Văn học miền Nam 54-75 (176): Đinh Hùng (6)

Một số đặc điểm nghệ thuật thơ Đinh Hùng[i]

 

Trương Quốc Huy

Độc giả đến với thi giới Đinh Hùng cũng như đặt chân vào một mê lộ thần bí của cảm giác mà trên tay cầm những mảnh ghép vốn là những ẩn dụ, biểu tượng, kí hiệu… mà nhà thơ đã tạo nên bằng trực giác theo lối thần khải. Và độc giả phải hoàn thành trò chơi xếp hình trong khi nghe bản hoà âm của sự ám gợi để có thể tìm thấy con đường dẫn đến cái đích cuối cùng: đối diện với thi sĩ.

Hy vọng trong phần này của luận văn, người viết có thể giúp được người đọc hoàn thành trò chơi xếp hình ấy.

 

Biểu tượng trong thơ Đinh Hùng

Thơ là biểu tượng, là hình ảnh. Thơ tạo dựng một vũ trụ qua trung gian biểu tượng, một vũ trụ phi thực, một vũ trụ chỉ có ý nghĩa trong tính cách phi thực của nó. Hơn đâu hết, biểu tượng hình ảnh là điều kiện của thơ, lí do tồn tại của thơ, biểu tượng chính của thơ [19, tr.314].

Không phải ngẫu nhiên mà Huỳnh Phan Anh lại nhấn mạnh vai trò của biểu tượng trong thơ đến nhường ấy. Bởi lẽ, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật theo nghĩa rộng. Còn theo nghĩa hẹp thì biểu tượng chính là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật có khả năng truyền cảm cao, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện được một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lí sâu xa về con người và cuộc đời [64, tr.24].

Tuy nhiên, đó mới chỉ là cách hiểu về biểu tượng dưới góc độ thơ ca, góc độ văn học nghệ thuật nói chung. Còn đối với Chủ nghĩa tượng trưng (Symbolism), nội hàm của khái niệm biểu tượng lại có những sắc thái riêng biệt. Như thế, việc làm rõ những nét khác biệt của biểu tượng trong thơ tượng trưng là rất cần thiết, bởi căn cứ vào đó ta có thể hiểu thêm và nắm được một số đóng góp về mặt nghệ thuật của Đinh Hùng.

Theo công trình nghiên cứu của Nguyễn Hữu Hiếu [49, tr.156-159], có ba sự khác biệt giữa biểu tượng trong thơ tượng trưng so với biểu tượng theo cách hiểu thông thường. Chúng tôi xin được tóm lược lại như sau:

Thứ nhất, biểu tượng trong thơ tượng trưng gắn liền với quan niệm về tính thống nhất của vũ trụ.

Bởi vì, trong cách nhìn của các nhà thơ tượng trưng, thế giới mang tính nhất thể, giữa con người và thế giới có mối liên hệ huyền bí mơ hồ. Thêm nữa, họ còn quan niệm là thơ ca phải khám phá thế giới ở bề sâu, ở những cái chưa biết, vô hạn và vĩnh cửu chứ không có chức năng mô tả thế giới nhìn thấy. Do vậy, với cách nhìn ấy, biểu tượng đã vượt ra khỏi chức năng thuần tuý của nó là phương tiện nghệ thuật hoá sự phản ánh của đời sống và biểu hiện tâm hồn con người. “Tính khả giác” (từ dùng của Jean Moréas) cùng với sự cho phép liên tưởng vô hạn của biểu tượng đã làm nó trở thành một yếu tố không thể thiếu để diễn đạt tính thống nhất “thâm u và sâu xa” của thế giới.

Thứ hai, khác với biểu tượng trong cách dùng và cách hiểu thông thường là được xuất phát từ khách thể hoặc từ nhận thức về khách thể để gán cho nó ý nghĩa biểu tượng, biểu tượng trong thơ tượng trưng phần nhiều không còn điểm tựa hay gợi ý từ phía ngoại giới mà phụ thuộc vào tưởng tượng hay kinh nghiệm tinh thần của các nhà thơ tượng trưng, bởi thế giới đối với họ là thế giới được nhận ra, phi không gian và thời gian, có tính chất siêu nghiệm. Do đó, tính chủ quan là một đặc điểm hết sức quan trọng của biểu tượng trong thơ tượng trưng. Đặc tính đó cho phép các nhà thơ mở ra khả năng vô hạn để nhận ra, để diễn đạt thế giới bằng nhãn quan riêng biệt của mỗi người.

Thứ ba, đối với thơ tượng trưng, tuy biểu tượng vẫn được sử dụng như những kí hiệu thẩm mĩ nhưng đặc tính qui ước, thói quen sử dụng mang tính kinh nghiệm có xu hướng được gạt bỏ để trở thành cái hoàn toàn mới, tư do, bột phát.

Nói một cách hình tượng như Saint Pol Roux thì: Chủ nghĩa lãng mạn chỉ ca ngợi vẻ lóng lánh, và những vỏ sò, và những côn trùng nhỏ bò ngang trên lớp cát dầy. Chủ nghĩa tự nhiên tỉ mẩn đếm từng hạt cát, trong khi thế hệ nhà văn tương lai, những kẻ đã đùa chơi thỏa thích đủ đầy với những hạt cát này, sẽ thổi bay đi để tiết lộ một biểu tượng ẩn giấu dưới nó…[103].

Và như thế, đối với chúng tôi, việc đi tìm chìa khoá để giải mã những biểu tượng trong thơ Đinh Hùng thực sự là một việc rất khó khăn vì không có gợi ý nào từ chính cố thi sĩ cũng như từ ngoại giới như đã nói. Trong khả năng của mình, người viết cũng cố gắng đưa ra cách hiểu của mình về một số biểu tượng tiêu biểu thường hay trở đi trở lại trong thơ Hoài Điệp với những nét dị biệt về mặt ý nghĩa so với cách hiểu thông thường.

Biểu tượng bướm

Trong các nhà thơ, có lẽ Đinh Hùng là người viết về bướm nhiều nhất, nhiều hơn cả Nguyễn Bính, thi sĩ của làng quê Việt Nam. Và nếu như bướm trong thơ Nguyễn Bính, bướm là biểu tượng của giấc mơ thì trong thơ Đinh Hùng bướm là một biểu tượng phức hợp với rất nhiều ý nghĩa biểu trưng. Trước chúng tôi, trong quyển Mắt thơ, nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý đã đề cập đến vấn đề này: “Bướm trong thơ Đinh Hùng là biểu tượng của cái đẹp mong manh, người đàn bà đẹp chết yểu, người yêu ở bên kia cõi sống của nhà thơ” [100, tr. 175]. Và ông đã xếp bướm vào nhóm những biểu tượng về cái chết. Nhưng chúng tôi không thể chỉ dừng lại ở đó, bởi bướm còn là biểu tượng cho kí ức, cho kỉ niệm:

            Em hát mong manh bài ca Tuổi Trẻ,

            Bướm bay đầy một âm giai.

                                    (Đường vào tình sử)

            Nhìn nhau tê tái cuộc đời,

Cơn say tiếc bướm, nụ cười thương hoa.

                                    (Khoảng cách làn môi)

Thêm nữa, trong thơ Hoài Điệp, bướm còn là biểu trưng cho thời gian:

            Mùa xuân làm bướm, thu làm cỏ,

            Hồng ngọc bàn chân, mộng thuỷ tinh

                                    (Hàng chữ chim xanh)

            Hương công chúa và men say hoàng tử

            Cánh bướm thời gian treo võng tóc buông…

                                    (Thượng uyển)

            Xuân lớn dần trên mái tóc dài

            Thời gian cánh bướm ngủ bờ vai.

                                    (Huyền thoại xanh)

Từ một con sâu đến một cánh bướm là cả một quá trình biến thái qua nhiều giai đoạn. Do đó, bướm là một biểu tượng cho sự đổi thay. Với Đinh Hùng, đó là biểu trưng cho sự mong manh của tình yêu, sự phù ảo của cuộc đời:

            _ Lòng ai hoá bướm Phù Tang nhỉ?

            Ta chọn nhầm hoa, lẫn Ái Tình (Dạ hội)

            _ Bàn chân thôi cũng tan thành bướm

            Xô lệch không gian một nét mày (Khuôn ngọc pha sương)

            _ Ngón tay não nuột tàn nhung bướm,

            Gỡ cánh hoa phai lả mái đầu (Gặp nhau lần cuối)

            _ Màu xanh ý niệm chưa thành bướm,

            Nhịp bước Em vào tiết điệu Quên (Trái tim hồng ngọc)…

Và nhắc đến bướm, không thể không nhắc đến chuyện Trang Chu “mộng vi hồ điệp” năm nào. Tuy nhiên, bướm trong thơ Đinh Hùng lại có một ý nghĩa biểu trưng khác. Đó là sự hoá thân, nhập thân toàn vẹn của chính tác giả. Nói một cách khác, Đinh Hùng – bướm – Hoài Điệp là một trong thơ:

            Chàng là bướm tơ vương

            Nên chàng là Hoài Điệp

                        (Tần Hương)

            Có lẽ tôi đi qua đời như một con bướm la đà, tới đâu cũng để rơi rắc phấn vàng của đôi cánh nhung; tôi là con người phao phí đi đâu cũng vương một ít linh hồn mà vẫn chẳng hay (Đám ma tôi).

Điều này, theo chúng tôi, là do: bướm là biểu tượng của cái chết, của linh hồn (trong nhiều nền văn hoá). Vì thế, Đinh Hùng dễ dàng có sự liên hệ đến bản thân mình bởi ông luôn nghĩ rằng mình cũng giống như linh hồn lạc lõng giưa cõi trần, mình cũng giống như Tử Thần khi lúc nào cũng mang đến chết chóc, bất hạnh cho những người mình thương yêu. Để rồi từ đây, ta có thể hiểu thêm được nhiều câu thơ khác của Đinh Hùng. Ví dụ:

Nhịp đàn vỗ cánh xuân thu

Thương Em dáng bướm hư vô nửa người.

                        (Hơi thở mẫu đơn)

Đó là vì “chàng bướm” Hoài Điệp đã nhìn bằng chính đôi mắt của mình, đôi mắt tình yêu. Cho nên tình nhân của ông hiện lên trong thơ có mang “dáng hình” của loài bướm cũng là điều dễ hiểu.

Như thế, bướm không chỉ là một biểu tượng mà còn là một ám ảnh nghệ thuật đặc biệt của Đinh Hùng.

Biểu tượng áo và tóc

                        Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc. (Kỳ nữ)

Sau khi khảo sát các biểu tượng trong thơ Đinh Hùng, chúng tôi nhận thấy: toàn bộ những biểu tượng của cố thi sĩ đều mang nặng tính thần bí và dấu ấn tâm linh rõ rệt. Và hai biểu tượng tóc, áo cũng không là ngoại lệ.

Với Đinh Hùng, áo và tóc chính là hiện thân của tình yêu. Hơn thế nữa, chúng còn thể hiện được sự biến chuyển cũng như sắc thái của tình yêu qua sắc xanh của mình. Bằng chứng là những câu thơ rất hay sau đây của cố thi sĩ: “Ta, suốt đời ngư phủ,/ Thả con thuyền trên mái tóc em buồn lênh đênh” (Đường vào tình sử); “Em đi rồi! Then khoá cả chiêm bao/ Gầy vóc mộng gói tròn manh áo nhớ” (Cánh chim dĩ vãng); “Sương đầm vạt áo mong manh lệ,/ Sao rụng bay vào tóc dạ hương” (Một tiếng em); “Xót xa lá cỏ vương mùi tóc/ Tà áo bay về nhớ suốt đêm” (Bao giờ em lấy chồng); “Khiêu vũ đêm nay Mộng Trá Hình/ Trong vườn Quên Lãng, áo ai xanh?” (Dạ hội); “Cách rừng, cách cả sơn khê/ Em ơi! giữ mái tóc thề cho xanh” (Mái tóc viễn phương); “Mắt lặng nhìn nhau từ dĩ vãng/ Chợt xanh màu áo nhớ thương xưa” (Gặp nhau lần cuối) v.v.

Thốt nhiên người viết nhớ đến bài thơ của Trần Thánh Tông đã viết năm nào:

            Sinh như trước sam

            Tử như thoát khố

            Tự cổ cập kim

            Cánh vô dị lộ

Dịch thơ:

            Sống như mặc áo

            Chết như cởi quần

            Xưa nay vô cùng

            Không đường nào khác.

            (Phan Nhật Chiêu dịch)

Và không phải ngẫu nhiên mà Issa đã viết: “Từ bồn tắm đến bồn tắm/ cả một chuyến đi dài/ chỉ có thế mà thôi”. Cũng không phải vô cớ mà người xuất gia thì phải cạo đầu. Từ đó, rõ ràng, ta có thể thấy áo hay tóc cũng chỉ là biểu trưng cho những hệ luỵ, cho những ràng buộc của cuộc đời. Mà tình yêu chẳng qua cũng chỉ là một thứ tục luỵ. Do vậy, từ bây giờ, ta có thể hiểu tại sao mà tóc, áo lại xuất hiện dày đặc và có sức biểu cảm mạnh mẽ đến như thế trong thơ Đinh Hùng. Thêm nữa, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh lúc này chính là thông qua biểu tượng áo và tóc, Đinh Hùng đã thể hiện được quan niệm nghệ thuật đặc biệt của mình: những gì mong manh nhất, dễ biến đổi nhất lại là nơi dung chứa, nơi nương tựa cho những điều kì diệu,… và tinh tuý nhất như tình yêu, như linh hồn. Đây là một số ví dụ tiêu biểu: “Nét mày cong vút núi non/ Mênh mông xiêm trắng linh hồn vào thu” (Vào thu); “Thương nhau gói trọn hồn trong áo/ Mất nhau từ trong tà lụa bay” (Hờn giận); “Theo áo nhẹ, bay cao hồn vũ trụ” (Xin hãy yêu tôi); “Kinh thành hoang phế, Em ngồi lại/ Mái tóc còn vương một chút hồn” (Nét chữ xuân thu)…

Ý kiến này của nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý cho thấy sự khác biệt rất đáng chú ý của biểu tượng thơ Đinh Hùng: “(…) Biểu tượng trong thơ Đinh Hùng là chiếc cầu nối từ hữu thức sang vô thức, từ hữu hình sang vô hình, từ thực sang ảo. Và thơ ông dừng lại ở bờ bên kia. Biểu tượng thơ Đinh Hùng có tính chất tâm linh là vì vậy. Điều này thật khác xa với biểu tượng của thơ Lãng mạn, chủ yếu có tính chất xã hội”[100, tr. 177]?

Biểu tượng ngọc

   Trên nét mi xanh khói toả mờ

   Anh tìm dấu vết Ngọc hoang sơ.

               (Hình tượng xuân xưa)

Đây là một biểu tượng đặc biệt được sinh thành từ quá trình Đinh Hùng chống lại sự vô thường của cuộc đời. Nó có khi là ngọc, là cẩm thạch, là hồng ngọc… nhưng dù xuất hiện ở dạng thức nào và dù được kết hợp với một biểu tượng hay một hình tượng nào khác để tạo ra một biểu tượng mới  thì cuối cùng cũng sẽ được tác giả sử dùng để cố định, để neo lại những gì mong manh, dễ biến đổi nhất trong dòng chảy trôi miên viễn của thời gian. Có thể xem ngọc là biểu tượng của sự vĩnh cửu trong thơ Đinh Hùng.

Thật vậy! Là người nặng tình nặng nợ với quá khứ, đắm chìm trong quá khứ, tất yếu Đinh Hùng phải vĩnh cửu hoá cái nơi chốn dung thân của dĩ vãng. Ông đã viết thế này: “Và dĩ vãng ngủ trong hồ cẩm thạch”(Đường vào tình sử).

Bên cạnh đó, hồn với Hoài Điệp là cái cốt lõi của mọi sự vật, hiện tượng, là cái tinh tuý nhất của tình yêu. Vì thế nó phải bất biến: “Em ước nguyện gì trong giấc ngủ/ Khi hồn cẩm thạch chớm sang thu” (Tiếng sao tiền định).

Ngoài ra, trái tim con người cũng là một thứ rất cần được cố định, vĩnh cửu hoá. Bởi lẽ, nó vô định, nó rất dễ phai nhạt, rất dễ biến đổi. Như lời của nữ sĩ Ono Komachi: “Có một thứ nhạt phai/ Mà không ai nhìn thấy/ Bởi sắc ngoài còn tươi/ Đoá hoa vô định ấy/ Là trái tim con người”. Do vậy, Đinh Hùng đã tạo ra “trái tim hồng ngọc” như một sự chống lại quán tính của mọi đổi thay, như một sự khẳng định cho tình yêu của mình: “Của anh, vẫn trái tim hồng ngọc,/ Lửa sáng huyền cơ, mắt phượng xanh” (Trái tim hồng ngọc).

Và cuối cùng, không thể không nhắc đến việc Đinh Hùng đã biến tình nhân của mình, biến tất cả những gì thuộc về tình nhân trở thành vĩnh cửu. Đó là cấp độ cao nhất của sự chống lại cái phù ảo, cái vô thường của cuộc đời. Ta hãy đọc những câu thơ sau: “Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn” (Bài hát mùa thu), “Từng giọt lệ nát nhàu vai cẩm thạch” (Tiết điệu một bàn tay), “Đàn trầm tay ngọc mưa sa” (Khoảng cách làn môi), “Biển xanh mắt ngọc, nét trầm hàng mi” (Nỗi lòng thu nhỏ), “Tiếng hát pha sương chìm mặt ngọc” (Khuôn ngọc pha sương), “Anh hái nụ cười/ như hái vầng trăng trên da cẩm thạch” (Hơi thở dạ thần), “Ánh đèn thu muộn giăng mưa/ Gót chân hồng ngọc che mờ không gian” (Ánh mắt giăng mưa), “Nhạc điệu trôi dài ngọc thạch đôi hàm răng” (Những vì sao buồn giữa không trung), “Tay ngọc tà thu, ngón tuyết sa” (Đàn thu tay ngọc), “Tấm thân em nguyên khối ngọc chưa mờ” (Cuồng vọng). Và có lẽ câu thơ sau là thể hiện rõ nhất cái khát khao không đổi của thi nhân:

            Anh sẽ tạc hình em nguyên khối ngọc,

            Tay tình si lén đặt giữa hồn sầu.

                        (Tiết điệu một bàn tay)

Và có thể nói rằng, ngọc là một biểu tượng đẹp không chỉ thể hiện tài năng của Đinh Hùng mà còn cho thấy được quan niệm nghệ thuật mới lạ, độc đáo của ông.

Biểu tượng hồn

Thế giới thơ Đinh Hùng đích thực là thế giới của những linh hồn. Không ở đâu mà sự xuất hiện của hồn lại dày đặc và khiến cho độc giả phải ngỡ ngàng trước những biến ảo diệu kì của nó đến như thế[1].

Ta có thể dễ dàng nhận ra những biểu hiện phong phú của nó qua những câu thơ sau: “Đâu đây u uất hồn sơ cổ,/ Từng bóng ma rừng theo bước đi” (Những hướng sao rơi); “Nửa linh hồn u ám bóng non xanh”, “Cảnh diễm lệ ngẩn ngơ hồn cầm thú”, “Mùi cỏ lá bỗng thoảng hồn mong nhớ” (Người gái thiên nhiên); “Sảng sốt, Hồn Thơ ta ngự trị”, “Hồn nhạc mong manh/ kể lời châu thổ” (Hoa sử); “Cảm hồn trời, bao dẫy núi trầm tư!” (Trời ảo diệu); “Ta hái trong em lấy đoá hoa hồn” (Kỳ nữ); “Mỗi bước chậm xót thương hồn đường phố” (Hương trinh bạch); “Thu ơi! đánh thức hồn ma dậy”, “Hỡi hồn tiết trinh!/ Hỡi người tuyết trinh!/ Mê em, ta thoát thân hình,/Nhập hồn cây cỏ đa tình mỗi đêm” (Gửi người dưới mộ); “Hồn Cố Đô vẫn thanh bình như xưa” (Sông núi giao thần); “Ta đang nghe Thành Lạc Hồn kiến thiết”, “Hồn lệ sầu ơi!/ Đâu những vùng trời/ Không làm thương nhớ?” (Mê hồn ca); “Hồn Do Thái gió lên bát ngát, niềm tâm ý đi xa, luống ngại lúc trời thanh sao mọc” (Thần tụng); “Nhớ hồn thảo mộc lẫn mùi hương” (Liên tưởng); “Mà nghe hồn gió lạc xa khơi” (Gặp nhau lần cuối); “Hồn Kiến Trúc hiện lên trùm cõi mộng”, “Ta gọi hồn ma Vạn Lý Trường Thành”, “Hồn Ngàn Xưa mang vũ trụ lên đường” (Kiến trúc); “Bơ vơ Hồn Chữ kiếp lưu đày” (Nét chữ xuân thu); “Hồn đêm chợt thoảng qua làn mắt” (Sâm thương sầu nhạc); “Hồn xanh vũ trụ đã lên thuyền?” ( Hình em giả tưởng (Trăng Hồng Thuỷ)) v.v.

Dễ thấy chúng không nằm ngoài năm nghĩa mà nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý đã chỉ ra. Người viết không phản đối điều này. Tuy nhiên, chúng tôi lại nghĩ khác: đó là trước sau hồn vẫn biểu trưng cho cái cốt lõi, cái tinh chất, cái thần, cái biến chuyển của mọi sự vật, hiện tượng, của mọi thứ có thể cảm nhận được.

Thêm nữa, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là hồn khác xa cách hiểu của chúng ta từ xưa đến nay. Theo lẽ thường, một khi linh hồn đã thoát ra khỏi thể xác thì thể xác chỉ còn là một thứ vô dụng, mất toàn bộ khả năng tri giác. Nhưng, trong thơ Đinh Hùng, ông vẫn có thể “giao tiếp” với linh hồn của chính mình khi đã chết đi:

 Tội nghiệp quá! Thôi! Thôi! Linh-hồn của tôi ơi! Nghĩ đến làm gì? Cứ để cho người ta khóc, cứ để cho người ta thương, miễn là bây giờ mình sung sướng, mà sung sướng dễ dàng biết bao! Chỉ có việc chết!(Đám ma tôi)

Chiều rồi! Chiều tối bao giờ mà linh hồn tôi không biết!

Nó bắt đầu di dạo trong cái nghĩa địa nầy, bắt đầu làm quen với chỗ ở mới của người bạn nó là cái xác nằm dưới đất kia. (Đám ma tôi)

Hay như: “Tôi nhìn cặp mắt trong xanh ấy/ Để thấy hồn tôi trên mắt xanh” (Hương), “Chiều nào sa lệ mưa kim cương/ Anh trả hồn cho mây đại dương” (Hình tượng xuân xưa) v.v.

Ta dễ thấy giữa hồn và chủ thể sáng tạo có một sự phân cách rõ ràng. Như thế, liệu đây còn có thể là gì khác ngoài một sự giao tiếp giữa linh hồn và linh hồn?

Chúng tôi cho rằng hồn là một biểu tượng độc đáo, mang đậm dấu ấn của Đinh Hùng nhất và giúp lí giải nhiều điều trong thơ ông.

Trước hết, nó cho ta thấy một đặc điểm rất quan trọng trong nhãn quan nghệ thuật của Hoài Điệp là nhìn đâu thi nhân cũng thấy linh hồn, nghĩa là nhìn đâu ông cũng thấy sự biến chuyển, cái thần thái của mọi thứ mình có thể cảm nhận được. Nói một cách khác, cái nhìn của Đinh Hùng là cái nhìn của một linh hồn phiêu dạt giữa cõi trần. Ngoài ra, ta cũng cần thấy rằng: khi “nhìn” ra được linh hồn của sự vật/ hiện tượng A thì có nghĩa là ta đã “nhìn” được thể xác và cả linh hồn của A. Điều này đã góp phần rất lớn trong việc tạo nên cái tư duy nghệ thuật độc đáo, cái nhìn lưỡng phân, lưỡng cực của Đinh Hùng. Và từ  đây, ta có thể giải thích được vì sao trong thơ ông mọi thứ tồn tại trong trạng thái chỉ có một nửa cứ trở đi trở lại nhiều lần đến như thế. Đây là bằng chứng: “Anh khoác nhung xanh một nửa hồn sầu” (Hơi thở dạ thần),”Những bông hoa còn có nửa linh hồn” (Cánh chim dĩ vãng), “Những nụ-hôn-vào-xuân thơm mùi cỏ dại/ Và thơm như một mùi hoa/ bâng khuâng nửa hồn con gái/ Nửa hồn ngọc trắng hoang vu lòng đã diễm tình” (Hơi thở dạ thần), “Thăm thẳm chìm sâu cõi mộng nào,/ Nửa chiều huyễn hoặc, nửa thần giao” (Nét chữ xuân thu), “Nửa khuôn mặt ngọc núi non trập trùng” (Vết son phai) v.v.

Bên cạnh đó, biểu tượng hồn là một trong những biểu tượng chính yếu tạo nện bầu không khí tâm linh đậm đặc trong thơ Đinh Hùng. Nó góp phần thể hiện sự khác biệt giữa các biểu tượng trong thơ tượng trưng với các biểu tượng trong thơ lãng mạn vốn mang tính xã hội.

Cuối cùng, nó là một cách thức, một phương tiện giao tiếp của chàng Hoài Điệp trong thơ.

 Mùi hương như là biểu tượng

Đây là một biểu tượng phức hợp đặc sắc trong thơ Đinh Hùng. Trước hết, nó biểu trưng cho những cung bậc cảm xúc, những trạng thái tình cảm của con người: “Chiều thu tân hôn/ lừng hương nhiệt đới” (Khi lòng đầy hương), “Gió mùa thu sớm bao dư vị/ của chút hương thầm kia mới quen” (Một tiếng em), “Tôi đã gục đầu lên vai em/ Tìm trong dòng lệ chút hương chìm” (Lời thề trên gối), “Hương thơm ngây ngất, hồn hoa cỏ/ Hằng viễn hoài em xa cách lâu” (Nụ cười thương nhớ), “Tình lẩn mùi hương vạt áo đêm” (Lời thề trên gối)…

Bên cạnh đó, nó còn là biểu tượng của những ràng buộc, những liên kết giữa hai thế giới vô hình và hữu hình. Trước khi đi sâu vào vấn đề này, thiết nghĩ, chúng tôi cần nói đôi điều về thơ haiku, thể thơ truyền thống ngắn nhất và nổi tiếng nhất của Nhật Bản.

Một trong những nguyên lí không thể bỏ qua khi sáng tác cũng như cảm thụ một bài thơ haiku chính là làn hương. Nguyên lí này đảm bảo cho mọi sự vật, hiện tượng có được sự liên kết; đảm bảo cho chủ thể sáng tạo, chủ thể trữ tình có sự tương giao với thế giới tâm linh. Và nếu như thơ haiku là thơ của những khoảnh khắc bừng ngộ thì thơ tượng trưng lại là thơ của những khoảnh khắc thần khải. Nói một cách khác, điểm chung quan trọng của thơ haiku và thơ tượng trưng chính là cả hai đều là thơ của những khoảnh khắc tâm linh. Mà như chúng tôi đã nói, thế giới thơ Đinh Hùng là thế giới của những linh hồn. Như thế, liệu còn gì có thể kết nối được những linh hồn với nhau ngoài mùi hương? Chẳng phải chúng ta vẫn thường sử dụng hai từ “hương hồn” để thay thế cho “linh hồn” hay sao?

Tuy nhiên, đến đây, chúng tôi cũng cần phải nói thêm rằng: dù thơ haiku và thơ tượng trưng đều xem trọng mùi hương, xem đó là một cách thức, một phương tiện liên kết chủ thể trữ tình với thế giới tâm linh tuy nhiên về bản chất chúng lại rất khác nhau. Bởi vì, thơ haiku là sản phẩm của văn hoá phương Đông vốn khước từ tư duy duy lí; trong khi đó, thơ tượng trưng lại là sản phẩm của văn hoá phương Tây, văn hoá coi trọng tư duy duy lí, nhưng đã quay lưng lại với tư duy truyền thống để khám phá những thế giới nằm ngoài thế giới thực tại. Thêm nữa, để cảm hiểu một bài thơ haiku ta phải căn cứ vào những kigo (quí ngữ) – biểu tượng của mùa- vốn có thể tìm được gợi ý từ ngoại giới ví dụ như từ văn hoá, từ điển cố văn học…, còn với thơ tượng trưng thì các biểu tượng lắm khi chẳng được gợi ý từ ngoại giới bao giờ. Nói một cách hình tượng, thì thơ haiku là thứ thơ phát ra ánh sáng, ánh sáng của sự minh triết, còn thơ tượng trưng là thứ thơ hút ánh sáng và giấu vào trong lòng những biểu tượng. Do vậy, phải thông qua biểu tượng, và bằng biểu tượng, chúng ta mới có thể khám phá và lí giải được cái vẻ đẹp lấp lánh của nó. Huống hồ gì khi biểu tượng mùi hương lại là một biểu tượng rất quan trọng trong thơ Hoài Điệp.

Ta có thể nhận thấy khá dễ dàng biểu tượng mùi hương đã làm tốt nhiệm vụ của mình là xoá nhoà mọi ranh giới của thời gian, nghĩa là nó đã khiến quá khứ, hiện tại và thậm chí cả tương lai nữa cùng “đồng hiện” với nhau, mở ra một thế giới khác ở bên kia thực tại: “Mùi phấn em thơm mùi hạ cũ/ Nửa như hoài vọng, nửa như say” (Tự tình dưới hoa), “Rời tay nhịp phách đoạn trường/ Hồn đêm nay thấm mùi hương năm nào?” (Vào thu), “Mùa hạ nào thơm tóc hoài xuân?” (Cánh chim dĩ vãng), “Chớp mắt xuân thu động gót giầy,/ Vành mây còn rộng lối hương bay” (Khuôn ngọc pha sương), “Cho anh khép bóng mi dài/ Níu mùi dạ hương trong hơi thở” (Tâm sự kinh đô), “Mạch sầu ai thở hoà đôi,/ Nhuỵ hương một phút nghìn đời trao nhau” (Khoảng cách làn môi), “Mê hương tà áo xanh tiền kiếp” (Cánh chim dĩ vãng)…

Và cũng như biểu tượng hồn, mùi hương cũng là một nhân vật đặc biệt trong thi giới Đinh Hùng. Không ở đâu mà mùi hương lại có sức sống, lại có khả năng biểu cảm mãnh liệt như ở trong thơ Đinh Hùng. Chúng tôi đã khảo sát nhiều tác phẩm của Chế Lan Viên, Bích Khê… – những nhà thơ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng đương thời với ông, và nhận ra rằng: cũng chỉ trong thơ ông, biểu tượng mùi hương mới là sản phẩm của một quá trình tư duy tương hợp đúng nghĩa. Người viết có thể dẫn ra những câu thơ sau đây, những câu thơ mà chúng tôi hoàn toàn tin rằng không ai có thể nghi ngờ mùi hương đích thực là sứ giả của thế giới tậm linh nữa khi nó nối kết với tác giả và cả với chúng ta vào cái thế giới dị thường mà những con chữ đã tạo ra: “Mùa thu tàn nhẫn từ đôi mắt/ Mùi hương sát nhân từng ngón tay” (Hờn giận), “Lệ nào kết ngọc trong hoa?/ Đoá hôn thần khải chưa nhoà sắc hương” (Ánh mắt giăng mưa), “Hỡi em da thịt sáng ngời!/ Còn thơm hơi thở mặt trời ban sơ?” (Dấu chân bộ lạc), “Và hương Em ru giấc ngủ sông dài,/ Đưa bóng mát vào hồn anh cỏ mọc” (Tiết điệu một bàn tay), “Ôi những mùi hương sắp lãng quên/ Và em chưa thực đã hư huyền!” (Lời thông điệp gửi mai sau), “Trên đường ta đi,/ những đoá hoa nở mặt trời xích đạo,/ những làn hương mang giông tố bình sa” (Đường vào tình sử), “Hương thơm những nụ cười vô tội,/ Còn đọng làn môi chút nắng say” (Lời thề trên gối) v.v.

Đúng như tên gọi của nó, Symbolism là trào lưu văn học đặc biệt chú trọng và đề cao việc sáng tạo ra các biểu tượng và tất cả những đặc điểm nghệ thuật khác của nó cũng chỉ là thể hiện một quá trình, một con đường đi đến các biểu tượng mà thôi. Có thể nói, sức mạnh và vẻ đẹp của thơ tượng trưng được ẩn chứa chính trong các biểu tượng. Do đó, việc tìm hiểu chúng trong thơ của các thi sĩ có chịu ảnh hưởng của thi phái này đã là điều bắt buộc, nói gì đến Đinh Hùng, một thi sĩ tượng trưng đích thực. Tuy nhiên, đến đây, chúng tôi cũng thẳng thắn thừa nhận rằng việc tìm hiểu, lí giải các biểu tượng trong thơ Hoài Điệp là một công việc rất khó khăn bởi vì chúng tôi phải dựa chủ yếu vào khả năng cảm thụ của mình. Điều đó có nghĩa là cách hiểu mà luận văn đưa ra không tránh khỏi sự chủ quan, phiến diện. Bên cạnh đó, vì khả năng có hạn, người viết không thể đề cập và lí giải hết toàn bộ các biểu tượng trong thơ Đinh Hùng mà chỉ chọn ra một số biểu tượng tiêu biểu quan trọng và hay trở đi trở lại trong các thi phẩm của ông mà thôi. Tuy vậy, qua phần này, chúng tôi cũng hy vọng có thể giúp được độc giả hiểu thêm được phần nào cái thi giới bí ẩn của Đinh Hùng.

 

Tư duy tương hợp và trực giác của Đinh Hùng

Như ta đã biết, tư duy tương hợp là kiểu tư duy đặc biệt của những nhà thơ thuộc thi phái tượng trưng được khởi phát từ quan niệm sự tương ứng giữa hai thế giới vô hình và hữu hình, từ quan niệm thế giới thống nhất. Nó là sự “nhận thức thế giới bằng giác quan trong sự tương hợp bên trong” [64, tr.141]. Nhờ đó mà các thi sĩ có thể nhìn thấy sự vật, hiện tượng trong một chiều kích khác; có thể nắm bắt được cái tinh thần ẩn sau bề mặt của khách thể.

Và tư duy tương hợp lại có sự liên quan chặt chẽ đến trực giác – năng lực nhận thức đặc biệt không dựa vào logic hay cơ sở hoạt động thực tiễn nhằm biểu lộ bản chất, thần thái của sự vật, hiện tượng nhờ vào trí tưởng tượng và liên tưởng bất ngờ (ý của Nguyễn Hữu Hiếu), của các nhà thơ tượng trưng. Có thể xem trực giác là khoảnh khắc loé sáng mang tính thần khải, là yếu tố tiên thiên gắn liền với quá trình sáng tạo của thi sĩ. Bởi với họ, đi đôi với việc sáng tạo các biểu tượng, thì để diễn tả những tương quan bí ẩn bên trong thì nhà thơ không thể dùng có quan sát hay lí trí để nhận thức được mà phải dùng linh cảm, dùng trực giác nhạy bén của mình. Nói như A. Maurois thì “ai đọc được ý nghĩa của cái đẹp thì đều thành công hơn người khác”. Như thế, trực giác là một yếu tố quan trọng giúp cho các thi nhân có thể nhìn ra được cái đẹp và thể hiện được những ý nghĩa ẩn tàng sâu xa và tượng trưng của thế giới một cách đầy đủ nhất.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp quá đề cao trực giác trong thơ, tuyệt đối hoá trực giác trong sáng tạo mà ta thấy các sáng tác của nhiều nhà thơ tượng trưng lắm lúc vượt qua khỏi ranh giới của sự độc đáo, vượt xa khỏi tầm hiểu biết của độc giả khiến cho những thi phẩm trở nên thần bí, khó hiểu. Song, cái đang quí của họ là đã dám đi đến cùng cực sự sáng tạo của mình.

Chính sự kết hợp của tư duy tương hợp với năng lực trực giác của các thi sĩ tượng trưng đã góp phần không nhỏ trong việc mang đến vẻ đẹp tân kì, độc đáo, sự hấp dẫn cho những sáng tác của họ.

Đến đây, có một vấn đề khác nảy sinh: đó là sự phân biệt giữa trực giác (intuition) của chủ nghĩa tượng trưng với trực cảm (direct perception) của chủ nghĩa lãng mạn không phải lúc nào cũng dễ dàng, người ta thường hay đánh đồng chúng với nhau. Nhà nghiên cứu Mai Bá Ấn đã viết:

Xuân Diệu là đại biểu của thơ lãng mạn Việt Nam, trong thơ ông có một vài bài, một số câu, số ý mang yếu tố tượng trưng trên phương diện: giao cảm với thiên nhiên (đã có gốc truyền thống phương Đông), yếu tố nhạc (theo truyền thống “Thi trung hữu nhạc” cũng của phương Đông) kết hợp với tư duy thơ hiện đại phương Tây. Chứ còn chủ ý sáng tác theo lối tượng trưng chủ nghĩa thì hình như chỉ là thấp thoáng. Ở đây, về phương diện tương giao cảm giác cũng cần phân biệt rằng: chủ nghĩa lãng mạn giao cảm với vũ trụ, thiên nhiên chủ yếu bằng trực cảm qua cách miêu tả cụ thể hình ảnh bằng cảm xúc (Xuân Diệu nổi bật ở kiểu trực cảm này). Còn chủ nghĩa tượng trưng lại tương giao với vũ trụ, thiên nhiên bằng trực giác qua lối thể hiện bằng biểu tượng phi cụ thể (Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng nổi bật ở kiểu trực giác này)[57].

Chúng tôi cho rằng, những nhận xét trên của nhà nghiên cứu Mai Bá Ấn là khá xác đáng. Dù trong thơ Xuân Diệu có vết dấu của chủ nghĩa tượng trưng, dù ông có chịu ảnh hưởng của Rimbaud và Verlaine (như ông đã thừa nhận trong bài Tình trai), dù ông là “nhà thơ mới nhất trong tất cả những nhà Thơ Mới”, nhưng nói gì thì nói ông hãy còn là một nhà thơ lãng mạn, nghĩa là vẫn sử dụng tư duy trực cảm. Còn Đinh Hùng, trước sau vẫn là một nhà thơ tượng trưng sáng tác theo lối thần khải, dựa vào năng lực trực giác. Nói như thế, không có nghĩa là chúng tôi phủ nhận tài năng cũng như đóng góp của “ông hoàng thơ tình”. Chỉ đơn giản là Đinh Hùng và Xuân Diệu đều có con đường riêng của mình, và như thế, “cách đi” của họ có khác nhau cũng là điều dễ hiểu. Vị dụ như cùng với một đối tượng là mùi hương, Xuân Diệu đã thể hiện những muốn mong lãng mạn của mình: “Tôi muốn buộc gió lại/ Cho hương đừng bay đi”, “Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều/ Và non nước, và cây, và cỏ rạng,/ Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng” (Vội vàng); “Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm/ Sao lại trách người thơ tình lơi lả” (Cảm xúc); “Hãy tự buông cho khúc nhạc hường/ Dẫn vào thế giới của du dương/ Ngừng hơi thở lại xem trong ấy/ Hiển hiện hoa và phảng phất hương” (Huyền diệu)… Ta có thể thấy rõ mùi hương trong thơ của thi sĩ họ Ngô chưa phải là một sứ giả tâm linh, khác hẳn với mùi hương trong thơ Đinh Hùng luôn “rạo rực để hiện hình người” là kết quả hoài thai của vô thức. Và cái “thế giới du dương” ấy cũng không phải là cái thế giới ám gợi của chủ nghĩa tượng trưng, bởi vì nó hãy còn là thế giới nằm trong lòng thực tại và xét cho cùng cũng chỉ để nhằm thể hiện cái khát khao cháy bỏng “không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần” (trong bàiThanh niên) của ông mà thôi.

Còn bây giờ ta hãy thử đến với một số câu thơ tiêu biểu của Đinh Hùng:

Em đến hôm nào như hoa bay,

Tình không độc dược mà đắng cay.

Mùa thu tàn nhẫn từ đôi mắt

Mùi hương sát nhân từng ngón tay.

            (Hờn giận)

Thương tiếng đàn Thu chợt úa vàng,

Mây rừng đan rối tóc hồng hoang.

Hình em giả tưởng gầy theo núi,

Anh khép vòng tay chạm hỗn mang.

            (Hình em giả tưởng (Trăng Hồng Thuỷ))

Buổi em về, xác thịt tẩm hương hoa

Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết.

            (Kỳ nữ)

Rượu pha mùi tóc hoài nghi

Ngoài khơi con mắt, hàng mi đoạn trường

Thẳm sâu da thịt hoang đường

Tay năm móng nhọn, vết thương luân hồi.

            (Vết son phai)

Cốc rượu hồng, hy vọng sáng rung rinh

Mùi son phấn khác gì hương trinh bạch?

            (Hương trinh bạch)

Sông trắng mây vàng, hương tóc xanh

            (Hàng chữ chim xanh)

Da thịt lên màu trăng dã thú

Em về phơi phới gió hàng mi.

            (Tiếng sao tiền định)

Tuyết xuống phương nào: hoa tuyết trinh

Người đi nhoà lửa nến vô hình.

            (Hồi chuông Giáng Sinh)

Những âm thanh bỗng lênh đênh mùi hương dạ hợp,

Những sắc màu cũng rạo rực lời ca mưa bay.

            (Tiết điệu một bàn tay)

Có thể nói, không ở đâu mà vết dấu của tư duy tương hợp, của lối sáng tác dựa vào trực giác, thần khải lại rõ nét như trong thơ Đinh Hùng. Những câu thơ trên chỉ là một phần nhỏ trong số nhiều câu thơ khác của Hoài Điệp thể hiện được sự hoà hợp giữa các trạng thái cảm giác, kết quả của sự liên tưởng bất ngờ. Chúng khiến cho độc giả phải ngạc nhiên thậm chí là sửng sốt. Và chúng khiến cho người ta phải vận dụng hết mọi giác quan của mình mới mong có thể cảm hiểu được, ví dụ như: “Thương tiếng đàn thu chợt úa vàng” là sự kết hợp giữa âm thanh và màu sắc; câu “Rượu pha mùi tóc hoài nghi” là sự kết hợp của cả vị giác, khứu giác và cả cảm giác v.v.

Cũng ở chính từ những câu thơ của Đinh Hùng, ta dễ có sự liên tưởng đến Rimbaud và Baudelaire:

Này Biển Giác: mấy trời nghiêm nét mặt,

Cây Từ Bi hiện đoá Ác Hoa đầu,

Hồi gặp hồn ai biết thiện căn đâu?

Xuân phương thảo cũng như Xuân tùng bách.

            (Tìm bóng tử thần)

Ta van xin từng phút mộng vai kề,

Lòng tín ngưỡng cả núi hương phản trắc

            (Hương trinh bạch)

Qua trên, chúng ta dễ nhận ra sự tương đồng giữa Hoài Điệp với tác giả tập Ác hoa ở cái nhìn nhị nguyên, cái nhìn tương phản về sự vật, hiện tượng. Nếu trong thơ Đinh Hùng “một đoá Ác hoa được sinh ra từ cây Từ Bi” hay người ta có thể “tín ngưỡng cả một núi hương phản trắc” thì trong thơ Baudelaire cũng có những “vẻ đẹp rủi ro”, những “ điều ô nhục tuyệt vời”…hay “kẻ bị ruồng bỏ vĩ đại”… Chính cái nhìn đặc biệt ấy đã đưa đến sự gặp gỡ của hai thi sĩ này.

Còn về phía Rimbaud, thì chẳng phải thi sĩ đã “thử phát minh những loài hoa mới, những tinh cầu mới, những da thịt mới, những ngôn ngữ mới”[64, tr.166] trong tập thơ Một mùa địa ngục hay sao? Như thế, những “Ác Hoa”, những “xác thịt tẩm hương hoa”, những “da thịt hoang đường”… phải chăng là sự minh chứng cho sự tác động, ảnh hưởng của nhà thơ nổi loạn Rimbaud đối với chàng Hoài Điệp? Và chính sự “phát minh” này đã làm cho ngôn ngữ thơ Đinh Hùng có một vẻ đẹp gợi cảm khác thường. Đây cũng là một giá trị nghệ thuật đặc sắc của chàng thi sĩ họ Đinh.

Không dừng lại ở đây, điều chúng tôi muốn nói thêm là chính tư duy tương hợp và việc sáng tác theo lối thần khải đôi khi đã khoác chiếc áo siêu thực lên hình hài của những câu thơ Đinh Hùng: “Hồn đau lưu lạc đêm rừng tóc/ Sương khói biên thuỳ hay trái tim” (Khuôn ngọc pha sương); “Bước chân in dấu buồn nguyên thuỷ/ Nỗi nhớ xanh màu núi cổ sơ” (Hình tượng xuân xưa;, “Non cao tròn kiếp hoang vu/ Mắt Em ngủ thiếp con đò thần giao” (Dấu chân bộ lạc;, “Đường đi kiếp trước ngoài vô tận/ Em lạc vào mê sẽ gặp anh” (Hàng chữ chim xanh); “Lời ca đó ru mùa xuân niên thiếu/ Khơi nỗi lòng cung điện pha lê xanh/ Từ nửa vời tiết nhịp/ trong tiềm thức mỗi trường canh/ Trên nỗi nhớ hồi thanh/ giữa niềm thương đảo phách/ Tới những nghịch âm toàn thân trinh bạch/ Tận vô cùng tâm sự mưa giăng cầm đài/ Ôi mưa bụi kinh thành ngọt vị thanh mai/ Xứ sở chiêm bao không còn huyền bí./ Từ những hành tinh mai sau đi về đô thị/ Em sẽ buông lơi mái tóc du thuyền/ Mười ngón tay khơi mạch suối không tên/ Bên gò má nửa phương trời e lệ/ Của mùa xuân trắng bay lưng chừng thế kỷ/ Trên cao nguyên vầng trán tạnh sương mù/ Qua vùng khinh thanh ý thức hoang vu/ Hơi thở nóng dâng lên từ xích đạo/ Cơn sốt tâm linh ngoài khơi hải đảo/ Vạt áo trung châu cuộn nếp phù sa/ Dòng suối dài mang thần trí của hoa/ Những chuyến mộng du đi vào đêm hồng thi tứ” (Thượng uyển) v.v.

Rõ ràng, những câu thơ trên chỉ có thể là sản phẩm của quá trình thai nghén từ vô thức, từ những cơn mê sảng hay mộng mị. Và phải chăng đó là các dấu vết còn sót lại sau những trận “va đập chói loà của từ ngữ” (J. Vaché)?

Thế là, ta thấy rõ ràng Đinh Hùng đã tạo ra được một thế giới riêng cho thơ mình, thế giới mà ranh giới giữa các cảm giác bị xoá nhoà và hoà vào nhau làm một. Mỗi câu thơ như một tiếng gọi tác động thẳng vào các giác quan của độc giả và làm người ta phải rung động; như một lời chào mời người đọc từ thế giới hữu hình, từ thế giới hữu thức bước sang thế giới tâm linh, thế giới khước từ sự hợp lí, để nhận ra một thế giới khác nằm sâu trong lòng sự vật, hiện tượng, trong chính sự thâm u toàn vẹn của nó. Đó là diệu xứ của văn chương. Đó là sức mạnh của thơ tượng trưng, thứ thơ gợi cảm giác, mà Đinh Hùng là một “tín đồ” tiêu biểu cho thi phái này. Cũng cần nói thêm rằng, một thi sĩ khi đã có thể tạo dựng được một thế giới nghệ thuật cho riêng mình thì chắc chắn không thuộc vào loại tầm thường được. Bởi lẽ, điều đó đòi hỏi ở nghệ sĩ năng lực thẩm mỹ cũng như khả năng sáng tạo rất cao. Cá nhân người viết cho rằng: một nhà văn (nói chung) nếu tạo được khoảng cách thẩm mỹ với thời đại của mình thì đó là một người có tài, và cái khoảng cách thẩm mỹ ấy càng lớn thì càng thể hiện được tài năng của họ; số đông độc giả không phải là yếu tố quyết định đến việc đánh giá đến chất lượng các tác phẩm, nhất là đối với việc xác định vị trí của các nhà văn trên văn đàn. Chẳng phải một Hồ Xuân Hương đương thời đã phải gánh chịu biết bao búa rìu từ dư luận? Chẳng phải một Nam Cao buổi đầu sáng tác đã phải chạy đi xin từng nhà xuất bản để được in lắt nhắt từng kì? Chẳng phải một Edgar Allan Poe, thi sĩ vị nghệ thuật đến mức cực đoan, cũng đã từng chịu sự ghẻ lạnh của chính quê hương mình hay sao?… Do đó, việc thơ Đinh Hùng có ít độc giả không nên là một điều để chúng ta phải bận tâm. Cái quyết định đến tư cách của ông, định vị được ông trong dòng chảy văn học chỉ nên là những trước tác của ông mà thôi!

Trở lại với vấn đề tư duy tương hợp và trực giác của Đinh Hùng, người viết nhận thấy đúng như những gì mà các thi sĩ nhóm Dạ Đài đã từng khẳng định:

“(…) Chúng tôi đã thấy muôn nghìn thực tại ẩn sau cái thực tại cảm thâu bằng những năng khiếu nông gần. Chúng tôi đã thấy: thế giới bên kia, những thế giới bên kia lẩn ngay trong đám bụi dương trần một giây phút có thể bừng lên như Thực Cảnh” [101, tr.54].

 

Nhạc tính trong thơ Đinh Hùng

                                                Thuyền mộng lênh đênh vào xứ lạ,

                                                Chèo đưa nét nhạc lượn mong manh.  (Hương)

Đây là một trong những đặc điểm quan trọng của chủ nghĩa tượng trưng. Những thi sĩ thuộc thi phái này quan niệm rằng tính nhạc phải gắn liền với tính gợi của thơ, phải trở thành một cách thức dẫn dắt, gợi cho người đọc nhận ra bản chất của sự vật, hiện tượng rồi đi sâu vào “thế giới chợt nhận ra” ấy trong sự đồng điệu giữa tâm hồn mình với vũ trụ. Và Đinh Hùng cũng không là ngoại lệ.

Có ba yếu tố cơ bản quyết định đến nhạc tính trong thơ là: thanh điệu, vần điệu và nhịp điệu.

Về thanh điệu, chúng tôi chưa phát hiện ra được những trường hợp đặc biệt theo kiểu câu thơ chỉ toàn thanh bằng như trong thơ Bích Khê, ví dụ: “Vàng sao nằm im trên hoa gầy/ Tương tư người xưa thôi qua đây/ Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề/ Hoa vừa đưa hương gây đê mê…” (Tỳ bà). Ở thơ Đinh Hùng, luôn có sự hài hoà về mặt thanh điệu, những thanh bằng và trắc luôn được sử dụng với tỉ lệ cân xứng. Người viết cho rằng đây là dụng ý của thi sĩ. Bởi lẽ, như đã nói, Đinh Hùng là một người bước đi trên đường biên giữa hai thế giới thực – mộng, và cái nhìn của ông cũng là cái nhìn được đặt trên đường biên ấy. Cho nên, sự hài hoà, cân bằng về thanh điệu cũng giống như sự cân bằng, hài hoà giữa hai yếu tố, hai thế giới Âm – Dương làm bật lên cái nhãn quan, cái phong cách nghệ thuật đặc biệt của Đinh Hùng.

Còn về vần điệu và nhịp điệu, chúng ta dễ nhận thấy cả hai yếu tố này đều chịu sự qui định, chi phối mạnh của thể thơ. Đó là một lí do giải thích vì sao mà Đinh Hùng lại sử dụng nhiều thể thơ đến như thế. Cứ mỗi lần đến với một thể thơ nào đó là mỗi lần chàng Hoài Điệp thử nghiệm để nhạc tính của những câu thơ giải phóng hết những ẩn ức, giãi bày được hết nỗi lòng của mình. Cho nên ta thấy thơ ông có rất nhiều thể từ thơ văn xuôi đến lục bát, bốn tiếng, năm tiếng, sáu tiếng, bảy tiếng, tám tiếng… và cả hợp thể (có người gọi là hỗn thể) nữa.

Đầu tiên, ta hãy đến với thể tứ ngôn:

            Nắng cười nửa miệng

            Nắng cũng đồng tình

            Ôi phút thần linh!

            Ngày đi không tiếng.

            Và tôi cầu nguyện,

            Cho hồn thu xanh.

                        Mộng xế hoàng hôn,

                        Xin em ngồi lại

                        Mười ngón tay thon

                        Mở trang thần thoại

                        Bát ngát linh hồn.

                        Chiều thu tân hôn

                        Lừng hương nhiệt đới,

                        Một nét môi son

                        Tím màu hoa dại.

                                    (Khi lòng đầy hương)

Với đặc điểm dễ thuộc, dễ nhớ, nhịp điệu vui tươi không phải ngẫu nhiên mà thể thơ này ở Việt Nam lại được sử dụng nhiều để sáng tác ra những bài vè, đồng dao hay những bài thơ dành cho thiếu nhi đến như thế. Và cũng không phải vô cớ mà những bài thơ hay nhất, được nhiều người yêu thích nhất trongKinh thi cũng lại cũng là những bài thơ thất ngôn như: Quan thư, Đào yêu… Bởi vì thể thơ bốn tiếng này có khả năng thể hiện được những tình cảm thuần phác, trong sáng, hồn nhiên của con người. Như thế, việc sử dụng thể thơ này để diễn tả tâm trạng, nỗi lòng của mình “khi mới nhớn”, khi “lòng còn đầy hương” Đinh Hùng đã có một sự lựa chọn đúng đắn. Và ông đã thành cộng. Tất nhiên, những bài thơ như trên không nhiều, vì nó chỉ gắn với một quãng đường đời của tác giả. Những năm tháng sau này, khi những chấn thương tâm lí đã làm thơ Đinh Hùng nhuốm màu u uất, đưa đến chỗ thần bí ở sâu trong địa hạt tâm linh thì việc ông tìm đến những thể thơ khác để phóng xuất hết những tình cảm bị dồn nén của mình là điều tất yếu.

Đây là một ví dụ khác:

            Đây chiều thơ lả lướt,

            Khúc cầu hồn lạc âm,

            Tôi nhớ điệu phong cầm

            Dẫn lời lên cao vút.

            Đây là trang tuyệt bút,

            Xin mời nàng giáng lâm.

            Hồn ơi! Hồn tỉnh giấc thần,

            Đêm nay lạc xuống dương trần mà vui.

            Nghìn yêu ma chen bước cõi Luân Hồi,

            Nhìn nghiêng mặt đất thấy trời hiển linh.

            Giữa đêm đời sẽ hồi sinh,

            Nhân gian hát khúc vong tình lên non.

            Đôi ta vào hội oan hồn,

            Âm dương tái hợp-

            Ồ! Đây là cuộc tân hôn dị kì!

            Nguyệt hoa mặc áo huyền vi,

            Màu nghê thường đó – trời ơi! xiêm y

            biến hình!     

            Tôi van lơn bầy nhạc nữ đồng trinh:

            Đừng cao giọng hát – Hồn các em lạc

            tinh anh bốn trời!

            Đừng cho thể chất phục hồi,

            Đừng cho tôi khóc, tôi cười vì điên!

Đoạn thơ trên được chúng tôi trích ra từ bài thơ Cầu hồn, một bài thơ hỗn thể (hay hợp thể) rất đặc trưng cho phong cách nghệ thuật của Đinh Hùng. Ta thấy, chỉ một đoạn thơ mà đã có sự hiện diện của rất nhiều thể thơ trong đó: ngũ ngôn, lục bát, tứ ngôn, bát ngôn, lục ngôn. Thêm nữa, cùng với kĩ thuật vắt dòng tạo ra những câu thơ có nhịp điệu đứt gãy, thi sĩ đã dẫn ta vào một thế giới tràn ngập những thanh âm hỗn độn. Và “mớ tạp âm” ấy, còn gì khác là sự ám gợi cho cái thế giới tràn ngập những vong hồn, những yêu ma đang “chen bước cõi Luân Hồi”. Độc giả như tham dự vào một buổi lên đồng, một buổi cầu hồn thực sự để rồi kinh sợ, để rồi xót xa, để rồi thán phục tài năng của người nghệ sĩ. Có thể nói, những câu thơ như thể chỉ có thể được tạo ra trong cơn mê sảng, trong lúc “nhập mộng” và đó là một minh chứng cho tài năng nghệ thuật của Đinh Hùng khi nhạc tính của thơ đã được phát huy tối đa.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những bài thơ lục bát của Đinh Hùng. Thông thường, khi nhắc đến thể thơ này, người ta sẽ nghĩ đến sự mượt mà, trữ tình, sâu lắng của nó. Và thật sự không nhiều người biết Đinh Hùng là một thi sĩ thường xuyên sử dụng thể thơ này để bộc lộ nỗi lòng, để giải phóng những xúc cảm cá nhân của mình một cách tân kì, diễm ảo:

            Gió đưa sắc áo về trời

            Nét mi Giao Chỉ chia đôi cõi lòng

            Chìm chìm giọng nói thinh không

            Sầu xanh con mắt Á Đông khơi nguồn

            Lưng chừng thế sự mưa tuôn

            Động vai nghe vút nỗi buồn lên mây

            Tuổi Em mười sáu chim bay

            Hoá thân về lượn ngón tay Diêu Hoàng

            Nếp xiêm Nguỵ Tử hương vàng

            Kề môi ngờ đoá hồng trang giận hờn

            Gói tròn hơi thở Mẫu Đơn

            Tờ hoa nắng quái vết hôn nhập thần

                        (Hơi thở Mẫu Đơn)

Đây là bài thơ Đinh Hùng viết trong lúc tản cư theo kháng chiến cho một nữ du kích chèo thuyền đưa chiến sĩ qua sông. Bên cạnh việc sử dụng những điển cố để khẳng định lòng yêu nước, không chịu khuất phục bạo quyền của mình và người nữ du kích (tích Võ Tắc Thiên đày hoa mẫu đơn ra khỏi kinh thành vì không chịu nở), cái hay của Đinh Hùng là đã sử dụng đúng thể thơ để tận dụng cái âm hưởng nhịp nhàng của thơ lục bát khiến độc giả liên tưởng đến nhịp chèo khoan thai, đến hơi thở tự do của những con người ở “miền sông núi tự do” bất khuất, hiên ngang.

Thêm nữa:

            Em về rũ tóc mưa sa,

            Năm canh chuốt ngón tỳ bà khói sương.

            Rời tay nhịp phách đoạn trường,

            Hồn đêm nay thấm mùi hương năm nào?

                        (Vào thu)

Thịt da bốc cháy hồn đàn

            Ngón tay buốt giọt cường toan sao trời.

            Đêm nào Bắc Đẩu lìa ngôi

            Đầy vai tinh lạc, bước người vào mây,

            Soi nghiêng nét chữ đầu mày,

            Vần thơ đáy mắt kiếp này còn xanh

            Tia nhìn trăng lạnh rùng mình

            Xin treo cửa biển cho thành hải đăng.

(Âm giai áo tím)

Có thể nói, hai đoạn thơ trên chỉ là một trong số nhiều ví dụ chứng minh cho tài năng của Đinh Hùng ít nhất là về khía cạnh làm mới « diện mạo » thơ lục bát. Và rõ ràng, đây không chỉ là một bài thơ nữa mà còn là một “bản nhạc của tâm” thể hiện được những cung bậc tình cảm hết sức tinh tế của chủ thể sáng tạo. Để rồi từ đây, những câu thơ gợi cảm vang lên với âm điệu thiết tha, du dương khiến độc giả như chìm vào vương quốc của những cảm xúc tế vi. Đó là sức mạnh của sự ám gợi.

Nhìn chung, yếu tố nổi trội nhất góp phần quan trọng trong việc phát huy nhạc tính tối đa trong thơ Đinh Hùng chính là nhịp điệu chứ không phải là vần điệu. Sau khi khảo sát, chúng tôi nhận thấy vần trong các sáng tác của ông chỉ làm tròn vai được qui định của mình trong các thể thơ là liên kết các câu, các đoạn và các ý thơ lại với nhau chứ chưa  được kích hoạt một cách triệt để và đủ mạnh để có thể phát huy tốt hơn nhiệm vụ của mình. Điều đó có nghĩa là nhạc tính trong thơ Đinh Hùng chủ yếu do nhịp điệu tạo nên.

Một trong những thủ pháp ông thường sử dụng là điệp ngữ. Ví dụ như ở bài Âm hưởng. Bài thơ có sáu khổ, thì hết năm khổ được bắt đầu bằng “hôm nay” chỉ riêng khổ cuối là có sự khác biệt: “Em là công chúa si mê/ Ngủ giữa ngàn hoa lửa cháy./ Bao giờ lại trắng hoa lê,/ Em tỉnh giấc mơ bừng dậy?”. Có thể thấy, thủ pháp điệp ngữ ở đây đã phát  huy hết tác dụng của mình khi gợi lên được cái vòng tuần hoàn của thời gian, cái âm hưởng rạo rực của mùa xuân hoà quyện với âm hưởng của lòng thi sĩ đang khát khao được đắm say trong tình yêu với một nửa còn thiếu của mình. Chúng tôi xem khổ thơ cuối là một sự bất ngờ dịu dàng khi chệch ra khỏi âm hưởng chung của toàn bài nhưng đó là một sự cần thiết để thể hiện sự thiếu hụt trong tâm hồn và cũng là để khẳng định tình yêu của chủ thể trữ tình với nàng “công chúa si mê” kia. Đây là một bài thơ hiếm hoi của Đinh Hùng có sự trong trẻo của cảm xúc. Một phần quan trọng là do nhịp điệu trong tác phẩm tạo nên.

Cần nói thêm là việc ngắt nhịp đối với Đinh Hùng hoàn toàn theo cảm xúc của ông. Ta có thể thấy rõ điều này qua đoạn thơ sau: “Khi trăng lên huyền hoặc mắt Em sầu/ Những vì sao ngoài vũ trụ gọi tên nhau/ Những nét nhạc tự tình trong mùa xuân nếp áo,/ Cho kỷ niệm trường sinh/ khi những đám mây/ bay về quá khứ./ Cho mai sau/ những cặp tình nhân/ chung niềm tín mộ,/ Đọc trang thơ còn nhớ miệng Em cười,/ Nhớ cả con đường thủa ấy mưa rời,/ Có anh bên Em/ cùng những vì sao/ nép vào mái tóc” (Tiết điệu một bàn tay). Ban đầu là câu thơ tám tiếng, sau đó tăng dần lên chín tiếng, mười tiếng rồi bất ngờ bị đứt gãy đột ngột vừa tạo nên sự đổ vỡ của cảm xúc, vừa tạo sự hụt hẫng, tiếc nuối khi hiện thực vẫn còn đó như một ám ảnh, một vết thương không thể lành. Nhưng chính sự thay đổi nhịp điệu một cách chóng vánh ấy cũng  nhằm để chủ thể trữ tình khẳng định tình yêu trường cửu của mình. Thật sự đây là một trong những đoạn thơ mà nhạc tính của nó đã được thể hiện rất hiệu quả, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Đinh Hùng.

Ngoài ra, trong một vài bài thơ, chúng tôi nhận thấy thi sĩ có khi còn phá vỡ cấu trúc của khổ thơ để thể hiện những xúc cảm của mình, như trong bài Cuồng vọng tình nhân. Đây là một bài thơ được làm theo thể thơ bảy tiếng với mỗi khổ gồm bốn câu thơ. Người viết những tưởng nhịp điệu êm đềm ấy sẽ được giữ nguyên cho đến hết bài thơ, nhưng không.  Đinh Hùng đã không ngần ngại tạo nên hai khổ thơ đặc biệt (mà chúng tôi chỉ xin trích và phân tích một đoạn) thế này: “Tuy không nhân tình, chưa sống chung,/ Mà thương vẫn thương hơn vợ chồng./ Lời hứa một đêm thành Định Mệnh,/ Sao môi kề môi còn hư không?/ Sao tay trong tay còn viễn cách?/ Ánh trăng nào thay anh động phòng?” Ta thấy, tác giả đã thêm vào hẳn hai câu hỏi để tạo thành một chuỗi câu hỏi liên tiếp với nhịp điệu dồn dập để nhằm lột tả được nỗi đau, sự mất mát cũng như nhằm thể hiện sự đối lập với ba câu thơ trên. Chính sự đối lập ấy đã thể hiện được cái khoảng cách không thể lấp đầy trong tình yêu của tác giả, vì đó là một khoảng cách tâm linh.

Trước khi kết thúc phần này, chúng tôi sẽ dẫn tiếp ra đây thêm một trường hợp đặc biệt nữa:

            Trước ngọn thần đăng;

            Chập chờn gió lốc.

            Lạc giữa tang thương;

            Hồn nào cô độc?

                        Bao trời viễn ảnh chờ cuối quan san;

                        Một khối thiên tư nằm trong u ngục.

Lũ chúng ta:

            Mấy kẻ không nhà, tưởng đành bạc đức với nhân tình nên mê tràn tâm sự, có buổi vò nhung xé lụa, chưa mời giăng một tiệc đà nhắc giọng Lưu Linh;

            Từng giờ thoát tục, đã quyết vô tâm cùng thể phách thì đốt trọn tinh anh, đòi phen khóc nhạc, cười hoa, chẳng luyến mộng mười năm cũng nối tình Đỗ Mục (…)

                        (Thần tụng)

Chắc chắn sẽ có nhiều người rất bất ngờ vì một thi sĩ tượng trưng lại có thể viết ra được những câu văn biền ngẫu nhuần nhuyễn đến như vậy. Chính chúng đã tạo nên âm hưởng bi thương chủ yếu cho toàn đoạn thơ. Cảm nhận ban đầu của người viết là tác phẩm này có dáng dấp của một bài văn tế mà chúng tôi tin rằng ai cũng sẽ nghĩ như thế khi đọc ví dụ mà chúng tôi dẫn ra ngay sau đây:

                        Hỡi ôi!

Luỵ tài hoa vẫn đành đoản mệnh, có say đâu một làn hương thoảng? có yêu đâu một nét mây hờ? sao còn ngộ, còn điên, còn dại? trí cảm thông mờ ngủ dưới chao đèn;

Mộ nhan sắc đến nỗi vong tình, chẳng mê vì một bóng tiên qua, chẳng chết vì một bầy yêu đến, mà cũng hờn, cũng giận, cũng ghen, hồn lưu lạc mỉm cười trong đáy cốc.

Thêm nữa:

                        Hồn hỡi hồn!

Ta gọi Hồn chơi vơi ngọn lửa,

Ta cầu Hồn nức nở bài kinh,

Tỏ mờ trong cõi U Minh,

Nghe ta Hồn hỡi, có linh thời về!

            (…) Thơ huyền diệu bốn bề khói toả,

            Nhạc dị kỳ vạn ngả sao rơi.

                        Về đây, Hồn hỡi! Hồn ơi!

            Tâm hương một nén muôn đời không tan…

Đây đúng thật là một sự thể nghiệm hết sức táo bạo của Đinh Hùng. Cái đáng nói đến nhất là nhịp điệu của bài thơ hoàn toàn là nhịp điệu của một bài văn tế dù Đinh Hùng đã cố tình phá cách khi không theo các qui tắc thông thường. Và rõ ràng, thi sĩ đã viết ra bài thơ trong một cơn nhập mộng để khóc thương cho những cái đẹp đã lùi sâu vào quá vãng; cho hồn của những người tài hoa, bạc mệnh có nhiều điểm chung với mình. Ấn tượng nhất chính là việc ông, một người chịu ảnh hưởng nhiều của thi phái tượng trưng, không những có thể viết văn biền ngẫu mà còn có thể làm thơ song thất lục bát hay và chuẩn đến như thế. Chính điều này đã tạo nên sức ám gợi mạnh mẽ cho toàn bài thơ, làm cho độc giả có cảm giác như đang tham dự vào một buổi cầu hồn thực sự, đang đứng giữa biết bao Hồn tài hoa từ ngàn xưa đến nay tụ hội về để cùng rỏ lệ, cùng thắp lên một nén tâm hương. Đây là một sự thể nghiệm thành công của Đinh Hùng khi không chỉ thể hiện tài năng của thi sĩ mà còn góp phần làm nên tính dân tộc trong các thi phẩm của ông.

V. Beethoven đã từng nói: Cần nắm vững những nguyên tắc của nghệ thuật thì mới có thể đạt đến sự tự do và sáng tạo. Và chúng tôi tin là Đinh Hùng thấu hiểu được điều này.

Thật sự, người viết đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu vấn đề nhạc tính trong thơ Đinh Hùng. Nguyên nhân thứ nhất, nguyên nhân chủ quan, chính là do ở thời điểm hiện tại, người viết chưa có đủ khả năng, trình độ để có thể giải quyết thấu đáo và đi đến tận cùng. Bởi vì đây là một vấn đề phức tạp đòi hỏi được nghiên cứu ở cấp độ sâu hơn, thậm chí cần có nhiều thời gian hơn để dành cho việc cảm thụ. Nguyên nhân thứ hai, nguyên nhân khách quan, là do có quá nhiều bài thơ chúng tôi dù đã cố gắng vẫn chưa thể xác định được hoàn cảnh sáng tác, tâm thế của tác giả, mà nhất là với thơ tượng trưng thì điều này sẽ tác động không nhỏ đến sự cảm hiểu tác phẩm. Tuy vậy, qua việc trích một số đoạn thơ tiêu biểu của Đinh Hùng, người viết cũng hy vọng rằng mình đã giới thiệu và chứng minh được phần nào tài năng nghệ thuật Hoài Điệp. Và có thể thấy, trong thơ ông, nhạc tính như một sứ giả dẫn đường, dẫn dắt độc giả  đi vào thế giới của cảm xúc, lắng nghe những nhịp đập tinh tế nhất của tâm hồn, mở ra cánh cửa bước vào thế giới lung linh, huyền ảo của thi ca.

 


[1] Trước chúng tôi, nhà phê bình Đỗ Lai Thuý  đã đề cập đến hồn trong thơ Hoài Điệp [33, tr.176] và đã chỉ ra những cách hiểu của nó như sau: thứ nhất là hồn người, thứ hai là hồn cầm thú, thứ ba là hồn cây cỏ, thứ tư là hồn những vật vô tri và cuối cùng là hồn những cái trừu tượng. Kế thừa những thành quả nghiên cứu đó và tiếp tục đào sâu tìm hiểu, người viết có thể khẳng định: trong thi giới Đinh Hùng, biểu tượng hồn có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng và  có thể xem đây là nhân vật đặc biệt nhất.

 

Nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/su-nghiep-van-hoc-dinh-hung-ix



[i] Trích trong “Sự nghiệp văn học Đinh Hùng”

 

Comments are closed.