Văn học miền Nam 54-75 (178): Vũ Bằng (2)

Vũ Bằng

Vương Trí Nhàn

VuBangb11a7_1

 

Vài nét tiểu sử 
Vũ Bằng sinh năm 1914, mất 1984. Tác phẩm đã in trước 1945: Lọ Văn, Cai, Một mình trong đêm tối, Truyện hai người, Để cho chàng khỏi khổ. Sau 1954, tiếp tục cho in Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai, Bốn mươi năm nói láo.

Buồn vui đời viết 
Một vài nét về con người thường chỉ được biết tới qua hình ảnh nhân vật Hoàng trong Đôi mắt của Nam Cao, song sự thực là có một đời sống phong phú hơn hình ảnh biếm họa đó rất nhiều.
Mặc dù đa số sinh ra và lớn lên vào những năm đầu thế kỷ XX và một số còn sống đến gần đây, những năm bảy mươi, tám mươi, song khi được miêu tả trong các tài liệu văn học sử, các nhà văn tiền chiến thường bị đặt trong một khoảng cách khá xa vời. Giá trị của họ bị tuyệt đối hóa, người tốt tốt quá, người kém thì xấu xa tệ bạc quá. May thay, trong thực tế, họ không hẳn như vậy.
Trừ một hai người số phận gọn gàng mạch lạc, còn phần lớn, cũng như chúng ta bây giờ, họ có một cuộc sống xô bồ tùy tiện, cư xử lúc khôn lúc dại, tác phẩm viết ra cái dở cái hay và khi nhìn lại ở đó có rất nhiều điều vô lý, bất thường, tối sáng trộn lẫn, gây phiền phức cho những ai muốn cái gì cũng rõ ràng. Song chính vì thế, đó lại là những cuộc đời rất hấp dẫn.
Vũ Bằng là một trường hợp khá tiêu biểu.

Một hình ảnh tương tự
Để có một ý niệm sơ bộ về Vũ Bằng (nhất là đối với những ai không chuyên đi vào mọi ngóc ngách của đời sống văn học trước 1945) có lẽ tiện nhất là hãy so sánh ông với một nhà văn bây giờ còn được biết nhiều và để lại một ấn tượng rõ rệt, là Lê Văn Trương. Cả hai cùng là những “ông lớn” một thời: Lê Văn Trương viết cho Trung Bắc tân văn, trấn giữ Ích hữu, có tác phẩm đều đều đăng trên Phổ thông bán nguyệt san. Còn Vũ Bằng thì ngoài việc trông nom mấy tờ báo lớn như Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền , nghe nói ông còn gác gôn về nội dung sách cho nhà xuất bản Tân dân, trở thành một thứ quân sư, hoặc nói như Tô Hoài, một thứ cai thầu, khống chế công việc các loại đàn em trong nghề viết lách. Ở vai trò này – vai trò người góp phần tổ chức quá trình văn học đương thời – Vũ Bằng hiện ra như một con người năng nổ, xốc vác, chỗ nào cũng có mặt, sự giao thiệp thật rộng. Thường khi người ta thấy ông xởi lởi hào hiệp. Song cũng không phải không có lúc ông phá quấy người này, chọc ghẹo người kia, và đòn phép với một người khác nữa. Được cái tính ông hồn nhiên, nhẹ nhõm, nên bực bội đến mấy rồi người ta cũng xuề xòa cho qua.
Trên phương diện người cầm bút mà xét, Vũ Bằng và Lê Văn Trương giống nhau ở chỗ viết đều đều, viết rất khỏe. Đặt bên cạnh lối làm nghề có phần chặt chẽ, khổ hạnh của các cây bút Tự Lực văn đoàn và một số nhà văn đương thời, thì cả hai có phần buông tuồng tùy tiện. Không phải là họ không có tâm huyết. Song họ thích sống và viết thoải mái chỉ cốt sao nói có người nghe, viết có người đọc. Tác phẩm của Lê Văn Trương vốn nhất quán ở những lời rao giảng đạo đức lộ liễu và triết lý người hùng nổi tiếng một thời. Về phần mình, ngòi bút Vũ Bằng còn dông dài, phóng túng hơn, bởi vậy, trong đời sống văn học, hầu như không ai là không biết ông, song tổng kết lại, ngay một nhà phê bình đương thời là Vũ Ngọc Phan, khi phân tích giới thiệu Một mình trong đêm tối, Truyện hai người… cũng chỉ dùng đến những lời lẽ dè dặt.

Thương nhớ cuộc đời “đấu láo”
Nhưng không phải những gì viết ra dưới ngòi bút Vũ Bằng đều “trôi tuột” đi cả.
Khoảng 1976 – 1977, nhà văn Nguyễn Minh Châu từng kể lại với bạn bè đồng nghiệp một mẩu chuyện nhỏ: có lần, một vị đại tá về hưu, rỗi rãi tới gặp tác giả Dấu chân người lính, nhờ giới thiệu sách để đọc. Nhu cầu của vị độc giả này hơi khó thỏa mãn một chút: ông muốn có một quyển nào đọc vừa nhẹ nhàng lại vừa sâu sắc, nhất là hợp với lớp người lớn tuổi, thích nghiền ngẫm sự đời. Nguyễn Minh Châu giới thiệu một tác phẩm của Vũ Bằng. Vị đại tá kia đọc xong thích quá, cứ nhắn có quyển nào tương tự mách hộ, Song Nguyễn Minh Châu chỉ cười cười mà trả lời rằng khó lắm, sách hay đâu mà sẵn thế!
Tác phẩm của Vũ Bằng mà Nguyễn Minh Châu kể ở đây là Thương nhớ mười hai, cuốn sách trong đó tác giả ôn lại những kỷ niệm về một quãng đời đẹp nhất của mình. Bấy lâu mải viết văn viết báo chọc quấy thiên hạ, giờ đây Vũ Bằng mới thật trở về với bản thân. Trong thâm tâm, ông bảo ông chỉ viết cho một người duy nhất. Nhưng nhiều độc giả lại tìm thấy ở đây những nỗi niềm tương tự: tưởng như ông đã viết riêng cho họ vậy.
Một tác phẩm đáng chú ý khác, cũng được Vũ Bằng hoàn thành những năm cuối đời, là cuốn hồi ký Bốn mươi năm nói láo. Những ai muốn hiểu cuộc sống láo nháo của những người cầm bút trước 1945, có thể tìm thấy ở đây những chi tiết thú vị. Mặc dù khi kể lại những trò ngang ngược mà đám viết văn viết báo như mình đã làm thời còn trai trẻ, Vũ Bằng dùng lối nói đùa bỡn, nghịch ngợm, song đằng sau những chuyện tào lao đó, người đọc vẫn bắt gặp ở tác giả một tình yêu nghề nghiệp sâu nặng, đó chính là lý do khiến cho cuốn sách đọc khá cảm động.

Ngòi bút khai lối mở đường
Mỗi khi nói tới nghề viết văn, người ta có thói quen nhấn mạnh đây là một thứ lao động cá nhân, mỗi người cày cuốc chăm sóc riêng mảnh đất của mình. Điều đó là đúng, nhưng không phải chỉ có vậy; cũng như ở các nghề khác, ở đây, những người lao động đơn độc thường vẫn vừa làm, vừa không quên ngó ngàng để ý công việc của người bên cạnh. Và không ít trường hợp hạt người này gieo, lại được người khác chăm tưới thu hoạch.
Trở lại câu chuyện có liên quan đến Vũ Bằng và lớp nhà văn tiền chiến. Khoảng đầu những năm ba mươi của thế kỷ này, văn xuôi Việt Nam còn rất mới mẻ, đang phải dò dẫm học hỏi nhiều mặt. Chẳng hạn, trước đây văn xuôi ta chỉ có lối viết rành rẽ, tách riêng ý nghĩ và hành động của con người (Kể cả một văn tài như Nguyễn Công Hoan cũng thuộc phạm vi kiểu văn xuôi đó). Còn lối viết bám sát đời sống nội tâm, để cho ý nghĩ và hành động nhân vật quyện chặt lấy nhau, phải về sau mới có. Người áp dụng thành thục hơn cả lối viết này là Nam Cao. Nhưng theo nhà văn Tô Hoài cho biết, chính Vũ Bằng là người mở đầu. Do đọc nhiều sách Pháp, ông đã tự mình làm cuộc “chuyển giao công nghệ”, mang lối viết có hơi hướng độc thoại nội tâm đó vào văn xuôi tiếng Việt. Đọc hồi ký Cai và nhiều truyện ngắn tiểu thuyết của Vũ Bằng, rồi Nam Cao, Tô Hoài mới viết theo.
Một chuyện như vậy, nếu như gần đây, Tô Hoài không viết ra, thì cũng không ai để ý.
Không một cành hoa cho người mở lối. Đấy là một sự thực thông thường, mà cũng là điều làm chạnh lòng những ai quý mến Vũ Bằng: đời ông quá nhiều dang dở! Song nghĩ cho kỹ, ở một thời kỳ cả nền văn xuôi luôn luôn vận động như thời tiền chiến, một đóng góp như thế của Vũ Bằng, đã là đáng kể lắm rồi. Và với một người thường xuyên “mo-phú” hết, bất chấp mọi chuyện lặt vặt, cốt được làm nghề, sống chết với nghề, thì một sự ghi nhận như thế đã là một niềm an ủi.

Thương nhớ mười hai và một cảnh quan văn hóa độc đáo

Em có tài nấu nướng
Anh có tài ngợi khen
Xuân Diệu

Tuy không ghi thành văn bản, nhưng trong những năm thuộc về cái gọi là thời bao cấp, chúng ta có những cái lệ mà nhiều người thấy phải e nể, giữ gìn và nếu vô ý xâm phạm sẽ lập tức thấy hãi sợ – một nỗi sợ hãi rất vô lý mà vẫn cứ cảm thấy không thể từ bỏ nổi. Ví như có cái lệ không nên nói đến ăn ngon mặc đẹp. Thích ăn ngon được hiểu ngầm là một thói xấu. Và nói về ăn ngon một cách say sưa cũng đã coi như mắc tội.
Nay thì… Nay thì có khác!
Ngay ở Hà Nội, nhiều cửa hàng đặc sản mở cửa, nhiều nơi đằng sau tấm biển thông báo các món ăn có chua rõ tên người đầu bếp, để ghi nhận rằng tài nấu ăn cũng là một thứ tài đáng kính trọng. Bánh cốm Nguyên Ninh và nhiều loại bánh ngon khác “tái xuất giang hồ” như để nhắc nhở với mọi người rằng trước đây người Hà Nội cũng biết ăn cho ra ăn và cách làm các món ăn cũng tinh vi lắm.
Giờ đến lượt những cuốn sách hay đặc tả cho hết cách dân ta vẫn ăn và những năm ngẫm nghĩ hưởng thụ thường đến trong khi ăn, từ đó, một thứ văn hóa ăn đã hình thành – những cuốn sách ấy được xuất bản rộng rãi không sợ bị ai lườm nguýt.
Ấy là, chẳng hạn, một số truyện trong Vang bóng một thời và nhiều bài ký khác của Nguyễn Tuân trong đó có bài Phở, bài Giò lụa, bài Cốm, in vào tập Cảnh sắc và hương vị đất nước, cả hai đều in ra 1988.
Ấy là, chẳng hạn, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng bắt đầu in lại từ 1989.

Quả thật, ít thấy ở đâu nói về các món ăn cũ một cách kỹ càng tỉ mỉ, thậm chí thành kính, thiêng liêng, như trong những trang sách của nhà văn họ Vũ.
Từ các món chả cá, gỏi cá, cháo ám nấu từ cá anh vũ Việt Trì, ăn vào tháng Hai, cho đến gạo mới chim ngói tháng chín; từ cá rô don nấu rau cải đến nõn khoai kho tương; từ mấy giọt dầu cà cuống thoang thoảng, tới cái vị “nhận nhận bùi bùi, béo béo, thanh thanh” của cà cuống thịt, mà “người tục có thể ăn cả trăm con không biết chán”… Rồi nhót, mận, rượu nếp giết sâu bọ mồng năm tháng năm, quả quýt ngọt lừ tháng mười. Rồi nhãn Hưng Yên tháng sáu, cốm hồng tháng tám. Rồi xôi và chè đường, chè đậu đen, chè hoa cau, “cái hệ thống bao la bát ngát của chè” như tác giả nói, trong đó nổi nhất chè cốm, chè củ mài, và cả những thứ rất đơn giản, rất rẻ mà cũng không quên được như chè lam, chè bà cốt… Mấy chục mấy trăm món thức ăn ấy, thứ nào cũng được đưa lên tới trình độ thời trân, thứ nào cũng được tác giả cho là “độc nhất vô nhị”, “thần sầu quỷ khóc”, “khoái khẩu cái”, “quỷ thần không hưởng thì thôi, chứ hưởng một chén, chắc chắn cũng phải đòi ăn chén nữa”.
Đọc sách, người đàn ông muốn làm nũng vợ có thể đặt hàng để vợ, theo đúng quy cách được tả trong sách mà trổ tài phục vụ chồng con lấy một hai lần. Và sau khi đã nghiệm thu, đã đóng dấu chứng nhận phẩm chất rồi, sẽ bảo nhau rằng những trang sách này giống như một thứ hướng dẫn du lịch; một thứ tài liệu tham khảo không thể thiếu cho những cuốn từ điển về ăn uống của người Việt, sẽ được biên soạn sau này; một thứ sách nhập môn cho một môn khoa học có tên nửa nôm nửa tự: đất nước học.

Tuy nhiên, cái hấp dẫn cái đáng yêu của Thương nhớ mười hai không phải ở chỗ kể các món ăn ấy ra mà là đặt chúng vào một khung cảnh đời sống hết sức độc đáo.
Thuận theo mười hai tháng trong một năm – mà tháng nào cũng là một trời thương nhớ – tác giả đồng thời phác ra một số nét sinh hoạt tinh thần của các vùng đất chung quanh Hà Nội: những ngày tết; các dịp lễ hội; những phong tục dân dã với tất cả sự phiền phức mà ai cũng tự nguyện chấp nhận; và cả những bức tranh phong cảnh, mấy ruộng rau cần, dăm bóng sầu đâu (xoan ta), những thoáng run rẩy trong thời tiết “cái buồn của tháng tám nên thơ, qua khúc rẽ, cái buồn của tháng chín ủ ê, day dứt”, v.v… và v.v… Tất cả là những mắt xích khác nhau của cái guồng máy chung, hoặc, như người ta hay nói, những bộ phận khác nhau của một cảnh quan chung, cảnh quan văn hóa.
Cảnh quan ấy nhất quán trong không gian và liên tục trong thời gian.
Ngòi bút để miêu tả cảnh quan ấy thì điêu luyện, tinh tế, và nếu có lúc, người viết có vẻ như dẻo mồm, khéo tán, làm duyên, thì cũng là, như chính tác giả vẫn hay dùng, “duyên không chịu được”.

Còn một yếu tố nữa, suy cho cùng, cũng thuộc về cảnh quan văn hóa, nhưng lại được tác giả khai thác theo một cách khác, để nó trải ra bàng bạc suốt gần ba trăm trang sách và tạo nên một thứ sương khói của tác phẩm. Đó là mối quan hệ gia đình.
Nguyên Thương nhớ mười hai được viết ra nhân một lý do riêng: tác giả vào miền Nam và luôn luôn nhớ tới đất Bắc, cái xứ sở mình và người vợ cũ từng ở. Người đàn bà có tên là Quỳ chỉ được nhắc ở vài chỗ. Nhưng mỗi dòng mỗi chữ trong sách dường như cất lên cốt cho người ấy nghe, dành riêng cho người ấy đọc. Đấy cũng là mối dây đầu tiên để cả guồng máy đời sống quá vãng cùng sống động trở lại. Qua hồi ức thấy hiện lên bóng dáng một gia đình, trong gia đình ấy vợ chồng “tương kính như tân” ân cần với nhau, chiều chuộng nhau, mối quan hệ có cái gì rất cũ, nhưng lại thanh nhã, thân mật, ấm cúng.
Đã đành là hồi ức bao giờ cũng đẹp, nhưng hồi ức về gia đình ở đây còn như được lý tưởng hóa nữa, một lối tín ngưỡng một cách thờ phụng mà người đứng ngoài phải coi trọng và… thầm ao ước. Giọng kể của Vũ Bằng trong những đoạn ấy ung dung tự tin, đôi khi làm người ta liên tưởng tới giọng của triết gia Lâm Ngữ Đường trong cuốn sách được cả thế giới bái phục: Một quan niệm về sống đẹp.
– Ồ, cách sống của người Việt cũng có vẻ đẹp riêng của nó chứ!

Tình yêu của Vũ Bằng với đất Bắc là một thứ tình yêu được gián cách trong không gian. Thông cảm hơn cả với cuốn sách, do thế, trước tiên phải là những ai cùng cảnh ngộ với người xưng tôi trong sách.
Nhưng không bắt buộc phải xa Hà Nội hàng ngàn cây số, người ta mới có được tình yêu mê mệt như vậy.
Còn một thứ gián cách nữa, cũng gợi thương nhớ đến quay quắt, là gián cách trong thời gian.
Cùng nhẩm lại thì thấy những chuyện mà Vũ Bằng kể đã thuộc về một quá khứ xa xôi, từ đó tới nay có tới trên dưới năm chục năm cách biệt. Thay thế cho cái thành phố thanh vắng tĩnh mịch của người đi bộ và những chiếc xe kéo chậm chạp hồi ấy là một Hà Nội chen chúc hàng chục vạn xe máy, một Hà Nội chưa hiện đại nhưng chỗ nào cũng ngổn ngang vật liệu xây dựng và lòng người thì cuống quýt tất bật không yên. Một thanh niên Hà Nội luôn luôn phải đi giữa đường phố bụi bặm hôm nay thật khó lòng tưởng tượng có lúc thành phố mình “đường sá lại sạch như lau” và “lá cây ngọn cỏ thì xanh ngăn ngắt” lúc nào cũng như mời người ta đi dạo.
Như thế thì giữa người độc giả ấy với người viết sách sao lại không thể bảo là “cùng một lứa bên trời lận đận”? Và ngay trên đất này, nỗi sầu xứ của nhà văn giờ đây không được mấy ai biết tới kia, sao lại bảo là không được chia sẻ đầy đủ?

Nguồn: http://vuongdangbi.blogspot.com/2008/10/v-bng.html

Comments are closed.