Duyên Anh
Chương 2
Ở đây, dân từ các làng Đồng Thanh, Ô Mễ, Thắng Cựu, Đoan Túc kéo nhau lên tỉnh. Họ cũng phải ngồi chờ lệnh tiêu diệt giặc lùn. Đàn bà ngồi nhai trầu, nhổ quýt trầu đỏ lòm bừa bãi. Đàn ông thay phiên nhau hút điếu cầy. Đi đánh Nhật mà còn mang theo cả điếu cầy, bùi nhùi bện bằng rơm! Đoàn người vây Nhật ngã Vũ Tiên rất ít súng. Người chỉ huy đeo khẩu mút cơ tông không gắn lưỡi lê. Ông ta mặc quần đùi, đầu đội khăn xếp và hàm răng đen nhức hạt na. Vũ nghĩ giá ông ta cắm cái lông ngỗng trên trán thì trông ông ta giống mọi da đỏ. Thỉnh thoảng, người chỉ huy đạo quân đánh Nhật lại trèo lên cái bục của phú lít ở giữa ngã tư, hai bàn tay um úp đưa sát mắt làm cái ống nhòm nhìn vào câu lạc bộ. Rồi nói lớn:
– Nhật sắp hàng rồi. Chúng nó đang thu dọn đồ đạc.
Đoàn người reo hò ầm ỹ. Người chỉ huy ra lệnh:
– Anh chị em đứng nên. Hễ giặc nùn rút nui qua Nam Định, ta sẽ bắt sống chúng.
Ông ta cao hứng, hô khẩu hiệu:
– Việt Nam độc nập muôn năm!
Bọn thằng Vũ ôm bụng cười khúc khích. Luyến vỗ vai Vũ:
– Nhà ái quốc này ngọng líu lưỡi!
Vũ hậm hực:
– Giống mọi da đỏ vây xe cao bồi quá. Ở Hà Nội là tấn công rồi. Dân Hà Nội cừ ba chê. Dân Thái Bình hạng bét. Răng đen nói ngọng mà đòi đánh Nhật.
Côn xoa tay:
– Giá bọn mình là người lớn nhỉ?
Long gật gù:
– Ừ, là người lớn, bọn mình đánh bay Nhật lùn rồi. Lính khố xanh bắn mãi chả chết thằng lùn nào thì chúa mọi da đỏ sẽ tho. Chỉ được cái nước nói phét.
Vũ kể lể:
– Tao thấy dân Hà Nội giết Nhật giữa phố đông người.
Côn hỏi:
– Mày có phiệu không đó?
Vũ vênh mặt:
– Mày chưa được ở Hà Nội thành ra mày không tin tao. Học sinh trường Bưởi dám vây trường Albert Sarraut đánh tụi Tây chẩy máu mũi. Hà Nội chiến lắm.
Côn bỏ qua chuyện Hà Nội của Vũ. Nó hướng tầm mắt nhìn lá cờ mặt trời chói chang dưới nắng lửa. Giọng nó buồn buồn:
– Tại thầy mình chưa về.
Luyến phân vân:
– Ừ, sao thầy mình chưa về nhỉ? Thầy mình mà về, cờ Nhật lùn bị hạ tút xuỵt.
Long lo ngại:
– Nhỡ mình không thắng Nhật lùn, nó trả thù thì chết hết.
Bốn đứa trẻ nhìn nhau. Chúng cố nhớ hình ảnh những thằng móc túi bị lính Nhật rút kiếm chém đứt bàn tay: những người nghèo, xóm nhà thằng Vọng, ăn trộm thóc của ngựa Nhật bị treo chân lên cành cây, đầu dốc xuống, chết giẫy giụa, đau đớn. Nhật ác hơn Tây. Nhật giết mẹ con thằng Vọng. Nhật bắt thầy Đàn dời bỏ ngôi trường thị xã. Chẳng biết thầy Đàn có mặt trong một đoàn người áo nâu nào không. Nhưng thằng Vọng thì chết rồi. Nó chết giấm giúi, chết không được nhìn xác mẹ nó.
– Cách mạng thành công muôn năm!
Người mặc quần đùi đeo khẩu mút cơ tông đã tháo súng khỏi vai. Ông ta hô hoán rồi chĩa súng lên trời bóp cò. Súng giật mạnh khiến ông ta ngã bổ chửng. Ông ta đứng ngay dậy, hất đầu:
– Tiến nên!
Đoàn người tay cầm liềm, cầm dao, cầm gậy chạy theo người chỉ huy răng đen đội khăn xếp. Họ hô vang khẩu hiệu đả đảo và múa gậy, máu dao y hệt mọi da đỏ từ các khe núi ào ra tấn công đoàn xe của cao bồi. Những chiếc bùi nhùi ngược gió, cháy bốc khói trông vui mắt đáo để. Bọn thằng Vũ ngạc nhiên thấy đoàn dân quê chạy tiến vào phía trại Nhật. Đã có lệnh đâu? Chúng nó vội vàng chạy theo.
Lúc ấy, mặt trời đã cao bằng đỉnh đầu. Những đoàn người áo nâu vây chờ khắp lối dẫn tới câu lạc bộ đã đến trước đoàn người ở ngả Vũ Tiên. Lính Nhật chĩa những họng súng máy đen ngòm ra ngoài. Chung quanh sân vận động, lính Nhật dàn hàng, lăm lăm nhả đạn. Hai cổng nhỏ dẫn vào sân vận động, lính Nhật xếp đầy bao tải cát. Trên thềm câu lạc bộ, mấy người sĩ quan đeo kiếm oai vệ.
Quân ta chỉ cách quân Nhật một vệ cỏ và bức tường thấp. Hai bên nhìn nhau căm giận. Mà không nổ súng. Quân ta hô khẩu hiệu. Quân Nhật cười. Một người tức quá, gân cổ chửi:
– Tiên sư Nhật lùn! Mày dám cười các bố mày à?
Nhật lùn híp mắt cười thêm. Người khác bắt giọng:
– Này thanh niên ơi, quốc gia đến ngày giải phóng…
Bài hát vừa trỗi dậy đã bị la ó:
– Đừng hát bài đó. Hát bài này. Chú ý, nghe tôi đây: Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc… Một, hai, ba…
Người ta cãi nhau ỏm tỏi về bài hát. Giữa lúc ồn ào xuýt xẩy ra đấm đá thì chiếc ô tô đít vịt xuất hiện. Đoàn người vây Nhật dạt sang môt bên để xe quan đầu tỉnh đi. Chiếc xe chạy từ từ rồi dừng trước cổng chính. Hai viên sĩ quan Nhật bước xuống, ra tận cổng bắt tay quan đầu tỉnh. Họ vào trong câu lạc bộ. Nửa tiếng sau, quan đầu tỉnh ra cùng với hai viên sĩ quan Nhật và người thông ngôn.
Quan đầu tỉnh giơ cả hai tay lên cao:
– Hỡi quốc dân, Nhật đã đầu hàng trên khắp chiến trường.
Mọi người nhẩy cỡn reo hò. Lính Nhật đứng nghiêm, đầu hơi cúi và không còn cười híp mắt nữa. Họ có vẻ buồn thảm.
– Nước nhà độc lập từ hôm nay. Người Nhật không dám sát hại dân ta nhưng dân ta không được sát hại lính Nhật. Chỉ đồng minh mới có quyền xử họ. Đồng minh sẽ tước khí giới Nhật và bỏ tù họ. Viên chỉ huy Nhật ngỏ ý xin lỗi quốc dân vì đã bắn chết vài người của ta. Bây giờ, họ muốn chúng ta để súng bên ngoài rồi mới được vào sân vận động làm lễ mừng ngày độc lập.
Một người thanh niên tách khỏi đám đông, bước gần cổng, dõng dạc:
– Chúng tôi không chịu bỏ súng bên ngoài.
Quan đầu tỉnh nói:
– Nếu vậy lính Nhật nổ súng và thị xã tan nát. Lính Nhật còn thừa súng đạn đánh nhau cả tháng. Đằng nào họ cũng thua trận rồi, họ tốt với ta nên muốn hòa.
Người thanh niên hỏi:
– Chúng tôi phải được hạ cờ Nhật, kéo cờ Việt Nam.
Quan đầu tỉnh bảo người thông ngôn nói cho viên chỉ huy Nhật nghe. Người thông ngôn nói lại:
– Cờ Nhật trên cờ Việt Nam!
Người thanh niên hằn học:
– Cờ Nhật dưới cờ Việt Nam. Nhật bại trận rồi.
Người thông ngôn nói nhỏ. Viên chỉ huy Nhật lắc đầu, xí xố tiếng Nhật. Người thông ngôn nói:
– Không kéo cờ nước nào cả.
Người thanh niên cương quyết:
– Vậy chúng tôi rút và đánh Nhật từ đêm nay. Chúng tôi sẽ giết hết lính Nhật.
Quan đầu tỉnh và hai viên sĩ quan Nhật lại vào câu lạc bộ bàn bạc. Lát sau, chỉ có quan đầu tỉnh và viên chỉ huy bước ra. Quan đầu tỉnh phấn khởi:
– Nhật bằng lòng hạ cờ để chúng ta kéo cờ Việt Nam. Họ xin chúng ta tôn trọng lời hứa.
Người thanh niên dứt phăng ngực áo. Những chiếc khuy rơi rụng:
– Chúng tôi hứa danh dự.
Viên sĩ quan tuốt kiếm, cúi đầu chào người thanh niên. Lập tức, những lối vào sân vận động được lính Nhật dẹp bỏ bao tải cát. Bên ta dựng hết súng mút cơ tông ở chân tường. Gậy, dao, liềm, súng lục chất đống. Bây giờ, dân thị xã kéo tới rất đông. Đàn ông, đàn bà, trẻ con đều bị lính Nhật xoa nắn khắp mình khám xét xem có đem vũ khí vào không.Nhật đã dở trò phản bội. Lính Nhật vừa khám đàn bà, con gái vừa cười. Ai cũng phải giơ tay cho lính Nhật khám. Lính Nhật chụp ảnh. Người thanh niên nhẩy song phi đá tung máy ảnh của lính Nhật, vồ lấy, tháo phim, lôi ra. Viên chỉ huy hét lớn. Lính Nhật không dám làm gì người thanh niên.
Vũ nhẩy xô lại nắm tay người thanh niên, khen ngợi:
– Anh cừ quá!
Côn nheo mắt:
– Mày còn chê dân Thái Bình nữa không?
Nó hỏi người thanh niên:
– Tên anh là gì?
Người thanh niên xoa đầu Côn:
– Huy.
Vũ mở to mắt chiêm ngưỡng người nó mến phục:
– Anh Huy, anh không đeo súng à?
Huy chỉ ngón tay vào ngực:
– Trái tim mạnh hơn súng.
Anh ta giục bọn Vũ:
– Các em vào dự mít tinh đi.
Lính Nhật vẫn khám xét từng người. Vũ kéo bạn sang bên kia đường. Nó nhặt đá nhét vào túi quần soóc. Côn hỏi:
– Chơi trò gì đây?
Vũ đáp:
– Xỏ tụi giặc lùn.
Bốn đứa trẻ khuỳnh tay, hiên ngang bước qua cổng. Lính Nhật nắn túi quần chúng. Tưởng tạc đạn, lính Nhật dạt xa, chĩa súng đề phòng. Bọn thằng Vũ giơ tay lên trời. Chờ một tên lính Nhật lôi đá khỏi túi quần, chúng “a ri ga tô” chế nhạo và cười sung sướng. Vũ tưởng nó đã trả thù cho dân thị xã. Chúng nó cắm cổ chạy nhưng còn cố quay lại lè lưỡi chửi gỡ Nhật lùn.