VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (129): Con Thúy (kỳ 8)

Duyên Anh

Chương 8

Sau một đêm mưa tầm tả, đê Trà Lý vỡ. Nước lũ dâng cao và chảy siết. Những khúc đê mới được tu sửa, đắp cao không chịu nổi sức cuốn của dòng nước lũ hung bạo và nước mưa xối xả, đã tan vã, vỡ tung. Nước lũ có lối thoát, ào ào chảy xuống những cánh đồng lúa con gái xanh mướt. Thoạt đầu, con đê phía bên kia cầu Bo bị nước lũ cắt một khúc dài. Các phủ huyện Thái Ninh, Hưng Nhân, Quỳnh Côi, Phục Dực chìm nghỉm dưới biển nước mênh mông. Rồi con đê phía bên này cầu Bo ục vỡ. Hai huyện Vũ Tiên, Thư Trì, Kiến Xương chịu chung cảnh ngộ lụt lội. Chỉ còn vài huyện miền bể là thoát nạn.Thị xã gần Vũ Tiên, xa khúc đê vỡ nên mãi buổi trưa, nước mới tràn tới. Trong khi đó, nước lũ vẫn hung hăng siết chân cầu Bo và mặt nước sông vẫn cao hơn mặt đất. Tiếng trống hộ đê im bặt. Tiếng đập của trái tim dân tỉnh lỵ cũng ngưng, nhường cho tiếng thở dài ảo não…

Trẻ con thị xã chạy xô ra đường phố nghịch nước. Nước ngập đường, ngập vỉa hè. Đến tối, nước ngập nền nhà. Sáng hôm sau, mực nước đứng lại, bằng mực nước sông nhưng ở những con đường thấp nhất, nước vẫn ngập tới bụng người lớn. Không khí cách mạng chìm trong tiếng thở dài ảo não của dân chúng. Nhìn biển nước ngầu đỏ, chẳng ai thiết hoan hô cách mạng thành công.Tỉnh lỵ đợi một trận chết đói như trận chết đói thảm khốc hồi tháng ba. Dòng nước lũ oan nghiệt đã cuốn trôi hết sự nghiệp của dân quê. Trâu, bò, lợn, gà, nhà cửa bị cuốn phăng. Cả người nữa. Đứng trên cầu Bo, nhìn biển nước mênh mông, thấy toàn những ngọn cây và mái nhà cao từ xóm làng xa xa. Không biết lấy gì mà sống chờ vụ chiêm sang năm. Chín tháng trời nhịn đói ư? Dân thị xã lo lắng, sợ hãi và bắt đầu ăn một bữa. Nhiều gia đình nghèo đã kéo nhau xuống huyện Tiền Hải kiếm kế sinh nhai. Vẻ buồn đen sẫm trên bức họa tỉnh lỵ. Người ta oán trách trời đất gieo rắc khổ đau liên tiếp cho dân Thái Bình hiền lành, chất phác và chung thủy. Hết Pháp đô hộ đến Nhật xâm lăng. Rồi chết đói, chết no. Rồi cách mạng ồn ào. Và lụt lội. Chưa đầy một năm, dân tỉnh lỵ chứng kiến và chịu đựng mấy phen tủi cực. Tự nhiên, không ai thích đời sống mới nữa. Tất cả đều mơ ước đời sống cũ tẻ nhạt nhưng bình yên, an phận nhưng no lành.

Cách mạng chừng hiểu được ý nghĩ của dân tỉnh lỵ nên suốt ngày, trên những chiếc thuyền nan, nhân viên tuyên truyền với chiếc loa đồng cũ kỹ, bơi khắp phố loan báo tin chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sẽ lo cứu trợ nạn lụt. Tuyên truyền trấn an dân chúng và không quên dọa xử tử Việt gian. Ai chống cách mạng là Việt gian! Ai không tin tưởng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng là Việt gian! Không ai muốn chết khổ sở như ông Ban. Thành thử, những ý nghĩ chán ghét đời sống mới chỉ là ý nghĩ âm thầm của từng người. Hôm nọ, trong buổi mít tinh nghe ông chủ tịch Thái Bình đọc bức thư từ bỏ ngai vàng của vua Bảo Đại để trở về làm công dân nước độc lập, một người nói đùa: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Lập Cập Trộn Gio Trộn Chấu đã bị bắt nhốt. Phải nói Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc! Lại có người hát bài chào cờ đổi câu Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước, súng ngoài xa vang khúc quân hành ca thành Cờ in máu kiến cắn kêu làng nước, ối giời ơi đau quá dân mình ơi cũng bị bắt nhốt. Bởi vậy, khi chiếc loa đồng vang vang lời trấn an, dân chúng đành một lòng tin tưởng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng suốt lãnh đạo.

Bọn thằng Vũ chưa có ý nghĩ âm thầm của người lớn.Cái chết của ông Ban đã thoáng qua trong tâm hồn chúng. Bây giờ, chúng nó chỉ buồn gì không được chạy rông ngoài phố hoan hô cách mạng. Và Vũ, Vũ buồn hơn vì chưa nghĩ được cách nào tới thăm con Thúy và làm con Thúy phục nó. Thị xã đã đầy thuyền bè. Dân chúng di chuyển bằng thuyền. Cả những cánh cửa gỗ cũng đã được gỡ ra, kết bè. Vũ nghĩ tới bè chuối của nó, bơi sang bên kia sông Trà Lý cớp vải năm xưa. Ánh mắt Vũ sáng ngời. Nó vội thủ một con dao, mặc trần xì cái quần đùi, lội qua nhà thằng Côn sau một tuần lễ buồn bã.

Côn nghe Vũ nói chuyện chặt chuối kết bè, sướng rên. Thế là bọn thằng Vũ và mấy đứa nhi đồng cầu Kiến Xương bơi vào Kỳ Bá chặt chuối. Những cây chuối hột thật cao đã ủng rễ, bị bọn thằng Vũ hạ rạp. Chẳng ai thèm ngăn cản chúng nó. Vũ bảo các bạn kéo chuối ra cống Kỳ Bá.Mặt cống chỉ sấp sỉ nước. Chúng chặt tre, vót cọc, đóng bè tại đây. Năm chiếc bè chuối hai tầng của bọn thằng Vũ vừa dài, vừa rộng, đủ sức chở năm ông nhãi trên một chiếc. Năm “thuyền trưởng” Vũ, Côn, Luyến, Long, Lộc chống sào, đẩy bè về thị xã.

Vũ nhớ anh em thằng Vũ sún ở Cống Đậu, nó nói:

– Giờ mà có thủy chiến, tao làm thuyền trưởng Bờ-lút!

Lộc kháy:

– Trông mày giống E-rô Fin ghê!

Vũ cười:

– Giống mạnh sền gù! Nhi đồng Kiến Xương chiến nhất tỉnh.

Tự hôm Vũ về Thái, Vũ nói nhiều tiếng mới. Bọn thằng Côn không hiểu và quên hỏi. Nay Luyến chợt nhớ ra. Nó hỏi Vũ:

– Chiến là gì?

Vũ phưỡn ngực:

– Là cừ nhất hạng. Dân Hà Nội thích nói chiến lắm. Cừ, kền vất đi, thua chiến.

Luyến khoái chí:

– Bè của tụi mình chiến quá!

Nó nheo mắt:

– Còn mạnh sền gù?

Vũ hất tóc:

– Là mạnh hơn cả mạnh thủy tinh, là ghê gớm…

Chẳng mấy nả, năm cái bè chuối đã được đẩy về phố nhà Vũ. Những cuộc phản đối phát xít Nhật vẫn xẩy ra hàng ngày. Song nước chưa cạn nên chưa có biểu tình đả đảo Nhật dù Nhật đã làm cho đê vỡ! Chính quyền Thái Bình quả quyết chính Nhật và Việt gian đã ngấm ngầm đem bộc pha làm nổ tung đê điều. Trò chơi cách mạng đả đảo Nhật không hấp dẫn trong mùa lụt. Thành ra chỉ có những chiếc thuyền câu chở nhân viên tuyên truyền đi đả đảo. Vũ gặp dịp may này. Nó ra lệnh chở hai mươi nhi đồng cầu Kiến Xương theo đuôi những chiếc thuyền câu của nhân viên tuyên truyền. Những đứa trẻ được tiếng cứu quốc. Thực ra, chúng nó khoái đùa nghịch.

Trên một chiếc bè, có thằng cởi truồng, lấy quần đùi của nó treo lên đầu cành tre và cắm ở đầu bè. Cờ quần đùi của nhi đồng cầu Kiến Xương bay phần phật như cờ đỏ sao vàng của cách mạng. Nhi đồng khu phố khác bắt chước nhi đồng cầu Kiến Xương, đẵn chuối kết bè, lênh đênh suốt ngày khắp đường thị xã. Chúng đả đảo Nhật, hoan hô cách mạng, vạn tuế Hồ Chí Minh, tung hô Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa muôn năm, Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc muôn năm. Nhờ những ông nhãi mà không khí cách mạng tỉnh lỵ không bị nước lũ cuốn trôi. Những ông nhãi thì chẳng hề biết mình đã cứu nguy cách mạng.

Vũ tách năm chiếc bè của nhi đông cầu Kiến Xương khỏi đoàn biểu tình trên nước. Nó dẫn đầu, chống sào, đẩy bè qua phố nhà con Thúy. Đến trước cửa nhà Thúy, Vũ sực nhớ “thuyền trưởng” Côn. Nó bỏ ý định gây huyên náo để con Thúy hé cửa sổ chiêm ngưỡng nó. Vũ chống sào lẹ, đẩy bè lướt nhanh. Nó nghĩ thầm “Chả lẽ mặc quần đùi vào nhà bác Thụy”. Vũ tự nhủ: “Mình sẽ diện đẹp và con Thúy sẽ lác mắt”. Vũ cao hứng huýt sáo bài quen thuộc. Bọn nhi đồng hát vang:

“… Kìa lời gió ngàn

Kìa lời sông núi

Nhắc nhở em rằng tuy mình đang còn thơ ấu, nhưng nhất tâm trật tự vâng lời vâng lời người trên…

… Ơn nước non em nguyền dám đâu xa rời.

Em trọn đời trung với Việt Nam…”

Tiếng hát lan tỏa trên mặt nước lặng lờ. Sao tâm hồn vũ xốn xang thế? Nó đã có một niềm vui riêng sau niềm vui chung. Vũ hét lớn:

– Về phố mình!

Comments are closed.