VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (124): Con Thúy (kỳ 3)

Duyên Anh

Chương 3

Bọn thằng Vũ đã lách qua mấy vòng đai người lớn để được nhìn rõ chân cột cờ. Những tên lính Nhật hung ác hôm giỗ tổ Hùng Vương đang đứng nghiêm, hướng về phía mặt trời mọc. Lá cờ Nhật từ từ tụt xuống.Y hệt mặt trời lặn vào buổi chiều. Khi lá cờ được gỡ ra khỏi sợi dây, nước mắt lính Nhật ứa ra, chẩy đầm đìa. Bây giờ, khuôn mặt họ lầm lỳ, buồn thảm. Vẻ hung ác biến mất. Một tiếng cười vang dậy trong đám đông. Lính Nhật hướng mắt tìm nơi có tiếng cười chế nhạo.Nhưng họ cúi đầu. Họ đã là những kẻ bại trận. Mười một người cùng nâng niu lá cờ Mặt Trời, xoay lưng lại và bước nhanh trả giây phút vinh quang cho dân Việt Nam.

Anh Huy phóng nhanh tới cột cờ. Hai bàn tay nắm chặt hai sợi dây. Gió bỗng thổi mạnh.Tóc anh Huy lộng bay. Anh hét vang:

– Giờ lịch sử đã điểm, chúng ta kéo cờ và tung hô Việt Nam vạn tuế!

Anh Huy lôi từ túi quân tây ra một lá cờ vàng. Rất nhanh nhẹn, anh khiễng chân giơ cao cho mọi người nom thấy.

– Hỡi quốc dân, đây là quốc kỳ Việt Nam!

Anh Huy chưa kịp buộc cờ vào dây thì hàng chục người áo nâu đã ào ra, đẩy anh ngã chúi. Họ móc lá cờ đỏ giấu trong ngực, buộc vội vàng rồi kéo lên. Lá cờ đỏ bay phần phật. Dưới nắng trưa, lá cờ chói chang, ngạo nghễ. Cả thị xã ngước nhìn lá cờ đỏ. Một người áo nâu đeo súng lục hô khẩu hiệu:

– Cách mạng thành công muôn năm!

Thoạt đầu, chỉ độ vài chục người hô muôn năm. Dần dần, cả thị xã reo hò muôn năm.

– Cách mạng thành công muôn năm!

– Muôn năm!

Người áo nâu đeo súng lục được năm người khác chụm lại để anh ta đứng trên vai. Dân thị xã vỗ tay bravo ầm ỹ. Vũ không hiểu tại sao anh Huy, người dám phanh ngực thách kiếm Nhật, người bảo trái tim mạnh hơn súng, người làm Vũ mến phục và làm Côn hãnh diện là dân Thái Bình lại bị đẩy ngã? Hai cánh tay anh đang bị hai bàn chân đè chặt. Một người nằm trên lưng anh, tay dúi đầu anh không cho ngóc lên.

Vũ bấm Côn:

– Họ bắt nạt anh Huy, mày biết tại sao không?

Côn chớp mắt:

– Tao không biết.

Vũ liếm môi:

– Anh Huy chống giặc lùn mà…

Côn gật đầu:

– Ừ, anh ấy kền lắm.

Hai đứa trẻ đang phân vân thì người áo nâu đeo súng lục đứng trên kiệu người đã oang oang nói:

– Hỡi quốc dân đồng bào, đây là tiếng nói của cách mạng. Cờ cách mạng tô bằng máu của các chiến sĩ Bắc Sơn, Đô Lương, Thái Nguyên.Cờ vàng không phải cờ cách mạng diệt phát xít.Chỉ cờ đỏ mới là cờ của cách mạng đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập.

Người áo nâu giơ tay lên:

– Cách mạng thành công muôn năm!

Dân thị xã reo hò:

– Muôn năm!

– Việt Nam độc lập muôn năm!

– Muôn năm!

Chờ cơn sóng reo hò lắng lại, người áo nâu nghiến răng, cắn môi dưới, hai tay dang rộng:

– Ai chống cách mạng là theo bọn phản động.

Người này hô lớn:

– Đả đảo bè lũ phản động liếm gót giầy thực dân và phát xít.

Đợt sóng cuộn lên:

– Đả đảo!

Không ai cần biết người thanh niên phanh ngực đứng hiên ngang thách thức với kiếm Nhật. Cũng chẳng ai tìm hiểu tại sao anh ta đã bị xô ngã và kìm giữ, trừ thằng Vũ và thằng Côn. Dân thị xã đã nhập vào cuộc chơi lớn.Tất cả vui mừng, hớn hở như trẻ con trong cuộc chơi cướp cờ. Trong cuộc chơi này, ai nhanh chân, mưu mẹo, cướp được cờ chạy về bên mình là người ấy được vỗ tay, khen ngợi. Kẻ thua cuộc luôn luôn là kẻ chụp hụt lá cờ hay chụp cờ rồi mà bị đuổI theo xô ngã khi chưa về đến đích.

Người áo nâu đeo súng lục rút khẩu súng khỏi bao da:

– Phát xít Nhật không dám động tới người cách mạng. Tôi thách phát xít Nhật tước súng của tôi. Chúng lại gần, tôi sẽ bắn chết hết.

Dân thị xã nhìn người áo nâu bằng đôi mắt cảm phục. Luyến thích chí:

– Cừ ghê!

Và biển sóng cổ võ người áo nâu dâng lên ào ạt. Vũ hỏi Côn:

– Mày có tin không?

Côn nói:

– Tin chứ. Nhật đếch dám khám ông ta là ông ta kền rồi.

Hai đứa quên mất anh Huy, quên mất người thanh niên mà chúng ngờ rằng bị bắt nạt. Chúng hướng tầm mắt nhìn người áo nâu đang hãnh diện khẩu súng lục trong tay mình.

– Đồng bào sửa soạn làm lễ chào cờ mừng ngày cách mạng thành công.Tôi hô “nghiêm”, đồng bào đứng nghiêm, ngước mắt lên lá cờ. Chú ý, tôi sẽ bắn phát súng.

Người áo nâu hắng giọng:

– Nghiêm, chào cờ… chào!

Khẩu súng giơ lên trời. Bóp cò. Bóp mãi mà súng không nổ. Một chuỗi cười giòn tan trong sự im lặng. Người áo nâu giận dữ:

– Ai cười cách mạng là phản động. Hát đi, các đồng chí! Hát bài chào cờ…

Bài hát khởi sự: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…” Vẫn chừng vài chục giọng hát. Người áo nâu giục:

– Đồng bào hát to lên!

Nhưng dân thị xã không ai thuộc bài hát mới. Người áo nâu hất tay:

– Thôi.

Bài chào cờ dang dở.Anh Huy không còn bị kìm giữ nữa. Người áo nâu cười sung sướng và gây sóng gió:

– Cách mạng thành công muôn năm!

– Muôn năm…

– Việt Nam độc lập muôn năm!

– Muôn năm!

Người áo nâu nhẩy xuống sân cỏ. Đoàn quân cách mạng dẫn đầu, theo sau là dân thị xã, kéo nhau dời khỏi sân vận động. Lúc ấy đã quá hai giờ trưa. Lính khố xanh xô nhau nhặt súng dựng ngoài tường sân vận động. Những người khác lượm dao, liềm, gậy, bùi nhùi, cãi nhau chí chóe. Rồi cái đám đông hỗn loạn đi tuần hành khắp các phố thị xã. Hai tiếng muôn năm và muôn lăm cơ hồ sấm sét nổ vang trong một trận mưa lớn.

Tới một con phố nhỏ. Vũ và Côn thấy anh Huy thất thểu tách rời đám đông. Hai đứa chạy ra. Vũ nắm tay anh Huy:

– Anh ơi, phản động là gì?

Anh Huy buồn bã xoa đầu Vũ:

– Lớn khôn em sẽ biết kẻ phản động.

Côn hỏi:

– Còn đồng chí là gì hở, anh?

Anh Huy cười gượng:

– Là anh em mình.

Anh giục hai đứa:

– Thôi, các em đi chơi cho vui.

Vũ và Côn lại nhập vào đám đông để được hò hét muôn năm. Chúng nó không đói. Cũng chẳng ai buồn đói. Cách mạng làm no mọi người trong ngày hôm nay. Đi hết một vòng thị xã, mạnh ai về nhà người ấy.Và thế là cách mạng đã thành công.

Comments are closed.