như lần nấy, sự suy tính chín chắn của ông Ba Thê đều đưa đến cùng một giải pháp: tấm danh thiếp. Ông gọi con ôm cặp ra, trịnh trọng mở lấy một tấm danh thiếp và vung bút viết: “Cher ami…”. Bà đội Ba Thê tiếp tục công việc, giữ một thái độ xa cách kín đáo đầy kính cẩn. “Lần này thì tới phiên ông bạn nào đây? Ông đó ra sao? Liệu có bằng ông trước không? Có đỡ cho gia đình được nửa tháng chăng? mười ngày chăng? một tuần lễ chăng?” Bà đội rất có thể lo lắng tự nêu những câu hỏi như thế lắm. Trong công việc làm ăn cách này cũng có sự phập phồng tương tự như trong một cuộc xổ số. Thế nhưng bà đội nết na tôn trọng sự quyết định của chồng như một thiên cơ, mà bà ta không dám ghé mắt tò mò vào. Bà đội lặng lẽ tiếp tục công việc quét tước, nấu nướng của mình, đầy kính cẩn khuất phục.

Tới khi ông đội Ba Thê đề bì thư đến hàng chữ cuối cùng, mạnh tay gạch đít đánh soẹt dưới chỗ địa chỉ người nhận thư, thì bà đội thở ra một cái nhẹ nhàng đến nỗi rất khó nhận thấy, và lên tiếng gọi: “Toàn đâu con? Cất cái cặp cho thầy”. Giọng sai bảo của bà lúc ấy nhuốm sâu xa một ý nghĩa dịu dàng thân ái.

Bà đội Ba Thê như không hề biết chồng vẽ cái gì trên tấm danh thiếp và không bao giờ chịu ngừng công việc để lắng tai nghe xem người chồng sai đứa con đi đâu. Tuy nhiên rất nhiều lần đứa con nhận lệnh của cha xong vừa chạy ra đến đầu sân thì đã bị bà gọi giật lại: “Toàn! Mẹ bảo đây! Lấy cái mũ mà đội chứ, trời nắng thế này mày định đi đầu trần tới tận nhà ông Thứ đó à?”, hoặc là: “Toàn, con lấy cái áo khác, thay áo đi, nhà ông Thịnh người ta ăn mặc tử tế”, hoặc là: “Nhớ cẩn thận.. Nhà ông Hoa Lan 2 có con chó dữ lắm.”

Ông đội Ba Thê có nghe những lời vợ dặn con mà y như không hề nghe. Ông im lìm nghiêm trang. Ông chụp lấy bình trà rót một chén, ngồi nhấm chầm chậm. Ông Ba Thê có cái bình trà nhỏ, mỗi lần rót ông chụp trùm cả bàn tay lên, dùng lòng bàn tay ấn xuống giữ chiếc nắp cho khỏi rơi. Sự thưởng trà và nét mặt xa vắng của ông đội Ba Thê sau mỗi lần phóng tay viết thư làm cho công việc đó nhuốm một tính cách bí ẩn và quan trọng đối với mấy đứa con nhỏ, và đặt ra một khoảng cách hơi lạnh lẽo giữa các người trong gia đình, ít nhất là chừng nửa giờ đồng hồ. Trong lúc đó hoặc giả ông Ba Thê có thể ngẫm nghĩ: “À, ra người vợ hiền đức của ta cũng có ý theo dõi công việc ta làm. Cái nết kín đáo tế nhị đó đáng khen nhưng mà sao nó làm ta khó chịu vậy? Lúc này nàng đang nghĩ thế nào? Dĩ nhiên là nàng đã tán thành hành động của ta từ năm này qua năm nọ rồi. Nhưng có cái gì lượn quanh quất trên sự tán thưởng ấy mà ta không thấu rõ được?”

Về phần bà đội Ba Thê cũng có một vài tư tưởng không phát biểu: “Ông đội những lúc này có sực nghĩ tới sự ăn không ngồi rồi của ta chăng? Cái gì ẩn núp phía sau vẻ nghiêm nghị ấy: buồn phiền chăng? áy náy thẹn thùng chăng? Thái độ nhu mì khép nép của ta như thế là hợp cảnh lắm rồi, còn gì nữa?”

Cứ như vậy, từ hai phía, những luồng tư tưởng âm thầm lần dò tìm nhau trong tăm tối, và chẳng bao giờ chạm gặp nhau. Hai vợ chồng ông đội Ba Thê sống những giờ phút tôn kính lẫn nhau như khách. Cho tới khi có một tiếng chuông rung leng keng của chiếc xe đổ rác đi ngang qua trước nhà, hay là có con gà nhảy vào bươi đám rau răm, hay là con chó mực nhà láng giềng toan thọc mõm vào vò nước v.v… ông Ba Thê thừa cơ hội lên tiếng gọi bà đội đuổi gà, đánh chó, và như thế đánh tan được bầu không khí đặc biệt.

Mỗi khi đứa con cầm phong thư từ các nơi gởi về, bà đội Ba Thê cũng chẳng bao giờ dám biết đến trong đó chứa đựng những thứ gì. Sự thành công hay thất bại của công việc chỉ riêng có người chủ gia đình mới được quyền biết tới. Đó là thuộc về vấn đề uy tín. Mà ông Ba Thê xứng đáng tượng trưng cho uy tín của gia đình, bởi vì hơn một lần ông biết cách “lau chùi thất bại” một cách lặng lẽ, can đảm: ông lạnh lùng bỏ túi phong thư trả lời, rồi sau đó khéo léo thủ tiêu lúc nào không ai biết được.

Nhưng danh thiếp gửi đi thường vẫn có tiền bạc gửi về. Tiền bạc đó người chủ gia đình toàn quyền giữ lấy rồi thong thả trao lại cho vợ. Ông đội Ba Thê không bao giờ nghe vợ thóc mách dò la, hỏi đứa con về số bạc đem về. Tuy nhiên khi nào bà đội cũng trù tính sự chi tiêu thích đáng với số tiền còn lại trong túi chồng; và lần nào cũng vậy, bà lên tiếng báo động đúng ngay lúc túi ông gần cạn.

Đáng suy nghĩ nhất là về số phận của hai đồng rưỡi bạc đá gà. Số là ông đội thích xem chọi gà. Ông không nuôi gà, nhưng mỗi tuần, vào chiều thứ năm, trong xóm có tổ chức trước sân nhà Tám Phụng một cuộc đấu gà mà ông đội rất muốn tham dự với hai đồng rưỡi trong túi. Hai đồng để đánh cá và năm cắc để uống một chén rượu, tán huyên thiên cho vui. Bởi vậy đưa tiền cho vợ bao giờ ông đội cũng ngầm giữ lại món tiền ấy. Thế nhưng nhiều lần vào chiều thứ tư, bà đội còn đề nghị tiêu rán một món độ vài đồng, ông vội vã kêu lên: “Mình không rõ sao? Hết cả tiền rồi mà!”; tức thì bà đội hiền lành nói nhỏ nhẹ: “Vậy mà tôi cứ tưởng mình còn hai đồng rưỡi trong túi, không có sao? Mình coi lại đi, may mà còn, mình nhịn đỡ cho vài đồng”. Thật là quái lạ, bao nhiêu bạc tiền cất trong túi ông đội đều như là triển lãm ra dưới cặp mắt không có chút tò mò nào của bà vợ hết cả. Như thế, thỉnh thoảng có những buổi chiều thứ năm cặp gà trước sân Tám Phụng đành nhảy nhót vô duyên không được tán thưởng khích lệ.

Cũng là một thắc mắc hợp lý nếu có người hỏi: lẽ nào tấm danh thiếp nhỏ bé xinh xinh lại có thể nuôi sống nổi hai vợ chồng và ba người con ông đội Ba Thê hai mươi lăm năm trời? Thực vậy, ở miền Trung cằn cỗi này, ruộng đất mẫu kia mẫu nọ không đủ bảo đảm một cuộc đời nhàn tản, huống chi tấm danh thiếp con con, rộng không đầy sáu phân vuông!

Tôi xin nhận ngay lời bắt bẻ đúng lý sự ấy. Tôi cũng ngờ rằng ông Ba Thê còn có những phương tiện sinh nhai khác nữa, người ta không ai dám tự hào có thể thấu rõ hết những bí ẩn phong phú của cuộc sống. Có điều mọi phương kế sinh nhai được ông đội Ba Thê chịu dùng đến đều phải có một vài tính cách chung, là đòi hỏi rất ít cố gắng, và nhất định không thể mang tên là một nghề. Bởi vậy ông đội Ba Thê mỗi lần gặp gỡ những người bạn — những người cher ami — đều nhăn nhó than van là mình thiếu nghề nghiệp.

Cái thuở mà bạn bè ông Ba Thê toan giúp đỡ ông ta thoát cảnh thiếu nghề là một thuở xa lắm, hồi đó tôi còn là một đứa trẻ lên ba lên năm chưa hiểu biết gì. Sau này khi những người bạn bè đó biết về ông Ba Thê khá sâu xa, họ không bao giờ dám mạo muội giới thiệu một nghề nghiệp với ông ta nữa. Nhưng đối với bà Ba Thê thì thỉnh thoảng bà vẫn còn gặp một “a – văn – tuya” kỳ thú trong sự săn đuổi nghề nghiệp.

Bà đội Ba Thê có một độ kết giao với bà Thái Hưng 3. Hai người đều lấy làm hâm mộ nhau vì chỗ tính nết thùy mị hiền lành. Bà đội than van: “Đời bây giờ làm ăn sao khó quá. Thú thiệt với chị, tôi không còn biết xoay trở ra làm sao nữa…” Bà Thái Hưng đề nghị: “Hay là bác thử buôn bán coi?” Bà đội Ba Thê cười buồn bã: “Tình cảnh chúng tôi, vốn liếng đâu mà ra buôn bán! Đời bây giờ dễ gì ít vốn mà làm ăn được sao?” Bà Thái Hưng suy nghĩ rồi bằng lòng để cho bà đội mua chịu dầu lửa, thùng diêm, gạo, thuốc điếu v.v… mỗi thứ một ít, bán được tới đâu sẽ trả nợ dần cho mình tới đó. Bà đội Ba Thê thành thực cảm động, cuống quít, nắm lấy tay người bạn gái trẻ tuổi: “Tội nghiệp chưa! Cái tâm của chị thật là hiếm có”.

Bà đội về tới nhà vội vã giục chồng “thử buôn bán” coi sao. Ông đội không phải là người thù ghét những cuộc thí nghiệm. Ông ta thuê xe chở dầu, chở gạo của bà Thái Hưng về nhà. Trong khi người chồng và bà Thái Hưng lo cân lường, tính toán, thì bà Ba Thê xoắn xuýt trầm trồ về cái tâm của người bạn gái: “Tội nghiệp! Tội nghiệp quá!” Trong từ ngữ riêng của bà đội Ba Thê, hai tiếng tội nghiệp có nghĩa là đáng yêu chuộng.

Hàng hóa chở về nhà, bán được tới đâu, vợ chồng ông đội ăn tiêu tới đó không hề tính trả lại cho bà Thái Hưng đồng nào. Đến chừng bà này hoảng hốt chạy tới nhà Ba Thê can thiệp thì hàng hóa đã chẳng còn gì nữa. Hai người đàn bà thùy mị cùng tỏ ra vô cùng thất vọng trước một tình thế hết đường cứu gỡ.

Thế là một cuộc thí nghiệm gặp thất bại. Bà đội Ba Thê đã có thiện chí để buôn bán thử, nhưng buôn bán là một nghề rất khó thử.

Phê bình về câu chuyện làm ăn ấy, bà Thái Hưng thở dài: “Ai có ngờ đâu, người coi bộ hiền lành tử tế như vậy mà liều tới nước đó. Hai vợ chồng thiệt xứng đôi, không chịu làm gì cả. Lười biếng không tưởng tượng nổi!” Bà Thái Hưng đã phạm đến một tiếng tối kỵ là “lười biếng”. Lời phê bình đó dội tới tai hai vợ chồng ông đội Ba Thê, hai ông bà tức giận run lên, thề không bao giờ ngó mặt bà Thái Hưng nữa.

Thỉnh thoảng một năm, đôi năm, bà đội Ba Thê lại gặp một người bạn gái “tội nghiệp” để cuối cùng đành không ngó mặt nhau được, chỉ bởi vì một tiếng tĩnh từ dùng thiếu chọn lựa. Theo ý kiến ông Ba Thê không thể có một nguyên nhân thất bại nào được đặt tên là biếng nhác. Ông ta đã tìm hiểu nguyên nhân và đã đi phân trần với nhiều người bạn bè — người cher ami — của ông ta. Ông bảo: “Chán lắm, chán lắm! Thời buổi bây giờ đừng có hòng giở ra làm ăn… Đời bây giờ người khôn của hiếm…” “Đời bây giờ” là nguyên nhân căn bản. Ba tiếng ấy lần hồi cũng len lách vào trong đám từ ngữ thông dụng của bà Ba Thê. Để cắt nghĩa lối sống của gia đình, cả hai vợ chồng đều nói tới “đời bây giờ”. Và đối với những ai ưa sự rành mạch thì cần phải chua rõ: “đời bây giờ” gồm một quãng thời gian dài một phần tư thế kỷ, trải qua các chế độ phong kiến, thực dân, Pháp thuộc, Nhật thuộc, cộng sản, cộng hòa v.v… Bấy nhiêu chế độ đề huề chia nhau chịu trách nhiệm về một sự thiếu nghề của ông đội Ba Thê.

Và “đời bây giờ” còn vui lòng kéo dài thêm một phần tư thế kỷ nữa.

Một buổi chiều chủ nhật đã xa lắm, hồi tôi chừng mười hai, mười ba tuổi, tình cờ tôi lạc bước tới trước cửa nhà ông Ba Thê.

Hôm ấy tôi đi chơi về phía Cầu Đôi, lúc trở về trời đã chạng vạng tối lại bắt đầu mưa lắc rắc. Tuy mưa không đến nỗi nào làm trở ngại sự đi lại ngoài đường, nhưng tôi vốn sợ hãi mưa gió. Mỗi lần trông thấy mưa mù bốn phía trời và nghe giọt nước từ trên cao mịt mờ gieo xuống người là tôi lo hãi, hoang mang, bối rối. Tôi ghé vào đứng núp bên hè một ngôi nhà bên đường.

Có những cảnh điêu tàn kín đáo, thoạt trông qua nó gây một cảm giác lành lạnh trong lòng mà ta không kịp rõ do đâu. Nhà ông Ba Thê có khu vườn khá rộng, trồng nhiều nhất là cây mãng cầu. Cây không tốt, lá nhỏ choắt, trái nhỏ, có nhiều trái khô đen đeo trên cành. Giọt mưa tụ ở các đuôi lá mãng cầu lá râm bụt trước rào, liên tiếp rụng xuống không một tiếng động trên thảm cỏ tràn lan khắp vườn. Phía sau nhà, rào rất thưa thớt, thành ra khu vườn gần như thông luôn với khu nghĩa địa có năm ba nấm mả vôi cũ kỹ xam xám, như những con trâu nằm to tướng. Lúc tôi bước lên hè nhà thì một con gà mái đang đứng mơ màng ở xó hè và có lẽ sắp nằm bẹp xuống ngủ ngay tại chỗ ấy, thấy tôi, nó liền kêu đánh “tót” một tiếng, bước đi “bịch bịch” nặng nề trên nền xi – măng, tìm một chỗ khác cách đó vài thước.

Nhà có ba phòng, nhưng người nhà xúm xít lại trong căn phòng ở đầu cùng, xung quanh một ngọn đèn, còn hai phòng nữa để tối. Chủ nhà không ai biết có tôi ngoài hè. Một mình tôi đứng ngoài tối chạng vạng, vừa lo sợ nhìn trời mưa, vừa bỡ ngỡ trước một cảm tưởng mơ hồ về sự tàn tạ quanh mình mà không biết do đâu: có phải do ở khoảng rào thưa sau nhà, ở những giọt nước tụ cuối đuôi lá mãng cầu, có phải ở tiếng kêu “tót” nho nhỏ, khiêm tốn, kín đáo của con gà mái, ở thái độ lạnh nhạt dè dặt của nó đối với tôi?

Trong lúc tôi còn hoang mang bỡ ngỡ thì một tiếng hát trong nhà làm tôi giật mình quay mặt vào. Cảnh lạ lùng bày ra dưới mắt làm tôi quên mất lo hãi. Ngọn đèn dầu lửa để trên một chiếc bàn gần bên cửa sổ. Hai bên bàn, hai vợ chồng. Vợ ngồi xỉa răng; người chồng thì đặt một bàn tay lơ đãng, xòe ra, đậy lên tách nước. Giữa bàn, chén dĩa, đũa bát ngổn ngang. Ở đầu bàn một lọ sứ cũ, trong lọ cắm năm bảy hoa sen đã úa. Giữa nhà, một đứa con gái vừa múa vừa hát:

“Rắn có chân rắn biết

Đau lòng gỗ, gỗ kêu.

Tủi nữ nhi oan chịu đã nhiều điều,

Cậy quân tử kế chi xin quyết một.

(Như may mà cứu sống đặng tôi cũng là…)

Như xuống nước vớt người trầm một,

Bằng vào rừng dẫn kẻ họa tai,

Thà cam thác xuống dạ đài,

Đâu chịu hổ nơi dương thế!

Thiếp dầu có sai lời vàng đá,

Trời đừng cho đứng giữa non sông!

(Chừ người liệu làm răng đây?)

Dù trăm phương chẳng vẹn cùng chồng

(Thôi thì):

Liều một bước cho đành với mạng”.

Đứa con gái nghiêng mình quơ hai tay lên cao quá đầu chới với, giả bộ gieo mình xuống nước. Người cha vẫn ngồi xếp bằng trên ghế, điểm trống bằng mồm: “Bum, bum… ầm!”, rồi vội vàng cất tiếng la lên:

(A, khoan khoan đã ma)

“Tình thậm hoảng, tình thậm hoảng,

Ý kham liên, ý kham liên!

Anh hùng này (mà) phụ ngãi thuyền quyên

(ở mô mà)

Nhứt đán nỡ (đi) liều mình thiên cổ?”

(cho uổng hè)4

Đứa con gái mấp mé mười tuổi, tóc chưa phủ kín ót, uốn mình, múa hai tay dịu nhuốt, và khóc và than, và liếc mắt đưa tình, thấp thoáng dưới ánh đèn mập mờ, kéo theo cái bóng dài múa động chờn vờn trên nền nhà và trên bức vách phía sau lưng, tạo thành một quang cảnh dị thường, chứa đầy bí ẩn đối với óc tưởng tượng của tôi thuở nhỏ. Tôi không hiểu nổi cái ý nghĩa vô luân trong cảnh cha làm Lã Bố con giả Điêu Thuyền, tôi cũng không hiểu nổi cái nghĩa buồn thảm trong cảnh túng quẩn của một người cha quen thói chơi bời, chiều chiều tập đứa con gái nhỏ uốn éo múa men nhắc lại những thú chơi ngày còn oanh liệt. Tôi chỉ biết ngẩn ngơ thán phục, mê mẩn nhìn theo đứa con gái ngâm nga một cách tài tình những câu hát mà tôi không tài nào hiểu nghĩa.

Trước cảnh ấy người đàn bà co một chân lên ghế, ngồi trông theo với đôi mắt lãnh đạm mệt mỏi. Thỉnh thoảng, người đàn ông cựa mình mạnh quá làm rung chiếc bàn và làm rụng xuống một cánh hoa sen. Người đàn bà từ từ quay mặt nhìn lại: một cánh hoa khác rụng tiếp theo, rơi lách giữa các cọng, mắc kẹt vào khoảng trên miệng bình. Và bà ta đưa hai ngón tay kẹp lượm những cánh hoa rụng, bỏ vào một cái hộp giấy nhỏ bên cạnh.

Đêm hôm ấy tôi ngồi học bài, thỉnh thoảng lại thấy các dòng chữ uốn mình múa trên trang vở những điệu múa uyển chuyển như một hình dáng Điêu Thuyền. Và trong giấc ngủ tôi mơ thấy lộn xộn từ những con trâu đen nằm sấp im lìm, những cái lá sen héo cuốn tròn lại như hình vỏ ốc cho đến ánh đèn phớt trên vầng trán đứa con gái bé nhỏ.

Về sau, khi mà một ý tưởng đầu tiên về chuyện vợ chồng thập thò xuất hiện trong trí óc trẻ thơ của tôi, tôi liền liên tưởng ngay đến cô con gái của ông đội Ba Thê. Nhưng đối với tôi, cô bé không có chút liên quan gì đến cái lon đội, đến hội Những Người Ăn Bê Thui, đến những tấm danh thiếp. Đối với tôi, cô bé ấy liên quan đến một thế giới huyền ảo trong đó có những Giáng Hương, Tây Vương Mẫu, Hà Tiên Cô… Thỉnh thoảng trí phiêu lưu và khí phách anh hùng của tôi có thả rông vào trong thế giới ấy một Tề Thiên đại thánh quấy phá chơi, nhưng riêng mình thì tự xét khó bề lấp ló đến lắm. Tôi nghĩ đến chuyện vợ chồng, rồi tôi thở dài.

Tuy vậy mà từ dương trần đến chốn thần tiên ấy không đến nỗi quá xa cách như lòng tự ti của tôi đã ước lượng. Mười năm sau thì tôi đã với tới tiên cảnh, níu được người tiên.

Mười năm chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để thực hiện một đôi biến hóa: Ông đội Ba Thê đã hóa ra ông Ba Thê Đồng Thời!

Mỗi một thời kỳ người ta có một lối ăn nói đặc biệt rất dễ nhận ra. Nếu chịu khó bươi xới kho tàng ngôn ngữ của dân tộc như các nhà khảo cổ quật lên từng lớp đất, chắc chắn chỉ riêng cái cách ăn nói cũng giúp ta hiểu được nhiều về tâm lý, về cách sinh hoạt, về tổ chức xã hội, về đường lối chính trị, về sự hoạt động văn hóa v.v… của mỗi thời.

Riêng về trường hợp một cá nhân ông Ba Thê, tôi nghĩ rằng các từ ngữ cũng đã chịu khó đánh dấu cẩn thận từng giai đoạn riêng biệt trong cuộc đời ông ta. Tiếng “se a-mi” là thuộc về một giai đoạn huy hoàng có những cuộc vui suốt sáng trận cười thâu đêm dưới sự che chở của các quan cai trị người Pháp. Rồi những tiếng “đời bây giờ” và “thời buổi bây giờ” là sản phẩm của giai đoạn tiếp theo, tiêu điều hơn. Nhấm tới những tiếng ấy, ý vị chán ngán tiêu cực thấm ngay vào đầu lưỡi.

May mà ông Ba Thê không chịu gã gục xuống ngay giai đoạn ấy. Sau biến cố chính trị mùa thu năm 1945, ông Ba Thê liền đổi lốt, chọn một cuộc sống mới. Không phải rằng ông ta chịu nhận một nghề, nhưng chính là vì vẫn không có nghề nghiệp mà ông ta thành ra một kẻ hoạt động hăng hái theo lối mới. Hoạt động lối mới cần nhất ở cái mồm. Những người quen ăn không ngồi rồi thường lại khỏe mồm.

Nói cách khác, giai đoạn mới, ông đội Ba Thê ăn rồi toàn đi nói chính trị, khắp từ đầu làng tới cuối xóm. Nhân cơ hội ông ta há miệng ra, một vài từ ngữ mới lẻn vào dính ở kẽ răng lúc nào ông ta không hay biết. Chẳng hạn trước kia ông không chú ý đến cái “lý đương nhiên” mà từ ngày mùa thu về sau mỗi lúc ông mỗi nói về “lý đương nhiên”. Trước kia ông ta vẫn nói “tuyệt nhiên không có”, từ ngày ông đâm ra nói nhiều theo đà của quần chúng xung quanh thì các từ ngữ xô nhau lấn nhau gấp rút, gây ra nhiều sự lệch lạc: ông Ba Thê bèn nói “thản nhiên không có”! Trước kia ông ta nói: “Tôi tiếc…”, về sau ông ta văn hoa hơn: “Tôi tiếc thay…” Ông phàn nàn rằng: “Tôi tiếc thay thôn tôi ít con số…”, và như thế có nghĩa là thôn ông ta dân số ít oi.

Ở chỗ công cộng, những khi đăng đàn phát biểu ý kiến, ông Ba Thê, đang thao thao diễn giảng, nếu thình lình thiếu ý, lúng túng, ông ta liền quẩn xung quanh một vài khẩu hiệu thật rỗng và thật rổn rảng; chính những lúc ấy ông ta càng gằn mạnh từng chữ, càng chú ý đến lối phát âm một cách trịnh trọng: zè zặc, cảnh zác v.v… Cũng chính vào những lúc hiểm nghèo như thế mà ông Ba Thê càng tỏ ra văn hoa: “Ta ziết zặc zữ nước, đồng thời ta xây dựng con người mới, đồng thời tiến về…”

Ông Ba Thê biến ra ông Ba Thê Đồng Thời trong trường hợp như vậy.

Tôi vốn có một ông bác già ưu thời mẫn thế. Nhưng tất cả sự đóng góp của người vào công cuộc cách mạng chung quy cũng chỉ trông cậy vào ba tấc lưỡi dùng để… động viên kẻ khác. Đối với kẻ hoang đàng nhác nhớn, người khuyên nên nghĩ đến đại cuộc. Đối với kẻ bủn xỉn ngần ngại trước những cuộc quyên góp, người cũng khuyên nên nghĩ tới đại cuộc. Đối với những cuộc xích mích chia rẽ giữa anh em, vợ chồng, người cũng ôn tồn hòa giải: vì đại cuộc quốc gia. Mỗi lần nhắc tới đại cuộc, trông người bác già có vẻ chân thành, thiết tha, trịnh trọng, và hơi nhuốm chút buồn rầu khả kính. Kẻ giỏi hoạt động về khoa ngôn ngữ rốt cuộc được đền đáp lại bằng ngôn ngữ: ông bác của tôi bèn mang thêm cái tên mới: “Ông Đại Cuộc”.

Ông Đồng Thời và ông Đại Cuộc sau mùa thu thường khi gặp gỡ gần gụi nhau. Nhờ đó mà tôi men theo gót ông bác, tìm đến gặp Loan. Nuôi giữ một hình ảnh tiên nữ trong mười năm, rồi được gần người tiên trong ba năm, như thế tôi được thời vận ưu đãi quá rồi. Ngày nay dẫu tôi không còn có Loan ở bên mình nữa, nhưng ông Đồng Thời vẫn còn đó ở Qui Nhơn thì một phần nào hạnh phúc của tôi vẫn còn có thể chiêu hồn được. Thậm chí tôi còn tin rằng đến khi xa rời Qui Nhơn, khuất mặt ông Ba Thê, mà mỗi lần nhắc đến tiếng Đồng Thời tôi cũng có hy vọng nhớ đến tình yêu của Loan. Bởi vậy tôi càng quý kho từ ngữ của mỗi người, mỗi giai đoạn, như các nhà khảo cổ quý những xương cốt, những từ khí tiêu biểu cho từng thời kỳ văn minh bị chôn vùi dưới các lớp đất. Một sọ người ở Bắc Kinh, một mảnh trống đồng đào được ở Đông Sơn nhắc lại thế nào về một nền văn hóa cũ, thì một tiếng “đồng thời” vùi lấp lẫn lộn trong ngôn ngữ ông Ba Thê cũng biết tỉ tê kể lại với tôi nhiều vui buồn của một đoạn đời.

Ông Ba Thê sống dài hơn nửa thế kỷ. Qua mỗi một giai đoạn có một danh từ riêng, một câu nói riêng, đánh dấu giai đoạn ấy. Đối với tôi giai đoạn Đồng Thời có nhiều liên hệ mật thiết hơn cả.

Trong thời kỳ kháng chiến tôi không ở Qui Nhơn, ông Ba Thê Đồng Thời cũng không ở Qui Nhơn. Thành phố ấy sát bên mép biển, dễ bị tấn công bất ngờ, nên dân chúng bị bắt buộc tản cư. Nhưng chúng tôi không đi xa lắm. Chúng tôi tản cư mà từ chỗ làng mới mắt vẫn có thể trông về Qui Nhơn thấy hai cái bồ treo trên đỉnh núi Chóp Vung. Sự sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi, từ vật chất tới tinh thần, tùy thuộc rất nhiều ở hai chiếc bồ sơn đen ấy.

Khi nào có tàu giặc đi ngang qua ngoài khơi thì một chiếc bồ được kéo lên cao. Tàu quay mũi vào bờ thì một bồ kéo cao một bồ kéo nửa chừng: một bồ rưỡi! Tàu cặp bến thì kéo lên cao cả hai chiếc bồ. Giặc bắt đầu đổ bộ thì kéo hai bồ và đánh kiểng từng hồi ba tiếng: tiếng kiểng đầu tiên bắt đầu từ trên núi Chóp Vung, các làng kế cận nghe tiếng, đánh tiếp theo, cứ thế chuyền tin đi.

Một bồ rưỡi trên núi Chóp Vung là dấu hiệu cho Qui Nhơn và các miền thôn quê phụ cận chuẩn bị ráo riết. Hai bồ thì gánh xách đồ đạc mọi thứ phải sẵn sàng. Nghe tiếng kiểng, tất cả kéo đi tản cư về những làng xa, dưới sự hướng dẫn của cán bộ. (Ông Ba Thê Đồng Thời là một cán bộ hướng dẫn tản cư; đã hằng lâu ông mới có một công việc, tiếc thay đó vẫn chưa gọi được là một nghề.)

Một chiếc bồ tròn treo lửng lơ giữa trời, đối với binh sĩ trên chiếc tàu thủy đi ngoài cửa bể, là một mục tiêu hay hay. Nhiều lần họ quay súng nhắm vào bồ thi nhau bắn chơi. Vài lần họ bắn trúng đích, chiếc bồ phát hỏa, rụng xuống núi. Cả xóm làng xôn xao lo hãi như chứng kiến một điềm bất tường, như nghe tan vỡ vì sao chiếu mệnh. Nhưng liền hôm sau đó một chiếc bồ khác được thay vào kéo lên, trước sự kiêu hãnh của cán bộ: “Đồng thời giặc tấn công, đồng thời ta kháng cự hiệu quả tức khắc”, cán bộ Ba Thê giải thích như vậy.

Và cứ như thế, ngày ngày tất cả chúng tôi tin cẩn hướng nhìn lên hai trái bồ tròn tìm hiểu số phận của mình, suy đoán tình hình, tính toán chương trình làm ăn. Và ngày ngày hai trái bồ như hai con mắt tròn quay của cả một vùng nửa quận chúng tôi, mở thao láo nhìn ra ngoài bể khơi, lục soát, rình dò từng chút khói tàu phơ phất ở chân trời.

Đang làm lụng ngoài đồng, chợt có người trông thấy và la lên: “Một bồ rưỡi!”, tức thì ai nấy tiếp theo báo động chuyền miệng: “Một bồ rưỡi! Bà con ơi, một bồ rưỡi!” và tất cả chạy về nhà dọn đồ đạc vào bao gánh. Một bồ rưỡi thì tuần nào cũng có ít nhất một chuyến. Hai bồ thỉnh thoảng mới xảy ra, mỗi tháng đôi lần. Bất cứ làm việc gì, chúng tôi cũng dành một phần dự liệu cho sự thăng trầm của những chiếc bồ. Giữa đám táng cha, đám ma chồng: “hai bồ!”, tức thì quan tài phải khiêng mà chạy. Đang đám cưới: “hai bồ!”, tân khách liền rút hết lập tức, để chỉ còn lại vỏn vẹn có cô dâu với chú rể, bơ vơ như A Dong với E Và hồi chưa kịp phạm tội. Vợ chồng đang hờn dỗi, xóm giềng đang cãi cọ: “hai bồ”, tức thì xích mích dẹp hết, ai nấy đều líu ríu hợp tác như những “se a – mi”…

Trong hoàn cảnh như thế dĩ nhiên mối tình của tôi và cô Loan chịu ảnh hưởng thời cuộc rất nặng nề. Nặng đến nỗi đối với Loan nó không được phép tự cho là một mối tình. Mỗi lần gặp nhau nàng chỉ nói toàn chính trị, thật xứng đáng với cha nàng là ông Ba Thê. Khởi đầu sự quen biết đã đành là những cuộc hội họp bàn luận về công tác kháng chiến, về chính trị. Từ đó tiến tới ái tình nó se sẽ, từ từ, nó chầm chậm, êm ru. Tôi nhận có sự tiến tới ấy, còn nàng thì phủ nhận hoàn toàn: trong những cuộc họp vắng vẻ chỉ riêng có hai chúng tôi, nàng thản nhiên nói về nhiệm vụ, về tác phong đạo đức, về liêm chính, trong lúc ngón tay tôi luồn vào mái tóc rất dày rất tốt của nàng, len lỏi tìm tòi trên người nàng. Cứ như vậy, chỉ đơn độc có một mình tôi phạm tội cho tới khi ông Ba Thê Đồng Thời suýt có cháu ngoại. Lúc nào tôi cũng buồn rầu ân hận về một cảnh cô độc đơn chiếc ấy.

Có lần tôi lợi dụng sự thân mật, liều hỏi đố nàng một câu:

— Em có biết anh bắt đầu mê em từ lúc nào không?

Nàng vội vã nói:

— Mê là để cho cảm tình sai khiến mình rồi. Em không bao giờ mê ai cả.

Thấy tôi không nói nữa, nàng quay lại an ủi:

— Anh để ý em hồi nào?

— Từ buổi chiều chạng vạng em vừa múa vừa hát “Rắn có chân rắn biết” ấy. Như thế nghĩa là sao, hả em? Anh không hiểu gì hết, cho nên anh càng mê em. Anh trông thấy cái miệng rất xinh của em, cái thân hình và các bàn tay, ngón tay bé xíu của em, hai mắt thơ dại của em cố gắng diễn tả một thứ tình cảm ở ngoài tầm vói của chúng ta; hồi đó, anh suy nghĩ mãi, thán phục em ghê lắm!

Nàng cười lơ đãng:

— Em làm Điêu Thuyền đấy, anh không biết há? Hồi ấy phong kiến, xưa rồi, anh nhớ làm chi.

Phải như tôi không nghĩ lui về những chuyện quá xưa và không nghĩ tới những chuyện quá viển vông thì chắc chắn tôi đã có thể tiếp tục hưởng mãi thứ hạnh phúc đơn chiếc bên cạnh nàng. Nhưng mà một hôm tôi đang đùa xoa mơn bàn tay dưới cằm nàng và nàng đang nghiêm chỉnh nói về nhiệm vụ phụ nữ thì “hai bồ” kéo lên. Trước khi buông nhau chạy, nàng còn nói với mấy câu, rằng nhiệm vụ thanh niên những lúc hai bồ là ở ngoài chiến trường. Tôi sực nhớ đến người anh trai của nàng, hỏi qua một câu:

— Anh Toàn có thư từ gì về không em?

— Có. Từ tháng giêng tới nay anh ấy dự bảy trận đánh ở Pleiku, Kontum rồi.

Tôi đùa:

— Còn em. Nhiệm vụ phụ nữ bảo em làm gì từ tháng giêng tới nay?

Nàng dẩu mỏ phản ứng:

— Anh tưởng em không làm gì được hả? Em sắp sửa đi cứu thương, không ở đây nữa đâu.

Nàng đi cứu thương, tôi ở nhà mà đan áo gởi cho nàng sao? Như vậy thì lại càng đơn chiếc lắm lắm, làm sao tôi chịu nổi? Tôi liền đánh liều quyết nhập ngũ trước nàng.

Như vậy là sau cuộc báo động “hai bồ” ấy tôi biến thành một tên lính. Tôi đi Cheo Reo, Kanack, Kamplong, Ban-mê-thuột…; đi tới đâu tôi cũng có ý chờ người cứu thương con gái ông Ba Thê. Nhưng không bao giờ tôi tìm ra nàng, vì “nhiệm vụ” lại buộc nàng ở nhà.

Nàng làm việc gì ở làng trong thời gian ấy? Nàng tiếp tục nói thao thao về tác phong đạo đức với ai? Những gì đã xảy đến trong đời sống chính trị và tình cảm của nàng? Tôi không bao giờ biết rõ được những chuyện đó.

(còn tiếp)

Comments are closed.