Mùa Xuân đọc thơ Quách Tấn
Nguyễn Mộng Giác
Mỗi lần Tết đến, bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu ở quê hương lại lặng lẽ trở về trong tâm hồn tôi, và năm nay, không hiểu tại sao, tôi lại nhớ về một nhà thơ đáng kính: Quách Tấn.
Trong ba người thuộc thế hệ tân học huyện Bình Khê thời tiền chiến là ba tôi, thầy Nguyễn Đồng và thi sĩ Quách Tấn, thi sĩ là người nổi tiếng hơn cả. Quan hệ bạn bè giữa những người cũng được đào tạo trong nền văn hóa Tây học, vào thời nền giáo dục chưa được phổ cập như sau này, dĩ nhiên là thân thiết. Nói cho đúng hơn, trong sự thân thiết có một chút ganh đua, cả trong nghề nghiệp lẫn uy tín về chữ nghĩa. Thầy Nguyễn Đồng làm nghề dạy học, và suốt đời cố gắng đứng ngoài những chỗ quyền bính, giữ tư cách độc lập của một nhà nho giữa thời Nho học suy tàn. Ba tôi tốt nghiệp Sư phạm, suốt đời làm thầy giáo nhưng vẫn có ước vọng thầm kín là muốn trở thành một người viết tiểu thuyết. Thời nhỏ, có lần tôi lén đọc được một tập bản thảo của ba tôi, một cuốn tiểu thuyết phong tục về đời sống nông thôn như lối viết của Ngô Tất Tố. Theo lối nhìn của một đứa bé chưa đầy mười tuổi còn mê chuyện câu cá bắn chim, tôi cho truyện của ba tôi không hấp dẫn, chứa toàn những chuyện rắc rối của người lớn. Có lẽ ba tôi cũng tự đánh giá văn chương của mình một cách nghiêm khắc, nên không bao giờ ba tôi nhắc đến tác phẩm ấy, và tập bản thảo sau này cũng thất lạc. Trong hoàn cảnh ấy, tôi đoán được cảm nghĩ của ba tôi đối với “Bác Tấn”. Sự nghiệp văn chương của bác Tấn vừa là một niềm hãnh diện cho người đồng hương, vừa là niềm mơ ước thầm kín của ba tôi. Phần tôi, trong kho sách quốc ngữ ba tôi sưu tập từ thời tiền chiến và giữ gìn cẩn thận trong thời kháng chiến, tôi tò mò tìm đọc những cuốn sách của bác Tấn. Có lẽ thời đó tôi có đọc Mùa Cổ Điển, nhưng không nhớ được gì. Tôi chỉ nhớ có đọc Trăng Ma Lầu Việt.
Từ văn tới người, tôi tò mò về cuộc đời bác. Cũng trong cách suy nghĩ của một đứa trẻ, tôi thấy cuộc đời bác rắc rối quá, không bình lặng êm đềm như cuộc đời gia đình chúng tôi. Thời kháng chiến, trường Collège Quinhon tản cư về làng Hòa Bình quê ngoại của tôi, biến Hòa Bình thành trung tâm văn hóa giáo dục của toàn vùng. Trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh cấp cao bậc trung học các nơi đổ về. Bác Tấn cũng về Hòa Bình dạy học như ba tôi. Điều dễ đoán là uy tín văn chương của bác khiến bác trở thành mục tiêu cho những ngưỡng mộ thầm lặng và nghi kỵ soi mói. Trong đám học sinh thời ấy, có truyền miệng một chuyện khôi hài không biết có thực hay không: thầy Quách Tấn bị bệnh trĩ kinh niên, nên mỗi khi “ra đồng”, thường phải mang theo một chai nước để làm chuyện vệ sinh. Công an nghi nhà thơ nghiện rượu, và vào giai đoạn nghiêm cấm nấu rượu và uống rượu, chứng nghiện này là một tội lớn. Một lần công an cho người rình theo dõi thi sĩ Quách Tấn ở Gò Ngựa, và chúng ta đoán được vẻ mặt bẽ bàng của họ khi khám phá ra sự thực.
Nhưng không lâu sau đó, chính bọn học trò nhỏ chứng kiến cảnh thầy bị công an trói tay dẫn đi, vì tội làm thơ phản động. Thơ Quách Tấn phản động ở chỗ nào, chúng tôi không biết. Nhưng cảnh một nhà thơ quắc thước, một ông thầy đáng kính bị trói tay dẫn đi trước đôi mắt ngỡ ngàng của đám học trò nhỏ, trở thành một ấn tượng không bao giờ phai mờ trong tâm hồn tôi. Ấn tượng ấy giải thích được phần nào ác cảm của tôi đối với mọi bộ máy quyền lực, thành kiến của tôi đối với những kẻ ham quê quyền lực. Với đầu óc non nớt của một đứa trẻ lên mười, không có bất cứ thứ gì thiêng liêng trên đời có thể biện hộ cho việc trói tay bác Tấn đem đi bỏ tù. Đám học trò nhỏ chúng tôi cảm thấy chính mình bị xúc phạm.
Bác Tấn liên tiếp bị chính quyền cộng sản thời kháng chiến gây rắc rối, bắt lên bắt xuống nhiều lần suốt thời gian sau đó. Bây giờ, đọc lại tất cả những gì bác viết, ôn lại diễn tiến thăng trầm cả cuộc đời bác, tôi nghĩ bác bị nghi oan. Bác không tham dự vào những hoạt động chống chính quyền, không thành lập nhóm này, đảng nọ. Bác chỉ làm thơ. Và vì thấm nhuần thi pháp và đạo học cổ truyền – thi ngôn chí – nên bác không thể làm loại thơ nào khác hơn là loại nói đúng tâm cảm của mình trước hoàn cảnh. Bác thuộc vào “mùa cổ điển”, không còn đủ nhạy bén và khôn ngoan như một bạn thơ trẻ của bác – nhà thơ Chế Lan Viên – để biến thơ thành tên đầy tớ trung thành của chính trị. Tiếng thơ Quách Tấn đã lạc loài với thơ đồng thời từ trước 1945. Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam xem Quách Tấn như “sứ giả đời Đường, đời Tống. Đời Đường có lẽ đúng hơn. Đời Đường mới có cái âm u ấy. Thơ Tống dầu xem được ít tôi nhớ hình như quang đãng và bình yên, không như thế.” Sang thời kháng chiến, thơ bác càng lạc loài. Giữa tiếng hò, tiếng hét, tiếng chửi, tiếng mắng, tiếng tung hô vạn tuế, tiếng xưng tụng ngút trời … thời đại mê sảng ấy đâu phải là thời hoàng kim cho những “lời rất khẽ, bước rất êm” như thơ Quách Tấn.
Sau hiệp định Genève, tỉnh Bình Định thuộc Liên khu V thời kháng chiến do phe Quốc gia tiếp quản, một lớp tập kết ra Bắc, một lớp ở lại bắt đầu sống dưới một chính thể khác. Bác Tấn và ba tôi cũng được tái bổ dụng tiếp tục làm công chức như trước năm 1945, ba tôi lại đi dạy học, còn bác Tấn làm một chức vụ hành chánh cao cấp trong tỉnh. Con đường hoạn lộ của nhà thơ không dài, vì trong chính trị đương thời, bác không thuộc vào tôn giáo đang có thế lực. Rồi nhà thơ lại trở về với đời sống công chức bình lặng, và tiếp tục viết những “lời rất khẽ”, tiếp tục bước những “bước rất êm”.
Võ Phiến nhận xét về vị trí của Quách Tấn trong hai mươi năm sinh hoạt văn chương Miền Nam như sau: “Thời vừa qua không thiếu những kẻ ngất ngưởng, hào sảng, khinh thường sống chết, rượu say túy lúy coi trời bằng vung; không thiếu kẻ đại ngôn ngày ngày toàn nói chuyện tồn sinh, hiện sinh, hiện hữu, chuyện càn khôn vũ trụ v.v… Quách Tấn không sở trường triết lý, không niềm tin tôn giáo, không xông pha trận mạc, không rượu không say… Quách Tấn sống lặng lẽ, sống âm thầm ở tỉnh lẻ. Trước 1975 rất nhiều năm hiếm khi thấy bóng ông ở Sài Gòn. Ông ít bạn bè, ít giao du, ngay cả trong văn giới. Quanh năm, chẳng mấy khi thấy báo nào đăng thơ ông, hiếm khi có nhà xuất bản in thơ ông trong nước. Ngay cả những số báo Tết thường là chỗ gặp gỡ đông đảo văn thi sĩ cũng ít khi thấy thơ Quách Tấn. Mọi người cơ hồ quên hẳn ông.”
Nhà thơ thong dong đứng ngoài vòng điên đảo của thời thế chăng? Không. Cả dân tộc Việt Nam chúng ta trải qua cơn bão dữ, trúc chẻ ngói tan, máu sông xương núi, còn có ngóc ngách nào là bình yên. Chúng ta, cũng như Quách Tấn, “rủi gặp thời vô đạo” (bài Tay Súng trong tập Giọt trăng), cái thời con người cuống cuồng chạy theo những tiếng thét tiếng ồn, mắt say những màu rực rỡ chói chang. Suốt nửa thế kỷ, cả dân tộc lên cơn mê náo nhiệt, “khóc rộn ràng”, “reo vui vẻ”, và chết khuất lấp. Ai còn có thì giờ và tâm trí đâu để lắng lòng thưởng thức những cái mềm mại, khe khẽ, thoảng thoảng, huyền diệu, vô hình như thơ Quách Tấn.
Nhưng đến một tuổi nào đó, vào những thời khắc lắng lòng hiếm hoi nào đó, đọc thơ Quách Tấn, chúng ta sẽ khám phá ra những huyền nhiệm ủ kín bên trong những vần thơ tưởng như đơn giản, lặng lẽ và hiu quạnh.
Trước sau thơ Quách Tấn vẫn vậy: khe khẽ, nhẹ nhàng, êm đềm, rù rì một giọng tâm tình. Trước bao nhiêu điều rối rắm bất như ý của nhân sinh, thi sĩ không cao giọng hô hào những giải pháp dứt khoát, những kế hoạch vĩ đại, những con đường thoát hiểm tức thời, những liều thuốc trị bá chứng.
Quách Tấn không làm công việc những anh “Sơn đông mãi võ” trên sân khấu chính trị và chợ chữ nghĩa. Quách Tấn chỉ nhắc nhở cho những người chịu bình tâm nghe ông những điều đơn giản nhưng là điều cốt lõi. Hiểu được ông tức là nắm được chìa khóa để “mở” một số ưu tư. Chẳng hạn chìa khóa để “mở” vấn đề sinh diệt:
Những nấm mồ
Gò xanh vun nấm cỏ
Ghi dấu thời gian qua
Chửa nhạt niềm tâm sự
Âm thầm xuân nở hoa
Chìa khóa để “mở” vấn đề họa phúc:
Vườn hồng
Vườn hồng vang tiếng sẻ
Gió thổi mặt trời lên .
Hương ấm hoa hàm tiếu
Con sâu già ngủ quên
Và nhiều nhất trong thơ ngũ ngôn Quách Tấn là những cánh cửa mở vào rừng Thiền. Như:
Vầng trăng
Say vượt sóng trùng dương
Vàng tan vô số ảnh
Đọng lòng giọt thu sương
Minh châu tròn lóng lánh
hoặc trong bài Thoáng Hiện:
Nghìn xưa không còn nữa
Nghìn sau rồi cũng không
Phảng phất bờ trăng rạng
Hương Ưu đàm trổ bông.
Những điều Quách Tấn nhắc nhở không có gì mới lạ. Đó chỉ là những điều chúng ta “đã biết” nhưng “đã quên”.
Chúng ta vừa trải qua cơn bão lớn cũng chỉ vì quên. Quên rằng hoa vẫn nở âm thầm trên những nấm mồ xanh cỏ. Quên tiếng chim sẻ gọi bình minh dưới vòm lá mận. Quên con bướm vàng loay hoay tìm chỗ đậu trên ngọn mướp đong đưa. Quên thân ái nhìn thẳng vào mắt nhau. Và quan trọng hơn hết, là quên nhìn thẳng vào mắt mình, hay nói như ngôn ngữ nhà Phật, “bản lai chân diện mục”. Có lẽ đó là điều khẩn thiết hơn hết, vấn đề “mãi còn” theo ý thơ Quách Tấn:
Hoa quỳnh nở nửa đêm
Hoa phù dung một buổi
Nghìn trước tiếp nghìn sau
Mắt nhìn nhau một tối.
Trên đây là những gì tôi ghi nhận được khi đọc lại thơ một thi sĩ thuộc thế hệ của ba tôi. Thêm vào đó là tiếng nói thân ái của một người đồng hương đáng kính. Thơ Quách Tấn, đối với tôi, lúc nào cũng êm ái nhẹ nhàng như những lời ru. Từ lời ru đó, năm nay, hiện ra trước mắt tôi những khám phá mới, những bí nhiệm mới. Xin chia sẻ với bạn đọc những cảm nhận được từ thơ Quách Tấn như một món quà xuân đạm bạc.
N. M. G.