VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (124): Con Thúy (kỳ 23)

Duyên Anh

Chương 23

Cả thị xã bàng hoàng. Giặc Pháp đã đánh chiếm Hà Nội. Như năm ngoái, tiếng súng gây hấn của xâm lăng đã vang sông núi miền Nam, lại vang sông núi miền Bắc năm nay. Những chiếc xe Con Voi của ông Lê Văn Định nằm xếp hàng ở bến Hà Nội không về Thái Bình được. Tài xế và ét đành bỏ xe, chạy bán sống bán chết. Họ thuật chuyện Hà Nội cháy. Lửa bốc cao. Đứng tận Phủ Lý còn thấy lửa rực một phía trời. Dân chúng lũ lượt bồng bế, dắt dìu nhau ùa ra năm cửa ô, tản mạn về các vùng lân cận. Chỉ có thanh niên ở lại chiến đấu, quyết bảo vệ thủ đô. Họ nói giặc Pháp đưa xe tăng, thiết giáp khạc đạn liên hồi, sau bằng những ổ súng liên thanh kháng chiến của ta. Họ làm như tận mắt họ nhìn rõ hai bên giao tranh. Nhưng mọi người tin họ, hối thúc họ kể chuyện Hà Nội cháy. Và họ say sưa kể, giọng đầy phẫn nộ và tin tưởng. Câu chuyện truyền đi rất mau. Nội buổi tối, cả thị xã biết giặc Pháp đang bị phơi xác trên ba mươi sáu phố phường Hà Nội. Nỗi bàng hoàng tan biến. Dân Thái Bình hướng về Hà Nội trông chờ tin chiến thắng.

Mấy hôm sau báo Cứu Quốc mới rao bán. Dân thị xã mua đọc. Không đủ. Chuyền tay nhau đọc. Hồ chủ tịch kêu gọi toàn dân kháng chiến đuổi thực dân Pháp khỏi Việt Nam yêu dấu. Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Khẩu hiệu mới đó. Tăng gia sản xuất là diệt Pháp. Cũng khẩu hiệu mới. Nhớ ngày Hồ chủ tịch sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, nhi đồng được dạy hát nhiều bài ước vọng:

Vắng bác Hồ yêu dấu

Lòng bâng khuâng cháu sầu nhớ nhung

Bác có nhớ cháu không

Từ lúc con chim bằng cất cánh

Buồn thẫn thờ nhìn theo chim kia

Nhẹ cánh khuất trong mây

Quay bước chân trở về

Chờ mong tháng ngày

Nhớ nhung bác Hồ ở nơi xa vắng

Nối tâm chí tranh giành

Để quyền lợi cho nước Nam

Trong tâm mong nghe thấy

Khải hoàn vang khúc ca

Mong bác mau trở về với chúng ta.

Không có khúc ca khải hoàn khi bác Hồ hồi hương. Giặc Pháp chiếm gần hết Nam Bộ và kéo quân ra Bắc Bộ. Bác Hồ trở về buồn thiu. Bác Hồ khó mà vui nghe nhi đồng hát:

Đêm trăng cháu nhớ bác Hồ

Cháu ca cháu hát cháu hô vang trời

Bác Hồ ơi bác Hồ ơi

Bác cho chúng cháu những mười cái hôn.

Bác Hồ quên cả những lời hứa hẹn trước ngày sang Pháp. Bây giờ, bác bảo trường kỳ kháng chiến. Thế là đánh nhau lâu lắm. Thế là chắc chắn có chia ly, xa cách. Trái tim Bắc Bộ bị lưỡi lê giặc đâm thủng. Toàn Bắc Bộ đau đớn, run rẩy. Nghĩ đến thù nước. Chỉ nghĩ đến thù nước: Chẳng cần nghĩ đến bác Hồ. Giặc Pháp mà chiếm xong Hà Nội, sẽ xuống Nam Định và tràn qua Thái Bình. Dân thị xã mong mỏi thủ đô là mồ chôn giặc Pháp. Hướng về Hà Nội, tin tưởng tràn trề. Báo Cứu Quốc bán đều đều. Hà Nội đã lập đội Tự Vệ Thành gồm toàn những thanh niên yêu nước tình nguyện ở lại giữ từng căn gác, từng phu phố, từng khe cống Hà Nội. Tường nhà nọ đục thủng xuyên qua tường nhà kia, tuổi trẻ Hà Nội đứng lên làm lịch sử. Tóc lộng gió, mắt rực căm thù, tuổi trẻ Hà Nội nhào ra cướp súng giặc giết giặc. Tuổi trẻ Hà Nội nằm giữa đường cản xe tăng. Xe tăng nghiến nát. Không dọa nạt nổi lòng kiêu hùng. Ôm lựu đạn xông thẳng vào xe tăng. Nhẩy lên xe tăng dùng thân xác mình bịt kín nòng súng giặc. Một mình ngạo nghễ với chai xăng đốt cháy xe tăng giặc. Giữ từng con phố, giữ từng hàng cây. Tâm hồn chiến đấu với súng đạn tối tân của giặc. Chết cho tổ quốc. Chết cho Hà Nội tồn tại, bất diệt. Thịt máu tung lên. Cây Việt nam sẽ tươi thắm.

Báo Cứu Quốc không ngày nào quên tường thuật những cuộc chống trả gan dạ, phi thường của Tự Vệ Thành. Nam Bộ có Thanh Niên Tiền Phong. Bắc Bộ có Tự Vệ Thành. Dân Thái Bình đọc báo mà cảm xúc mà chiêm ngưỡng dân Hà Nội. Và mỗi ngày một cuộc biểu tình tuần hành đả đảo giặc Pháp, hoan hô Tự Vệ Thành chiến đấu anh dũng. Tiếng súng chưa vang tới Thái Bình. Sinh hoạt vẫn bình thường. Thì giờ dành nhiều cho thù hận giặc Pháp. Ở góc phố, ở sân trường, những trái đấm phóng vào không khí, những lời nói rít qua kẽ răng: căm thù giặc Pháp. Vũ và bạn bè của Vũ lớn thêm một chút. Lịch sử làm lớn những hồn đào niên thiếu. Lịch sử luôn luôn có phép nhiệm mầu. Nó quyến rũ cả những ai không thích nó. Nó huyễn hoặc nhiều người. Và khối kẻ theo đuổi lịch sử cho đến khi tỉnh giấc mê đời mới biết mình lạc đường vào lịch sử. Những bài báo tường thuật những trận đánh như đùa giỡn với giặc Pháp của Tự Vệ Thành khiến Vũ say mê. Nỗi ám ảnh mất mát, xa lìa đã có chỗ trốn nấp kín đáo. Tưởng tượng Pháp chiếm Thái Bình, Vũ và bạn bè của Vũ và thanh niên, thiếu niên thị xã sẽ noi gương Tự Vệ Thành, sẽ chiến đấu giữ từng con phố, từng bờ tường, từng mái hiên. Chắc chắn, Vũ sẽ bảo vệ con phố nhà Thúy, bảo vệ hàng cây hồi.

Vũ chiến đấu cho sự bình thản của Thái Bình, nơi Vũ sinh ra, lớn lên, hưởng trọng hoa niên và biết yêu thương. Vũ sẽ chỉ chiến đấu vì thế, chiến đấu vì quê hương bé nhỏ của Vũ. Chiến đấu cho sum họp, gần gũi. Chiến đấu để khỏi chia lìa, ngăn cách và buồn thảm. Ước mơ của Vũ thật giản dị. Thái Bình mãi mãi là Thái Bình. Chẳng cần huy hoàng, mới lạ. Mới lạ dễ thành xa lạ. Huy hoàng cũng là biên giới cách ngăn. Cứ nhỏ bé cho những tâm hồn gần gũi, thân mật những tâm hồn. Dòng sông Trà Lý có một mùa nước lũ cuồn cuộn. Rồi lại lờ lững êm đềm. Dòng sông ôm gọn nỗi vui buồn của cuộc đời tỉnh lỵ. Mùa xuân, mùa hạ rộn rã tiếng cười. Mùa thu thở dài lo lắng. Mùa đông ngồi buồn ôm kỷ niệm. Hạnh phúc làm bằng những thứ bình thường đó. Và người ta phải chiến đấu cũng bởi người ta không muốn mất hạnh phúc đơn sơ. Như Vũ, Vũ bằng lòng sống đến già ở thị xã Thái Bình. Vũ nghĩ rằng, những phương trời xa, có thể, rực rỡ gấp ngàn lần thị xã của Vũ nhưng không thể có cầu Bo, sông Trà Lý, đền Mẫu, hồ Phúc Khánh, cống Kỳ Bá, những nơi Vũ đã dàn trải kỷ niệm ấu thời với bạn bè. Nhất là không thể có Thúy, có hàng cây hồi mui thơm hăng hắc khắp phố trừ phố nhà Thúy. Thúy là mùa xuân của Vũ là ý nghĩa tuyệt vời của cuộc đời nối tiếp.

Thanh niên Hà Nội đang sống chết giữ Hà Nội, nhất định, không bao giờ vì những khẩu hiệu, vì ảo vọng cách mạng, vì thích làm lịch sử, vì chủ tịch Hồ Chí Minh, vì những thúc giục phù du, mà phần lớn chỉ vì thành phố của mình, nơi mình sinh trưởng, nơi mình ghi khắc kỷ niệm, nơi mình biết yêu và được yêu. Người ta chiến đấu cho tình yêu trước hết. Vũ sẽ chiến đấu cho tình yêu. Mà tình yêu Thúy là lý tưởng chiến đấu tuyệt đối. Không vì tình yêu, không ai say mê chiến đấu. Không vì tình yêu kẻ chiến đấu giống hệt gã điên rồ bắn bừa, chém bậy. Và khi chiến thắng trở về, lòng kẻ đi chiến đấu sẽ trống rỗng, quạnh hiu. Thường là chiến bại. Bởi có gì mong đợi mình chiến thắng trở về? Chiến đấu cho tình yêu, chết cho tình yêu, đó là ý nghĩa rạng rỡ nhất của cuộc sống một người.

Vũ chấp nhận chiến đấu. Để bảo vệ thị xã thân yêu của Vũ. Để bảo vệ người thân yêu của Vũ. Để dòng sông Trà Lý muôn thuở êm đềm. Để cầu Bo muôn thuở vững chãi. Để hàng cây hồi con phố nhà Thúy muôn thuở ngát thơm. Và để mãi mãi yêu Thúy. Nhưng, có lẽ, Vũ không cần chiến đấu. Giặc Pháp sẽ bị đuổi khỏi Hà Nội, Hải Phòng, Nam Bộ. Giặc Pháp sẽ bị đuổi khỏi Việt Nam. Giặc Pháp khó mà bén mảng sang Thái Bình.

Comments are closed.